SAIGON, [1948-49]


http://nguyentl.free.fr/

Santha Rama Rau



Ngô Bắc dịch



Lời người dịch:

   Santha Rama Rau sinh ra tại MadrasIndia năm 1923, con gái nhà ngoại giao Ấn Độ cao cấp, Sir Benegal Rama Rau.  Từ nhỏ, bà được giáo dục tai Anh Quốc, sau đó theo học tại đại học dành riêng cho nữ sinh viên, trường Wellesley College, Massachusetts, Hoa Kỳ, nơi đã đào tạo ra nhiều danh nhân thế giới như bà Tống Mỹ Linh, phu nhân của Tổng Thống Trung Hoa Tưởng Giới Thạch, bà Hillary Clinton, phu nhân Tổng Thống Hoa Kỳ Bill Clintion …  Santha Rama Rau có các bài viết thường xuyên đăng tải trên các tạp chí The New Yorker và Holiday trong thập niên 1950 và 1960.

   Dưới đây là bản dịch của hai phần việt về Việt Nam, trong hai tác phẩm khác nhau, trước và sau Hiệp Định Geneve 1954 của tác giả:

1.       Bài 1: Viết về Saigòn, khoảng năm 1948-1949, được trích trong quyển East of Home, do nhà xuất bản Harper & Row, Publishers ấn hành tại New York năm 1950, thuật lại chuyến du hành từ Tokyo, nơi thân phụ bà giữ chức vụ Đại Sứ Ấn Độ tại Nhật Bản, qua Trung Hoa xuống các nước Đông Nam Á.
2.       Bài 2: Việt về Việt Nam, trong thời khoảng 1954-1955, khi xảy ra cuộc di cư từ miền bắc vào miền nam, sau Hiệp Định Genève 1954, được trích trong quyển View to the Southeast, do nhà xuất bản Harper & Brothers ấn hành tại New York năm 1957.   


***
Bài 1: Sàigòn [1948-49)

Đoạn 42

   Ngược giòng sông Sàigòn – bốn mươi dặm để đến chính thành phố đó – Clare [một bạn đồng hành của tác giả, chú của người dịch] xuất hiện trên sàn tàu với quần áo ngắn như bằng chứng chung cuộc rằng chúng tôi sau rốt đã ở vùng nhiệt đới.  Hai bờ sông có màu xanh của các cây dừa.  Các thuyền của An Nam, có kiểu thiết kế nhiều nét Tây Phương hơn các thuyền buồm Trung Hoa, lướt nhẹ trên giòng nước.  Người dân có nước da sậm hơn người Trung Hoa và phảng phất đường nét người Mã Lai.  Chính thành phố chẳng có gì gây ấn tượng khi nhìn từ giòng sông.

   Sàigòn trông giống như một tỉnh của Pháp hoàn toàn.  Vào buổi sáng, các bà nôi trợ Pháp xuất hiển trong quần áo bằng hàng bông và các đôi giầy gót bằng, với một túi đan sợi đựng thục phẩm để đi mua sắm.  Vào mườii hai giờ trưa mọi nơi đều đóng cửa trừ các nhà hàng ăn nơi người ta ăn uống (khác với các quán bán cà phê và rượu), và còn đóng cửa cho đến 3 giờ chiều.  Điều này cũng đúng với phần lớn các văn phòng.  Vào khoảng 4 hay 5 giờ chiều, các cô gái lại xuất hiện.  Lần này trong quần áo bằng lụa và đi giầy cao gót để ngồi trong các quán cà phê và sau hết đi ăn tối.  Với thiên tài đặc biệt của người Pháp trong việc biến các đường phố của họ thành nơi xã giao, nơi người ta trò chuyện và uống ly rượu, các đường phố của Sàigòn thì thân thiện, nhưng các ngôi nhà mà người Pháp giữ cho sinh hoạt gia đình của họ thì khép kín đối với cái nhìn vào bên trong nhà.

