W. H. Davenport Adam
Đặc Tính Người An Nam – Y Phục và Nơi Ở -- Cánh Đồng Các Ngôi Mả -- Mô Tả Con Tắc Kè – Sự Quen Thuộc Với Con Người – Về Con Thằn Lằn – Dạo Chơi Chợ Lớn – Hà Tiên Của Các Cánh Hoa Hồng – Vườn Trồng Hạt Tiêu – Tiệc Ngày Tết – Một Trò Tiêu Khiển Của Người An Nam – Các Buổi Diễn Tuồng – Người Sáng Lập Ra Hà Tiên – Mộ Của Mạc Cửu – Một Vị Khách Gây Khó Chịu – Một Con Rắn Hổ Mang – Rắn Mẹ Và Đàn Con – Tại Vĩnh Long – Núi Bà Đen – Suối Nguồn Vô Tận – Săn Hổ -- Người Lính Và Con Hổ -- Thăm Viếng Ngôi Chợ Ở Tây Ninh – Người An Nam Và Người Căm Bốt – Phần Tử Trung Hoa. *
* Tiểu Đề và Nội Dung bài viết ghi trên do người dịch đặt ra, theo ý nghĩa và tiêu đề trên đầu các trang trong nguyên bản.
Ngô Bắc dịch
*****
Chúng tôi mắc nợ một số tin tức bổ túc liên quan đến con sông vĩ đại của Căm Bốt từ Bác Sĩ Morice, người đã du hành tại Nam Kỳ (Cochin-China) trong năm 1872.
Về người An Nam, cư dân của Nam Kỳ, ông nói ngay từ đầu, rằng cảm tưởng đầu tiên của ông đối với họ là một cảm giác kinh tởm. Những khuôn mặt đó, ít nhiều phẳng bẹt, và thường không có vẻ thông minh hay sinh khí gì cả; các đôi mắt xám ngắt đó, và đặc biệt, cái mũi to đó, và cặp môi dầy vất lên, bị nhuộm đỏ và làm sai màu bởi việc nhai trầu thường trực, không đáp ứng được lý tưởng về vẻ đẹp của người Âu Châu. Nhưng sau một sự quen biết lâu dài với họ, ông, giống như trường hợp của các du khách Tây Phương khác, bắt đầu nhận thức được một nhìn thoáng qua về ý nghĩa trong phần lớn cử chỉ, và còn phân biệt được giữa những phong cách xấu xa. Ông đã gặp một số đôi mắt không xếch lên, một số mũi có một tính chất gần như người Causian, và ác cảm của ông dần dần biến mất.
Song, từ quan điểm ưu ái nhất, họ là một sắc dân có khổ người thấp và dáng vẻ khó thương; yếu đuối, thiếu sinh khí, và nhiều phần không bao giờ tạo ra một sự ồn ào nào trong thế giới. Các nhà cai trị người Pháp của họ trở thành các kẻ khổng lồ khi so sánh với các dân chúng thấp lùn này; và năng lực bắp thịt thua xa năng lực của các người Âu Châu, bất luận là vì các nguyên do tự nhiên hay vì không có kiến thức vệ sinh. Về nước da của họ, trong khi một số có nước da đậm, các người khác khá xanh xao và tái mét. Chỉ có hai khía cạnh mà người An Nam có thể được nói là vượt qua mặt các chủ nhân của họ: khả năng chèo thuyền trong mười tiếng đồng hồ liên tiếp, và sự miễn trừ mà với nó, họ có thể đối đầu với các tia nắng thiêu đốt của mặt trời nhiệt đới.
Về đặc tính của họ, là đặc tính của một dân tộc mà sự nô lệ, ngu dốt và lười biếng khiến họ trở thành nghèo đói, nhút nhát và vô cảm. Song họ có khả năng được nâng lên một tiêu chuẩn trí thức và đạo đức cao hơn. Họ có nhiều khuyết điểm trầm trọng, đúng là như thế; thí dụ, họ thiếu sót một cảm tính về nghệ thuật. Ngay bằng chứng về nhược điểm kể sau cũng được tìm thấy nơi một số các bức tranh trên tường khá ngạc nhiên, được sao chép lại, với sự trung thực đáng yêu, tất cả đều rạng rỡ và sống động trong thiên nhiên – các con chim, các côn trùng, các đóa hoa. Nhưng như một quy luật, người An Nam thì vô cảm đối với nghệ thuật. Âm nhạc đơn điệu chát chúa thực khủng khiếp đối với đôi tai văn hóa; và điều có thể ngờ vực rằng không rõ âm nhạc của chúng ta có vui tai đối với họ hay không. Về điêu khắc họ chỉ biết các điều sơ sài; thơ của họ thì lạnh lùng; họ không thể khiêu vũ. Sự nghiên cứu văn chương của họ bị giới hạn vào một sự quen biết với ít Hán tự; và các sự sở đắc khoa học của họ thì trống trơn.
Kế đến là về y phục của họ. Họ không bao giờ vứt bỏ quân áo cho tới khi chúng tơi tả thành mảnh vụn rách nát, mặc dù chúng không đủ để bảo vệ họ chống lại các sự biến đổi của khí hậu, và đặc biệt hơn chống lại các buổi sáng buốt giá của Tháng Mười Hai và Tháng Một. Các túp lều hay ngôi nhà chuồng của họ, gần như tất cả đều được dựng trên các chiếc cọc, nửa dưới nước, nửa bằng đất và bùn, thật không lành mạnh một cách lạ lùng. Việc canh tác lúa gạo, và nghề nghiệp của họ là các ngư phủ, khiến cho họ gần như có tính lưỡng cư, vừa sống dưới nước vừa ở trên cạn. Nước thường dâng lên tới sàn nhà của một ngôi nhà An Nam, đặc biệt với triều sóng cao, nhưng điều đó không gây phiền hà cho chủ nhà; kẻ, trong biến cố như thế, ngồi nép mình một cách hài lòng trên lò sưởi trong nhà, hay đong đưa trên chiếc võng thô sơ của mình, lẩm bẩm một vài điệu hát đơn độc, hay hút thuốc điếu có hình dạng như một khẩu súng nòng ngắn cổ lỗ.
