Đăng tải thông tin khoa học: Hãy hoài nghi!

Đây là bài phỏng vấn mà báo Bưu điện thực hiện vào giữa tháng 3 về đề tài truyền thông và khoa học.
NVT
Đăng tải thông tin khoa học: Hãy hoài nghi!
[15/03/2008 - Khách - Vietnam Journalism]

Thời gian gầy đây, những “sự cố” thông tin khoa học liên tiếp xảy ra trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Thông tin không chính xác về “bưởi gây ung thư vú” làm người trồng bưởi điêu đứng. Rồi những nhiễu loạn thông tin về thuốc “tăng phọt” GA3 trên rau, thuốc “chữa ung thư” Aslem… khiến công chúng hoài nghi…

Làm thế nào để tránh những sự cố đáng tiếc này? Phóng viên Bưu điện Việt Nam đã có cuộc trao đổi xung quanh chủ đề này với GS. Nguyễn Văn Tuấn, Viện nghiên cứu y khoa Garvan, Sydney,Australia.

Phóng viên: Thưa ông, ông bình luận thế nào về những “sự cố” thông tin khoa học trên báo chí Việt Nam thời gian gần đây?

GS. Nguyễn Văn Tuấn: Chỉ có thể nói là: đáng tiếc. Đáng tiếc là vì nếu các thông tin được kiểm tra và đánh giá kỹ càng hơn thì có lẽ sẽ không xảy ra tình trạng một số báo bị phạt, và một số doanh nghiệp và người tiêu dùng bị ảnh hưởng.

Lấy trường hợp bản tin về bưởi gây ung thư vú làm ví dụ, tôi nghĩ nếu những người viết tin hay dịch bản tin từ báo chí phương Tây chịu khó xem xét bài báo gốc, hay thậm chí chỉ cần điện thoại hoặc email hỏi các chuyên gia trong và ngoài nước thì sẽ thấy những thông tin mà báo chí phương Tây chuyển tải là không chính xác.

Qua những “sự cố” trong năm qua và đầu năm nay, chúng ta thấy truyền thông khoa học đóng một vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn công chúng về y tế, sức khỏe, và khoa học nói chung. Theo một cuộc thăm dò ý kiến ở Mĩ, 75% người được thăm dò cho biết họ thường theo dõi các thông tin liên quan đến thực phẩm và y tế trên các phương tiện truyền thông đại chúng; trong số này, 58% người được hỏi cho biết họ sẵn sàng thay đổi lối sống hay hành động theo các bản tin đó. Chính vì ảnh hưởng này, mà truyền thông khoa học cũng có thể gây tác hại đến xã hội nếu thông tin không được truyền đi một cách khách quan và chính xác.

Thưa ông, trên một số diễn đàn và báo chí gần đây, ông đã có bài viết về Qui ước Ingelfinger. Ông có thể tóm tắt đôi nét về qui ước này?

Qui ước Ingelfiner do bác sĩ Franz Ingelfinger được đề ra từ năm 1969, và cho đến nay được hầu hết giới báo chí ủng hộ và tuân thủ. Lúc đó, Franz Ingelfinger là Tổng biên tập Tập san New England Journal of Medicine, một tập san y học số 1 trên thế giới. Trong vai trò này, ông muốn thông tin y khoa khi đến tay công chúng phải được đảm bảo về mặt chất lượng. Để đảm bảo chất lượng, bài báo khoa học phải qua phản biện bởi các chuyên gia trong ngành, trước khi cho công bố trên báo chí đại chúng.

Nói một cách ngắn gọn, theo Qui ước Ingelfinger, các cơ sở truyền thông đại chúng không được công bố những thông tin hay kết quả nghiên cứu khoa học đang được xét duyệt cho công bố trên một tập san khoa học. Chỉ khi nào các thông tin hay kết quả này đã được tập san khoa học chính thức công bố thì giới truyền thông đại chúng mới có quyền đưa tin.

Việc tuân thủ Qui ước Ingelfinger ở các nước phát triển như thế nào, thưa ông? Và đối với Việt Nam, một nước mà trình độ khoa học công nghệ còn lạc hậu, Quy ước này nên được áp dụng như thế nào, thưa ông?

