Phương pháp nghiên cứu đã trình bày ở các phần trước (sáu loại nghiên cứu và mười hai giai đoạn của một nghiên cứu) cũng có thể áp dụng để nghiên cứu sử Đạo. Tuy nhiên, do đặc thù của phương pháp sử học, có một số vấn đề cần được tìm hiểu thêm.
· PHƯƠNG PHÁP SỬ HỌC LÀ GÌ?
Theo [Nguyễn Phương 1974: 30-31], phương pháp sử học là hệ thống các nguyên tắc có thể trợ giúp hiệu quả công việc sưu tầm sử liệu, khảo chứng sử liệu và trình bày kết quả sao cho đúng với sự thật lịch sử. Về căn bản, người chép sử phải nắm được năm công việc sau:
Qua đối chiếu như vậy, việc tìm hiểu thêm các kỹ năng cần có trong nghiên cứu sử cũng sẽ bổ túc cho phương pháp nghiên cứu đã trình bày ở Phần I.
I
CHỌN ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU SỬ
Theo [Nguyễn Phương 1974: 52-53], chọn đề tài nghiên cứu sử là việc rất quan trọng, bởi vì sử luôn luôn phải được viết ra và được viết lại. Ứng dụng vào sử Đạo, có thể nêu mấy ý tưởng như sau:
I. SỬ PHẢI ĐƯỢC VIẾT RA
Một sự việc đã hoàn tất, một lời nói đã thốt ra, nếu có quan hệ đối với đạo Cao Đài thì đều là đối tượng của người chép sử Đạo. Những gì đã được nghe, được thấy, nếu không có người nào bỏ công thâu lượm và lưu giữ thì những cái đó có thể mất mát cho sử Đạo.
Petrus Trương Vĩnh Ký nói: “Nếu lịch sử không ghi lại kịp thời để gìn giữ thì ký ức và kỷ niệm sẽ lu mờ dần theo các thế hệ.” (“Souvenirs historiques sur Saigon et ses environs” - Excursions et reconnaissances, V-VI, 1885, n. 23, p. 5.)
Lộc Đình Nguyễn Hiến Lê nói: “...phần ai biết được một tài liệu gì về sử cũng có bổn phận phải chép lại bằng cách nào cũng được, miễn thận trọng và thành tâm là quý rồi. Nếu không vậy thì thực khổ tâm cho những người sau muốn tìm hiểu những người trước...” (Báo Mai, số 20, ngày 25.4.1961.)
Theo [Nguyễn Phương 1974: 52], để cho các việc làm hay lời nói được lưu giữ lại có ý nghĩa lịch sử, người ghi chép phải chú ý đến nguyên do, hoàn cảnh và hậu quả.
II. SỬ CŨNG CẦN ĐƯỢC VIẾT LẠI
Sử luôn luôn cần viết lại vì lẽ trước kia người ta đã:
- thiếu sót trong lúc sưu tầm sử liệu;
- chọn không đúng sử liệu;
- sai lầm khi khảo chứng sử liệu;
- sai lầm hoặc thiên lệch, chủ quan khi giải thích sử liệu;
- tránh né sự thật lịch sử vì một lý do nào đó, v.v...
III. LỰA CHỌN ĐỀ TÀI
Chọn đề tài có hình thức một vấn đề sử Đạo thì dễ hơn là chọn đề tài bao quát một thời kỳ trải rộng vài chục năm. Chọn đề tài về một nhân vật, một vùng đất trong sử Đạo thì dễ hơn là chọn đề tài gắn liền nhiều con người lịch sử trong một không gian gồm nhiều địa phương khác nhau. Khi chọn đề tài, người nghiên cứu phải đặt ra cho mình bốn giới hạn cần khảo sát:
- về phương diện nào;
- trong thời gian nào;
- tại địa điểm nào;
- về (hay với) nhân vật nào.
[Nguyễn Phương 1974: 57] chỉ nêu ba giới hạn: phương diện, thời gian, địa điểm.
IV. THAM KHẢO TÁC PHẨM SỬ HỌC CỦA NGƯỜI ĐI TRƯỚC ĐỂ TÌM ĐỀ TÀI
Người mới làm quen với việc nghiên cứu sử cũng có thể tham khảo tác phẩm sử học của người đi trước để tìm đề tài cho mình.
Thí dụ
- Đọc Lịch sử báo chí Việt Nam của Huỳnh Văn Tòng, người nghiên cứu có thể nảy ra đề tài Khảo sát lịch sử báo chí Cao Đài.
- Đọc Tìm hiểu kho sách Hán Nôm của Trần Văn Giáp, hoặc tham khảo Sử liệu Việt Nam của Huỳnh Khắc Dụng, người nghiên cứu có thể nảy ra đề tài Lược khảo thư tịch Cao Đài.
- Đọc Việc từng ngày của Đoàn Thêm, người nghiên cứu có thể nảy ra ý sưu tầm sử liệu để chép thành Biên niên sử Cao Đài.
- Đọc các tiểu truyện danh nhân, người nghiên cứu có thể này ra ý viết tiểu sử các nhân vật Cao Đài.
Theo [Nguyễn Thế Anh 1974: 37]: “Tiểu sử là hình thức các độc giả ưa đọc nhất, vì nó nhân vật hóa lịch sử, vì nó giản lược hóa các vấn đề phức tạp.”
- Đọc Quốc sử tạp lục của Nguyễn Thiệu Lâu, người nghiên cứu có thể nảy ra đề tài Góp nhặt sử liệu Cao Đài, mỗi bài viết là một vấn đề độc lập và tùy theo từng vấn đề mà có cách khảo sát, trình bày riêng.
Chú: Lê Anh Dũng đã đăng Cao Đài giáo lý (CĐGL) một số bài báo sau:
(1) hiệu đính câu Đầu thượng viết Cao Đài (“Về hai chữ Cao Đài trong Ấu học quỳnh lâm”), CĐGL số 61, tháng 8-1999, tr. 15;
(2) khảo sát “Về nguồn gốc bài Nho giáo trong Kinh cúng tứ thời”, CĐGL số 62, tháng 11-1999, tr. 25;
(3) về lịnh “Cấm đạo Cao Đài ở Trung Kỳ 1928”, CĐGL số 63, tháng 02-2000, tr. 48;
(4) “Về câu Cao Đài tiên bút thi văn tự trong sử liệu Cao Đài”, CĐGL số 64, tháng 5-2000, tr. 33;
(5) về ông Lâm Tấn Đức ở Hà Tiên (“Thêm một sử liệu về ngài Ngô Văn Chiêu”, CĐGL số 65, tháng 8-2000, tr. 72), v.v...
Mỗi bài như vậy là một đề tài độc lập, và người viết chủ tâm rằng cứ tiếp tục theo hướng đó thì sau một thời gian tích lũy sẽ có thể gom tất cả vào một hiệp tuyển là Góp phần nghiên cứu lịch sử Cao Đài. (Dĩ nhiên những đề tài này đã nảy sinh trong lúc nghiên cứu biên niên sử Cao Đài.)
