J. THOMSON,
F. R. G. S.
[Fellow of the Royal Geographical Society:
Hội Viên Hội Địa Dư Hoang Gia Anh Quốc]
SÀIGÒN, LÚC VỪA BỊ PHÁP CHIẾM ĐÓNG
KHOẢNG 1865-1875 *
Ngô Bắc dịch
***
Lời Người Dịch:
Để hiểu rõ hơn nội dung của bài dịch dưới đây, có ít điều cần phải được nói đến về lý lịch tác giả và thời điểm ấn hành quyển sách.
Tác giả, ông John Thomson, sinh ngày 14 Tháng Sáu, 1837 và mất ngày 7 Tháng Mười, 1921, là nhiếp ảnh gia, nhà địa dư học và kẻ lữ hành tiên phong gốc Scotland. Ông đã là một trong các nhiếp ảnh gia đầu tiên du hành sang vùng Viễn Đông. Ông cũng được xem là một trong các người đã đặt nền móng cho ngành báo chí bằng hình ảnh (photojournalism) ngày nay.
Được biết sau khi theo học giáo dục phổ thông hồi đầu thập niên 1850, ông đã thực tập và tốt nghiệp về ngành nhiếp ảnh năm 1858. Năm 1861, ông trở thành hội viên của Hội Nghệ Thuật Hoàng Gia tại Scotland, nhưng vào năm 1862, ông đã quyết định du hành sang Singapore để gia nhập cùng với người anh của ông, Wiiliam, người chế tạo đồng hồ và nhiếp ảnh gia.
Trong Tháng Tư 1862, Thomson đã rời Edinburgh, nơi ông sinh ra, sang Singapore, bắt đầu một giai đoạn mười năm du hành quanh vùng Viễn Đông, và quyển sách mà bài dịch này được rút ra là thành quả của mười năm du hành này. Theo các tài liệu liên hệ, tác giả đã ghé đến Sàigòn ít nhất hai lần. Lần thứ nhất khoảng cuối năm 1865 đầu năm 1866, sau khi ông đến chụp các bức ảnh sớm nhất về khu Đế Thiên Đế Thích (Angkor Wat) tại Căm Bốt. Lần thứ nhì, sau khi trở về Anh một năm, tác giả đã quay lại Singapore vào Tháng Bẩy, 1867, trước khi sang Sàigòn và lưu trú tại đây trong ba tháng. Trong năm 1866, khi trở về Anh Quốc, ông được bầu làm Hội Viên Hội Địa Dư Hoàng Gia và ấn hành tác phẩm đầu tiên của ông, The Antiquities of Cambodia, vào đầu năm 1867. Cuối cùng ông đã định cư tại Hồng Kông vào năm 1868. Bốn năm sau đó ông đã du hành và chụp rất nhiều hình ảnh về Trung Hoa thời đó.
Ông Thomson đã quay về Anh năm 1872, đinh cư tại Bixton, London, và ngoài một chuyến du hành chụp hình tại đảo Cyprus năm 1878, ông không bao giờ rời quê hương lần nào nữa. Năm 1881, ông được bổ nhiệm làm nhiếp ảnh gia của Hoàng Gia Anh Quốc bởi Nữ Hoàng Victoria. Ông bị chết bởi bệnh tim hồi Tháng Mười 1921, ở tuổi 84.
Ông Thomson được xem là một nhiếp ảnh gia thành công trong nhiều lãnh vực: phong cảnh, chân dung, ảnh sinh hoạt đường phố, ảnh các kiến trúc. Các ảnh chụp của ông từ vùng Viễn Đông, trong sự đánh giá của học thuật Tây phương, được xem đã soi sáng cho độc giả thời Nữ Hoàng Victoria của Anh Quốc về lãnh thổ, dân chúng. và văn hóa của Trung Hoa và Đông Nam Á.
Quyển sách chứa đựng phần được trích dịch dưới đây với nhan đề The Straits of Malacca, Indochina, and China; or Ten Years’ Travels, Adventures, and Residence Abroad được xuất bản tại New York, Hoa Kỳ vào năm 1875, có lẽ là một trong các sách có tính cách giới thiệu và hướng dẫn du lịch bằng tiếng Anh đầu tiên trong đó có viết về Sàigòn. Nên nhớ, như ở phần tiểu sử nêu trên đã ghi nhận, tác giả đã đến thăm Sàigòn trong các năm 1865-66, và 1867, tức là ngay sau khi người Pháp vừa chiếm đóng Nam Kỳ, và chỉ xâm chiêm Bắc và Trung Kỳ 17 năm sau đó. Quyển sách có lẽ ăn khách nên đã được dịch sang Pháp ngữ và ấn hành bởi Nhà Sách Librairie Hachette et Cie. tại Paris, hai năm sau tức vào năm 1877, với nhan đề Dix ans de voyages dans la Chine et l’Indo-Chine.
Bản văn trích dịch đưa ra quan điểm của một người da trắng, vào thời điểm vừa đạt được các thắng lợi trong việc xâm chiếm các thuộc địa tại vùng Viễn Đông, với một giọng điệu tư cao tự đại về công cuộc khai hóa các dân tộc Á Châu mà họ xem như một sứ mệnh tự nhiên của người da trắng, cùng với số phận bị thống trị của các dân tộc Á Châu da vàng, da nâu như một chuyện tất yếu đã, đang và sẽ xẩy ra. Bản văn trích dịch chứa dựng các sự nhân xét với đầy vẻ miệt thị, dĩ nhiên với đầy đủ các thành kiến và mặc cảm tự tôn, cùng với các thông tin sai lạc. Tác giả Thomson đã mô tả người Sàigòn lúc bấy giờ như một sắc dân rất sơ khai, như thời ăn lông ở lỗ, với hình ảnh người đàn ông và các trẻ em trần truồng, cả ba tháng cũng không tắm rửa nếu không bị bắt buộc, xà phòng không dùng để tắm, mà đôi khi còn bị ăn lầm như thực phẩm, nhà cửa thì tồi tàn không thể tưởng tượng như một nơi cư trú, ở khu dân cư dọc bờ sông, hay dơ dáy như ở khu Chợ Quán. Dân chúng thì lười biếng, chỉ làm việc tối thiểu và dùng phần lớn thì giờ để hút thuốc, nhai trầu, tán gẫu, hay săn bắn. Thậm chí tác giả còn viết người dân ở đó còn đi săn và ăn thịt người!!! Điều cáo giác này về sau được cải chính bởi một số tài liệu khác của Tây Phương, nói rằng các kẻ ăn thịt người này ở về phía tây của Nam Kỳ. Biết bao nhiều điều ngộ nhận và khinh miệt, nhưng có thể nơi đây chúng ta có được các cảm nghĩ thực sự của một kẻ thực dân da trắng vào lúc đó. Một ngoại lệ, và có lẽ là sự tường thuật đầu tiên về một cuộc gặp gỡ của một người da trắng với ông Petrus Trương Vĩnh Ký, với sự thán phục của tác giả về khả năng thông thạo nhiều ngôn ngữ của nhà bác học họ Trương này.