Giới truyền thông đại chúng phương Tây nói chung tôn trọng và tuân thủ theo Qui ước Ingelfinger rất nghiêm chỉnh. Xin lấy ví dụ cá nhân: tuần vừa qua, tôi được một đài truyền hình Úc phỏng vấn về một nghiên cứu loãng xương của tôi theo lịch trình sẽ công bố chính thức vào ngày 5/3/2008, nhưng vì tập san chậm công bố 1 ngày, nên đài truyền hình phải hoãn lại việc chạy bản tin 1 ngày!

Đối với Việt Nam, có lẽ vì giới phóng viên và nghiên cứu khoa học chưa biết đến Qui ước Ingelfinger nên chẳng ai chú ý. Có quá nhiều thông tin được chuyển tải trong hệ thống truyền thông đại chúng nhưng chưa bao giờ được công bố trên các tập san quốc tế, thậm chí chưa được đăng trên các tập san khoa học trong nước. Những thông tin về mắm tôm và dịch tiêu chảy, về tế bào mầm, về thuốc Aslem, về chất GA3, v.v… là những ví dụ tiêu biểu.

Vấn đề trở nên phức tạp khi có không ít nhà khoa học hiểu lầm rằng họ đã trình bày kết quả nghiên cứu trong các hội nghị khoa học và họ cho đó là “bài báo khoa học”, rồi vội vàng tuyên bố trên báo chí đại chúng. Thật ra, những báo cáo trong các hội nghị khoa học không phải là bài báo khoa học, và đại đa số chưa bao giờ qua phản biện hay bình duyệt, nên chất lượng thường rất thấp.

Tôi nghĩ trong tiến trình hội nhập quốc tế, không có lí do gì giới báo chí Việt Nam không áp dụng Qui ước Ingelfinger. Người được hưởng lợi ích từ việc thực hiện Qui ước này là người dân. Đó cũng là một hình thức khuyến khích (hay làm áp lực) cho nhà nghiên cứu phải công bố kết quả nghiên cứu trên các tập san quốc tế có uy tín. Nên nhớ rắng số bài báo khoa học trên các tập san quốc tế là một thước đo về tri thức của một quốc gia. Hiện nay, số bài báo khoa học của Việt Nam chỉ bằng 1/6 Thái Lan và 1/10 Singapore, và chúng ta đang tụt hậu… Tôi nghĩ áp dụng Qui ước Ingelfinger sẽ góp phần cải thiện tình hình khá hơn.

Theo ý kiến của ông, làm thế nào để truyền thông khoa học phục vụ tốt nhất cho công chúng đồng thời cũng khuyến khích, thúc đẩy nghiên cứu khoa học phát triển?

Đây là một câu hỏi rất hay! Tôi thấy vấn đề đào tạo là quan trọng nhất. Cũng như phóng viên tường thuật về thời tiết phải hiểu (thậm chí phải có bằng cấp) về khí tượng và địa lí, phóng viên chuyên về khoa học cần phải được huấn luyện về qui trình nghiên cứu khoa học, hay ít ra là phải hiểu được các hoạt động khoa học. Ở Mĩ và Úc, có nhiều phóng viên về khoa học có bằng cấp cử nhân khoa học, phóng viên y tế có bằng cấp về y khoa (bác sĩ), thậm chí có người có bằng thạc sĩ y khoa cộng đồng. Phóng viên cần phải phân biệt được giá trị của các mô hình nghiên cứu, cần biết cách diễn giải dữ liệu nghiên cứu một cách khách quan, và cần phải trang bị cho mình vài kĩ năng trong việc truy tìm tài liệu liên quan.

Tôi thấy phóng viên chuyên về khoa học ở trong nước có vẻ còn thụ động quá. Nhiều người có lẽ do thiếu thông tin nên chỉ dịch lại các bản tin nước ngoài, mà không chủ động đi tìm thêm thông tin, hay làm những phóng sự chuyên đề và chuyên sâu. Khác với phóng viên nước ngoài, tôi thấy phóng viên Việt Nam “hiền” quá, ít khi nào đặt những câu hỏi gay gốc, những câu hỏi dồn nhà khoa học vào “thế thủ”. Chúng ta cần những phóng viên xông xáo và chủ động như thế, nhưng để làm như thế họ cũng cần phải “học bài” kĩ về chủ đề mình muốn viết.

