Nguyễn
Lục Gia
TÓM
TẮT: Đương thời vương quốc Champa cường
thịnh, Kauthara đã vượt lên so với những tiểu vùng cạnh bên với tính cách một
trung tâm thần quyền và một đầu cầu thương mại, mặc dù chưa bao giờ được chọn
làm quốc đô. Sau khi chúa Nguyễn thiết lập Trấn Biên dinh năm 1629, nhận thấy khó
kỳ vọng phục hồi lãnh thổ bằng biện pháp chiến tranh, vương triều Po Rome nổ
lực chấn hưng các mặt kinh tế, xã hội, văn hóa và tôn giáo, dựa vào sự ủng hộ
của bộ phận quý tộc năng động kinh doanh và mạnh về thực lực tài chính ở xứ
Kauthara, làm nên dấu son huy hoàng hiếm hoi của thời hậu Champa. Tuy nhiên, sự
thắng thế của giới lãnh chúa quân phiệt Panduranga sau cái chết của Po Rome đã
đẩy vương quốc này đến miệng vực sụp đổ: năm 1653 Kauthara trở thành đất Thái
Khang của Đàng Trong
Nhân 360 năm
lập dinh Thái Khang (1653 – 2013), chúng tôi cập nhật một vài kiến giải mới
trong một đoạn của diễn trình lịch sử trên vùng đất Khánh Hòa nay.
Champa và châu Kauthara nửa đầu thế kỷ
XVII
Vương quốc Champa sau sự kiện chúa Nguyễn tiến chiếm
và lập phủ Phú Yên (1611) phải lùi vào phía Nam núi Thạch Bi với lãnh thổ thu
hẹp chỉ còn hai châu: Kauthara và Panduranga. Không cam chịu khuất phục một
cách dễ dàng, sau gần hai mươi năm tích gom thực lực, đến thời vương triều Po
Rome (1627 – 1651) nhà nước Champa trên cơ sở phục hồi nhiều mặt đã vạch ra kế
hoạch phản kích đối phương ở phía Bắc để giành lại một phần đất đai bị mất. Nhờ
vào truyền thống thương mại lâu đời với việc sở hữu các nguồn thương phẩm đắt
giá, đặc biệt là kỳ nam hương mà theo tài liệu, “kỳ nam được cung cấp từ Khánh
Hòa, gần Phan Rang, thương cảng cuối cùng còn lại của Champa”, được Công ty Hà
Lan tại Firando ghi nhận vào năm 1623 đã có “một tàu tới Champa, tàu này mang
theo vốn của nhà vua để mua kỳ nam tại đây”(1), Champa tiếp tục duy
trì được thế mạnh ngoại thương của mình. Ngoài thương nhân Trung Hoa và Hà Lan,
các thương cảng Champa còn thường xuyên tiếp nhận các thuyền buôn Bồ Đào Nha đến
từ Macao, “ghé buôn bán trao đổi với người Chiêm [Chàm] ở các hải cảng Cam Ranh
và Phan Rang” cho đến năm 1639(2). Vũ khí có thể là mặt hàng ưu tiên
đứng đầu trong danh mục hàng hóa mà vương quốc này mua vào từ các thương thuyền
Tây phương.
