photo: http://z.about.com/d/asianhistory/


Santha Rama Rau



Ngô Bắc dịch



Lời người dịch:

     Santha Rama Rau sinh ra tại Madras, India năm 1923, con gái nhà ngoại giao Ấn Độ cao cấp, Sir Benegal Rama Rau.  Từ nhỏ, bà được giáo dục tai Anh Quốc, sau đó theo học tại đại học dành riêng cho nữ sinh viên, trường Wellesley College, Massachusett, Hoa Kỳ, nơi đã đào tạo ra nhiều danh nhân thế giới như bà Tống Mỹ Linh, phu nhân của Tổng Thống Trung Hoa Tưởng Giới Thạch, bà Hillary Clinton, phu nhân Tổng Thống Hoa Kỳ Bill Clintion …  Santha Rama Rau có các bài viết thường xuyên đăng tải trên các tạp chí The New Yorker và Holiday trong thập niên 1950 và 1960.

     Dưới đây là bản dịch của hai phần viết về Việt Nam, trong hai tác phẩm khác nhau, trước và sau Hiệp Định Geneve 1954 của tác giả:

1.    Bài 1: Viết về Sàigòn, khoảng năm 1948-1949, được trích trong quyển East of Home, do nhà xuất bản Harper & Row, Publishers ấn hành tại New York năm 1950, thuật lại chuyến du hành từ Tokyo, nơi thân phụ bà giữ chức vụ Đại Sứ Ấn Độ tại Nhật Bản, qua Trung Hoa xuống các nước Đông Nam Á.

2.    Bài 2: Viết về Việt Nam, trong thời khoảng 1954-1955, khi xảy ra cuộc di cư từ miền bắc vào miền nam, sau Hiệp Định Genève 1954, được trích trong quyển View to the Southeast, do nhà xuất bản Harper & Brothers ấn hành tại New York năm 1957.   


***

Bài 2:

VIỆT NAM

hỗn tạp và đền đáp


     Phi Luật Tân có lẽ là địa điểm dễ dàng nhất tại Đông Nam Á để một khách tây phương khởi đầu một chuyến thăm viếng trong vùng.  Thực sự không có rào cản về ngôn ngữ, các điều kiện sinh hoạt thì thoải mái – trong một số trường hợp, còn xa hoa – nhiều khách sạn, nhà hàng ăn, hội quán, rạp chiếu phim, cửa hiệu, ngay cả các tư gia có gắn máy điều hòa không khí chống lại cái nóng làm mệt mỏi của Manila, thức ăn và các lối sống không quá xa lạ khiến ta hoảng sợ, dân chúng dễ tiếp thu, thân thiện và hiếu khách.

     Từ bàu không khi tiếp đón nồng nhiệt này chúng tôi (một lần nữa sự tình cờ về địa dư khiến nó trở nên địa điểm thuận tiện nhất để đi tới nơi kế tiếp) viếng thăm xứ sở khó khăn nhất của Đông Nam Á đối với một người ngoại quốc, Việt Nam.  Sau năm năm có sự chiếm đóng của Nhật Bản và gần mười năm chiến tranh chống Pháp, xứ sở, một cách khá tự nhiên, trở nên kiệt quệ, sụt giảm cả về nhân lực lẫn tài nguyên thiên nhiên, chú tâm đến các vấn đề nội bộ, không có nhiều thì giờ để ý đến người ngoại quốc và khách du lịch.  Các làn sóng người tỵ nạn đến từ miền Bắc Cộng Sản; nhiều nghìn người chen chúc tại thủ đô, Sàigòn, và vùng thôn quê bao quanh nó.  Thành phố còn đông hơn nữa bởi các toán quan sát viên của Liên Hiệp Quốc cùng nhân viên của họ, với các nhân sự thuộc các cơ quan cứu trợ hoạt động giúp làm giảm bớt sự thiếu hụt thực phẩm, quần áo, y dược liệu, và sự xáo trộn kinh tế tất nhiên.  Từng đợt, thành phố lại bị tràn ngập bởi hàng ngàn binh lính người Pháp chờ đợi các tàu chở quân sĩ và các máy bay vận tải mang họ trở về Pháp – tất cả đều nằm trong chương trình di tản người Pháp phức tạp, khổng lồ.  Trong khi chính quyền Pháp thu nhỏ lại, tòa đại sứ Mỹ và các cơ quan liên hệ của nó lại tăng trưởng với nhịp độ chóng mặt.  Điều mau chóng trở nên rõ ràng rằng khoảng trống ảnh hưởng ngoại quốc để lại bởi nước Pháp đang triệt thoái đã được lấp đầy bởi người Hoa Kỳ -- một loại công việc rắc rối và bạc bẽo – và điều này kế đó đã tạo ra một sự đụng chạm đáng kể ngay trong các người ngoại quốc tại Việt Nam.