Tại Sàigòn (hay Sai-gun [?]), khu định cư và hải cảng của Pháp, tọa lạc tại cửa một con sông mang cùng tên, du khách tìm thấy nhiều điều thú vị hơn cho mình. Thí dụ, Vườn Bách Thảo (Botanic Garden), sẽ đền đáp xứng đáng sự thẩm tra, chứa cất như đang có, các mẫu hiếm quý, đẹp đẽ và kỳ lạ của thảo mộc nhiệt đới. Ngay sát cận là Cánh Đồng Các Ngôi Mộ (Plain of the Tombs); diễn trường, một thế kỷ trước đây, của nhiều trận đánh giữa các cư dân của vùng Hạ Nam Kỳ (Lower Cochin-China) và người An Nam; và giữa các năm 1860 và 1864, nhiều cuộc giao tranh giữa người An Nam và người Pháp. Tính đồng nhất của dải đất mênh mông bị ngắt quãng bởi một số gò đất hay các nấm mộ; một số thì khiêm tốn, số khác ở tầm mức huy hoàng. Được xây cất bằng đất hay gạch, chúng được bao phủ bằng một loại xi-măng, trên đó được họa kiểu bằng các màu sắc linh động các hình tượng của các con vật hoang đường và cây cỏ không thể có được, trong khi danh tính và chức vị của người chết được khắc chữ nổi bật.
Nơi đây, vào một ngày, Bác Sĩ Morice đã có dịp làm khán giả trong một tang lễ của người An Nam, vốn luôn luôn được cử hành với một mức độ linh đình nào đó, và được tham dự bởi một đoàn người phân ưu đông đảo. Quan tài được đặt ở giữa một ngôi nhà nhỏ di chuyển được, được làm bằng giấy có màu sắc rực rỡ, và được cắt thành hình thể kỳ lạ. Một số người khiêng ngôi đền thu nhỏ này, đặt trên vai của họ các thanh tre để nâng đỡ ngôi đền. Một đoàn người cầm các ngọn đuốc rải dọc theo con đường các lời cầu nguyện lên Đức Phật, được vẽ trên các tờ giấy mã bạc và vàng, và châm lửa đốt chúng. Phía đàng sau rảo bước là các bè bạn và thân nhân người từ trần, một số người thốt ra các lời than khóc miễn cưỡng, tất cả đều cười “sau cánh tay áo của họ”; bởi các người lạ lùng này không bao giờ bị quá xúc động bởi sự buồn rầu của họ đến nỗi họ không thể nhạo báng, hay ở bất kỳ sự việc gi mà họ có thể tức thời bắt gặp, bằng trực giác, một khía cạnh khôi hài.
Ở nơi đây ông có nhìn thấy một số con tắc kè; trong thực tế chúng nhiều đủ để được xem là vị thần của địa điểm. Cư trú trong các khu rừng và các nơi mênh mông, cũng như tại các túp lều của người An Nam và các ngôi nhà của người Pháp, con thằn lằn to xác này, rất thông thường tại Nam Kỳ, là một trong các con vật mang lại cho loài động vật của xứ sở này một nét đặc thù. Độc giả có hay biết con tắc kè dáng dấp ra sao không? Nếu không, hãy để người đó cố gắng hình dung về một con kỳ nhông trên đất khổng lồ; da của nó, màu xám xanh, được bao phủ bởi một số lượng hạch tí hon nổi lên giữa một mảng nhuốm màu cam; cặp mắt to lớn của nó có một mồng mắt màu vàng - vàng kim loại; trong khi đó, nhờ một phiến giống như miếng hút nằm ở mặt dưới gan bàn chân, nó có thể bước đi một cách dễ dàng trên các bề mặt trơn trợt nhất, và hoàn toàn thách đố các định luật về trọng lực. Tiếng kêu của nó, âm thanh được dùng đặt cho tên gọi của nó trong mọi ngôn ngữ, nghe vang vọng một cách kỳ lạ; và khi nghe thấy lần đầu tiên, khá làm người nghe kinh sợ. Một tiếng gầm gừ hay khục khặc yếu ớt vang ra như một khúc dạo đầu, và sau đó, trong năm, sáu hay tám lần, hạ thấp giọng của mình đều đặn nửa âm độ mỗi lần, nó phát ra các nốt nhạc theo âm điệu của nó, đôi khi được viết là gecko, và đôi khi là tacke; cuộc trình diễn kết thúc với một tiếng gầm gừ của sự thỏa mãn.
Con tắc kè lớn lên quen thuộc với con người y như con mèo hay con chó trong nhà, -- tiến vào các nơi cư trú của con người một cách tự do, và cung cấp dịch vụ quý báu bằng sự hăng hái mà nó đã dùng để nuốt tươi các con ruồi, nhện, và các loài côn trùng gây bệnh dịch. Ban ngày, nó thường ẩn nấp tại vài xó xỉnh khuất lấp hay góc nhà tối tăm; nhưng vào lúc chập tối, xông ra tìm kiếm con mồi, chạy lên xuống các bức tường dựng đứng nhất với sự nhanh nhẹn tuyệt vời, và mang lại sự thốt lên một tiếng động the thé ngắn ngủi bằng cách đập lưỡi của nó vào mạng khẩu cái. Thân thể của nó thật linh động, đến nỗi nó có thể sẵn sàng tự thích ứng với bất kỳ chỗ lõm hay hình thể bất thường nào trên mặt đất, tạo thành một cách rõ ràng một bộ phận cấu thành của mặt đất. Sự dối gạt này được dễ dàng hơn nhờ tính làm phai màu của nó. Nó là một con vật giữ nhà, và không bao giờ đi lang thang quá xa khỏi hang ổ mà nó đã lựa chọn. Bất kể sự xấu xí và tiếng kêu của nó, vào ban đêm, khi một tá tiếng được nghe để đáp ứng với một tiếng kêu khác, trở nên mệt mỏi không chịu được, nó là một trong những đồng minh hữu dụng nhất của con người trong thế giới loài vật, và đáng được tôn trọng.