Ngay khi vừa mới tiếp ngôi từ Po Moh Taha, cha vợ và
là “một ông vua hiền”(3), Po Rome mà nguồn gốc là “một người Churu,
một thành viên của dân miền núi có tổ tiên sinh ra từ các cuộc hôn nhân giữa
các nhóm người Chàm tị nạn và các dân địa phương Roglai và Koho”(4),
lập tức liên kết với các bộ tộc cao nguyên chuẩn bị chiến tranh. Để tăng cường
lực lượng, Po Rome còn gây dựng được một đội quân nội ứng ngay trong hàng ngũ
đối phương do Văn Phong, vốn gốc Chàm(5) đang nắm chức lưu thủ trấn
giữ phủ Phú Yên cầm đầu, như là cuộc gặp gỡ lịch sử giữa tinh thần phục hưng
dân tộc trỗi dậy của một quan chức mà sự nghiệp đang buổi xế chiều trong gần
suốt hai chục năm trấn quản miền giáp biên hai vương quốc với vị quân vương trẻ
tuổi “nức tiếng vì có nhiều tài lạ và đức tính khác người”(6). Từ
năm 1627, Lê – Trịnh ở phía Bắc đã mở cuộc tấn công quân sự quy mô vào quân
Nguyễn tại cửa sông Nhật Lệ, công khai chiến tranh, đặt xứ Đàng Trong vào tình
thế bất lợi. Đó là thời cơ hiếm có để cho Champa thu phục đất đai phía Bắc
cương vực. Dò biết ý đồ họ Trịnh ở Bắc Hà lúc tháng 10 năm Kỷ Tỵ [1629] “lại
bàn đem đại binh xâm lược miền Nam”(7), song chúa Trịnh Tráng đã
thay đổi kế sách vào lúc chót mà tình báo của Champa không nắm bắt kịp thời, Po
Rome và Văn Phong ra tay hành động. Tuy vậy, Po Rome không dám lộ liễu ra mặt
bởi sợ rằng đối phương vịn cớ để tiếp tục chinh phạt như những bài học lịch sử
đắt giá răn đe. Cuối năm này, theo chiến thuật cổ truyền của Champa, sau khi
tập kết binh lực tại các căn cứ trên đất Kauthara gần khu vực biên thùy tiếp
giáp phủ Phú Yên, đại quân hai đường thủy bộ khẩn trương xuất kích. Lũy Choại(8)
nằm ở bờ Nam sông Đà Diễn là một trong những tiền đồn kiên cố quân Nguyễn dựng
lên từ thời Phù Già Lương Văn Chánh mà cánh quân bộ của Champa phải dùng đại
bác Bồ Đào Nha và voi chiến để vượt qua. Còn đoàn chiến thuyền sau khi tập kích
yểm trợ bộ binh vượt sông ở cửa Đà Diễn, đã nhanh chóng tiến lên phía Bắc vào
cửa biển Bà Đài. Tại đây, Văn Phong và lực lượng nội ứng của ông ta nhận được
sự tiếp chiến của đại quân Champa, đã làm chủ phủ lỵ Hội An(9) nằm
kề trên bờ vịnh. Phủ Qui Nhân phía Bắc núi Cù Mông đặt trong tình trạng khẩn
cấp, huy động binh thuyền ra cửa Thi Nại chặn đường tiến của hạm đội Champa và
Văn Phong.
Tin tức “Văn Phong ở Phú Yên dùng quân Chiêm Thành để
làm phản”(10) cấp báo về Thuận Hóa do Quảng Nam dinh tâu lên. Sẵn
đội quân thường trực hùng hậu để nghênh chiến quân Trịnh bất cứ lúc nào nhưng
vừa mới được giải tỏa áp lực bằng việc vờ tạm nhận lãnh sắc tiến phong và lệnh
chỉ ra Đông Đô đánh quân Mạc ở Cao Bằng từ sứ giả triều đình Lê – Trịnh, chúa Nguyễn Phúc Nguyên cử
ngay “Phó tướng Nguyễn Phúc Vinh (con trưởng Mạc Cảnh Huống, lấy công chúa Ngọc
Liên, cho theo quốc tính, sau lấy làm [hệ tính] Nguyễn Hữu) đi đánh dẹp yên và
lập dinh Trấn Biên”(11). Có thể bị bất ngờ vì quân Trịnh đã không mở
cuộc tấn công như mật tin tình báo, sau vài trận giao tranh thăm dò, nhận thấy
binh lực đối phương có phần áp đảo, Văn Phong điều đình với các tướng lĩnh Champa
và nhận chỉ thị lui binh của chính nhà vua Po Rome đang chỉ huy từ xa đâu đó
trên đất Kauthara gần sát biên thùy, gìn giữ thực lực vốn nghiêng lệch so với
quân đội Thuận – Quảng đang hồi bứt phá vượt lên, quay về phòng thủ tại phía Nam
dãy Đại Lĩnh. Văn Phong đã mang theo những thủ lĩnh, lãnh chúa địa phương mà
ông hợp tác và đội quân do ông tập hợp được về với Champa cùng nhiều kho tàng,
của cải. Chắc chắn với kinh nghiệm già dặn của nhiều năm kinh lý vùng biên,
thâm hiểu người Việt lẫn chiến lược dài hơi của họ Nguyễn, Văn Phong đã được
triều đình Po Rome giao cho một trọng trách tương xứng trên đất Kauthara giáp
ranh mặt Bắc.