Tôi nghĩ phóng viên khoa học nên đóng vai trò phản biện các nghiên cứu một cách tích cực hơn. Ngoài việc đưa tin, phóng viên cần phải tham khảo ý kiến nhiều chuyên gia, tìm hiểu những ý kiến mang tính phản biện, và qua đó có thể góp phần thúc đẩy khoa học phát triển. Làm khoa học mà không có phản biện (hay sợ phản biện) thì không thể xem đó khoa học (hay không nên làm khoa học).

Thưa ông, ông có lời khuyên gì đối với những nhà báo khi viết về khoa học?

Là người trực tiếp làm nghiên cứu y khoa, từng tiếp xúc với giới truyền thông đại chúng, thậm chí còn thỉnh thoảng viết báo và "nhặt sạn" người khác, nên tôi có thể chia sẻ ba suy nghĩ về vấn đề này:

Thứ nhất là kiểm tra sự chính xác và tính cân bằng của câu chuyện hay bản tin. Lúc nào cũng phải kiểm tra uy tín của nguồn thông tin, tác giả là ai; nếu cần phải tham vấn thêm các nhà khoa học có uy tín khác xem họ có tin tưởng vào công trình nghiên cứu hay đánh giá thế nào về kết quả của nghiên cứu đó. Tránh sử dụng những từ ngữ mang tính liên hệ nhân quả (cause-effect relationship), hay những từ ngữ dễ gây cảm tính như “đột phá”, “bứt phá”, “khám phá”, v.v…

Thứ hai là hoài nghi, hoài nghi và hoài nghi! Khi dịch lại bản tin từ báo chí nước ngoài, hay một thông cáo báo chí từ trung tâm nghiên cứu, phóng viên phải phân biệt được sự thật của dữ liệu (fact) và ý kiến (opinion) hay bình luận cá nhân. Cần phải kiểm tra xem kết quả nghiên cứu có khả năng thực tế hay không. Cần phải áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt trong suy luận khoa học để thẩm định mối liên hệ giữa nhà khoa học, trung tâm nghiên cứu, và cơ quan tài trợ cho nghiên cứu.

Thứ ba là kiểm tra xem bản tin có cung cấp những khuyến cáo, hay chỉ dẫn thực tế cho công chúng và người tiêu thụ. Và quan trọng hơn là xem lợi ích nước nhà. Phải đặt lợi ích nước nhà lên trên hết. Nếu một bản tin có thể gây tác hại đến nông dân hay một bộ phận lớn trong xã hội, cần phải kiểm tra thật kĩ và đảm bảo chất lượng trước khi quyết định đưa tin.

(Bưu điện Việt Nam)
Ghi thêm:
Ở đây có người phàn nàn rằng tại sao tôi không chỉnh sửa phóng viên khi họ gọi tôi là “Giáo sư”, vì chức vụ chính thức của tôi là “Associate Professor” (dịch theo tiếng Việt là “Phó giáo sư”), và từ đó họ có lời phê phán khá nặng nề về hành xử của tôi. Nhưng có lẽ bạn đọc hiểu lầm giữa title (danh xưng) và position (chức vụ). Ở Mĩ, có ba chức vụ khoa bảng (assistant professor, associate professor, và professor), nhưng danh xưng của họ đều là “professor” (giáo sư). Do đó, sinh viên hay giới phóng viên đều gọi bất cứ ai có một trong 3 chức vụ trên là “professor”. Thành ra, khi phóng viên gọi tôi là giáo sư thì không có gì phải phàn nàn cả.
Người mình quá quan trọng danh xưng và chức danh. Nhưng tôi thì hồi nào đến giờ không thích “sư” với “sĩ”. Tôi chỉ thích người ta gọi tôi bằng tên thôi và vẫn viết bài kí tên chứ không có danh xưng gì cả (nhưng các nhà báo thường gắn thêm sư sĩ cho tôi). Tôi nghĩ cuộc đời này vô thường quá, danh xưng làm gì cho tốn giấy mực. Vả lại, với một người như tôi thì có gắn thêm cái gì gì trước hay sau tên chẳng làm tôi vui hay buồn gì cả.

Nguồn:


0 Comments:

Post a Comment



Bài đăng Mới hơn Bài đăng Cũ hơn Trang chủ


Khảo Sử trên Facebook