     Lần cuối tôi ở Việt Nam, năm năm trước đây, tôi đã đến bằng tàu thủy từ Hồng Kông, chạy một cách chậm chạp ngược giòng sông Sàigòn trong vài tiếng đồng hồ kể từ bờ biển, nhìn đăm đăm các cánh đồng lầy bằng phẳng, rộng lớn, xuyên qua đó giòng sông uốn khúc theo các đường vòng cung vĩ đại, một giải lóng lánh màu đất bùn.  Chúng tôi đã đậu vào bến ở cuối đuờng Catinat, con đường chính của thành phố chạy xuyên qua trung tâm khu cửa hàng và cơ sở kinh doanh từ con sông đến nhà thờ.  Chúng tôi đã nhìn không chớp mắt các khách sạn tô đá mài, các cao ốc văn phòng, các ngôi nhà nhiều căn hộ dọc theo bờ sông, phần lớn được quét vôi màu trắng pha vàng (sau này chúng tôi hay biết màu này được gọi ở địa phương là màu “kem Sàigòn”).  Bên dưới chúng tôi là Bến Tàu Các Loại Hoa (Quai des Fleurs), xa hơn nữa là các chiếc xe đẩy và các quầy bằng gỗ nhỏ bé bán trái cây và các loại rau.  Bên kia đường là các quán cà phê vỉa hè, và trên các bức tường bên cạnh chúng là các bảng quảng cáo thức uống và dược phẩm của Pháp.  Ngoai trừ các khuôn mặt của người Việt Nam trên đường phố và quần áo của họ -- các chiếc nón có hình như vỏ con ốc đá, các chiếc quần và áo dài phất phới – Sàigòn có thể là một thị trấn địa phương của Pháp ở thời khoảng yên tĩnh của một mùa hè rất nóng.



photo: Saigon 1954, photo: http://life.com/

     Lần này chúng tôi đến Sàigòn bằng máy bay và tôi chỉ biết đối chiếu cái nhìn đầu tiên về thành phố này với cảm tưởng cuối của tôi về nó.  Nơi đây sự hỗn độn gây cấn và đông đảo tức thời hiện ra.  Phi trường mới được mở rộng, được xây dựng để đối phó với các nhu cầu quân sự gia tăng khi chiến tranh lên cao, đã sẵn bị suy đồi và không còn thích ứng với các sự căng thẳng bao la của các tháng gần đây.  Các viên chức phi trường bực tức và bị làm việc quá sức nói với chúng tôi trong hàng loạt ngôn ngữ và cử chỉ rằng họ bị thiếu nhân viên một cách đầy tuyệt vọng, và trong bất kỳ trường hợp nào, họ còn có thể làm gì nữa với các máy bay đến và đi chi cách nhau bốn mươi lăm giây đồng hồ vào những giờ cao điểm?

     Một cách nào đó, bằng xe buýt, hay được cho quá giang bởi một vài kẻ xa lạ tốt bụng trên một chiếc xe hơi hay xe jeep, các hành khách vào được trong thành phố Sàigòn để thấy rằng tất cả các khách sạn, nhà trọ -- của Pháp, Trung Hoa, Việt Nam – ngay cả các doanh trại của Hoa Kỳ đều đông nghẹt.  Lái xe xuyên qua thành phố, bộ mặt đổ nát, tàn tạ của Sàigòn có thể tức thời được nhận thức.  Dĩ nhiên, ngay trong cuộc thăm viếng trước đây của chúng tôi, cái nhìn trầm tĩnh, ban đầu về thành phố sớm biến thành cái gì hoàn toàn khác xa với sự thực, nhưng điều gây ấn tượng với tôi lần này là các nhu cầu cấp bách của hòa bình xem ra đã áp đặt một áp lực lớn hơn nữa trên thành phố.  Đã có mọi hậu quả của chiến tranh và mọi nhu cầu của sự phục hồi cần phải đối phó.