Tác phẩm người đi trước ngoài việc gợi ý về đề tài, còn gợi ý cho người nghiên cứu cách đặt vấn đề, cách trình bày sử kiện.
Cần nhắc lại nơi đây ý kiến của Châu Long và Lê Kim Ngân: “Chúng ta đọc sách đó để tìm ra xem tác giả quan niệm đề tài như thế nào, tác giả đặt ra những vấn đề gì. Nghĩa là khi ta muốn bắt tay vào một công việc, ta nên khai thác kinh nghiệm của tiền nhân để tìm hiểu họ quan niệm đề tài như thế nào, để ta căn cứ vào đó mà áp dụng.” [Châu Long 1970: 38].
Kinh nghiệm và lòng tận tụy còn giúp người nghiên cứu tìm ra những sáng tạo riêng của mình chứ không chỉ là mô phỏng rập theo khuôn mẫu của người đi trước.
II
SƯU TẦM SỬ LIỆU
I. TÀI LIỆU NÀO ĐƯỢC COI LÀ SỬ LIỆU?
Theo [Nguyễn Thế Anh 1974: 53]: “Một tài liệu sẽ trở thành một sử liệu khi mà sử gia có thể rút tỉa một sự kiện nào đó ra khỏi tài liệu ấy.” Như vậy sử liệu là tài liệu cung cấp được sự kiện lịch sử. Người nghiên cứu chú ý chọn một tài liệu nào đó làm sử liệu vì nó có liên hệ với vấn đề đang nghiên cứu, nó trả lời được câu hỏi người chép sử đặt ra.
Thí dụ
Người chép sử khảo cứu được rằng năm 1943 ông Phùng Văn Thới (1903-1968) đã nhận 1000 đồng Đông Dương của Hội thánh Bến Tre để mua căn nhà số 34 phố Dumoutier ở khu phố Chùa Vua (Hà Nội) làm thánh thất [Lê Anh Dũng. Lịch sử đạo Cao Đài: thánh thất Hà Nội. 1994, tr. 35]. Muốn cho độc giả những năm 2000 hiểu được giá trị số tiền 1000 đồng Đông Dương thì có hai cách:
(1) hoặc quy ra số lượng gạo giá trị tương đương;
(2) hoặc quy ra số lượng vàng giá trị tương đương.
Với mục đích này, thống kê giá cả hàng hóa năm 1943 chính là sử liệu, và giá vàng, giá gạo năm 1943 có thể coi là một sự kiện lịch sử đối với người viết về lịch sử thánh thất Hà Nội.
II. SỬ LIỆU TÌM Ở ĐÂU?
1. Muốn tìm sử liệu có thể tìm trong các loại tài liệu như:
- các thánh ngôn, thánh giáo
- các loại ấn phẩm (sách, báo, tạp chí, kỷ yếu, niên giám thống kê...)
- thư từ giao dịch, thư từ riêng tư
- công văn, văn kiện các loại (các công báo, tập san hành chánh)
- tiểu sử, hồi ký, nhật ký
- di vật, ảnh lưu trữ, thơ văn...
2. Theo [Nguyễn Phương 1974: 79], ngoài việc khảo cứu thư tịch, còn nhờ vào những người đang sống.
- Phải viết thư hỏi, hoặc đến gặp, phỏng vấn.
- Phải chuẩn bị sẵn câu hỏi, tránh các câu hỏi tổng quát.
- Họ là người chưa quen biết, hoặc có địa vị, thì nên tìm người giới thiệu.
- Hỏi được nhiều hay ít còn tùy thiện chí của người được phỏng vấn, tùy tình cảm và mối quan hệ của người ấy với người đi phỏng vấn.
III. PHÂN LOẠI TÀI LIỆU
Căn cứ theo nguồn gốc xuất phát của tài liệu, chia ra ba loại:
1. Tài liệu cấp một
Tài liệu cấp một (primary source) cũng gọi là tài liệu đầu tay (source de première main).
- Nó là bằng chứng được tạo nên do chứng nhân sống đồng thời với các sự kiện chứa đựng trong tài liệu đó.
- Nó có thể bằng chữ viết, bằng truyền khẩu, bằng vật thể.
Thí dụ tổng quát
- Bản thánh giáo đã được đánh máy, in ronéo, hay in typo căn cứ theo bổn điển viết tay (manuscript), đã được bộ phận Hiệp thiên đài hữu quan kiểm nhận.
- kết quả các cuộc nghiên cứu tại chỗ.
- kết quả những cuộc phỏng vấn, phim ảnh quay chụp tại chỗ.
- kết quả các phiếu điều tra (questionnaires).
- thư từ, nhật ký, hồi ký.
- công báo, tập san hành chánh, phúc trình, văn kiện, diễn văn, thông điệp.
- tin tức báo chí.
- các tham luận hội nghị, các khảo cứu của các nhà chuyên môn, luận văn đại học, luận án sau đại học.
Thí dụ cụ thể
(1) Bản photocopy tờ đơn viết tay xin phép lập Tây tông Vô cực cung của ông Nguyễn Bửu Tài tuy không phải là bản chính (original) nhưng nó chính là tài liệu cấp một.
(2) Có liên hệ với bên ngoại ông Ngô Đình Nhu, dược sĩ Cửu Long Lê Trọng Văn viết hồi ký Những bí ẩn lịch sử dưới chế độ Ngô Đình Diệm (năm 1989). Những trang hồi ký của Cửu Long chính là tài liệu cấp một, Cửu Long là chứng nhân trực tiếp.
Lưu ý
Tài liệu cấp một thường được coi là tài liệu đáng tin hơn cả, luôn luôn được người nghiên cứu cố gắng chú ý tìm kiếm.
2. Tài liệu cấp hai
Tài liệu cấp hai (secondary source) là bằng chứng để lại không do chứng nhân trực tiếp tai nghe mắt thấy.
Thí dụ
Hồi ký Thanh Long Lương Vĩnh Thuật (bản đánh máy) là tài liệu cấp một. Nhưng nó cũng chứa đựng tài liệu cấp hai.
Thanh Long (tr. 183-184) kể rằng tối mùng 8 tháng 9 Ất sửu có các ông Vương Quan Kỳ, Lê Bá Trang, Lê Văn Trung, Cao Quỳnh Cư... chuyển thánh giáo của đức Cao Đài đến dạy ông Trần Đạo Quang lập đàn tại Linh quang tự... Sự kiện này Thanh Long không chứng kiến trực tiếp, ông thuật lại căn cứ “theo lời ông Lão Trần Đạo Cơ”. Vậy Thanh Long là chứng nhân gián tiếp đã cung cấp một tài liệu cấp hai.
3. Tài liệu cấp ba
Nên hạn chế dùng tài liệu cấp ba. Theo [Nguyễn Hữu Phương 1971: 19], tài liệu cấp ba (tertiary sources) là:
- sách giáo khoa.
