Wang Gungwu
Ngô Bắc dịch
Lời Người Dịch:
Vùng biển Đông Hải với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một chuyên đề đặc biệt sẽ được giới thiệu riêng biệt.
**********
Bài dịch dưới đây không chỉ nói đến vai trò của Phù Nam, Lâm Ấp trong hoạt động mậu dịch với Trung Hoa ở vùng biển đông trong hai thế kỷ, 220-420, mà còn xác định miền bắc Trung Kỳ và Bắc Kỳ, đặc biệt là Hà Nội như trạm xuất nhập hàng hóa chính yếu giữa các nước phương nam với kinh đô Trung Hoa vào thời điểm đó, với một sử quan từ phía Trung Hoa.
Tác giả Wang Gungwu, nguyên Giám Đốc Viện Đông Á của Đại Hoc Quốc Gia Singapore, một học giả nổi tiếng về các lãnh vực Hoa Kiều Hải Ngoại và lịch sử ngoại thương Trung Hoa, là người gốc Trung Hoa, với các thiên kiến cố hữu, gọi các dân tộc khác ở phương nam là man di một cách “tự nhiên”. Quyển sách bao gồm phần trích dịch này, The Nanhai Trade: The Early History of Chinese Trade in the South China See, đà được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1958.
Vai trò của Phù Nam, Chân Lạp, và cả Chiêm Thành trong hoạt động mậu dịch vùng biển đông cho tới các thế kỷ sau sẽ được trình bày trong bài dịch kế tiếp, “Phù Nam,Chân Lạp, Chàm và Các Đền Thờ Thiên Hậu Trong Hoạt Động Mậu Dich Đường Biển và Sự Xuất Hiện Các Thành Phố Duyên Hải Tại Đông Nam Á, từ thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ thứ 16” của một tác giả khác, Johannes Widodo.
***
Từ những phế tích của triều đình Hậu Hán, ba vương quốc đã trổi dậy. Một trong ba nước đó là nước Ngô (Wu). Nó chiếm lĩnh gần như toàn bộ phần Trung Hoa phía nam sông Dương Tử, các vùng đất “dân man rợ”, và nắm giữ các vùng đất này trong sáu mưoi năm, chống lại các cuộc tấn công của nhà Ngụy (Wei) và nhà Thục (Shu) (220-265) và nhà Tấn (Chin) (265-280). Và chính vì thế, trong sáu mươi năm, các bờ biển phía nam nước Trung Hoa bị cắt rời của các trung tâm giàu có tại miền bắc.
Các thương nhân nhà Ngô không cách gì vươn tới các xứ sở phía tây bằng đường bộ. Con đường Trung Á quá bấp bênh vào thời đó đến nỗi sự nhỏ giọt các sản phẩm phương tây chỉ vừa đủ thỏa mãn các nhu cầu của nước Ngụy. Con đường Vân Nam – Miến Điện chỉ có thể được duy trì với sự khó khăn lớn lao, và trong bất kỳ trường hợp nào, cũng chỉ có thể được sử dụng bởi các thương nhân nhà Thục. 1 Đã có một số mậu dịch giữa nhà Ngô và nhà Thục, và có lẽ một số mậu dịch giữa nhà Ngô và nhà Ngụy, nhưng khối lượng mậu dịch này rất nhỏ, và chắc chắn không phải về các sản phẩm xa xỉ của phương tây. Điều này được minh chứng bởi lời yêu cầu của vua nhà Ngụy trong năm 236 muốn đổi ngựa lấy hàng xa xỉ của miền Nam Trung Hoa.
Các sứ giả nhà Ngụy đến với các con ngựa để trao đổi lấy ngọc trai, long chim bói cá và mai rùa. [Tôn] Quyền ([Sun] Ch’uan) nói, “Các đồ [xa xỉ phẩm] này ta không dùng đến; nếu chúng ta có thể đổi chúng lấy các con ngựa, tại sao chúng ta lại không nên để họ [các sứ giả nhà Ngụy] trao đổi như họ mong muốn”. 2
Có thể nói rằng liên quan đến mậu dịch với miền Trung và Tây Á, nước Ngô bị nằm ở ngoài.
Mậu dịch Nam Hải chính yếu là một hoạt động mua bán ở vùng duyên hải các sản phẩm của Nam Hoa và Đông Dương. Với sự suy tàn của triều đại Hậu Hán và sự mất quyền kiểm soát kế đó trên các con đường trên đất liền của vùng tây bắc trong hậu bán thế kỷ thứ nhì sau Công Nguyên và hai mươi năm đầu tiên của thế kỷ thứ ba, một hoạt động mậu dịch nhỏ nhưng đều đặn, xuyên qua Nam Hải đã được thiết lập với Ấn Độ và Phía Đông La Mã. Sự phân chia Trung Hoa thành ba vương quốc, đặc biệt sự trổi dậy của một vương quốc tại Nam Trung Hoa, đã ảnh hưởng trực tiếp đến cả mậu dịch Nam Hải lẫn sự mở rộng hoạt động mậu dịch này về hướng tây. Điều này có nghĩa là các thị trường tiêu thụ truyền thống tại kinh đô (bất luận đó là Tràng An (Ch’ang-an) hay Lạc Dương (Lo-yang) đã bị mất, và các thị trường mới phải được tìm kiếm tại kinh đô mới tại Chien-yeh (tức Nam Kinh ngày nay). Mặt khác, các thị trường thì gần gũi hơn với các hải cảng miền nam, và các năm khởi đầu của việc thiết lập một triều đình mới hẳn phải tạo ra một nhu cầu lớn lao các xa xỉ phẩm vốn đã mở rộng hoat động mậu dịch Nam Hải một cách đáng kể. Hơn nữa, vương quốc này bị ngăn cản khỏi việc thụ đắc các sản phẩm phương tây xuyên qua miền Trung Á, và chính vì thế, bị buộc phải cổ vũ mậu dịch đường biển vượt quá Nam Hải.
Giao Châu (Chiao Chou), tên gọi vùng bao gồm Quảng Đông, Quảng Tây, và Bắc Kỳ hay Đông Kinh (Tongking) - An Nam, là trạm cuối của mậu dịch đường biển. Mặc dù trung tâm hành chính của nó trong thời nhà Ngô nằm trong nội địa, tại Ts’ang-Wu thuộc miền đông Quảng Tây, các thành phố chính của nó lại là các hải cảng tại Hà Nội và Quảng Châu. Giá trị chính của Giao Châu, trong thực tế, là thương mại, và quan thứ sử của nó được kỳ vọng là sè phải trông giữ sao cho hoạt động mậu dịch êm thắm có thể thực hiện được và rằng sẽ có một trào lượng sản phẩm thông suốt. Mối quan tâm đặc biệt của ông ta là mậu dịch đường biển, và chính trong quyền lợi của ông ta khiến ông phải gắng hết sức cổ vũ cho hoạt động đó. Quan trọng hơn cả, ông ta sẽ phải bảo đảm cho các thương nhân, bất luận là người Trung Hoa hay không, một số biện pháp bảo vệ trên lãnh thổ Trung Hoa cũng như trên phạm vi Nam Hải.
Lu Tai (Lữ Đại), viên thứ sử từ 220 đến 231, là một kẻ lanh lợi, đã nhìn thấy tầm quan trọng này không lâu sau khi ông ta đảm nhận chức vụ . 3 Trong năm 226,
Một thương nhân xứ Ta-ch’in, có tên là Ch’in Lun, đã đến quận Giao Chỉ [tại khu vực Hà Nội]; viên quận thú, Wu Miao, đã gửi ông ta đến Tôn Quyền, là người đã thu lượm từ thương nhân này các tin tức về bản xứ của thương nhân. 4
Việc này xảy ra vào lúc Lu Tai đích thân đến Bắc Kỳ để trấn áp một cuộc nổi dậy, và hành động sau đó của ông có thể phát sinh từ những gì ông ta hay biết được từ Ch’in Lun về bản chất của hoạt động mậu dịch. 5 Bởi, ở một thời điểm nào đó sau năm 226, ông “đã gửi một ts’ung-shih [?, chỉ ghi phiên âm chứ không kèm chữ Hán trong nguyên bản, nên không tra nghĩa chính xác được; nhiều phần làtùng sự, tức nhân viên thuộc quyền cùng làm việc, xem phụ chú (*a) của người địch] đề truyền bá cho phương nam văn minh của vương quốc” 6 và không lâu sau đó, ông đã tiếp đón các sứ đoàn mang cống phẩm từ các nhà vua xứ Phù Nam, Lâm Ấp và T’ang-ming; tất cả các việc này diễn ra trước khi có sự thuyên chuyển của ông vào năm 231. 7
Vì thế, chính trong thời khoảng từ 226 đến 231, ông đã thiết lập sự tiếp xúc với các vương quốc man rợ. Ông đã làm điều này không chỉ để mở rộng nền văn minh Trung Hoa, mà còn vì ông đã nhận thức ra nhu cầu khẩn cấp để bảo vệ một hoạt động mậu dịch có tính cách thiết yếu cho sự thịnh vượng của Giao Châu, và bảo trợ cho việc mậu dịch các hàng hóa không còn được thụ đắc từ miền tây bắc. Phù Nam và Lâm Ấp, cả hai nằm ở miền nam Đông Dương, là những khu vực đã có sự tiếp xúc với phương tây. Từ các xứ này, các hàng hóa tây phương có thể được tái xuất cảng sang Trung Hoa. Các quan hệ ngoại giao vì thế có tính cách thiết yếu.
