R. B. Smith
School of Oriental and African Studies, University of London
Ngô Bắc dịch

            Điều được biết rất rõ rằng lý thuyết thực dân của Pháp về sự đồng hóa (assimilation), mặc dù nó không bao giờ có thể được thực hiện một cách trọn vẹn trong thực tế, hàm ý sự phát triển tại các thuộc địa của Pháp một giới tinh hoa [élite, tiếng Pháp trong nguyên bản, chú của người dịch] sẵn sàng chấp nhận cả văn hóa Pháp lẫn một vai trò (phụ thuộc) trong việc điều hành xứ sở.  Tại Nam Kỳ thuộc Pháp (Cochinchina), giới tinh hoa này đặc biệt quan trọng do ở các tình huống của cuộc chinh phục, giữa các năm 1860 và 1867, khi phần lớn các quan chức – học giả Việt Nam từng cai trị miền này trước đó, rút lui và từ chối hợp tác với người Âu Châu.  Người Pháp không có lựa chọn nào khác ngoài việc tạo lập ra một giới tinh hoa của riêng họ, và khởi sự đào tạo tầng lớp đó theo các cung cách của Pháp.  Tiến trình này đã được thảo luận chi tiết trong một công trình nghiên cứu gần đây của Tiến Sĩ Milton E. Osborne, khảo sát lịch sử cai trị thực dân tại miền nam Việt Nam cho đến tận năm 1905. 1  Trong bốn thập kỷ đầu tiên của thế kỷ thứ hai mươi, giới tinh hoa này tiếp tục tăng trưởng và phát triển, đến nỗi vào khoảng thập niên 1940, nó đã trở thành một phần tử then chốt trong xã hội Nam Kỳ chừng nào mà sự thống trị của thực dân còn tồn tại.  Mục đích của bài viết này là để khảo sát thành phần và vai trò của giới tinh hoa này vào khoảng cuối thời kỳ trong đó nước Pháp có thể xem sự hiện diện của nó tại Đông Dương là chuyện đương nhiên.
            Một giới tinh hoa có thể được định nghĩa theo nhiều cách.  Một số sẽ lập luận rằng, trong nghĩa chính danh của từ ngữ, không xã hội nào lệ thuộc vào sự đô hộ của ngoại bang lại có thể có một giới tinh hoa, các vị thế trên tột cùng được dành cho chính các nhà cai trị thực dân.  Bất kỳ nhóm nào muốn cộng tác với các người ngoại quốc phải, bởi khi làm như thế, từ bỏ quyền hay khả năng lãnh đạo phần còn lại của xã hội trong một chiều hướng được lựa chọn hoàn toàn bởi chính họ.  Các kẻ khác sẽ nêu ý kiến rằng trong một tình trạng như thế, giới tinh hoa chân chính là giới của các kẻ theo chủ nghĩa dân tộc đứng lãnh đạo các phong trào kháng chiến chống lại sự đô hộ của ngoại bang.  Từ quan điểm này, các nhóm xã hội sẽ được thảo luận tới tại các trang viết này phải tuân theo điều bị xem là tầng lớp gì đó kém hơn một giới tinh hoa [đích thực].  Tuy nhiên, tầm quan trọng của họ trong lịch sử hiện đại của nam Việt Nam không thể nào bị phủ nhận; và thuật ngữ sau hết phải bị xem là ít quan trọng hơn ý nghĩa lịch sự.  Với sự dè dặt sơ khởi đó, điều có thể làm để định nghĩa giới tinh hoa mà chúng ta quan tâm đến theo ba tiêu chuẩn chính yêu kể sau: giáo dục (đặc biệt tại Pháp); chức năng chuyên môn hay hành chính, phát sinh từ sự cộng tác với chính quyền thực dân; và các phần tưởng thưởng về kinh tế, quyền sở hữu tài sản, v.v…  Điều sẽ được khuyến cáo là nên nhìn các tiêu chuẩn này trong khung cảnh của xã hội cổ truyền Việt Nam, chứ không chỉ theo lối quen thuộc đối với các người tìm hiểu về xã hội Tây phương.
            Tại Việt Nam thời tiền Pháp thuộc, giống như tại Trung Hoa thời tiền cách mạng, cùng ba tiêu chuẩn này đã mang tầm quan trọng nền tảng.  Vượt xa hơn khối Tây thời tiền thế kỷ thứ mười chín rất nhiều, sự thăng tiên quan chức trong phạm vi quan trường lệ thuộc vào việc học và trúng tuyển qua một hệ thống khảo thí hơn là chỉ dựa trên sự sở đắc tài sản.  Điều rất thường xảy ra, là sự giàu có phát sinh từ chức quyền hơn là lối đi vòng quanh nào khác.  Hậu quả, đã có một xu hướng mạnh mẽ về phía một gia đình đang lên tìm kiếm giáo dục và chức vụ, chứ không phải đi theo chiều hướng kinh doanh kinh tế sẽ dẫn đến một cách trực tiếp sự gia tăng của cải.  Tài sản trong nhiều trường hợp có khuynh hướng trở nên công cộng, trong phạm vi gia đình hay dòng họ, và ít có phương thức bảo toàn pháp lý để bảo vệ sự giàu có riêng tư chống lại một chế độ quân chủ ghen tỵ.  Khuynh hướng ưa chuộng sự học và chức quyền hơn là hoạt động doanh nghiệp chính vì thế đã ăn sâu tại xã hội Việt Nam trước khi người Pháp đến nơi, và nó đã chỉ bị bỏ lại đàng sau một cách tiệm tiến.  Hậu quả, mặc dù giới tinh hoa cộng tác, do Pháp đào tạo đôi khi được gọi là giai cấp tư sản, các nhân vật lãnh đạo của nó thường không phải là những người đã trổi bật lên xuyên qua các nỗ lực kinh tế độc lập.  Họ là những kẻ nợ sự thành công của mình rất nhiều nơi sự chấp thuận của người Pháp, dành đạt được xuyên qua việc theo học tại các trường học và trường cao đẳng Pháp, hay xuyên qua sự phục vụ trong nền hành chính.  Ngay những người đã thụ tạo sự giàu có không qua chức quyền cũng có khuynh hướng làm như thế xuyên qua các cơ hội tham nhũng hay cho vay tiên hơn là qua sự kinh doanh sản xuất.  Một khuôn mẫu xã hội như thế phù hợp rất đúng với các tham vọng của Pháp nhắm cho thuộc địa của họ, không bao gồm sự phát triển kinh tế độc lập trên một quy mô rộng lớn.  Tóm lại, giới tinh hoa Việt Nam tại Nam Kỳ thuộc Pháp đã lệ thuộc rất nhiều vào người Pháp, có lẽ không tránh khỏi như thế.

II
            Giới tinh hoa do Pháp đào tạo trong thập niên 1940 tại Nam Kỳ vừa đông đảo và vừa đa dạng hơn nhóm nhỏ các người đã hoàn toàn ràng buộc với văn hóa (và quyền lực) của Pháp trong thời khoảng ban đầu của sự thống trị của thực dân.  Tiến sĩ Osborne đề cập bởi danh tính chỉ vào khoảng một tá người Việt Nam nổi tiếng phục vụ người Pháp trong thời kỳ 1860-85; và trong khi họ có thể không bao gồm tất cả những kẻ có bất kỳ kiến thức nào từ giáo dục Pháp vào lúc đó, họ chắc chắn gồm tất cả những kẻ được nhìn nhận bởi người Pháp như một giới tinh hoa thực sự.  Tình trạng của thời điểm đó tương phản rất sâu sắc với tình trạng của phần tư thế kỷ cuối cùng của sự thống trị hoàn toàn bởi người Pháp (1920-45), đã được phản ảnh rõ nét trong một quyển sổ tay tiểu sử được ấn hành năm 1943, có nhan đề Souverains et Notabilités d’Indochine [Các Chủ Nhân và Các Nhân Sĩ Của Đông Dương]. 2  Trong số các cá nhân được bao gồm trong đó 141 người là dân bản xứ của Nam Kỳ thuộc Pháp và họ tượng trưng một trắc diện trung thực số người thuộc giới tinh hoa Việt Nam mà lòng trung thành với Pháp thì (hay được tin là) không cần thắc mắc.  Một sự phân tích nhóm người này sẽ cung cấp cho chúng ta một khởi điểm quý giá trong nỗ lực để tìm hiểu tính chất của thành phần này trong xã hội Nam Kỳ.  Tám người trong số 141 người là phụ nữ, những kẻ sẽ được thảo luận riêng biệt cho đúng cách: chúng ta hãy tập trung trước tiên vào 133 đàn ông.
            Họ thuộc vào một loạt trải rộng về nhóm tuổi, và điều đôi lúc sẽ hữu ích khi phân biệt giữa những người sinh ra ở các thời kỳ khác nhau.  Các con số sau đây cho thấy sự phân bố về tuổi tác:
            Sinh ra trong khoảng 1860-79: 50 người
            Sinh ra trong khoảng 1880-99: 70 người
            Sinh ra từ năm 1900 trở về sau: 13 người
            Nhóm đầu tiên, trên 63 tuổi vào năm 1943, tất cả đều là các người đã về hưu khỏi công việc thường lệ, mặc dù nhiều người trong họ hãy còn phục vụ tại nhiều loại ủy ban hay hội đồng khác nhau.  Dĩ nhiên, họ là đại diện của sự bền  bỉ nhiều y như bất kỳ phẩm chất nào khác; nhiều kẻ cùng thời với họ với các chức nghiệp có tiếng tăm ngang hàng đã chết đi.  Nhóm tuổi trẻ nhất, những người dưới 43 tuổi vào năm 1943, cũng mang nét đặc thù trong đó, nó chỉ bao gồm những kẻ thuộc thế hệ đó đã tự mình nổi bật khi còn trẻ: mười một trong 13 người đã được giáo dục tại Pháp.  Cùng thế hệ bao gồm nhiều người, nếu sự cai trị của Pháp còn tiếp tục lâu hơn, có thể hội đủ điều kiện để được kể vào một quyển sổ tay thuộc loại này ở một thời điểm sau này trong cuộc đời: các viên chức phục vụ trong nền hành chính, thí dụ, thường đã không vươn tới các ngạch trật cao cấp cho đến khi họ ở  độ tuổi năm mươi hay lớn hơn.  Vì thế, trong nhiều khía cạnh, chính nhóm ở giữa có tính chất đại biểu nhất cho giới tinh hoa Nam Kỳ nói chung, và một số nỗ lực cần phải được thực hiện theo chiều hướng nhằm so sánh khuôn mẫu của nhóm này với khuôn mẫu tổng quát.
            Điều sẽ hữu ích để đến gần 133 người đàn ông và 8 người đàn ba này xuyên qua một số khía cạnh khác nhau trong đời sống của họ: đặc biệt, sự giáo dục (và tôn giáo) của họ, chức vụ và nghề nghiệp của họ, và sự giàu có của họ.  Khía cạnh kinh tế phải được để dành sau cùng bởi vì chính ở đó tin tức trong lý lịch ít có tính cách hữu ích nhất.  Dưới mỗi tiêu đề cần sẽ phải đặt sắp đặt tin tức về mẫu khảo sát các thành viên của giới tinh hoa này đối chiếu với căn bản rộng lớn hơn của các  thứ hạng  xã hội tại Nam Kỳ.
