http://www.asianpassages.com/
Li Tana và Nola Cooke
dịch sang Anh ngữ và chú giảiDẫn Nhập
Ngô Bắc dịch
Tài liệu này được viết bằng tiếng Hán cổ điển bởi một quan chức Việt Nam phục vụ tại miền đông Căm Bốt. Li Tana, ngườI đã thông dịch nó sang Anh ngữ, tìm thấy bản văn tại Viện Hán Nôm tại Hà Nội, Việt Nam, trong sưu tập các bài viết về địa dư được gọi là Chư dư chí tạp biện [có kèm chữ Hán, chú của người dịch]. Ký số lưu giữ trên ngăn chứa là VHv 1729. Nhan đề của bản văn có vẻ cố ý dập theo khuôn mẫu của tập ký sự từ thế kỷ thứ mười ba nổI tiếng về xứ Căm Bốt được viết bởi một du khách Trung Hoa, Chu Đạt Quan (Zhou Daguan (1), nhưng tài liệu này đã được biên tập vội vã hơn nhiều so với nhan đề của nó. Chắc hẳn nó đã được soạn thảo để đáp ứng lời yêu cầu vào năm 1838 của vị Vua thứ nhì triều Nguyễn, Minh Mạng, muốn có tin tức về xã hội, kinh tế, và phong tục của Căm Bốt (2). Vào lúc đó, triều đình Việt Nam đã từ bỏ chính sách trước đó của nó ít nhiều là một quyền đồng chủ tể (với Xiêm La) trên vương quốc Căm Bốt để nghiêng về việc sáp nhập công khai nó vào quốc gia Việt Nam]. Trong bản văn này, cũng như trong các văn bản khác cùng thời, khu vực này vì thế được gọi là “Trấn Tây”, trong tiếng Việt có nghĩa “khu bảo hộ miền tây”. Sự chiếm đóng của Việt Nam trong thế kỷ thứ mười chín gây nhiều tai họa trên đất Căm Bốt đã chỉ chấm dứt vào năm 1847, sau nhiều năm đấu tranh chua chát làm khô kiệt ý chí và khả năng của Việt Nam để tiếp tục chiến đấu chống lại các cuộc nổi dậy của dân tộc [Căm Bốt] và sự xâm lăng của Thái Lan trong thập niên 1840.
Các chú giải là của Nola Cooke và Li Tana.
Văn Bản
Trấn Tây [khu bảo hộ miền tây] vốn là đất Khmer. Trong các thời đại cổ xưa, nó được gọi là Chân Lạc [phải là Chân Lạp, chú của người dịch] (3) và được chia làm hai phần, “Đất” [Thổ hay Hỏa Chân Lạp, chú của người dịch] và “Nước” [Thủy Chân Lạp, chú của người dịch] (4) vốn có triều cống triều đình chúng ta (5). Nhưng mãi đến khi các tiên vương của chúng ta mở mang [lãnh thổ] và tạo lập các nền tảng [của quốc gia] tại miền nam, chúng ta mới bắt đầu chiếm hữu “Thủy” Chân Lạc [phải là Chân Lạp, như đã nói trên, chú của người dịch], bao gồm sáu tỉnh ngày nay tức Biên Hòa, Gia Định, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang và Hà Tiên. “Thổ” Chân Lạc [ ? Lạp] được gọi là Cao Man. Nó có triều cống nước ta từ nhiều đời và yêu cầu chúng ta bảo hộ. Trong thời trị vì của vua Gia Long (1802-1819) hoàng đế có ra lệnh một đội quân trú đóng tại biên giới thuộc tỉnh An Giang và nó thường được gọi là Trạm Châu Đốc (Châu Đốc Post). Nó bảo hộ [“Thổ” Chân Lạc [?Lạp] chống lại sự tấn công của Xiêm La. Sau này Phiên Vương (6) đã di chuyển về phía tây đến một địa điểm được gọi là Nam Vang (7). Đây là thị trấn chính của Trấn Tây ngày nay.