Điều được hay biết là Chu Ying, một ts’ung-shih, đã được phái cùng với K’ang T’ai đến Phù Nam ờ thời điểm nào đó dưới thời trị vị của Tôn Quyền, vị lãnh đạo đầu tiên của nhà Ngô (222-252). 8 Ông ta có thể không phải là vị ts’ung-shih mà Lu Tai đã phái đi trong thời khoảng 226-231, nhưng có lẽ là trưởng sứ bộ sau này được phái đi bởi một viên thứ sử khác của Giao Châu. Việc này có thể đã xảy ra sau năm 240, dưới thời trị vì của Fan Hsun tại Phù Nam. 9 Chính phái bộ (thứ nhì?) này được hay biết rõ hơn. Nó cung cấp cho người Trung Hoa, lần đầu tiên, một số kiến thức cụ thể về dân chúng và các vùng đất xa xôi ở hướng nam. Cả Chu Ying và K’ang T’ai đã quay trở về và viết sách, về nhiều vương quốc mà họ đã thăm viếng; đây có lẽ là các quyển sách đầu tiên hoàn toàn viết về khu vực này. 10Phái bộ đạt được sự thành công. Nó đã bảo đảm cho các thương nhân nhà Ngô một số mậu dịch có lợi và sự hoạt động an toàn. Nó cũng giúp cho nhà vua nước Ngô xác định là liệu ông ta có thể bành trướng được quyền lực của mình xuống phía nam của An Nam hay không và liệu có đáng để bảo vệ mậu dịch có giá trị ngày càng gia tăng bằng sự chinh phục thực sự.
Các quan hệ một khi đã được khai thông vẫn mang vẻ thân thiên trong một số thời kỳ, đặc biệt với Phù Nam. Nhưng chủ nghĩa đế quốc của nhà Ngô đã bị bãi bỏ. Giai đoạn đầu tiên, chống lại đảo Hải Nam trong năm 242, đã gặp khó khăn; cần đến 30,000 binh sĩ để chiếm giữ nó. Và giờ đây, bởi các nuớc xa hơn về phía nam được biết còn phát triển nhiều hơn Hải Nam và chắc chắn hùng mạnh hơn, Tôn Quyền đã được can ngăn đừng xâm lược. 11 Trong cung cách này, các thương nhân đã bị tước bỏ ưu đặc quyền của việc mậu dịch trong lãnh thổ đế quốc và khỏi việc thực sự được bảo vệ bởi binh sĩ Trung Hoa.
Sau khi có sự từ trần của Tôn Quyền vào năm 252, nước Ngô đã không có thì giờ dành cho các khu vực duyên hải nữa. Các cuộc chiến tranh liên tục chống lại nhà Ngụy và nhà Thục dọc theo sông Dương Tử, và chống lại dân Việt và các nhóm man rợ khác tại Quảng Tây và Hồ Nam đã làm bận tâm vua Ngô trong mười hai năm. Trong thời kỳ này, các khu vực ở Quảng Đông và Bắc Kỳ - An Nam có vẻ khá yên ổn, nhưng các sự giao thông với kinh đô thường gặp trở ngại. Có thể đã có một sự sụt giảm trong hoạt động mậu dịch được thực hiện xuyên qua các con đường chính của Hồ Nam và Quảng Tây. 12
Nhưng trong năm 263, khi vua nhà Ngô hãy còn giao chiến với phương bắc, một cuộc nổi dậy bùng nổ tại Bắc Kỳ - An Nam đã không thể bị kiềm chế. Và trong năm 265, quân nổi dậy nào đã quay sang quy phục hoàng đế nhà Tấn, 13 kẻ vào thời điểm này đã chinh phục được cả nước Ngụy lẫn nước Thục, thiết lập một triều đại mới tại vùng đồng bằng sông Hoàng Hà và một lần nữa tìm cách thống nhất nước Trung Hoa. Chiến sự này tại Bắc Kỳ đã làm gián đoạn mậu dịch đường biển và sau khi lãnh thổ đã đổi chủ, các phái bộ triều cống mới từ Phù Nam và Lâm Ấp đã đến trong năm 268 để thương nghị với hoàng đế nhà Tấn. 14 Nhưng vua nước Ngô không chịu bỏ rơi Bắc Kỳ và tiếp tục tấn công vùng đất này cho đến khi các tướng lĩnh của ông tái chiếm được các hải cảng và các thành phố chính trong năm 271. 15 Nhưng sự chiến thắng vẫn chưa hoàn tất, và cuộc chiến tiếp tục cho đến năm 280, khi vương quốc nhà Ngô sau cùng bị sụp đổ trước các đội quân của nhà Tấn. (*b) Trong khoảng mười bẩy năm từ 263 đến 280, đã có nhiều sự giao tranh tại Bắc Kỳ và An Nam, và mậu dịch với lợi nhuận nhỏ trên các bờ biển của chúng có thể vẫn còn được thực hiện. Khi đó các thương nhân ngoại quốc còn đến Trung Hoa, đã đi thuyền dến Quảng Châu, nơi mà tình hình tương đối ổn định và nơi mà nhiều thương nhân Trung Hoa đến ẩn náu.
Mậu dịch đường biển thì quan trọng trong những năm ngay sau năm 280. Kinh đô và các thành phố phía bắc của đế quốc mới thì thiếu thốn các xa xỉ phẩm của Nam Hải, đã không có các hàng hóa này trong hơn hai mươi năm. Đã có một nhu cầu lớn lao tại triều đình về “lông chim bói cá, mai rùa và san hô”, và nhân lực đã được gửi đặc biệt “để theo thuyền ra đại dương và mang về các loại ngọc trai với phẩm chất khác nhau”. 16 Và từ 284-287, các xứ Phù Nam và Lâm Ấp, và khoảng hai chục nước khác đã đến triều cống để tái lập các quan hệ mậu dịch bình thường với Trung Hoa. 17 Nhưng điều phải ghi nhận rằng chính mậu dịch Nam Hải đã được hưởng lợi từ các nhu câu mới này. Phần lớn các sản phẩm tây phương có thể đến được kinh đô nhà Tấn xuyên qua vùng Trung Á châu.