Những nổ lực của chính quyền chúa Nguyễn đổ dồn lên
vùng chiến tuyến Linh Giang tạo ra thế hòa hoãn giữa hai miền Đại Lĩnh. Po Rome
cũng tỉnh táo tận dụng sức mạnh dân tộc tích tụ, chuyển hướng sang xây dựng
vương quốc. Thái độ ôn hòa tích cực của vị quốc vương Champa này được dòng tộc
hoàng gia Nguyễn Phúc ghi nhận: “Năm Tân Mùi [1631] bà [Ngọc Khoa] được đức Hy
Tông [Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên] gả cho vua Chiêm Thành là Pôrômê. Nhờ có
cuộc hôn phối này mà tình giao hảo giữa hai nước Việt Chiêm được tốt đẹp”(12).
Đó là nữ hoàng Ut, người tạo ra nhiều ảnh hưởng trong suốt triều đại Po Rome
hưng thịnh thời kỳ hậu Champa. Không chỉ thành tựu về kinh tế và thể chế, Po
Rome còn chấn hưng truyền thống tín ngưỡng Hindu trong điều kiện Hồi giáo xâm
nhập mạnh mẽ, biểu hiện là ngôi tháp duy nhất mang tên ông được dựng lên trong
sự cách quãng gần ba thế kỷ kề cạnh kinh thành Panduranga và những hoạt động
tôn tạo, lễ hội náo nhiệt thường xuyên tại khu trung tâm thánh đường lớn nhất
Po Nagar Nha Trang.
Không phải phí sức tranh chấp quân sự miền biên thùy
Kauthara suốt từ sau năm 1629 trở đi, vương triều Po Rome mở rộng phạm vi ảnh
hưởng quyền lực lên khu vực thượng nguyên rộng lớn phía Tây một cách hòa bình,
tăng cường thắt chặt mối liên kết với các bộ tộc thuộc ngữ hệ Malayo – Polynesia, qua đó khai thác thế mạnh
hàng hóa lâm đặc sản nhiệt đới, duy trì nền thương mại mang tính chất sống còn
của một đế chế biển trong điều kiện lãnh thổ thu hẹp. Rõ ràng “giữa người Chàm
và người Thượng đã có các đường dây buôn bán và việc người Chàm nắm được nguồn
cung cấp kỳ nam có thể cắt nghĩa lý do tại sao nền thương mại của Champa vẫn
tiếp tục trong một thời gian sau khi Hội An trở thành một vị trí thuận lợi trong
nền ngoại thương vào đầu thế kỷ XVII”(13). Rừng tại các dãy núi cao
từ kề miền duyên hải Kauthara trải ngược lên phía Tây rất phong phú loại gỗ
hương liệu đặc biệt này, chất lượng lại thượng hạng như theo một khảo chứng về
sau của nhà bác học kiêm sử gia Đại Việt, rằng “Kỳ nam hương xuất xứ từ đầu núi
các xã thuộc hai phủ Bình Khang và Diên Khánh xứ Quảng Nam là tốt nhất”(14),
nơi mà “Po Gahlun Gahla, Gahlau tức là chúa trầm mộc tù trưởng làng Palei Palap
hoặc Palam (tên Việt là An Nhơn), ở phía Bắc Phan Rang 10 cây số” tiến hành các
nghi lễ và chỉ huy nhóm 16 kani hoặc kuni, tức những người tìm kỳ nam lên đường
vào một khoảng thời gian nhất định trong năm(15). Thông qua thương
mại, Po Rome quan hệ rộng rãi với thế giới bên ngoài đồng thời bắt kịp diễn biến
tình hình chính trị, tương quan lực lượng giữa các vương quốc trong khu vực.
Tuy nhiên, đường lối cai trị hòa bình của nhà vua Po
Rome chỉ phù hợp với lợi ích của giới quý tộc xứ Kauthara sở trường giao thương
và tích lũy. Trong khi đó, phái thủ lĩnh vùng Panduranga mang nặng tư tưởng bảo
hoàng với truyền thống bạo động quân sự lâu đời, xác lập từ thời Hoàn Vương luôn
ngấm ngầm xung đột triều đình. Do đó, vừa khi Po Rome chết trong năm 1651,
tranh chấp quyền lực phe phái bùng nổ kéo dài gần suốt một năm tại nội cung,
phải đến năm 1652 Po Nrop/Bà Tấm (1652 – 1653) mới nắm được vương quyền với sự
thắng thế của nhóm quân phiệt Panduranga này. Lập tức mưu đồ phục thù vương
quốc Đàng Trong của họ Nguyễn bao trùm khắp Champa, biến thành chiến dịch phiêu
lưu quân sự ngay vào đầu năm Qúy Tỵ/1653 liền đó, bất chấp đối phương vừa đại
thắng tập đoàn Lê – Trịnh phía Bắc 5 năm trước (năm Mậu Tý/1648) và đang trong
giai đoạn hưu binh tích lực.