          Giáo Dục
Tin tức được cung cấp, hay có thể được suy luận, về sự giáo dục của Pháp trên 109 người trong số 133 đàn ông được nêu tên trong quyển sổ tay.  Ngoài những kẻ mà trường học hay khả năng được xác định, trong số này bao gồm 31 người mà sự giáo dục không được nêu ra một cách cụ thể, nhưng là những người mà nghề nghiệp hàm chứa một số lượng giáo dục tại Pháp – phần lớn các giáo viên hay các viên chức trong các ngành hành chính.  Tin tức được tóm tắt nơi Bảng 1: các con số ở đó liên hệ đến trình độ cao nhất của học vấn đạt được bởi mỗi cá nhân, có nghĩa không kiểm kê nào được lấy về sự theo học, thí dụ, tại trường Trung Học Collège Chasseloup-Laubat, bởi những người sau này sẽ theo học tại Hà Nội hay ở Pháp.  Trong thực tế, có thể phân biệt được ba trình độ tổng quát của thành quả học tập trong Bảng 1, tất cả đều cao hơn trình độ mà người Pháp đã đề cập đến (tại Nam Kỳ) như bậc đệ nhất cấp [premier degré, tiếng Pháp trong nguyên bản, chú của người dịch].  Trước tiên, là trình độ đệ nhị cấp [deuxième degré], bao gồm nhiều trường ở Sàigòn và một tại Mỹ Tho.  Quan trọng nhất trong các trình độ là Trường Trung Học Collège Chasseloup-Laubat, được thành lập năm 1874, và được đặt theo tên của cựu bộ trưởng hải quân có tiếng nói thuyết phục cho việc sự giữ lại Sàigòn thuộc Pháp vào năm 1862. 3  Bằng cao đẳng thành chung [diploma supérieur] là điều kiện sơ đẳng cho sự gia nhập vào các ngành hành chính của Nam Kỳ và Phủ Toàn Quyền Đông Dương, và bởi nhiều người được ghi tên trong quyển sổ tay này là các viên chức, điều không gây ngạc nhiên rằng Trường này đã hiện ra một cách trội bật trong Bảng 1.  Nhiều người trong số đó đã theo học tại Hà Nội hay tại Pháp, và cũng có khoảng 31 người đàn ông mà sự giáo dục có thể được suy luận, có lẽ cũng đã theo học ở đó.  Ngoài phần dành cho người Việt Nam, Trường [Chasseloup-Laubat] này cũng là trường học dành cho con trai của các người Pháp tại Đông Dương và một ít trẻ em Việt Nam theo học với tư cách con trai của những người đã mang quốc tịch Pháp.  Vì thế, vào lúc ban đầu của thế kỷ thứ hai mươi, trường này có tầm quan trọng hơn nhiều so với ba trường trung học chính khác tại Sàigòn.  Hai trong các trường này được thành lập là trường tư thục trong các năm khởi đầu: Trường Collège d’Adran (1862) là một trường Công Giáo nhưng nguyên thủy được cấp cho bảy mươi học bổng của chính quyền; và Viện Institut Taberd (1874), nguyên thủy có chủ định dành cho các trẻ con lai [métis, tiếng Pháp trong nguyên bản, chú của người dịch]. (Không rõ là ba người trong quyển sổ tay 1943 đã theo học tại đó có thực sự là dòng dõi con lai hay không).  Một trường học thứ tư ở Sàigòn, được thành lập hơi muộn hơn nhưng dần gia tăng tầm quan trọng vào khoảng thập niên 1920 và 1930, là trường Trung Học Lycée Pétrus Ký, đặt theo tên của học giả Việt Nam đầu tiên đã trước tác phong phú bằng tiếng Pháp và bằng tiếng Việt dùng mẫu tự La Mã.
            Một cơ sở ban đầu khác xuất hiện trong Bảng 1 là Trường Trung Học Collège de Mỹ Tho, rõ ràng đã cung cấp một trinh độ giáo dục thấp hơn trường Trung Học Collège Chasseloup-Laubat bởi vì nhiều học sinh đã chuyển từ trường này sang trường kia.  Trong những năm ban sơ của sự thông trị của Pháp, trước khoảng 1900, có thể gia nhập thẳng từ trường trung học Mỹ Tho vào phục vụ ngành hành chính, nhưng về sau, một sự học tập ở đó không thôi không còn được xem như hội đủ điều kiện để khởi sự đi làm.  Điều lưu ý cũng cần phải được nói đến là Trường Sư Phạm Các Giáo Chức (École Normale des Instituteurs) tại Gia Định, ngay sát Sàigòn, được thành lập năm 1895, với mục đích đào tạo các giáo viên tại các trường đệ nhất cấp [premier degré].  Vào khoảng 1920 nó có gần 200 học viên, và một vài dấu hiệu chỉ dẫn về kích thuớc công tác của nó có thể được lượm lặt từ sự kiện rằng khi đó đã có gần 900 trường tiểu học (primary) trên toàn cõi Đông Dương.  Nhưng sự kiện rằng chỉ có ba người trong quyển sổ tay 1943 đã theo học tại Trường Sư Phạm (École Normale) cho thấy nó hiếm khi nào là đường lối dẫn đến tư cách thành viên của lớp thượng tầng tinh hoa cao hơn.  Một số các định chế khác của giáo dục bậc trung học đã lớn mạnh trong thập niên 1890, nổi bật là Trường Cơ Khí Á Châu (École des Mécaniciens Asiatiques); nhưng không có cựu học sinh nào của chúng hiện diện trong quyển sổ tay.  Vì thế, sẽ là điều sai lạc khi giả định rằng 133 người đàn ông xuất hiện ở đó tượng trưng nhiều hơn một thành phần nhỏ dân Nam Kỳ đã tiếp nhận một nền giáo dục Pháp vượt quá trình độ sơ đẳng nhất.  Họ là lớp tinh hoa của giới tinh hoa.
            Một số trong 133 nhân sĩ (notabilités) năm 1943 đã theo học bên ngoài thuộc địa Nam Kỳ: một số tại Pháp, nhưng cũng có một số ở Hà Nội.  Mười ba người trong họ đã nhận được giai đoạn tiến bộ nhất trong học thức của họ tại Hà Nội, và hai người khác đã theo học tại Trường Luật trong thời kỳ đó trước khi trường này được di chuyển ra Hà Nội vào năm 1917 (theo sự thành lập của Viện Đại Học Hà Nội).  Trong mười ba người này, không ai thuộc vào lớp già nhất trong ba thế hệ của chúng ta (các kẻ sinh ra trước năm 1880), và rất ít kẻ thuộc nhóm trẻ nhất bao gồm chính yếu các người trẻ theo học tại Pháp.  Tuy nhiên, điều này không nên được xem như một dấu hiệu của một sự thăng tiến, và sau đó một sự suy giảm trong tầm quan trọng của Hà Nội như một trung tâm giáo dục cho Đông Dương trong thời Pháp thuộc.  Ngược lại, viện đại học ở đó đã mở rộng một cách đáng kể trong suốt các thập niên 1920 và 1930, và vào khoảng 1940, ngày càng trở nên thông thường cho con em của các phụ huynh không học xa hơn trường Chasseloup-Laubat, sẽ được gửi ra Hà Nội.  Tuy  nhiên, sự mở rộng đó diễn ra quá trễ để được phản ảnh nơi quyển sổ tay 1943, nơi chỉ có những kẻ trội bật nhất trong những người sinh ra sau năm 1900 mới hội đủ điều kiện để ghi vào sổ tay.  Các người này đa phần được giáo dục tại Pháp, trong khi các người trẻ tuổi hơn chỉ được học tại Hà Nội có thể sẽ không xuất hiện với sự trội vượt cho mãi đến giai đoạn sau của đời sống, sau năm 1943.  Sự mở rộng các trường và ban giảng huấn tại Hà Nội, ngay dù các tiêu chuẩn của chúng thấp hơn các tiêu chuẩn của các trường đại học Pháp, phản ảnh một sự gia tăng dần dần trong trình độ giáo dục được yêu cầu bởi các viên chức nhiều ước vọng sau năm 1917.
Bảng 1
Căn Bản Giáo Dục Của 109 Thành Viên Giới Tinh Hoa Nam Kỳ năm 1943

Nơi Học Tập, v.v…                                                     Cả Nhóm         Các Người Sinh Trong Khoảng
                                                                                                                        1880-99
Pháp v.v…                                                                   27                                13
Trường Luật (Sàigòn, sau ở Hà Nội)                              8                                  6
Trường Y Khoa, Hà Nội                                                3                                  3
Hà Nội: các trường khác                                                4                                  4
Trường Chasseloup-Laubat, Sàigòn                               19                                11
Trường Sư Phạm, Gia Định                                            3                                  3
Học Viện Taberd, Sàigòn                                               3                                  3
Trường Adran                                                                1                                ----
Trường Mỹ Tho                                                             2                                ----
Các trường xác định khác                                              2                                  1
Trường không được xác định                                         6                                  2
Chức nghiệp hàm ý một vài sự học tập ở Pháp               31                                15
______________________________________________________________________________________________________________________
Tổng Cộng                                                                   109                              61
            Trình độ tổng quát của giáo dục Pháp trong giới tinh hoa Việt Nam dần dần gia tăng trong thời kỳ thuộc địa cũng được phản ảnh trong số người theo học các trường đại học tại Pháp.  Trong số 27 người trong Bảng 1 nằm vào loại này, mười một người thuộc vào nhóm tuổi trê nhất.  Chỉ có ba người thuộc nhóm tuổi già nhất.  Trong số ba người kể sau này, hai người là con trai của các người theo Công Giáo hàng đầu đã ủng hộ Pháp từ lúc khởi đầu, tức Lê Phát Anh và Đỗ Hữu Try [?]; một người khác là Bùi Quang Chiêu [Chiểu hay Chiếu?], kẻ mà người cha đã chống đối cuộc chinh phục của người Pháp nhưng đã được tuyển chọn bởi chính quyền thực dân để đi học nước ngoài.  Ba người này không phải là những người duy nhất thuộc thế hệ họ theo học ở Pháp; vào năm 1943, họ đã là những người lớn tuổi, và những kẻ khác thuộc nhóm tuổi họ đã sẵn chết đi.  Nhưng họ là một phần của một nhóm nhỏ hơn và hưởng nhiều đặc ưu hơn các đối tác của họ thuộc thế hệ sinh ra sau năm 1900.
            Tiến Sĩ Osborne ghi nhận đã có chín mươi người Việt theo học tại Pháp ngay từ năm 1870, nhưng các người này xem ra chủ yếu là các người Công Giáo theo học các trường trung học; ít có kẻ nào có khả năng theo học các trường đại học.  Vào năm 1900 có lẽ ít thông thường hơn cho các thiếu niên đi học tại Pháp, khi mà phẩm chất của các trường tại Sàigòn được cải tiến; nhưng số các sinh viên đại học đã gia tăng, và hầu như tất cả 27 người trong Bảng 1 được biết đã nhận được cấp bằng đại học.  Vào khoảng thập niên 1920 và 1930, trong thực tế, một số người Việt Nam đã là tác giả của các luận án tiến sĩ.  Về ngành theo học, được nêu cụ thể với mọi người trừ ba trường hợp, điều đáng chú ý là trong 27 người bao gồm một một khoa học gia, kỹ sư, nhà nông học, sáu bác sĩ y khoa và nha sĩ, và bảy người tốt nghiệp về luật hay thương mại.  Không có ai là sinh viên ở văn khoa, mặc dù chúng ta hay biết rằng một số người Việt Nam có theo học tại Đại Học Sorbonne trong thập niên 1920, nổi bật là hai người theo xã hội chủ nghĩa, Nguyễn An Ninh và Phan Văn Hùm: các nhân vật nguy hiểm về chính trị như thế chắc khó khăn để tìm lối bước vào một sổ tay như loại sổ tay năm 1943, và chúng ta phải tiếp tục ghi nhớ trong đầu sự giới hạn này của tư liệu gốc rễ này.  Vào thập niên 1920, giáo dục Pháp không cách gì đồng nghĩa với lòng trung thành với Pháp.