Bản Đồ 1: Nam Trung Hoa và Nam Hải trong thời nhà Ngô – nhà Tấn
Chính vào thời kỳ này mà Thạch Sùng đã gom góp của cải biến ông ta trở thành một trong những người có thế lực nhất thời ban sơ nhà Tấn. Với tư cách Tổng Đốc đất Ching Chou (Trịnh Châu?) (bao gồm phần lớn tỉnh Hồ Bắc và Hồ Nam) nằm trên con đường chính của hoạt động mậu dịch Quảng Châu - Lạc Dương hay Hà Nội – Lạc Dương, ông ta không chỉ đánh thuế trên các thương nhân và sứ giả mậu dịch qua lại đông đảo, mà còn phái nhân viên của mình tham gia vào công cuộc mậu dịch. 18 Quyển Chin Shu (Tấn Thư) chứng minh sự giàu có của ông ta trong một sự mô tả “sáu hay bẩy cây san hô, một số trong đó cao từ ba đến bốn bộ Anh (feet) “ mà ông ta sở hữu và phô trương trước các kẻ được nhà vua sủng ái khi đó: “các cọng và nhánh san hô có hình dáng lạ thường nhất và màu sắc của chúng thì rực rỡ ”. 19 Ông cũng nổi tiếng nhờ sưu tập thần kỳ về ngà voi và ngọc trai, nước hoa và các gồ có mùi thơm. Khi xét rằng ông ta chỉ làm tổng đốc trong một thời gian ngắn ngủi, mậu dịch các xa xỉ phẩm miền nam hẳn đã thực sự mang lại nhiều lợi lộc. 20 (*c)
Sự bộc phát mậu dịch này tiếp tục cho đến khỏang năm 300. Sau niên kỳ này, đế quốc mất đi các lãnh thổ phương bắc và các con đường mậu dịch của mình tại Trung Á. Việc này hẳn đã phải dẫn tới sự tái mở rộng mậu dịch đường biển tại Ấn Độ Dương, nhưng với sự mất đi các đồng bằng sông Hoàng Hà, người Trung Hoa đã đánh mất các thành phố giàu có nhất của họ. Hơn nữa, tình hình miền Nam Hoa cũng đang trở nên tồi tệ. Cuộc nổi loạn của Wang Chi, kẻ chiếm giữ Quảng Châu năm 312, đã làm phát khởi một loạt các cuộc nổi dậy tại các tỉnh Quảng Châu và Giao Châu kéo dài đến cả sau khi có sự thiết lập nhà Đông Tấn với kinh đô mới đặt tại Chien-k’ang (đây là kinh đô Chien-yeh cũ của nhà Ngô, tức Nam Kinh) trong năm 318. Và sau cuộc nổi dậy của Wang Tun trong các năm 322-324, toàn thể miền Hoa Nam cũng trở thành một bãi chiến trường trong đó các tướng lĩnh nhà Tấn tranh giành quyền lực. 21 Quảng Đông và vùng Bắc Kỳ - An Nam lâm cảnh chiến tranh với mực độ khốc liệt lớn lao; vào khoảng cuối thế kỷ, không có hoạt động mậu dịch sinh lợi nào có thể thực hiện được dọc theo các bờ biển của chúng. Tại Bắc Kỳ, người Chàm tại Lâm Ấp đã tạo thêm sự rối loạn bằng việc xâm lăng nó nhiều lần từ năm 347 cho đến lúc kết thúc triều đại trong năm 419. 22 Sau cùng, trong năm 403, quân nổi dậy tại Triết Giang, cầm đầu bởi Lu Hsun, đã đi thuyền xuông miền nam gây kinh hoàng các bờ biển của Phúc Kiến và Quảng Đông. Họ đã chiếm giữ Quảng Châu và sau đó, Hà Nội, cho đến năm 411. Và ngay cà sau khi có sự từ trần của Lu Hsun, các đệ tử của ông vẫn tiếp tục quấy nhiễu Quảng Châu cho đến năm 417. 23
Điều đáng kể là trong khoảng giữa năm 300 và 400, chỉ có ba sứ bộ sang triều cống Trung Hoa và cả ba đều từ xứ Lâm Ấp. 24 Các sử bộ này đã đến vào lúc mà Lâm Ấp đang khao khát đất đai của Bắc Kỳ - An Nam, và có lẽ là các phái bộ ngoại giao sang điều đình sự chuyển giao các lãnh thổ này hơn là các phái bộ thương mại. Chúng phải được phân biệt với các sứ bộ đã tiếp đón từ nhiều xứ khác nhau trong thời Nam Triều (Southern Dynasties) (420-589), là các phái bộ rõ ràng đã được phái đi để bảo đảm cho hoạt động mậu dịch an toàn và sinh lợi cho các thương nhân ngoại quốc và các sứ giả mậu dịch.
Trong các năm cuối của triều đại nhà Tấn, 400-419, chỉ có một phái bộ, và đó là phái bộ đến từ Tích Lan (Ceylon). 25 Đó là phái bộ đầu tiên từ Tích Lan, và một tương Đức Phật bằng ngà voi , cao bốn bộ hai phân (sô đo của Trung Hoa) đã được dâng tặng lên hoàng đế. Tặng phẩm có tính cách tôn giáo này có ý nghĩa sâu xa đến đâu trong các quan hệ mậu dịch giữa Trung Hoa và Tích Lan là điều khó nói, nhưng điều quan trọng cần ghi nhận là Tích Lan đã tiếp tục việc triều cống này với hai phái bộ khác trong triều đại kế tiếp, nhà Liu Song (Liêu Tống?) và sau này hơn, một phái bộ trong thời nhà Lương (Liang), cả hai triều đại trong đó đã có các rất nhiều hoạt động mậu dịch quốc ngoại bằng đường biển. 26
Sự hiểu biết của chúng ta về mậu dịch đường biển của nhà Ngô và nhà Tấn chính yếu dựa trên một ít đoạn văn còn lại của quyển Fu Nan Chi của K’ang T’ai, kẻ đã đi cùng Chu Ying sang Phù Nam. Các đoạn đáng chú ý nhất trong các đoạn văn này là các phần nói về các xứ sở mà phái bộ đã đến thăm viếng hay tìm hiểu, và các phần mô tả các chiếc tàu vào thời kỳ đó.
Không một đoạn văn nào nói về các thuyền của Việt hay của Trung Hoa. Có thể việc lái các chiếc thuyền này tới Phù Nam là chuyện thông thường, vì thế, không có gì đáng bình luận, và rằng phái bộ đã đến đó bằng một trong các thuyền đó. Các đoạn văn cũng không nói gì về thuyền Ấn Độ, mặc dù có sự mặc nhiên rằng chiếc thuyền đã chở Su Wu, sứ giả của Fan Chan, vua xứ Phù Nam, đến Bengal và ngược sông Hằng Hà, là thuyền của Ấn Độ. Một trong các đoạn văn có mô tả các chiếc thuyền của Phù Nam.
[Chúng] dài mười hai hsin [tám bộ Trung Hoa] và rộng 6 bộ, với mũi và đuôi thuyền giống như các con cá … và các chiếc thuyền lớn chuyên chở cả trăm người, mỗi người đều cầm một mái chèo dài hay ngắn, hay một chiếc sào đẩy thuyền (boat-pole) …” 27
Chúng có thể chỉ là các thuyền đi sông, nhưng đoạn văn này đưa ra một sự so sánh đáng chú ý với bộ Lương Thư (Liang Shu), cho biết Fan Shih-man của xứ Phù Nam trong thế kỷ thứ ba “đã có các thuyền vĩ đại được đóng, và băng ngang biển cả mênh mông [Vịnh Xiêm La] ông ta đã tấn công hơn mười vương quốc”. 28 Có thể là các thuyền của Phù Nam mới chỉ vừa xuất hiện trên đại dương.
Hai đoạn văn về thuyền cũng có thể được so sánh với hai đoạn văn khác từ một quyển sách được viết hồi cuối thế kỷ thứ ba, quyển Nan Chou I Wu Chi (Nam Châu Dị Vật Chí: Sách Về các Sự Vật Kỳ lạ Tại Phương Nam). 29
Các người từ nước ngoài gọi thuyền của họ là p’o. Các thuyền lớn dài hơn 200 bộ (feet), và cao [trên mặt nước] từ hai mươi đến ba mươi bộ … chúng có thể chứa 600 đến 700 người, và khối hàng trên 10,000 ho (một đơn vị đong ngô (bắp) Trung Hoa vào khoảng mười đống ([peck) [tương đương với 8.81 lít, chú của người dịch]. 30
Những người bên ngoài biên giới của chúng ta dùng bốn buồm cho các thuyền của họ, thay đổi tùy theo kích thước của thuyền. Các buồm này được nối với nhau từ đầu mũi đến cuối đuôi thuyền. Có một loại cây lu t’ou mà lá giống như mắt cáo. Các lá này dài hơn mười bộ, và được bện thắt vào buồm. Bốn chiếc buồm không trực diện về phía trước, mà được sắp đặt để cùng quay về hướng này hay hướng kia, theo chiều của gió thổi … khi chúng [các chiếc thuyền] được lái đi, chúng không né tránh gió to và sóng cả, và vì thế có thể du hành rất nhanh. 31
Các thuyền trương buồm tại Biển Nam Hải và Ấn Độ Dương. Chúng có thể là các chiếc thuyền Ấn Độ đi lại trực tiếp giữa Trung Hoa và Ấn Độ, hay các thuyền do Ấn Độ đóng của quần đảo giao dịch với Trung Hoa. Sự hoạt động của chúng trái ngược với các thuyền chậm hơn và nhỏ hơn của Việt và Trung Hoa: vì thế sự đề cập đến gió to sóng cả, chỉ việc lái thuyền ra ngoài biển rộng, là một sự liều lĩnh vượt quá sức của các con thuyền Việt và Trung Hoa thời đó. Cũng có sự đề cập đến “gió mùa” trong sách của K’ang T’ai cho thấy người Trung Hoa vào thời điểm này đã nghe đến gió mùa của Ấn Độ Dương. 32 Không có bằng cớ rằng họ nhận biết là có gió mùa tương tự tại Biển Nam Hải, nhưng có lẽ họ đã biết về nó vào lúc đó.
Các đoạn văn tồn tại của quyển sách của K’ang T’ai, nói về nhiều xứ sở tại phía nam và phía tây. Ngoài Ta-ch’in và T’ien-chu (và, có thể, Sse-t’iao) các xứ này nằm trên bán đảo Đông Dương và quần đảo Mã Lai. Nhưng các danh xưng được tìm thấy trong các đoạn văn biệt lập, khiến không thể nào biết được loại liên hệ mà các quốc gia này có với nhau. Một trong các xứ đó, Chu-po, có lẽ là Java-Sumatra. 32 Hai sứ giả đã thăm viếng xứ này và thiết lập các quan hệ mậu dịch chính thức với nó. Đây là sự đề cập xác quyết đầu tiên về mậu dịch với quần đảo.
