Michael G. Cotter



Ngô Bắc dịch



     Tiến xuống miền Nam, hay Nam Tiến [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch], là một đề tài quan trọng của lịch sử Việt Nam.  Các đề tài khác, chẳng hạn như ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa hay sự phát triển một quốc gia độc lập sau thế kỷ thứ mười, trong đường hướng của chúng, cũng quan trọng y như đề tài Nam Tiến trong việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam.  Tuy nhiên, Nam Tiến có tính chất độc nhất, bởi nó vượt qua nhiều thời kỳ khác nhau trong lịch sử Việt Nam – thời tiền Trung Hoa, thời lệ thuộc Trung Hoa, thời độc lập, thời thuộc đia và hiện đại – mỗi giai đoạn có chủ điểm riêng của nó.  Cuộc Nam Tiến cũng quan trọng bởi nó cung cấp cơ hội để tìm hiểu lịch sử Việt Nam trên các đề tài của chính nó chứ không phải như một bộ phận, thí dụ, của lịch sử thời thuộc địa Pháp.  Bất kể tầm quan trọng mà tác giả bài viết này tin tưởng nó có trong mình, bước tiến xuống miền nam tuy vậy không là đề tài của sự điều tra sâu rộng và của các ấn phẩm.  Chỉ có một ít các học giả, chẳng hạn như Pierre Gourou và Lê Thành Khôi, có cái nhìn vượt quá khuôn khổ thông thường của các nhật kỳ, các triều đại, và các cuộc chiến tranh để nêu ý kiến về sự hiện hữu của các sự thay đổi trong lịch sử Việt Nam phát sinh từ sự mở rộng các khu định cư tại vùng đất mới. (1)

     Một phần của lý do về sự chú ý hiếm hoi đến lịch sử xã hội của cuộc Nam Tiến là vì, cho đến khi chấm dứt của kỷ nguyên chủ nghĩa thực dân, đã có sự thiếu vắng, ít  quan tâm đến lịch sử của một dân tộc bị trị.  Tuy nhiên, ngay đến thời gần đây, các học giả viết về cuộc Nam Tiến đà nhấn mạnh đến các khía cạnh về sự kiện và niên biểu mà lơ là về lịch sử xã hội của nó.  Thí dụ, bài viết cu/a Tiến Sĩ Phùng văn Dan [?] phần lớn là một sự liệt kê các diễn biến của cuộc Nam Tiến theo thứ tự niên lịch. (2) Bài viết của ông Từ Nguyên [?] bao hàm cuộc Nam Tiến từ các thời đại trước khi lệ thuộc Trung Hoa cho đến thập niên 1840, nhưng tập trung vào việc trình bày các biến cố chính trị và quân sự. (3) Trong khi hữu ích về một khía cạnh, các bài viết loại này bỏ sót lịch sử xã hội – một chiều kích của bản anh hùng ca dân tộc đã bị lãng quên song lại liên hệ nhiều hơn với các mục đích của sử học.

     Trái với lịch sử sự kiện được quen thuộc nhiều về các cuộc chiến tranh, các ông vua, và các nhật kỳ trong suốt cuộc Nam Tiến, lịch sử xã hội ít được biết đến là một tài liệu ghi nhận sự bành trướng, định cư và biến đổi xã hội.  Nó cho thấy làm sao một xã hội tại vùng biên cương đang mở rộng dựa vào sức mạnh quân sự để tiến bước và củng cố tuyến định cư, sử dụng nhiều nhóm chủng tộc khác nhau hầu ổn định xã hội biên cương, và vứt bỏ hay duy trì các đặc điểm của xã hội nơi quê quán.  Liên hệ đến khía cạnh sau cùng này, nhiều sự phát triển của xã hôi vùng biên cương của Việt Nam có thể được bộc phát ra, bởi một số đặc tính diễn ra tại miền Nam và miền Trung chỉ thay đổi rất ít so với các tính chất của xã hội miền Bắc, trong khi các đặc tính khác lại biến cải rõ nét. (4)  Lòng trung thành với gia đình và tình quyến luyến với làng xã của một người, thí dụ, vẫn còn là các đặc điểm quan trọng của xã hội Việt Nam trên toàn đất nước, nhưng tiêu chuẩn để xác định các mối quan hệ trong gia đình đã thay đổi.  Nền nông nghiệp lúa nước và sự định cư tại những khu vực đất thấp (bình nguyên) cũng từng là các đặc tính quan trọng của xã hội Việt Nam, trong khi mô thức định cư làng xã trở nên trải rộng hơn và kích thước đất đai sở hữu trở nên lớn hơn tại miền Nam so với miền Bắc.

     Các sự thay đổi trong xã hội biên cương Việt Nam đã xảy ra từ ba loại ảnh hưởng chính: hiệu quả của một môi trường vật thể mới, sự tiếp xúc với những người không phải là Việt Nam, và sự sụp đổ của truyền thống khi thời gian trôi qua và khi người Việt Nam di chuyển xa quê quán hơn nữa.  Bài viết này sẽ trình bày vài thí dụ khác nhau về cách như thế nào mà mỗi loại ảnh hưởng này đã biến đổi xã hội Việt Nam từ một xã hội ràng buộc với truyền thống và biệt lập, như được tiêu biểu bởi xã hội tại miền Bắc cho mãi đến gần kỷ nguyên thực dân, sang một xã hội cởi mở hơn tại miền Nam.  Chủ đích khi viết bài này không nhắm mấy đến việc soi sáng các nguồn tài liệu mới cho việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam, mà đúng hơn để trình bày việc làm thế nào một đề tài bị lãng quên về lịch sử xã hội Việt Nam lại có thể được học hỏi bằng cách sử dụng các nguồn tài lieu thông thường sẵn có.


***


     Không thể nào đưa ra một nhật kỳ xác định cho sự bắt đầu cuộc bành trướng biên cương tại Việt Nam, bởi sự bành trướng của Việt Nam thực sự khởi đầu trong thiên niên kỷ trước thời Hán thuộc, khi tổ tiên của người Việt Nam di dân vào vùng Bắc Việt Nam ngày nay.  Tuy nhiên, trong bài viết này, thế kỷ thứ mười sau Công Nguyên sẽ là điểm khởi đầu cho sự thảo luận.  Nhật kỳ này nhìn chung không phải là một sự lựa chọn giả tạo, bởi Việt Nam đã dành được “nền độc lập” từ Trung Hoa năm 938, thiết lập triều đại đầu tiên trong vài gia tộc cầm quyền – nhà Ngô – trong cùng năm đó, và đã đoạt thắng lợi đầu tiên trước người Chàm ở phương nam, vào năm 982.  Liên hệ hơn đến các mục đích của bài này, vào thế kỷ thứ mười, xã hội Việt Nam đã khởi sự phát triển các tài nguyên cần thiết để hỗ trợ cho một dân số thặng dư, để khích lệ sự xuất cảnh, và để chống đỡ cho sự bành trướng.  Các tài nguyên này bao gồm nhiều sự thay đổi khác nhau được du nhập bởi người Trung Hoa, điều quan trọng nhất trong các sự thay đổi chính là ý niệm về một chính quyền hành chánh trung ương và sự phát triển một nền kinh tế thặng dư dựa trên sự thâm canh của lúa nước vùng bình nguyên. (5)