            Một trong những kết luận đáng lưu ý nhất xuất hiện từ sự phân tích ngắn ngủi này về căn bản giáo dục của các nhân sĩ năm 1943 là tầm không quan trọng tương đối của Giáo Hội Công Giáo trong sự học tập của họ.  Ở trình độ trung học, rất đông là thành quả của trường Chasseloup-Laubat hơn là của các học viện tôn giáo được đặt tên theo [các giáo sĩ] Adran và Taberd; và chỉ có một người duy nhất trong số 109 người trong Bảng 1 (được ghi thuộc “các loại học viện xác định khác”) là đã theo học tại một chủng viện.  Trong số người theo học tại Pháp cũng thế, chỉ có ba hay bốn người đi theo con đường Công Giáo đến Marseille: phần lớn được học tập tại các trường hoàn toàn thế tục.  Bất kể vai trò của Giáo Hội ra sao trong những năm ban sơ, sẽ là một sự lầm lẫn để giả định rằng ảnh hưởng văn hóa Pháp hoàn toàn lệ thuộc vào tôn giáo trong hế kỷ thứ hai mươi, it nhất tại Nam Kỳ.  Tại Trung Kỳ (An Nam) và Bắc Kỳ (Tongking) vai trò của Giáo Hội có thể lớn hơn.  Điều xảy ra là rất có thể, tại các khu vực này, các người Công Giáo đã sẵn sàng hơn các kẻ khác để chấp nhận lối học của Pháp hơn là cách học cổ truyền, ít nhất là trước thập niên 1920.  Người ta phải cẩn trọng chớ áp dụng một cách quá dễ dãi các kết quả của cuộc nghiên cứu này về Nam Kỳ cho Việt Nam, như một toàn thể.
          Chức Vụ và Nghê Nghiệp. 
Quyển sổ tay 1943 mang lại tin tức khá đầy đủ về chức nghiệp, và nó cho thấy 106 người trong tổng số 133 người đàn ông Nam Kỳ đã, hay từng, giữ các chức vụ chính thức hay có nghề nghiệp chuyên môn.  Trong số những người có sự huấn luyện chuyên môn, phần lớn được tuyển dụng trong một số chức vụ (thường, nhưng không phải luôn luôn, trong công việc chính phủ), và không hơn nửa tá thuộc nghề chuyên môn hoàn toàn độc lập với bất kỳ tổ chức nào.  Các con số này xem ra hậu thuẫn (không nhất thiết chứng minh, tự bản thân chúng) cho ấn tượng rằng người Việt Nam đã nhìn sự học tập như một đường lối dẫn đến chức vụ, và hiếm bao giờ như một phương cách để kinh doanh độc lập, trong doanh nghiệp hay bất kỳ lãnh vực nào khác.
            Tin tức về 106 người này được tóm tắt nơi Bảng 2; một lần nữa, các con số tổng quát được so sánh với các con số dành cho nhóm tuổi ở giữa.  Có thể chia họ thành bốn loại nghề nghiệp chính.
Bảng 2
Các Viên Chức Và Nghề Nghiệp Chuyên Môn Của 106 Người Thuộc Giới Tinh Hoa Nam Kỳ, 1943

Nghề Nghiệp                                                                Cả Nhóm         Các Người Sinh Trong Khoảng
                                                                                                                        1880-99
Các Công Việc Hành Chính Tổng Quát
a. Nam Kỳ và Phủ Toàn Quyền                                   37                                35
b. Các xứ bảo hộ Trung Kỳ - Bắc Kỳ                            5                                ----
Quân Đội                                                                     5                                  3
Dạy Học                                                                      14                                7
Y Khoa                                                                        8                                 7
Dịch Vụ hay Hành Nghề Pháp Lý                                 4                                  2
Nông Học, Kỹ Sư, v.v…                                               6                                 ----
Chánh Tổng                                                                 7                                   2
Tổng Cộng                                                                   106                              56

1. Công việc chính phủ tổng quát. 
Loại này đến nay là loại đông đảo nhất, bao gồm hơn phân nửa của cả nhóm lẫn nhóm tuổi ở giữa.  Phần lớn 62 người liên hệ đã phục vụ, hay có phục vụ, tại chính Nam Kỳ, mặc dù một số được tuyển dụng bởi Phủ Toàn Quyền và trên lý thuyết phải chịu sự bổ nhiệm đến các nơi khác trong Liên Bang Đông Dương.  Tuy nhiên, cả năm người trừ một người thuộc nhóm tuổi lớn nhất, phục vụ cho các chính quyền của các xứ Bảo Hộ Trung Kỳ và Bắc Kỳ.  Một trong những người nổi bật nhất trong họ là ông Trần văn Thông [?] (1875-19?), nguyên quán Biên Hòa, đã gia nhập ngành hành chính Bắc Kỳ năm 1907 và leo lên chức tổng đốc [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch] tỉnh Nam Định, với phẩm tước cao cấp hàng đại học sĩ [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch].  Một người khác, Ngài Nguyễn Văn Hiên [?] (1877-19?), gia nhập chính quyền Trung Kỳ năm 1894 và sau một số sự bổ nhiệm cấp tỉnh đã lên đến hàng thượng thư phụ trách cung điện trong thời khoảng 1926 đến 1932.  Nhưng đây là các nhân vật ngoại hạng, và trong các thế hệ sau này, đã ít có nhu cầu hay cơ hội hơn cho những người sinh đẻ trong Nam Kỳ đi theo tấm gương của họ.  Đối với phần lớn, công việc chính phủ có nghĩa phục vụ tại Nam Kỳ, nhưng thường (ít nhất ở các chức vụ cao hơn mở ra cho người Việt) tại một tỉnh khác hơn tỉnh nguyên quán của chính mình.
            Một chức nghiệp không phải là không điển hình, của một viên chức được ghi nhận một cách đặc biệt về lòng trung thành của ông ta đối với nước Pháp, đó là hoạn lộ của ông Trần Văn Mang [?], sinh tại Sàigòn năm 1899.  Ông đã theo học, lần lượt, các Trường Mỹ Tho và Chasseloup-Laubat, và đậu bằng Trung Học hay bằng Thành Chung[brevet, tiếng Pháp trong nguyên bản, chú của người dịch] năm 1917.  Đã gia nhập công việc hành chính tại Phủ Toàn Quyền, không lâu sau đó ông đã được gửi đi học tại Trường Pháp Chính (École de Droit) tại Hà Nội, nơi mà ông đã tốt nghiệp vào năm 1921.  Sau đó ông đã trải qua một số năm tại một nhiệm sở chính thức tại Hà Nội, trước khi quay trở lại một số chức vụ tại Nam Kỳ.  Đã trúng tuyển kỳ thi nhập ngach tri huyện [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch], ông đã được bổ làm tri phủ [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch] trong năm 1928.  Năm 1930 – trong suốt các cuộc biểu tình và gần như nổi loạn tại một số tỉnh Nam Kỳ, ông đã được phái xuống Cao Lãnh với một nhiệm vụ đặc biệt để ổn định khu vực.  Sau cùng trong năm 1936 ông được giao phó loại chức vụ cao cấp nhất mà ông ta có thể kỳ vọng dưới sự cai trị thực dân, làđại biểu [délégué, tiếng Pháp trong nguyên bản, tức chức quận trưởng [?], chú của người dịch] của Ba Tri (thuộc tỉnh Bến Tre); và trong năm 1937 ông lên đến ngạch cao cấp nhất trong công vụ tại Nam Kỳ, ngạch đốc phủ sứ [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch].  Ông hãy còn phục vụ trong năm 1943, và đã được tuyên dương với Huy Chương Long Tinh (Order of the Dragon) trong năm 1941. Ông nộp đơn, và đã được chấp thuận, được trở thành công dân Pháp trong năm 1928.  Những người như thế thật thiết yếu đối với sự cai trị của Pháp tại Việt Nam, và – dưới mắt nhìn của người Pháp – quá xứng đáng để được tưởng thưởng vì các sự phục vụ của họ.  Nhưng không kẻ nào được ủy thác cho các trách vụ cao nhất.  Mãi đến năm 1945, sau thời kỳ vô lãnh đạo do Nhật Bản gây ra (Tháng Ba – Tháng Tám, 1945), người Pháp mới thăng chức cho một người Việt Nam vào chức vụ điều hành cấp tỉnh: sự lựa chọn của họ đổ xuống ông Nguyễn Văn Tâm (sinh năm 1895), đã gia nhập vào ngành hành chính năm 1913, trở thành một công dân Pháp năm 1927, và leo lên ngạch đốc phủ sứ năm 1934 sau khi được củ làm đại biểu (délégué) tại Cai Lậy; giờ đây ông được cử làm nhà quản trị hành chánh[administrateur, tiếng Pháp trong nguyên bản, tức chức tỉnh trưởng [?], chú của người dịch] tỉnh Tân An, và sau đó trở thành thủ tướng của Quốc Gia Liên Kết Việt Nam (Associated State of Viet-Nam) (1952-3). 5
            57 người thuộc loại này xuất hiện trong Bảng 2, dĩ nhiên, chỉ là lớp tinh hoa trong ngành hành chính.  Trong các năm 1938-9 có đến 159 viên chức Việt Nam thuộc ngạchcán bộ cao cấp [cadre supérieur, tiếng Pháp trong nguyên bản, chú của người dịch] phục vụ tại Nam Kỳ, và có vào khoảng một tá người khác – thí dụ các thông dịch viên – được bổ nhiệm vào một vị thế tương tự. 6  Bởi quyển sổ tay 1943 bao gồm nhiều viên chức đã về hưu, khối người có một con số vô định ở bất cứ một thời điểm nào, không mấy chắc rằng 57 người được nêu tên ở đó tương đương nhiều hơn một phần năm hay một phần tư số viên chức và cựu viên chức có ngạch trật cao cấp nhất.  Ngoài ra, có một số lượng lớn hơn rất nhiều các người Việt Nam được tuyển dụng vào các chức vụ thư ký thấp hơn, những kẻ có thể được nói thuộc vào lớp tinh hoa chừng nào họ có một số sự học vấn tại Pháp, nhưng là những kẻ không bao giờ leo lên đến các chức vụ có tầm nổi bật nào.  Vì thế, ở đây một lần nữa, chúng ta đang chỉ nói về một “lớp tinh hoa trong giới tinh hoa” mà thôi.