Bản Đồ 2: Nam Trung Hoa và Nam Hải trong thời Các Nam Triều
Các xứ sở lục địa đã được xác định như Xiêm La, Miến Điện, và trên Bán Đảo Mã Lai, và các đảo đã được xác định như Borneo, Banka, Billiton, và Java-Sumatra, không cần nói lại ở đây. 34Chúng ta chỉ biết rất ít về chúng ngoài các danh xưng. Sự xác định thì không chính xác và cũng không thể làm tốt hơn nữa. Dù sao cũng đủ để ngày nay, chúng ta biết rằng Chu Ying và K’ang T’ai đã thiết lập sự tiếp xúc với phần lớn các vương quốc này và rằng sự tiếp xúc này đã được duy trì cho đến đầu thời đại nhà Tấn.
Từ sự gặp gỡ của K’ang T’ai, và các sự điều tra từ Ch’en Sung, sứ giả của Miền Bắc Ấn Độ tại Phù Nam, điều rõ rệt là đã không có sự tiếp xúc và mậu dịch trực tiếp với Miền Bắc Ấn Độ, có nghĩa, xuyên qua sông Hằng Hà. 35 Nhưng đã có mậu dịch đều đặn với Ta-ch’in xuyên qua Miền Nam Ấn Độ, Tích Lan, Bán Đảo Mã Lai và Phù Nam. Điều đáng kể là hai phái bộ từ Ta-ch’in trong thế kỷ thứ ba đã đến trong các năm 226 và 284, 36 phái bộ đầu tiên có niên kỳ bốn năm sau khi có sự thành lập nước Ngô của Tôn Quyền, và phái bộ thứ nhì cũng là bốn năm sau khi có sự thất trận của nhà Ngô và sự tái thống nhất Trung Hoa bởi hoàng đế nhà Tấn. Sự trùng hợp này khiến ta nghĩ rằng các sứ giả đã được phái đến các triều đại mới để tìm kiếm sự bảo đảm rằng hoạt động mậu dịch sẽ được tái lập và rằng sự bảo vệ thích đáng sẽ được dành cho các thương nhân Ta-ch’in đến mua bán tại các hải cảng Trung Hoa. 37
Nhưng mậu dịch đều đặn này vẫn còn nhỏ so với mậu dịch với Phù Nam và Lâm Ấp (xem Bản Đồ 4 [trong nguyên bản, chú của người dịch]. Lâm Ấp, xứ gần nhất trong các vương quốc man rợ phương nam, đã có mậu dịch đáng kể với Trung Hoa kể từ lúc khởi đầu thế kỷ thứ tư. Fan Wen (Phạm Văn) (kẻ cướp ngôi vua tại Lâm Ấp, vào khoảng năm 336) đã du hành cùng với một nhóm các thương nhân đến Trung Hoa trong các năm 313-316 và đã học hỏi kiến trúc triều đình Trung Hoa, việc xây dựng đồn lũy, hoạch định thành phố và việc chế tạo các dụng cụ và vũ khí. 38 Vào thời khoảng đó, hồi đầu thế kỷ thứ tư, mậu dịch vẫn còn tiếp diễn tại Bắc Kỳ, chính yếu bởi các thương nhân của Lâm Ấp là các kẻ “đã chở các sản phẩm giá trị bằng đường biển đến để mua bán”.
Thứ sử tại Giao Châu và quận thú tại Nhật Nam đều rất tham lam và đã áp đặt một sắc thuế từ hai mươi đến ba mươi phần trăm trên các sản phẩm của họ … Nhưng khi Han Chi là quận thú tại Nhật Nam, ông ta đã lượng giá các hàng hóa của họ thấp hơn phân nửa trị giá của chúng, và sau đó [đã đe dọa họ] bằng các chiếc thuyền và trống trận của ông ta. Bởi việc này, nhiều xứ khác [với nước nguyên gốc của các nhà mậu dịch] đã lấy làm tức giận. 39
Hai vị quận thú kế tiếp còn tồi tệ hơn. Vì thế sau khi Fan Wen chiếm đoạt ngôi vua Lâm Ấp và đánh dẹp các nước đối thủ tại phía nam và phía tây, ông ta đã tiến sang Nhật Nam và chinh phục nó trong năm 347. 40 Đây là sự khởi đầu một cuộc chiến tranh kéo dài trong gần mười bốn năm, sau đó mậu dịch đường biển của Bắc Kỳ đã mất đi một số tầm quan trọng của nó. Hai phái bộ của Lâm Ấp, một trong năm 374 và một sau năm 380, đã đến để phục hồi hoạt động mậu dịch, nhưng các cuộc giao chiến chua chat vào lúc khởi đầu thế kỷ thứ năm 41 khiến cho hoạt động mậu dịch êm thắm tại Bắc Kỳ trở nên khó khăn, và có lẽ nhiều thương nhân ngoại quốc ở đó đã chuyển hướng sang Quảng Châu.
Trong suốt thời nhà Ngô, Phù Nam là vương quốc lớn nhất nằm giữa Trung Hoa và Ấn Độ và làm chủ Vịnh Xiêm La và tất cả các vùng đất từ Nam Kỳ (Cochin China) đến Bán Đảo Mã Lai. Các thị trường trên Bán Đảo Mã Lại, là các vùng lệ thuộc của nó, đã trở nên rất quan trọng. Phù Nam, vào lúc khởi đầu thế kỷ thứ ba, đã chinh phục T’ien-sun (có thể là Tenassserim) 42, là một nơi dừng chân quan trọng cho hoạt động mậu dịch với Ấn Độ. Các thuyền (có lẽ của Ấn Độ) bắt đầu lái trực tiếp đến Ấn Độ xuyên qua Eo Biển Malacca, ngừng lại tại Chu-li, một hải cảng ở mỏm cực nam của bán đảo lệ thuộc vào Phù Nam, để chờ đợi sự thay đổi của gió mùa. 43 Chính vì thế, bất luận là trực tiếp hay gián tiếp, mậu dịch với Ấn Độ đi ngang qua lãnh thổ của Phù Nam và bởi điều này, các hoàng đế nhà Ngô đã thừa nhận tầm quan trọng của Phù Nam. Trong thực tế, một phòng dành cho âm nhạc Phù Nam đã được xây dựng vào năm 224 bởi người Trung Hoa cách kinh đô Chien-yeh hai lí (lý hay dậm), 44 và sau này âm nhạc và nhạc sĩ Phù Nam được tán thưởng và lời ca đã được viết ra về vương quốc vĩ đại này. 45 Mối quan hệ này được củng cố hơn thời đầu nhà Tấn bởi ba phái bộ được phái sang bởi Phù Nam trong các năm 285, 286, và 287; nhưng trong thế kỷ thứ tư, mậu dịch của nó với Trung Hoa đã bị ảnh hưởng lớn lao bởi có sự bất ổn ở cả các bờ biển của Quảng Đông lẫn tại chính Phù Nam. 46 Trong 150 năm sau năm 287, đã chỉ có một phái bộ từ Phù Nam, vào năm 357, và phái bộ này đã không thành công. 47
Sự xáo trộn tại Phù Nam trong thế kỷ thứ tư đã là một trong những lý do cho việc chuyển di trung tâm mậu dịch Nam Hải sâu xuống phía nam. Các vùng đất lệ thuộc của Phù Nam trên Bán Đảo Mã lai có lẽ cũng cùng chịu đựng sự bất ổn của nó, và các nhà mậu dịch nhận thấy an toàn hơn để dừng chân tại Sumatra (hay Java hay bờ biển phía tây của Borneo) trên đường sang Trung Hoa. Pháp Hiển (Fa Hsien) đã thăm viếng một thị trường như thế trong năm 414, nằm tại xứ sở mang tên Yeh-p’o-t’i. Điều này có thể được nhận thấy trong hành trình được thực hiện bởi các thương thuyền to lớn chạy từ Tích Lan đến vùng quần đảo. Một lý do khác cho sự trổi dậy của thị trường mậu dịch này là sự quen thuộc nhiều hơn với gió mùa và các triều sóng đại dương của Biển Nam Hải. Điều này giúp cho việc có thể lái thuyền trực tiếp từ Yeh-p’o-t’i đến Quảng Châu trong vòng ít hơn năm mươi ngày trong suốt mùa gió nồm, khi các luồng chảy theo hướng đông bắc. 48
Bởi vì Pháp Hiển đi theo hướng đông bắc đến Quảng Châu từ thị trường phía nam này, nhiều phần nó nằm bên bờ biển phía đông của Sumatra (gần Palembang?). Nhưng sự xác định này không được chính xác, và các ý kiến khác cho rằng nó là Java hay bờ biển phía tây của Borneo xem ra cũng khả dĩ chấp nhận được. Nó cũng có thể là một hải cảng tương tự như hải cảng ở Chu-li, sâu về phía nam của mũi Bán Đảo Mã Lai. 49 Tuy nhiên, điểm phát triển quan trọng nhất để ghi nhận là các chiếc thuyền đã đi trực tiếp đến Quảng Châu băng ngang qua Biển Nam Hải mà không có kế hoạch dừng chân nào trên đường đi. Đây có lẽ là một chiếc thuyền Ấn Độ loại lớn có thể chứa hơn 200 người. 50
Một vấn đề quan trọng phát sinh từ sự tường thuật của Pháp Hiển về Tích Lan và Yeh-p’o-t’i. Trong sự mô tả dài của mình về Tích Lan, ông cho thấy rằng Tích Lan là một trung tâm mậu dịch cũng như tôn giáo to lớn. Nhiều thương nhân tụ tập tại đó để mua bán ngọc trai và các đồ trang sức quý giá của đảo đó. Nhưng ông đã không đề cập đến các thương nhân Trung Hoa: thay vào đó, ông nói ngoài các bạn đồng hành Trung Hoa hoặc đã chết khi đó hay bị bỏ lại tại Ấn Độ, ông chỉ nhìn thấy các người ngoại quốc trong suốt thời gian ông xa rời Trung Hoa. Chính vì thế, khi nhìn thấy một thương nhân dâng phẩm vật tỏ lòng hiếu đạo là một ngà voi chạm khắc hình một chiếc quạt lụa Trung Hoa màu trắng, ông cảm thấy rất buồn bã và “nước mắt ứa đầy mắt ông”. 51 Người thương nhân được ức đóan không phải người Trung Hoa, bởi chính hình ảnh chiếc quạt lụa đã khơi động xúc cảm đó. Rằng sự kiện đã không có người Trung Hoa tại Tích Lan trong suốt hai năm ông ở đó xem ra hoàn toàn rõ rệt. Hơn nữa, đã không có sự đề cập về bất kỳ thương nhân Trung Hoa nào cùng với ông bước lên chiếc tàu mậu dịch đã chở ông đến Yeh-p’o-t’i. Từ tất cả các sự việc này, điều phải kết luận rằng đã không có người Trung Hoa nào tự thân đi mua bán tại Ấn Độ và Tích Lan trong thời gian này, tức, trong các năm sau cùng của triều đại nhà Tấn. Những người đã mang các sản phẩm từ Trung Hoa phải là các thương nhân và thủy thủ Ấn Độ hay Tích Lan ở thủa ban sơ.