Khi so sánh với một bản văn được viết vào năm 1879, tức khoảng 13 năm sau đó của một nữ tác giả khác, cũng là người Anh, bà Isabella Bird, về cuộc thăm viếng ngắn ngủi của bà tại cùng các khu vực Sàigòn, Chợ Lớn, Chợ Quán như thế. Khi đó, Sàìgòn đã trở thành nơi chốn du lịch quen thuộc của khách phương tây. Quang cảnh các nơi mà bà Isabella Bird đên thăm viếng và mô tả xem ra không mấy thay đổi, lối sống người dân không mấy khá hơn, nhà cửa vẫn tồi tàn và dơ bẩn, đàn ông vẫn chỉ đóng khố, trẻ em thì trần trưồng. Tuy nhiên, nữ tác giả này đã không bầy tỏ sự miệt thị nặng nề với người dân Nam Kỳ, và nhận định rằng người Pháp đã không thành công trong việc quản trị thuộc địa. [Xin xem bài dịch, Rong Chơi Sàigon, của Isabella Bird, đã đăng tải cùng trên mạng Gió O này]./-
*****
LỜI TỰA
---o---
Các hồi tưởng đính kèm về các cuộc du hành của tôi được nhắm đến các độc giả -- tôi tin hẳn phải có nhiều – là những người có một sự lưu ý đến các vùng xa xôi trên đó hành trình của tôi đã trải qua, và đến bộ phận to lớn của gia đình nhân loại cư trú ở khu vực bao la của Trung Hoa – một bộ phận mà, xuyên qua cơ quan tàu chạy bằng hơi nước và điện tín, ngày càng được mang vào mối quan hệ gần gũi hơn với chính chúng ta.
Tôi đã gắng sức để truyền đạt đến độc giả một số sự chia sẻ trong niềm vui thú mà chính tôi đã kinh nghiệm trong các cuộc lang thang của tôi; nhưng cùng lúc, tôi cũng lo lắng tới việc phản ánh đúng với sự chăm chú của người đọc, sao cho có thể đưa ra cho người đọc, nếu không phải một cảm tưởng lúc nào cũng thích thú, thì ít nhất, cũng trung thực về Trung Hoa và cư dân của nó; và về cư dân, tôi đã tìm ra họ không chỉ ở nhà trên mảnh đất bản xứ, mà chúng tôi còn nhìn thấy họ tại chính các phần thuộc địa chiếm hữu của chúng ta, và tại các vùng đất khác mà sự xuất cảnh đã dẫn dắt họ đên đó.
Kể từ chuỗi ngày của nhà du hành vĩ đại gốc Venice [chỉ Marco Polo, chú của người dịch], có lẽ không thời đại nào trong lịch sử của khu vực đó của địa cầu lại có sự quan tâm trọn vẹn nhiều hơn bây giờ. Cuối cùng, ánh sáng của văn minh trong thực tế dường như đã hé rạng tại Phương Đông xa xôi; với các tia nắng ban mai làm sáng rực vương quốc hòn đảo nhỏ bé Nhật Bản, và đã sẵn xâm nhập vào vùng ven biển của lục địa Trung GHoa vĩ đại, nơi mà sự u ám của nhiều thời đại vẫn còn bao trùm trên các thành phố, một đám mây đen đã tan đi tuy còn chậm, và miễn cưỡng nhường bước cho ánh sáng ban ngày giờ đây tràn ngập bờ biển, nhưng có lẽ sẽ sớm có thể bị phân tán và tiêu tan trong các luồng sấm sét của cuộc chiến tranh đang chực chờ bùng nổ.
Xem ra chắc chắn Trung Hoa không thể nằm im mà không xáo trộn trong nguyên trạng [in statu quo, tiếng La Tinh trong nguyên bản, chú của người dịch] được bao lâu nữa. Chính sách được tôn trọng sâu xa của nó về sự bất động và ngưng trệ đã mang đến các trận lụt, nạn đói, dịch bệnh, và các cuộc nội chiến hàng loạt liên tiếp nhau; nó không thể nhận chìm đám đông cực nhọc xuống các mức độ sâu hơn nữa của sự thống khổ, hay ngăn chặn tiếng hò hét của quần chúng than van về thực phẩm trong khi các dòng sông chảy hỗn loạn trên các đồng bằng phì nhiêu của họ và các con đường đã bị biến thành các thủy lộ. Trong khi đó các nhà lãnh đạo, với một sự kiêu hãnh mù quáng, đang trang bị cho một quân đội yếu kém để chiến đấu không cho điều gì đáng bảo vệ cả, và để chống Nhật Bản – nước trong sự bào chữa cho các quyền hạn của chính mình, và trong các quyền lợi của nhân loại – đã trú đóng một đội quân nhỏ nhưng kỷ luật trên vùng đất thực sự là một phần hợp thành của lãnh thổ Trung Hoa.
Xin cho tôi bổ túc vào ít dòng chữ này rằng, với quan niệm cung cấp không chỉ một quyển sách được đọc một cách thích thú, mà còn đầy đủ tin tức đáng tin cậy, nơi phần sau của quyển sách này, tôi đã lập lại và khai triển rộng một số đoạn văn mà tôi đã sẵn trình bày với thế giới trong quyển “Các Hình Ảnh Minh Họa Trung Hoa và Dân Chúng Của Nó” (Illustrations of China and its People), các đoạn văn mà tôi nghĩ là có một số tầm quan trọng, song vẫn chưa vươn tới bộ phận đông đảo các quảng đại độc giả trong tác phẩm lớn hơn và tốn kém hơn của tôi.
J. T.
Brixton: Tháng Mười Một, 1874.