“Bà Tấm xâm lấn Phú Yên”(16) và bị tinh binh
Phú Xuân dưới quyền thống lĩnh của Hùng Lộc hầu phối hợp với quân đội dinh Trấn
Biên phản công phủ đầu bằng một chiến thuật đánh chớp nhoáng. Thực ra Po Nrop
chỉ mới cho các toán quân tuần tiễu quấy rối vùng biên thùy giáp ranh Kauthara
mà chưa kịp tổ chức đột nhập quy mô, bởi đại binh còn đang tập kết tại một
thành lũy kiên cố án ngữ ở tuyến sau, có thể là thành Nha Ru trong vùng Ninh
Hòa như diễn biến cuộc tiến công của Hùng Lộc hầu mô tả: “Bèn tiến quân vượt
đèo Hổ Dương núi Thạch Bi, đánh thẳng vào thành, nhân đêm phóng lửa đánh gấp, cả
phá được”(17). Việc Po Nrop bỏ toàn bộ đất Kauthara chạy xa về giữ
lấy Panduranga, sau đó chấp nhận lằn ranh lãnh thổ sông Phan Rang lần nữa cho
thấy chủ trương bạo lực cực đoan của giới tướng lĩnh miền Nam và sự suy sụp
không gì cứu vãn nổi của vương quốc Champa kể từ đây.
Dinh Thái
Khang nửa sau thế kỷ XVII
Được cả châu Kauthara do Po Nrop/Bà Tấm cắt dâng, chúa
Nguyễn Phúc Tần (1648 – 1687) cho chia làm hai phủ Thái Khang và Diên Ninh, lệ
vào dinh Thái Khang giao Hùng Lộc hầu trấn giữ. Sang đầu năm Giáp Ngọ/1654,
nguyên trấn thủ dinh Bố Chính là Xuân Sơn vào tiếp quản Thái Khang. Việc luân
chuyển của Xuân Sơn chắc chắn kèm theo một trọng trách thời cuộc trong chiến
lược toàn cục của chính quyền Nguyễn Phúc Tần, bởi nguồn tài lực của xứ
Kauthara giàu có nổi tiếng với giới thương gia – quý tộc nắm giữ bí mật con
đường buôn bán trầm hương cùng các nguồn hàng quý hiếm khác đang rất cần cho sự
khuếch trương của Phú Xuân và Hội An, hai hải cảng đang thu hút đông đúc thương
khách ngoại quốc của Đàng Trong. Ngược lại, sự chinh phục và khai phá vùng đất
mới mở đòi hỏi phải cung ứng kịp thời đông đảo nguồn nhân lực người Việt bên
cạnh các thành phần sắc dân bản địa. Như vậy, nhiệm vụ của Xuân Sơn thực chất
là kinh lý miền biên cương mới được nối dài, vừa tổ chức di dân bình ổn dinh
Thái Khang vừa thu gom nguồn vật lực dồi dào có sẵn, phục vụ nhu cầu mở rộng
phạm vi ảnh hưởng của vương quốc, bởi chỉ qua năm sau Ất Mùi/1655, khi quân
Nguyễn lần đầu tiên chủ động vượt sông Gianh tiến công ra Bắc, Xuân Sơn đã có
mặt ngay trong hàng quân tiên phong dưới trướng tiết chế Nguyễn Hữu Tiến và đốc
chiến Nguyễn Hữu Dật. Có thể nói, chính chiến thắng đánh bại Po Nrop năm Qúy
Tỵ/1653, lập ra dinh Thái Khang cùng những đóng góp vật chất nơi đây đã làm
tăng nhanh thanh thế và nội lực của triều đình chúa Nguyễn. Cực kỳ phấn khích,
lần đầu tiên vượt lên các vị chúa tiền triều về uy oai vương tước, chúa Nguyễn
Phúc Tần được “bầy tôi dâng tôn hiệu làm Thái phó quốc công”(18).