   Có rất ít các sự giải trí vào buổi tối bởi đã có vài trường hợp có lựu đạn ném tay phát nổ tại các rạp chiếu bóng, và rạp hát mà các công ty du lịch thường đưa khách đến xem trước khi có chiến tranh đã bị đặt bom.  Giới nghiêm áp dụng từ nửa đêm.

   Ngay bên ngoài Sàigòn là thành phố người Hoa, Chợ Lớn, nơi dân số khổng lồ người Hoa bị người An Nam thù ghét còn hơn cả người Pháp, y như tại nhiều thành phố Đông Nam Á khác, họ nắm giữ độc quyền mậu dịch.  Người Pháp thực hiện phần lớn công việc kinh doanh với người Trung Hoa.  Hàng ngàn người An Nam mắc nợ người Trung Hoa, vì thế mọi hoạt động thương mại không mang lợi nhuận lại cho đất nước gì cả.  Các số thu lợi được gửi về Trung Hoa.  Quả là một hình thức kỳ lạ của chủ nghiã đế quốc gậm nhấm.

   Trước tiên, chúng tôi đã gặp gỡ với phần lớn các thành viên của cộng đồng ngoại kiều tại Sàigòn, các lãnh sự và nhóm kinh doanh.  Nó rất giống với sinh hoạt thực dân kỳ lạ mà chúng tôi quen biết tại Ấn Độ, được nhìn thấy lần này từ phía bên kia của hàng rào.  Đó là một xã hội của các câu lạc bộ ngoại quốc, trò giải trí hoang phí, thức ăn nước ngoài, một tiêu chuẩn sống mà phần lớn người ta không thể nào chịu nổi tại Âu Châu, các gia nhân, và ngoài các vú nuôi và đầy tớ, không có sự tiếp xúc nào với sinh hoạt của chính xứ sở đó.  Các ngoại kiều nói tiếng Pháp đủ dùng, nhưng không nói ngôn ngữ của người dân bản xứ ngay dù sau nhiều năm sống ở Đông Dương.

   Một buổi sáng đi lang thang trong thành phố, tôi bước vào một hiệu sách hỏi thăm có sách vở nào không về lịch sử Đông Dương.  Có nhiều sách ở đó bằng tiếng Pháp và tiếng Anh, các quyển tiểu thuyết, tiểu sử, thi ca, và các loại tương tự, nhưng khi tôi đặt câu hỏi được sắp đặt cẩn thận, người thiếu nữ tỏ ra rất ngạc nhiên, “Chúng tôi không có sách nào như thế cả”.

   “Đó là điều rất kỳ lạ.  Bộ cô không có các quyển sử ký, hay cả các sách về du lịch nữa sao?”
   “Tôi xin lỗi, thưa Cô, không có gì cả”.
   “Tại sao như thế? Không có ai lưu tâm đến hay sao …?”
   “Nhưng đó là một sự quy định.  Chúng tôi không thể bán các sách như thế”.

   Điều này thật khó tin và để chắc ăn, tôi đi đến hiệu sách to nhất tại Sàigòn, nhưng câu trả lời cũng y như vậy.  “Vô ích, thưa Cô, Cô sẽ không tìm thấy một quyển sách nào như thế ở khắp Sàigòn”.

   Một người bạn viết cho tôi một lá thư giới thiệu đến người An Nam đầu tiên để tôi giao thiệp xã hội, bà Franchine.  Bà ta sống trong một khu nghèo khổ của Sàigòn, trong một ngôi nhà nhỏ với hai phòng ngủ và một phòng ăn-phòng khách- dùng-làm-mọi-việc-khác mà bà ấy chia sẻ cùng với người mẹ và các thân nhân khác.  Ông chồng bà là một lãnh tụ Kháng Chiến trong khu Việt Minh.  Bà không biết rõ ông chồng đang ở đâu.  Một người đàn bà nhỏ bé, gầy gò, với một loại khuôn mặt linh động, dịu dàng, không ăn ảnh, bà ta trông rất đáng yêu trong đời thực.  Giọng nói của bà, một cách đáng ngạc nhiên, mang vẻ uy quyền và bà nói tiếng Pháp toàn hảo và chút ít tiếng Anh, vì thế chúng tôi đối thoại bằng sự trộn lẫn cả hai ngôn ngữ.  Ngay khi bà ta nghe nói tôi là một người Ấn Độ, bà ta tỏ ra thân thiết, “Ồ, chúng tôi rất quan tâm đến Ấn Độ và mọi tin tức về đất nước của cô!”