*****
Chương VI
SÀIGÒN
Hải Cảng Của Sàigòn – Thành Phố – Cộng Đồng Ngoại Kiều Thường Trú – Chợ Lớn, Khu Phố Tàu – Cư Ngụ Trên Sông – Các Phong Tục của Dân Nam Kỳ - Các Nhà Mậu Dịch Trung Hoa – Làng Dân Nam Kỳ tại Chợ Quán – Thầy Pháp – Bãi Tha Ma – Ông Petrus Ký
Sàigòn, tại Nam Kỳ thuộc Pháp, được tiếp cận bởi một chi nhánh của con sông Mekong vĩ đại, trong thực tế lòng hẹp và khúc khuỷu, tuy thế có thể lưu hành được đối với các chiếc tàu có trọng tải nặng nhất. Bản thân thị trấn có một bộ dạng vui tươi, hay ít nhất, đã có vẻ như thế trong thời gian tôi đến thăm viếng; nhưng nó có một vẻ hơi lộn xộn. Đối diện với khu định cư là một bến cảng rộng rãi, gồm một dàn nổi nâng tàu, và một hải đội gồm các tàu bọc sắt, các tàu chạy bằng hơi nước của hãng hải vận “Messageries Maritimes”, và các công ty mậu dịch tư nhân khác, ngoài nhiều thuyền cánh buồm vuông khác đang chờ đợi các chuyến chở gạo, sản phẩm chính yếu của các cánh đồng phù sa bao la của miền nam Nam Kỳ. Dọc theo các bờ sông là một dẫy dài các quán cà phê thấp và các văn phong chính phủ hay thương mại, bao quanh bởi các lá cờ của các tòa lãnh sự khác nhau, trong khi cho đến nay, kiến trúc hiển hiện nhất là một khách sạn đang trong tiến trình xây dựng, hứa hẹn sẽ trở thành một cơ ngơi rất oai vệ.
Các con lộ san phẳng rộng rãi, được trồng hai bên vệ đường các hàng cây, và đâm sâu hàng dặm theo các đường thẳng tắp tuyệt vời khắp vùng đất, là một đường nét hấp dẫn tại khu định cư; cũng cho thấy rằng Chính Quyền không đánh mất thời gian và không ngại tốn phí trong việc chấp nhận các biện pháp đã góp phần một cách cụ thể vào tình trạng y tế và hưởng dụng của cộng đồng. Đối với chính các trú nhân, họ đã cung cấp cho các nơi cư ngụ của họ với nhiều tiện nghi và sự xa xỉ của quê nhà. Tuy nhiên, cho đến nay, như tôi có thể phán đoán, phần lớn thương mại Sàigòn nằm trong tay người Anh và người Đức. Cùng lúc, có một số lượng lớn các ngôi nhà của Pháp; song các thương nhân Pháp, một cách nào đó, có vẻ như đã thực hiện việc mua bán của mình với một mức độ dễ dãi lịch sự và nhẹ nhàng nhưng cân nhắc tao nhã, khiến công việc kinh doanh của ông ta thành ra một phương cách cung cấp một lối sống vui tươi thoải mái, hơn là một công cụ mà, sau những ngày cật lực làm việc nhàm chán, những đêm mất ngủ, và cuộc tranh đấu liên tục, sẽ giúp ông ta dành giựt được một sự sung túc ra khỏi bàn tay của sự may rủi. Điều đáng chú ý để ghi nhận xem ngày giờ thường đã được phân chia ra sao. Khoảng năm giờ rưỡi hay sáu giờ sáng, gia nhân (người Tàu) sẽ gõ cửa. “Tuan bangon adda copee!” “Thưa Ngài, xin thức dậy, cà phê đã sẵn sàng”, là lời loan báo mà anh ta thốt ra, bằng tiếng Mã Lai [?], ngôn ngữ được nói bởi người Trung Hoa ở Singapore. Tỉnh ngủ bằng một cốc cà phê – cũng nói thêm, với hương vị Paris thứ thiệt -- và với một đĩa trái cây mới được hái, vị thương nhân sẽ bước, trong chiếc bajo [?, không rõ nghĩa, có thể chỉ tấm chăn hay túi ngủ; trong tiếng lóng của Anh ngữ, bajo có nghĩa chỉ kẻ kỳ cục, chú của người dịch] và bộ pyjamas (đồ ngủ), xuống văn phòng ở tầng dưới lầu; ở đó, sau khi châm lửa điếu xì gà, ông ta sẽ ngồi xuống làm việc cho đến khoảng chín giờ rưỡi. Tắm rửa và hoàn tất việc vệ sinh cá nhân là công việc kế tiếp phải hoàn tất, và sau việc này là bữa ăn sáng, với cơm, cà ry, và vân vân; bữa ăn như thế, trong thực tế, với các món ăn thay đổi đôi chút, là bữa điểm tâm mà chúng tôi hay biết ở mọi nơi tại Phương Đông. Bữa ăn kết thúc, thời giờ được tiêu dùng cho việc đọc sách báo, ngủ nghê, hút thuốc hay nằm ườn người ra, cho đến khi khí mát buổi chiều trở về. Khi đó bữa ăn trưa (tiffin, tức luncheon, tiệc trưa) được dọn ra, và sau bữa trưa, công việc được tái tục trong hai hay ba tiếng đồng hồ. Kế đó một số thời giờ được dùng cho một cuộc đi dạo, nghe nhạc; cho một trận đánh bi-da, hay “tách mình trôi giạt” (écarté, tiếng Pháp trong nguyên bản, chú của người dịch) vào một câu lạc bộ; hay nhấp nháp một ly khổ ngãi (absinthe) tại một quán cà phê ưa thích. Sau bữa ăn tối, ban đêm sẽ trải qua ở nhà, hay có thể ở câu lạc bộ hay một quán cà phê, nơi mà các toán đánh bài được thành hình và chơi mãi đến tận khuya.