- các bài xã luận trên báo chí.
- tài liệu tuyên truyền của các cơ quan thông tin...
III
KHẢO CHỨNG SỬ LIỆU
Sau khi đã có sử liệu, người nghiên cứu phải khảo chứng, gạn lọc các thông tin giả, kiện toàn các thông tin xác thực để có các sự kiện lịch sử giá trị. Theo [Châu Long 1970: 73], sử liệu là tấm gương phản chiếu phần nào sự kiện lịch sử và chân lý lịch sử; cho nên sử liệu là cơ quan thị giác của sử gia; khảo chứng sử liệu là điều chỉnh cơ quan thị giác của sử gia để sử gia có cái nhìn thật đúng, thật sát với sự thực.
I. VÀI THÍ DỤ VỀ LÝ DO PHẢI KHẢO CHỨNG SỬ LIỆU
1. Tiểu sử
Người chép tiểu sử danh nhân, thường có khuynh hướng tô hồng; viết về các nhân vật tôn giáo hay muốn khoác thêm cho họ vẻ siêu phàm, huyền bí.
Thí dụ
Lịch sử quan phủ Ngô Văn Chiêu (Sài Gòn: 1962) cho biết: “Khi sanh ra, Ngài không chịu bú sữa, mà nếu có ép cho bú thì mình mẩy lại sưng phù lên, cho nên bà thân Ngài, phải cho uống nước cơm với đường...” (tr. 11)
Chi tiết này không có gì giá trị. Có nó cũng chẳng làm cho đạo đức của ông Chiêu sáng thêm; bớt nó cũng chẳng làm uy danh của đức Ngô sứt mẻ.
2. Hồi ký
Hồi ký thường là tài liệu cấp một, quý giá vì chứng nhân là người trong cuộc kể lại. Nhưng hồi ký cũng có nhược điểm.
- Với xu hướng xấu che tốt khoe, không phải chi tiết nào của hồi ký cũng đều xác thực, khách quan.
- Hồi ký dựa vào ký ức để ghi lại, nên dễ sai lệch nếu sự việc xảy ra đã lâu mà tác giả hồi ký không có cách kiểm chứng lại chi tiết.
Thí dụ
Hồi ký Thanh Long Lương Vĩnh Thuật (bản đánh máy, tr. 189-192) kể rằng tháng 2 Đinh sửu (1937) hai ông Trần Đạo Quang và Cao Triều Phát ra Trung. Tri phủ Duy Xuyên bấy giờ là Nguyễn S. T. có lưu ý hai ông Trần và Cao, rằng không nên truyền bá kinh sách Cao Đài từ trong Nam mang ra, vì lẽ Đạo dụ số 10 của Hoàng đế Bảo Đại có câu “Nhất thiết Cao Đài thư tịch bất đắc truyền bá Trung Kỳ.”
Như vậy Hồi ký đã ghi lầm. Dụ số 10 ngày 06-8-1950 “quy định thể lệ lập hội”.
Vậy, vào năm 1937 nếu Tri phủ Nguyễn S.T. có nhắc tới lệnh cấm đạo Cao Đài của Bảo Đại, thì có lẽ đó là thông tư số 40 ngày 25 tháng Giêng năm Bảo Đại thứ 4 (ngày 06-3-1928), được nhắc lại trong thông tư số 1104 của Bộ Lễ, ngày 19-6-1935. [Xem: Lê Anh Dũng. “Cấm đạo Cao Đài ở Trung Kỳ 1928”, Cao Đài giáo lý, số 63. tháng 02-2000, tr. 48.]
Chú:
· Dụ số 10 gồm 5 chương, 45 điều, do Quốc trưởng Bảo Đại ký tại Vichy. Dụ này được hướng dẫn ở Thông tư số 34-PTT/CP ngày 20-9-1950 của Phủ Thủ tướng, lại được hướng dẫn ở Thông tư số 1036PC ngày 07-11-1950 của Thủ hiến Trung Việt gởi các tỉnh trưởng và thị trưởng ở Trung Việt. Xem Công báo Việt Nam xuất bản ngày thứ Bảy, năm thứ 3, số 33, ngày 19-8-1950, tr. 434-437; hoặc hồ sơ J.337 và J.678 lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 2, quận 1, Sài Gòn.
· Bảo pháp Thanh Long Lương Vĩnh Thuật (1918-1982) là một bậc chân tu, đạo hạnh, dày công khai sáng Hội thánh Truyền giáo Cao Đài Trung Việt. Trọn cuộc đời hiến thân phụng Thiên sự dân của ông mãi mãi là tấm gương ngời sáng cho lớp lớp thế hệ tiếp nối Đại đạo Tam kỳ Phổ độ noi theo. Ở đây, nếu có dẫn chứng Hồi ký của Thanh Long, thì đơn thuần chỉ là sự thường tình trong học thuật chứ không hề có ý gì vô lễ đối với vị trưởng lão đại đức.
- Hồi ký tuy là tài liệu cấp một nhưng cũng có thể chứa đựng tài liệu cấp hai và tác giả hồi ký nếu không kiểm chứng sự kiện thì sẽ lầm lẫn.
Thí dụ
Hồi ký Thanh Long Lương Vĩnh Thuật (tr. 183-184) viết rằng “theo lời ông Lão Trần Đạo Cơ” thì tối mùng 8 tháng 9 Ất sửu có các ông Vương Quan Kỳ, Lê Bá Trang, Lê Văn Trung, Cao Quỳnh Cư... chuyển thánh giáo của đức Cao Đài đến dạy ông Trần Đạo Quang lập đàn tại Linh quang tự...
Tài liệu cấp hai mà Thanh Long cung cấp đã không chính xác ở ngày mùng 8 tháng 9 Ất sửu. Thật vậy, đến mùng 1 tháng 10 Ất sửu (15-12-1925) ba ông Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang mới vọng thiên cầu đạo; đến 27 tháng 11 Ất sửu ông Lê Văn Trung mới hầu đàn lần đầu tại nhà ông Cư. [Xem: Lê Anh Dũng. Lịch sử đạo Cao Đài thời kỳ tiềm ẩn 1920-1926. Huế: Nxb Thuận hóa, 1996, tr. 186.]
3. Tài liệu văn kiện
Tài liệu văn kiện (được in, ghi chép trên giấy) là loại tài liệu quan trọng, nhưng không phải luôn luôn có giá trị tuyệt đối.
Thí dụ 1
Khi tìm hiểu lịch sử hình thành ngôi thánh thất T., người ta được biết rằng xưa kia ông bà A đã mua lại một căn nhà của ông bà B. Sau này con cháu ông bà A hiến nhà cho Đạo làm nơi thờ tự. Những người liên quan tiết lộ trị giá căn nhà lúc sang tên là X đồng. (Đây là tài liệu truyền khẩu.)