   “Chúng tôi cũng vây, về mọi [tin tức] của nước bà …”

   “Vâng, câu chuyên thì giống nhau.  Trận chiến ở đây là một chương khác của cùng một cuộc đấu tranh.  Giờ đây thời buổi khó khăn của đất nước cô đã qua, tôi hy vọng cô sẽ không quên chúng tôi”.

   Khá bối rối, tôi nói, “Dĩ nhiên là không,” với sư hay biết rằng chúng tôi đang khởi sự quên đi.  “Xin cho tôi biết những gì đang xảy ra tại Sàigòn”.

   Bà ta trả lời, “Có cái gi  ` để nói với cô về Sàigòn nhỉ?  Lịch sử của một vài ngoại nhân ư? Các tin tức thuộc trong khu giải phóng chăng và chúng tôi hiếm khi nghe được gì”.

   “Chồng bà ở trong đó mà?”

   “Vâng, và các con tôi nữa”.  Bà ta nhìn vào mặt tôi, “Điều quan trọng cho chúng là chúng sẽ được nuôi nấng trong một bàu không khí tự do”.

   Tôi nói với bà là mẹ tôi đặc biệt quan tâm đến Phong Trào Phụ Nữ và bắt tôi hứa tìm hiểu được điều gì đó về những việc mà các phụ nữ đã làm tại Sàigòn.

   “Nhưng điều đó rất khó khăn.  Làm thế nào mà chúng tôi có thể hoạt động ở đây? Phong Trào Phụ Nữ nằm trong khu Việt Minh.  Chúng tôi bị theo dõi một cách gắt gao đến nỗi chúng tôi phải giới hạn các hoạt động của mình.  Chúng tôi biết từ kinh nghiệm rằng các sự trả thù vì hoạt động có thể sẽ rất khủng khiếp”.

   Bà có thể cho chúng tôi hay biết ít điều gì đó về chính bà hay không?  Danh tính của bà, thí dụ, là tên Pháp.  Bà có phần nào là người Pháp hay không?

   Bà ta nhìn tôi một cách thích thú như thể tôi đã phạm phải một lỗi lầm xã giao.  “Không, dĩ nhiên đó không phải là tên thật của tôi.  Tôi không có giòng máu Pháp.  Tôi theo học tại trường ở đây, tại Sàigòn.  Tại trường học, mọi đứa con gái đều bị bắt buộc phải lấy tên Pháp.  Tên của tôi lấy là Francine.  Kể từ khi chồng tôi vào trong khu giải phóng, tôi phải trở lại dùng tên này bởi vì không mấy an toàn để nói mang tên chồng tôi tại Sàigòn”.  Nhưng”, bà tiếp tục nói, bao che cho sự bất lịch sự của tôi, “không có gì đáng ngạc nhiên khi cô nghì tôi phần nào là người Pháp.  Tôi đã phải đi sang Pháp để hoàn tất việc học của mình, chông tôi và tôi đều là luật sư.  Chúng tôi cùng hành nghề tại đây trước khi có chiến tranh”.

   “Bà có còn hiện đang hành nghề luật sư hay không?”

   “Làm sao lại có thể hành nghề luật sư giờ này nữa?  Người ta phải có khả tính thực hiện công lý chứ, cô không nghĩ vậy sao?”  bà nhún vai.

   “Bà có thích nước Pháp khi bà theo học ở đó không?

   “Chắc chắn có chứ.  Paris thì tuyệt diệu và đẹp đẽ và người Pháp tại nước Pháp là các kẻ khoan dung nhất trên thế giới.  Các khó khăn chỉ xảy ra sau khi chúng tôi quay về nước.  Chúng tôi biết được những gì về chính xứ sở của chúng tôi?  Chúng tôi có thể đọc văn chương của chính chúng tôi không? Tôi có thể nói với cô số nụ hôn mà hoàng đế Napoléon đã trao cho hoàng hậu Joséphine, nhưng đâu là những gì chúng tôi hay biết được về lịch sử của chính nước tôi?”

