NAM KỲ & THÀNH PHỐ SÀIGÒN NĂM 1872


Frank Vincent, Jun.


Ngô Bắc dịch


CHƯƠNG XXIV
TỪ PANOMPIN (NAM VANG) ĐẾN SAIGON

Chúng tôi rời Panompin {chỉ Nam Vang, chú của người dịch] khá lâu và đã tiến vào con sông vĩ đại Makong [trong nguyên bản, chỉ sông Cửu Long, chú của người dịch], mà ngay bên dưới thành phố, chia thành hai nhánh chảy xuôi nam – cách nhau khoảng mười lặm dặm –và đều đổ vào biển Trung Hoa [China Sea trong nguyên bản, chú của ngườI dịch].  Có nhiều sông phụ và các sông thông thương với nhau, trong thực tế, một hệ thống chằng chịt tuyệt hảo của các con kinh – gần cửa sông; nhánh sông nhỏ hơn chảy ngang phía đông bắc Sàigòn, và đổ ra biển ở khoảng hai mươi dặm phía đông thành phố đó.  Khởi đầu con sông có chiều rộng trung bình khoảng một nghìn bộ (feet); hai bên bờ không có gì làm đẹp, vào mùa đó đang ở trên cao khoảng ba mươi bộ trên mặt nước [biển]; mặt sông bị phủ bởi lớp váng xanh dầy đặc, được tạo ra từ một loại cá nhớt dầu nhỏ hơn cá trích cơm.  Trên bờ có ít cây (gỗ) lớn, nhưng nhiều tre, chuối, và cây cau.  Chúng tôi chỉ đi ngang qua ít làng, mỗi nơi có khoảng một tá túp lều; gần các túp lều là các mảnh vườn lớn trồng dưa chuột, dưa, và nhiều loại rau khác; có nhiều cây chàm khá tốt, và bông vải loại có phẩm chất cao, và cây đằng hoàng: gamboge (từ đó có tên của xứ sở, Kambodgia hay Cambogia) -- một thứ nhựa có mùi ngọt ngào “ứa rỉ ra từ các vết rạch trên cành cây Garcinia Cambogia [tức cây nhựa căm-bốt, dùng để chế tạo bột vẽ màu vàng, chú của người dịch], một loại đại mộc rất cao, mà trái của nó có thể ăn được.”  Cây hồ tiêu được trồng và xuất cảng từ phần đất này của xứ sở; nhưng việc đánh cá và sản xuất dầu được thực hiện ở phía thượng nguồn, nơi có sông Mesap và Hồ Thalaysap [tức Tonlesap hay Biển Hồ, chú của người dịch].  Các tỉnh nằm dọc bờ sông được canh tác tốt nhất tại Căm Bốt, mặc dù phần lớn đất nội địa của xứ sở thì bằng phẳng và phì nhiêu.  Chúng tôi chỉ gặp rất ít thuyền.  Dòng nước sắp rẽ xuống phía nam, thủy triều có giúp phần nào trong tiến độ của chúng tôi, và gió cũng trợ lực đôi chút – tác động như nó đã làm trên cánh buồm tả tơi, lớn vào khoảng hai chiếc khăn lau tay.  Vào buổi tối, muỗi quấy rối đến nỗi chỉ có thể ngủ được khi quấn chiếc chăn che kín thân thể.