Một lời nói thêm về sự hình thành bàn chân rộng khổ của nó. Tất cả mọi ngón chân được trải rộng một cách đáng kể ở các bờ cạnh, và mặt dưới của chúng được chia thành nhiều phiến bám (hút) chặt theo hàng ngang, từ đó tiết ra một dung dịch kết dính. Móng chân của nó thì sắc, uốn cong, và co rút giống như móng của con mèo.
Một con vật khác trong cùng nhóm, nhưng nhỏ hơn nhiều, trông rất giống với con tarenta [tiếng Ý Đại Lợi, chú của người dịch] mà người dân ở Toulon [thuộc miền nam nước Pháp, gần Marseille, chú của người dịch] rất sợ hãi, là con margouilla, tức “con thằn lằn” [nguyên bản viết là “con-tan-lan”, chú của người dịch] của người An Nam. Nó sinh sống ở các cây cối và nhà ở với sự tự mãn không kém. Mọi buổi tối, khi các ngọn nến thon gọn được thắp sáng lên, nó có thể được nhìn đang dạo chơi dọc trần nhà, nơi nó vồ chụp lấy các côn trùng, thốt ra từng chập tiếng kêu ngắn ngủi đầy thỏa mãn của nó, có thể ghi âm thành âm tiết toc, được lập lại cả chục lần. Nó mê thích đường mía; nhưng bởi nó là kẻ thù thâm căn của các con muỗi, không ai cằn nhằn nó vì một mẩu món ăn ngon từ hũ đường.
Từ Sàigòn, Bác Sĩ Morice đã làm một cuộc du lãm đến Kholen [Chợ Lớn?], thị trấn đứng hàng thứ nhì về mặt kích thước và dân số tại Nam Kỳ. Nó nằm cách Sàigòn khoảng ba dặm, nhưng được nối liền với nó bởi một chuỗi các ngôi làng, các ngôi chùa, và các ngôi nhà vùng quê của các thương nhân Trung Hoa giàu có hơn. Kholen [Chợ Lớn?] là trung tâm của mọi hoạt động thương mại của người Hoa tại thuộc địa. Số lượng gạo, hàng hóa, và các sản phẩm xuất cảng từ Trung Hoa, được bán ở đó, gần như vượt quá sự tin tưởng; và người ngoại quốc khảo sát với sự thú vị hoạt cảnh của các đường xá nhộn nhịp của nó, và nhiều chiếc thuyền buồm Trung Hoa và thuyền tam bản Việt Nam thả neo dọc các bến tàu của nó.
Trong số các nét đặc thù có thể nổi bật là các công viên hay nơi bảo dưỡng các con cá sấu của nó. Một rào cản bằng các đống vật liệu vững chắc và kéo dài bao quanh một khoảng chừng hai mươi thước [Anh tức yards] vuông trên bờ sông; trong đất bùn và bùn loãng bao quanh khu đó, và thường xuyên ngập nước bởi triều sóng cao, bò ngổn ngang từ một đến hai trăm con cá sấu. Khi người ta muốn hy sinh một hay hai con quái vật này, hai đống chất cao được nâng lên; một nút dây thòng lọng được quăng quanh cổ con lớn nhất trong bầy, sau đó được kéo ra ngoài; đuôi của nó được buộc chặt dọc theo thân; các bàn chân bị cắt ra, và được bày biện trên lưng của nó; hàm bị buộc chặt bởi các sợi mây; và các sự trói buộc bằng dây thảo mộc này chặt đến nỗi con vật khổng lồ không sao cục cựa được, và không thể nào đề kháng được gì. Về thịt cá sấu, mặc dù đúng hơn là lớp da, rõ ràng có một trị giá nào đó, và không bị thấm nhiễm quá nhiều mùi xạ hương như một số tác giả đã phóng đại. Trên cỗ bàn An Nam, nó tượng trưng cho một món ăn được ưa thích.
Từ Sàigòn, cuộc du lãm kế đó của Bác Sĩ Morice là đến Gò Công, nằm ở trung tâm của một huyện nổi tiếng vì các cánh đồng lúa của nó. Từ đó ông đã tìm đường đến Hatian (Hà Tiên hay Cancao), nơi mà ông đưa ra một sự mô tả sống động được cung cấp cho bởi một thực dân Pháp: --
“Hà Tiên của Các Hoa Hồng (Hatian-of-the Roses”) là một viên ngọc nhỏ của các hoa và cây cỏ xanh tươi; các ngôi chùa tráng lệ, các đồi cây, các tảng đá vôi giống như cac mũ ống không vành (Bonnet-à-Poil); mọi thứ mà người ta không tìm thấy được ở nơi khác”.
Nhưng, theo Bác Sĩ Morice, ông ta quên mất bệnh sốt.
Rõ ràng không có gì phải ngờ rằng Hà Tiên đúng là một địa điểm đáng yêu. Nó tọa lạc ven bờ một hồ nước mở thông ra Vịnh Xiêm La; một hồ được giáp ranh về phía tây bởi các rặng đồi xanh tươi, được phủ rậm rạp bởi các cây cối rất đẹp. Về phía đông là một cánh đồng trải dài mênh mông, ở giữa vươn lên một khối đá vôi đơn độc trông giống như cái mũ ống không vành chụp xuống [Bonnet-à-Poil, tiếng Pháp trong nguyên bản, chú của người dịch]. Cánh đồng được tráng men lấp lánh bằng các cánh hoa và được chấm họa với các bụi đang nở hoa; và các lối đi lộng gió dẫn đến một loạt các thắng cảnh với vẻ đẹp biến đổi nhiều nhất.
Loại thực vật được trồng chính yếu là cây hạt tiêu. Trên một nền đất nâng cao nhiều bộ Anh (feet) hơn mực bình thường, sắp xếp với các hàng cọc song song như các cọc được dùng tại các khu trồng cây hốt bố [hop, một loại dây leo được dùng làm phụ gia cho việc sản xuất bia và dược liệu, chú của người dịch] tại vùng Kent [thuộc miền đông nam Anh Quốc, nằm giữa London và eo bien giũa Anh và Pháp, được mệnh danh là Khu Vườn của Anh Quốc, chú của người dịch], và bao quanh mỗi vòng dây cuốn này là một cây đầy sức sống. Cần đến năm năm để một cây tiêu trở nên có hiệu quả. Ngô cũng được canh tác, nhưng không ở tầm mức to rộng như thế.