     Sự hiện hữu của các tài nguyên thuận lợi cho sự bành trướng tuy thế tự chúng không chỉ cho thấy các lý do cho sự bành trướng của Việt Nam.  Một lý do cho sự bành trướng là sự bất ổn về chính trị phát sinh từ những cuộc nổi dậy chống lại sự cai trị của Trung Hoa, và, sau khi có sự chấm dứt sự đô hộ của Trung Hoa, một thế kỷ nội chiến làm bật gốc các gia đình và làng xã.  Một lý do khác là nhu cầu thiết lập các thuộc địa phòng thủ dọc biên giới phía nam giáp xứ Chàm và vùng đồi núi.  Một lý do sau cùng, và là lý do xem ra chỉ được đề cập đến một cách tổng quát trong số tài liệu hiếm hoi về cuộc Nam Tiến, là áp lực dân số.  Không có đủ tin tức đáng tin cậy để kết luận rằng áp lực dân số trong thực tế đã bắt buộc người Việt Nam phải xuất cảnh từ vùng đồng bằng sông Hồng; ngay cuộc nghiên cứu gần đây nhất cũng chỉ mới được thực hiện vào năm 1938, và nó kết luận rằng chỉ có rất ít sự kiện được hay biết về nhân khẩu sử học của khu vực. (5)  Cho đến khi có nhiều sự nghiên cứu nữa được thực hiện về vấn đề này, người ta chỉ có thể tổng quát hóa về yếu tố áp lực dân số.  Các sự tổng quát hóa này không có chủ đích làm nhẹ bớt vấn đề áp lực dân số như một lý do cho sự xuất cảnh của người Việt Nam, mà đúng hơn để giúp việc định lại tiêu điểm cho các cuộc điều tra tương lai cần phải thực hiện sau khi khảo sát bằng cớ khảo cổ mới và tái lượng giá các văn bản lịch sử.  Tuy nhiên, có thể là trong thế kỷ thứ mười, ngay cả sau khi các sự cải tiến đã được du nhập bởi người Trung Hoa, trình độ kỹ thuật Việt Nam chưa đủ cao để giúp Việt Nam duy trì được một cách thích đáng, dân số tại vùng đồng bằng và rằng điều này bắt buộc người Việt Nam phải xuất cảnh.  Thứ nhì, dải đất của vùng đồng bằng nhỏ hơn diện tích ngày nay khá nhiều, các khu vực gần biển đã được bồi đắp bởi đất phù sa trong khoảng nhiều thế kỷ.  Cả hai tác giả Henri Maspéro và Pierre Gourou đều cho thấy rằng đất đai đã lấn chiếm ra biển và rằng các khu vực ngày nay có người cư trú từng là vùng đầm lầy và không thể cư ngụ được, nếu không phải là còn ngập nước trong thế kỷ thứ mười. (7)

     Thay vì nại dẫn áp lực dân số như một lý do của sự di dân ra khỏi vùng đồng bằng Sông Hồng, khi đó người ta phải quy chiếu một cách dè dặt cho trình độ kỹ thuật và số lượng đất trồng trọt được và đất đai không thể cư ngụ được. 

     Các mối quan hệ Việt Nam – Chàm sau thế kỷ thứ mười đã được ghi chép theo niên lịch một cách kỹ lưỡng với các nhật kỳ của các cuộc chiến và về sự tiến bước của người Việt Nam dọc theo bờ biển, và không cần phải bổ túc nơi đây về việc này.  Điều ít được biết hơn về những quan hệ này là các đặc điểm của cuộc Nam Tiến, và xã hội biên cương được phát triển tại các bình nguyên duyên hải dọc theo biển Nam Hải.  Trong vòng vài thế kỷ đầu tiên sau khi có sự chấm dứt chế độ đô hộ của Trung Hoa, các sự bành trướng vào đất Chàm xem ra đã xảy ra ở các thời khỏang cách xa nhau:  các nhật kỳ được biết đến nhiều trong sự thụ tạo đất đai của Việt nam, thí dụ, là các năm 1069, 1307, 1471, 1611, 1653 và 1693.  Cho đến thế kỷ thứ mười sáu, các nhà lãnh đạo Việt Nam xem ra không để ý mấy đến vấn đề cụ thể của sự mở rộng vào đất Chàm.  Họ đã bổ nhiệm các quan tổng trấn quân sự vùng biên cương với phẩm trật kinh lược sứ (viceroy) [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch]; lưu giữ các viên chức Chàm trong chính quyền ở một số vùng; và thiết lập các thuộc địa quân sự và lao tù khổ sai nhằm củng cố các vùng đất thu đạt được, để cung cấp sự trợ giúp cho các cuộc viễn chinh, và để làm nhẹ bớt áp lực dân số. (8)  Xuyên qua phần lớn thời gian này, sự kiểm soát tối hậu trên sự bành trướng vẫn còn nằm trong tay các nhà vua Việt Nam.  Dù thế, vào năm 1558, Chúa Trịnh đã cố vấn cho vua Lê để bổ nhiệm ông hoàng Nguyễn Hoàng làm tổng đốc các tỉnh duyên hải.  Các trách nhiệm của ông bao gồm sự tố chức các tuyến phòng vệ và thực dân hóa khu vực. (9) Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ, các quan hệ giữa hai phe họ Trịnh và Nguyễn trở nên căng thẳng, và họ Nguyễn đã bắt đầu hứớng sự chú tâm đến miền nam.  Năm 1626, họ Nguyễn cắt đứt các quan hệ với triều đình mà họ tin rằng bị khống chế bởi họ Trịnh, và bắt đầu cai trị các tỉnh miền nam với quyền hạn riêng của họ. (10)  Cả hai biến cố -- sự bổ nhiệm một nhà quý tộc để cai quản khu vực biên cương và sự đoạn giao sau này các quan hệ với vùng đất trung tâm -- đã là các sự tách rời triệt để khỏi các khuôn mẫu của lịch sử Việt Nam.  Bởi việc cắt đứt với quá khứ và thiết lập một chính phủ tại vùng biên cương không bị hạn chế bởi triều đình miền bắc, nhà Nguyễn đã giúp vào việc bảo đảm cho sự sống còn của cuộc Nam Tiến của họ.