          2. Phục Vụ Trong Quân Đội. 
Người Việt Nam được tuyển mộ để phục vụ dưới sự lãnh đạo của người Pháp ngay từ những ngày sớm nhất của nền cai trị của thực dân, nhưng chỉ ở các trình độ thấp nhất.  Ngoài các người Việt Nam sau này gia nhập quân đội Pháp, có rất ít cơ hội để leo lên các chức vụ có bất kỳ tầm quan trọng nào trong một binh nghiệp.  Mãi đến năm 1950 người Pháp mới sằn sàng cho phép có một quân đội Việt Nam với các sĩ quan riêng của nó.  Tuy thế, quyển sổ tay 1943 bao gồm 5 người Nam Kỳ theo đuổi binh nghiệp, mặc dù một số người trong họ có thể đã được gồm vào vì các hoạt động sau khi đã về hưu hơn là vì các hoạt động quân sự của họ.  Hai nhân vật quân sự đáng được nêu danh ra.  Thái Văn Chanh [Chánh?], sinh tại tỉnh Cần Thơ năm 1874, gia nhập quân đội Pháp năm 1893 và phục vụ tại Madagascar (1900-5) và tại nước Ivory Coast (Bờ Biển Ngà Voi) (1905-8), sau đó kết thúc binh nghiệp của ông ta sau thời kỳ phục vụ tại Âu Châu từ 1914 đến 1916.  Ông ta trở thành công dân Pháp năm 1896, và được thưởng Chiến Công Bội Tinh(Croix de Guerre) năm 1911 và Huy Chương Danh Dự [Chương Mỹ Bội Tinh?] (Légion d’Honneur) khi về hưu.  Sau khi trở lại Việt Nam, ông ta mua một nhà máy làm muối và một số ruộng đất, và cũng trở thành một Phật tử tích cực, đến nỗi vào năm 1943, ông là Phó Chủ Tịch Hội Nghiên Cứu Phật Học.  Thuộc về một thế hệ trẻ hơn nhiều, ông Nguyễn Văn Xuân (sinh năm 1892) đã là người Việt Nam đầu tiên theo học Trường Bách Khoa (École Polytechnique) (khóa năm 1912).  Ông phục vụ trong quân đội Pháp trong Thế Chiến Thứ Nhất, được gắn huy chương tại Verdun, và leo lên cấp Trung Tá pháo binh, có quốc tịch Pháp trên đường binh nghiệp. Sau Thế Chiến Thứ Nhì, ông trở nên một chính trị gia tích cực, và là thủ tướng, trước tiên của Nam Kỳ và sau đó của Việt Nam, giữa các năm 1947 và 1949.  Trong thực tế, ông đã là người đầu tiên của một loại sĩ quan quân đội Việt Nam mới sắp đảm nhận tầm quan trọng đáng kể trong đời sống chính trị của Nam Việt Nam sau năm 1954.  Nhưng giữa lớp tinh hoa năm 1943, ông ta thực sự là một quân nhân độc nhất.
          3. Công Việc Chuyên Môn. 
Trong các lãnh vực hành chính tổng quát và quân sự, người Pháp không làm gì khác hơn việc tạo lập tại Việt Nam các phiên bản của chính họ cho một điều gì đó đã từng hiện diện tại xã hôi thời tiền Pháp thuộc.  Những người gia nhập vào guồng máy của Pháp, đặc biệt, không làm gì khác hơn việc thay thế nền giáo dục truyền thống của một học giả Khổng Nho bằng một số biện pháp của nền giáo dục tổng quát của Pháp, nói chung thuộc một loại sơ đẳng hơn.  Nhưng người Pháp cũng giới thiệu ý tưởng về kỹ năng chuyên môn, dựa trên giáo dục chuyên biệt hóa trong một số ngành học tập tuyển chọn.  Đến mức độ mà họ cho phép hay khuyến khích người Việt Nam thụ đắc một nền giáo dục thuộc loại đó, chúng cũng có một tác động quan trọng trên cả văn hóa lẫn kỹ thuật của chính quyền quản trị đất nước.  Chúng ta đã sẵn nhận thấy rằng 27 nhân sĩ năm 1943 được học tập tại Pháp, và nhiều người trong đó chuyên môn trong một ngành cá biệt của sự học tập chuyên môn, nổi bật về canh nông, kỹ sư, y khoa, nha khoa, thương mại và luật học.  Một số ít người khác thụ đắc sự huấn luyện chuyên môn hóa thuộc một loại kém tiền tiến hơn tại Hà Nội, đặc biệt trong ngành y khoa.  Hơn nữa, loại giáo dục này trở nên thông thường hơn trong các thập niên 1920 và 1930.  Nhưng chỉ một thiểu số nhỏ bé nhìn nó như dẫn đến một sự hành nghề chuyên môn độc lập, và họ có thể là những người còn có các nguồn lợi tức khác, chẳng hạn như đât đai.  Một nhân vật trội bật trong số các trường hợp ngoại hạng này là Bác Sĩ Nguyễn Văn Thinh (1888-1945) người đã theo học tại Viện Institut Pasteur ở Paris và đã viết luận án bác sĩ về bệnh phù thủng (beri-beri); nhưng ông là một đại điền chủ cũng như là một bác sĩ y khoa.  Ông bước vào chính trị năm 1926 như một người theo phe Lập Hiến (Constitutionalist), thành lập Đảng Dân Chủ (Democrat Party) năm 1937, và trong năm 1946 đã trở thành người cầm đầu một chính phủ Nam Kỳ “tự trị” do Pháp bảo trợ; nhiệm kỳ của ông kết thúc với sự tự vẫn. 7
            Phần lớn 18 nhà chuyên môn trong Bảng 2 (tạm thời không kể các giáo chức) thuộc vào một số loại công việc ở các định chế, và nhiều người phục vụ chính phủ.  Người lớn tuổi nhất trong họ, và không phải là người ít đặc sắc nhất, là ông Bùi Quang Chiêu (1873-1945), kẻ đã tốt nghiệp từ Viện Canh Nông Quốc Gia (Institut National Agronomique) năm 1897 và đã phục vụ chính phủ từ khi đó cho đến năm 1926 khi ông ta gia nhập Hội Đồng Thuộc Địa (Conseil Colonial) với tư cách lãnh tụ của Đảng Lập Hiến (Constitutionalist Party. 8  Canh nông dần trở nên được ưa thích như một ngành học trong thập niên 1920, và một vài nhân sĩ trẻ tuổi nhất đã hội đủ điều kiện để có mặt trong đó [quyển sổ tay]: thí dụ, Châu Tâm (phán đoán từ danh tính, ông ta người gốc Trung Hoa), người đã đủ khả năng để theo học tại cùng học viện ở Paris năm 1933 và sau đó theo học về kỹ thuật trồng lúa gạo tại Ý Đại Lợi trước khi bước vào Sở Canh Nông tại quê nhà; năm 1939, ông trở thành giám đốc Trường Canh Tác Lúa Gạo (École de Rixculture) ở Cần Thơ.
          4. Dạy Học. 
Một số các người này đã thụ đắc các khả năng chuyên môn hóa, cũng như một số chỉ có một nền giáo dục tổng quát, đã trở nên các giáo chức – cũng là một hoạt động truyền thống cho các học giả tại Việt Nam thời tiền Pháp thuộc.  Giáo chức được xem trọng gần như bằng quan chức-học giả, đặc biệt tại làng của chính người đó.  Sự tăng trưởng của các định chế giáo dục dưới thời cai trị của Pháp đã sẵn được chỉ dẫn, và các trường học này phải được cung cấp nhân viên bằng các người có học đã đạt được một trình độ này hay trình độ kia.  Mười bốn giáo chức trong Bảng 2 rõ ràng tượng trưng khối không gì khác hơn chóp đỉnh của tảng băng.  Hai thí dụ sẽ cho thấy loại giáo chức hội đủ điều kiện ghi vào quyển sổ tay 1943.  Ông Nguyễn Thành Giung, sinh ra tại tỉnh Sa Đéc năm 1894, theo học tại trường Chasseloup-Laubat và sau đó tại Đại Học University of Marseille, đỗ bằng tiến sĩ khoa học (doctorat-ès-sciences) năm 1923.  Năm 1926, ông trở thành giáo sư (professeur) tại Trường Sư Phạm Đào Tạo Các Giáo Chức (École Normal des Instituteurs), và sau đó đảm nhận các chức vụ tại trường Chasseloup-Laubat và trường Lycée Petrus Ký, trước khi trở thành giám đốc trường Collège de Mỹ Tho.  Ông Trần Văn Giang [?], mặt khác, sinh ra gần Tây Ninh trong năm 1894, không theo học nơi nào khác ngoài trường Collège Chasseloup-Laubat (1892-5) và sau đó phục vụ như một thày giảng (instituteur) tại Sàigòn và Tây Ninh, cho đến khi ông trở thành thanh tra các trường học tại Tây Ninh từ 1926 đến 1931.  Ông đã được gồm vào, theo giả thuyết, do công việc hành chính của ông trong tư cách kể sau, và chính nhờ đó mà ông được phong hàm tri phủ danh dự khi về hưu.  Đa số các giáo chức trong quyển sổ tay đã được bổ nhiệm vào các trường nhà nước, nhưng một người không xứng với một sự đề cập quá ngắn ngủi: ông Lương Văn Hau [?] (sinh năm 1897), theo học tại Trường Cao Đẳng Thương Mại (École de Commerce Supérieur) ở Hà Nội, và sau đó dạy học tại nhiều trường thương mại tư thục khác nhau ở Sàigòn, trước khi mở một trường của chính ông trong năm 1930; ông đã kết hợp việc dạy học với công việc một kế toán viên cho nhiều xí nghiệp kinh doanh.  
          5. Các Chánh Tổng (Canton-chiefs). 
Bảy trong số các nhân sĩ năm 1943 đã giữ các chức vụ chính thức thấp hơn là chánh tổng [chef de canton, tiếng Pháp trong nguyên bản, chú của người dịch].  Nhưng trong khi các viên chức của các đơn vị lớn hơn trong guồng máy hành chính địa phương được bổ nhiệm bởi chính quyền trung ương từ số nhân viên thường lệ của nó, chánh tổng là một người địa phương được tuyển chọn trong số các cư dân hàng đầu tại các làng thuộc tổng của người đó.  Một chức nghiệp đại diện từ các chánh tổng được ghi trong quyển sổ tay là chức nghiệp của ông Nguyễn Duy Hinh (sinh năm 1874) tại làng Đại Điền [?] (tỉnh Bến Tre).  Ông đã được bổ nhiệm nhiều chức vụ tại xã của ông, leo từ biện lại [? Tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch] lên đến xã trưởng (village manager) trong năm 1901, và hương sư [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch] (cố vấn về các điều lệ) trong năm 1904.  Ông làm chánh tổng trong hai mươi ba năm (1913-36), và khi hồi hưu, được phong tặng hàm đốc phủ sứ danh dự; trong năm 1942, ông được nhận làm hội viên nhận lãnh Huy Chương Danh Dự (Légion d’Honneur).  Ông nhiều phần sở hữu đất đai, bởi ông xem ra là người có một số tài sản, được ghi nhận do việc làm từ thiện của ông; nhưng không có điều gì trong tiểu sử của ông cho thấy ông đạt được các chức vụ của mình bằng bất kỳ đường lối giáo dục nào.  Về khía cạnh này, ông và sáu chánh tổng khác trong Bảng 2 khác biệt một cách rõ rệt với số người còn lại: họ rất có thể biết tiếng Pháp, nhưng họ không cần phải là kẻ học cao (ngay cả theo các tiêu chuẩn của dân Nam Kỳ).  Các người này không phải là thành phần của lớp thượng tầng tinh hoa, trong ý nghĩa này; và trong thực tế, chỉ một số rất nhỏ trong họ xuất hiện trong quyển sổ tay.  Có hơn hai trăm tổng tại Nam Kỳ, và chỉ có bảy người trong họ được bao gồm: quá ít so với tỷ lệ các viên chức cao cấp hơn được liệt kê.  Sự cộng tác của các người như thế dù thế có tính cách quan trọng sinh tử cho sự cai trị của người Pháp, và vị thế của họ trong xã hội địa phương rất quan trọng.  Có lẽ hay nhất là nhìn họ như tầng lớp cao nhất của một giới tinh hoa loại khác với giới tinh hoa do Pháp đào tạo có cuộc sống tập trung tại Sàigòn và các thị trấn chính.  Song làm như thế có thể gặp phải sự rủi ro của việc tạo ra một sự khác biệt quá lớn lao giữa hai nhóm, bởi đôi khi có các quan hệ gia đình giữa hai nhóm.  Ông Nguyễn Duy Hinh là một trường hợp được nói đến này: một trong các con trai của ông, ông Nguyễn Duy Quan [hay Quân?] theo học tại Pháp, và với bằng cử nhân luật khoa [licence en droit] và bằng tốt nghiệp cao đẳng thương mại [diploma des hautes études commerciales], ông bước vào ngành công vụ chính phủ và nhận được, trong năm 1935, một sự bổ nhiệm quan trọng tại triều đình hoàng gia ở Huế.  Ông Bùi Quang Chiêu cũng là con của một viên chánh tổng và được phong hàm đốc phủ sứ danh dự. 9  Vì thế, về mặt xã hội, người ta không thể xem các chánh tổng như thuộc vào một tầng lớp riêng biệt khỏi giới tinh hoa thành thị do Pháp đào tạo.