Thế nhưng khi tìm được các giấy tờ mua bán nhà thì thấy số tiền ghi trên các văn kiện lại thấp hơn nhiều so với tài liệu truyền khẩu. Trong trường hợp này cũng chưa có nghĩa là tài liệu truyền khẩu không chính xác. Vì có khi nhằm mục đích giảm bớt tiền thuế, xưa kia hai bên A và B đã thỏa thuận ghi giá bán nhà thấp hơn giá tiền thực sự.
Thí dụ 2
Khi tìm hiểu tiểu sử ông A, qua truyền khẩu thì biết ông sinh năm N, nhưng một số giấy tờ hộ tịch (tài liệu văn kiện) lại ghi năm sinh muộn hơn. Điều này có thể do xưa kia người ta làm giấy khai sanh trễ, hoặc do lúc xin đi học phải khai sụt tuổi để hợp lệ, v.v...
Thí dụ cụ thể
Các văn bản của Hội thánh Bến tre ghi ngày sinh của ông Tô Văn Pho là 18-8-1920. Năm 1993, ông Pho xác nhận với Lê Anh Dũng ngày sinh là 20-8-1919; ông cũng cho xem thẻ chứng minh nhân dân (căn cước) cấp tại Hà Nội, trên đó ngày sinh là 20-8-1919. [Lê Anh Dũng. Lịch sử đạo Cao Đài: thánh thất Hà Nội. 1994, tr. 25.]
II. PHƯƠNG PHÁP KHẢO CHỨNG SỬ LIỆU
Để khảo chứng sử liệu có thể áp dụng những cách như sau:
1. Khảo chứng về hình thức
(1) Lý lịch của tài liệu. Ai làm? lúc nào? ở đâu?
(2) Tính nguyên vẹn của tài liệu. Có phải là nguyên bản không? Có đầy đủ không? Nếu không phải là nguyên bản, bị thiếu sót, sai lầm thì có thể bổ sung và sửa chữa được không? Bổ chính bằng cách nào? từ nguồn nào?
Chú:
· Nguyên bản (integral text) khác với bản chính (original). Bản chính nhiều khi chỉ có một, quý hiếm, được tư gia hay cơ quan Nhà nước lưu giữ làm tài sản riêng. Người nghiên cứu sử chỉ cần có được bản sao chụp (photocopy) của bản chính là tốt lắm rồi, vì bản sao chụp ấy chính là nguyên bản. Khi sao chụp từ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, bản sao có đóng dấu “SAO Y”, như thế bản sao có đủ giá trị.
· Thí dụ về bổ chính:
- Biết dùng dấu [...] để sửa lỗi chính tả trong nguyên văn, để giải thích thêm một chi tiết trong nguyên văn.
- Có khi dẫn y chang lại cái sai trong nguyên văn, thì cần đặt (sic) liền ngay sau chỗ sai đó.
Cần xem thêm các sách dạy về cách dùng dấu chấm câu, kỹ thuật hành văn...
(3) Tác giả tài liệu là chứng nhân trực tiếp hay gián tiếp? Nếu là gián tiếp thì có thể dựa vào tài liệu truy ngược lại để tìm chứng nhân trực tiếp không?
Thí dụ
Trong Lịch sử đạo Cao Đài: thánh thất Hà Nội (1994), Lê Anh Dũng ghi lại nhiều sự kiện về thánh thất Hà Nội theo lời kể của ông Tô Văn Pho. Ông Pho là chứng nhân trực tiếp; Lê Anh Dũng là chứng nhân gián tiếp.
Ngày nay, vì ông Pho đã quy thiên, người nào muốn khảo chứng lại một số sự kiện chép trong tài liệu của Lê Anh Dũng nhất định không thể hỏi lại ông Pho được nữa. Chứng nhân trực tiếp không còn, Lê Anh Dũng từ vị trí chứng nhân gián tiếp đã trở thành chứng nhân độc lập.
2. Khảo chứng về nội dung
(1) Từ ngữ dùng trong tài liệu. Trong tài liệu chứng nhân đã dùng một số từ ngữ mà người nghiên cứu phải tìm hiểu để lãnh hội cho đúng.
Thí dụ
- Nhiều sách vở viết rằng đức Ngô Minh Chiêu là Giáo chủ Cao Đài, là người sáng lập đạo Cao Đài.
- Sách vở Cao Đài Chiếu minh gọi đức Ngô là Thầy. Sách vở Cao Đài Tây Ninh gọi Phạm Hộ pháp khi sinh tiền là Thầy, là Sư phụ.
- Mấy năm cuối thế kỷ 20, những văn kiện liên quan đến pháp nhân của các cộng đồng Cao Đài ở Việt Nam hay dùng từ hoàn nguyên, dùng từ suy cử thay cho từ công cử trong Pháp chánh truyền và Tân luật .
Sau này, khi tiếp cận tài liệu, những người chép sử sẽ phải hiểu các từ giáo chủ, người sáng lập, Thầy, Sư phụ, hoàn nguyên, suy cử ấy theo một ý nghĩa nào cho đúng?
(2) Mức tin cậy của chứng nhân
a. Khả năng quan sát. Chứng nhân có đủ năng lực quan sát không?
b. Khả năng tường thuật. Chứng nhân có đủ năng lực tường thuật không?
Khả năng quan sát và tường thuật của chứng nhân nhiều khi yếu kém là do chứng nhân không đủ kiến thức chuyên môn để am tường vấn đề.
Thí dụ
Không hiểu triết lý âm dương, không có kiến thức về giáo lý và lễ nhạc mà tường thuật một lễ hội Cao Đài thì làm sao phản ánh được những gì ẩn khuất đằng sau lớp lớp sắc màu, âm thanh và động tác!
c. Thiện chí. Chứng nhân kể lại có trung thực không? Chứng nhân có để tình cảm yêu ghét, óc kỳ thị chi phối không? có cố ý giấu diếm hay thêm thắt vì lý do nào không?
(3) So sánh hay đối chiếu
Người nghiên cứu đem các tài liệu đang có so sánh với nhau để phát hiện những điểm dị đồng, những chi tiết vô lý, những yếu tố mâu thuẫn nhau. Có thể lựa lấy một tài liệu khả tín nhất để làm bản “trục”, các tài liệu còn lại sẽ làm bản “dị” để đối chiếu, tìm ra những chi tiết bổ sung lẫn nhau, chỉnh lý lẫn nhau...
IV
CHÉP SỬ
Với các sự kiện lịch sử giá trị thu thập được, người nghiên cứu phải biết sắp đặt theo một thứ tự, tùy theo mức độ quan trọng của chúng. Đây là một khoa học và nó còn phụ thuộc vào óc phán đoán tinh tế của người nghiên cứu.
Bản thân các sự kiện lịch sử không nói lên một quan điểm, lập trường, không nêu ra tiếng khen hay lời chê. Bằng một lương tri trong sáng và với óc phán đoán vững chắc, người nghiên cứu phải khách quan và vô tưphát biểu ý kiến, nêu ra được những luận điểm xác đáng căn cứ theo các sử liệu đã có.