Dĩ nhiên, lối sống này được thay đổi bởi các buổi khiêu vũ tư nhân, các bữa dạ tiệc, và các buổi tiếp tân chính thức tại tòa nhà Chính Phủ. Tôi nhớ có gặp một hay hai người đại diện Trung Hoa tại một buổi khiêu vũ của Chính Phủ, và trong họ có một kẻ chưa bao giờ hiện diện tại một cuộc hội họp như thế. Một số kẻ đã thông báo cho người đàn ông này rằng buổi khiêu vũ được thực hiện với sự trang trọng lớn lao và nghi lễ là một phần trong tang lễ Âu Châu của chúng ta, và ông ta đã dò hỏi một cách nghiêm chỉnh rằng liệu ông ta có nên xuất hiện trong y phục màu trắng (vô cùng thương tiếc) như một sự bày tỏ tình cảm dành cho người chết đi hay không, cho đến khi ông ta khám phá rằng mình đã là một nạn nhân của một trò chơi khăm. Nhưng các người Pháp nhiều tưởng tượng đôi khi chính họ cũng trở thành nạn nhân của sự đánh lừa. Trong một dịp, tại một bữa ăn tối yên tịnh được khoản đãi bởi một thương nhân người Pháp, tôi nhận thấy các vị khách không thể nói về điều gì khác ngoài cái chết không hợp thời của một nhà thiên nhiên học tận tụy và một kẻ du lịch nổi bật đã đảm nhận chức vụ giám đốc “Vườn Bách Thảo” (Jardin Botanique) tại Sàigòn. Điều được thuật lại rằng người đàn ông kém may mắn này đã bị cướp và hạ sát bởi một nhóm dân bản xứ tại một khu vực đồi núi, nơi ông ta đà theo đuổi trong một số tháng các cuộc nghiên cứu thực vật của mình. Bữa tiệc của chúng tôi thực sự là một cuộc họp mặt buồn bã; vị thánh tử đạo cho khoa học còn trẻ được yêu mến và kính trọng bởi mọi người quen biết ông ta, và những kẻ hiện diện đó, thề sẽ trút mối hận mau chóng lên đầu các kẻ sát nhân, một sổ kẻ trong họ -- như tin tức được đồn đại – đã sẵn bị bắt giữ. Triều sóng cảm tình giờ đây lên đến cao điểm, khi một bước chân nhẹ nhàng được nghe thấy ở cầu thang – trong thoáng chốc cánh cửa được mở ra, và nhà bác học bị hạ sát đã lao vào các vòng tay của các người dân đồng hương đang buồn bã của ông. Như sự việc xảy ra, ông ta đã mất tất cả của cải, nhưng một người bản xứ hảo ý đã cứu sống mạng ông ta.
Chợ Lớn, khu vực bản xứ của Sàigòn, cách xa khu định cư Âu Châu khoảng ba dặm. Xin mời độc giả hãy cùng tôi tham dự vào một cuộc dạo chơi buổi sáng vào thị trấn nửa Trung Hoa, nửa Việt Nam này. Đường đi của chúng ta dọc theo lối đi bộ của “Kinh Đào Lớn” (Grand Canal) – không có gì to lớn ngoài tên gọi của nó, bởi các bờ sông bị tràn lấp bởi cỏ dại rậm rạp, và các triều nước nâng cao thì đục những bùn, và triều nước khi rút thấp là mặt bùn lầy. Một đám các con chó hoang chạy ào một cách điên cuồng băng ngang con lộ, và xuyên qua đám bụi bặm mà chúng làm bay lên, chúng ta có thể nhìn thấy các hình dáng của một đoàn các chiếc xe kéo Căm Bốt, một chiếc xe có một cặp bò thiến đựợc xỏ bằng một sợi dây xuyên qua lỗ mũi của chúng vào cỗ xe ngay phía trước. Cả đoàn xe kéo được điều khiển bởi một đứa con trai bé nhỏ, bởi các nhà buôn bán hãy còn ngủ vùi giữa đống ngà voi, da và sừng thú vật, nhựa thông và đằng hoàng, là những thứ được mang ra chợ để bán. Các bánh xe kêu kẽo kẹt một cách kinh khiếp quanh các trục gỗ khô khan của chúng, và trong thực tế sẽ tạo ra một sản nghiệp của bất kỳ kể đầu cơ nào có đủ sự gan dạ để kéo chúng lên xuống vài khu vực lân cận Luân Đôn yên tĩnh. Chúng ta giờ đây tiến vào trục lộ chính của Chợ Lớn. Từ đang xa là cảnh sát bên phía trái, và ở đây là một hàng dài các phụ nữ đi chân đất, mang các rau tươi đến thành phố. Y phục của họ tương tự như quần áo của các thiếu nữ nông dân Trung Hoa, ngoại trừ các chiếc nón, và các chiếc nón này trông giống như các chiếc rổ khổng lồ đặt trên đầu của họ. Nón loại này được làm bằng các lá khô, và đo được hai bộ Anh (feet) trên đường kính, và sâu sáu phân Anh (Inche). Người đàn ông đội các chiếc nón còn to hơn nữa, có hình nón, và phủ xuống hai bên vai. Những vật che đầu khổng lồ này được hất lên trên giúp cho người đội chúng nhìn được đường đi, và là một loại nón rất thích hợp với đặc tính An Nam, bởi chúng mang lại vật che mưa, và đây là điều quan trọng nhất đối với một dân tộc nghĩ rằng dòng nước tinh khiết là kẻ tử thù ghê gớm nhất. Trong suốt một thời gian cư trú ba tháng tại Nam Kỳ, tôi không nhớ mình có bao giờ nhìn thấy một dân bản xứ tự mình tắm gội, trừ khi bị yêu cầu như thế, đến nỗi có thể chụp hình được một sự tượng trưng khá ăn ảnh từ khuôn mặt của người đó; và rồi ngay khi đó hoạt động này cũng phải được trông chừng một cách cẩn thận, bởi sự tắm gội được thực hành theo một cách sẽ để lại một đường viền bao quanh khuôn mặt, giống như một món đồ gốm, được phủ lên để bảo vệ các đường nét tránh khỏi bạo lực nào khác.
Tuy nhiên, chúng ta hãy tiến bước tiếp trong cuộc dạo chơi. Không có mưa trong nhiều tháng, các hàng rào và bụi cây nám cháy với bụi bặm, nhưng đã sống động trở lại với các màu sắc biến đổi của cây bìm bìm. Không có gì gợi sự chú ý đặc biệt để xem xét trên đường phố vào giờ phút sớm sủa này, cho đến khi chúng ta còn cách xa thị trấn trong vòng một dặm; và rồi chúng ta đến “Cánh Đồng Các Ngôi Mả”(Plaine des Tombeaux), một khu đất chôn cất bao trùm một diện tích khoảng hai mươi lăm dặm. Khu đất này đã được lựa chọn bởi các nhà lãnh đạo bản xứ hàng trăm năm trước đây, như một chỗ yên ngghỉ dành cho người chết, theo lời cố vấn của các nhà chiêm tinh của triều đình. Đường dây điện tín dọc theo con đường giờ đây nói lên một đời sống mới, và một kỷ nguyên mới trong lịch sử của xứ sở. Chợ Lớn giờ đây trước mặt chúng ta; các cư dân chính yếu là người Trung Hoa, và các đặc tính Trung Hoa được nhìn thấy ở khắp mọi nơi, đầy đủ nơi các đền chùa và nhà ở, giống như trong hoạt động siêng năng của người dân. Thị trấn đã thức dậy nhiều giờ trước đây, và trên các khuôn mặt chúng ta gặp gỡ đầy vẻ kinh doanh mà chúng ta chỉ nhận thấy được nơi người Trung Hoa.