     Chính quyền biên cương của nhà Nguyễn nhất định hãy còn sơ sài trong sự tổ chức của nó so với chính quyền của các nhà lãnh đạo Việt Nam trước đó.  Mặc dù không có sự thống kê dân số đáng tin được cung cấp, dân số trong khu vực nhà Nguyễn chắc chắn ít hơn khu vực của Chúa Trịnh – Vua Lê ở ngoài bắc; nhà Nguyễn có ít các viên chức trải qua huấn luyện hơn, và sự kháng cự của dân Chàm đối với sự bành trướng của Việt Nam và các cuộc tấn công gần kề của họ Trịnh đe dọa sự ổn định của chính quyền mới cho mãi đến thập niên 1670.  Nhà Nguyễn theo đó đã thích nghi cơ cấu tổ chức của họ.  Họ đã giảm bớt số bộ trong chính quyền từ 6 bộ của triều đình nhà Lê xuống còn ba bộ: bộ lễ & thị vệ hoàng gia, bộ thu thuế [tức bộ hộ, chú của người dịch] & tiếp liệu binh sĩ cấp tỉnh, và bộ hành chánh tổng quát & tư pháp [tức gom hai bộ lại và bộ hình làm một, chú của người dịch].  Họ đã tuyển mộ người từ các tầng lóp thấp hơn – những kẻ bị gạt ra ngoài bởi chính quyền vua Lê – và các viên chức Chàm để tham dự vào chính quyền. (11) Sau hết, họ đã xây dựng chính quyền này xoay quanh tổ chức quân sự.  Liên quan đến khía cạnh đó, hai trong ba bộ trong chính quyền đã được giao phó một chức năng quân sự: các thuộc địa quân sự cung cấp các phương tiện chính yếu cho sự bành trướng và định cư; và mặc dù chúng ta thiếu các con số về dân số, số lượng binh sĩ được ước lượng bao gồm một tỷ lệ đông đảo trong dân số. (12) Các đặc tính này trong chính quyền biên cương của nhà Nguyễn, khởi sự từ nhu cầu, vẫn còn là một đặc điểm của chính quyền nhà Nguyễn khi nó chỉ huy cuộc tiến bước xuống miền Nam.

     Xã hội Việt Nam vùng biên cương dọc theo bờ biển miền Trung còn giữ lại các yếu tố căn bản của xã hội tại miền Bắc – nền nông nghiệp lúa nước, các làng xã có mật độ dân định cư cao, và sự tự túc địa phương.  Sự bành trướng từ từ và liên tục bởi các nhóm dân định cư dưới sự kiểm soát của chính quyền đã giúp vào việc bảo tồn các truyền thống làng xã và tình liên đới gia đình.  Môi trường vật lý của vùng duyên hải cũng góp phần vào việc tăng cường các đặc tính xã hội truyền thống: các núi đồi phía tây ngăn cản người Việt rời bỏ các khu vực đồng bằng duyên hải, và “các túi đồng bằng” duyên hải đã gây trở ngại cho sự phát triển mậu dịch duyên hải và giữ các làng xã ít nhiều bị cô lập y như các hàng rào tre đã tác động tại miền Bắc.  Hệ cấp trong làng tiếp tục bao gồm các bậc trưởng lão, các quan lại, và các viên chức hương thôn, các kẻ đã giữ lại ảnh hưởng của họ do việc nhận được quyền kiểm soát trên các thuộc địa như lãnh địa phong ấp tạm thời. (13)

     Các ảnh hưởng biên cương đã thay đổi một số khía cạnh của xã hội Việt Nam dọc theo bờ biển, bất kể các điểm tương đồng nêu trên với xã hội miền Bắc.  Phần lớn các sự biến đổi là hậu quả của môi trường mới.  Các nghề nghiệp hàng hải trở nên quan trọng hơn – mặc dù chỉ có 1/20 người trong dân số Việt Nam tại Trung Việt kiếm sống bằng ngư nghiệp (14) – các cánh đồng trồng lúa được thiết kế trên nền đất cao xếp thành tầng (terraced lands) (15) và các khuôn mẫu định cư thành làng được thích ứng để cho phép có sự tiếp cận với biển.  Trái với các làng ở miền Bắc, thường được thiết kế tránh xa các luồng lũ lụt của các con sông, các làng tại miền Trung thường tọa lạc trên đỉnh của các tuyến có gò đất cao hay dọc các bờ sông. (16) Sự tiếp xúc với người Chàm – cũng phản ảnh sự thay đổi của môi trường – đưa đến sự du nhập các kỹ thuật canh nông mới, chẳng hạn như việc trồng lúa trên nền đất cao xếp thành tầng và sự sử dụng guồng đạp nước bằng chân để đưa nước lên các vùng đất cao hơn.

     Xã hội Chàm cũng không thể trụ được trước sự tiến bước của người Việt Nam trong nhiều thế kỷ.  Người Chàm, phần lớn là dân đi biển, đã thất bại trong việc phát triển một xã hội lúa nước với tài tổ chức và sức linh hoạt của người Việt Nam.  Đa số người Chàm đã bị hạ sát, đánh đuổi, hay đồng hóa bởi người Việt Nam: chỉ còn lại khoảng 28,000 người Chàm trong một dân số đuợc đếm gồm 30,000 gia đình hồi thế kỷ thứ mười một. (17)  Người Việt Nam đã áp đặt kiểu tố chức làng xã của chính họ trên nhiều thôn ấp được quản trị bởi các nhân sĩ được bàu cử dưới quyền một xã trưởng [cũng] được dân cử.  Các viên chức Chàm được lưu dụng bởi chính quyền nhà Nguyễn đã phải mặc y phục quan lại Việt Nam.  Tuy thế, người Chàm có giữ lại một số nét văn hóa của họ, kể cả các tín ngưỡng tôn giáo, các khuôn mẫu thân thuộc theo mẫu hệ, cách thức trồng lúa không thâm canh. (18)  Tính tuyển lọc của sự thay đổi chính vì thế đã phản ảnh ảnh hưởng tổng quát của cuộc Nam Tiến của người Việt Nam trên người Chàm: một sự thống trị chính trị và kinh tế, với ít sự quan tâm hơn về đời sống xã hội và tôn giáo của người Chàm.


***


Từ lâu trước khi có sự sáp nhập sau cùng đất đai của Chàm năm 1693, người Việt Nam đã khởi sự tiến vào các khu vực của dân Khmers tại đồng bằng phương Nam.  Không giống những đất đai nơi mà người Việt nam đã phát xuất, khu vực này có đất đai khả canh hơn nhiều và các thủy lộ dày đặc, tạo thành bởi ba con sông chính – sông Cửu Long, sông Vai-co [? Vàm Cỏ], và sông Sàigòn – và các con lạch và kinh đào giăng mắc với nhau.  Xã hội Khmers cũng tương đồng trong một số khía cạnh với xã hội Việt Nam, bởi cả hai đều đặt căn bản trên lúa nước, đã có một chính quyền có nền hành chánh thư lại, và mang một lịch sử sáng chói và lâu dài.  Tuy nhiên, không giống như Việt Nam, vào khoảng thế kỷ thứ mười bẩy người Khmers vẫn đang sống với các sự vinh quang quá khứ, và triều đình tại Nam Vang [(?), khi đó  Nam Vang chưa phải là thủ đô của Khmer, chú của người dịch] bị phân hóa bởi phe nhóm và nằm dưới ảnh hưởng của Xiêm La.  Ảnh hưởng của Việt Nam tại triều đình Khmer khởi sự từ năm 1620, với cuộc hôn phối giữa một nàng công chúa Việt Nam với nhà vua Khmer, vua Chey Chetta II.  Ba năm sau, nhà vua Khmer đã cho phép các dân định cư và buôn bán Việt Nam được di chuyển vào khu vực gần Sàigòn ngày nay.  Từ đó cho đến cuối thế kỷ, người Việt Nam tiếp tục can dự vào chuyện của Khmer bởi có luồng nhập cư Việt Nam và áp lực của họ trên trên đất đai do người Khmer sở hữu và bởi sự vô khả năng của chính phủ Khmer để điều hành các công việc của mình.  Giai đoạn bành trướng này của người Việt Nam lên đến đỉnh cao vào năm 1698 với sự thiết lập chức kinh lược sứ (viceroyalty) tại các tỉnh quanh khu vực Sàigòn ngày nay.  Trong giai đoạn kế tiếp, cuộc định cư và mở rộng sự kiểm soát của Việt Nam gia tăng, và vào khoảng 1780 Việt Nam đã kiểm soát phần lớn lãnh thổ nằm trong ranh giới hiện nay.  Giai đoạn bành trướng sau cùng sau năm 1789, và còn tiếp tục ngay cho đến giờ đây, bao gồm các đất đai định cư nằm trong cac ranh giới của xứ sở và sự mở rộng đất đai được khai khẩn để canh tác.  Trong phần lớn thời kỳ này, người Khmer bị đẩy khỏi làng mạc của họ, rút về phía Căm Bốt hay vào các khoảnh đất gần biển.  Có lẽ chỉ có sự bảo hộ của Pháp mới cứu được họ khỏi sự tiêu diệt hay đồng hóa. (19)