Dưới thời trị vì của vua Minh Mạng [1820-1840], vua Cao Man không có con trai kế ngôi và bốn người con gái thì ngang hàng nhau và không thể trị vì xứ sở. {Vua chúng ta] vì thế đã ra lệnh cho đôi quân của Tham Tán Trấn Hộ (Bình Định và Bảo Hộ) Tướng Quân (8) chuẩn bị khẩu phần gạo và gửi cho chính quyền [Việt Nam bảo hộ] (9) để [nó có thể] quản lý đất nước và thiết lập các chính quyền [quận hạt] tại đó. Mười một phủ (prefectures) [đang được thiết lập] là: Trấn Tây, Nghi Hòa, Nam Ninh, Võ Công, Hà Bình, Mỹ Lâm, Sơn Tĩnh, Hải Đông, Hải Tây, Ninh Thái và Quảng Biên; và 25 huyện (districts) là: Phong Nhương, Thượng Phong, Nam Thái, Nam Thịnh, Phù Nam, Kỳ Tô, Thái An, Bình Xiêm, Trung Hà, Chân Tài, Phúc Lai, Hải Ninh, Tập Ninh, Trưng Thụy, Mỹ Tài, Hoa Lâm, Quế Lâm, Sơn Đông, Hải Bình, Thâu Trung, Ngọc Bia, Giang Hữu, Nam Thành, và Vĩnh Trường. Tất cả các đơn vị này đều duy trì các sự liên lạc với các tỉnh [Việt Nam] kề cận, theo cùng cách thức mà An Biên và Tịnh Biên được quản lý bởi Hà Tiên, và Ba Xuyên được quản lý bởi An Giang.
Các nước lân cận của nước này là Xiêm La về phía tây và Ai Lao ở hướng bắc. Nó được bao phủ bởi rừng và nhiều dòng sông chằng chịt. Sông Trường Giang phát nguyên tại tỉnh Vân Nam, và sông Cửu Long (10) chảy ngang qua [các tỉnh Việt Nam là) Hưng Hóa, Thanh Hóa, và phần trên của Nghệ An (nơi nó được gọi là Không Giang) trước khi nó vươn tới Trấn Tậy, nơi nó chia thành bốn nhánh (11). Dòng nước hạ lưu là các con sông Tiền và sông Hậu (12), trong khi ở phía trên [tức nhánh khác] dòng nước trở thành Hồ Hải [tức Biển Hồ hay hồ Tonle Sap], rộng đến nỗi người ta không nhìn thấy bờ hồ bên kia. Nếu thuận gió, mất chừng một ngày và một đêm để tới đó (13). Có hai đảo nhỏ trên đường đi gọi là đảo Cam và đảo Nhăn, và nhiều khu vực đất cát, cùng nhiều vùng nước sâu và vùng nước cạn. Nước thì ngọt và nhiều cá ở đó. Mặc dù không có nước biển, nhiều loại hải sản được tìm thấy ở đó, khiến cho hồ [có vẻ] không khác gì biển. Các thuyền của Khmer và những thuyền từ Lục Tỉnh (14) đều tụ tập ở đó, thường lên tới hàng ngàn chiếc. Các ngư phủ phơi cá khô và nấu dầu cá.
Có nhiều đảo nhỏ dọc theo hồ, trên đó giống chim được gọi là Lân Cô [marabou: loại cò lớn, hay vạc] hiện diện nhiều đến hàng trăm triệu con (15). Trong mùa giao phối, thương nhân đi thuyền buồm đến bắt chúng lấy lông đem bán ở phương Bắc (16). Xứ sở này đã từng đánh thuế trên lông chim, nay đã cấm bỏ nên các người thọ thuế được miễn trả thuế [trên sản phẩm này].
Các sản phẩm của rừng thì có nhiều. Các loại dược thảo, gỗ mun, gỗ trắc, calambac (17), sừng tê giác, các ngà voi, nhân sâm miền nam, đậu khấu, sa nhơn (18), và hạt tiêu là những sản phẩm nổi tiếng nhất, nhưng có vô số các sản vật khác như dầu dừa, sơn, kiến tím, sáp vàng vân vân. Đất thì phì nhiêu và dư dả ở đây và dân thì hiếm. Chỉ có khoảng 30-40 phần trăm đất là được canh tác, chính yếu là trồng bông và cau, và ít trồng lúa gạo. Các thương nhân đến đây để mua bán các sản phẩm địa phương và kiếm được lợi nhuận to lớn. Đây là lý do tại sao có nhiều thương nhân từ Lục Tỉnh đến đây.