Để có thể nhìn thấy một vài điều gì dó của người dân Nam Kỳ, chúng ta phải đi về phía bờ sông, nới hàng trăm chiếc thuyền tụ tập cùng nhau, tạo thành một làng nổi bản xứ. Nhiều thương nhân Trung Hoa đã sẵn bước xuống các chiếc thuyền, thảo luận về gạo mà chúng cất chứa, trong khi các người khác kết thúc các cuộc mặc cả, và đang trả cho các người bản xứ bằng hàng rổ đầy tiền bằng đồng. Bước xa hơn một chút chúng ta tới khu cư ngụ trên dòng sông. Còn có thể có bất kỳ lối sinh hoạt nào sơ khai hơn lối sống này nữa chăng? Các hang động mà các tổ tiên người Anh của chúng ta trú ngụ là các lâu đài khi so sánh với các nơi ở này, và các nhà cửa bên Hồ Thụy Sĩ sẽ là các cung điện. Ở đây, một gia đình bẩy người có thể được tìm thấy sinh sống trong một túp lều đo được năm bộ nhân với bẩy bộ Anh. Các sự sắp xếp vệ sinh thì đơn giản. Kiến trúc được dựng lên trên một sàn cao hơn mặt nước vài bộ Anh, nơi mà tất cả sự bài tiết và rác rưởi được phép đổ tống xuống. Nhà tư bản, nếu ông ta đề xuất để xây cất một cư sở trên sông thuộc loại này – loại cung cấp mọi ưu thế cho một gia đình đông đảo theo đuổi một xã hội vui vẻ, một cái nhìn khoảng khoát trên con nước, có nơi câu cá tốt gần kề, không chịu gánh nặng về thuế và tiên thuê đất, và khoa trương một hệ thống thoát nước thật đơn giản và rẻ tiền – phải chi ra một tổng số là hai đô la rưỡi, hay mười hai hào shilling [1 shilling = 1/20 Anh kim, chú của người dịch], cho sự xây dựng và trang trí công trình này. Khi được xây dựng xong, sở hữu chủ sẽ cho thuê nó theo một sự sang nhượng để sửa chữa. Khi tham khảo bức hình [kèm theo trong bài, chú của người dịch] điều sẽ được nhận thấy rằng “gia trưởng” (paterfamilias) ngồi lùi lại một cách khiêm tốn đàng sau các đứa con của ông ta. Vì buổi sáng trời nóng nực, trang phục duy nhất của ông ta là chiếc nón hình chóp, một biểu hiệu cho phẩm giá bậc cha mẹ. Ông ta, bởi đã được khai hóa phần nào, sẽ giở cái vật trang điểm này khi chúng ta tiến tới gần, nhưng bởi điều này có thể dẫn tới một cơn cảm lạnh nghiêm trọng và một cái chết không đúng lúc, tôi đã yêu cầu ông ta cứ đội chiếc nón. Trang phục tại khu lân cận này là một trong các mục khoản tốn kém nhất trong sự dinh dưỡng một gia đình, dù rằng các thứ quần áo không được biết đến đối với các trẻ em cho đến khi chúng được năm tuổi. Đằng trước các túp lều này, chúng ta có thể nhìn thấy các chiếc xuồng, được khoét từ các thân cây đặc gỗ, và được dùng cho các cuộc thăm viếng thân hữu, tiếp thị hay đi câu. Các cư dân này, như tôi đã sẵn nói, không giữ sạch sẽ trong các thói tục của họ. Họ sống ở gần sông nước, nhưng tôi e rằng xà phòng sẽ là một thị trường tồi trong họ, trừ khi họ đâm ra thích ăn nó, điều đôi khi xảy ra. Họ chỉ làm việc ít đến mức họ có thể làm, và dùng thời giờ nhàn hạ cho việc hút thuốc, cho việc nhai trầu cau nhiều đến mức họ có thể mua được, và cho việc săn bắn; nhưng lý do săn bắn của họ là một “đầu người: caput humanum” [?sic], và mồi săn tí hon được ưa chuộng như một món ăn ngon vô cùng. Nơi đây, tại Chợ Lớn, người Trung Hoa là sắc dân Á Châu chế ngự mậu dịch, và trong thực tế đây là điều xảy ra tại mọi quốc gia Mã Lai và Đông Dương nơi mà họ đã di dân đến. Họ được tìm thấy hầu như bất biến là đã không chỉ thực hiện một việc mậu dịch nhập cảng và xuất cảng cho riêng trương mục của họ, mà còn hoạt động như kẻ trung gian môi giới giữa các thương nhân ngoại quốc và dân bản xứ. Tôi có làm quen với một hay hai thương nhân Trung Hoa tại Chợ Lớn, kẻ trước đây không lâu đã đến xứ sở này như các công nhân làm thuê từng ngày thông thường, và là kẻ nhờ ở tiếng tăm năng động và lương thiện đã dành đạt cho mình sự ủng hộ và tín nhiệm của các nhà mậu dịch Âu Châu tại Sàigòn.
Trong các ngày tết năm mới Trung Hoa, tôi đã được mời đến nhà một trong các thương nhân này. Địa điểm được xây cất một nửa theo kiểu Trung Hoa, một nửa theo kiểu Âu Châu. Nhà kho ở mặt tiền đã thay đổi khía cạnh thông thường của nó. Các chiếc bàn với khăn thêu đã thay thế cho các kiện hàng vải và các túi sản phẩm, và được chất đầy với thức ăn thịnh soạn. Hàng trăm danh thiếp màu đỏ son, mỗi tấm có khổ một tấm giấy sổ tay, và được in với các danh tính bằng tiếng Trung Hoa, tô điểm cho các bức tường. Tại một gian phòng rộng rãi ở tầng trên, một chiếc bàn được bày ra với đồ dùng Âu Châu, rượu vang và các thức ăn ngon. Chủ nhân tiếp đãi chúng tôi xin lỗi về việc thiếu mất một số đĩa và dao nào đó bằng cách nói rằng các người bạn Nam Kỳ của ông đã xin được phép mang chúng đi mất như các vật kỳ lạ. Một số các con cháu của người Hán này định cư vĩnh viễn tại xứ sở, nhưng đa số quay về Trung Hoa, nơi, sau khi đã tậu được một ngôi nhà nhỏ và sự an toàn cá nhân với bằng một phần trong số tiết kiệm của mình, họ sẽ về hưu hay sẽ tiếp tục kinh doanh với những gì còn lại.