   “Và bà cùng người chồng đã gia nhập Phong Trào Kháng Chiến trong thời kỳ chiến tranh?”

   “Vâng, giống như nhiều người trong chúng tôi.  Cô nhìn thấy, không phải chỉ vì người Pháp đã bị đánh bại bởi người Nhật.  Chúng tôi đã nhìn thấy họ cộng tác và làm việc với họ ở đây.  Rồi thì sau đó, khi chế độ bạo tàn cũ quay trở lại, quả thất là quá đáng?”

   “Người ta nói ở đây rằng đây là một phong trào Cộng sản – hay dù gì đi nữa do Cộng Sản xúi dục.  Chẳng han như lãnh tụ của bà ___?”

   Bà ta ngắt lời một cách sôi nổi, “Tôi lấy làm mệt mỏi biết bao về tên tuổi đó!  Chắn chắn ông Hồ Chí Minh là một người Cộng Sản.  Tôi là một người Công Giáo và chồng tôi cũng vậy.  Chúng tôi có thể tìm được chính nghĩa chung với người Cộng Sản ngoài các vấn đề nền tảng chẳng hạn như các quyền tự do của chúng tôi hay không?  Dĩ nhiên, có các kẻ Cộng Sản trong phong trào – điều đó không có gì là bí mật – nhưng nếu cô nhìn chúng tôi chiến đấu sát cánh cùng với họ, điều đó không phải vì phong trào chính yếu mang màu sắc Chủ Nghĩa Dân Tộc hay sao và vì thế liên quan đến mọi người dân Đông Dương, bất kể khuynh hướng cá nhân của họ ra sao?  Người Pháp sẽ nói với cô rằng chúng tôi đều là Cộng Sản.  Các kẻ ngu đần của phe Việt Minh sẽ nói với cô rằng không người nào trong chúng tôi là cộng sản cả.  Tôi sẽ không sỉ nhục sự thông minh của cô bằng cách nói với cô rằng cả hai phe đều sai.  Mọi thành phần đều được đại điện nhưng hãy tin tôi, đây là một phong trào Dân Tộc Chủ Nghĩa, chứ không phải là phong trào Cộng Sản”.  Bà ngưng nói một lúc và sự chua chát đã rời khỏi giọng nói khi bà tiếp tục. “Hãy lên trên lầu.  Tôi muốn cô nhìn thấy một số hình ảnh”.

   Các bức ảnh bà chỉ cho tôi xem nằm trong số các hình chụp đáng ghi nhớ nhất mà tôi từng nhìn thấy.  Điểm cơ bản của bà mau chóng được đưa ra.  Có các hình chụp các linh mục Công Giáo (“Hình này chụp linh mục họ đạo chúng tôi ở đây trong thành phố này, một học giả cũng như một con người tốt.  Ông ta hiện ở trong tù”) bị bắt hoàn tục tại khu Việt Nam bởi binh sĩ Pháp.  Hình ảnh các linh mục được chụp trước khi các phẩm phục bị lấy đi từ họ.  Sau đó có các bức hình về công trình xây dựng được thực hiện trong khu Việt Minh.  Bà ta chỉ cho tôi các lớp học chống mù chữ dành cho người lớn thường được giảng dạy bởi các thương binh không còn thích hợp với sự chiến đấu tích cực, các phương pháp canh tác mới.  Trẻ em trong lớp học ngôn ngữ và lịch sử của chính mình lần đầu tiên, những kẻ sẽ không phải học về những điều như thế sau khi giáo trình chính thức được hoàn tất như bà Franchine đã phải làm.  Có một bức hình các trẻ em cầm súng, và tôi hỏi đó có phải là đội quân thiếu nhi và có phải chúng được huấn luyện với súng ống ở tuổi quá trẻ như thế hay không.