Liên quan đến dân cự chúng tôi nhận thấy có thổ dân [dân Khmers bản địa], người Hoa [Việt] (19) và Đường nhân [Trung Hoa] (20) sống lẫn lộn với nhau, và cũng có các Lam nhân, là những hậu duệ của Đường nhân với phụ nữ Khmers (21). Các người Jawis (22) đang sinh sống tại Trấn Tây xây cất nhà cửa dọc sông ngòi để làm thành cửa hiệu, và chúng chất đầy các sản phẩm của Trung Hoa và các sản phẩm địa phương. Có hàng trăm và hàng ngàn thuyền đậu dọc sông. Vào lúc mặt trời lặn tiếng đàn Hồ (23) và sáo Thương (24) bay bổng trên sông dưới ánh trăng (25). Dân chúng ở đây thì giàu có, và có khuynh hướng tiêu xài hoang phí trên đàn bà, rượu và cờ bạc. Đây là lý do tại sao xứ này có các sắc thuế trên cờ bạc. Các sắc thuế được đánh trên mọi thứ tại đây –các chợ, lò sát sinh, rượu, đĩ điếm, và cờ bạc, tất cả đều phải trả thuế. Kể từ khi triều đình [ta] ban hành một sắc chỉ về vấn đề này, tất cả các sắc thuế khác đều đã được bãi bỏ trừ thuế trên hoạt động mại dâm, cờ bạc và thuốc phiện.
Thị trấn chính của Trấn Tây [tức Phnom Penh, Nam Vang] có hai con sông phía trước và ba hòn đảo gần đó, và một giải nước mênh mông sau lưng thị trấn. Vị trí của nó quả là cuống họng của xứ sở, và nó là một tiểu đô thị. Dân địa phương, đàn ông cũng như đàn bà, đều cắt tóc ngắn. Nước da của họ thì đen bóng như sơn mài (phong tục địa phương ưa thích màu đen). Họ không đội nón bằng tre khi bước ra ngoài, và khi ăn họ không dùng đũa. Áo của họ có ống tay áo hẹp, và mở cúc ở giữa. Áo của họ bó sát đến nỗi nó dính sát vào da. Về phần trang phục phía dưới thân, họ thường dùng một miếng vải duy nhất (vải dệt bông ở đây có khổ khá lớn, giống y như vải của Trung Hoa). Tấm vải được quấn gấp ra phía sau đối với người đàn ông, và quấn gài phía bên trái khi mang đối với người đàn bà.
Dân chúng ở đây không biết dùng đòn gánh; họ mang mọi thứ ở sau lưng họ. Đường sản xuất ở địa phương được rút ra từ cây dừa đường [thốt nốt?, chú của người dịch]. Cây này có hình dáng giống như một cái lọng và trái mọc ở dưới đó, giống như cây cau ăn trầu nhưng quả thì to như nắm tay. Quả này có nước ở trong, như quả dừa, và có vị rất ngọt và ngon. Khi được nấu thành đường, nó có màu tím và [có vị] ngot. Đường có hình dạng như cái bát [chén], giống như đường đen được sản xuất tại Bắc Hạ [?, phải là Hà, chú của người dịch] [chỉ Bắc Việt] từ cây mía đường. Nó được gọi là Đường Chúc nội [Không giống như đường đen ngoài bắc], đường này thì mát và dịu trong bản chất; các ngoại kiều tại đất nước này chưa sống quen thuộc với phong thổ địa phương thì không nên ăn nó. Khi dân chúng ăn hạt cau họ biến chế chanh thành kem (cream) để ăn cùng với hạt cau và lá trầu.
[Dân chúng ở đây] ưa thích sản phẩm từ Trung Hoa và từ xứ sở ta, nhưng cũng có những sản phẩm được chế tạo tại địa phương, chẳng hạn như các chiếc nồi lớn … được làm một cách chắc chắn. Có quặng sắt tốt trên núi. Khi đồ sắt được chế tạo không cần pha thêm bất kỳ kim loại nào vào [với nó], song phẩm chất vẫn tốt như thường. Cũng có vàng và bạc bản địa ở đây nhưng chúng không đủ độ tinh ròng: một đồng tiền bằng bạc [3.5 gram] chỉ trị giá 40 hiện kim (bởi nó không đủ tinh ròng). Các gia đình dệt gấm và vải bông, tất cả đều có khổ rộng như vải vóc được sản xuất tại Trung Hoa. Một số được dệt rất khéo.