Vào buổi chiều ngày thứ nhì, chúng tôi đến vào vùng Nam Kỳ (Cochinchina).  Có một cơ sở quan thuế của An Nam ở một bên bờ sông và một của Căm Bốt bên kia bờ sông ranh giới.  Tại Châu Đốc, chúng tôi đã mất một phần buổi chiều để kiếm thêm bốn người chèo thuyền, vì biết rằng chỉ với số tay chèo mà chúng tôi đã có, chúng tôi không thể nào đến được Sàigòn một cách mau chóng như mong muốn.  Châu Đốc rộng vào khoảng một nửa Nam Vang, tọa lạc ở cả hai bên bờ sông Cửu Long, và cũng nằm trên một con sông nhỏ chảy về phía tây và đổ ra biển tại vùng Kampot, vịnh Thái Lan; thị trấn được thiết kế với các phố xá nhỏ hẹp, nhưng nhà cửa thì không được xây cất tốt như nhà cửa ở thủ đô Căm Bốt.  Người Pháp có một đồn hay thành nơi đây, với kho quân cụ, vào khoảng 200 lính, và một công chức được gọi là “Thanh Tra Quận.” Đồn được đắp bằng đất đơn giản, rào bên ngoài bằng cọc tre, và được bao quanh bằng một vòng hào rộng chứa đầy nước; không thấy bố trí súng ống, và toàn cảnh xem ra rất lộn xộn, cây cỏ mọc um tùm, các trại lính và nhà cửa cũng ở bên trong bị hư nát nhiều.  Thanh Tra hay đaị diện của ông ta, người mà chúng tôi đã đệ đạt lời yêu cầu của chúng tôi, đã ra lệnh cho bốn người đến để đưa chúng tôi đi; những kẻ này đã không tự mình đến trình diện trong thời gian hạn định của ông ta -- một tiếng đồng hồ -- ông ta đã cho hay nếu họ không có mặt trên thuyền chúng tôi trong vòng mười phút, ông sẽ thu một khoản phạt 100 phật lăng (francs) trên cả làng.  Lời đe dọa đã có hiệu ứng mong muốn, bởi trong thời gian hạn định các người đàn ông đã đến nơi, và chúng tôi đã có thể và hân hoan khởi hành mà không gây ra một sự bất công như thế trên những cư dân vô tội của Châu Đốc.

Vào khoảng trưa ngày 1 tháng Ba, chúng tôi đi ngang qua một thị trấn lớn bao gồm một phần các ngôi nhà nổi, nằm ở cả hai bên bờ con sông, và được gọi là Lang Xuen [tức Long Xuyên, chú của người dịch].  Một tầu trang bị súng ống loại nhỏ của Pháp thả neo giữa thị trấn, và có một tòa thành nhỏ, với lính An Nam, các sĩ quan Pháp, và một thanh tra người Pháp. Trong buổi chiều, một chiếc tàu chạy bằng hơi nước nhỏ của Chính Phủ, chất đầy các binh sĩ An Nam, qua mặt chúng tôi trên đường xuôi nam, tuy nhiên không xuống Sàigòn.  Chính phủ Pháp có vào khoảng hai mươi chiếc tàu nhỏ chạy bằng hơi nước này, được dùng như các chiếc tàu được phái đi bởi các thanh tra khác nhau, và cho việc chuyển vận các binh sĩ đến các thành trì khác nhau khắp miền Nam Kỳ.  Tỉnh hay xứ sở sau này có vẻ như đông đảo dân định cư hơn xứ Căm Bốt rất nhiều.  Các khu rừng rậm đã nhường chỗ cho sự trồng trọt rau cỏ tuy còn rất thưa thớt, và sự việc này lại nhường chỗ kế đó cho các cụm cây cau, tre và chuối to lớn.


nguyentl.free.fr

Tại thị trấn lớn gọi là Sa Đéc[?] [Chadec trong nguyên bản, chú của người dịch], nơi chúng tôi dừng lại trong buổi sáng hôm sau, chúng tôi có nghe thấy rằng chiếc tàu hơi nước chở thuốc phiện, như được nói đến là sẽ đi đến Nam Vang khi tôi còn ở đó, đã có mặt ở đó, và trên đường quay trở về, đã rời Sa Đéc đi Sàigòn chiều hôm trước.  Chúng tôi đã gặp phải các luồng gió và thủy triều ngược chiều mạnh đến nỗi khó có thể nghĩ rằng chúng tôi có thể đến được Sàigòn trong vòng một tuần lễ, trừ khi chúng tôi gặp được một trong các chiếc tàu hơi nước của Chính Phủ tại một vài thị trấn mà chúng tôi đi qua; và để du hành trên một trong các chiếc tàu hơi nước này, sẽ cần có một giấy phép viết tay từ một tthanh tra người Pháp.  Sa Đéc có kích thước tương tự như thị trấn Châu Đốc, mà nó hay bị nhận lầm, bởi co danh xưng tương tự nhau [Chaudoc và Chadec trong nguyên bản, chú của người dịch]; ở đó có một tòa thành, một viên thanh tra, một chiếc thuyền gắn súng, và một số binh sĩ An Nam.  Tiếp tục xuôi dòng, con sông mở rộng đến cả một dặm, và số lượng các thuyền ngang qua, các hòn đảo nhỏ xinh đẹp trên giòng nước, các cây cối to lớn và nhiều làng mạc trên bờ, đã tạo ra một quang cảnh đa dạng rất ngoạn mục.