   “Không, không phải như thế.  Đây là các tẻ em tập dượt cho một vở kịch.  Các trẻ em làm nhiều việc tuyên truyền cho chúng tôi với các vở kịch, các điệu nhảy của các em và bởi việc hát những bài hát của Việt Minh.  Ở Sàigòn này, đó là một tội hình và nếu cô trở lại với tôi một ngày nào khác, tôi sẽ cho cô xem ảnh các trẻ em trong tù ở đây – mườii hay mười hai tuổi – những đứa bị bắt vì hát một trong các bài hát của chúng tôi trên đường phố.  “Các thiếu nhi cũng trợ giúp trong nhiều phương diện khác”, bà nói thêm, “Chúng mang lời nhắn gửi xuyên qua các ranh giới để giúp các gia đình giữ được liên lạc với các thân nhân của họ”.

   Bà cho tôi xem các bức hình về sự tàn ác.  “Các câu chuyện này cô sẽ không tìm thấy được trên các báo chí”, bà ta nói, “Đây là những ngôi làng bị đốt cháy bởi những người Pháp, đó là những thi thể của các người bị chết vì tra tấn.  Đây là bức ảnh của một cô gái bị hãm hiếp và giết chết, và nếu cô cần bằng chứng hơn nữa, đây là bức hình một lính Pháp – cô có nhận thấy bộ quân phục không? – với một cô gái Việt vừa bị anh ta lột quần áo.  Sau đó, cô gái bị hãm hiếp – cô ta là một trong nhiều cô gái trong làng đó.  Kẻ chụp bức hình này đã bị bắn chết.  Tôi không cho cô xem các bức hình này để làm cô xúc động và kinh hãi.  Các sự tàn ác có mặt trong mọi cuộc chiến tranh nhưng chúng ta phải nhận thức rằng chúng đã xảy ra ở cả hai phía.  Có lẽ một người không phải chịu trách nhiệm về các hành động của mình trong chiến tranh – một người chỉ chịu trách nhiệm [về những hành động] có chủ đích – trách nhiệm luân lý đạo đức nếu cô muốn gọi như thế.  Trong trường hợp này và trong cuộc chiến này, luân lý ở về phía chúng tôi”.    


Đoạn 43

   Clara dành phần lớn thời giờ ở Sàigòn lang thang ngất ngây các cửa hiệu và thử các quần áo Pháp.

   Faubion [một bạn đồng hành khác của tác giả, chú của người dịch], trước sự kinh hãi của nhiều tòa lãnh sự, loan báo rằng anh ta muốn đến xem nhà hát của người An Nam.  Người ta đổi vị thế một cách bực dọc trên ghế ngồi và nói rằng các quả lựu đạn đã được ném ra, họ không thể chịu trách nhiệm, tưồng hát xem buồn tẻ và rạp hát thì dơ bẩn, nó tọa lạc tại Chợ Lớn, nơi người ta không thể gọi một chiếc tắc-xi về nhà vào buổi tối, vân vân …

   “Sau hết, đâu là nơi an toàn trong thời buổi này?” Faubion nói.

   Rạp hát hóa ra là nơi thanh nhã nhất; các ghế ngồi thích hợp, các máy vi âm, đèn chiếu tốt biến nó thành một nơi vừa thoải mái, vừa sạch sẽ hơn các rạp hát bên Trung Hoa.  Buổi trình diễn, bao gồm một màn hài rẻ tiền và sau đó một vở tuồng ở cung đình, bị ảnh hưởng sâu đậm bởi Trung Hoa về kỹ thuật, thiết kế sân khấu và bố cục kịch bản.  Trang phục và ngôn ngữ  là của An Nam và âm nhạc được sửa đổi cho phù hợp với âm điệu Đông Nam Á êm dịu hơn.