     Các lý do cho sự bành trướng của Việt Nam vào đồng bằng phương Nam thì khác nhau tùy theo mức độ quan tâm.  Chính quyền nhà Nguyễn đã nhìn khu vực này như vùng đất trồng lúa phì nhiêu và trải rộng hơn khu vực dọc theo bờ biển miền Trung.  Họ cũng nhìn thấy nó như một khu vực để tái định cư các binh sĩ nhà Trịnh bị bắt giữ, các người tỵ nạn trong các cuộc chiến tranh với nhà Trịnh, và những kẻ không thể kiếm sống dọc bờ biển thường bị mưa bão.(20)  Các nông dân nhận thấy đó là một vùng đất nhiều hứa hẹn nơi mà họ có thể khởi sự một cuộc sống mới.  Từ quan điểm chính trị, các nhà lãnh đạo họ Nguyễn nhận thấy thực sự họ không tránh khỏi việc bị lôi kéo vào khoảng trống quyền lực của Khmer: điều này đặc biệt xảy ra trong thế kỷ thứ mười chin, họ khi giành được đất đai như các khoản đền bù cho các biến cố tại biên giới từ phía Khmer – thường bị khiêu khích bởi phía Việt Nam (21) – hay như khoản trả ơn cho việc trợ giúp để giải quyết các cuộc tranh chấp nội bộ của Khmer. (22)

     Các đặc tính của chính quyền biên cương nhà Nguyễn được phát triển từ giữa thế ký thứ mười sáu tiếp tục hiện diện trong suốt cuộc bành trướng xuống miền Nam.  Đặc tính thứ nhất là quyền lực quân sự, bởi tình hình chính trị bất ổn khiến cho nhà Nguyễn cần phải duy trì sức mạnh quân sự tại miền Nam; ngay từ năm 1674, một đội quân biệt phái của Việt Nam từ Khánh Hòa đã đi sang Nam Vang [?, khi đó Nam Vang chưa phải là thủ đô của Căm Bốt, chú của người dịch] để giúp nhà vua Khmer giữ vững ngai vàng.  Ngoài sự bất ổn chính trị của Khmer, các sự tranh chấp giữa dân Khmer và dân Việt Nam sang xâm lấn đòi hỏi sự hiện diện của binh sĩ Việt Nam để duy trì trật tự -- mặc dù là có lợi cho dân định cư Việt Nam. (23)  Trong suốt thời khởi nghĩa Tây Sơn, từ 1773 đến 1802, Chúa Nguyễn Ánh đã xây dựng chính quyền lưu vong của ông tại miền Nam chung quanh một đội quân hùng mạnh cuối cùng đã đánh bại nhà Tây Sơn.  Các thuộc địa quân sự có lẽ đã là định chế chính quyền quan trọng nhất trong suốt cuộc bành trướng xuống phương Nam. (*a) Các triều đại Việt Nam trước đây đã áp dụng thuộc địa quân sự trong suốt cuộc bành trướng xuống bờ biển miền Trung và như một sự phòng vệ chống lại các dân tộc miền núi, nhưng nó đã không được áp dụng một cách thành công tại miền Nam mãi cho đến sau năm 1789, khi Nguyễn Ánh trở lại từ cuộc lưu vong sang Xiêm La và chiếm lại được miền Nam.(24) Trong suốt thế kỷ thứ mười chín, các hoàng đế nhà Nguyễn tiếp tục dựa vào các thuộc địa quân sự; họ đã xây dựng một “màng lưới các thuộc địa quân sự bao trùm Nam Kỳ vào giữa thế kỷ thứ mười chín và đã bị giải tán bởi cuộc chinh phục của người Pháp.” (25) Ngay cả sau khi có sự thiết lập chế độ cai tri thực dân, người Pháp đã giữ lại các thuộc địa quân sự mãi cho đến năm 1867, khi họ tố chức một đội dân quân thuộc địa. (26)

     Đắc tính thứ nhì của chính quyền biên cương của nhà Nguyễn – sự sử dụng các người không phải Việt Nam và người Việt Nam thuộc tầng lớp thấp – cũng tiếp tục trong suốt cuộc bành trướng xuống phương Nam.  Nhóm quan trọng nhất trong loại này là các người tỵ nạn Trung Hoa (Minh Hương) vốn là những kẻ đã trốn chạy triều đình Mãn Châu, đến Huế ở những thời điểm khác nhau sau năm 1636 và đến miền nam, gần Biên Hòa và Mỹ Tho ngày nay, cho mãi đến tận vào năm 1683. (27)  Tuy nhiên, thuộc địa người Trung Hoa lớn nhất và quan trọng nhất là ở Hà Tiên, và chính những dân định cư Trung Hoa này đã đóng một vai trò quan trọng lớn lao trong cuộc chinh phục miền Nam của người Việt Nam.  Trong suốt thế kỷ thứ mười tám, kẻ lãnh đạo, ông Mạc Cửu, và các con trai của ông đã phối hợp với nhà Nguyễn để phân chia lãnh thổ Khmer; vào năm 1757, để đổi lấy việc giúp đỡ giải quyết các cuộc tranh chấp trong triều đình Khmer, các tổng trấn họ Mạc đã tiếp nhận toàn thể vùng đất tây nam của sông Bassac cho đến Kampong Som trên bờ vịnh Xiêm la. (*b) Các nhà lãnh đạo nhà Nguyễn cũng lưu dụng các viên chức Khmer trong chính quyền tại một số khu vực cho đến khi kết thúc thời trị vì của hoàng đế Gia Long. (28) Sau hết, người Việt Nam đã tuyển dụng một nhóm nhỏ các chiến thuật gia và các kỹ sư người Pháp trong suốt thời kỳ Tây Sơn để trợ giúp Chúa Nguyễn Ánh dành lại ngôi vua bằng việc huấn luyện quân đội nhà Nguyễn và thiết kế các tàu có trang bị súng đại bác và các thành trì. (29)