Trong lúc Bác Sĩ Morice ở Hà Tiên, các cư dân An Nam của thành phố đã cử hành ngày lễ Tết hay Ngày Mừng Năm Mới, trong đó có trộn lẫn một cách kỳ quặc các nghi lễ tôn giáo của đạo Phật, và sự thờ phượng linh hồn các tổ tiên họ, sự lo sợ các Ma Quỷ [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch], và các sự phát biểu ồn ào nhất khả dĩ có được của sự vui chơi phổ thông. Nó kéo dài ít nhất trong bẩy ngày, -- với người giàu có lâu hơn nhiều; và toàn thể khu định cư tự buông mình trong thời gian này cho sự hưởng thụ phóng khoáng nhất.
Trước mỗi nhà, trên một chiếc bàn được phủ bằng một chiếc chiếu, thấy có bày đồ cúng gồm thịt và thức uống, rượu nấu bằng gạo trong một bình trà bằng sứ màu trắng, nhỏ, trà, trầu cau với toàn thể các hợp phần của nó, cá, nhiều loại bún An Nam khác nhau, vịt quay, một phần tư con lợn, cơm, chuối, và các quả cam. Tất cả phần trưng bày này được bày ra cùng với hoa; sau đó một đôi ngọn nến nhỏ được thắp sáng, và các linh hồn, hay các thần linh trong nhà, được kính cẩn mời về và hưởng phần tiệc cúng thiêng liêng. Còn nữa: trên một mâm được đỡ trên một cột tương đối cao, nhiều đồ cúng khác và ngon hơn cũng được trưng bày, -- thường bao gồm một bó chỉ gồm hai loại hoa, một màu tím, một mang màu vàng. Bởi chúng được nhìn thấy ở mọi nơi, nó có thể mang một ý nghĩa biểu trưng gắn liền với sự kết hợp hai loại hoa này. Hơn thế, nhà giàu trồng một cây cau, nhà nghèo một cây tre lớn, đằng trước nhiều đồ cúng khác nhau, và trên đỉnh của mỗi ngọn sào có buộc một giỏ nhỏ bằng mây, được chia làm năm ngăn. Sau cùng, bàn thờ Phật, cấu thành một phần phụ thuộc không thể thiếu vắng cho mọi túp lều, được tô điểm với đồ trang hoàng đặc biệt; và dải giấy màu vàng, đỏ, và tím, viết bằng Hán tự, được dán ở mọi cửa ra vào. Các vật này có chủ ý đẩy lui sự có mặt của ma quỷ trong năm mới.
Trong khi đó, mọi người, mặc bộ trang phục đẹp đẽ nhất của mình – các người đàn ông, phụ nữ, và các trẻ em – tức có nghĩa, trong áo dài kẻ sọc và các chiếc quần dài màu xanh da trời, màu đỏ, vàng, tím, xanh lục, thường với hai ông quần với màu khác nhau – xông xáo đi trao đổi lời chúc tụng, hay tự mình vui hưởng ở mức tối đa mà họ có thể làm được. Trong các trò chơi, các trò được ưa chuộng nhất như sau. Ném lao; trong đó một chiếc giáo dài bằng gỗ đen được phóng để xuyên qua một vòng tròn được treo từ một trụ cao chừng ba bộ Anh (feet), và trụ này ở khoảng cách xa từ sáu đến chín bộ Anh. Trò chơi này, giống như trò chơi cổ xưa của người Scotch [thuộc Anh Quốc, chú của người dịch] đâm cây thương vào một mục tiêu, đòi hỏi kỹ năng đáng kể về phía các người tham gia vào trò chơi. Song phổ thông hơn, đặc biệt trong các phụ nữ và trẻ em, là trò đánh đu, một mình hay cặp đôi. Và không phải là không ngạc nhiên khi du khách nhận thấy ở đây, tại vùng Viễn Đông, một loại “vòng quay ngựa gỗ” (merry-go-around), giống như chúng ta nhìn thấy tại các hội chợ và lễ hội, với số khá đông người thích thú với các vòng quay của nó. Cũng có trò đánh cầu lông (shuttlecock), được phóng ra hoặc bằng tay hay chân. Giữa tất cả mọi sự náo động này có thể được nghe thấy tiếng trống cơm đơn điệu, các âm thanh đơn độc của một vài đàn ba dây, và đặc biệt các tiếng nổ đột ngột của pháo, vốn không thể thiếu được tại mọi lễ hội, và đôi khi giống như việc khai hỏa từng loạt của bộ binh.
Đối với cuộc liên hoan hàng năm vĩ đại này, mọi người An Nam đã tiết kiệm tiền bạc của mình trong nhiều tháng, và khi tết về người đó chi tiêu số tiền dành dụm nhỏ bé của mình một cách cận thận nhất. Thông thường một toán diễn kịch lưu động đi đến – ít nhất các thị trấn chính – để đóng góp phần của nó vào cuộc vui chung. Bởi chính các công dân giàu có là kẻ thay nhau thanh toán chi phí cho sự trình diễn của nó, khỏi cần nói, các buổi trình diễn được tham dự rất đông đảo. Các vở tuồng bao gồm trong danh mục trình diễn của họ luôn luôn có tính chất ồn ào, và rải rác đầy các chuyện khôi hài thô tục, nhắm vào các ông quan võ, các ông chồng, và đặc biệt người Trung Hoa. Các diễn viên tô mặt một cách xấu xí, với quan điểm mang lại cho họ một diện mạo đáng sợ, trình diễn trong các màn chiến đấu vô vọng, được biến hóa bởi các tiếng kêu la từ cuống họng và các điệu bộ anh hùng của diễn viên lố bịch nhất.