Xã Chợ Quán nằm ở giữa đường Saigòn và Chợ Lớn. Bên phải của lối đi theo đó nó vươn tới có một hàng rào tre mọc rất tươi tiốt, và bên tay trái, tại giữa một cánh đồng ruộng, một ao sâu nơi mà các con trâu thích dầm bùn, trát lên làn da của chúng lớp bùn để ngăn cản các cuộc tấn công của các con muỗi (moschettos). Khi tiến tới Chợ Quán, không có gì được nhìn thấy về làng mạc, ngoại trừ các cây ăn trái mọc bao quanh các ngôi nhà; và vào lúc có cuộc thăm viếng của tôi, các cây cam và bưởi (pumeloe, tên khoa học là Citrus decummana) đầy những trái, trĩu xuống trên các hàng rào với sức nặng của số thu hoạch của chúng. Ngôi làng, đến mức mà tôi có thể nhận ra, được tiến vào xuyên qua một lằn hẹp nằm giữa hai bức tường cây xương rồng sắc nhọn; lối đi này dẫn tới một mê lộ của các lối đi khác, khiến tôi thắc mắc để biết con đường nào sẽ dẫn tìm được Chợ Quán. Nhưng tôi đã đi xuyên qua trung tâm của thôn ấp nhiều lần mà không hay biết về nó, bởi các ngôi nhà rải rác đều bị che kín bởi các hàng rào cao bằng cây xương rồng hay tre. Các người bản xứ yêu thích sự kín đáo riêng tư; mọi gai nhọn trên các hàng rào bao quanh cư sở của họ là, có thể là như vậy, một dấu hiệu rằng gia đình nằm bên trong tốt hơn muốn được để riêng mình. Nếu ai đó không bằng lòng về điều này, chỉ cần mở cổng vòng ngoài, khi đó một hay hai con chó hoang trông ốm yếu sẽ nhe răng nanh của chúng ra, và cũng sẽ dùng chúng. Các nhóm trẻ con trần truồng lăn vào trong đám bụi trên các lằn đường, hay ngả người trong bóng mát hút thuốc, làm phồng lên đôi má bụ bẫm của chúng với các cụm khói thuốc lá và lại thở chúng ra ngoài qua miệng và lỗ mũi với một vẻ khoái trá mãnh liệt thường phải thuộc vào những năm trưởng thành hơn. Các người đàn ông cũng vậy, ngồi xổm chắn cả lối đi, hay (bởi hàng rào không phải là vật mời gọi để dựa lưng vào) nằm lăn ra trên đất để nói chuyện, hay nếu không – bởi không có “Các Con Thiên Nga”, “Các Bó Lúa Mì”, hay “Các Cây Gỗ Sên Cao Ngất”, một trong các thứ mà lúc nào xem ra như sẽ ở sát ngôi nhà chúng ta ghé đến trên các đường lộ trong làng ở quê nhà – họ sẽ quay về nơi cư ngụ của họ, đóng cổng bên ngoài lại, bước vào hàng hiên, vào chỗ ngồi, hay trên các phản dài giải chiếu được trang bị với các chiếc gối bằng gỗ, và sau đó, trong một tư thế nằm duỗi dài người ra, với trà, thuốc lá, sam-shu[một loại rượu nấu bằng gạo của Trung Hoa, chú của người dịch] và trầu cau trong tầm với tay, tiếp tục đề tài thảo luận, một sự quan tâm đã cuốn hút họ đến nay xuyên qua những ngày giờ hờ hững.
Giờ đây chúng ta hãy bước vào một trong những cư sở này. Hai người đàn ông ((bởi những gì tôi thuật lại tôi đã thực sự chứng kiến), giờ đây đang vật vã với các nỗ lực đối thoại của họ, là các điền chủ trong làng, và tài sản của họ được đo theo từng mẫu một. Một cặp gái nhỏ chưa tắm rửa có khuôn mặt tươi vui đứng quạt cho các ông chủ của chúng là các nô lệ trong nhà. Bà chủ nhà ngồi hút thuốc và ôm ấp đứa con của bà trong một góc tối bên trong ngôi nhà. Bản thân tòa nhà được xây cất tốt, và sàn nhà đứng trên các cột bằng gạch cách mặt đất chừng ba bộ Anh (feet). Một khung trang trí bằng gỗ chạm trỗ chống đỗ mái nhà lợp ngói, và bên trong nhà được phân chia thành các buồng làm nơi ở đàng hoàng cho gia đình. Phía đàng trước có các hàng hiên ở mỗi bên cửa ra vào, và bên trên hàng rào mắt cáo là một tấm bảng khắc tên hay tước vị của gia chủ, trong khi được treo trên các cột cửa là các câu đối khác chứa câu văn từ các kinh điển Trung Hoa. Nếu chủ nhân là một người giàu có, toàn thể mặt tiền ngôi nhà của ông ta được chạm trỗ thành một tác phẩm lồ lộ, cộng thêm màu sơn và thếp vàng mang lại một khía cạnh oai nghiêm, và được dùng để thanh lọc các khiếm khuyết lọt vào bên trong, nơi gia đình được giữ sống động bởi loài sâu bọ chấy rận liên hoan trong bóng tối và bụi bậm. Bàu không khí hôi hám bên trong ngăn cản người ta làm một cuộc thanh tra kéo dài. Tuy nhiên, chúng ta hãy để ý đến sự sắp xếp độc đáo của một khuê phòng nơi một người đàn bà già được đặt ngồi tại một bàn khâu vá, và một người đàn ông lớn tuổi ngả mình trên một chiếc giường được bọc một cách ngay ngắn. Một ít ghế do Trung Hoa chế tạo được sắp quanh căn buồng. Trên một trong các chiếc ghế là một nồi cơm chất đầy các trái cam, một bát gạo, một cốc rượu sam-shu, và một hay hai pho tượng cũ kỹ. Trên một ghế khác cbúng ta có thể nhìn thấy các món đồ tạp nhạp của yên ngựa, và bên trên đó một tấm hình Công Giáo La Mã màu đỏ và vàng. Bên dưới ghế là một túi trái cây và nhiều nông cụ. Các bức hình Trung Hoa và Âu Châu được treo trên tường; và một hay hai tấm gương, mang lại các đường nét méo mó xấu xi nhất của khuôn mặt con người, tạo thành các đồ trang trí của căn nhà ở.