Cũng trong lần thứ năm của cuộc chiến phân tranh Trịnh
– Nguyễn (1627 – 1672) này, quân Nguyễn
đã tiến chiếm châu Bắc Bố Chính và 7 huyện thuộc trấn Nghệ An của Đàng Ngoài.
Tiếp tục chính sách an tháp tù binh và di dân lập làng trên các vùng lãnh thổ
phương Nam đất rộng người thưa, ấn định từ năm Mậu Tý/1648 đời chúa Nguyễn Phúc
Lan (1635 – 1648) rằng “cấp cho canh ngưu điền khí chia ra từng hộ từng xóm,
tính nhân khẩu cấp cho lương ăn để chúng khai khẩn ruộng hoang, thời trong
khoảng mấy năm, thuế má thu được có thể đủ giúp quốc dụng…”(19), trong
quãng 5 năm (1655 – 1660) quân Nguyễn đã áp chuyển hàng vạn nông dân mang theo
cả vợ con sản nghiệp vào ngụ cư đất Thái Khang mới mở. Chưa bao giờ trong tiến
trình mở cõi của dân tộc, một vùng đất vừa mới xác lập đơn vị hành chính lại có
ngay nguồn nhân lực dồi dào đến vậy.
Tuy nhiên, lợi dụng sự chưa ổn định nơi đây, tháng 9
năm Mậu Tuất/1658, đối thủ Chân Lạp nằm cách quãng bởi Panduranga còn lại của vương
quốc Champa tổ chức đội thuyền binh đột nhập cướp bóc rồi nhanh chóng quay về.
Dinh Trấn Biên đảm trách toàn bộ việc quân nơi cương giới được điều động để
trừng phạt Chân Lạp, do phó tướng Tôn Thất Yến đem 3.000 tinh binh tấn công
thành Mỗi Xuy (Biên Hòa) “đánh phá được, bắt Nặc Ông Chân đưa về. Chúa tha tội
cho và sai hộ tống về nước, khiến làm phiên thần, hàng năm nộp cống”(20).
Đây là cột mốc khởi đầu quá trình thần phục của Chân Lạp đối với chính quyền
chúa Nguyễn.
Hơn chục năm an cư lập nghiệp trên đất mới Thái Khang
đối với người Việt nhưng vốn phong nhiêu, giàu có lẫn linh thiêng lâu đời đối với
người Chàm và cộng đồng cư dân bản địa, đầu năm Kỷ Dậu/1669 triều đình cử văn
chức Hồ Quang Đại vào Thái Khang dinh bắt đầu tiến hành việc duyệt tuyển/duyệt
dân tuyển lính. Chắc chắn số đinh và các hạng thuế ở hai phủ Thái Khang và Diên
Ninh chiếm tỉ lệ rất cao, cũng như kết quả của công việc đã đem lại cho triều
đình nguồn tài khóa đáng kể nên tháng 4 năm đó nhân lời tâu của ký lục Võ Thừa
Phỉ, chúa Nguyễn Phúc Tần tiếp tục “sai bọn văn thần Hồ Quang Đại chia nhau bao
đạc những ruộng đất thực cày cấy của các xã dân các huyện” khắp hai miền Thuận
– Quảng để định tô thuế, ngừa tránh kiện cáo, yên phận làm ăn [5]. Nhờ đó, khi
chúa Trịnh Tạc bàn việc phát binh đánh Đàng Trong giữa năm Canh Tuất/1670, quần
thần đã kịp thời can ngăn rằng: “trộm nghe ở Nam Hà, trên dưới hòa thuận, binh
giáp tinh mạnh, ta chưa nên khinh động. Tạc bèn thôi”(21). Cuộc hưu
chiến lần cuối cùng hoãn thêm được hai năm (1670 – 1672) trước khi bước vào
trận huyết chiến quyết định giữa hai đối thủ đang tranh chấp Trịnh – Nguyễn.