Đây là việc trình bày kết quả nghiên cứu, nó cũng là việc chép sử. Theo [Nguyễn Phương 1974: 30], người chép sử phải biết truyền tải vấn đề một cách sáng sủa, dùng những lời lẽ sinh động. Đó là tài văn chương. Tài văn chương của người chép sử giúp cho tác phẩm sử học mang nét nghệ thuật và dễ đi vào lòng người đọc sử, dễ lưu hành rộng khắp trong đại chúng.
Chép sử là dùng lời văn trình bày sự kiện lịch sử, làm cho quá khứ sống lại trung thực và linh hoạt. Theo [Nguyễn Phương 1974: 31], việc chép sử gồm ba phần:
(1) gạn lọc sử liệu;
(2) tổng hợp; và
(3) trình bày.
I. GẠN LỌC SỬ LIỆU
Có đề tài rất khó kiếm sử liệu. Sau nhiều công phu tìm tòi, khảo chứng các sử liệu hiếm hoi, người chép sử chỉ có một số ít dùng được. Như vậy không cần đặt ra việc chọn lựa để gạn lọc sử liệu. Nhưng lại có khi lại may mắn tìm được khá nhiều sử liệu cho một vấn đề cần giải quyết. Như thế sẽ phát sinh sử liệu dư thừa, không thực sự cần thiết. Vậy, phải biết gạn lọc sử liệu.
Thói thường, người ta hay tiếc, xót nếu phải bỏ đi các sử liệu đã khổ công kiếm được. Để đối trị tâm lý này, [Nguyễn Phương 1974: 144] khuyên người chép sử ghi nhớ câu nói của người Anh: “Một nửa có khi tốt hơn cả cái.” (The half is sometimes better than the whole.)
Ngoài ra, đối với các sử liệu không dùng đến người chép sử sẽ chẳng phải quẳng đi tất, vì vẫn có thể gom chúng lại theo nhiều đề mục. Như thế sẽ hình thành các tập sử liệu theo chuyên đề, rất có ích cho giới nghiên cứu sau này.
Thí dụ
Người sưu tầm sử liệu Cao Đài ngoài việc chép sử có thể công bố các công trình như sau:
- Góp phần sử liệu về thời kỳ khai đạo Cao Đài;
- Góp phần sử liệu về thời kỳ hình thành Cao Đài Tây Ninh;
- Góp phần sử liệu về thời kỳ truyền đạo Cao Đài ra miền Trung, v.v...
Thậm chí, có những giai thoại lịch sử bổ ích, thú vị, khi không thể dùng trong một quyển sử Đạo chính thống thì vẫn có thể gom lại thành một chuyên đề, chẳng hạn gọi là Cao Đài ngoại sử. Tài liệu này đọc nhẹ nhàng, có thể dùng tham khảo khi giảng dạy sử Đạo, làm cho giờ học sử trở nên thú vị, linh động.
· Gạn lọc sử liệu như thế nào?
- Gạn lọc tùy theo khuôn khổ, số trang dự kiến viết.
- Gạn lọc để chỉ nêu ra những sự kiện, chi tiết điển hình, giúp cho tác phẩm sử học cô đọng, hàm súc, không rườm rà, không luộm thuộm.
- Gạn lọc tùy theo mục đích chép sử.
+ Nếu nhằm minh giải cho một nghi vấn lịch sử, thì việc kết hợp chặt chẽ càng nhiều sử liệu giá trị sẽ càng thêm sức thuyết phục.
+ Nếu nhằm mục đích giảng dạy lịch sử, thì phải chú ý đến trình độ người học, chú ý đến thời lượng đào tạo, chú ý đến mục đích yêu cầu của khóa học...
+ Nếu nhằm phổ biến cho đại chúng thì cần tập trung khai thác những sử liệu bi tráng, những tấm gương hào khí và tiết liệt của tiền nhân, những giai thoại có tính giáo dục... Đại chúng sẽ thích thú, cảm thông với những mẩu chuyện sử rung động lòng người như thế. Người ta sẽ yêu sử Đạo và mến Đạo, thương Thầy, thương tiền nhân bằng tấm lòng kính ngưỡng, sùng mộ.
+ Nếu nhằm trình bày với giới nghiên cứu, các học giả, thì phải tập trung những sự kiện mang đậm tính học thuật, chú ý rất nhiều đến những chi tiết xác thực về không gian, thời gian và con người lịch sử. Sức thuyết phục của sử Đạo đối với trí giả trong trường hợp này phải là tính khoa học. Đối với sử Đạo, những huyền thoại, truyền thuyết, những sự kiện tâm linh thần bí thường không hiếm, nhưng nếu viết sử cho giới nghiên cứu, các học giả, thì phải thận trọng gạn lọc.
II. TỔNG HỢP
Tổng hợp là nối kết các sự kiện lịch sử thành một khối, căn cứ trên các mối tương quan giữa các sự kiện đó. Có thể tổng hợp các sự kiện căn cứ theo:
1. Tương quan nhân quả. Các sự kiện sắp xếp theo mối quan hệ nguyên nhân và kết quả (hay hậu quả).
2. Thời gian. Các sự kiện sắp xếp theo trình tự thời gian xảy ra. Gặp sự kiện không biết rõ thời gian nào thì phải suy đoán, dựa trên chứng cứ lịch sử. Cần thiết thì phải chú thích cơ sở lý luận, suy đoán.
3. Địa điểm. Các sự kiện trong cùng một địa phương được gộp chung với nhau, nhưng vẫn tuân theo trình tự thời gian xảy ra.
4. Đề mục. Chia các sự kiện ra thành nhiều đề mục.
5. Dung hòa thời gian, địa điểm, đề mục khi đề tài chép sử bao trùm một thời kỳ dài.
III. TRÌNH BÀY
[Nguyễn Phương 1974: 164] chủ trương rằng người chép sử “đi tìm chân lý lịch sử với một phương pháp khắc khổ, nhưng đồng thời họ muốn mặc cho chân lý đó cái bộ áo vô cùng uyển chuyển của văn chương. Lý tưởng của họ là làm sao tạo lại quá khứ thành những bức tranh sống.”
Muốn vậy, người chép sử cần phải:
- có óc tưởng tượng để tái tạo hình ảnh quá khứ (nhưng không được hư cấu);
- biết dùng thuật tu từ để lời văn linh hoạt, có hiệu quả;
- dùng các chi tiết cụ thể, điển hình;
- biết nhìn vấn đề một cách tổng hợp.
IV. CHÉP SỬ LÀ NÊU TẤM GƯƠNG CHO ĐỜI SAU
Theo sử thần Ngô Sĩ Liên (Đại Việt sử ký toàn thư), cũng như theo sử thần Phan Thanh Giản (Khâm định Việt sử thông giám cương mục), thì những việc nên hư, hay dở chép trong sử có thể làm gương cho đời sau soi thấy mà răn mình [Châu Long 1970: 20].