   Một thiếu nữ An Nam đi với chúng tôi để thông dịch nói với chúng tôi rằng cô ta chưa bao giờ được phép ra ngoài ban đêm mà không có người lớn đi kèm, không bao giờ ra bên ngoài với một người đàn ông và rằng mọi cô gái An Nam thuộc các gia đình khá giả được nuôi nấng rất nghiêm ngặt.  Các người ngoại quốc bị xem là phóng đãng.  Điều đang xấu hổ tột cùng là kết hôn với một đàn ông Pháp hay bị nhìn thấy cùng đi với anh ta.  Người Pháp, mặt khác, cực kỳ khoan dung trong các quan hệ của họ, nhiều hơn so với phần lớn các kẻ thực dân khác.  Đối với họ, có vẻ không có gì phải nhục nhã khi kết hôn với một người An Nam.

   Vấn đề về chủ nghĩa thực dân này tiếp tục nổi lên trong các cuộc đối thoại và dần dà chúng tôi bất đầu hiểu được sự kết hợp kỳ lạ các tính chất đã khiến người Pháp trở thành các kẻ thực dân tồi tệ nhất trên thế giới, và cùng một lúc, là các kẻ lôi cuốn nhất và cấp tiến nhất.  Họ thật lấy làm khoái chí sâu xa về văn hóa của mình và họ tin tưởng thật vững chắc rằng đó là nền văn hóa vĩ đại nhất và có nhiều điều cống hiến cho các dân tộc khác nhất, đến nỗi nhiều người trong họ xem ra thực lòng nhìn đòi hỏi được độc lập từ người dân Đông Dông Dương như chuyện lố bịch.  Họ cảm thấy rằng các dân tộc lệ thuộc được tưởng thưởng một cách rộng rãi do sự tiếp cận của các người đó với văn hóa Pháp, bởi sự kiện rằng khi đến Pháp, các kẻ bị trị này có đầy đủ các đặc ưu quyền của các công dân Pháp và sổ thông hành Pháp và nói chung một sự giao tiếp khá dễ dãi trên một tầm mức xã hội.

   Chúng tôi được giới thiệu gặp một doanh nhân cực kỳ nhậy cảm, ông Ricard, kẻ đã nêu vấn đề với chúng tôi, nói chung, một cách rất thẳng thắn.  Ông không có ảo tưởng gì về Chính Quyền Pháp tại Đông Dương.  Chắc chắn là họ đã đối xử với dân bản xứ một cách tồi tệ.  Không, các người nổi dậy không hoàn toàn là Cộng Sản – ông ta nói, vào khỏang năm mươi-năm mươi.  Mặt khác, người Căm Bốt và người Lào không thích người An Nam và người Miền Bắc (Tonkinese).  Họ có lý do, từ lịch sử của họ, để lo sợ chủ nghĩa đế quốc, và hậu quả, cũng lo sợ chủ nghĩa đế quốc lan tràn từ bơ biển phía đông vào trong các tỉnh nội địa.  Họ muốn duy trì các vị quốc vương của họ và các vị thống đốc các tỉnh địa phương khá bạc nhược của họ nằm dưới sự kiểm soát được sửa đổi của người Pháp.

   “Khi cô đi đến Căm Bốt, cô sẽ nhìn thấy lý do tại sao.  Đó là một xứ sở giàu có một cách đáng ngạc nhiên.  Dân chúng ở đó có mọi thứ mà họ đòi hỏi ngay trong tầm tay mình: một khí hậu nhiệt đới, đủ nước cung cấp cho nông nghiệp, trái cây trong mọi thời trong năm, cây bông gòn và bông vải cho quần áo của họ, và các con sông đầy cá đến nỗi tôi đã thấy các người dân bản xứ chỉ cần nhúng các chiếc rổ xuống sông và vớt lên đầy cá.  Tuy nhiên, nó có một lịch sử của sự lệ thuộc và lao động cưỡng bách.  Giờ đây, thời kỳ đó đã qua rồi, họ không có nuôi tham vọng.  Nơi họ, cô sẽ thấy một chủng tộc tranh đua nhưng không mấy năng động.  Nếu một người Căm Bốt có đủ để nuôi gia đình mình trong ngày hay trong tuần, không có điều gì thuyết phục được anh ta đi làm cho đến khi mọi thứ đã được tiêu thụ hết.  Họ không quá quả quyết.  Tôi nhớ có đi sang Căm Bốt vì công việc kinh doanh liên hệ đến một cuộc nói chuyện với viên bộ trưởng tài chính của họ.  Vâng,” ông Ricard nói, nhếch khóe miệng xuống và làm mặt khinh khỉnh, “với tư cách một người kinh doanh, tôi bảo đảm với cô rằng tôi sẽ không thuế mướn ông ta làm tùy phái trong công ty của tôi – và kẻ đó lại là viên bộ trưởng tài chính nữa!”