Nhà của họ được kéo dài ra phía sau và cửa được mở phía đàng trước. Người cư ngụ phía bên trên nhà sàn, với thú vật sống bên dưới. Xuồng cũng được nhìn thấy nhiều nhất ở các con sông nhưng cũng có các kế bản thuyền (26). Về các hàng mỹ nghệ cũng có các nghệ nhân tinh xảo.
Ngôn ngữ của họ thì khác biệt với tiếng Hoa [chỉ Việt ngữ khi đó], nhưng các người nhà Đường [Trung Hoa] tại Lục Tỉnh thường hay nói tiếng đó. Một số dân địa phương cũng có thể nói tiếng Việt. Văn tự của họ giống như các con nòng nọc, và được viết từ trái sang phải. Họ dùng … lá dừa để làm giấy (27). Các văn kiện chính thức thì dùng giấy của Trung Hoa. Có ba mươi sáu chữ [trong bảng mẫu tự của họ] và tất cả đều có âm địa phương. Khi được thông dịch sang tiếng Việt, một chữ thường trở thành hai hay ba [âm]. Các bài hát của họ đều dùng ngôn ngữ địa phương và không thể hiểu được. Điệu nhạc thì thấp và tiếp nối trong một thời khoảng dài. Các thiếu nữ ca hát để tóc xỏa xuống lưng, được cột bằng giải lụa hay sợi chỉ nhiều màu sắc. Họ múa cực kỳ nhẹ nhàng và thanh nhã. Các vở tuồng của họ thường về Tây Du (28), và nhạc khí của họ là vĩ cầm, ống sáo và Konghou (29) khác biệt với nhạc cụ của ta nhưng khá gần về âm thanh và nhịp điệu. Họ cũng xây các bức tường bằng đất và gắn vào tường các thanh gỗ, sau đó mọi người dùng gậy gõ vào thanh gỗ để tạo ra các nhịp điệu.
Mọi người đều thờ phụng Đức Phật. Bé trai được học tập tại các ngôi chùa, tất cả đều rất tráng lệ. Một số ngôi chùa được trát bằng vàng. Các chùa thì đầy các nhà sư, tất cả đều mặc áo choàng màu vàng. Họ không bao giờ nấu ăn. Các nhà sư đưa ra các bát lớn được phủ bằng tấm lụa màu đỏ, và các gia đình đua nhau cúng dường cho họ. [Các nhà sư] mang cơm về chùa cúng Phật trước tiên, và rồi sau đó sẽ dùng cơm. Ăn cá hay thịt không bị cấm đoán [đối với các nhà sư], với điều kiện con vật liên can đã không bị hạ sát bởi cá nhân kẻ cúng dường. Các kinh điển được viết trên lá dừa và được đem ra đọc và kể lại vào mọi dịp, như xảy ra trong nước ta. Các nhà sư quyết định mọi việc bất kể là việc lớn nhỏ ra sao. Một người nào đó đã phạm tôi sẽ được miễn trừ hình phạt nếu được thu nhận bởi một ngôi chùa. Người chết thì được hỏa thiêu, và xương cốt của họ được chia làm ba phần, một phần được giữ ở chùa (nhưng nếu đó là thân xác của Phiên Vương [nhà vua], các xương cốt này sẽ được lưu giữ trong một lăng tháp ở một ngôi chùa); một phần được rải xuống sông, và phần còn lại được đặt trên một cái cây. Khi các cơn lụt kéo đến trong mùa thu và mùa đông, họ nói rằng linh hồn của các tổ tiên chúng ta đã quay trở lại, và đi đến chùa để cúng dường tặng phẩm. Phiên Vương cũng thăm viếng các chùa và ban phát rộng rãi vàng bạc cho các nhà sư. Các nhà sư có thể giàu có như các nhà triệu phú (30); bất kỳ khi nào họ đi ra ngoài [chùa], mọi người đều cúi lạy sát đất để bày tỏ lòng tôn kính của họ. Bất kể hỏi xin điều gì họ đều nhận được, vì thế đồ đạc và các vật dụng cá nhân khác mà họ dùng thì cực kỳ xa hoa y như các đồ ngự dụng của nhà vua. Các Lam dân [phía trên ghi là Lam nhân, chú của người dich] và cácĐường nhân [Trung Hoa] sống tại địa phương chia sẻ cùng phong tục như người mọi rợ và chỉ hơi khác biệt trong y phục của họ. Đây là lý do tại sao người Khmers lại ưa thích người Trung Hoa hơn người Việt Nam (Hoa). Y phục của người Jawis [người Mã Lai] thì tương tự như y phục của người Khmers, nhưng phụ nữ của họ để tóc dài và ít làm công việc nhà. Họ may cắt khá khéo léo và trông hấp dẫn. Đàn ông làm nghề đánh cá. Phần lớn họ khá giàu có, và những đồ đồng và đồ thiếc họ chế tạo rất tinh xảo]. Người Jawis không thờ phượng Đức Phật; họ chỉ cầu nguyện vào buổi sáng và buổi tối. Ngôn ngữ và văn tự của họ khác biệt với ngôn ngữ văn tự của người Khmers. Trên đây là [khái quát] thô thiển về phong tục [của Trấn Tây].