     Từ cửa sổ của khách sạn, tôi có thể nhìn thấy dòng sông, và thay vì các tàu mậu dịch nhỏ, các thuyền nhà quê, các thuyền buồm Trung Hoa, đã có các chiếc tàu sơn màu xám của hải quân Hoa Kỳ đang trợ giúp việc chuyên chở người tỵ nạn xuôi nam từ Hà Nội.  Thỉnh thoảng, các hàng ngũ dài, nhốn nháo của các người tỵ nạn lại xuất hiện trên bến tàu; nhiều người bồng bế các trẻ em; một số chỉ có mỗi nồi niêu còn sót lại hay một mớ quần áo nhỏ bé.  Các lò bếp tạm thời được dựng lên để cấp phát cho họ một bữa ăn trước khi họ được chất đầy lên các chiếc xe vận tải và xe buýt và được chuyển đến các khu lều tạo lập bên ngoài thành phố, hay đến các doanh trại quân đội Pháp bỏ trống.

     Ngay trong thời gian chúng tôi ở Việt nam, các tình trạng đã được cải thiện, nhưng tôi lấy làm ngờ rằng Sàigòn sẽ có bao giờ lại trở thành thành phố mà người Pháp quen gọi là “Paris ở Phương Đông”.   Vần còn chấm phá các di tích của đời sống thực dân huy hoàng, nay đã mất, trong thời xa xưa đó, nhưng giờ đều mang các dấu vết của sự suy tàn.  Nhà Hát Lớn (Opera House), được xây cất một cách hùng dũng nơi giao lộ của con đường Catinat với một trong các đại lộ chính cắt ngang, có phần nội thất tráng lệ bị phá vỡ bởi các quả lựu đạn ném tay từ các kẻ theo phe cách mạng tại thành phố trong khi giao tranh.  Đã có thời các mệnh phụ của thuộc địa thường diện trang phục đẹp đẽ nhất đến xem các đoàn kịch lưu diễn từ Pháp đến trình diễn tại đó.  Nó đã được biến cải thành khu sinh sống tạm thời, thiếu vệ sinh, đông đúc cho người tỵ nạn.  Ngày càng ít đi các cửa hàng quần áo sang trọng dọc theo đường Catinat và các hành lang bên hông của nó trưng bày các kiểu thời trang và đồ phụ thuộc của Pháp.  Dinh ngày xưa của thống đốc Pháp đã được đổi tên thành dinh Norodom và hiện được cư ngụ bởi tổng thống Việt Nam.

     Dĩ nhiên, sau rốt tình hình tại Sàigòn rồi sẽ được ổn định, và khi đó có thể thành phố sẽ trở nên thực sự Việt Nam.  Đã sẵn có các dấu hiệu của điều này – các nhà hàng ăn Việt Nam đã khởi lập và đã làm ăn phát đạt với cả khách hàng Việt Nam lẫn ngoại quốc.  Rạp hát Việt Nam đang lớn mạnh và phát triển, chiếm dụng một số thính phòng thường dùng để chiếu các phim của Pháp, xây dựng thêm một số rạp khác của chính họ.  Bạn giờ đây nhìn thấy người Việt Nam tại một vài câu lạc bộ, hô bơi, khách sạn thường được dành riêng (hoặc bởi các sự quy định hay bởi sự thỏa thuận mặc nhiên) cho người ngoại quốc.