Trong thời gian lưu trú tại Hà Tiên, Bắc Sĩ Morice đã đến thăm viếng một dinh thự được xây dựng một cách khác lạ -- cung điện Trung Hoa cổ xưa của nhà Maqueuou [Mạc Cửu?]. Nhân vật Trung Hoa khả kính này, được nói là một ngư phủ đơn giản; nhưng trong khi các sản phẩm trong công việc của ông không giúp ông làm giàu đủ mau chóng, ông ta khởi sự để trồng trọt trên một mảnh đất nhỏ, và bắt đầu một đồn điền trồng hạt tiêu. Một ngày kia, trong khi đào đất, ông tìm thấy một đống tiền – một khối lượng lớn lao đến nỗi nó giúp ông có thể mang đến Hà Tiên một số lượng đông đảo người đồng hương của ông. Ông đã huấn luyện họ, tuyển dụng họ, giúp họ thực hành; và kết quả là, trong một buổi sáng tươi đẹp, Hà Tiên, trở nên giàu có và gia tăng lớn lao về dân số, tự tuyên bố độc lập đối với đế quốc An Nam, hay đúng hơn, Căm Bốt, và tôn Mạc Cửu lên ngôi. Ông đã xây dựng cho chính mình một cung điện huy hoàng, và sống nhiều năm sau đó, hưởng thụ niềm vui hiếm có của việc chứng kiến sự hiện thực các giấc mơ của ông. Nhưng khi ông từ trần thiên tài tổ chức đã mất đi cùng với ông. Hà Tiên một lần nữa được sáp nhập vào đế quốc, và cung điện bị bỏ hoang phế; giờ đây chỉ còn lại bốn bức tường của nó.
Người khách lạ Âu Châu thăm viếng địa điểm với một cảm giác kính trọng để tưởng nhớ về một con người can đảm và nghị lực. Với một số khó khăn, khách đã khai quang một lối đi xuyên qua cây cối rậm rạp, và đến trước các bức tường xây bằng các tảng đá lớn vững chắc (Cyclopean). Hai sảnh đường mênh mông, gần như bị choáng ngộp với cây nhựa thơm, cây cà độc dược (daturas), cây dầu xổ (castor-oil), các ký sinh trùng, và rác rưởi, làm thành lối vào. Kế đó là đến bốn phòng nhỏ hơn, có tình trạng tốt hơn, và mỗi phòng có trổ ra một cửa sổ hình tròn to lớn. Nơi đây một số con tắc kè đã thiết định nơi cư trú, chào đón khách lạ với tia nhìn ngạc nhiên và các tiếng kêu làm thủng tai.
Kế đến là một buồng rộng bao la, gần như vuông vắn; và nhiều ngôi mộ hay nhà tưởng niệm được che rợp nơi đây bởi các cây đáng nể. Ngôi nhà cao nhất, được dựng lên để vinh danh chính ông Mạc Cửu, bao gồm nhiều lớp gạch xây liên tiếp nhau, thu nhỏ dần dần từ đáy lên đến đỉnh. Không may, bị xây dựng bằng vật liệu xấu, nó đã bị tổn hại nghiêm trọng bởi tác động của mặt trời và các trận mưa. Một đàn ong cư trú tại một trong các khe hở; và một cây, hạt mầm có lẽ đã rơi xuống từ mỏ của một vài con chim lang thang, vươn lên cao ngay từ chính đỉnh của ngọn tháp. Bốn dinh thự nhỏ hơn, tất cả có hình trái xoan, và thích hợp theo truyền thống cho gia đình của Mạc Cửu, rải rác quanh tòa nhà kể trước. Chúng vẫn còn các dấu vết của sự chạm khắc mà với chúng các căn nhà này đã được trang trí trước đây.
Sự cô đơn và yên lặng ngự trị trong các khoảnh không gian khép kín của phế tích bao la này. Các con tắc kè, các con chim, và một hay hai chú sóc là các người trú ngụ duy nhất của nó.
Một đối tượng đáng để ý khác là cái được gọi là ngôi chùa của Ma Quỷ [Maqui (tức devil) trong nguyên bản, chú của người dịch]. Bác Sĩ Morice lấy làm ngạc nhiên lớn lao khi nhìn thấy treo trên các bức tường của nó một loạt toàn bộ các bức họa tô màu nước, trên giấy rất bền chắc, tượng trưng cho các sự tra tấn của một Hỏa Ngục (Inferno) tương tự như hỏa ngục của Dante [Dante là một thi sĩ người Ý thời Trung Cổ, mô tả Hỏa Ngục như một phần trong hành trình trong quyển The Divine Comedy, chú của người dịch]. Các tùy tùng của ma quỷ An Nam được trình bày nơi các bức tranh đó như đã tham gia vào một loạt các công việc mà các thần thoại thời trung cổ đã gán cho lũ tiểu yêu tinh của Beelzebub [một trong bẩy ông Hoàng ở Hỏa Ngục trong thần thoại Tây phương, chú của người dịch]. Chúng đang quay, đóng cọc xuyên qua thân hình, cưa cắt thành từng khúc, và lột da kẻ phạm tội; ném họ vào trong các chảo nước đang sôi, nướng họ trên ngọn lửa, và ném họ vào hàm răng đói khát của các con hổ khổng lồ.