            Bất kể gió và thủy triều ngược chiều, chúng tôi đã tiến được tới Mỹ Tho [Mitho trong nguyên bản, chú của người dịch], tọa lạc ở cả hai bên bờ của dòng sộng và là một trong những thị trấn rộng lớn nhất của Nam Kỳ, vào khoảng sáu giờ sáng hôm sau.  Có một tòa thành lớn của Pháp ở đó, với khoảng hai hay ba trăm quân lính ngoại quốc, và các binh sĩ An Nam có lẽ vào khoảng gấp đôi.  Cư sở của Quản Đốc hay Chủ Tỉnh là một kiến trúc kiểu dinh thự, bao quanh bởi khoảnh đất vui tươi với các bồn hoa, sân cỏ, được thiết kế một cách đẹp mắt và các lối đi trải sỏi ngay ngắn.  Khắp thị trấn có các con đường được trải đá dăm tốt, dọc hai bên đường trồng các hàng cây dùa non xinh đẹp.  Có một vài cửa hàng của Pháp tại Mỹ Tho; một giáo đường bằng gạch to lớn đang được dựng lên; hai hay ba chiếc thuyền trang bị súng ống đang thả neo giữa thị trấn; và tôi nhận thấy có vài chiếc xe kéo nhập cảng chạy trên đường phố.  Chúng tôi giờ đây đang ở trên vùng đồng bằng của sông Cửu Long, đất thì thấp và các dòng sông cùng kinh rach chảy và nối với nhau trong mọi chiều hướng.  Chúng tôi chèo suốt ngày chạy qua một lạch nước hẹp, bờ sông được che phủ bởi rừng cây: không có các làng mạc, nhưng lạch nước đầy các tàu thuyền -- thuyền đánh cá và thuyền buồm đi biển -- phần lớn thuyền được chèo lái bởi người Trung Hoa.  Lạch nước này dần dần thu hẹp lại còn khoảng ba mươi bộ, và tiến độ của chúng tôi rất chậm, khi dòng nước bị chen chúc và tắt nghẽn với các tàu chở gạo khổng lồ -- một số các tàu đó có đến mười bốn tay chèo --, các tàu chở muối, các tàu chở cá, và các thuyền nhỏ hơn chở đồ dùng thông dụng, mà chúng tôi đã gặp nhiều vất vả để vượt qua.


nguyentl.free.fr

            Buổi sáng kế tiếp, vào năm giờ sáng, chúng tôi đột nhiên tiến đến một phần của con lạch hoàn toàn bị tắc nghẹn bởi các con tàu, và đang lúc thủy triều xuống, tất cả đều mắc cạn trên bùn và không thể di chuyển cho đến khi có thủy triều đến làm chúng lại nổi lên trên dòng nước.  Vì thế, cương quyết không để bị cản trở khi đã đến rất gần phần cuối của cuộc hành trình, chúng tôi đã khiến hai hay ba người trên thuyền gồng gánh hành lý của chúng tôi, và khởi sự đi bộ dọc theo bờ lạch hướng đến một thị trấn lớn được gọi là Chalen [tức Chợ Lớn, chú của người dịch], mà Edwards đã nghĩ không đến nỗi quá xa. Đi bộ khoảng một tiếng đồng hồ, và chúng tôi đã đến trung tâm thị trấn, và đã thuê một chiếc xe kéo (gharry) (chúng tôi đã lại đến được nơi bán văn minh nữa rồi) để chở chúng tôi đến Sàigòn, cách khoảng ba dặm trên một con đường tốt.  Chợ Lớn là một thị trấn rất lớn, được xây dựng dọc theo hai bên bờ của con sông, trên đó có đủ mọi loại tàu thuyền chen chúc; nó đã là (và giờ đây gần như thế) trạm đến quan trọng của công cuộc mậu dịch trên sông Cửu Long và vùng Biển Hồ Thalaysap, cho đến khi Sàigòn, hãy còn là một làng đánh cá nhỏ mười năm trước đây, bị chiếm giữ bởi người Pháp.  Dân số của Chợ Lớn bao gồm phần lớn người Trung Hoa; phần còn lại là người AnNam, với một số ít người Căm Bốt.  Không lâu sau khi rời Chợ Lớn để vào Sàigòn, chúng tôi đi ngang qua một nghĩa địa An Nam rộng mênh mông -- một dặm vuông các ngôi mộ cổ -- các nấm mộ xây đá bao quanh đơn giản với các ngọn tháp nhỏ, như để chỉ cho hay là phải có một thành phố to lớn ở gần đâu đây trong một thủa nào đó, và nét cổ truyền đã hỗ trợ cho sự phỏng đoán đó.  Kế đến chúng tôi đi ngang qua một ít nhà kho quân đội, và rồi một số vườn trồng rau rộng lớn, do người Trung Hoa canh tác, để cung cấp cho Sàigòn; và sau đó chúng tôi tiến đến vùng ngoại ô nằm rải rác. 