     Sinh hoạt của người Trung Hoa tại Sàigòn – tại khu “ngoại ô” Trung Hoa khổng lồ được gọi là Chợ Lớn – đang tự xác định với một thẩm quyền mới, bởi người Trung Hoa đã từng có trong quá khứ và chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến đời sống và sự sinh nhai của người Việt Nam hơn nhiều so với các kẻ cựu thống trị của họ, các người Pháp.  Người Việt Nam cũng như khách ngoại quốc bỏ rơi các hộp đêm hay các quán đêm [bôites, tiếng Pháp trong nguyên bản, chú của người dịch] của Pháp tại Sàigòn (ngay cả khi có sự trình diễn của một ca sĩ khích động và rất khiêu gợi [trépidante et très sexy, tiếng Pháp trong nguyên bản, chú của người dịch] để chạy sang các phòng nhảy rộng lớn, hào nhóang ở Chợ Lớn với các gái nhảy người Việt hay người Hoa, với đèn đưốc sáng choang và các ban nhạc khổng lồ.  Ở đó họ thích nhảy điệu lamtong [lâm thôn?], một điệu nhảy phổ thông nổi tiếng lan tràn khắp Đông Nam Á, với âm nhạc phần nào nằm giữa điệu đong dưa (swing) của Tây Phương và nhạc phim của Trung Hoa.  Điệu nhảy tự nó là một sự thích ứng kỳ lạ của lối nhảy ở sảnh đường khiêu vũ (ballroom) (nhưng không có thân mật của nó) với các truyền thống nhảy cá nhân của Á Châu (nhưng không có tính phức tạp của nó).


photo: Hanoi 1954, photo: http://life.com/

     Dân chúng cũng có vẻ ưa thích các quán ăn rẻ tiền của người Hoa hơn là các nhà hàng nhỏ của Pháp, đắt tiền, và ngay dù một vài nhà hàng khá nổi tiếng ở Chợ Lớn vẫn mang âm hưởng của Paris trong tên hiệu của chúng -- Tour d’Ivoire hay Palais de Jade – bạn ngồi ăn đồ ăn Trung Hoa hay biến thể của nó ở đó cùng với tiếng kêu lách cách không ngừng của các quân bài mạt-chược (mahjong) từ các căn phòng bên cạnh.  Với tất cả các dấu hiệu này của một sự thay đổi lối sống tại Việt Nam, Sàigòn vẫn còn là vùng tạp pí lù (hodgepodge) quốc tế lạ lùng, một thành phố chuyển tiếp với các dư hương quyến rũ – một số đáng buồn, một số đầy hứa hẹn – của lịch sử ngắn ngủi nhưng khác thường của nó.

***

     Lần đầu tiên trong mười bảy năm bạn có thể du hành tại Việt Nam ra bên ngoài Sàigòn, và đó là một kinh nghiệm vừa buồn bã lẫn hứng thú để thăm viếng xứ sở này, nay bị chia cắt thành hai.  Tại nhiều thị trấn tại đất nước kéo dài, uốn cong này, bạn có thể hãy còn nhìn thấy các vết sẹo từ cuộc chiến tranh dai dẳng, nghiền nát, đã trở thành một thảm kịch chính trong lịch sử Việt Nam cận đại.  Nhưng kể từ khi Miền Nam Việt Nam trở thành một nước cộng hòa vào mùa thu năm 1955, vùng thôn quê nhiệt đới đáng yêu, các làng xã, các khu rừng và bờ biển, tất cả một lần nữa đều có thể tiếp cận, và với chúng là một sự hấp dẫn khác biệt của một nếp sinh hoạt phức tạp, thường được đền đáp.

     Đối với bất cứ ai quan tâm đến tương lai của Á Châu, nơi đây, trong một mô hình thu nhỏ, hội tụ nhiều vấn đề nhất tiêu biểu cho lục địa khổng lồ, đang bị lãng quên này – từ nhu cầu khẩn cấp cho các sự cải cách nội bộ cho đến cuộc tranh chấp với ý thức hệ Cộng Sản và sự xây dựng dần dần các tiến trình dân chủ tại một xứ sở được biết không có độc lập hay chế độ dân chủ trong cả hàng trăm năm.  Nhưng Việt Nam không đơn thuần là một bài học kết tụ của chính trị học – có nhiều nơi lý thú để thăm viếng và một số nơi xa xăm của đất nước thì vừa lạ lùng, vừa xinh đẹp.