          Sự Giàu Có 
Quyển sổ tay 1943 ít hữu dụng hơn nhiều khi đi đến một sự thảo luận về các tình huống kinh tế của các nhân sĩ của nó, và một sự phân tích thấu đáo là điều bất khả.  Người ta có thể nhận thấy rằng 17 trong số 133 người được nói một cách cụ thể là có tài sản về đất đai hay làm việc chính yếu trong sự quản trị điền sản của gia đình, nhưng khó có thể nói rằng những người này là các người duy nhất thu hoạch một phần lợi tức của họ từ đất đai.  Sự nghèo nàn về tin tức kinh tế khiến không thể, một cách không may, đưa ra bất kỳ sự lượng định nào về tầm mức theo đó giáo dục và chức quyền đã mang lại phần thưởng kinh tế.  Tất cả những gì chúng ta có thể làm được là việc ghi nhận một số nhỏ các cá nhân trong quyển sổ tay có hoạt động chính yếu là sự quản trị một điền sản hay một xí nghiệp kinh doanh.  Thí dụ nổi bật nhất là ông Trương Văn Bền, kẻ hẳn phải là một trong những người Việt Nam giàu có nhất trong thời của ông ta; ông nguyên quán ở Chợ Lớn, sinh năm 1883, và được nghĩ là có dòng dõi Trung Hoa.  Ông được trình bày như một “nhà kỹ nghệ” (industriel), là một trong các nhân vật hàng đầu trên bước tiến để phát triển các kỹ nghệ Việt Nam trong thời kỳ khoảng 1918: vào lúc đó ông khởi sự một nhà máy xay lúa và nhà máy chế tạo dầu, và trong năm 1932 ông đã bổ túc vào chúng bằng một nhà máy sản xuất xà bông.  Trong thời khoảng ở giữa, ông là giám đốc Hội Trồng Lúa Gạo ở Tháp Mười (Socíété Rizicole de Tháp Mười), sở hữu 10,000 mẫu tây (hectares) đất, từ năm 1925 đến 1932.  Trong năm 1931, ông được nói là sở hữu 18,000 mẫu đất, nhưng không rõ rằng liệu điền sản là tài sản cá nhân của ông hay chỉ là tài sản của một công ty. 10  Ông không hề giữ một chức vụ hành chính nào, nhưng trong năm 1918, ông được cử vào Hội Đồng Thuộc Địa (Conseil Colonial); và hai năm sau đó ông là một hội viên của Phòng Thương Mại (Chambre de Commerce), nơi ông đã là phó chủ tịch từ năm 1932 đến 1941; từ 1924, ông cũng phục vụ trong ủy ban quản trị hải cảng Sàigòn.  Rất ít các người Việt Nam không phải là quan chức lại có thể thụ hưởng được sự thành công đến thế trong lãnh vực kinh tế.  Tuy nhiên, có một số ít người ghi trong quyển sổ tay đã thừa hưởng thành quả của sự thành công của cha ông họ và là các kẻ có thể sống một cuộc đời nhàn hạ.  Một trong những người đó là ông Jacques Lê Văn Đức, sinh năm 1887 tại tỉnh Mỹ Tho, từ một gia đình Công Giáo.  Cha của ông phục vụ trong ngành hành chính từ năm 1884 cho đến 1919 và đã đóng một vai trò tích cực trong sự trấn áp các hội kín trong phân nửa sau của chức nghiệp của ông; bản thân ông Lê Văn Đức, theo học tại Học Viện Institut Taberd và đại học ở Marseille, có phục vụ trong thời gian ngắn như một phụ tá lục sự [? commis-gréffier] ở Sàigòn trước khi xin nghỉ vào năm 1913 để quản trị các tài sản gia đình.  Từ đó trở đi ông ta được ghi nhận chính yếu về các sự tặng dữ ba ngôi trường mới và các cuộc du lịch của ông sang Âu Châu và Á Châu.  Điều có lẽ gây ngạc nhiên rằng quyển sổ tay 1943 đã không bao gồm nhiều hơn nhóm nhỏ các kẻ thuộc loại như ông ta.  Một sự giải thích khả hữu rằng tại nhiều gia đình, các tài sản được trông coi bởi người con trai trưởng là những kẻ không thiết gì đến việc giáo dục hay chức quyền, nhưng ở lại nhà để sống một cuộc đời hoàn toàn khác biệt với cuộc sống của các người em của họ: một đời sống không mấy khi dẫn họ đến sự nổi bật trong các giới của Sàigòn.  Một cách đáng chú ý, ông Bùi Quang Chiêu là một người con thứ, có người anh lớn hơn, ông Trứ [?], sống tại Mỏ Cày và có vẻ như không thụ nhận một nền giáo dục của Pháp hay bất kỳ loại chức quyền nào.  Ở đây, có lẽ, chúng ta có một phần của sự giải thích tại sao tin tức trong quyển sổ tay lại quá yếu về đề mục tài sản và sự giàu có; đó là một đề mục quá phức tạp để được ghi nhận trong tiểu sử của các cá nhân.
            Điều cũng không dễ dàng để lấp đầy khoảng trống này bằng cách tham chiếu các nguồn tài liệu khác.  Các tài liệu cung ứng hiện nay không đủ giúp làm một cuộc phân tích bao quát sự giàu có và tài sản của giới tinh hoa Nam Kỳ; có lẽ không có tài liệu nào như thế hiện hữu, bởi các điền chủ Việt Nam không có thói quen phô trương chi tiết đời sống kinh doanh của họ, và có thể các nhà chức trách Pháp không có mấy quan tâm để việc tọc mạch quá sâu vào công việc của họ.  Nguồn thống kê duy nhất có bất kỳ sự dính dấp nào đến vấn đề là cuộc thăm dò của tác giả Y. Henry về kinh tế nông nghiệp trong năm 1930. 11  Tại mười bốn tỉnh mà ông khảo sát, ông tìm thấy có đến 244 người đăng ký như là các sở hữu chủ nhiều hơn 500 mẫu ruộng lúa.  Nhưng ông không quan tâm đến họ như các cá nhân, và khi xét đến sự kiện rằng cuộc thăm dò của ông đặt trên các con số quyền sở hữu của các tổng và xã, không thể biết là liệu ông có tránh được sự nguy hiểm của việc đếm trùng một số sở hữu chủ đến hai lần hay không.  Cũng không thể biết đâu là tỷ lệ các sở hữu chủ là người Pháp.  Tuy nhiên, một điều thì rõ rệt: đến nay số lượng lớn nhất của các điền sản hơn 500 mẫu tây tọa lạc tại các tỉnh miền Tây, nổi bật là Rạch Giá, Bạc Liêu, Long Xuyên, và Sa Đéc.  Các tỉnh này là các khu vực được khai hoang trong các thập niên 1920 và 1930, và nhiều phần là một viên chức hay doanh nhân Việt Nam thành công sẽ đầu tư tiền bạc của mình ở đó.  Tuy nhiên, tình trạng thay đổi ở mọi thời, và người ta không thể biết chắc rằng khuôn mẫu của thập niên 1930 có giống như khuôn mẫu của năm 1943 hay không.  Bởi một việc, các áp lực kinh tế trong thập niên 1930 đã khiến cho các điền chủ tính các giá thuê đất cao hơn một cách tương ứng, và buộc các tiểu điền chủ phải vay tiền với lãi suất cao hơn.  Nhiều đất dai đã được sang nhượng qua tay, và đã có một cơ hội cho các kẻ tàn nhẫn nhiều tiền để đầu tư thụ tạo các tài sản tại mọi phần đất nước, không chỉ ở các vùng đất mới thuộc miền tây.
            Như trong lãnh vực giáo dục và chức vụ, điều cần thiết để nhận thấy rằng không phải tất cả các điền chủ quan trọng đều xuất hiện trong quyển sổ tay 1943, và trong thực tế, ít cá nhân mà sự nghiệp như các điền chủ được khảo cứu một cách đễ dàng nhất đã lại không được gồm trong đó. Trường hợp nói đến là của ông Trần Trinh Trạch (sinh năm 1874), người vẫn còn sống vào lúc có cuộc cải cách ruộng đất năm 1956-7, khi ông ta phủ nhận đã sở hữu nhiều đến 28,000 mẫu đất. 12  Ông đã bắt đầu cuộc sống trong một gia đình người Hoa nghèo khổ tại tỉnh Bạc Liêu, và đã trở thành một thư ký chính phủ trong năm 1898.  Như một thông dịch viên giữa các viên chức người Pháp và các thương gia gốc Hoa, ông đã có đủ cơ hội để làm giàu cá nhân hầu về hưu vào năm 1903 và tậu một số đất đai.  Việc cho vay tiền giúp ông kiếm nhiều lợi  nhuận hơn nữa, và vào năm 1930, ông đã xây dựng được một tài sản gồm 15,000 mẫu đất, con số sau này ông đã bổ túc thêm 10,000 mẫu nữa trong suốt thập niên 1930. Sự vắng mặt của chính ông trong quyển sổ tay 1943 cho thấy sự giàu có không thôi đã không phải là một tiêu chuẩn cho sự bao gồm.
            Trước khi tiến xa hơn, chúng ta cần dừng lại để đề cập ngắn gọn đến tám người phụ nữ của Miền Nam Việt Nam xuất hiện trong quyển sổ tay 1943.  Năm người trong họ xuất hiện chỉ vì họ là vợ, góa phụ hay thân nhân của các người đàn ông nổi tiếng.  Trong một loại đặc biệt của riêng bà, có bà Nguyễn Hữu Hào: con gái của ông Lê Phát Đạt, một trong những người nổi tiếng nhất trong các kẻ cộng tác (collaborateurs) [với Pháp] hồi thế kỷ thứ mười chín.  Bà kết hôn với ông Nguyễn Hữu Hào, người thuộc một gia đình điền chủ Công Giáo khác, nhưng đã mất đi trong năm 1937; con gái của họ được chọn làm vợ và hoàng hậu của ông vua Bảo Đại.  Bà ta chính vì thế thuộc vào một lớp tinh hoa trong giới tinh hoa của các gia đình người Nam Kỳ vừa có sự giàu có lẫn sự chấp nhận xã hội cao nhất trong mắt người Pháp.  Một người khác trong năm người đàn bà này là cháu của một kẻ cộng tác ban đầu khác khác, Trần Bá Lộc, và đã kết hôn với một người con trai của nhân vật nổi tiếng Trương Vĩnh Ký.  Mặt khác, ba người phụ nữ trong số tám người có thể chứng minh cho sự bao gồm bởi chức nghiệp chuyên môn của chính họ.  Một người là bác sĩ y khoa, được đào tạo ở Pháp và tại Hà Nội; người thứ nhì là một giáo chức tại Trường Nữ Sinh (École de Jeunes Filles) tại Sàigòn; và người thứ ba là một kịch sĩ, Lê Thị Phỉ [Phỉ?], người đã xuất hiện như cô đào hàng đầu của sân khấu cải lương (reformed) Việt Nam nở rộ từ thập niên 1930.  Dù thế, như được hay biết rõ, các phụ nữ Việt Nam thụ hưởng một vai trò có vài tầm quan trọng đàng sau sinh hoạt chính trị và xã hội Việt Nam, điều được xem là một sự canh cải đáng kể cho phụ nữ rời khỏi nhà trước khi kết hôn và để theo học cho một chức nghiêp độc lập.  Ba người phụ nữ chuyên nghiệp này vì thế tượng trưng cho các sự khởi sự đầu tiên của một khuynh hướng rất quan trọng trong thực tế.