            Chúng tôi đã đến thành phố khá sớm trước giờ trưa, và được đưa đến “Hôtel de l’Univers” nơi mà Edwards đã chúc mừng tôi về sự hoàn tất một cách vui vẻ, thành công và an toàn cuộc hành trình trên đất liền từ Vọng Các [Bangkok, Thái Lan] đến Sàigòn.  Tôi đã đi băng qua bán đảo Ấn Hoa rộng lớn -- cưỡi ngựa trên các cánh đồng, du hành xuyên qua các hồ, chèo thuyền trên những dòng sông của nó – trên một khoảng cách 655 dặm – trong sáu tuần lễ, bao gồm nhiều trạm dừng chân lâu dài và thú vị trong đường đị.



***

CHƯƠNG XXV


SÀIGÒN



nguyentl.free.fr

            Sàigòn, bị chiếm giữ bởi người Pháp năm 1861, và được bổ sung vào lãnh địa của họ, cùng với sáu tỉnh vùng hạ lưu Nam Phần đã được đặt dưới chế độ bảo hộ của Pháp chiếu theo một hiệp ước, tọa lạc bên hữu ngạn của con sông mang cùng tên, cách bờ biển khoảng hai mươi lăm dặm.  Từ Chợ Lớn (Chalen) một con lạch lớn chảy đến sông Sàigòn, và nối với sông này ở trung tâm thành phố.  Lối tiến đến Sàigòn đi xuyên qua một khu rừng mênh mông các cây cau, dừa, chuối, tre, và các bãi cây rậm rập với tên gọi không biết được, trừ các chuyên viên khoa học tự nhiên.  Các cảm tưởng đầu tiên mà người ta nhận được về thành phố là không có gì đáng tán thưởng về bề ngoài của nó. Đối tượng duy nhất lôi cuốn sự chú ý là tòa nhà bằng gạch ba tầng to lớn nằm trên bờ sông, nơi có có lúc từng là tòa thị chính và một khách sạn.  Trên dòng sông, nơi đây có chiều ngang chưa đến năm trăm bộ, một vài con thuyền nhỏ vũ trang của Pháp đang thả neo – phần lớn trong chúng chưa được tu sửa để phục vụ trong vùng nội địa – và ngoài các chiến thuyền này, thường có hai hay ba tàu hơi nước lớn đậu trong hải cảng (hoặc là một chiếc của hãng “Messageries”, hay một tàu “chỏ khách' của Hồng Kông, Anh Quốc, hay chiếc tàu chạy đến Singapore và Penang [thuộc Mã Lai Á, chú của người dịch], hay một chiến thuyền của một cường quốc ngoại lai nào đo); xa hơn dưới hạ lưu đôi khi có đến cả hai mươi thương thuyền thả neo, phần lớn có trọng tải từ năm đến tám trăm tấn và treo cờ hoặc của Pháp hay Đức.