     Về nhiều điều thú vị của bạn tại Việt Nam, bạn vẫn còn phải cảm ơn người Pháp.  Ngay khi vừa đến Sàigòn bạn nhận ra được ngay trong lúc này ảnh hưởng còn rơi rớt lại của nền văn minh Pháp.  Tại trung tâm thành phố, chung quanh các cửa hiệu và các khách sạn, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong y phục dân tộc của họ đôi khi trông không phù hợp, bởi phong thái, kiểu dáng và thói quen của Pháp vẫn tiếp tục còn là lớp sơn mài trên mọi thứ.  Khi người Pháp đến đây, trong giữa thế kỷ trước, Sàigòn, chưa bao giờ giống như một thị trấn, đã trở thành một hải cảng quan trọng và đang mang phẩm cách ngày nay.  Nó đã thụ tạo một nhà hát lớn trang trí công phu, một giáo đường bằng gạch màu đỏ, các ngôi nhà quyến rũ, các đại lộ, các quán cà phê vỉa hè, và các bảng quảng cáo ở mọi chỗ cho Byrrh [beer: bia?] hay thuốc là Bastos.

     Ngay trong lúc này, Sàigòn cung cấp một bản sao trung thực của cuộc sống người Pháp, một cách trọn vẹn với thức ăn và rượu vang Pháp, phim ảnh của Jean Gabin, một Hội Quán Thể Thao (Cercle Sportif) và các món khai vị (apéritifs) kinh khiếp có mùi vị giống như kẹo ho.  Nhưng tinh thần mới của nền cộng hòa đã tự biểu lộ trong một loạt các cách thức khác nhau.  Các cửa hiệu đặc phẩm xa xỉ của Pháp, với các loại nước hoa, bao tay và cà vạt từ Rue de la Paix, đã đóng cửa, và các chủ nhân của chúng đã trở về Pháp hay có lẽ sang bên Bắc Phi châu.  Các loại phó mát, gan vịt pa-tê (patés), và các sản phẩm đóng hộp khác đến từ metropole (kinh đô mầu quốc) vốn thường làm hả dạ khách ngoại quốc tại đây, nay khan hiếm và đắt giá.  Tất cả mọi đường phố đều mang tên bằng Việt ngữ; dinh Cao Ủy nay thành “Dinh Độc lập” [ở một đoạn trên, được gọi là Dinh Norodom, chú của người dịch] và, để phù hợp với vị thế đã thay đổi của nó, trường Trung Học Lycée Chasseloup-Laubat, đặt theo tên của một thực dân nổi tiếng, giờ đây thành trường Trung Học Lycée Jean-Jacques Rousseau.  Quốc Hội nhóm họp tại Nhà Hát Lớn đã được tái thiết, và các doanh trại quân sự của Pháp đã được trú đóng bởi quân đội Việt Nam do Hoa Kỳ trang bị.  Tuy nhiên, ảnh hưởng văn hóa Pháp, vẫn còn mạnh, và một phái bộ đặc biệt, được đứng đầu bởi cửu giám đốc sở thông tin Pháp ở đây, đang hoạt động tốt đẹp để duy trì nền giáo dục Pháp tại Việt Nam.

     Người Pháp đã xây dựng khu nghỉ ngơi lễ hội đầu tiên của Việt Nam.  Từ một mỏm đất khô cằn, biệt lập, họ đã biến Cap Saint-Jacques (Mũi Vũng Tàu) thành một thị trấn bờ biển với các đại lộ rộng lớn, các ngôi biệt thự với bóng thông che mát, và các khách sạn Pháp nơi bạn có thể ăn các con tôm tí hon, tuyệt vời, và các con sò của vùng biển Đông Hải, và nhảy múa trong những buổi tối nhiệt đới ấm áp dưới các cây cọ dừa bên cạnh làn sóng biển sáng long lanh.  Nhưng ít có điều gì ở Cap Saint Jacques với các vũng cát vàng, các mũi có đá phủ kín và các cụm thông đê nhắc nhở bạn về Việt Nam.  Nó khác xa với xú sở châu thổ điển hình, bằng phẳng của Nam Việt Nam mà bạn nhìn thấy trong hai tiếng đồng hồ lái xe quay lại Sàigòn.  Trước tiên, có một mớ tối đen các đầm lầy toàn cây đước, sau đó hàng dặm đất trồng lúa màu xanh, ẩm ướt, thỉnh thỏang bị ngắt quãng bởi một ngôi làng với các căn nhà bằng lá dừa, một khoảnh rừng vì vài lý do nào đó chưa bao giờ được khai quang hay các dẫy cây cao su đối xứng nhau.