Nhà vua trước được gọi là Ang Non và gia đình ông ta đã nắm giữ xứ sở trong nhiều thế hệ. Đôi khi người ông và người cháu được gọi bằng cùng một tên. Khi họ bắt đầu đến tiếp xúc với bản triều, nhà vua [cũng] có tên là Ang Non. Ông ta truyền ngôi lại cho hoàng hậu. Tập tục ở đây là nhà vua không giữ kho lẫm chứa lúa gạo và xứ sở không có quân đội [thường trực]. Lãnh thổ được phân chia giữa nhà vua và các viên chức cao cấp và họ sống nhờ ăn đất (31). Mọi sắc thuế từ các con sông, các hòn đảo và vũng đầm – các khoản thuế từ mỗi vũng lớn lên tới vài ngàn lạng bạc – thuộc về nhà vua, [trong khi] các viên chức cao cấp chia nhau đất đai. Đó là lý do tại sao các sắc thuế trong xứ sở này đặc biệt nặng nề; các sản phẩm như lá cây cau, và các củ thực vật đều bị đánh thuế. Nhà vua không có phòng bếp riêng cho hoàng gia, [và] các thần dân của ông thay nhau dâng phần cơm lên ông (được gọi là Tôn Long), [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch]. Các cung phi của nhà vua và cha mẹ họ bận rộn để tích góp thức ăn trong mọi lúc.
Khi các thần dân nhìn thấy nhà vua, họ đều cúi lạy sát mặt đất. Các chức vụ chính thức được thụ tạo bằng cách trả tiền; càng trả nhiều bao nhiêu, người đó sẽ nhận được chức vụ cao hơn bấy nhiêu. Hàng thập phẩm là hàm quan chức cao nhất và hàng số một là thấp nhất. Các viên chức lâu năm nhất là bốn quan chức được gọi là Tứ Trụ Triều Đình (Four Pillars), có quyền hạn ngang bằng với quyền hạn của nhà vua. Lãnh thổ được chia thành các phủ (Prefectures), nhưng quan đứng đầu các phủ được thay đổi thường xuyên, tùy theo số bạc đã nạp. Nhà vua lập gia đình trong phạm vi hoàng gia; chế độ nội hôn giữa các anh em con chú bác được xem là điều đúng để làm. Dân chúng xem thân nhân bên mẹ gần gủi hơn và thân nhân bên bố thì xa hơn. [Đây là] khía cách xấu xa nhất trong phong tục của xứ sở này, rằng họ không biết đến các quy luật đạo đức. Mặc dù họ chấp nhận quyền chủ tể tối cao của đất nước chúng ta, họ vẫn giữ phong tục riêng của họ. Tháng Ba [âm lịch] là thời kỳ lễ hộI chính của họ. Những người phạm tội trở thành nô lệ của người giàu có; bạc được dâng để mua một chức vụ trong chính quyền, và các kẻ phản nghịch nhà vua thường chạy sang Xiêm La và không thể bị trừng phạt. Không có luật pháp trong xứ sở, các chức vụ công quyền được buôn bán, và các sắc thuế nặng nề được đánh, đây là những điểm yếu kém nhất trong chính sách của nó.