Giờ đây để có một sự hít thở không khí trong lành, và tôi sẽ dẫn quý vị đi đến một khu vực khác của Chợ Quán, nơi có một thầy pháp cư ngụ. Nhà ông ta tọa lạc tại một phần ẩn khuất của ngôi làng, và được bao quanh bởi một hàng rào xương rồng dầy đặc. Chỉ có một lối duy nhất theo đó nơi ẩn náu kỳ lạ này có thế bị xâm nhập, và tức là bằng cách leo lên một cái cây uốn vòng qua hàng rào, sau đó bước xuống một cành cây và nhảy từ đó đến lối ra vào của túp lều. Khi chúng ta bước vào bên trong, chúng ta nhận thấy vị bác sĩ, nhà tiên tri, nhà ảo thuật, đang cúi mình trên một quyển sách. Tung tóe trên một chiếc bàn đánh bài thô sơ trước mặt ông là các cây lá qua chúng ông ta điều chế một số các bùa chú hiệu nghiệm của mình. Một loại lá cây thường được yêu cầu, và là một lá bùa yêu; và loại này, khi được dùng bởi một số kẻ sôi nổi nhưng u mê thất vọng, phải bị tán thành bột, và bôi vào đầu một điếu thuốc lá mà ông ta đưa cho một kẻ vô tư nhưng khá bồng bột. Khi một vài làn hơi khoái lạc được thở qua lỗ mũi của bà ta, bà ấy xuôi lòng trước kẻ tấn công trái tim bà, và bị khuất phục. Tư thế xem xét kỹ càng đảm trách bởi nhà ảo thuật được thay đổi từng chập, và con người thầy thuốc huyền bí sau cùng nhắc nhở chúng ta rằng ông ta không phải là kẻ bất tử bởi việc với tay lấy một bát sam-shu (rượu bản xứ) để giải khát. Giờ đây ông ngừng nghỉ để hút một hơi từ điếu thuốc của ông, hay chừng mắt đăm đăm nhìn vào khoảng không, trong khi ông nghĩ ngợi về những triệu chứng nguy hiểm nhất của bệnh nhân sau cùng của ông, cân nhắc xem liệu trong trường hợp bệnh nhân không chống cự nổi bệnh tật của mình, hay sự chữa trị của vị thầy thuốc, các bè bạn của người chết sẽ có thể thanh toán toàn thể lệ phí hay không. Khi đó có thể ông ta bị ngắt quãng bởi một bệnh nhân đổ nhào trên ông với một đầu bị thương, hay trái tim bị thương, nạn nhân một cuộc cãi vã hay kẻ đau khổ từ một tình yêu tuyệt vọng. Nhưng ngành nghề nghiệp trên đó ông tùy thuộc chính yếu để làm đầy hộp tiền mặt của mình là phép khu tà diệt ma, đã tìm được nơi trú náu nơi trái tim của đồng bào ông. Khi một người nghèo khổ gặp khó khăn với một ác quỷ, nó có thể được tẩy trừ với giá khoảng một đô la; mặt khác, trong khi nếu bệnh nhân là một kẻ có tài sản, con quỷ chắc chắn sẽ được chứng minh là ương ngạnh, và cần các lá bùa trị giá ít nhất mười sáu hay hai mươi đô la để đưa đến sự trục xuất tối hậu con quỷ đó. Khi được mời đến bên giường người bệnh, vị thầy thuốc bắt đầu sự chữa trị của mình bằng việc làm chảy máu – không phải từ người ốm, mà từ chính ông ta. Ông ta trước tiên cắm hai cái xiên nhỏ vào má của mình, với nến thắp sáng ở các đầu que xiên; sau đó cúi xuống giường bệnh, ông cất tiếng ca ngợi vị thần tốt lành, Châu-xuong [Châu-xương?, tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch], và khẩn nài sự trợ giúp của vị thần. Nếu phép trừ tà này thất bại, ông gọi đến kẻ hầu tớ đảm nhận công việc khổ nhọc, duỗi thẳng cánh tay phải của chàng trai trẻ này ra, và trong bàn tay chàng trai trẻ kế đó được đặt cầm một cái tượng, được giả định nhằm tạo ra sự chuyển động tự nhiên của cánh tay nối dài. Sau khoảng một tiếng đồng hồ đầu tiên như thế, sự chuyển động tự nhiên tự tác động để với tay ra lấy bát rượi sam-shu gần nhất dành cho vị thần của bức tượng là kẻ, đôi khi, có một cơn khát dữ dội, đang tạo ra một cách khá kỳ lạ, một loạt các sự chuyển động rắc rối và tự nhiên nơi chân tay của kẻ hầu tớ nắm giữ vị thần. Dân bản xứ gán cho tất cả sự việc này vào một loại thôi miên (animal magnetism), không phải không được hay biết tại các phần khác của thế giới. Nếu sự chữa trị nêu trên không thành công, thày thuốc, vị tu sĩ, nhà pháp thuật được giả định sẽ nằm ngủ trên các cọc nhọn, bước đi trên lửa, uống chất nhựa đun sôi, và hoàn tất một loạt ngón nghề khác, trong đó chất xúc tác tinh thần duy nhất được nhận thấy là rượu sam-shu. Một nguồn lợi tức khác cho thày lang băm huyền bí này phát sinh từ “Cánh Đồng Mả Người Chết” (Plaine des Tombeaux), hay “Dông-tâp-trâu” [tiếng Việt trong nguyên bản, Đồng Tập Trâu?, hay đồng Mả Lạng [?], chú của người dịch], nơi hàng chục nghìn người dân Nam Kỳ được chôn cất. Ông ta chỉ đơn giản tuyên bố với một số gia đình đau khổ rằng nguyên do của sự sầu não của họ là vị trí không may mắn của thi hài một người thân thuộc đã mất liên quan đến vị thần rồng của đất đai; sau đó ông ta sẽ được thuê mướn bởi các người còn sống đang đau đớn để di chuyển hài cốt sang một thế đất may mắn hơn.
Người dân Nam Kỳ, giống như người Trung Hoa, có nhiều mê tín dị đoan liên quan đến sự chôn cất người chết; một trong những mê tín này giải thích cho hướng đồng nhất của các ngôi mộ tại Dông Tập Trâu [?], và một mê tín khác cho cấu trúc tổng quát của chúng. Giống như tại Trung Hoa, con rồng thường được nhìn thấy được chạm khắc trên ngôi mộ của họ. Khi cái chết xẩy ra trong một gia đình, thầy pháp này hay một thầy về các sự huyền bí về Phong Thủy (Feng-shui) được mời đến để giám sát sự chôn cất một người, có thể là nạn nhân của tài chữa bệnh lang băm của ông ta; và, như một vấn đề nghiêm trọng, ông ta được kỳ vọng để đặt thi thể theo một cách sao cho linh hồn trong trạng thái mới của nó sẽ trợ giúp vào các sự may mắn của gia đình. Ông ta do đó tiến tới Dông Tâp Trâu [?], với một cái la bàn Trung Hoa trong một tay, và một bức tượng ở tay kia. Sự quan tâm đầu tiên của ông là tìm vị trí đầu rồng của khu đất, hầu ông có thể đặt định đầu của thi hài trên đó. Sau đó, ông cẩn thận định phương hướng của dòng nước chảy xuyên qua bãi tha ma, sao cho thi hài có thể được đặt với đôi chân hướng về nguồn nước. Nếu đầu được đặt về phía nguồn nước, người ta tin rằng linh hồn sẽ “mãi mãi bị can dự vào việc gắng sức tìm cách ngược dòng, và chính vì thế, phải chịu đựng, do sự khinh xuất của các thân nhân còn sống sót, các sự dày vò của một ngục tù đẫm nước vĩnh viễn.