III
            Quyển sổ tay 1943 cung cấp cho chúng ta một căn bản chi tiết tiểu sử cho sự thảo luận các đặc tính chính của lớp có thể được mệnh danh là “thượng tầng tinh hoa” của Đông Dương thuộc Pháp.  Hai nhóm người, tuy thế, vẫn chưa được nói đến nhưng phải được nhìn như thuộc vào giới tinh hoa theo một nghĩa rộng hơn.  Một là nhóm trong thực tế có một ít đại diện trong quyển sổ tay: tức những người thuộc vào văn hóa truyền thống nhiều hơn là vào văn hóa Pháp.
            Trong nhóm đầu tiên có thể nói đến ba nhà sư Phật Giáo trong quyển sổ tay 1943: cả ba đều là trụ trì của các đền thờ (“chùa”) tại khu vực Sàigòn-Chợ Lớn, và con đường tu đạo của họ thì giống nhau. Ông Huỳnh Văn Phước, thí dụ, sinh ra tại tỉnh Gia Định năm 1883, thụ giới ở chùa Giác Viên tại Chợ Lớn lúc bảy tuổi, và đã dành suốt cuộc đời của ông để tu đạo ở đó.  Trong năm 1941, ông đã lên đén hàng giáo phẩm cao nhất của Phật Giáo ở Việt Nam, tức hòa thượng [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch]; và trong năm 1943 ông là trụ trì của chùa.  Trong cuộc đời tu đạo của mình ông không có liên hệ nào cả với giới tinh hoa do Pháp đào tạo mà chúng ta đang thảo luận; nhưng không thể không có khả năng rằng ông có liên quan đến các người trở thành viên chức hay hành nghề chuyên môn.  Một cách chính xác về lý do tại sao ba nhà sư Phật Giáo này đã được lựa ra, từ một số lượng đông đảo các trụ trì của các ngôi chùa tại Nam Kỳ, thì khó mà biết rõ; có thể được nghĩ rằng là do các thân nhân của họ.  Hai người khác cũng có thể được nêu như một phần của loại này: không phải là các nhà sự nhưng là những người có sự giáo dục bằng tiếng Trung Hoa.  Về ông Thái Xuân Lai [?], chúng ta chỉ biết rằng học vấn của ông là bằng Hoa ngữ, và rằng trong năm 1935 ông được phong hàm đốc phủ sứ và được nhận lãnh Huy Chương Danh Dự (Légion d’Honneur).  Sự nghiệp của ông không được  biết rõ; ông sinh ra tại tỉnh Cần Thơ, và điều không phải là không khả dĩ rằng ông ta trong thực tế là một thành viên lãnh đạo của cộng đồng người Hoa.  Ông Nguyễn Chánh Sắt, sinh ra tại Châu Đốc năm 1869, cũng có thể thuộc dòng dõi Trung Hoa; nhưng ông cũng là một học giả, người đã làm nhiều việc để nối liền hai văn hóa, cổ truyền và hiện đại.  Cho đến năm 1906, ông chính yếu là một thầy giáo dạy tiếng Trung Hoa; từ đó trở về sau, ông bước vào nghề viết báo và xuất bản, phiên dịch nhiều sách tiếng Hoa thành văn tự la mã hóa, chữ quốc ngữ [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch], và có một lúc làm biên tập cho tờ báo Nông Cổ Mín Đàm.  Nhưng vào năm 1943 ông đã là một người già cả, và không dễ dàng để lập lại sự nghiệp của ông trong các thế hệ trẻ hơn tại Nam Kỳ: trong số các nhân vật văn chương nổi tiếng, ông có nhiều đối tác tại miền Bắc và miền Trung Việt Nam hơn là tại miền Nam.
            Đạo Phật không phải là tôn giáo duy nhất có đại diện trong quyển sổ tay 1943.  Có lẽ điều đáng ngạc nhiên, chỉ có một tu sĩ Công Giáo sinh ra tại Nam Kỳ được gồm trong đó: tức ông Nguyễn Bá Tòng, sinh ra tại Gò Công năm 1868, người trong năm 1935 đã trở thành vị giám mục Việt Nam đầu tiên tại Phát Diệm (Bắc Phần).  Nhưng quyển sổ tay cũng bao gồm một số người, mặc dù sự kiện này không được nói ra, được biết là thuộc vào một giáo phái mới ở Nam Kỳ, đạo Cao Đài. 13  Theo giáo lệnh của tôn giáo đó, các tu sĩ của họ trong đạo được phép cũng có một chức nghiệp bên ngoài (trừ khi họ là các nhân vật có giáo phẩm rất cao), khiến cho các người quan tâm đến là các viên chức hồi hưu.  Ông Võ Văn Thơm [?] (sinh năm 1868, tại tỉnh Vĩnh Long), đã là một thông dịch viên tại Sở Tư Pháp (Service Judiciaire) từ năm 1890 đến 1915, và sau này là một hội viên của Hội Đồng Thuộc Địa (Conseil Colonial).  Trong năm 1926, vợ ông trở thành một đệ tử của người sáng lập đạo Cao Đài, ông Ngô Văn Chiêu, và hai năm sau đó, chính ông đã trở nên tích cực trong phong trào tại Cần Thơ.  Ông Nguyễn Văn Kiên [?] (sinh năm 1878, tại tỉnh Mỹ Tho) phục vụ trong ngành hành chính từ năm 1898 đến 1932, và đã hồi hưu với hàm đốc phủ sứ;; không lâu sau đó ông được biết là người cầm đầu đạo Cao Đài tại tỉnh Mỹ Tho, mặc dù ông bị nghi ngờ bởi các đối thủ trong đạo của ông về việc bán mình cho các nhà chức trách Pháp nhằm phân hóa giáo phái thành hai cánh.  Có thể có các người khác được ghi danh trong quyển sổ tay cũng đi theo đạo Cao Đài.
            Tuy nhiên không phải tất cả các nhân vật quan trọng của đạo Cao Đài đều có vẻ được nhìn với sự chấp nhận bởi người Pháp, bởi nhiều người trong họ đã biểu lộ vào năm 1942 rằng họ chống lại Pháp và thân với Nhật Bản.  Một số còn bị bắt giam bởi chính phủ.  Bởi trong đạo Cao Đài, mối quan hệ truyền thống giữa tôn giáo và chính trị đã tìm thấy sự diễn đạt mới, và nó chứng tỏ đặc biệt hấp dẫn đối với các người mà nền giáo dục Pháp không có nghĩa là sự cam kết chính trị, cũng như đối với một số người nhận thấy nó đã không dẫn đến sự thành công cá nhân.  Hai trong các nhân vật Cao Đài quan trọng nhất năm 1943 là các ông Nguyễn Ngọc Tương và Phạm Công tắc.  Ông Nguyễn Ngọc Tương (1881-1951) đã có một sự nghiệp không khác chút nào với sự nghiệp của nhiều người trong số 57 nhà hành chính được gồm trong quyển sổ tay: ông đã theo học tại các trường Mỹ Tho và Chasseloup-Laubat, sau đó bước vào ngành hành chính năm 1902; ông đã leo lên tới ngạch tri phủ  vào năm 1930, khi ông về hưu để dành trọn thời giờ của mình cho tôn giáo.  Ông thuộc một gia đình hạnh phúc và có một nền giáo dục tốt, và trong các tình huống khác, địa vị đứng đầu thánh thất Cao Đài ở Bến Tre mà ông đã thành lập năm 1934 có thể dư điều kiện để ông được xem là thuộc vào giới tinh hoa.  Người tranh dành lớn nhất của ông trong phong trào, ông Phạm Công Tắc (1893-1958), kẻ đã trở thành người đứng đầu giáo phái tại Tây Ninh năm 1934, cũng là một cựu nhân viên hành chính, nhưng ở cấp thấp hơn nhiều, làm công việc thư ký.  Ông ta đã về hưu năm 1926 để đóng một vai trò lãnh đạo tại Tây Ninh, và vào năm 1943 bị bắt giam vì các tình cảm thân Nhật Bản của ông.
            Các người theo đạo Cao Đài, đến một tầm mức đáng kể, đã quay lưng với sự giáo dục của Pháp và tìm kiếm sự thỏa đáng trong một sự giải thích mới của một tôn giáo truyền thống.  Các người Việt Nam khác với một sự giáo dục của Pháp, đặc biệt trong số những người đã từng theo học ở các đại học Pháp, quay lưng lại với cả nền văn hóa cổ truyền lẫn cơ hội thăng tiến dưới sự bảo trợ của thực dân; thường họ trở thành các chính trị gia cánh tả.  Không thể đưa ra cùng loại phân tích có hệ thống về sự nghiệp của họ như đã được toan tính với các nhân sĩ trong quyển sổ tay, nhưng có một ít thí dụ rất nổi tiếng.  Trội bật lên là trường hợp của ông Nguyễn An Ninh (1900-1943), người đã theo học Đại Học Hà Nội trong thời gian ngắn khoảng năm 1918, trước khi theo học về luật tại Pháp.  Ông về nước với mảnh bằng cử nhân (licence) trong năm 1925, nhưng vào lúc đó đã sẵn tham gia vào việc thành lập một tờ nhật báo cấp tiến bằng tiếng Pháp tại Sàigòn, tờ La Cloche Fêlée (Cái Chuông Rè), và đã viết các bài báo đòi hỏi nước Pháp phải giữ đúng các lý tưởng của chính nó về tự do và bình đẳng tại Việt Nam.  Ông không bao giờ tính toán việc đi làm quan chức, nhưng vào năm 1927 đã thành lập một hội kín nhằm thiết lập một quốc gia Việt Nam theo xã hội chủ nghĩa; vì thế ông đã bị bắt giữ và tống giam.  Ông lại tích cực trong chính trị tả phái sau khi được phóng thích, và trong năm 1937 đã tìm cách tổ chức một Hội Nghị Toàn Đông Dương (All-Indochina Congress), cũng như một loạt các cuộc đình công.  Bị bắt giam một lần nữa, ông đã chết năm 1943 tại Poulo Condore (Đảo Côn Sơn). 14  Hai nhân vật cánh tả nổi tiếng khác, cả hai theo chủ thuyết của Trotsky, cũng đã theo học đại học tại Pháp.  Ông Tạ Thu Thâu, trở về từ Pháp năm 1932 sau một thời hoạt động tích cực trong chính trị của sinh viên ở đó, đã là linh hồn thúc đẩy đàng sau tờ báo của phe Trotskyist, tờ La Lutte (Tranh Đấu); phụ tá thân cận của ông là ông Phan Văn Hùm (sinh năm 1902), người mà sự học tập về triết lý tại đại học Sorbonne tạo điều kiện để ông trở thành lý thuyết gia của nhóm, cũng như tác giả của các tác phẩm về triết học Trung Hoa. 15  Chủ nghĩa Trotskyism đặc biệt lôi cuốn đối với thanh niên Việt Nam học tập tại Pháp, đã không được chấp nhận đối với Việt Minhcũng như với phe dân tộc chủ nghĩa “cánh hữu”.