Đúng thế! Sự bành trướng trái đất chạy theo hướng bắc nam. Trong thời Yu [? Vua Vũ của Trung Hoa, chú của người dịch] [2100 Trước Dương lịch] dân Mân [Min] và Quảng [Guang] (32) đã bỏ trốn và vọt ra khỏi tầm với của văn minh người Hán. Trước thời nhà Lý (33) và đời nhà Trần (34), xứ Đàng Trong của đất nước ta (35) còn là đất của người Chàm và người Khmers. Từ khi các tiên vương anh minh của chúng ta (36) bắt đầu khai mở nó, giờ đây nó trở thành một văn minh thượng quốc [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dich], có thể so sánh ngang bằng với các sắc dân Mân Và Quảng. Sự truyền bá các phong tục tốt là một chuyện, nhưng một nhà lãnh đạo anh minh cũng là yếu tố thiết yếu để khai khẩn đất đai, sau đó giáo hóa người dân thô lỗ bằng văn tự, che đậy thân thể bằng vải vóc, để biến khí độc thành khí lành, và để chuyển hóa dân mọi rợ thành người Hoa [Việt Nam]. Kể từ thủa lập địa, chỉ đến giờ này mà Đại Nam quốc của ta mới được trải dài rộng, một thành quả mà triều đình ta đã đạt được dưới bàu trời phương nam. Đất nước Cao Man không bị xé nát bởi núi non và khí độc; địa thế thì bằng phẳng và phì nhiêu, phát triển và giàu có, nằm phía tây xứ sở chúng ta, và giáp ranh với Lục Tỉnh. Tất cả điều này [xảy ra] bởi Ý TrờI không thể chấp nhận được rằng nó phải là một vùng đất hoang vu mọi rợ. Giờ đây xứ sở chúng ta đang thay đổi sự việc một cách quan trọng và cho đăng ký các gia đình {Khmers], thời điểm để chuyển hóa các phong tục cổ xưa thành [văn minh] Hoa [Việt Nam] đã đến!
Tái bút: Khi một người bị ốm đau, bất kể bị cảm lạnh hay nóng sốt, họ đều không uống thuốc, mà chỉ ra sông để tắm, và nhiều người trong họ đã bình phục. Có một loại pháp thuật đen tối can hệ đến việc viết các lời thề độc trên trái tim một người (37), đến nỗi dần dà cá nhân bị nguyền rủa sẽ nhuốm bệnh và chết vì đau bụng. Người này phải cầu xin một nhà sư chữa tri. Khi bước trên đường, nếu nhìn thấy một vật gì đó nằm chắn ngang nơi ngã ba đường, người đó phải tránh không được bước qua vật đó, và khi nhìn thấy một cái cây to lớn, người đó không nên ngừng lại ở đó. Bởi vật [nằm nơi giao lộ] là một biểu tượng của một lời thê độc, và cái cây lớn là nơi dân chúng treo xương người chết trên đó. Tất cả đều có tính cách ma quái, và người ta nên tránh xa chúng.
Ấn tín của họ không được khắc theo kiểu chữ Triện [Zhuan style] (38). Họ dũa gọt ngà voi thành một khối hình tròn, giống như chiếc nắp của một cái bát lớn, và khắc hình voi, hay hình một người cưỡi một con rồng, hay một người cưỡi voi, hay ngay cả một người đang đi thuyền. Tất cả đều có một hình người, với sự khác biết trong loại vật hay đồ vật mà người đó cưỡi. Cũng có các ấn tín nhỏ với nét khắc khá đơn giản đến nỗi không thể nhìn ra hình gì.
Khi một người giàu cho vay và người nghèo không thể trả nợ, người mắc nợ, bất luận là đàn ông hay đàn bà, trở thành nô lệ của gia đình giàu có. Nhà vua và các viên chức cao cấp cũng làm điều này và nhiều người dân đã phải chịu đau khổ. Đôi khi nếu một người cha là nô lệ mà không trả được món nợ của mình, đứa con cũng sẽ trở thành một nô lệ. Cách thức mà xứ sở này quản lý lao động xâu dịch (corvée) như sau: người nghèo phải đi làm xâu và người giàu có thể trả tiền để được miễn xâu dịch. Đây là lý do tại sao người nghèo không thích điều đó, trong khi kẻ giàu sử dụng nó để làm lợi cho mình.