     Đời sống biên cương đã tác động đến xã hội của miền Nam Việt Nam trong nhiều cách, phần lớn trong chúng làm suy yếu các ràng buộc cổ truyền và dẫn đến một xã hội cởi mở hơn.  Các làng xã ít khi được định cư một cách cô đọng như tại miền Bắc và miền Trung, mà được vươn dài dọc thep các thủy lộ, vốn là các đường giao thông chính yếu.  Khuôn mẫu định cư theo đường dài loại này đã phản ảnh không chỉ ảnh hưởng của môi trường mà còn phá vỡ các truyền thống làng xã theo giòng thời gian. (30) Không giống như các làng xã ở những khu vực cổ truyền hơn, vốn thực sự là các đơn vị chính trị, xã hội, và kinh tế tự lập, các làng xã miền Nam thì mở cửa cho các lực lượng bên ngoài, và các hoạt động xã hội, kinh tế, và tôn giáo không còn có tính cách quy tâm về làng nữa. Các mối quan hệ gia đình cũng trở nên yếu hơn bởi sự sụp đổ của các truyền thống.  Các gia đình mới định cư ít đặt sự nhấn mạnh vào các bổn phận đối với tổ tiên theo truyền thống – việc lưu giữ gia phả, các câu khấn bái tại bàn thờ tổ tiên, và sự tụ họp vào các ngày giỗ tưởng nhớ sự từ trần của các bậc tiền nhân (31) – so với người dân Việt ở miền Bắc.  Sự suy sụp trong các truyền thống làng xã và gia đình và tính lưu động của gia đình gia tăng cũng làm suy yếu hệ cấp gia đình.  Người con trai cả không còn luôn luôn nhận được ngôi nhà gia tộc và phần đất đai hương hỏa [tiếng Việt trong nguyên bản bên cạnh Anh ngữ: patrimony, chú của người dịch], mà đã đi ra khỏi nhà để khởi dựng chi tộc riêng của mình (patrilineage).  Trong các trường hợp như thế, người con ở lại nhà – thuờng là con út và không nhất thiết phải là con trai – sẽ thừa kế ngôi nhà gia tộc, trong khi một “thành viên tốt thuộc bên nội của gia tộc sẽ được chọn lựa để làm kẻ gìn giữ đất thờ tự (hương hỏa). (32) (*c)

     Các cách thức sinh hoạt tại miền Nam đã phản ảnh một lưu động tính gia tăng, sự suy sụp trong truyền thống, và các sự thay đổi trong khí hậu.  Các ngôi nhà tranh đã thay thế cho hỗn hợp đất bùn và tranh được dùng trong việc xây cất nhà cửa của miền Bắc, trong khi tre hay gỗ nhẹ được dùng làm khung nhà, sau này tạo dễ dàng trong việc tháo gỡ ngôi nhà khi di chuyển.  Sự xây cất nhà ở đã quay trở về loại nhà đơn giản, cổ điển (nhà rời) [?,tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch] với sườn nhà đơn giản và cách xây dựng không phức tạp của nó, không cần đến việc làm của thợ chuyên môn.  Ngôi nhà trở nên nơi trú ngụ hơn là một ngôi từ đường thờ cúng tổ tiên, và các truyền thống lâu đời trong hàng thế kỷ thường bị coi nhẹ.  Không còn cần thiết để xây cất ngôi nhà với số gian (buồng) mang số lẻ, để cung cấp phòng riêng biệt cho phụ nữ, hay phải thiết kế ngôi nhà sao cho nó phải quay mặt về hướng nam. (33) Dù thế, người Việt Nam vẫn giữ lại một đặc tính chính yếu của sự xây cất nhà ở, ngay dù trong môi trường sông rạch này: họ tiếp tục xây nhà của họ trên nền đất, không phải trên cọc (trụ) – một điểm trái ngược với các ngôi nhà Khmer và Chàm. (34)

     Sự vay mượn văn hóa phản ảnh hợp phần chủng tộc của xã hội biên cương và đã trợ lực vào việc phá bỏ các truyền thống của xã hôi Việt Nam.  Một số khuôn mẫu văn hóa Việt Nam, chẳng hạn như ngôn ngữ và y phục, được áp đặt trên người không có gốc Việt tộc bởi sắc lịnh chính trị hay sự ưu thắng về dân số.  Hoàng Đế Minh Mạng, trong một sự đảo ngược chính sách của Hoàng Đế Gia Long, đã thiết định các chính sách cưỡng bách đồng hóa các nhóm dân thiểu số và đã thay thế các quan chức Khmer bằng người Việt. (35) Mặt khác người Việt Nam đã chấp nhận các từ và nhóm từ của các ngôn ngữ Khmer, Trung Hoa, và sau này, Pháp ngữ; một sự nghiên cứu sự vay mượn này có thể chỉ cho thấy các loại tiếp xúc giữa các người dân này.  Nhiều tên Việt Nam đặt cho các tỉnh và địa điểm đến từ danh xưng gốc Khmer: “Sa Đéc” đến từ “Phsar-dek”, “Cà Mau” đến từ “Tuk-Khmau”, và “Mỹ Tho” đến từ “Me-sa”. (36)  Các ngôn ngữ Việt Nam và Trung Hoa, dĩ nhiên, có nhiều liên hệ về nguồn gốc; và một cuộc nghiên cứu về các ngữ căn tiếng Hoa và các từ vay mượn được sử dụng bởi người dân miền Nam Việt Nam, chứ không phải bởi người dân Bắc hay Trung Việt, chắc chắn sẽ cho thấy các tác động của các sự tiếp xúc biên cương.  Một loại vay mượn văn hóa khác bởi người Việt Nam bao gồm các nông cụ và thực phẩm có nguồn gốc Khmer, (37) dược phẩm có nguồn gốc Trung Hoa và Khmer, (38) và các lãnh vực khác nhau trong các nghệ thuật.

     Các mảnh đất sở hữu tại miền Nam trở nên lớn hơn so với miền Bắc và miền Trung, nơi mà ít có đất đai được cung cấp hơn và phương thức lâu hàng thế kỷ về việc phân chia đồng đều mảnh đất làm hạn chế kích thước của chúng.  Khi dân định cư di chuyển đến khu vực nằm giữa sông Cửu Long và sông Sàigòn, trong khoảng thập kỷ 1770, kích thước đất sở hữu của một nông dân tùy thuộc vào số đất mà gia đình có thể canh tác và trên đó họ trả các sắc thuế được tài định tùy theo diện tích của phần sở hữu. (39) Mặc dù không có con số được cung cấp về kích thước đất sở hữu thời kỳ trước Pháp thuộc, các thống kê được đưa ra bởi Gourou trong năm 1940 cho thấy kích thứớc trung bình (moyenne) [có kèm tiếng Pháp trong nguyên bản, chú của người dịch] đất sỡ hữu tại đồng bằng miền Bắc là 1.2 mẫu tây (hectare) trên mỗi sở hữu chủ, trong khi số trung bình tại miền Nam là 9 mẫu tây. (40) Bởi vì con số sau tượng trưng cho miền Nam như một toàn thể và vì thế bao gồm các mảnh đất rộng lớn được sở hữu bởi các tổ hợp, sự chênh lệch giữa miền bắc và miền nam không nên được xem là quá cách xa đến như thế.  Các con số gần đây của Hendry từ một ngôi làng tại vùng sản xuất lúa gạo tại miền Nam cho thấy số sở hữu trung bình của tất cả các điền chủ là 7.2 mẫu tây, và nếu phần sở hữu lớn nhất được bỏ ra ngoài, số trung bình sẽ giảm xuống còn 4.7 mẫu tây. (41) Nếu các con số trung bình được lấy cho cả miền Bắc lẫn miền Nam, chúng sẽ cung cấp một cái nhìn xác thực hơn về kích thước khả dĩ so sánh được, nhưng điểm quan tâm ở đây là muốn chỉ cho thấy các tác động của một khuôn mẫu đã được thiết định lâu đời về sự sở hữu mảnh đất nhỏ so sánh với sự sở hữu đất đai tại một khu vực mới được định cư.