IV
            Sự phân tích trên đây về thượng tầng tinh hoa năm 1943, cùng với một số sự nhận định về các giới hạn của nguồn tài liệu chính yếu sử dụng, làm phát sinh một số câu hỏi về bản chất của giới tinh hoa chỉ có thể được trả lời bằng việc cứu xét đến bằng cớ khác: thí dụ, bằng cớ cung cấp bởi các nhật báo bằng tiếng Pháp, mà số lưu hành được giới hạn trong cộng đồng do Pháp giáo dục.  Đặc biệt, người ta có thể thắc mắc rằng giới tinh hoa này thực sự là một cộng đồng đồng nhất đến đâu, tách biệt với phần còn lại của xã hội.  Câu hỏi này đòi hỏi một số sự khảo sát đến khuôn khổ định chế của giới tinh hoa, vốn được phát triển sâu rộng hơn trong các thập niên 1930 và 1940 so với tình trạng của thời thuộc địa ban sơ.
            Các định chế mới phát triển trong thế kỷ thứ hai mươi có thể được phân chia thành ba loại chính: giáo dục, kinh tế, và chính trị.  Các định chế giáo dục thực sự được theo học bởi thanh niên Việt Nam muốn tìm kiếm một sự giáo dục của Pháp đã sẵn được ghi nhận.  Về mặt xã hội, ảnh hưởng của chúng sẽ là việc tạo lập các bước khởi đầu của một cảm nhận về cộng đồng trong số các học trò và sinh viên của chúng, và ý nghĩa này đã được tăng cường bởi một số các định chế khác theo đó các cựu học viên có thể gia nhập sau này trong cuộc sống.  Có lẽ có tầm tầm quan trọng đặc biệt là Hội Ái Hữu Các Cựu Học Sinh Trường Chasseloup-Laubat (Amicale des Anciens Élèves du Collège Chasseloup-Laubat) đã thể hiện vào năm 1919 khi ông Bùi Quang Chiêu là chủ tịch của Hội. 16  Nó đã đóng một vai trò quan trọng trong sự xuất hiện, vào thời điểm đó, của đảng Lập Hiến (Constitutionalist Party) dưới sự lãnh đạo của ông Chiêu.  Một nhóm khác, mở rộng vòng tay hơn của các người Việt Nam có học thức, là Hội Giáo Dục Tương Trợ Của Nam Kỳ (Socíété d’Enseignement Mutuel de la Cochinchine), được thành lập vào khoảng năm 1908; đến năm 1918, nó đã có bảy chi nhánh tại các tỉnh khác nhau, và tiếp tục bành trướng trong thập niên 1920. 17  Nhiều nhân sĩ trong sổ tay 1943 đã tích cực hoạt động trong đó, và nó có lần được nói là có liên hệ chặt chẽ với Đảng Lập Hiến.  Các hội này bao gồm chủ yêu, nếu không phải toàn thể, người Việt Nam.  Cũng có ít nhất một hội văn hóa mà thành viên chủ yếu là người Pháp nhưng vào thập niên 1930 có bao gồm một số người Việt Nam: Hội Nghiên Cứu Đông Dương (Socíété des Études Indo-chinoises), được thành lập năm 1883.  Năm 1938, hội có bốn mươi hội viên người Việt Nam, kể cả các hội viên qua thư tín, và hai người Việt Nam ngồi trong ủy ban; tổng số hội viên vào lúc đó chỉ khoảng gần 300 người. 18
            Người Việt Nam theo học tại Paris ở vào một tình trạng khác biệt, nơi mà họ chưa bao giờ nhiều hơn một thiểu số tí hon tại các trường mà họ theo học.  Bước tiến đầu tiên cung cấp khuôn khổ định chế cho người Việt Nam tại Pháp là sự tạo lập một Hội Tương Trợ Các Người Đông Dương (Association Mutuelle des Indochinois) tại Paris trong năm 1920.  Hội đã được tái tổ chức trong năm 1922, và đã có 34 người Việt Nam trong buổi lễ khai mạc của hội, ngoài Hoàng Đế Khải Định và thượng thư Phạm Quỳnh, đang thăm viếng nước Pháp vào lúc đó.  Trong thập niên 1920, việc theo học tại Paris ngày trở nên thời thượng, và trong năm 1928 các bước tiến đã được thực hiện để tạo lập một Nhà Đông Dương (Maison d’Indochine) tại Thành Phố Đại Học (University City), nay vẫn còn hiện hữu ở đó. 19  Một trong những tính chất quan trọng của các định chế này là, không giống như các định chế tại chính Nam Kỳ, chúng đã tập hợp người Việt Nam từ các miền khác nhau của đất nước, chính từ đó ở một khía cạnh nào đó, phá vỡ chủ nghĩa cấp miền địa phương vốn luôn luôn hiện diện ở mọi cấp, trừ các mức độ xã hội cao cấp nhất.
            Các định chế kinh tế của giới tinh hoa bao gồm một số doanh nghiệp có bản chất thương mại, các tổ chức khác có mục đích bảo vệ các nhóm quyền lợi.  Một trong các tổ chức quan trọng nhất, hiện diện tại hầu hết các tỉnh, là Nghiệp Đoàn Canh Nông (Syndicat Agricole).  Tổ chức sớm nhất được thành lập là nghiệp đoàn tại tỉnh Mỹ Tho, trong năm 1912.  Nhiều tổ chức được đề cập đến trong tiểu sử của các nhân sĩ trong sổ tay năm 1943, các kẻ đã đóng một vai trò hàng đầu trong các hoạt động của chúng: những nghiệp đoàn tại Long Xuyên và Cần Thơ, được thành lập vào năm 1919, của Vĩnh Long, được lập ra trong năm 1922, và các nghiệp đoàn của Biên Hòa và Bà Rịa, cả hai thành hình vào năm 1927.  Trong năm 1919, cũng có thành lập một Nghiệp Đoàn Toàn Quốc các Người Trồng Lúa Gạo (Syndicat National des Riziculteurs) nhằm phát huy các quyền lợi của các chủ điền.
            Sự thành lập của nó là một phần của một nỗ lực tổng quát vào lúc đó, về phía các thành viên của giới tinh hoa Việt Nam, nhằm phá vỡ thị trường độc quyền của người Trung Hoa trong hoạt động thương mại và kỹ nghệ tại Nam Kỳ; nó bao gồm một cuộc tẩy chay không thành công mậu dịch Trung Hoa, và sự thành lập một Hội Thương Mại An Nam (Socíété Commercial Annamite). 20  Phong trào không thành công lắm, nhưng nó đưa đến sự khai sinh một khối lượng nào đó trong hoạt động doanh nghiệp Việt Nam, và đã mang lại sự thúc đẩy cho nỗ lực của các chủ điền Việt Nam để bảo vệ các quyền lợi của chính các nhà sản xuất gạo.  Ông Trương Văn Bền, người mà sự nghiệp đã được đề cập đến trước đây, đã là một trong những người thành công nhất có hoạt động kinh doanh khởi sự vào thời điểm này.  Sau này, các định chế kinh tế khác được phát triển, đặc biệt trong lãnh vực tín dụng.  Hội Tín Dụng An Nam (Société Annamite de Crédit), thành hình vào năm 1932, được điều hành bởi một nhóm bao gồm nhiều nhân sĩ trong sổ tay 1943: giám đốc của hội là ông Lê Văn Gong [?] (sinh năm 1896), đã thu thập được các kinh nghiệm kinh doanh khi làm việc tại các ngân hàng Pháp tại Hán Khẩu và Thiên Tân [2 thành phố của Trung Hoa, chú của người dịch] giữa các năm 1919 và 1926. 21
            Đời sống kinh tế của Đông Dương vào thời điểm này bị chi phối tối hậu bởi người Pháp, và chính người Pháp đã khống chế tại các hội đồng lập ra để quy định về mậu dịch, canh nông v.v…  Phòng Canh Nông (Chambre d’Agriculture) và Phòng Thương Mại (Chambre de Commerce) mỗi phòng gồm hai hội viên Việt Nam, chống lại mười hay hơn nữa số người Pháp.  Trong năm 1928, Toàn Quyền đã thiết lập một hội đồng để đại diện các quyền lợi kinh tế quan trọng của toàn Liên Hiệp Đông Dương: Đại Hội Đồng Các Quyền Lợi Kinh Tế và Tài Chính của Đông Dương (Grand Conseil des Intérêts Économiques et Financiers de l’Indochine). 22  Trong số 23 hội viên bản xứ của nó, đối với 28 người Pháp, thường có khoảng năm hay sáu người từ Nam Kỳ.  Trong năm 1939, hội đồng được cải cách, để loại bỏ tất cả sự chỉ định các hội viên của viên Toàn Quyền, và cho phép một loạt rộng rãi hơn các quyền lợi sẽ được đại diện.  Nhưng chỉ hơn một năm sau đó, trong Tháng Mười Một 1940, nó đã bị đình chỉ vì lý do tình trạng chiến tranh và không bao giờ được phục hồi.  Kế thân của nó, Hội Đồng Liên Bang (Conseil Fédéral), được lập ra trong năm 1941 và sau đó được tái tổ chức vào năm 1943, hoàn toàn là một bộ phận được chỉ định, mặc dù nó đã có một đa số người bản xứ vào năm 1943.  Nhiều nhân sĩ trong quyển sổ tay 1943 đã đóng giữ một vai trò trong các bộ phận khác nhau này.  Một thí dụ nổi bật là ông Nguyễn Tấn Được [?], sinh ra tại tỉnh Sa Đéc năm 1884, đã phục vụ trong chính quyền từ 1904 đến 1918, sau đó từ chức để thành lập Nghiệp Đoàn Canh Nông (Syndicat Agricole), trong đó ông là chủ tịch cho đến năm 1923.  Ông thuộc vào Phòng Canh Nông (Chambre d’Agriculture) từ 1925 đến 1938, và vào Đại Hội Đồng Các Quyền Lợi (Grand Conseil des Intérêts, 1929-37.  Từ năm 1922 đến 1939, ông cũng là một hội viên của Hội Đồng Thuộc Địa Nam Kỳ.    
            Nếu có bất kỳ định chế nào tại Nam Kỳ có thể được nói đã là tiêu điểm cho hoạt động chính trị của phía giới tinh hoa, đó chính là Hội Đồng Thuộc Địa (Conseil Colonial)23  Được thành lập năm 1980 [sic, nhiều phần phải là 1890, chú của người dịch], không lâu sau khi có sự bổ nhiệm viên thống đốc dân sự đầu tiên cho Nam Kỳ, các thành viên Việt Nam ban đầu của nó là những người mà người Pháp có thể trông cậy do sự vâng lời ngoan ngoãn trước bất kỳ điều gì mà chính phủ đưa ra.  Tiến Sĩ Osborne nêu ý kiến rằng nhiều người trong họ đã chỉ trông chờ một mệnh lệnh của Pháp, ngay cả trong việc theo dõi các cuộc thảo luận, chứ đừng nói đến nói việc tham gia một cách hữu hiệu.  Nhưng trong thập niên thứ nhì của thế kỷ thứ hai mươi, một thế hệ mới của người Việt Nam có học thức hơn, đã bắt đầu khai triển một thái độ phê phán hơn đến các công việc, và bắt đầu bày tỏ các ý tưởng của họ tại hội đồng.  Chính trong khung cảnh này mà một nhóm lãnh đạo bởi ông Bùi Quang Chiêu đã thành lập Đảng Lập Hiến năm 1917, và đã tổ chức phong trào kinh tế chống lại người Hoa năm 1919.  Các đòi hỏi của họ về sự thay đổi kinh tế, giáo dục, và chính trị đạt được một số thành công nhỏ trong ít năm sau đó.  Đặc biệt, trong năm 1922 chính Hội Đồng Thuộc Địa được cải tổ: trước đây nó có mười tám hội viên, bao gồm cả sáu người Việt Nam được bàu cử chỉ bởi 1,500 người, các đại biểu từ các hội đồng xã; giờ đây, số hội viên của nó đã gia tăng lên 22, gồm cả 10 người Việt Nam, và những người kể sau này sẽ được bàu cử theo quyền công dân cho phép khoảng 21,000 người được bỏ phiếu. 24  Điều này đã mang lại lợi thế cho giới tinh hoa thành phố, chống lại ảnh hưởng trước đây của các thân hào thôn xã, và các đảng viên Lập Hiển hưởng lợi từ sự thay đổi.  Trong năm 1926, họ có được tất cả mười ứng cử viên của mình được bàu trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, và đã có thể khống chế phe Việt Nam trong hội đồng từ đó cho đến cuộc bàu cử năm 1939, khi ba người theo phe Trotsky (Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, và Trần Văn Thạch) đánh bại các đối thủ phe Lập Hiến của họ.  Mặc dù hội đồng đã không trao cho các hội viên Việt Nam của nó bất kỳ thực quyền nào cả, nó phục vụ như một tiêu điểm cho một số hoạt động chính trị đơn giản chỉ bởi sự kiện rằng nó liên can đến các cuộc bàu cử, và tư cách hội viên mang lại tư thế, nếu không phải là điều nào khác.  Ít nhất mười lăm nhân sĩ trong sổ tay 1943 đã là hội viên của hội đồng này vào một thời khoảng nào đó.