Tại Sàigòn có nhiều khách sạn, hay nói đúng hơn, hiệu café, nơi mà phần lớn các cư dân của Pháp hình như đã lưu ngụ.  Những quán café này không cực kỳ sạch sẽ; song người ta có thể có được một phòng ngủ khiêm tốn cùng các bữa ăn khá ngon với các giá cả phải chăng.  Dân cư -- một sự phỏng chừng vào khoảng cả hàng chục ngàn người – bao gồm người dân Nam Kỳ, ngưoời Trung Hoa, Malabars [dân vùng đông nam Ấn Độ, chú của người dịch], và các binh sĩ Pháp, các người bên dân sự, và một ít người Âu Châu thuộc các quốc tịch khác.  Công vụ được quản trị bởi một Thống Đốc được bổ nhiệm bởi Hoàng Đế và được gửi từ Pháp sang, và được trợ giúp bởi một Hội Đồng Lập Pháp và Hành Pháp.  Các đường phố ở Sàigòn thì rộng lớn, và được lót bằng gạch (làm sinh ra một lớp bụi rất khó chịu); tại hai trong các con đường đó, cắt thẳng góc với con sông, là các con kinh bằng đá giúp làm thuận tiện hơn việc chất và bốc dỡ từ các tầu vận tải nhỏ của xứ sở].  Con đường chạy song song và kế cận dòng sông có trồng hàng cây kép sánh đôi.  Tại đây, sau khi mặt trời lặn, theo thói quen, các cư dân thường tản bộ, trong khi lắng nghe tiếng nhạc của một trong các đội quân nhạc thuộc trung đoàn.  Các đường phố được thắp sáng bằng đèn dầu, và được hút dầu ra bởi các ống máng vươn dài ra ở các bên hông.  Không có các quảng trường công cộng, nhưng có một vườn bách thảo nhỏ, được thiết kế một cách thanh nhã, nhưng không được bảo trì một cách tốt đẹp nhất; tại đó có một số thú hoang, trong đó có hai con hổ lớn trông hấp dãn, bắt được ở Căm Bốt.


nguyentl.free.fr

            Các công ốc còn ít về số lượng và có vẻ hoành tráng cách đặc biệt nào đó trong thiết kế hay thanh nhã trong cấu trúc, có lẽ trừ ngoại lệ là Dinh Chính Phủ [tức Dinh Độc Lập hay Thống Nhất sau này Pháp, chú của người dịch] mới được hoàn thành hồi gần đây.  Nó được xây bằng gạch và trát vữa, cao hai tầng – dài khoảng ba trăm bộ và rộng một trăm bộ -- và tọa lạc tại trung tâm một khoảnh đất rộng quang đãng ở phía nam thị trấn.  Các phòng trong dinh bao quanh một phòng khiêu vũ được tô trát một cách thanh lịch, các phòng cho các ban ngành khác nhau của Chính Phủ, một đài quan sát, v.v… vớI các cầu thang và hàng lan can bằng đá cẩm thạch, sàn lát gạch, và trần nhà vẽ tranh.  Tuy nhiên, hình dáng của tòa nhà tân tiến thanh lịch này, với các cầu thang và cột nhà đồ sộ, sẽ mang vẻ nổi bật tại Luân Đôn hay Hoa Thịnh Đốn, lại nằm ở giữa một khu rừng nhiệt đới và chung quanh chỉ có vài túp lều tre quả là một điều khôi hài nhất.  Tại một phần của Sàigòn có một nữ tu viện và ngôi nhà thờ nhỏ được bao bọc bởi một bức tường cao ngất; cũng có nhiều giáo đường Công Giáo La Mã nhỏ [trong thành phố].