Cũng vậy, Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái (Đại Nam quốc sử diễn ca) nêu lên mục đích giáo dục luân lý của sử:
Phế hưng đổi mấy cuộc cờ,
Thị phi chép để đến giờ làm gương.
[Châu Long 1970: 20]
Trong sử Đạo, có những sự kiện lịch sử hiển nhiên mà người chép sử ngày nay phải có một bản lĩnh, công tâm để nghiệm xét.
Thí dụ
Phạm Hộ pháp có thời kỳ nắm quyền lãnh đạo cả Hiệp thiên đài và Cửu trùng đài, và danh xưng bấy giờ là Chưởng quản nhị hữu hình đài.
- Người không tán thành thì phê phán, bảo việc này vi phạm Pháp chánh truyền và Tân luật.
- Người ủng hộ thì tán thưởng rằng việc này tuy không có dự liệu trong Pháp chánh truyền và Tân luật, nhưng thể hiện tính quyền biến của người lãnh đạo.
- Người dè dặt thì chỉ chép lại sự kiện mà không nêu lời bình phẩm. Như thế phải chăng đã né tránh việc nêu lên bài học lịch sử?
Theo [Nguyễn Phương 1974: 163], sử gia phải biết đặt mình vào quá khứ lịch sử; phải nhìn sự kiện xảy ra vào năm N theo những tiêu chí của năm N chứ không lấy mực thước ngày nay mà định luận người xưa.
Nguyễn Phương chủ trương: trước một biến cố, sử gia hành xử giống như quan tòa trước một vụ án. Sau khi tra xét, quan tòa có quyền phán quyết phải trái. Cũng vậy, sau khi khảo chứng, người chép sử có quyền phê phán bằng lời nói. Có những trường hợp phê phán bằng lời nói còn là một bổn phận.
V. VÀI THỂ LOẠI ĐỂ GHI CHÉP SỬ ĐẠO
1. Biên niên sử (annals)
Người chép sử không để ý tới nội dung, ý nghĩa của sự kiện lịch sử mà chỉ chú ý tới thời gian xảy ra sự kiện đó. Vì thế, việc xảy ra trước thì chép trước, việc xảy ra sau thì chép sau. Hai sự việc cùng chép một chỗ theo lối biên niên vì thế có khi hoàn toàn chẳng liên quan gì với nhau.
Biên niên sử thường khô khan, đọc ít hứng thú. tuy nhiên đây lại là thể loại thuận tiện thu nạp sử liệu. Một quyển biên niên sử Cao Đài viết tốt, ghi chép tỉ mỉ, chính xác, sẽ giúp ích rất lớn, rất nhiều cho người nghiên cứu sử viết các đề tài về sử Đạo.
Chú: Thí dụ về biên niên sử Cao Đài: xem (1) Lê Anh Dũng. Lịch sử đạo Cao Đài thời kỳ tiềm ẩn 1920-1926. Huế: Nxb Thuận hóa, 1996, phần Niên biểu, tr. 183-196.; hoặc (2) Lê Anh Dũng. Lịch sử đạo Cao Đài: thánh thất Hà Nội. 1994, phần Niên biểu, tr. 91-101.
2. Thông sử (general history)
Trình bày có hệ thống các thời kỳ lịch sử đạo Cao Đài từ xưa tới nay, bao gồm đủ mọi mặt. (Cho tới nay trong thư tịch Cao Đài vẫn chưa ghi nhận được một bộ thông sử thật sự đúng nghĩa.)
3. Tiểu sử (biographies)
Tiểu sử đức Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương (Tòa thánh An Hội, 1958); Lịch sử Quan phủ Ngô Văn Chiêu (Cao Đài Chiếu minh, 1962); và Tiểu sử đức Quyền giáo tông Thượng Trung Nhựt (Tòa thánh Tây Ninh: 1973) là ba thí dụ quen thuộc.
Ngoài “Gương hướng đạo chơn tu của đức Trần Đạo Quang” của Hành Sơn (tập san Cao Đài giáo lý, số 94, Sài Gòn: Cơ quan Phổ thông Giáo lý, 1975), còn có mười sáu tiểu sử các nhân vật Cao Đài Truyền giáo Trung Việt do nhóm Mai Tú, Trần Văn Cản, Phạm Văn Liêm biên soạn. [Xem: Tiểu luận tốt nghiệp Hạnh đường Hưng đức, khoá đặc biệt, hệ Hoằng giáo (năm Đạo 70). Gồm các vị: Lê Trí Hiển, Lê Thị Hường, Phan Thiện Trì, Trần Nguyên Chất, Huỳnh Ngọc Trác, Trần Văn Quế, Cao Hữu Chí, Nguyễn Như Sơ, Trần Công Ban, Mai Thanh Phẩm, Nguyễn Chơn Khai, Trần Doãn Cơ, Trần Nguyên Chí, Lương Vĩnh Thuật, Trần Quốc Luyện, Huỳnh Thanh.]
Đức Nguyên (Hiền tài Nguyễn Văn Hồng) có Danh nhân Đại đạo (bản thảo, 360 tr. 14,5x20,5 cm) với hai mươi bảy nhân vật của Cao Đài Tây Ninh. [Gồm các vị: Lê Văn Trung (Quyền giáo tông), Trần Văn Thụ, Lê Văn Lịch, Nguyễn Ngọc Thơ, Trần Ngọc Sáng, Lâm Hương Thanh, Nguyễn Hương Hiếu, Hồ Hương Lự, Phạm Công Tắc, Cao Quỳnh Cư, Nguyễn Trung Hậu, Trương Hữu Đức, Trần Duy Nghĩa, Trương Văn Tràng, Ca Minh Chương, Phạm Văn Tươi, Phạm Tấn Đãi, Cao Đức Trọng, Lê Thiện Phước, Nguyễn Văn Mạnh, Thái Văn Thâu, Lê Thế Vĩnh, Cao Quỳnh Diêu, Phạm Văn Màng, Bùi Ái Thoại, Lê Văn Trung (Hiền nhơn).]
Tuy chưa đầy đủ, nhưng các nhan đề nêu trên là những thí dụ tiêu biểu.
3. Tiểu sử viết theo lối biên niên (chronological biographies)
4. Các hiệp tuyển sử liệu (anthologies of historical documents)
5. Các hiệp tuyển giai thoại lịch sử (anthologies of historical anecdotes)
Các giai thoại này có thể tìm trong Đại đạo căn nguyên của Nguyễn Trung Hậu (xướng họa giữa tiên và tục...); trong Đạo sử xây bàn (hai quyển) của Hương Hiếu (đức Chí tôn chỉ dẫn cho vợ Tư Mắt trị bệnh, đức Lý giáo hóa một kẻ uống rượu, các vé thơ điểm danh...).
Huệ Lương Trần Văn Quế từng đăng Cao Đài giáo lý (ấn bản ronéo và typo, Sài Gòn 1966-1975) một số bài báo kể lại các giai thoại cơ bút rất thú vị...