Dinh Thái Khang từ đây vươn lên mạnh mẽ, dân thịnh
binh hùng, không những đủ sức tự vệ cho mình mà còn đảm thay vai trò Trấn Biên
dinh giữ yên cương thổ và bảo hộ thành công phiên thần Chân Lạp. Năm Giáp
Dần/1674, “Nặc Ông Chân mất, Nặc Ông Nộn/Ang Non nối ngôi, hoàng gia Chân Lạp
lại lủng củng với nhau, Nặc Ông Đài/Ang Chei là con dòng đích không nắm được
ngôi báu nên đi cầu viện Tiêm La về đánh Nặc Ông Nộn”(22). Nặc Nộn
chạy đến dinh Thái Khang cáo cấp, trấn thủ Triều Đức báo về Phú Xuân. Sau khi
thương nghị, chúa Nguyễn Phúc Tần “lệnh cho cai cơ dinh Thái Khang là Dương Lâm
hầu [Nguyễn Dương Lâm] làm thống binh… đem quân đi đánh dẹp, tiễu trừ nghịch đảng
đốt phá hết thành trì”(23). Đại quân thẳng tiến vây thành Nam Vang,
khiến Nặc Ông Đài hoảng sợ, bỏ mặc thành trì gia thuộc chạy chết trong rừng
sâu, Nặc Ông Thu/Ang Sor đến đầu hàng tại quân môn, xin được cống nạp như
trước. Cai cơ Nguyễn Dương Lâm thu lễ vật triều cống, cùng sứ giả Cao Miên đem
quân khải hoàn, đến năm sau khi định công ban thưởng, được “thăng làm trấn thủ
dinh Thái Khang, kinh lý việc biên cương”(24).
Nội tình nước Chân Lạp vào gần thập niên cuối của thế
kỷ XVII thường xuyên không ổn định. Chúa Nguyễn Phúc Trăn (1687 – 1691) phải
xuất binh sang tận Nam Vang trừng phạt sự bất phục của Nặc Thu, với hai lần
tướng thay binh viện. Trong lần thứ hai (1689), cai cơ Cựu dinh Nguyễn Hữu Hào
được cử làm thống binh, phát xuất từ Phú Xuân “kén thêm quân ở Phú Yên, Thái
Khang và Phan Rí [?] để tiến đánh Chân Lạp”(25). Trước đó, trấn thủ
dinh Thái Khang Nguyễn Dương Lâm được cử làm chưởng cơ, điều ra lãnh chức tham
tướng thủy dinh Quảng Bình.
Năm Canh Ngọ/1690, tên gọi phủ Thái Khang được đổi
thành phủ Bình Khang, cùng với phủ Diên Ninh lệ vào Bình Khang dinh. Mốc son
của tân danh xưng hành chính này được ghi dấu bởi một sự kiện diễn ra 3 năm sau
đó.
Cuối năm Nhâm Thân/1692, trước những bức bách của tình
thế, nhà vua có niên đại trị vì phần đất còn lại của Champa tương đối lâu dài,
Po Thot/Sot/Bà Tranh (1660 – 1693) đã “làm phản, họp quân đắp lũy, cướp giết cư
dân ở phủ Diên Ninh. Dinh Bình Khang đem việc báo lên. Chúa sai cai cơ Nguyễn
Hữu Kính… làm thống binh, lấy văn chức Nguyễn Đình Quang làm tham mưu suất lãnh
quân Chính Dinh cùng quân Quảng Nam và Bình Khang đi đánh”(26). Đầu
năm Qúy Dậu/1693, Po Thot bị bắt, đất Panduranga đổi làm trấn Thuận Thành, tiếp
đó lập ra phủ Bình Thuận. Đến đây, toàn bộ lãnh thổ Champa từ sau cuộc chinh
phạt của Lê Thánh Tông (1471) đã sáp nhập vào lãnh thổ Nam Hà của chúa Nguyễn.
Công trạng của danh tướng Nguyễn Hữu Kính cũng được chúa Nguyễn Phúc Chu (1691
– 1738) ghi nhận bằng việc thăng ông lên chức chưởng cơ, lãnh trấn thủ dinh
Bình Khang.
Công cuộc mở đất của chính quyền chúa Nguyễn vẫn tiếp
tục hơn nửa thế kỷ sau. Tuy nhiên, với sự kiện dựng dinh Trấn Biên tại Biên Hòa
trên vùng đất phương Nam năm Mậu Dần/1698, những tên gọi Thái Khang hay Bình
Khang, Bình Thuận, Phú Yên, Quy Ninh… vĩnh viễn xác tín là những bộ phận đất
đai không tách rời của đại cộng đồng dân tộc Việt. Họ lùi lại phía sau để tụ
nhập và sinh phát.