Người Trung Hoa đã không đi đến Tích Lan có lẽ vì họ có thể thụ đắc các sản phẩm Tích Lan, Ấn Độ hay các sản phẩm phương tây khác từ các thị trường trên Bán Đảo Mã Lai và tại bờ biển Đông Dương. Họ có thể đã không đi đến Yeh-p’o-t’I bởi họ sẽ phải lái thuyền băng ngang Biển Nam Hải (mà họ có lẽ chưa sẵn sàng để làm trừ khi mậu dịch đủ sinh lợi), và bởi vì Yeh-p’o-t’i đã không sản xuất ra bất kỳ hàng hóa gì mà người Trung Hoa rất mong muốn lúc đó. Cũng có thể là con đường từ Tích Lan đến Yeh-p’o-t’i rồi đến Quảng Châu tương đối mới và chưa được biết rõ: các sự bất trắc nghiêm trọng của hai đoạn của hành trình mà Pháp Hiển mô tả một cách thực sinh động xác nhận cho điều này. Nếu điều này đúng như thế, đó là một bước khai triển đáng lưu ý: các sự khởi đầu của một con đường biển trực tiếp hơn giữa Trung Hoa và các đảo phía nam cũng như với các xứ sở tại Ấn Độ Dương. Nhưng không thể quên rằng hai mươi năm sau cùng của triều đại nhà Tấn là những năm khó khăn, đặc biệt là tại Quảng Đông và Bắc Kỳ - An Nam, và rất có thể các tình trạng của vùng duyên hải Trung Hoa đã ngăn cản các thương nhân Trung Hoa khỏi việc liều mình và của cải cho một hoạt động mậu dịch không chắc chắn.
Các nhà mậu dịch ngoại quốc đến Hà Nội và sau đó đến Quảng Châu là các người Chàm, Phù Nam, Mã Lai, Ấn Độ và Tích Lan. Tuy nhiên, có hai sự tham chiếu đáng lưu ý đến người Hu (Hồ) từ Ta-ch’in, hay từ “các xứ phương tây”, trong quyển Nan Fang Ts’ao Mu Chuang, giới thiệu hai chủng loại hoa nhài với Quảng Châu vào khoảng khởi đầu của thế kỷ thứ tư. 52 Không may, đã có những đoạn văn được nhét thêm vào trong quyển sách này, và không có kết luận nào về một thuộc địa của các thưong nhân Ba Tư hay Syria tai Quảng Châu trong thời điểm này, lại có thể được rút ra. 53 Tuy nhiên, có thể là các loại hoa này và nước hoa chế biến từ chúng, đã được du nhập vào Trung Hoa bởi các nhà mậu dịch Ấn Độ vào thời điểm đó.
Mậu dịch Nam Hải trong thế kỷ thứ ba đã tiến triển lớn lao so sánh với mậu dịch của hai triều đại nhà Hán. Sự mở rộng của nó sang Ấn Độ Dương, trong gần sáu mươi năm, được bảo đảm bởi các nhu cầu của kinh đô nhà Ngô. Gồ trầm, nhiều loại chất thơm và nước hoa khác nhau, và ngay cả các cây san hô, đã được du nhập xuyên qua các hải cảng miền nam, trong khi ngà voi, sừng tê giác, ngọc trai, thủy tinh và đá quý tiếp tục được nhập cảng. Đã có triển vọng của một tương lai huy hoàng cho hoạt động mậu dịch. Nhưng trong thế kỷ kế tiếp, lại chỉ có rất ít sự tiến triển. Thành phố Quảng Châu, trong thời gian này, đã đảm nhận phần lớn mậu dịch của Hà Nội, và vẫn có thể còn đuợc mô tả và cuối thế kỷ như sau:
Nơi của các đồ vật quý báu và kỳ lạ, một cái túi cóthể cung ứng cho vài thế hệ … [một địa điểm] nơi mà chỉ có các quan chức nghèo khổ, các kẻ không cách giữ được độc lập, mới chạy chọt để được bổ nhiệm tới. Vì lý do đó, mọi chức chưởng ci trị [governors trong nguyên bản, không noi rõ thứ bậc, chú của người dịch] đã trở nên giàu có bằng “sản phẩm dính bùn” [sản vật thụ đắc xuyên qua sự hối lộ]. 54
Chỉ còn ít điều khác để làm nổi bật hoạt động mậu dịch của thế kỷ này, ngoại việc khởi sự nạn mua bán nô lệ trong số dân (các thổ dân) của Nam Hải (được gọi là K’un-lun hay các nô lệ da đen) 55 và sự xuất hiện của một nhóm thương nhân mới, Po-sse, các kẻ có lẽ là người Mã Lai từ Bán Đảo Mã Lai, hay từ Sumatra. 56 Chỉ trong những năm cuối cùng của triều đại nhà Tấn mới nghe vang vọng một dấu nhạc mới – phái bộ từ Tích Lan trong năm 405 chứa đựng sự hứa hẹn một hoạt động mậu dịch lớn hơn, chính yếu các phẩm vật tế lễ của đạo Phật, với một nước Trung Hoa ngày càng sùng đạo hơn./-
_____
SÁCH BÁO THAM KHẢO (VIẾT TẮT):
SC Shih Chi (Sử ký?)
HanS Han Shu: Hán Thư
HouHS Hou Han Shu: hậu Hán Thư
SKCWu Tam Quốc Chi, bản của tác giả họ Wu
ChinS Tấn Thư
SShu Song Shu: Tống Thư
NChS Nan Ch’i Shu
LgS Liang Shu: Lương Thư
Ch’enS Tần Thư
SuiS Sui Shu: Tùy Thư
NanS Nan Shih (Nam Sử?)
T’angS T’ang Shu: Đường Thư
ChiuTS Chiu T’ang Shu
TTien T’ung Tien
TCh’en Tzu Chih T’ung Chien
TK’ao Wen Hsien T’ung K’ao
THYao T’ang Hui Yao
Pen Ts’ao Pen Ts’ao Kang Mu
TP T’oung Pao
JA Journal Asiatique
BEFEO Bulletin de l’École Francaise d’Extrême-Orient
JMBRAS Journal of the Malayan Branch of the Royal Asiatic Society
***
CƯỚC CHÚ
1. Các chiến dịch của Chu-ke-Liang tại Vân Nam năm 225 minh chứng cho các sự gian lao của con đường. Xem TChien, Chương 70, 9b-10a.