     Có lẽ khu nghỉ mát thích thú nhất xây dựng bởi người Pháp là Đà Lạt, vùng núi cao tới năm nghìn bộ tại phía bắc Sàigòn.  Nó là một thị trấn tương đối mới trở nên được ưa thích bởi nó đủ gần để mang lại cho kẻ thực dân nhớ quê hương một cuối tuần mát mẻ, tách rời khỏi khí hậu nóng ẩm của thủ đô.  Các vườn đặc biệt trồng các loại rau “Âu Châu” – xà lách, măng tây, dưa chuột – và nó là một trong số ít thành phố có sữa tươi cung cấp.  Trong mùa khô, có các cánh đồng rộng lớn đầy hoa hồng màu đỏ và màu hồng, các khu rừng khai quang đầy ắp hoa tím, và rải rác nhiều nơi, các cụm hoa mimosa màu vàng trong.  Hầu như bất kỳ lối đi bộ nào cũng dẫn đến một quang cảnh diễm lệ của vùng núi đồi đỏ tía, lạnh lẽo.  Nhưng thú vị hơn cả, từ cái nhìn của người Tây Phương, là cần đến quần áo ấm và ngọn lửa sưởi vào buổi tối.

     Gần đây Đà Lạt còn được thừa nhận vì hai điểm đặc sắc khác – thú săn bắn tuyệt hảo của nó (thay đổi nhiều loại như thú săn bắn được quảng cáo nhiều hơn tại Phi Châu và Ấn Độ, và rẻ tiền hơn nhiều), và các bộ tộc miền núi lạ lùng của nó.  Trong một đường hướng, cả hai nối kết với nhau, bởi vì các dân tộc miền núi nổi tiếng vì kỹ năng săn bắn kỳ bí của họ.  Khắp chốn núi rừng nơi mà họ đã thối lui trong các cuộc xâm lăng thời cổ xưa đã bị lãng quên, dân tộc miền núi đã trở thành các người săn bắn chuyên nghiệp để phòng vệ và để kiếm thức ăn.  Bao quanh bởi voi, hổ, nai, heo rừng, hoẳng đực, gấu đen, trâu rừng và vô số các loại chim săn bắn khác, họ học cách để dõi tìm và hạ sát ngay cả các con voi bằng cái nỏ, bước đi với đôi chân không và phơi trần nửa người xuyên qua cánh rừng.

     Bất kể các ngôi làng nhỏ bé kỳ lạ của họ, các túp lều của họ được phủ bằng mái tranh buông xuông gần chấm đất, xem có vẻ tạm thời và tùy tiện, và mặc dù họ thường di chuyển trên các khoảng cách xa xôi bằng đôi chân xuyên qua vùng đất đầy nguy hiểm của mình, họ không phải là dân du mục.  Họ canh tác gạo miền núi và cây bông vải, chăn nuôi gia súc (một số dành cho việc tế lễ, và một số làm thực phẩm hay cho việc lao động), săn bắn, dệt vải, và duy trì một xã hội được tổ chức khá chặt chẽ.  Các phụ nữ quấn quanh mình các tấm vải dệt tay màu đỏ, xanh và đen và tự trang điểm bằng các chuỗi hạt và ngà voi, và với các khoen lớn xuyên qua các lỗ xỏ ở tai.  Các thanh niên nhanh nhẹn đóng khố ngắn, và nhiều người vẫn còn buộc tóc dài vào một cái búi thả lỏng, trên cao, xuyên qua đó họ cài vài mũi tên.


photo: http://pro.corbis.com/

     Trong những ngày xa xưa cuộc di hành hàng năm của dân tộc miền núi xuống bờ biển đã là một biến cố rất đặc biệt.  Trong mùa khô sau vụ gặt, các bộ tộc đi xuống các thị trấn ven biển để đóng thuế và mua sắm ít đồ dùng.  Theo các bậc già lão hồi tưởng đời sống núi đồi trước chiến tranh, đó là một dịp đầy sôi động.  Trong nhiều ngày, các phụ nữ chuẩn bị thức ăn và rượu nấu bằng gạo và chọn lựa tấm vải thêu dệt đẹp đẽ nhất của họ để mang đi trao đổi; các đàn ông đi thu thập da súc vật và ngà voi, gỗ thông và số gạo dư.  Một cô gái sẽ bẽn lẽn nói với chàng trai của mình rằng trừ khi anh ta mua cho nàng một cái váy thành phố mới lạ từ bờ biển, chàng ta sẽ mãi mãi phải gọi cô gái là “chị”.