     Các tác động của biên cương trên tôn giáo ở Việt Nam là một ảnh hưởng quan trọng chỉ có thể đề cập vắn tắt nơi đây, bởi tôn giáo đóng một vai trò quá quan trọng trong đời sống người Việt Nam đến nỗi nó dễ dàng trở thành một đề tài cho nhiều bài nghiên cưu.  Cuộc nghiên cứu quan trọng nhất về tôn giáo Việt Nam là công trình của tác giả L.M. Cadière, người đã khảo sát đời sống tôn giáo tại miền Trung và miền Bắc. (42) Ông đã mô tả các thành tố cổ truyền: luân lý Khổng học, sự huyền bí của Đạo giáo, Phật Giáo Đại Thừa, và các tín ngưỡng dân gian của hai miền này.  Tuy nhiên, tại miền Nam, tôn giáo có tính cách hỗn tạp hơn điều mà Cadière đã mô tả; nó bao gồm một số các thành tố cổ truyền cộng thêm với các phần của Phật Giáo Tiểu Thừa và các tín ngưỡng khác của người Khmers và người Chàm.  Ngoài ra, ngay từ khởi thủy của các đạo Cao Đài và Hòa Hảo, hợp chất của tôn giáo tại miền Nam còn khác biệt hơn nữa so với bản chất của đạo giáo tại Bắc và Trung Việt Nam.


***


     Cuộc tiến bước xuống phía Nam của người Việt Nam là một sự di chuyển biên giới, mở rộng hơn bởi các áp lực dân số và các khoảng trống quyền lực chính trị và quân sự tại vùng biên cương.  Nó đã chuyển động trong một chiều hướng xác định bởi đất đai được cung ứng tại phía nam và bởi sự hiện diện của Trung Hoa tại phía bắc cùng đất đai và khí hậu khắc nghiệt bên phía tây.  Nó đã bành trướng trong nhiều hình thái khác nhau của sự chinh phục, của hiệp ước, và bởi sự việc khó khăn nhất trong việc thu thập tài liệu, sự thực dân hóa bởi các người xuyên qua biên giới.  Ba loại ảnh hưởng biên cương khiến cho xã hội thay đổi: tác động của môi trường vật thể mới, sự tiếp xúc với các sắc dân không có gốc Việt tộc, và sự sụp đổ của truyền thống khi xã hội Việt Nam di động xuyên qua thời và không gian.  Bất kể các ảnh hưởng này, xã hội Việt Nam vẫn giữ lại một số đặc tính căn bản của nó suốt từ miền Bắc xuống tới miền Nam: nó vẫn còn là một xã hội lúa nước, hướng về làng xã.  Xã hội Việt Nam trong thực tế có thể giữ lại các đặc tính này nhờ bởi cách thức theo đó làng xã và gia đình thích nghi với phương pháp thực dân hóa, có nghĩa, sự di dân theo các nhóm lớn hơn là từng gia đình biệt lập.  Tuy nhiên, chúng ta không nên giả định rằng người Việt Nam từ một miền có thể dễ dàng di chuyển sang miền khác, bởi các sự khác biệt trong bản chất tâm lý, các niềm tin tôn giáo, và thói quen dinh dưỡng có tạo ra các sự căng thẳng và các vấn đề điều chỉnh.  Các vấn đề của sự tái định cư dân tỵ nạn miền Bắc tại miền Nam sau năm 1954 cho thấy đầy bằng chứng về các khó khăn liên hệ.

     Bài viết này chỉ cứu xét sự phát triển của xã hội biên cương cho đến thời gian có sự chiếm đóng của Pháp mà thôi.  Nhiều khuynh hướng được nhận thấy trong thời kỳ tiền Pháp thuộc tiếp diễn trong thế kỷ sau đó và trong thực tế, còn đang tiếp tục đến ngày nay.  Dưới thời Pháp thuộc, sự nhấn mạnh đến sự sản xuất nông phẩm cho thị trường xuất cảng, cùng với các nỗ lực để tây phương hóa cơ cấu xã hội và chính trị, đã cản trở sự phát triển một xã hội cố kết (kết hợp chặt chẽ).  Trong suốt cuộc chiến tranh hiện nay [bài viết này được ấn hành tháng Ba năm 1968, khi đang có cuộc chiến tranh quốc-cộng tại Việt Nam, chú của người dịch] sự phân hóa xã hội này càng trở nên mau chóng hơn: các làng xã bị san bằng hay bỏ hoang vì sự an toàn của các thị trấn và các thành phố; các thành viên phái nam trong gia đình bị động viên vào trong các quân đội; chính các gia đình cũng bị phân tán; và các truyền thống tôn giáo và xã hội bị suy yếu dưới tác động của chủ nghĩa vật chất của phương Tây và thuyết định mệnh của chiến tranh.

     Bài viết này cũng để lại một vài điểm chưa giải đáp về cuộc Nam Tiến, đặc biệt về các vấn đề chẳng hạn như tính xác đáng của các áp lực dân số như là một lý do cho sự di dân, bản chất của đời sống hàng ngày tại vùng biên cương, và mối quan hệ giữa chính quyền trung ương với xã hội biên cương.  Vì nhiều lý do khác nhau, cũng có sự bỏ sót việc thảo luận về sự bành trướng của người Việt Nam ở các vùng cao nguyên (*d), vai trò của các thương nhân Việt Nam trong cuộc định cư tại miền Nam, và sự định cư tại miền nam sau khi có sự thiết lập Sàigòn thành một thành phố quan trọng dưới triều đại nhà Nguyễn.  Hai điểm bố túc có thể được bao gồm để khảo sát và so sánh với các xã hội biên cương khác: tầm quan trọng của các ảnh hưởng biên cương trong việc góp phần vào sự cố kết của xã hội – thí dụ, tại Việt Nam, liệu xã hội biên cương đã duy trì các đặc tính truyền thống như một sự phòng vệ chống lại các sự đe dọa được đặt ra bởi vùng biên  cương hay bởi [sự lưu truyền qua] nhiều thế kỷ các truyền thống gia đình và làng xã – và các phương pháp kiểm soát lao động ở một xã hội biên cương, trong trường hợp này, một xã hội không phải là xã hội dung dưỡng nô lệ.  Đây là các câu hỏi thuộc một số vấn đề từ lâu vắng mặt trong các cuộc nghiên cứu về lịch sử Việt Nam; hy vọng rằng bài viết này sẽ phần nào sửa chữa các khuyết điểm trước đây và khích lệ nhiều sự quan tâm hơn đến lịch sử xã hội của cuộc tiến bước xuống miền Nam./-               
                          

-----


CHÚ THÍCH:

1.       Một sự sưu tầm rốt ráo các ấn phẩm bằng Việt ngữ về đề tài này phải được thú nhận rằng chưa được thực hiện, bởi chỉ có rất ít nguồn tài liệu về thư tịch và tạp chí định kỳ được cung cấp cho người viết này.  Sự thiếu sót các sự tham chiếu trong các nguồn tài liệu đã được tra cứu, tuy thế, xem ra cho thấy sự hiếm hoi của việc sưu khảo về đề tài Nam Tiến.
2.       Phùng Văn Dan [?], “La formation territoriale du Vietnam”, Revue du Sud-est Asiatique, 1963, 247-294; 1964, 127-177.
3.       Từ Nguyên [?], “Cuộc Nam Tiến của dân tộc Việt-Nam” (The advance to the South by the Vietnamese people), Văn Hóa (Culture), (Saigon), no. 43 (1959), 969-981; no. 44 (1959), 1132-1144.
4.       Trong bài này, sự sử dụng các từ Bắc, Trung và Nam thì đồng nhất với thuật ngữ trong tiếng Việt, và không nên nhầm lẫn với các ranh giới chính trị hiện tại giữa Bắc và Nam [bài viết này đuợc ấn hành năm 1968, khi Việt Nam còn bị chia cắt thành hai miền, chú của người dịch].  Thay vào đó, nó gần như tương ứng với các ranh giới thuộc đia Pháp dành cho Đông Kinh (Bắc Kỳ), An Nam (Trung Kỳ) và Nam Kỳ (Cochin-china).
5.       Lê Thành Khôi, Le Vietnam, histoire et civilisation, (Paris, 19550, Chương II, bàn về sự chiếm đóng của Trung Hoa và các tác động của nó trên xã hội Việt Nam.
6.       Pierre Gourou, Les paysans du delta tonkinois (reprint, Paris, 1965), các trang 111-114; 172-174.
7.       Gourou, Delta tonkinois, các trang 37-46; Henri Maspéro, “Le protectorat general d’Annam sous les T’ang”, Bulletin de l’École francaise d’Extrême-Orient, X (1910), 682-684.
8.       Georges Maspéro, Le royaume de Champa (Paris, 1928), các trang 189-200.
9.       L. M. Cadière, “Le mur de Đồng-hới”, BEFEO, VI, 93-103.
10.   Lý do của sự phân chia xem ra không rõ ràng: ông Khôi, trong quyển Vietnam, trang 245, cho rằng sự phân chia là kết quả của các sự tranh chấp giữa họ Trịnh và họ Nguyễn về việc giòng họ nào làm cố vấn cho triều đình nhà Lê; tác giả Trần Trọng Kim, trong quyển Việt Nam Sử Lược (History of Vietnam), ấn bản lần thứ tư, (Saigon, 1951) nơi các trang 286-295, nói rằng nhà Nguyễn muốn được độc lập, thoát ra khỏi sự chuyên quyền [despotism: chuyên quyền, tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch].  Vấn đề này có tính chất quan trọng cho sự nghiên cứu cuộc Nam Tiến, đặc biệt như một thí dụ của sự tranh chấp giữa khu biên cương và kinh đô.
11.   Cadière, “Mur”, 103-104, 135; Khôi, Viet-nam, các trang 263-264.
12.   Cadière, “Mur”, 127, phát biểu rằng trong các cuộc chiến tranh với chúa Trịnh, quân đội của chúa Nguyên có quân số 200,000 người, con số này có lẽ lớn hơn con số thực sự, bởi theo B. Vachet, trong quyểnLa geste francaise en Indochine, biên tập bởi Georges Taboulet (Paris, 1955), tập I , nơi trang 66, là kẻ đã ở trong vùng đất thuộc chúa Nguyễn trong thập niên 1680, có lẽ đã ước lượng một cách chính xác hơn rằng chúa Nguyễn có khoảng 40,000 binh sĩ.  Tác giả Trần Trọng Kim, Sử Lược, trang 326, ghi kích thước quân đội chúa Nguyễn là 30,000 người.
13.   Charles B. Maybon, Histoire moderne du pays d’Annam, 1592-1820 (Paris, 1919), các trang 110-111.
14.   Guy Moréchand, “Caractéres économiques et sociaux d’une region de pêche maritime du Centre-Vietnam”, Bulletin de la Société des Études Indochinoises, XLVII (1955), 304.
15.   Georges Coèdes, Les peoples de la peninsula indochinoise (Paris, 1962), trang 26; Moréchand, “Caractéres économiques”, trang 313.
16.  Gourou, Esquisse d’une etude de l’habitation annamite, (Paris, 1936), các trang 12-61, rải rác (passim).
17.   G. Maspéro, Champa, trang 26, đưa ra con số thuộc thế kỷ thứ mười một; “Biểu-nhất-lãm về việc phân chia địa hạt trong nền hành chán Việt Nam” (Appendix on district divisions in the administration of Vietnam), trong quyển Hồng Đức bản đồ (Atlas of Hồng-Đức) (Saigon, 1962), trang 237, trích dẫn con số kiểm kê dân số dân miền Nam năm 1960 có 27, 918 người Chàm.  Quyển Thống Kê Thường Niên Của Việt nam: Annuaire statistique du Vietnam” hiện nay không gồm con số riêng biệt chỉ người Chàm.
18.   Étienne Aymonier, Les Tchames et leurs religions, (Paris, 1891), các trang 27-31.
19.   Lous Malleret, “La minorité cambodgienne de Cochinchine”, BSEI, XX (1946), 26-33.
20.   Trịnh Hoài Đức, Gia Định [Thành] Thông Chí: Histoire et description de la Basse Cochinchine, dịch sang Pháp ngữ bởi G. Aubaret (Paris, 1862), các trang 2, 9-10.
21.   Adhémard Leclère, Histoire du Cambodge (Paris, 1914), các trang 375, 382-384; Đức, Gia Định, các trang 14-16.
22.   Leclère, Cambodge, các trang 382-384; KhôiVietnam, các trang 269-270.
23.   Leclère, Cambodge, trang 434.
24.   Aubaret, trong Đức, Gia Định, trang 58, chú thích số 1.
25.   KhôiVietnam, trang 339.
26.   Georges Durrwell, Ma chère Cochinchine (Paris, 1910), các trang 44-46.
27.   Chen Ching-ho, “Mấy điều nhận xét về Minh-hương-xã và các cổ tích tại Hôi An” (Some observations about the village of Minh-hương and historical remains at Hội An), Việt Nam Khảo Cổ Tập San (Transactions of the Historical Research Institute) (Saigon), I, (1960), 3-6.
28.   Malleret, “Minorité cambodgienne”, trang 24.
29.   Maybon, Histoire moderne, các trang 183-347, mô tả các biến cố quân sự của thời kỳ này từ một quan điểm đặt trọng tâm là Âu Châu, tiêu biểu cho phần lớn tác phẩm được viết bởi người Pháp về kỷ nguyên này.
30.   Gerald C. Hickey, Village in Vietnam (New Haven, 1964), các trang 19-21, và Gourou, “La population rurale en Cochinchine”, Annuaire de Géographie, LI (1942), 20-23, thảo luận về các loại khác nhau trong các mô thức định cư tại miền Nam.
31.   Hickey, “Problems of Social Change in Vietnam”, BSEI, XXXIII (1938).
32.   Hickey, Village, các trang 88-91; E. LuroLe paye d’Annam (Paris, 1878), các trang 204-205.
33.   Roger Toulières, “La maison rurale vietnamienne et les circonstances de son évolution dans le région sud-orientale du Vietnam, BSEI, XXXVI, iv (1961), 674-677; Gourou, Habitation annamite, các trang 43-44, thảo luận và phác họa hình ảnh nhà roi [?].
34.   Malleret, “Minorité cambodgienne”, 25.
35.   Malleret, “Minorité cambodgienne”, 24.
36.   Leclère, Cambodge, các trang 435-436.
37.   Hickey, Village, các trang 134, 136.
38.   Hickey, Village, trang 119.
39.   Đức, Gia Định, các trang 18-19.
40.   Gourou, L’utilisation du sol en Indochine francaise (Paris, 1940), các trang 272-273.
41.   James B. Hendry, The Small World of Khánh Hậu (Chicago, 1964), các trang 33-34, đưa ra các con số tính đến năm 1958, trước khi chương trình cải cách ruộng đất của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa bắt đầu.
42.   Nhiều công trình nghiên cứu cu/a tác giả Cadière được in lại hay ấn hành lần đầu tiên trong tập “Croyances et pratiques réligieuses des Vietnamiens”, BSEI, XXXIII (1938), I-245, và dưới cùng nhan đề, ấn hành tại Sàigòn, bởi trường École francaise d’Extrême-Orient, 1955-57./-   
    