   Tôi thắc mắc không rõ liệu một viên bộ trưởng như thế được lựa chọn bởi người Pháp hay thăng chức nhờ khả năng.  Tuy nhiên, ông tiếp tục,”Các người như thế, cô có thể nhìn thấy, rất dễ tiếp thụ sự chinh phục và đàn áp, đặc biệt từ các người Bắc Kỳ đến từ một quốc gia có mật độ dân chúng đông nhất trên thế giới – nhiều phần còn đông hơn cả nước Bỉ (Belgium) – các kẻ cần phải bành trướng, và có lực lượng Việt Minh đi cùng với họ.  Dĩ nhiên, sự tuyên truyền của chúng ta sẽ nhấn mạnh đến sự kiện này.  Người ta có thể thắc mắc rằng tại sao người Căm Bốt đã không cảm thấy là một phần của “Phong Trào Chủ Nghĩa Dân Tộc?”

   Kể từ khi khởi sự có sự giao tranh tai Đông Dương, du lịch hầu như trở nên bất khả thi. Công cuộc kinh doanh ở Sàigòn, ông Ricard nói với chúng tôi, hầu như ngưng đọng lại.  Cao su, bông gòn và gạo, các sản phẩm xuất khẩu chính của Đông Dương trước khi có chiến tranh, không còn có thể được chuyên chở từ nội địa ra bờ biển nữa.  Tình hình đồng đô la [Mỹ] và đồng bảng Anh khó khăn đối với người Pháp đến nỗi nhập cảng và xuất cảng từ Saigòn đã sụt giảm một cách hoang đường.  “Chúng tôi đóng cửa các văn phòng chúng tôi vào một giờ trưa hàng ngày và không bao giờ quay lại làm việc trong buổi chiều”.

   “Thế nhưng tại sao thành phố lại đông đảo một cách đáng ngạc nhiên?”

   “Ồ, tất cả việc đó cũng là vì cùng một nguyên do.  Có các người Pháp tỵ nạn đến đây từ các đồn điền, các thị trấn nội địa, và ngay từ các vùng ngoại ô.  Trong thời trước, thành phố này thường là một địa điểm rất dễ chịu để sống – cho một người Pháp đến sinh sống – giờ đây nó không gì khác hơn một trại tạm giam rộng lớn.  Chúng tôi không thể đi, ngay cả ra biển để nghỉ vào cuối tuần”.

   Chúng tôi đã quết định rời Sàigòn trong vòng một tuần lễ sau khi cập bến bởi đơn giản quá khó khăn để gặp gỡ người dân trong nước với các tình hình thành phố khó khăn và không ổn định như đang gặp.  Mọi ngoại kiều đều bị nghi ngờ, và trong bất kỳ trường hợp nào, không người nào trong chúng tôi lại có vẻ thích thú nhiều bởi bàu không khí ít có dân tộc tính của các phố cảng.  Chúng tôi quyết định nghe theo lời cố vấn của ông Ricard và đi sang Căm Bốt.  Ở đó, có lẽ, chúng tôi có thể đi vào các làng mạc, và ngoài ra, sẽ có các sự đền bù khổng lồ cho việc thăm viếng các phế tích của khu Đế Thiên Đế Thích Angkor.


_____
NguồnSantha Rama RauEast of HomeNew York & Evanston: Harper & Row, Publishers, 1950, Indochina, các trang 145-154.


***



Ngô Bắc dịch
24/1/2009

                                                                                                                                              

                                                                                                                                              
© 2009 gio-o

0 Comments:

Post a Comment



Bài đăng Mới hơn Bài đăng Cũ hơn Trang chủ


Khảo Sử trên Facebook