Hà Tiên không phải là không có các điều khó chịu, Bác Sĩ Morice đã khám phá ra trong một cách bất ngờ. Một vài công nhân, khi kéo sập một bức tường cũ, đã tìm thấy ổ của một con rắn lớn, nắm “cuốn tròn nhiều vòng” để ấp một ổ trứng của nó. Bởi mọi người đều hay biết về các thị hiếu về động vật của Bác Sĩ Morice, các công nhân đã gửi đến ông tức thời tin tức về “sự khám phá” của họ, và ông đã mau chóng đến địa điểm, trang bị với một chiếc gậy và một kẹp có gọng dài và chắc. Nếu không có trứng của nó, con vật có lẽ sẽ rút lui; nhưng vẫn cuộn tròn trong ổ, nó chỉ phô ra cái đầu mầu đất và lốm đốm của nó. Kẹp cổ của nó bằng cái kẹp của mình, đó chính là thủ thuật tức thời của Bác Sĩ Morice; và sau đó trước sự sợ hãi lớn lao của các công nhân Trung Hoa, ông đã nhấc thân của nó lên, và tiến đến việc mang nó đi trong sự chiến thắng. Trong khi đó, con vật nổi xung đã nhả ra trên trán kẻ bắt giữ nó một giọt dung dịch, vào lúc đó, ông không có cảm giác khó chịu nào. Khi về đên nhà, Bác Sĩ Morice đã đặt con vật bò sát và các trứng của nó vào trong một thùng có lót rơm; ông đã đóng đinh cẩn thận, và đặt bên trên mặt đất, trên các chậu nước, như để bảo vệ chống lại các cuộc tấn công của các con kiến. Khi đó, và chỉ đến lúc đó, ông mới rửa trán, đi tắm gội, với sự cẩn trọng đúng cách, phần bị tiếp xúc với dung dịch nhả ra; nhưng vẫn chưa tin rằng con rắn là con thuộc loại có nọc độc. Ông không còn bận tâm gì nữa về con vật bị giam giữ của mình cho đên khi, ít ngày sau đó, ông tìm thấy trong phòng mình bốn con rắn tí hon, ông nhấc lên đặt vào tay mình, bất kể tiếng rít tức giận của chúng. Ông đã chuyển các con rắn này vào một cái lọ thủy tinh. Sáng hôm sau, muốn khám nghiệm chúng, ông lấy làm ngạc nhiên một cách bực dọc để thấy phía sau đầu chúng nhô lên và cổ của chúng phình ra theo chiều ngang; và còn ngạc nhiên một cách khó chịu hơn nữa để khám phá trên cổ từ đó nới rộng thành hình chữ V. Chúng thuộc một loại rắn có quầng quanh mắt, loại rắn naja của Ấn Độ, loại rắn hổ mang có tên khoa học là cobra capella! [đúng ra phải là cobra de capello, chú của người dịch] .
Bác Sĩ Morice vội vàng khoét vài lỗ rộng tại hòm chứa con rắn và trứng rắn, và bằng các lỗ này, ông đã đổ vào bên trong một khối lượng chất lưu hoàng sôi sục. Sau một thời lượng đầy đủ trôi qua, khi mở hòm ra, ông tìm thấy rắn mẹ và mười tám rắn con bị chết ngộp, trong khi bốn trứng hãy còn nguyên vẹn. Làm sao mà các trứng rắn kia đã được ấp? Tình huống là một hoàn cảnh lạ thường, bởi điều được giả định là chỉ có các loại rắn lớn – các con mãng xà và trăn – mới ấp các trứng của chúng. Trong mọi trường hợp, một sự kiện đáng chú ý là loại động vật này vẫn trung thành với lứa trứng của nó. Trong số mười sáu [?, tám] con rắn con, chỉ có một con là rắn cái, và phần lớn chúng đã từng một lần lột da. Chúng dài vào khoảng mười ba phân Anh (inch), và nanh độc của rắn đã được trông thấy một cách rõ ràng. Bác Sĩ Morice cảm thấy rằng ông có lý do tốt để cảm tạ [ơn trên] là ông đã không bị thương tích bởi con rắn hổ mang khi ông quá khinh suất chụp bắt nó.
Kế đến chúng ta nhận thấy các khách du hành không mỏi mệt của chúng ta tiến hành một chuyến đi đến Châu Đốc, tọa lạc gần của con sông Mekong. Ở cả hai bên bờ sông, nhưng đặc biệt hơn là ở bên hữu ngạn, được dàn dựng nhiều túp lều của người An Nam; và bên trên chúng, đang nhíu mày trông xuống là các bức tường ghê rợn của một đồn lính, tự bản thân đã có kích thước của một thị trấn nhỏ. Tỉnh, mà Châu Đốc là tỉnh lỵ, bao gồm một trăm lẻ năm xã, và có một dân số là tám mươi chín nghìn dân, trong đó tám nghìn là người Căm Bốt và mười sáu nghìn là người Mã Lai.
Năm ngày sau đó Bác Sĩ Morice đã đến Vĩnh Long, có đồn lính với kích cỡ ngang bằng với đồn binh ở Châu Đốc. Ở phía sau của các hào nước bùn vĩ đại và các đê đắp bằng đất, được chống đỡ bởi các cột lớn, vươn cao lên là các doanh trại của các sĩ quan, và đồn trong sau tường lũy gồm có khu binh sĩ và bệnh viện. Tre và cỏ cao mọc phủ trùm một phần của khu đất rào quanh mêng mông, và trong khối rối bung của chúng các con trăn khổng lồ thường bị giết chết, trong khi các con rắn naja nằm ngủ tại lùm cây chằng chịt ẩm ướt của các đường hào. Thị trấn tự nó không phải là không có một khía cạnh vui thú nào đó; các đường xá rộng rãi, thẳng tắp của nó được che mát bởi các cây dừa [cocoa-nut, trong nguyên bản, là cách viết khác của từ coconut, chú của người dịch] cao to.