            Các cơ sở kinh doanh Âu Châu còn ít về số lượng – không có sự đại diện của các hãng Hoa Kỳ -- và công cuộc mậu dịch chưa có gì là phát đạt.  Như thường lệ, sinh hoạt thực sự của thị trấn được duy trì bởi người Trung Hoa, là những người kinh doanh, mở các cửa hiệu nhỏ buôn bán các hàng tạp hóa thông dụng.  Người Trung Hoa là “kẻ cần cù làm việc của phương Đông;” họ thì chịu khó, bền chí, và tiết kiệm; nhu cầu của họ thì ít, và các tật xấu của họ (kể cả việc đánh bạc, thói hư mà họ bị nghiện ngập một cách mê mệt) có vẻ không bao giờ khiến họ rơi vào tình trạng cơ hàn.  Bất cứ nơi nào có thể kiếm tiền được, nơi đó bạn sẽ tìm thấy một Hoa thương [John Chinaman trong nguyên bản, chú của người dịch]; anh ta sẽ dần dần nhưng vững chắc nắm giữ độc quyền về mậu dịch và kinh doanh tại mọi xứ sở mà anh ta nhập cảnh, và một cách kỳ lạ, bất kể điều này, anh ta vẫn tìm cách duy trì được các điều kiện tuyệt hảo với người dân bản xứ lười biếng mà anh ta sống chung đụng.

            Tại Sàigòn có nhiều trường học dạy người An Nam ngôn ngữ Pháp và các kiến thức giáo dục sơ đẳng; con cái của các người Âu Châu thường được gửi về nước để đi học.  Lục quân và hải quân thuộc quyền điều động của Toàn Quyền thì nhỏ bé, nhưng đủ để duy trì trật tự toàn khắp các tỉnh của Pháp tại Nam Kỳ.  Có một tòa thành đắp bằng đất tại Sàigòn, được đồn trú, theo tôi nghe nói, bởi khoảng ba ngàn binh lính; ngàoi ra, tòa thành có trữ cất một số lượng lớn thực phẩm và các khí cụ chiến tranh.  Binh sĩ mặc đồng phục với áo choàng màu xanh da trời và quần bằng da, cùng với một chiếc mũ phẳng che nắng, màu trắng [bằng ruột cây hay điên điển); họ được trang bị bằng súng hỏa mai lắp đạn từ phía sau và kiếm có gắn lưỡi lê.  Hải quân bao gồm khoảng mười hay mười lăm thuyền vũ trang chạy tầm nước cạn (cho lính tuần giang và để chuyên chở binh sĩ đến các thành trì khác nhau khắp xứ sở), tất cả đặt dưới quyền chỉ huy của một đô đốc.  Hệ thống cảnh sát thì rất hữu hiệu, người Mã Lai từ Singapore có ghi danh theo học và được huấn kuyện về công việc đó.  Tinh thần xuống thấp thường được nhận thấy nơi các người Âu Châu tại các thành phố phương đông – các người Pháp sống tại các khu miễn phí với con gái An Nam, các kẻ mà họ đã mua, khi còn rất trẻ, từ cha mẹ của chúng, với 30$ được coi là giá cao.  Thời tiết ở Sàigòn thì nóng, bởi gần đường xích đạo, nhưng nói chung được xem là lành mạnh đối với các người ngoại quốc sinh sống ở vùng ôn đới; các bệnh tất là những chứng bệnh liên đới với vùng nhiệt đới ở mọi nơi – nóng sốt, kiết lỵ, và dịch tả trong các giai đoạn khác nhau của nó.  Pháp ngữ dĩ nhiên là thông dụng bởi mọi người Âu Châu và ngay cả với người dân An Nam là những kẻ học nói nó không mấy khó khăn.

            “Nước Pháp tại phương Đông”, với tầm quan sát hạn chế của tôi, là một câu nói khôi hài vĩ đại -- một sự giả trang, một sự bỡn cợt đối với chính sách thực dân nói chung. Đặc tính của người Pháp, buồn thay, thiếu nhiều đức tính cần thiết cho sự tiên phong thành công tại các vùng đất hải ngoại; nó thiếu tính cương quyết, nghị lực, và bền chí mà chúng ta nhìn thấy đã được phô bày một cách hiệu quả bởi người Anh tại Ấn Độ và Úc Đại Lợi và bởi người Đức đến định cư tại Hoa Kỳ.  Chắc chắc chỉ có yếu tố chính trị không thôi là có liên hệ đến việc duy trì bởi nước Pháp vào thời điểm hiện nay một tỉnh quá tí hon và tọa lạc một cách kỳ quái ở Pondicherry [thuộc Ấn Độ, chú của người dịch] hay ở một xứ sở như Nam Kỳ, đất sống bởi một dân tộc nổi loạn và hiếu chiến biết bao.  Sau khi đã nhìn thấy các thuộc địa lành mạnh, tăng trưởng, và thường được bồi đáp (paying) của Đế Quốc Anh tại phương Đông, một cuộc thăm viếng Sàigòn, “thủ đô sơ sinh của vùng Pháp Á” đã để lại trong thực tế một ấn tượng buồn cười nơi đầu óc của một kẻ du hành hay quan sát, nghĩ ngợi và suy tưởng.