2. SKCWu, 2, 19b.
3. SKCWu, 15, 5b-8b.
4. LgS, 54, 9b-10a. Cũng xem F. Hirth, China and the Roman Orient, Leipzig, 1885, các trang 47-8.
5. Khi có quan chức của Đông Kinh [Bắc Kỳ] từ khước không chịu chấp nhận sự bổ nhiệm ông ta làm thứ sứ mới năm 226, Lu Tai đã đến Vịnh [Bắc Bộ] bằng đường biển, ngược dòng sông Hồng và đánh bại quân nổi dậy. Ông cũng tiến xuống vùng An Nam [Trung Kỳ] và bình định toàn khu vực. Ông có thể đã gặp Ch’in Lun quay trở về từ chuyến thăm viếng kinh đô nước Ngô và đã tham khảo với ông ấy về hoạt động mậu dịch Nam Hải trước khi theo thuyền về nhà tại Ta-ch’in. Xem SKCWu, 15, 6a-7a.
6. Sách đã dẫn, 15, 7a. Ts’ung-shih có thể là bất kỳ một viên chức phụ tá hay giúp việc nào của Lu Tai.
7. Cùng nơi dẫn trên. Đây là những phái bộ đầu tiên đến từ những xứ sở này, nhưng chúng đã không được biên soạn trong Niên sử nhà Ngô, y như cuộc thăm viếng của Ch’in Lun năm 226 đã không được ghi lại. Nhưng từ bản tường thuật có nói rằng khi sứ bộ đến với cống phẩm, “[Tôn] Quyền đã tuyên dương ông [Lu Tai] về các sự phục vụ to lớn của ông và phong ông làm Vị Tổng Trấn Bảo Vệ Phương Nam (General Guarding the South)”, điều hiển nhiên là các phái bộ đã du hành đến kinh đô nước Ngô và vào yết kiến vị Hoàng Đế. Cùng nơi dẫn trên.
8. LgS, 54, 1a.
9. Sách đã dẫn, 54, 4b, cho biết rằng Chu Ying và K’ang T’ai đã được phái đi như các sứ giả đến Phù Nam dưới triều Fan Hsun, kẻ đã lên ngôi khỏang năm 240. Nhưng họ cũng gặp gỡ Ch’en Sung, sứ giả từ Miền Bắc Ấn Độ đến Phù Nam trong thời của Fan Chan, khoảng mười đến hai mươi năm trước đó; sách đã dẫn, 54, 10a. Có thể, dĩ nhiên, là Ch’en Sung đã ở lại Phù Nam trong suốt thời gian đó.
10. Quyển sách Fu-nan I Wu Chih của Chu Ying đã bị mất từ lâu. Về phần K’ang T’ai, (ông có viết nhiều hơn một quyển), quyển của ông cũng thế, đã không bảo tồn được và chỉ có ít đoạn văn còn sống sót trong các sách và tuyển tập kể sau: Shui Ching Chu, (Thủy Kinh Chú) có trích dẫn sách mang tên Fu-nan Chih, hay Fu-nan Chuan (Tài Liệu Ghi Chép về Phù Nam); Tai P’ing Yu Lan, gọi nó Wu Shih Wai Kuo Chuan, hay Wu Shih Wai Kuo Chih (cả hai đều có nghĩa Tài liệu ghi chép về các nước ngoại quốc trong thời nhà Ngô); và cũng gọi là Fu-nan T’u Shu (Phong Tục Bản Xứ của Phù Nam); quyển I Wen Lueh Chú gọi nó là Fu-nan Chih hay Wu Shih Wai Kuo Chih; sách TTiên gọi nó là Fu-nan Chuan.
11. SKCWu, 2, 23b.
12. Sự giao thông với kinh đô được duy trì chính yếu xuyên qua hoặc Hồ Nam (Hunan) hay Quảng Tây (Kiangsi), cả hai đều bị quấy rối liên tục bởi các dân man rợ kháng cự lại sự bành trướng của Trung Hoa vào lãnh thổ của họ. Về các chiến dịch chống lại các dân man rợ này, xem Kao A-wei, “On the Wu Subjugation of Man Yueh”, The Continent Magazine, Vol. VII, 1953, No. 7, các trang 13-18, và số 8, các trang 12-18.
13. SKCWu, 3, 9a-10b.
14. ChinS, 3, 5b.
15. SKCWu, 3, 14a-b. Trong năm 268 và 269, các đội quân lớn được phái đi để chống lại các tướng lĩnh nhà Tấn tại Bắc Kỳ - An Nam, nhưng không thành công. Căn cứ của nhà Ngô được đặt tại hải cảng Ho-p’u (Hợp Phố), phía tây tỉnh Quảng Đông. Đoàn quân thứ nhì trong năm 269 được phái đi bằng đường biển từ bờ biển Phúc Châu; sách đã dẫn, 3, 13b.
16. ChinS, 26, 3b. Điều này liên quan đến sự giàu có lớn lao của Lo-yang (Lạc Dương) vươn đến các đỉnh mới giữa thời khoảng từ 280 đến 300.
17. Sách đã dẫn, 3, 13a và b.
18. Sách đã dẫn, 33, 11b.
19. Sách đã dẫn, 33, 12a. Các cây san hô như thế có lẽ là chưa bao giờ được trong thấy trước đó tại Trung Hoa.
20. Sự giàu có của Shih Ch’ung (Thạch Sùng) thực sự nổi tiếng. Đã có nhiều bản văn trình bày về điều này trong các tác phẩm đương đại. Một bản văn điển hình được bảo tồn trong quyển Shih I Chi và đã được trích dẫn trong quyển T’u Shu Chi Ch’eng, ấn bản Chung Hua Shu Chu, Vol. 701, Chương 323, trang 57, về hàng nghìn nàng hầu xinh đẹp của ông ta.
Ông yêu cầu vài chu/c người trong họ ngậm các chất thơm [hay nước hoa] khác nhau trong miệng mình, và khi họ nói hay cười, hương thơm bay ra theo mọi làn hơi [đến người nghe]. Sau đó ông cho nghiền nhỏ gỗ trầm hương mịn như bụi rắc lên một chiếc giường bằng ngà voi, và yêu cầu những kẻ nào ông đặc biệt yêu quý bước lên trên dó. Những kẻ không để lại dấu chân, ông thưởng cho một trăm pei [mỗi chuỗi gồm 500] ngọc trai. Những kẻ làm di chuyển [bụi phấn] được lệnh ăn uống ít hơn để có thể ốm bớt đi.
Câu chuyện này ít nhất cho thấy tầm mức sưu tập của ông ta về sản phẩm của Nam Hải. ChinS, 37, 4a, ghi rằng không lâu sau khi chinh phục được nhà Ngô, các ông hoàng nhà Tấn đã quan tâm đến sự giàu có của Giao Châu và Quảng Châu. Cháu trai của ông Hoàng I-yang có sự quan tâm đặc biệt, và đã gửi người xuống phương nam để buôn bán.
21. TChien, Chương 88, 11b; các chương 89-90; ChinS, 100, 9b-10a. Cũng xem TChien, Chương 92, 1b; Các Chương 92-3; ChinS, 98, 1a-8b.
22. Sách đã dẫn, 97, 9a-b.
23. Sun En nổi dậy tại Triết Giang năm 399. Sau khi ông chết vào năm 402, Lu Hsun nắm giữ binh quyền. Năm 403, Lu Hsun bị đuổi ra biển, và ông đã đi thuyền xuống bờ biển miền nam. Ông chiếm giữ Quảng Châu năm 404, và cai trị thành phố cho đến năm 410. Trong các năm 410-411, các trận đánh khốc liệt đã diễn ra, nhưng không lâu sau khi ông ta chiếm được Hà Nội (khi đó gọi là Long Biên) trong năm 411, ông đã bị hạ sát. Tuy nhiên, các tướng lãnh của ông, vẫn tiếp tục quấy nhiễu các khu vực duyên hải và tái chiếm thành phố Quảng Châu vào năm 417 trong một thời khoảng ngắn ngủi. TChien, các chương 112-18; ChinS, 100, 14a-15b; 15b-16b.
24. Một vào khoảng năm 340, một trong năm 374 và thứ ba, sau năm 374 nhưng trước năm 398. Sách đã dẫn, 97, 9a-b; và Phụ Lục A.
25. Trong năm 405, LgS, 54, 11a và TK’ao, 2656C.
26. SShu, 97, 4b-5a; LgS, 54, 11a.
27. Từ sách của K’ang T’ai được trích dẫn trong T’ai P’ing Yu Lan, chương 769. Feng Ch’eng-chun, sách đã dẫn, trang 19.
28. LgS, 54, 4a.
29. Bởi Wan Chen, huyện trưởng Tan Yang (gần Nam Kinh), trong thời nhà Ngô. Quyển sách này nay đã bị mất, nhưng các trích đoạn có thể được tìm thấy trong nhiều bản văn khác nhau, đặc biệt trongT’ai P’ing Yu Lan, các chương 787, 790, 960.