     Sau rốt, cả gia đình sẽ khởi hành cùng với con trẻ, thức ăn và gia súc trong một hành trình kéo dài vài tuần lễ.  Họ sẽ ngừng lại tại các bản thượng dọc đường để mở tiệc tùng và nhảy múa cùng bổ sung các thành viên mới cho cuộc rước lễ của họ.  Sau cùng khi họ đến được bờ biển, họ đã trao đổi các sản phẩm miền núi để lấy quần áo ở các cửa hàng và đời sống thành phố vui tươi, và sau đó quay trở về đối núi trong thời khoảng còn lại của năm.

     Các hành trình cổ xưa đó chỉ còn lại trong câu chuyện tiếc nuối của các vị già lão, nhưng ngay trong lúc nào, các cuộc du hành ngắn hơn của người dân miền núi được đi kèm bởi âm nhạc và các lễ hội, và trong các buổi tối, ở trại trong rừng hay nơi làng mạc, họ thuật chuyện về cuộc hành trình của mình và kể lại các cổ tích.  Thường những truyền thuyết này đầy các thần linh và sự biến hóa của linh hồn vào các súc vật và cây cối, và chúng mang lại một cuộc sống siêu nhiên linh động và kỳ lạ cho núi rừng.  Thí dụ, một chuyện thần thoại nổi tiếng liên quan đến hai thiếu nữ miền núi, Gliu và Glah, là hai cô gái chăn dê.  Một ngày kia, một vị hoàng tử đã sai một con quạ tha một đôi giầy bằng mỏ của nó đi tìm cô gái mang đôi giầy.  Gliu đã là cô gái duy nhất mà các chiếc giầy vừa vặn và cô ta kết hôn cùng vị hoàng tử.  Cô Glah ghen tức đã giết chết Gliu vào một ngày mà vị hoàng tử đi xa, và đã chôn cất Gliu, hy vọng được thay nàng trong tình yêu của vị hoàng tử.  Nhưng linh hồn của Gliu hóa thân vào một bụi tre và tự hiển lộ cho vị hoàng tử hay biết.  Glah cho chặt bụi tre và linh hồn Gliu lại hóa thân vào một con chim và buông hộp trầu chạm vào bàn chân vị hoàng tử để tự xác định mình.  Glah cho giết con chim, nhưng linh hồn của nó chuyển sang một cây đu đủ.  Sau các cuộc biến hóa tương tự nhiều lần, sau cùng linh hồn đã quay trở lại thân xác của Gliu, làm nàng sống lại.

     Nhiều câu chuyện của họ liên quan đến lòng dũng cảm.  Có lẽ phẩm chất được coi trọng nhất của họ là một loại can trường cẩn trọng giúp họ trở nên các người hướng đạo tuyệt diệu.  Một khi người dân miền núi tháp tùng bạn trong một cuộc viễn chinh vào vùng núi rừng, bất luận là bạn di hành hoàn toàn trên lưng voi hay đơn giản hơn bằng đôi chân, bạn chắc chắn có một cuộc săn bắn tốt – và đầy thú vị.