6. Các chuyên khảo (monographs), thí dụ:
- Lược sử hình thành các thánh thất, thánh tịnh
- Quá trình hình thành các chi phái Cao Đài
- Cao Đài cứu quốc trong chiến tranh giải phóng dân tộc
- Lược khảo 20 năm đầu tiên của Cơ quan Phổ thông Giáo lý Cao Đài giáo Việt Nam (1965-1975)
- v.v...
Một bài nói chuyện của Huệ Nhẫn tại Cơ quan Phổ thông Giáo lý Đại đạo, ngày 13-7-1999, bản thảo Ngũ chi Đại đạo: Minh sư, Minh đường, Minh lý, Minh thiện, Minh tân (28 tr., 14,5x20 cm) nếu tiếp tục phát triển sâu hơn nữa, bổ sung các dữ liệu trong quá trình điền dã, chắc chắn sẽ là chuyên khảo rất giá trị, đóng góp nhất định cho nguồn sử liệu về buổi bình minh của đạo Cao Đài tại Nam Kỳ.
V
CƯỚC CHÚ VÀ THƯ MỤC
Trong lúc trình bày một đề tài lịch sử, người chép sử nên cho người đọc biết mình đã dùng các tài liệu nào (bằng cách dùng cước chú và lập thư mục). Như thế, người đọc dễ dàng đánh giá, kiểm xét công việc người chép sử đã làm. Trong trường hợp họ có tài liệu nào khác, họ sẽ bổ sung cho người chép sử.
Ngoài ra, khi tác phẩm sử học có các chi tiết nào cần thiết phải nói rõ hơn bằng những phần trình bày dài trang, người chép sử phải dùng đến phụ lục.
I. CƯỚC CHÚ
Cước: chân.
Cước chú: chua, chú thích bên dưới trang giấy.
Để công trình chép sử có tính khoa học, không được bỏ qua cước chú. Nhưng đừng lạm dụng cước chú. Phải biết cước chú trong các trường hợp cần thiết và hữu ích sau đây:
1. Khi trích nguyên văn (lời văn đặt trong dấu ngoặc kép), phải dùng cước chú để nêu xuất xứ. Đây là đức trung thực, liêm khiết của người cầm bút.
Thí dụ
2. Khi tóm lược hay quảng diễn lời văn của người khác, phải dùng cước chú để nêu xuất xứ. Đây là đức trung thực, liêm khiết của người cầm bút.
Thí dụ
3. Khi người chép sử đưa ra một kết luận, nhưng để bài viết không bị loãng, những phần lý luận tỉ mỉ sẽ phải đưa vào cước chú. (Nhờ cách này, người đọc có cơ hội xem xét cách làm việc và lập luận của tác giả, và sẽ tán đồng hoặc không nhất trí với tác giả.)
Thí dụ
4. Khi một sự kiện lịch sử có những chi tiết rất thú vị, hoặc cần giải trình thêm cho rõ, những chi tiết này cần được đưa vào cước chú. Với cách này, tác giả có thể giữ cho bài viết được sáng sủa, tập trung vào đề mục chính, đề tài không bị “loãng” nhưng đồng thời vẫn cung cấp được cho người đọc những thông tin phong phú và bổ ích.
Thí dụ
II. THƯ MỤC
Thư: sách báo và các tài liệu thành văn khác.
Mục: bản liệt kê, mục lục.
Thư mục: bản liệt kê (mục lục) sách, báo, tài liệu viết về một vấn đề.
1. Nguyên tắc căn bản khi soạn thư mục
Thông thường, khi soạn thư mục người chép sử chỉ được kê khai những tài liệu bản thân đã trực tiếp dùng đến khi hoàn thành tác phẩm.
Không bao giờ được đưa vào thư mục những tài liệu bản thân không đọc và cũng không sử dụng. Cũng không bao giờ được kê ra một tài liệu đã dùng gián tiếp thông qua một tác phẩm khác.
Thí dụ
Trong Phương pháp sử học (Sài Gòn: Nxb Sao mai, 1974, tr. 33), Nguyễn Phương dẫn câu “Phương pháp làm nên sử gia, chứ không phải thiên tài, hay hùng biện, hay bác học.” của Lord Acton, và chú thích xuất xứ là: History of freedom and other essays. London: Macmillan, 1987, p. 235.
- Nếu người chép sử dẫn lại câu nói ấy của Lord Acton, thì phải thẳng thắn ghi chú rõ là mình đã trích dẫn theo Nguyễn Phương, sách nào, trang nào.
- Trong thư mục chỉ được liệt kê tác phẩm của Nguyễn Phương, không được ghi thêm quyển History of freedom and other essays của Lord Acton.
2. Thí dụ về một Thư mục
Bahm, Archie J. The world’s living religions. New York: Dell, 1964.
Bernardini, Pierre. Le Caodaisme au Cambodge. Université de Paris VII, 1974.
Bulletin de la Société des Etudes indochinoises. Nouvelle série, Tome XX. Sài Gòn: 1945.
Cao Xuân Huy. “Lao tzu’s philosophy and Confucius scholars”, Vietnamese studies. No. 56. Hà Nội, 1979.
Đào Văn Hội. Lịch trình hành chánh Nam Phần. Sài Gòn: 1961.
Đồng Tân. Lịch sử Cao Đài. Sài Gòn: Nxb Cao hiên, Quyển 1, 1967; Quyển 2, 1972.
Hành Sơn. “Gương hướng đạo chơn tu của đức Trần Đạo Quang”. Cao Đài giáo lý, số 94, Sài Gòn: Cơ quan Phổ thông Giáo lý, 1975.
Huệ Lương. Đại đạo Tam kỳ phổ độ (Cao Đài giáo sơ giải). Sài Gòn: Thanh hương Tùng thơ xb, 1963.
Huỳnh Minh. Gia Định xưa và nay. Sài Gòn: 1973.
Huỳnh Minh. Tây Ninh xưa và nay. Sài Gòn: 1972.
Hương Hiếu. Đạo sử. Quyển I, Quyển II. Tòa thánh Tây Ninh, không ghi năm xuất bản (ronéo).
Lalaurette, “Le Caodaisme”. Tây Ninh: Rapport, 01.01.1932. Đánh máy. (Trần Thị Ánh Tuyết dịch, bản thảo.)
Lê Anh Dũng. Quan thánh xưa và nay. Hà Nội: Nxb Văn hóa Thông tin, 1995.
Nguyễn Đình Đầu. Tổng kết nghiên cứu địa bạ Nam Kỳ Lục tỉnh. Nxb Thành phố, 1994.
Nguyễn Thế Anh. Việt Nam dưới thời Pháp đô hộ. Sài Gòn: Lửa thiêng, 1970.
Nguyễn Trung Hậu. Đại đạo căn nguyên. Sài Gòn: 1957.