30. Được trích dẫn trong T’ai P’ing Yu Lan, chương 769; Feng Ch’enh-chun, sách đã dẫn, trang 19. Từ ngữ p’o có thể bắt nguồn từ tiếng Tamil, padagu, padao, hay parao để chỉ một chiếc tàu (và sau này, một loại tàu trên bờ biển Malabar) mà người Mã Lai đã tiếp nhận và dùng như từ ngữ perahu. R. J. Wilkinson, A Malay-English Dictionary, London, 1901.
31. Được trích dẫn trong T’ai P’ing Yu Lan, chương 771; Feng Ch’eng-chun, sách đã dẫn, trang 19. Tôi không thể xác định cây lu-t’ou làcây gì.
32. Quyển sách đã mất của K’ang T’ai, được trích dẫn trong T’ai P’ing Yu Lan, chương 771; và Wu Shih Wai Kupo Chuan; Feng Ch’eng-chun, sách đã dẫn, trang 17. Đoạn văn cho hay, “Từ Chia-na-t’iao [tại Nam Ấn Độ], [người ta có thể] đi lên một chiếc p’o [parảo, tàu] lớn với bẩy cánh buồm, và lái đi trong một tháng và vài ngày với gió mùa thổi để tiến tới xứ Ta-ch’in [có nghĩa lên đến Vịnh Ba Tư]”.
33. Pelliot, BEFEO, 1940, trang 269-70 cho rằng là Java. Sự xác định này được dựa trên sự tương đồng giữa hai địa điểm được cho là Chu-po [có kèm chữ Hán, chú của người dịch] và Tu-po [có kèm chữ Hán, chú của người dịch] dưới thời nhà Tùy – cả hai đều nằm “tại vùng Chang-hai bao la (miền nam của Biển Nam Hải) và phía đông của Phù Nam”. Tu-po được khám phá là cách viết sai của She-po[có kèm chữ Hán, chú của người dịch] có thể là She-p’o [có kèm chữ Hán, chú của người dịch] của triều đại nhà Đường. She-p’o này là Java, nhưng ở thời điểm này, chúng ta chỉ có thể chấm định Chu-po thuộc vùng Java-Sumatra.
34. Có ít nhất mười danh xưng mới cho các địa điểm tại quần đảo và Bán Đảo Mã Lai được nói tới trong sách của K’ang-T’ai. Nếu Chu-po là Java, khi đó đảo Ma-wu (Mã Ngũ, có kèm chữ Hán, chú của người dịch] ở phía đông có thể đúng như Pelliot (sách đã dẫn, trang 270 và chú thích 6) đã nêu ý kiến, là cách viết sai cho danh xưng Ma-li [Mã Lập, có kèm chữ Hán, chú của người dịch], có thể để chỉ đảo Bali. Nhưng ít có điều nào khác cho thấy phái bộ đã đi đến Bali; hơn nữa, Chu-po không thể được xác định một cách chính xác đến thế.
35. Ch’en Sung được phái đến Phù Nam với bốn con ngựa Yueh-chih (giống ngựa Scythia) [miền đất cổ đông nam Âu và Á Châu, khoảng Iran ngày nay, chú của người dịch] bởi nhà lãnh đạo xứ T’ien-chu (triều đại Murundas?) sau khi Su Wu, sứ giả của Phù Nam, đã đến để thiết lập quan hệ với T’ien-chu, khoảng 230-240 (?). K’ang-T’ai đã gặp sứ giả Ấn Độ này và hỏi thăm về các phong tục của xứ sở ông ta. LgS, 54, 10a.
36. LgS, 54, 9b-10a và ChinS, 3, 13a; 97, 8b.
37. Xem Phụ Lục A về các vấn đề mậu dịch và triều cống.
38. NChS, 58, 4b và ChinS, 3, 13a; 97, 8b.
39. ChinS, 97, 9a. Giao Châu dưới thời nhà Tấn thì nhỏ hơn so với dưới thời nhà Ngô. Nó bao gồm miền tây Quảng Đông, Bắc Kỳ và phân nửa phía bắc của Trung Kỳ (An Nam). Miền Nam Việt Nam, vào lúc này, đã bị mất về cho Lâm Ấp. Huyện cực nam, tức Nhật Nam (Jih-nan), có trung tâm hành chính đặt tại phía bắc Huế ngày nay.
40. ChinS, 97, 9a. Phần lớn các quốc gia này không thể xác định được, nhưng một trong chúng, Ch’u-tu-(kan) làm ta liên tưởng đến địa danh Kattigara của Ptolemy. Chúng đều nằm ở miền nam Đông Dương.
41. LgS, 54, 1b-2a. Từ năm 399 trở đi cho đến lúc kết thúc nhà Tấn, đã có các cuộc tấn công liên tục từ Lâm Ấp vào Bắc Kỳ - Trung Kỳ.
42. Điều này không có nghĩa là Tun-sun nằm trên bờ biển phía tây của bán đảo. Nó phải trải dài băng qua eo đất, và hải cảng của nó rất có thể nằm ở bờ biển phía đông. LgS, 54, 3b, nói rằng các tàu tại Biển Nam Hải đã không thể đài thọ nổi việc băng qua hải cảng..
43. Sách đã dẫn, 54, 10a, nói về phái bộ của Su Wu từ Phù Nam đến Bắc Ấn Độ, khi “khởi hành từ Phù Nam và đi đến cảng Chu-li, và sau đó men biển dọc theo vịnh; sau hơn một năm, [người ta] đến được cửa sông Ganges (Hằng Hà)”. Sự giải thích từ “đi đến: going to (tou: có kèm chữ Hán) the port of Chu-Li” là cảng mang tên Tou-Chu-Li” thì mơ hồ, và sự xác định T’ou-Chu-Li là Takkola không thực sự được nhìn thấy là có [liên hệ]. Chu-li có thể là một hải cảng ở miền nam Mã Lai (có thể là Coli của Ptolemy) nơi mà các tàu chờ đợi sự thay đổi gió mùa. Vì thế, toàn thể cuộc du hành từ Phù Nam đến cửa sông Ganges đã mất hơn một năm.
44. Trong quyển Liu Ch’ao Shih Chi Pien Lueh (Tuyển Tập Các Ghi Nhận Về Các Dấu Vết Lịch Sử Của Lục Triều, 220-589), 2 tập. Ts’ung Shu Chi Ch’eng, chủ biên, Shanghai, 1936, Tập 2, trang 169. Trung Hoa nhìn nhận giá trị âm nhạc của Phù Nam trong hơn bốn thế kỷ (nó vẫn còn được trình diễn tại triều đình của các vị hoàng đế ban đầu của nhà Đường).
45. ChinS, 22, 10a; 23, 10a-b; 10b-11ạ
46. Sách đã dẫn, 3, 13a và b. Phù Nam đang trải qua sự thay đổi đáng kể trong suốt thế kỷ này. Xem G. Coedès, Les États Hindouises d’Indochine et d’Indonésie, Paris, 1948, các trang 81-4; L. P. Briggs, The Ancient Khmer Empire, The American Philosophical Society, 1951, các trang 22-3.
47. Phái bộ được gửi đi bởi (Chu) Chan-t’an (Chandana). Các con voi mang đến Trung Hoa được lệnh được gửi trả về. ChinS, 97, 10a; LgS, 54, 4b.
48. Về sự tường thuật của Pháp Hiển (Fa Hsien) về chuyến hồi hương của ông, xem bản văn được biên tập và chú giải bởi Feng Ch’eng-chun, sách đã dẫn, các trang 21-27. Và quyển The Travels of Fa-hsien, thông dịch bởi H. A. Giles, Cambridge, 1923, các trang 65-83. Cuộc du hành bình thường phải diễn ra ít hơn năm mươi năm ngày bởi vì con tàu được lái đi chỉ với số lương thực cho năm mươi ngày. Tàu đã rời đi hồi cuối tháng Năm để đến Quảng Châu.
49. Vấn đề về Yeh-p’o-t’i rất khó khăn. Nó có thể là Yavadvipa (và do đó, Java-Sumatra); hay bờ biển phía tây của Bornéo, bởi đó cũng ở hướng tây nam của Quảng Châu. Nhưng từ con đường mà Fa-hsien đã đi qua, điều rõ ràng là đã có hoạt động mậu dịch giữa Tích Lan (Ceylon) và Yeh-p’o-t’i và một sự mậu dịch riêng rẽ giữa Trung Hoa và Yeh-p’o-t’i. Bởi thế, Yeh-p’o-t’I không cần phải là một hải cảng nằm trên còn đường trực tiếp ngắn nhất giữa Tích Lan và Trung Hoa. Pháp Hiển đã lên một chiếc tàu khác tại Yeh-p’o-t’i, có thể với một nhóm thương nhân khác và một chuyến hàng chuyên chở khác.
