Xin giới thiệu
cùng các bạn một bài nói chuyện về những lí do bài báo khoa học bị từ chối. Đây
là một bài giảng tại Đại học Y tế Công cộng Hà Nội (Hanoi School of Public
Health - HSPH) nhân dịp tôi ghé thăm hôm 10/1/2013. Bài giảng (~100 phút) và phần
câu hỏi (~20 phút) đã được các bạn ở HSPH chuyển sang dạng video, với chất lượng
rất tốt.
Trên thế giới có rất nhiều tập
san khoa học, và chất lượng cũng rất “thượng vàng hạ cám”. Tính đến năm 2010,
có 28,235 tập san khoa học có bình duyệt trên thế giới. Trong số này khoảng
21,000 là có phiên bản trực tuyến [1]. Bất cứ chuyên ngành nào cũng có ít nhất
3 tập san cạnh tranh nhau để công bố những công trình nghiên cứu khoa học. Những
năm gần đây, với sự phát triển của internet, một số tập san Open Access ra đời
cạnh tranh với những tập san truyền thống (in trên giấy). Đáp ứng lại thách thức
này, các tập san truyền thống cũng bắt đầu công bố trực tuyến, và cho tác giả lựa
chọn công bố theo mô hình Open Access hay theo mô hình cổ điển (tức độc giả phải
trả tiền mới đọc được).
Nói là “cạnh tranh”, nhưng các tập
san không phải tuyệt vọng đến nỗi không có bài để công bố, mà ngược lại, có xu
hướng từ chối bài gửi đến. Tỉ lệ từ chối dao động rất lớn giữa các tập san. Những
tập san lớn nhưNature, Science, Cell từ chối trên 90% những bài báo, những
tập san thuần tuý lâm sàng và “high profile” nhưNew England Journal of
Medicine, Lancet, BMJ, JAMA, Ann Int Med, J Clin Invest, v.v. cũng có tỉ lệ
từ chối trên 80%. Các tập san chuyên ngành thường có tỉ lệ từ chối thấp hơn,
nhưng cũng khoảng 50%. Tập san có hệ số ảnh hưởng (impact factor) càng cao thì
tỉ lệ từ chối cũng càng cao. Đó cũng chính là một trong những lí do impact
factor vẫn còn là một trong những thước đo về chất lượng và uy tín của tập san
khoa học. Người có kinh nghiệm chỉ cần nhìn qua danh sách tập san mà một nhà
khoa học công bố cũng có thể biết đẳng cấp của nhà khoa học này cỡ nào.
Tác giả nhiều khi không biết lí
do tại sao bài báo của mình bị từ chối. Lá thư của ban biên tập thường rất
chung chung và ngoại giao. Có ban biên tập viết rằng họ “rất đau lòng” phải từ
chối bài báo, nhưng tôi nghĩ họ chẳng đau lòng chút nào! Có lần tôi nhận một lá
thư từ chối của Ann Int Med, trong đó có đoạn “Tôi biết ông sẽ không hài
lòng hay có thể rất giận với quyết định của tôi, nhưng tôi mong ông thông cảm
cho tôi, trong vai trò này tôi có rất nhiều kẻ thù.” Đọc xong chỉ biết … cười.
Nhưng người phục vụ trong ban biên tập thì biết lí do. Thật vậy, một trong những
“đặc quyền” của ban biên tập các tập san khoa học là có những thông tin về lí
do bài báo khoa học bị từ chối. Do đó, trong bài này, tôi muốn chia sẻ cùng các
bạn những lí do đó. Bài viết đã gửi cho một tờ báo, còn phần trình bày thì có
thể theo dõi qua video này.
Buổi nói chuyện diễn ra sáng ngày
10/1/2013, trước khi tôi lên máy bay vào Sài Gòn để bay về Sydney. Bài nói chuyện
gồm 3 phần bàn về lí do công bố quốc tế, một số kết quả phân tích ấn phẩm khoa
học (bibliometrics), và những lí do bài báo bị từ chối. Bài nói chuyện có phần
thảo luận, nhưng hình như video thu không hết hay có trục trặc kĩ thuật. Vì là
“nói chuyện”, nên có vài đoạn vui mà tôi hi vọng không làm các bạn khó chịu.
Nhân đây, tôi muốn cám ơn các bạn
đã đến dự buổi nói chuyện và chia sẻ kinh nghiệm cũng như đặt câu hỏi. Tôi cũng
có dịp gặp lại vài bạn cũ và một số bạn mới quen. Có nhiều bạn đã đọc (và thực
hành) những bài viết hướng dẫn của tôi trên mạng. Các bạn này làm tôi cảm động.
Tôi cũng cảm ơn Ts Nguyễn Việt Hùng, người mà tôi cũng chỉ mới gặp ngoài đời,
nhưng anh đã biết tôi từ những năm còn làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Tôi đi
nói chuyện nhiều nơi, nhưng phải nói rằng hôm đó là một buổi sinh hoạt học thuật
được tổ chức rất bài bản và chuyên nghiệp. Từ cách ra thông báo đến cách làm chủ
toạ buổi nói chuyện, và khâu quay phim, tất cả đều rất chuyên nghiệp. Thấy
cách làm việc đó tôi thấy mình như rất gần hay nói nôm na là “cùng bộ lạc”.
Trong năm tới (2013) tôi sẽ có vài dịp để quay lại và hi vọng sẽ có vài dự án
triển khai cùng với những người trong bộ lạc.
Đây là những video bạn có thể
theo dõi:
Chú thích:
[1] Tenopir C, Regina M, Wu L.
Journal Article Growth And Reading Patterns. New Review Of Information
Networking 16.1 (2011): 4-22. Library, Information Science & Technology
Abstracts. Web. 2 May 2012.
0 Comments:
Bài đăng Mới hơn Bài đăng Cũ hơn Trang chủ
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)