___
CHÚ THÍCH:
1. Chu Đạt Quan (Zhou Daguan), Chân Lạp Phong Tục Ký: Zhenla fengtu ji [The Customs of Zhenla]. Tập sách này được viết trước năm 1312. Về bản dịch sang Anh ngữ từ một bản dịch Pháp ngữ, xem The Customs of Cambodia (Bangkok: Siam Society, 1992).
2. Xem Đại Nam Thực Lục Chính Biên [Chronicle of Đại Nam, Minh Mạng reign: Thời trị vì của vua Minh Mạng] (Tokyo: Cultural and Linguistic Institute, Keio University, 1975), Juen 145, trang 55.
3. Hay Chen La trong Hán tự
4. Vương quốc “Đất” hay “Núi” [Thổ hay Hỏa Chân lạp, chú của người dịch] bao quanh vùng Srei Santor, và có các liên kết chặt chẽ với Xiêm La, trong khi vương quốc “Nước” [Thủy Chân Lạp, chú của người dịch] thì bao quanh vùng Oudong và có các liên kết chặt chẽ với Xứ Đàng Trong nhà Nguyễn và sau này nước Việt Nam của nhà Nguyễn. Các thương nhân Trung Hoa trong các thế kỷ thứ mười bẩy và mười tám thường dùng các từ ngữ này để phân biệt các căn bản quyền lực của các phái tranh quyền trong hoàng gia Khmer.
5. “Triều đại của chúng ta” ở đây để chỉ chín vị Chúa Nguyễn trước khi thành lập thành triều đại, luôn luôn được gọi là Quốc Vương hay Hoàng Đế trong các văn bản chính thức của triều đình thảo hồi thế kỷ thứ mười chín.
6. Nghĩa đen, “nhà vua của dân mọI rợ”; trong bối cảnh này để chỉ Vua Chan, trị vì từ 1797 đến 1835.
7. Tức Phnom Penh, Nam Vang ngày nay.
8. Bản văn nói đến ông Trương Minh Giảng ở đây. Ông giữ chức Tham Tán và Trấn Tây Tướng Quân [Consular and Beneral of Trấn Tây], tuy nhiên đúng hơn là Tướng Trấn Hộ. Xem Đai Nam Chính Biên Liệt Truyện nhị tập [Collection of the biographies of ĐạI Nam, second reign [? sic] (Tokyo: Institute of Linguistic Studies, Keio University, 1981, juan 20, trang 229).
9. Vào lúc này, ông Trương Minh Giảng, một quan chức Việt Nam cao cấp đã hành xử vai trò như một người bảo hộ tại triều đình Khmer kể từ thập niên 1810.
10. Sông Mê Kông, tiếng Việt gọi là sông Cửu Long.
11. Gần Nam Vang.
12. Tên tiếng Việt để chỉ lần lượt nhánh sông bên trên và bên dưới của sông Mê Kộng
13. Có lẽ từ Nam Vang.
14. Lục Tỉnh là tiếng Việt đương đạI để chỉ phần sâu dưới miền Nam Việt Nam, người Pháp gọi là Hạ Lưu Cochinchina.
15. Marabou là một loại cò (leptoptillus javanicus) có lông mềm, rủ xuống từ cánh và đuôi được dùng để chế tạo vật giống như da thú. Là một sản phẩm mậu dịch truyền thống của Căm Bốt với Trung Hoa, lông chim vạc được dùng rộng rãi để trang trí bởi các phụ nữ thời nhà Đường.
16. Trong bản văn này, để chỉ Trung Hoa.
17. Là một loại quý giá của cây lô hội (aloe) có mùi thơm, được dùng rộng rãi tại miền bắc Á Châu.
18. Một sản phẩm của rừng rất giống với loại bạch đậu khấu, được dùng làm dược liệu tại Trung Hoa.
19. BởI vì người Việt thường sống lẫn lộn với các giống dân khác nhau tại khu vực Biên Giới Thủy Chân Lạp, các tài liệu Việt ngữ có khuynh hướng sử dụng từ “Hoa” để chỉ người Việt Nam, một cách dùng đặc biệt trở nên rõ rệt trong thế kỷ thứ mười chín.