Vẫn tiếp tục các cuộc thám hiểm của mình tại các tỉnh huyện được tưới nước bởi các cửa sông Mekong, tạo thành một châu thổ đáng kể, đi ngang qua vô số kinh đào và chi lưu, Bác Sĩ Morice đã đến Tây Ninh, nằm ở phía đông Sàigòn. Thị trấn nằm dọc bờ sông trong một khoảng khá dài; các ngôi nhà của dân An Nam được xây cất; không phải bằng bùn và đất sét, như tại các tỉnh huyện miền tây của Nam Kỳ, mà bằng gỗ chắc, loại tốt, và với nhiều sự chăm sóc và khiếu thẩm mỹ đẹp mắt. Các mái nhà cũng được xây dựng tốt hơn: thay vì các lá dừa nước, một loại rơm sợi kín, mịn được sử dụng, trên đó tác động của thời tiết sớm mang lại một sắc màu thú vị của thời gian. Các đồn điền cà phê phát triển, chung quanh thị trấn, phía sau đó tỏa ra các bóng che của một khu rừng bát ngát, trải dài tít tới sườn của một rặng núi đá hoa cương có một cao độ trung bình. Ngọn cao nhất của các núi này là núi Bà Đen [Black Lady, trong nguyên bản ghi tên tiếng Việt sai lạc là nui-ba-dinh, chú của người dịch]. Ở trên đỉnh, tại một góc cạnh ngoạn mục, nổi lên một ngôi chùa nổi tiếng, các buồng nhỏ của các nhà sư của chùa được đục ra từ núi đá bên cạnh. Ngôi chùa nổi tiếng là vì nó nằm gần một con suối màu nhiệm; và con suối này tạo ra niềm hoan lạc trong một câu chuyện thần thoại, có thể được kể lại như sau: --
Một nhà sư với đạo hạnh vô lường, yêu thích dâng lời cầu nguyện của ông tại các địa điểm trên cao của trái đất, một ngày kia leo lên núi để bày tỏ lòng mộ đạo của mình tại đỉnh núi cao vời của nó. Tuy nhiên, bất kể lòng thánh thiện của ông, ông chỉ là con người; và bởi ngọn núi ở trên độ rất cao và hoàn toàn trơ trụi, ông sớm trở nên yếu mệt vì đói, nhưng đặc biệt hơn vì khát. Giống như mọi nhà hiền triết, coi thường những nhu cầu vật chất thuần túy, ông đã không dự phòng việc tự trang bị các nhu cầu quý báu về thức ăn và nước uống, vốn là điều được nghĩ tới trước tiên bởi các thường nhân không bất tử. Ông sẽ làm những gì? Ông bắt đầu cầu nguyện; và trời ơi! [and lo! trong nguyên bản, chú của người dịch], trong khi ông cầu nguyện, một hòn đá khổng lồ, quay mặt tối của nó ra trước ông, ổ khóa đột nhiên mở ra, và phơi bày trước tia nhìn mừng rỡ của ông một dòng suối trong suốt chảy xuống một bồn bằng đá. Từ thời điểm đó nguồn nước không bao giờ ngừng tuôn trào các dòng nước phong phú, chữa lành mọi bệnh tật của loài người; -- dù thế, thật là lạ lùng để nói, các người đàn ông, đàn bà, và các trẻ em hãy còn chết đi tại Nam Kỳ!
Mười phút leo trèo mang Bác Sĩ Morice đối diện với suối nguồn kỳ diệu vĩnh cửu này. Các đồng hành của ông vội vã uống từng hơi tràn đầy dòng nước tươi mát này; nhưng Bác Sĩ Morice, bác bỏ thần thoại, và ít tin tưởng hơn mức mà ông phải có nơi các nguyên tắc về sự điều độ, với lấy bình nước bỏ túi, đổ ra một ly rượu vang Pháp, và uống mừng sự tôn nghiêm của ngọn núi lừng danh.
Trong một dịp khác, Bác Sĩ Morice đã tham dự vào một cuộc phiêu lưu thích thú, có xảy ra một vấn đề đau đớn. Một con hổ, loại mà các sự tàn phá đã lên tới mức không thể chịu đựng được, đã tha đi mất con chó săn hay nhất của một trong những nhà săn bắn giỏi nhất của xứ sở, điều được quyết định rằng con hổ phải trải qua sự trừng phạt tức thời và thích đáng.
Con hổ không bị săn bắt thường xuyên tại Đông Dương, nơi con voi, thành trì sống động đó, không được đặt dưới sự sử dụng của người Âu Châu đôi vai trên cao và cặp ngà đáng sợ của nó. Các cư dân nói chung vận dụng các cái bẫy.
“Một cuộc thám hiểm được được quyết nghị, chúng tôi bao quanh,” theo lời Bác Sĩ Morice, “ngọn đồi được dùng làm một nơi trú náu cho con ác thú. Hơn một trăm năm mươi người dân bản xứ hiện diện, la hét, khoa tay múa chân, và tạo ra một tiếng kêu gào đáng sợ gây trở ngại chưa từng có cho giấc ngủ trưa của con hổ. Về phía chúng tôi, viên thanh tra người Pháp, một binh sĩ Pháp, và chính tôi, chúng tôi ở cánh đồng, rải rác các nấm mồ đắp thành gò cao, vươn ra phía sau Tây Ninh, và chờ đợi trong sự kiên nhẫn cho đến khi sự việc làm vừa lòng con hổ để nó trưng bày bộ da quý gia của nó. Có vẻ theo ý kiến của con hổ rằng phương thức táo bạo nhất là chính sách tốt nhất; chưa tới nửa tiếng đồng hồ sau khi chúng tôi vạch ra vòng vây ầm ỹ, con hổ đã từ khu rừng xuất hiện, và tiến tới phía chúng tôi. Con hổ được tiếp đón với một sự khai hỏa xoay vòng. Trong bốn trái đạn của chúng tôi, ít nhất một trái đã bắn trúng con hổ, bởi nó đã di chuyển trong sự đau đớn, và hướng về phía người lính đi cùng với chúng tôi. Đúng là các sự di chuyển của chúng tôi có thể hơi quá tự do, chúng tôi cách nhau một khoảng cách khá xa. Người lính tức thời nhẩy lên một gò đất cao khoảng ba bộ Anh (feet), và với khẩu súng đã lắp đạn trong tay, chờ đợi cuộc tấn công của con thú bị thương. Một trái đạn thứ nhì từ khẩu súng của viên thanh tra bắn trúng con hổ; nhưng bất kể đến sự khiêu khích mới này, và với việc khao khát con mồi, con hổ phóng tới phía nấm mồ. Với một cái tung mình, con hổ ở chân nấm mồ, nơi nó dựng đứng thân mình lên. Khi đó diễn ra một cảnh lạ lùng và đáng thương, cho thấy làm sao mà ngay kẻ can đảm nhất cũng đánh mất sự bình tĩnh của mình khi đối diện với các con vật khủng khiếp này. Đúng là người lính là một con người can đảm, nhiều sự việc đã minh chứng điều đó; chính anh ta là kẻ bày tỏ sự hăng hái nhất trong việc tổ chức cuộc thám hiểm; anh ta có trong tay một khẩu súng hạng tốt nhất, và anh ta chỉ cách vùng ngực trắng của con hổ một sải tay, xem ra đang chờ đợi viên đạn gây tử thương của anh. Vâng, vì vài giây tự mãn cho việc nổ súng, các móng vuốt vươn ra phía trước anh chạm vào báng của khẩu súng. Con hổ vươn mình tới, nắm lấy bằng một trong các móng của nó chân của con người xấu số, và bắt đầu kéo anh ta đi”.