Nhà quý tộc Nam Kỳ, giống như nguyên mẫu trong các dân tộc khác và thường giác ngộ hơn, nói chung phơi bày trong hình dáng và phong cách của mình các bằng chứng của một sự nuôi dưỡng thượng đẳng. Khi thiên nhiên tỏ ra công bằng, ông ta cao hơn và đứng thẳng hơn các mẫu người trung bình của đồng bào ông thuộc các dòng tộc khiêm tốn hơn, trong lúc họ vượt trội ông ta vô hạn về sự phát triển bắp thịt. Ông ta không hề đi làm một ngày trong cuộc đời của mình. Các bàn tay của ông thì nhỏ nhắn, hình dáng đẹp đẽ, và mềm mại như bàn tay một phụ nữ, trong khi, như một dấu hiệu của sự vô dụng cực kỳ của chúng, các móng tay của ngón thứ ba và các ngón tay nhỏ hơn được phép mọc dài, hay được uốn nắn, cho tới khi chúng không khác gì các móng vuốt của một con diều hâu. Một số hành vi của ông ta cũng vậy, có thể được so sánh một cách thích hợp với các cử động của vua các loài chim. Nếu ông ta là một quan chức chính quyền, ông ta thường nghiêm khắc trong sự đối xử với các thuộc cấp; bởi chính ông, cùng với thượng cấp của ông, là những người chịu trách nhiệm về tác phong của họ. Hậu quả của hệ thống này, các sự bùng nổ tranh chấp dòng tộc thuờng ít xẩy ta tại Nam Kỳ thuộc Pháp hơn là giữa các người Trung Hoa tại Singapore và Penang. Cuộc sống mà ông ta tiến đến là một cuộc sống biếng nhác; tại nhà, ông ta trườn người trên một chiếc giường hay chiếc ghế, bao quanh bởi nửa tá người hầu cận, một kẻ có thể đi tìm bắt chấy rận trong mái tóc trên đầu ông ta, một kẻ khác hầu quạt cho ông, trong khi kẻ thứ ba, canh chừng khuôn mặt không sinh khí của ông chủ, tiên đoán một ước muốn, mồi lửa một ống điếu hay điếu xì gà, và lặng lẽ đặt nó vào giữa đôi môi của ông chủ. Nếu có một người bạn ghé thăm tán chuyện gẫu, ông ta nhai đầy miệng trầu cau và seri [?, không rõ nghĩa của từ ngữ này trong Anh ngữ, séri trong bản bằng tiếng Pháp, chú của người dịch], như một sự bắn tin lịch sự rằng bất kỳ gì đó giống như một cuộc đối thoại sống động không được nghĩ đến, và chỉ thích hợp cho chuyện tầm phào. Người bạn sau đó được mời làm như vậy; và khi cả hai đều có đủ cau để nhai, các tiếng lầm bầm nhóp nhép, phát ra qua âm thanh của việc nhai trầu được trao đổi , chỉ có thể được nghe thấy với các lỗ tai mở lớn của chính họ. Một ngoại lệ đáng kể đối với loại quý tộc bản xứ nêu trên là ông Petruski [tức Trương Vĩnh Ký, chú của người dịch], một người Nam Kỳ theo đạo Thiên Chúa, đảm nhận chức vụ giáo sư ngôn ngữ của chính ông tại trường Cao Đẳng Thông Dịch (Collège des Interprètes) tại Sàigòn Ông được giáo dục tại một trường cao đẳng Công Giáo La Mã tại Penang, và tôi sẽ không bao giờ quên được sự ngạc nhiên của mình khi được giới thiệu với ông lần đầu tiên. Ông ta nói chuyện với tôi bằng Anh ngữ tuyệt hảo, chỉ với một âm điệu pha nhẹ tiếng Pháp, trong khi với tiếng Pháp, ông có thể đàm thoại với cùng sự tinh thông và thoải mái. Ông cũng thông thạo không kém, tôi tin như vậy, khi ông nói, hay viết bằng tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, hay Ý Đại Lợi; và chính do sự hiểu biết thông thái các ngôn ngữ Phương Đông mà ông đã có được chức vụ xuất sắc mà ông đảm trách. Trong một dịp tôi đã đến thăm phòng nghiên cứu của ông, tôi đã bắt gặp ông đang dấn thân vào một công trình khiến ông mất nhiều năm làm việc – “Một Sự Phân Tích Đối Chiếu Các Ngôn Ngữ của Thế Giới”. Ông bị vây quanh bởi một sưu tập các quyển sách hiếm có và trị giá, một số trong đó ông ta thu thập khi du hành tại Âu Châu; một số khác – bằng tiếng Sanskrit, Pali, tiếng Xiêm La và tiếng Trung Hoa – ông đã có được từ nhiều nơi khác nhau của phương Đông. Trong buổi tối, một trong các giáo sĩ ở Chợ Lớn đã tham dự với chúng tôi, và khi tôi ra về ông đã đối thoại với ông Petruski trong một cuộc thảo luận về thần học bằng tiếng La Tinh. Ông là tác giả của một số tác phẩm; trong số đó, quyển Văn Phạm Tiếng An Nam, có tính cách khai mở bằng cách dõi tìm sự tương thích giữa các mẫu tự tượng trưng cổ xưa nhất với các từ ngữ của ngôn ngữ viết hiện đại của Việt Nam./-
_____
Nguồn: J. Thomson, F. R. G. S., Chapter VI, The Straits of Malacca, Indochina, and China; or Ten Years’ Travels, Adventures, and Residence Abroad, New York: Harper & Brothers, Publishers, Franklin Square, 1875, các trang 164-178. Bản tiếng Pháp có nhan đề là Dix Ans De Voyages Dans La Chine et L’Indo-Chine, xuất bản năm 1877, dầy 492 trang.
Ngô Bắc dịch và phụ chú
03/05/2010
© gio-o.com 2010
Nhãn: Khác
0 Comments:
Bài đăng Mới hơn Bài đăng Cũ hơn Trang chủ
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)