            Hy vọng lớn lao của Pháp rằng con sông Cửu Long có thể chứng tỏ là một thủy lộ và một lối khai thông đến các huyện giàu có của miền nam Trung Hoa, qua ngả Sàigòn, đã bị chứng minh chỉ là một ảo tưởng, và rằng sự huyền bí địa dư đã được soi sáng bằng cuộc khảo sát và thám hiểm dòng sông, gần sát đến cội nguồn của nó [?], bởi một ủy hội của chính phủ Pháp.  Một sự tường thuật về cuộc thám hiểm này đã được trình bày với thế giới trong quyển sách nhan đề “Các Cuộc Du Hành tại Đông Dương và Đế Quốc Trung Hoa: Travels in Indochina and the Chinese Empire” của ông de Carné, một thành viên của ủy hội.  Và từ đó một tác giả quá cố của tờ Daily Telegraph ở Luân Đôn đã tóm tắt các kết quả của cuộc thám hiểm ngược dòng sông Cửu Long vĩ đại như sau: --

            “Ông Louis de Carné đã khởi hành trong mùa hè năm 1866 từ Sàigòn, tại vùng Nam Kỳ thuộc Pháp, để dò tìm con sông vĩ đại của Căm Bốt, sông Makong, đến nguồn gốc của nó.  Hy vọng của Văn Phòng Thuộc Địa Pháp là dòng sông lớn này, chưa được hay biết, giống như con sông Salween, Menam, và sông Đông Kinh (Tonquin trong nguyên bản, chú của người dịch], có thể cung cấp một thủy lộ khả dụng xuyên qua Lào và Vân Nam để đến vùng hậu phương của Trung Hoa, và sẽ đem lại cho vùng đồng bằng Nam Kỳ hiện đang được nắm giữ bởi người Pháp hoạt động thương mại của con sông Nile hay sông Ganges [lần lượt các sông lớn tại Ai Cập và Ấn Độ, chú của người dịch].  Hy vọng này đã tiêu tan; sông Makong, mà người Pháp đã truy tầm dấu vết với giá của sự cực nhọc khủng khiếp và sự hy sinh lớn lao lòng can đảm và đời sống quý giá, là một “con sông không thể vượt qua”, bị đứt đoạn ít nhất ba lần bởi các con thác dữ dội và có một luồng chảy không có tàu thuyền nào có thể hải hành ngược chiều được.  Sự khám phá này, được mua bởi sự sinh tồn của trưởng đoàn thám hiếm và của ông de Carné, có câu chuyên được ấn hành sau khi chết, lấy đi một nửa giá trị của vùng Nam Kỳ. Đến lượt chúng ta [nước Anh] phải tìm xem là liệu có con sông lớn nào có cửa biển tại Vọng Các và Maulmain [?] cung cấp được một cơ may tốt hơn cho một thủy lộ nối liền với Dương Tử Giang (Yang-tse-kiang).

            Liên hệ đến một “lối cửa hậu” vào Trung Hoa, có thể lưu ý rằng các thành viên của ủy hội của Pháp đã tìm thấy rằng Sông Cái [Songkoi trong nguyên bản, tức sông Hồng, Bắc Việt, chú của người dịch] -- một con sông lớn dài gần hai trăm dặm, đổ ra vịnh Bắc Việt ở hai cửa khẩu, có thể hải hành một cách toàn hảo, và “trong mọi phương hướng phù hợp cho sự phát huy giao dịch thương mại của Đế Quốc Thiên Triều [chỉ Trung Hoa, chú của người dịch] với thuộc địa mới của chúng ta.”  Mặc dù điều này khó có thể được gọi là một khám phá, bởi nhánh cực bắc của hai chi lưu của con sông Cái, có chiều rộng khoảng một dặm tại cửa khẩu, được hay biết là đã từng được hải hành một cách an toàn bởi tàu vận tải hàng hóa Âu Châu trong thế kỷ thứ mười bảy.