“Một con người bị sờ bởi một con hổ là một người đã chết”, một nhà thiên nhiên học người Đức có nói; và thật vô ích để liều mạng sống của một người khác trong nỗ lực giành giật lại từ con thú độc ác nạn nhân bị kéo đứt tay chân là kẻ mà các sự đau đớn sẽ sớm được kết thúc bằng cái chết”. Sự lý luận lạnh lùng như thế không bao giờ thắng thế trong khung cảnh của sự hành động. Cả vị bác sĩ và viên thanh tra đều đuổi theo con hổ khi nó vẫn còn kéo theo thân xác chiến hữu của họ; và hai viên đạn, may mắn hơn các viên đạn trước đó, đã chặn lại đường đi của con hổ vĩnh viễn.
Với sự khám nghiệm, họ thấy rằng người bạn đồng hành kém may mắn của họ đã phải chịu một vết thương trầm trọng. Bác sĩ Morice đã cắt đùi anh ta tại một túp lều mà anh được chuyển tới; nhưng, không rõ vì mất máu, điều mà các người Âu Châu khó chịu đựng được tại phong thổ nhiệt đới, hay vì sự dữ dội của cơn chấn động đụng đến hệ thống thần kinh, anh ta đã chết trong cùng đêm hôm đó.
Rời khỏi khung cảnh đau đớn này, thật dễ chịu hơn để quay về ngôi chợ của Tây Ninh, với các mẫu mực khác nhau của loài người. Người Căm Bốt khá đông đảo một cách khả chấp; tầm vóc họ tương đối cao, da họ sậm, hàm dưới dầy và trễ xuống, tóc họ cắt sát trong giống như sợi tua tủa ra của một bàn chải, và đặc biệt dáng vẻ man dại thụ động của họ, mang lại cho họ một hình dạng hoàn toàn khác biệt với nhân dáng của người An Nam. Hai sắc dân thực sự không ưa nhau. Người An Nam, hãnh diện vì màu da sáng hơn, về nền văn minh tiến bộ hơn, chưa nói đến nhiều cuộc đả bại mà họ đã gây cho sắc dân láng giềng của họ, nhìn người Căm Bốt chỉ cao hơn một chút so với người Mọi hay dân tộc hoang dại vùng núi non. Người Căm Bốt thì man rợ, anh ta [người An Nam] nói, có bản chất hoàn toàn xấu xa và độc ác; họ không suy nghĩ gì về luật pháp hay trật tự; họ thì ngu dốt, và gần như không có lý trí. Mặt khác, người Căm Bốt, với bản tính trầm lặng hơn và buồn bã hơn, cảm thức tôn giáo sâu đậm hơn, nhìn với lòng thương hại các người An Nam khinh bạc. Một sự hiểu biết thành thật giữa hai dân tộc sẽ khó có bao giờ trở nên khả hữu. Người Căm Bốt, bất kể các đặc tính có phần thô lỗ, chịu ảnh hưởng của Ấn Độ nhiều hơn người Đông Dương; và cả ngôn ngữ lẫn chữ viết của họ đều liên hệ với ngôn ngữ và văn tự của các cư dân bản địa của đại bán đảo Ấn Độ. Anh ta là cư dân buồn rầu và không thể thuần hóa của vùng núi đồi và rừng rú; trong khi láng giềng của anh là cư dân khá khôi hài và dễ giao thiệp của các vùng đồng bằng. Thật bất hạnh cho người dân Căm Bốt! Bị ép giữa một bên là người Xiêm La, và người An Nam ở bên kia, các sắc dân cùng nhau cướp đoạt từ người Căm Bốt các tỉnh hạt giàu có nhất của anh ta; mang lại sự đình trệ bởi sự áp dụng một luật thời phong kiến ngăn cấm anh ta thụ đắc đất đai của chính anh, -- một bàn tay mạnh mẽ cần đến để trợ giúp anh ta, và giúp cho anh ta bảo tồn được sự độc lập, trong khi các ảnh hưởng cải thiện của nền văn minh Âu Châu dần dần tác động trên anh ta.
Hai sắc dân như thế đang chiếm cứ các tỉnh được tưới nước bởi các sông phụ vùng hạ lưu của con sông Căm Bốt vĩ đại. Tại các thị trấn và hải cảng lớn, có xuất hiện một sự pha giống đáng kể của thành phần Trung Hoa. Mậu dịch và thương mại gần như hoàn toàn nằm trong tay các thương nhân Trung Hoa, là những kẻ, ở nơi đây cũng như các chỗ khác, phô bày một khối lượng khác thường của sự kiên nhẫn, cần cù và tiết kiệm; và ở nơi đây cũng như ở các chỗ khác, thu góp không mệt mỏi các sản nghiệp lớn lao và ngay cả khổng lồ. Họ bảo tồn dân tộc tính của họ không bị ảnh hưởng bởi các điều kiện trong đó họ trú ngụ; luôn luôn là một dân tộc tách biệt, và luôn luôn khác biệt với các chủng tộc khác quanh họ, giống như các người Do Thái với các dân tộc của Âu Châu./-
Nguồn: William Henry Davenport Adam, Chapter IV: Dr. Morice and The Mekong, In The Far East: A Narrative of Exploration and Adventures in Cochin-China, Cambodia, Laos, and Siam, London: Thomas Nelson and Sons, Edinburgh and New York: 1879.
Ngô Bắc dịch và phụ chú
30/05/2010
© gio-o.com 2010
Nhãn: Khác
0 Comments:
Bài đăng Mới hơn Bài đăng Cũ hơn Trang chủ
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)