            Sự phát triển định chế khác có tầm quan trọng cho sự tăng trưởng sự nhận thức về chính trị cũng như văn hóa trong giới tinh hoa là sự tạo lập một số tờ báo bằng Pháp ngữ, được sở hữu, hay viết, bởi người Việt Nam.  Ở đây cũng vậy, Đảng Lập Hiến đã dành được sự lãnh đạo, với tờ La Tribune Indigène (Diễn Dàn Bản Xứ), thành lập năm 1917; nó tồn tại mãi cho đến năm 1925, và sau này được thay thế bởi tờ La Tribune Indochinoise (1926-42).  Một tờ báo ban đầu khác, với khuynh hướng cải cách là tờ L’Écho Annamite (Tiếng Vang An Nam) của ông Nguyễn Phan Long (1920-31).  Trong suốt thập niên 1920, cũng có một số tờ báo Pháp ngữ cấp tiến hơn, nổi bật là tờ La Cloche Fêlée của Nguyễn An Ninh (1923-26); tờ L’Annam của ông Phan Văn Trường (1926-28), tờ báo mà cuộc sống được kết thúc trong một phiên tòa chính trị quan trọng xét xử chủ biên của nó cùng các ký giả khác; và tờ La Lutte của ông Tạ Thu Thâu (1934-39).  Nhưng cũng có xuật hiện một số tờ báo cánh hữu thuộc các người Việt Nam có quan tâm độc nhất là cung cấp một tiêu điểm cho lòng trung thành với chính quyền thực dân, thí dụ, tờ Progrès Annamite (Sự Tiến Bộ Của An Nam) của ông Lê Quang Trinh [?], thành lập năm 1924 sau một cuộc tranh luận giữa ông Trinh và ông Bùi Quang Chiêu; và tờ L’Impartial {Khách Quan, Vô Tư] (1917-42), thành lập bởi người Pháp lai (métis] Henry Chavigny.  Vào thập niên 1930, cũng có một nền báo chí tích cực bằng Việt ngữ, và mặc dù báo chí quốc ngữ [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch] chịu các hạn chế kiểm duyệt gắt gao, sự xuất hiện của một tờ nhật báo hay tuần báo bị yểu tử sau một tờ khác cho thấy rằng đã có một nhu cầu gia tăng về văn chương của loại này, và một khát vọng còn tích cực hơn nữa để đáp ứng nhu cầu.  Bảy tờ nhật báo (hay ba lần một tuần) và mười chín tờ tuần báo bằng Việt ngữ hiện diện tại Sàigòn trong năm 1938 là kết quả. 25  Dĩ nhiên, các tờ báo này đã không chỉ hạn chế vào giới độc giả biết tiếng Pháp; vì thế, chúng không thuộc, theo nghĩa nghiêm ngặt, phạm vi của cuộc nghiên cứu này.  Nhưng cả báo bằng tiếng Pháp lẫn tiếng Việt đều quan trọng trong việc góp phần tạo ra một loại bàu không khi chính trị mới, trong đó “công luận” có thể là một yếu tố tiềm năng và trong đó một loại tinh hoa mới có thể bắt đầu thao diễn ảnh hưởng văn hóa và chính trị.
            Song khi tất cả các điều này đã được trình bày, không thể tránh khỏi sự kiện rằng các loại định chế mới này đã phát triển trên nền tảng của một khuôn khổ định chế cổ xưa hơn.  Hoàng triều và các định chế liên hệ không còn quan trọng tại miền Nam; nhưng thị tộc truyền thống vẫn tồn tại và có thể còn được tăng cường hơn bởi sự thăng trầm của một đất nước nằm dưới sự thống trị của ngoai bang. Nhóm thân nhân quyến thuộc hay thị tộc, trong thực tế, quá mạnh – ngay trong năm 1943 – đến nỗi người ta phải thú nhận sau hết rằng một cuộc thăm dò giới tinh hoa Việt Nam qua tiểu sử của các cá nhân không thể chứa đựng toàn thể sự thực về giới tinh hoa đó.  Trong một số khía cạnh nào đó, đúng là cá nhân được tự do để tạo đời sống theo điều mà người ấy sẽ hay có thể làm.  Nhưng sự thành công của một người không chỉ là của riêng của  người đó: các thành quả của nó được kỳ vọng sẽ được chia sẻ cho toàn thể gia tộc người đó, và tài sản theo truyền thống là một vấn đề của gia tộc chứ không phải cho các quyết định cá nhân.  Không phải toàn thể thân nhân, dĩ nhiên, sẽ thụ hưởng ở cùng mức độ từ sự thành công của một viên chức cao cấp hay một viên kỹ sư giàu có: những thân thích gần nhất sẽ nhận được phần lớn, và những kẻ khác có lẽ chỉ nhận được một cách gián tiếp.  
            Mỗi người trong 133 đàn ông và 8 phụ nữ mà sự nghiệp đã là chủ đề chính của cuộc khảo sát này phải được nhìn như một thành viên của một nhóm thân nhân quyến thuộc. Điều rất có thể được lập luận rằng giới tinh hoa đích thực của Nam Kỳ không bao gồm các cá nhân nhiều cho bằng số các gia tộc nổi tiếng, trong phạm vi đó những người này chỉ là những cá nhân trội bật nhất.  Sự hiểu biết như chúng ta có được về các gia tộc này cho thấy chúng liên kết với nhau qua hôn thú, thường xuyên qua các sự kết hôn được dàn xếp theo cùng trình độ về kinh tế.  Trừ khi tất cả điều này được cứu xét đến, một sự phân tích thống kê không thôi về các sự nghiệp cá nhân có thể mang theo cùng với nó mối nguy hiểm của việc bị đánh lừa một cách nghiêm trọng./-                                    
___
CHÚ THÍCH
1. Milton E. Osborne, The French Presence in Cochinchina and Cambodia, Rule and Response (1859-1905), Ithaca, 1969.
2. Hà Nội, 1943: Tập sách này rất hiếm, bản sao dùng cho bài viết này được chụp từ một vi phim tại Trung Tâm East-West Centre, Honolulu.  Quyển sách được xếp theo mẫu tự ABC và không đánh số trang.  
3. Về trường này và các định chế giáo dục ban đầu khác, xem Osborne, sách đã dẫn, các trang 105, 160.
4. Osborne, sách đã dẫn, trang 4.
5. D. Lancaster, The Emancipation of French IndoChina, London, các trang 209, 283, 431.
6. Annuaire Administratif d’Indochine 1938-9, từ trang 544 trở về sau.  Tuy nhiên, trong số 159 người này, chỉ có khoảng hai mươi người leo lên ngạch cao cấp nhất, đốc phủ sứ.
7. Tham khảo, Philippe Devillers, Histoire du Vietnam de 1940 à 1952, Paris, 1952, các trang 66, 173, 270.
8. Muốn có bài viết đầy đủ hơn về chức nghiệp của ông ta, xem, R. B. Smith, “Bùi Quang Chiêu and the Constitutionalist Party in French Cochinchina”, Modern Asian Studies, vol. 3: 2, April 1969, các trang 131-50. [Bản dịch sẽ được đăng tải nơi đây].
9. Bùi Quang Đại [?], ở Mỏ Cày (chết năm 1930), La Tribune Indochinoise, 25 April 1930.
10. Anh Văn và J. Roussel, Movements Nationaux et Lutte de Classes au Vietnam (Publications de la IVe Internationale), Paris, 1947?, trang 66; trưng dẫn một diễn văn của Toàn Quyền Pasquier hôm 25 Tháng Mười Một, 1931.  Cùng nguồn tài liệu nói rằng ông Bùi Quang Chiêu có 1,500 mẫu đất; và ông Nguyễn Văn Kiên [?] (được nói đến bên dưới, nơi trang 475 [của nguyên bản], có 5,500 mẫu đất.
11. Y. Henry, Économie Agricole de l’Indochine (Hanoi, 1932).
12. Robert L. Sansom, The Economics of Insurgency in the Mekong Delta of Vietnam, Cambridge, Mass., 1970, trang 24; tin tức dựa trên các cuộc phỏng vấn tại tỉnh Bạc Liêu.
13. Về lịch sử đạo Cao Đài, xem R. B. Smith, “An Introduction to Caodaism; I: Origins and Early History”, Bulletin of the School of Oriental and African Studies (London), xxxiii, 1969-70, từ trang 336 trở đi.  Nó bao gồm các chi tiết về tiểu sử của các ông Nguyễn Ngọc Tương, Phạm Công Tắc và các nhân vật Cao Đài hàng đầu khác.
14. Về chi tiết sự nghiệp của ông, xem Avenir du Tonkin, 5 May 1926; và nhật báo ở Sàigòn, tờ Dân Quyền, 15-16 August, 1964.
15. Tham khảo M. Durand và Nguyễn Trần Huân, Introduction à la Littérature Vietnamienne, Paris 1969, các trang 125, 211-12; và I. M. Sacks, “Marxism in Vietnam”, trong sách biên tập bởi F. N. Trager, Marxism in South-east Asia, Stanford, 1960, từ trang 127 trở về sau.
16. La Tribune Indigène (Saigon), 5, 29 July 1919.
17. Cùng nơi dẫn trên, 27 June 1918; 5 March 1928, v.v…
18. B. S. E. I., n. s., xiii, no. 2, 1938, các trang 253-63.
19. La Tribune Indigène, 15 Feb. 1921, 19 Sept. 1922, và 27 Aug. 1928.
20. Cùng nơi dẫn trên, 5 Sept. 1919, v.v…
21. La Tribune Indochinoise, 11 Jan. 1932.
22. Roger Pinto, Aspects de l’Évolution Gouvernementale de l’Indochine Francaise, Saigon and Paris, 1946, từ trang 54 trở về sau.
23. Cùng nơi dẫn trên, từ trang 43 trở về sau.
24. Cùng nơi dẫn trên, và “Rapport du Gouverneur de la Cochinchine, 4e trim., 1922”, Văn Khố Quốc Gia, Sàigòn, S. L. 366
25. Được đếm từ Mục Lục Báo Chí Việt Ngữ 1865-1965, Sàigòn, 1966.           
-----
NguồnR. B. Smith, The Vietnamese Élite of French Cochinchina, 1943, Modern Asian Studies, Cambridge University, London, 6, 4(1972), các trang 459-482.

Ngô Bắc dịch
30/11/2009   
    

© gio-o.com 2009



0 Comments:

Post a Comment



Bài đăng Mới hơn Bài đăng Cũ hơn Trang chủ


Khảo Sử trên Facebook