Paulus (Huình Tịnh) Của. Sách quan chế. Sài Gòn: Bản in Nhà nước, 1888.
Phái Chiếu minh. Lịch sử Quan phủ Ngô Văn Chiêu. Sài Gòn: 1962.
Phạm Văn Sơn. Chế độ Pháp thuộc ở Việt Nam. Sài Gòn: 1972.
Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí. Tập V. Phạm Trọng Điềm dịch, Đào Duy Anh hiệu đính. Huế: Nxb Thuận hóa, 1992.
Smith, R.B. “An introduction to Caodaism”, BSOAS. University of London, Vol. XXXIII, Part 2, 1970.
Sơn Nam. Bến Nghé xưa. Nxb Văn nghệ, 1981.
Sơn Nam. Cá tính của miền Nam. Sài Gòn: Nxb Đông phố, 1974.
Sơn Nam. Đất Gia Định xưa. Nxb Thành phố, 1984.
Sơn Nam. Miền Nam đầu thế kỷ XX: Thiên địa hội và cuộc Minh tân. Sài Gòn: Nxb Phù sa, 1971.
Tòa thánh An Hội. Tiểu sử đức Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương. Sài Gòn: 1958.
Tòa thánh Tây Ninh. Tiểu sử đức Quyền giáo tông Thượng Trung Nhựt (Lê Văn Trung). Tây Ninh: 1973.
Tòa thánh Tây Ninh. Thánh ngôn hiệp tuyển. Tây Ninh: Quyển 1, 1964; Quyển 2, 1970.
Trần Trọng Kim. Việt Nam sử lược. Quyển Thượng, Quyển Hạ. Sài Gòn: Nxb Trung tâm Học liệu, 1971.
Vương Hồng Sển, Sài Gòn năm xưa. Sài Gòn: Nxb Khai trí, 1969.
[Trích: Lê Anh Dũng. Lịch sử đạo Cao Đài thời kỳ tiềm ẩn 1920-1926. Huế: Nxb Thuận hóa, 1996, tr. 207-210.]
VI
THAY LỜI KẾT
Theo [Châu Long 1970: 5-6], Thuyết văn giải tự giảng: Chữ sử gồm chữ hựu (tay để biên chép) và chữ trung (giữa, ngay thẳng) ghép thành. Vậy sử [gia] nghĩa là người chép sự việc giữ cho tay ở mực giữa, không thiên lệch, chép đúng sự thật.
Từ ý nghĩa trên, người chép sử đạo Cao Đài có thể liên tưởng và tâm niệm lời dạy của đức Giáo tông Vô vi Đại đạo Tam kỳ Phổ độ: “Sử phải thật, không thiên kiến tô hồng, không chủ quan tùy cảm, không định kiến khen chê.”
Muốn thể hiện được nguyên tắc chép sử như lời dạy của đức Giáo tông, người chép sử không chỉ có tài mà phải có tâm, có đức. Tâm đức đó ra sao? Phải chăng ở đây có thể mượn lời Châu Long và Lê Kim Ngân, rằng:
“Sử gia khi nghiên cứu lịch sử là làm sống lại lịch sử một phần nào nhưng phần thưởng cho sử gia là khi nào sử gia đạt được cuộc nói chuyện của người xưa với người nay và thiết lập được mối cảm thông xưa nay. (...) Sử học bắt buộc ta phải quên mình (nếu không quên mình, chúng ta không đủ tư cách để thiết lập cuộc đối thoại) để tìm hiểu người khác, đi rước người khác vào mình để họ sống trong mình. Sử học bắt buộc chúng ta phải luôn luôn cố gắng đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, đặt mình vào vũ trụ của họ, cần làm sống lại tất cả những gì chung quanh họ, họ đã biết và đã sống. Sử học bắt ta phải cố gắng không ngừng để đánh đổ bản ngã của chúng ta, để làm sống lại những người ta đang muốn làm sống.” [Châu Long 1970: 23].
Để tránh bệnh “chủ quan tùy cảm”, một lần nữa người chép sử Cao Đài có thể tham khảo ý kiến của Châu Long và Lê Kim Ngân, rằng: “Bộ óc của sử gia phải là một bộ óc bách khoa, cái gì cũng phải biết, cái gì cũng phải nghe, phải nhìn. Sự hiểu biết của ta rộng rãi chừng nào thì ta có thể làm sống lại quá khứ chừng ấy. Mỗi khối óc là một chủ quan. Muốn bài trừ cái chủ quan của ta, ta phải nâng sự hiểu biết của mình lên. (...) Muốn bài trừ chủ quan, ta phải mở rộng khối óc của ta, hòa mình với bao nhiêu nhận thức, với bao nhiêu thực tại.” [Châu Long 1970: 23-24].
Chép sử Đạo không bao giờ là việc dễ dàng, nhưng người muốn đi vào công tác sử đạo Cao Đài không nên đòi hỏi ở bản thân một năng khiếu bẩm sinh. Hãy bắt đầu như lời Lord Acton khẳng định: Phương pháp làm nên sử gia, chứ không phải thiên tài, hay hùng biện, hay bác học. [Nguyễn Phương 1974: 33].
VII
PHỤ LỤC
THÍ DỤ VỀ TIỂU SỬ VIẾT THEO LỐI BIÊN NIÊN
HUỆ LƯƠNG TRẦN VĂN QUẾ (1902-1980)
VIII
SÁCH THAM KHẢO CHỌN LỌC
[Châu Long 1970] = Châu Long và Lê Kim Ngân. Sử học nhập môn (sử học phương pháp luận). Sài Gòn: Nxb Văn hào, 1970.
[Nguyễn Hữu Phương 1971] = Nguyễn Hữu Phương, Nguyễn Thái Lai, và Nguyễn Minh Sử. Phương pháp soạn & viết khảo luận. Sài Gòn: Nxb Đại chúng, 1971.
[Nguyễn Phương 1974] = Nguyễn Phương. Phương pháp sử học. Sài Gòn: Nxb Sao mai, 1974.
[Nguyễn Thế Anh 1974] = Nguyễn Thế Anh. Nhập môn phương pháp sử học. Sài Gòn: Nhà in Nguyễn Bá Tòng, 1974.
GHI CHÚ
Ký hiệu [Châu Long 1970: 38] nghĩa là tr. 38, trong sách dẫn trên của Châu Long và Lê Kim Ngân.
GHI CHÚ CUỐI SÁCH (tháng 6-2004)
Những lý thuyết và kỹ thuật được trình bày trong Phần I và Phần II của “Phương pháp & kỹ năng nghiên cứu Cao Đài” chỉ là tương đối (trong hoàn cảnh chưa có computer trợ giúp). Khi sử dụng computer để biên soạn, những tiện ích (utilities) do computer mang lại sẽ làm nhẹ bớt hơn và hiệu quả hơn rất nhiều cho người nghiên cứu.
Nguồn:
|
0 Comments:
Bài đăng Mới hơn Bài đăng Cũ hơn Trang chủ
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)