50. Sự tường thuật của Pháp Hiển trong Feng Ch’eng-chun, sách đã dẫn, các trang 25 và 26. Cả hai tàu mà ông đã lên đều có thể chứa hơn hai trăm người. H. A. Giles, sách đã dẫn, các trang 76 và 78.
51. Feng Ch’eng-chun, sách đã dẫn, trang 22. H. A. Giles, sách đã dẫn, trang 68.
52. “A Description of the Plants and Trees of the South”, của Chi Han khoảng năm 304. Nó được gọi là “tác phẩm Trung Hoa xưa nhất dành riêng cho thực vật học của Miền Nam Trung Hoa”. Ts’ung Shu Chi Ch’eng edition, Shanghai, 1939, các trang 1 và 8. Hai loại hoa nhài là Jassinum officinale và Jasminum Sambac. Cũng được du nhập từ Ta-ch’in là “hoa móng tay: fingernail flowers”, Lawsonia alba. Xem B. Laufer, Sino-Iranica, Chicago, 1919, trang 329.
53. Sách đã dẫn, trang 330, trích dẫn thẩm quyền của L. Aurousseau, BEFEO, Vol. XIV, 1914, trang 10, về các phần thêm vào. Sự kết luận về một thuộc địa của các nhà mậu dịch tây phương tại Quảng Châu vào thời điểm này rất thường được nêu ra, nhưng cần phải ghi nhớ rằng bằng chứng được dựa trên một văn bản lộn xộn, và không được xác nhận bởi các văn thư khác trong giai đoạn này.
54. ChinS, 90, 9a, có viết tiếp tục, “Hoàng triều muốn chấm dứt phương thức xấu xa này tại Lĩnh Nam (Ling-nan), và vì thế đã phái [Wu] Yin-chih sang trong thời trị vì của Lung-an [397-401]”. Wu Yin-chih là một tổng đốc lập dị và liêm khiết, nhưng nhiệm kỳ bị cắt ngắn bởi sự sụp đổ của Quảng Châu trước các đội quân nổi loạn của Lu Hsun vào năm 404.
55. Triều đình nhà Tấn dưới thời trị vì của Hsiao-Wu-ti, 373-396, có các nô lệ da đen, cao được gọi là người “K’un-lun”. Đây là sự đề cập đầu tiên đến các nô lệ K’un-lun, xem Fujita Toyohachi, sách đã dẫn (bản dịch sang tiếng Hoa), trang 242.
Trước khi có sự đề cập này, “K’un-lun: Côn Lôn [?]” chỉ được nói đến như một tược vị dành cho các quan chức tại triều đình các người nam man (man rợ ở phương nam), kể cả Lâm Ấp và Phù Nam; Wan Chen, Nan Chou I Wu Chih (cuối thế kỷ thứ ba), được trích dẫn trong T’ai P’ing Yu Lan, Chương 786, và được thông dịch trong G. Ferrand, sách đã dẫn, March-April 1919, trang 241.
56. “Po-sse” được đề cập lần đầu tiên trong Ku Ching Chu, một tác phẩm của thế kỷ thứ tư, như một nước sản xuất ra gỗ mun đen được nhập cảng vào Trung Hoa (có thể trên các chiếc tàu của Po-sse). Về sự xác định xứ Po-sse này, xem Chương 4 [của nguyên bản]
----
Nguồn: Wang Gungwu, The Nanhai Trade: The Early History of Chinese Trade In The South China Sea, Chapter 3, A Mission to Fu-Nan, 220-420, các trang 29-42., Singapore: Time Academic Press, 1998 (sách in lại từ ấn bản đầu tiên ấn hành năm 1958 bởi Journal of the Malayan Branch of the Royal Asiatic Society.
*****
PHỤ CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
Các phụ chú dưới đây đều được trích hay dẫn từ bộ An Nam Chí Lược của Lê Tắc, do Ủy Ban Phiên Dịch Sử Liệu Việt Nam, Viện Đại Học Huế xuất bản năm 1961. Lê Tắc cùng với Trần Ích Tắc đã đầu hàng quân nhà Nguyên sang xâm lăng nước ta vào năm 1285, sau đó sang sống và soạn bộ sách này tại Trung Hoa. Vì thế, sử quan nặng hay hoàn toàn nghiêng về phía Trung Hoa, mặc dù đương sự là người gốc Việt.
*a: Bộ An Nam Chí Lược dẫn trên, nơi trang 93 có viết về các sự việc đó như sau:
(Bắt đầu trích) Trong hiệu Hoàng Võ của nhà Ngô (222-228), Tôn Quyền sai Trần Thì qua thay Sĩ Nhiếp làm Thái Thú quận Giao Chỉ. Con Sĩ Nhiếp là Sĩ Huy không vâng mệnh, cư/ binh giữ cửa biển. Năm Kiến Hưng nguyên niên (252) vua nhà Ngô dùng Lữ Đại làm Thứ Sử quận Giao Chỉ để cùng Tiết Tông đốc quân 3,000 vượt biển qua đánh miền Nam. Có kẻ nói với Đại rằng: “Huy cậy có ơn trước của ông cha để lại, nhân dân trong một cõi Giao Châu ủng hộ, chưa dễ đánh được”. Đại nói: “Huy cậy thế ở xa, thường để lòng phản nghịch; không ngờ quân ta bỗng tới, nhân y chưa chuẩn bị, đánh thình lình, thì nhất định phải được, nếu để trễ nại, không tiến quân bây giờ, thì sẽ để họ giữ gìn bền chặt; man di mấy quận đều hưởng theo, thì dầu có trí khôn đến bậc nào, cũng không làm gì hơn được”. Nói xong, bèn qua quận Hợp Phố, cùng với viên quận thú là Đái Lương đều tiến. Đại dùng em Sĩ Nhiếp là Sĩ Phụ làm vai sư-hữu-tùng sự, để qua thuyết, Huy suất [sic] cả sáu anh em ra hàng. Đại chém hết và đem đầu về Mạt Lăng. Quân nhà Ngô tiến tới Cửu Chân, chém bắt muôn người, lại khiến quan tùng sự [in đậm và nghiêng để làm nổi bật và dễ so sánh bởi người dịch] tuyên bố đức hóa tại Phù Nam và Lâm Ấp. Bởi vậy các nước đều tới cống hiến phương vật. (Hết trích)
*b: Bộ An Nam Chí Lược dẫn trên, nơi trang 94 có viết về các sự việc đó như sau:
(Bắt đầu trích) Năm Vĩnh An thứ 5 của nhà Ngô (262) quan lại trong quận Giao Chỉ là Lữ Hưng giết Thái Thú Giao Chỉ là Tôn Tư, rồi đem đất quận ấy phò theo nhà Tấn.
Vua Võ Đế nhà Tấn dùng Dương Tắc làm Thái Thú quận Giao Chỉ, Tắc đánh đuổi chem. cả Đô Đốc là Tu tắc và bọn quan Thứ Sử là Lưu Tuấn. Năm đầu hiệu Kiến Hoành (269) vua Ngô là Tôn Hạo sai Giám Quân Ngu Tỷ, Uy Nam tướng quân Tiết Hủ, Thương Ngô Thái Thú Đào Hoàng do đường bộ đi tới, sai Giám QuânLý Miễn, Đốc quân Tử Tốn do đường biển Kiến An đi tới, hợp tại quận Hợp Phố để qua đánh Giao Chỉ. Năm thứ 3 (271), Hoàng theo đường biển đến thình lình, đi thẳng tới Giao Chỉ, đánh hãm được thành, giết cả mấy tướng do nhà Tấn đặt ra. (Hết trích).
*c: về nhân vật Thạch Sùng giàu có nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa thủa xa xưa, theo bộ An Nam Chí Lược dần trên, nơi trang 81, có ghi:
(Bắt đầu trích) Thạch Sùng: Đời Võ Đế nhà Tấn (265-290), làm quan Tán-Kỵ-Thị-Trung, được sai làm Giao Chỉ Thái-Phỏng-Sứ”. (Hết trích).
Như thế ông Thạch Sùng này cũng đã từng qua nước ta. Ông nhà giàu nổi tiếng này được dân gian biết nhiều hơn bởi tên của ông đã được dùng để đặt cho một con vật nhỏ, loại bò sát, bám lấy trần hay tường nhà, phát ra tiếng động mà người đời đã ví như tiếng tặc lưỡi vì tiếc của của ông Thạch Sùng./-
Ngô Bắc dịch
17/4/2009
© 2009 gio-o.com
Nhãn: Kinh tế
0 Comments:
Bài đăng Mới hơn Bài đăng Cũ hơn Trang chủ
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)