_____


PHỤ CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH:


(*a): Tiếng Việt gọi là chính sách lập đồn điền, tức dùng binh sĩ vừa lập đồn phòng thủ, vừa khai khẩn đất trồng.  Song song, còn có chính sách lập ấp dành cho thường dân.  Về các công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài Nam Tiến, xin xem, Sơn Nam, Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam, của Sơn Nam, Đại Nam xuất ba/n tại Saigon, 1973 (?), trình bày công cuộc khai hoang chính yếu dưới triều đại nhà Nguyễn và thời Pháp thuộc, và Phan Khoang, Việt Sử Xứ Đàng Trong, 1577-1777, (Cuộc Nam Tiến của dân tộc Việt Nam), Saigon, 1967.

(*b): Về công lao của Mạc Cửu và gia đình ông trong việc giúp Chúa Nguyễn mở rộng bờ cõi ở phương nam, xin xem tài liệu quan trọng nhan đề Hà Tiên Trấn Hiệp Trấn  Mạc-Thi Gia Phả, của ông “Vũ Thế Dinh, tên tự là Thận Vi, [tước là Dinh-đức hầu, nguyên là Tùng Trấn Cai Đội trấn Hà Tiên, đã soạn ra niên hiệu Gia Long thứ 17, Mậu Dần, tháng 6, ngày 19 (1818)”, được dich ra Việt ngữ và đăng tải trong bài Lịch Sử Người Hoa Kiều tại Việt Nam của tác giả Tân Việt Điểu, đăng tải trên tập san Văn Hóa, các số 61. 62. 63 (tháng 6.7, và 8, 1961), xuất bản tại Sàigòn.

(*c): So sánh làng xã, gia đình và chế độ thừa kế giữa Nhật bản và Việt Nam, tác giả Đặng Vũ Nhuế, sinh năm 1925 tại Hà Nội, du học và lập nghiệp tai Pháp từ nhiều thập niên, trong quyển Nói Chuyện Việt Nam, Bốn Câu Chuyện Phiếm, xuất bản tại Paris năm 1999, có viết nơi trang 63 như sau: “Nền tảng xã hội Nhật Bản là gia đình và làng xã, nhưng làng xã Nhật Bản không được hưởng chế độ “phép vua thua lệ làng” như làng xã Việt Nam, vì đất là của quí tộc và dân làng là nông nô như trên đã nói.

     Nhật trọng tình nghĩa gia đình, tuy không nặng tình đại gia đình bằng Tàu và Việt Nam.  Người Nhật hay có con nuôi, không phải chỉ là để có người thờ cúng tổ tiên, mà cốt là để có người tài giỏi trong gia đình, đủ khả năng bảo trì và khuếch trương sự nghiệp người chủ gia đình đã lập nên.

     Cũng như Đức Quốc hay Anh Quốc, Nhật xưa không có lệ chia đều gia tài bố mẹ để lại cho các con.  Theo lệ của họ, con trưởng hưởng hết, các con thứ không được gì: nữ về nhà chồng, nam đi làm công, đi buôn hay đi lính.  Sau này, vào cuối thế kỷ thứ 19, dưới thời Minh Trị, khi Nhật Bản muốn canh tân, nhờ một giáo sư luật khoa Pháp lập cho họ một bộ dân luật phỏng theo bộ Dân Luật (“Code Civil”, thường được gọi là bộ luật Nã Phá Luân) của Pháp, họ vẫn giữ lệ “trưởng nam hưởng hết” của họ, vì họ cho rằng như thế dễ gây vốn hơn để kinh doanh, vì của cải chỉ nằm trong tay một số ít người chứ  không bị rải rác trong tay nhiều người.  Sau nữa, người không có ruộng bắt buộc phải tìm cách khác để sinh nhai: đi buôn, đi lính hay mở mang công nghệ nào đó.  Có thuyết rằng hồi thế kỷ thứ 19, nước Pháp kỹ nghệ hóa muộn hơn nước Anh và nước Đức ở Âu Châu cũng là vì bộ luật Nã Phá Luân chia của cải đều cho các con, trai trẻ Pháp vì có đất không chịu bỏ ra tỉnh làm công.  Hơn nữa, vì không muốn ruộng đất bị chia sẻ, người Pháp không muốn có nhiều con, nước Pháp được đặt tên là “nước con một” (Pays des enfants uniques).  Ở Việt Nam ta, của cải chia đều cho các con cho nên sau này có những thửa ruộng bé như manh chiếu ở đồng bằng sông Hồng, và dân miền Bắc ít khi kéo nhau vào khẩn hoang ở miền Nam, mực sống dân miền Bắc rất thấp …” [hết trích]  

(*d) Xin giới thiệu một vài công trình nghiên cứu về đề tài sự bành trướng của người Việt lên các vùng cao nguyên này :
     1. An Overview of Relationships between Lowland and Highland People of Central and South Vietnam, của Donald E. Voth, Department of Agricultural Economics and Rural Sociology, University of Arkansas, Fayetteville, 1974?.   Bản dịch sẽ được đăng tải nơi đây.
     2. “Manipulating the Montagnards”, của Donald E. Voth, Society, September/October 1972.
     3. Tìm Hiểu Đồng Bào Thượng: Hai Phiên Vương của Triều Đình Việt Nam hồi trước: Thủy Xá và Hỏa Xá, Sàigòn, tạp chí Quê Hương, số 31, tháng Một, năm 1962./-

   ___

NguồnMichael G. Cotter, Toward A Social History of The Vietnamese Southward Movement, Journal of Southeast Asian Histories, Vol. IX, no. 1, March 1968, các trang 12 – 23.



Ngô Bắc dịch và chú giải                                                                                                                                              

                                                                                                                                              
© 2007 gio-o




























0 Comments:

Post a Comment



Bài đăng Mới hơn Bài đăng Cũ hơn Trang chủ


Khảo Sử trên Facebook