            Người bạn tốt tên Edwards của tôi tại Panompin (Nam Vang) đã tháp tùng không mệt mỏi tôi đi thăm Sàigòn, đóng gói các đồ sưu tập của tôi, và đã trợ giúp tôi trong bất kỳ và mọi cách nào mà ông có thể làm được, và đã chỉ rời tôi trên sàn chiếc tàu hơi nước chuyên chở của hãng Messageries khi chuông reng lên yêu cầu mọi người không phải khách du hành phải rời khỏi sàn tàu và bạn bè của họ để lên bờ.  Sông Sàigòn còn giữ cùng chiều rộng – 500 bộ -- cho dến khi nó ra tới biển Trung Hoa [China Sea trong nguyên bản, chú của người dịch]; dòng sông thì uốn khúc quanh co nhưng sâu, cho phép các tàu thuyền có trọng tải lớn nhất xả hơi êm ả chạy đến tận thành phố. Đất ddai hai bên sông thì thấp, bằng phẳng và thưa dân; bờ sông trải dài các cây đước cho đến tận bờ nước . Ở cửa sông, trên một ngọn đồi thấp, có một hải đăng với ánh sáng sáng rọi, và trong vùng cư trú sau ngọn đồi này là một làng đánh cá nhỏ nơi mà các người trông coi hải đăng và gia đình họ cư ngụ.

            Chúng tôi xả hơi xuôi dòng một cách vui vẻ trên con sông khúc khuỷu và ra tới biển, nơi mà chúng tôi gặp được một làn gió mát thoải mái thổi từ phương bắc; mọi việc đều thuận lợi và nhiều hy vọng, nhưng khi tôi thả bước từ tốn trên sàn tàu trong buổi tối sáng sao đẹp đẽ hôm 4 tháng Ba năm 1872, tôi không cảm thấy điều gì khác hơn là một cảm giác buồn bã khi nghĩ đến sư giã từ các xứ sở xinh tươi tuyệt vời cùng các người dân lạ lùng và các phong tục lạ lùng hơn nữa của vùng Viễn Ấn (Farther India), có lẽ trong nhiều năm, có thể là vĩnh viễn.

            Chiếc tàu hơi nước của chúng tôi có tên là “Alphée”, trong tải 1,00 tấn, của hãng hàng hải Pháp; và trong số các người khác, có cả Đô Đốc Dupré, Thống Đốc Nam Kỳ, là một hành khách quay về Pháp để chăm sóc sức khỏe.  Và tôi là một hành khách đi Tích Lan (Ceylon) -- để thăm tại trung tâm “hòn đảo linh thiêng” các phế tích của các kiến trúc đã được dựng 3,400 năm trước -- để nhìn thấy công trình Lava Maha Paya, với 16,000 chiếc cột của nó, các ngôi đền trên núi tại Matate, các hang động tại Dambool, và Hồ nước tại Candeley, với bờ kè bằng đá dài mười bốn bộ, được xếp chồng lên nhau một cách ngăn nắp.

            Chúng tôi đã có một cuộc hành trình êm đềm và thích thú đến Singapore, và từ đó đến Point de Galle, nơi mà tôi có thể xin phép chào tạm biệt độc giả; bởi chính từ Tích Lan, tôn giáo vĩ đại và oai nghiêm của Đức Phật, chắc chắn là đã được lan truyền trước tiên sang Miến Điện và các xứ sở khác của vùng Viễn Ấn./-

-------------

NguồnFrank Vincent, Jun., THE LAND OF THE WHITE ELEPHANT, Sights and Scenes in South-Eastern Asia, A Personal Narrative of Travel and Adventure in Farther India, embracing the countries of Burma. Siam, Cambodia, and Cochinchina (1871-2), các trang 298-316, New York: Harper & Brothers, Publishers, Franklin Square, 1874

Ngô Bắc dịch và chú giải
© 2007 gio-o

 

 


 

 



 







0 Comments:

Post a Comment



Bài đăng Mới hơn Bài đăng Cũ hơn Trang chủ


Khảo Sử trên Facebook