20. “Đường” hay “Đường nhân” trong Hán tự, để chỉ người Trung Hoa sống ở hải ngoại.
21. Nghĩa đen “dân da màu lam chàm: indigo people”. Tuy nhiên, cách dùng này có thể gây ra rắc rối, như tác giả Choi Byong Wook đã nhận thấy cùng từ ngữ này có được dùng để chỉ người Chàm ở Căm Bốt, hơn là để chỉ người Trung Hoa-Khmer, trong một sách lịch sử chính thức. Cảm ơn về thông tin cá nhân này.
22. Người Mã Lai, nhưng cũng có thể người dân Hồi.
23. Một nhạc cụ chơi đàn dây của Trung Hoa phát sinh từ vùng Trung Đông.
24. Một nhạc khí cổ truyền bằng tre của Trung Hoa. Từ ngữ “Thang hay Thương: Shang” được dùng ở đây chủ yếu để đối chọi và cân bằng với từ ngữ “Hồ:Hu” trong câu văn.
25. Câu này có lẽ để chỉ các thuyền giải trí trên sông.
26. Các thuyền được đóng bằng ván, để phân biệt với các chiếc xuồng độc mộc được khoét từ một thân cây độc nhất.
27. Bản văn cũng nêu ý kiến về việc họ dùng bút để viết trên vật liêu gì, nhưng chữ viết quá mờ nhạt để có thể phiên dịch một cách chính xác.
28. Truyên “Tây Du Ký” hay truyện Tripitaka, thuật lại cuộc du hành thần thoại của một nhà sư Phật Giáo và Tề Thiên Đại Thánh đi thỉnh kinh tại Ấn Độ.
29. Một loại đàn dây của Trung Hoa.
30. Nghĩa đen: “có hàng triệu” [lạng hay đồng tiền bạc].
31. Thành ngữ “Ăn đất: eating the land “để chỉ hệ thống Căm Bốt nhằm phân chia cho các quan chức các quyền đánh thuế thường lệ trên dân chúng và các sản phẩm trong các quận hạt hành chánh của họ thay vì trả cho họ lương bổng của nhà nước như xảy ra tại Việt Nam vào lúc đó.
32. Phúc Kiến và Quảng Đông tại miền nam nước Trung Hoa.
33. Triều đại Việt nam trị vì từ 1010 đến 1225.
34. Triều đại Việt Nam trị vì từ 1225 đến 1400.
35. Nghĩa đen: “Lộ Phía Trong: Xứ Đàng Trong”, vùng này là khu vực do chúa Nguyễn cai trị kể từ phía nam tỉnh Quảng Bình ngày nay, sau hết đã vươn tới đồng bằng sông Cửu Long.
36. Điều này để chỉ chín đời Chúa Nguyễn trước khi thiết lập triều đại của một chế độ chính trị miền nam mở rộng. Chín nhà “hiền vương: sages” này thường được tính trong các tài liêu triều đình nhà Nguyễn soạn thảo hồi thế kỷ thứ mười chín bắt đầu với sự di cư [vào Đàng Trong] của chúa Nguyễn Hoàng [1558] và chấm dút với cái chết của vị chúa cuối cùng bởi tay quân khởi nghĩa Tây Sơn năm 1777.
37. Hannah Phan của Đai Học Cornell nêu ý kiến rằng đoạn này có thể để chỉ pháp thuật huyền bí của Khmer về việc viết lời thề độc trên các pho tượng bằng đất sét, dự liêu là viết nơi trái tim của pho tương [phép yểm bùa, chú của người dịch]. Chúng tôi cảm tạ nhiều nhất về thông tin này, và cảm ơn Lorrain Paterson về việc giúp giải thích nó.
38. Loại chữ viết Trung Hoa thường được dùng để khắc chữ trên các ấn tín.
____
Nguồn: Li Tana and Nola Cooke, “Trấn Tây phong thổ ký”: The Customs of Cambodia, Chinese Southern Diaspora Studies, Volume 1, 2007, các trang 149 – 153.
Ngô Bắc dịch và chú giải
© 2007 gio-o
0 Comments:
Bài đăng Mới hơn Bài đăng Cũ hơn Trang chủ
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)