CHÚ
THÍCH
1.
Originele Missive van Cornelis van
Neiwroode uyt Firando in dato 20.12.1623 [Kol. Archief 995], trích từ Iwao
Seiichi (1958), “The capital and trading port of Champa in its last period”, Toyo gaku (Đông Dương học), No.2, quyển
39, tr.128.
2.
Pierre Bernard Lafont (1994), “On the Relation Between Champa and Southeast
Asia”, đăng trong: Proceedings of the Seminar on Champa,
Nxb SACRC, California, tr.73.
3.
Lương Ninh (2006), Vương quốc Champa,
Nxb Đại học Quốc gia, HN, tr. 264.
4.
Hickey, Sons of the Mountains,
tr.113, dẫn theo: Li Tana (1999), Xứ Đàng
Trong, lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18, Nxb Trẻ, tr.24.
5.
Người Chàm vốn không có họ, thường lấy một từ đệm đặt trước tên để phân biệt
giới tính: Ja (đối với nam) và Mư/Mưng (đối với nữ), tương tự chữ Văn (nam),
Thị (nữ). Khi được Việt hóa, Văn hay Thị đóng vai trò như họ đứng trước tên. Ja
Phong có thể là tên tộc của Văn Phong (như Mư Hỏa là Thị Hỏa, nữ chúa Chàm vùng
Thạch Thành – Phú Yên).
6.
Lương Ninh, Vương quốc Champa, Sđd,
tr. 264.
7.
QSQ triều Nguyễn (1962), Đại Nam thực lục
tiền biên, tập I, Nxb Sử học, HN, tr.55.
8.
Tiền đồn Lũy Choại còn lại vết tích vườn tre, cổ danh là Vườn tre ông Phù Già,
bọc xung quanh những giồng đất cao trồng khoai, mía. Khảo sát thực địa vào năm
1965 của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cho biết phía Nam vườn tre có cánh đồng
rộng gọi là Lũy Choại Xứ (lũy: bờ thành; choại: thoai thoải, không cao lắm do
thời gian bào mòn).
9.
Hội An sau đổi gọi là Hội Phú, từ năm 1629 được phó tướng Nguyễn Phúc Vinh dựng
lỵ sở dinh Trấn Biên.
10.
QSQ triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tiền
biên, Sđd, tr.56.
11.
QSQ triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tiền
biên, Sđd, tr.56.
12.
Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc (1995), Nguyễn
Phúc tộc thế phả, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.126.
13.
Li Tana (1999), Xứ Đàng Trong, lịch sử
kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18, Nxb Trẻ, tr.178.
14.
Lê Qúy Đôn (2007), Phủ biên tạp lục,
Nxb Văn hóa – Thông tin, tr.425.
15.
Tân Việt Điểu (1958), “Ánh hưởng và di tích Chiêm Thành trong nền văn hóa Việt
Nam”, Văn hóa nguyệt san (số 29),
tr.139-146, 151-160.
16.
QSQ triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tiền
biên, Sđd, tr.83.
17.QSQ
triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tiền biên,
Sđd, tr.83.
18.
QSQ triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tiền
biên, Sđd, tr.84.
19.
QSQ triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tiền
biên, Sđd, tr.78.
20.
QSQ triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tiền
biên, Sđd, tr.98.
21.QSQ
triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tiền biên,
Sđd, tr.113.
22.
Phạm Văn Sơn (1959), Việt sử tân biên,
quyển III, Văn Thái ấn quán, SG, tr.297.
23.
Nguyễn Khoa Chiêm (1994), Việt Nam khai
quốc chí truyện, Nxb Hội Nhà văn, HN, tr.589.
24.
QSQ triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tiền
biên, Sđd, tr.123.
25.
QSQ triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tiền
biên, Sđd, tr.141.
26.
QSQ triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tiền
biên, Sđd, tr.147.
Nguyễn Lục Gia – NCS. Chuyên ngành LSVN
Trường THPT Trần Quốc Tuấn – Phú Hòa –
Phú Yên
ĐT: 0973433617
Email: vanjack.nguyen@gmail.com
0 Comments:
Bài đăng Mới hơn Bài đăng Cũ hơn Trang chủ
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)