     Một kiểu sống thich thú, chậm rãi và lỗi thời một cách kỳ lạ, vẫn còn tiếp tục tại các đồn điền cao su lớn của người Pháp.  Phần lớn các trang trại được tạo dựng tại các quận vùng Đất Đỏ nổi tiếng của nam Việt Nam, gần biên giới Căm Bốt, nơi cây cao su mọc tốt nhất.  Theo truyền thống các chủ đồn điền lấy làm hân hạnh có được cơ hội gặp gỡ các khách du lich. Và tương đối dề dàng để dàn xếp một cuộc thăm viếng một đồn điền cao su và để thưởng thức trong ít ngày loại không khí của Somerset Maugham [một tiểu thuyết gia người Anh, nổi tiếng từ đầu thế kỷ thứ 20 với lối viết mỉa mai, châm biếm, có nhiều chuyện viết về đời sống tại các thuộc địa của Âu Châu, chú của người dịch] giờ đây mau chóng biến mất tại các phần khác của Á Châu.

     Các ngôi nhà trong đồn điền thì rộng lớn và mát mẻ, với mái hiên che nắng vươn xa và nền nhà lát gạch đỏ trơn bóng.  Từ hầu hết bất kỳ cửa sổ nào, bạn có thể nhìn thấy khu rừng ngăn nắp của các cây cao su, trồng theo các hàng lối đều đặn, chạy dài vô tận và ở giữ giữa các hàng cây một cảnh ảm đạm màu xanh vĩnh cửu.  Sau ít năm, theo lời các chủ đồn điền, bất kỳ cảnh trí nào khác xem ra lộn xộn và ánh nắng mặt trời trực tiếp trở nên quá khắc nghiệt để được yêu mến.  Cuộc sống tại đồn điền chuyển động theo các quy luật và thời biểu đặc biệt của riêng nó, khởi sự trước bình minh với các tiếng chuông từ xa và tiếng nói huyên thuyên của các công  nhân đồn điền người Việt, tiếp tục xuyên qua giấc nghỉ trưa kéo dài trong các căn buồng khép cửa lá sách với chiếc màn chống muỗi được vắt lên, tạo thành mái đình râm mát trên đầu và sự luồn lách nhanh nhẹn tình cờ của một con thằn lằn trên tường, cho đến buổi tối và một cuộc lái xe bất chợt có thể đến cả năm mươi dặm để thăm một láng giềng.

     Vào các ngày lễ và các dịp đặc biệt khác các công nhân đồn điền tổ chức nhảy múa trên nền đất được trang điểm với các ống tre và mái lợp bằng lưới kết bằng là dừa và hoa.  Gần như họ lúc nào cũng nhảy theo điệu lamtong [lâm thôn?], trong đó người con gái, như thông lệ, là kẻ đánh tiếng mời mọc, nhẩy múa trước khi kẻ được cô gái lựa chọn ra nhảy cùng với cô ta.  Khi đó, cô gái mau chóng quay đi và dẫn dắt chàng trai cặp đôi này qua một loạt các điệu nhảy rắc rối đến mức mà cô ta có thể sáng tác ra được.  Một buổi nhảy lamtong có thể kéo dài suốt đêm, chỉ kết thúc khi các công nhân đồn điền phải quay trở lại các cây cao su để thay các cái tô hứng mủ dính màu trắng giống như lớp kem đặc từ các rãnh khứa nông, chạy vòng trôn ốc trên thân cây.  


     Mặc dù quá nhiều nếp sống Việt Nam bị ảnh hưởng sâu đậm bởi Pháp, dần dần, một đặc tính mới đang xuất hiện đã bao hàm, về mặt văn hóa và lịch sử, quá khứ của chính Việt nam, trong khi các di sản Pháp dần dần thu nhỏ lại tầm quan trọng.

     Có lẽ yếu tố đơn độc quan trọng nhất của lịch sử Việt Nam là tại nơi đây hai luồng ảnh hưởng văn hóa lớn nhất của Á Châu gặp gỡ nhau – Trung Hoa, bành trường xuống phía nam, và Ấn Độ, đẩy theo hướng đông xuyên qua Đông Nam Á.  Dân tộc được chấm họa với bằng chứng của cả hai nền văn hóa, và của hỗn hợp của hai văn hóa đó.  Tại mọi thị trấn duyên hải xinh đẹp của Việt Nam, đã có các sự nhắc nhở về quá trình phức tạp của xứ sở.  Thí dụ, Hà Tiên, trên bờ Vịnh Xiêm La, là một thị trấn Khmer thời cổ xưa, được xây dựng khi sự chế ngự văn hóa Ấn Độ ở đỉnh cao của nó; song bên trong vịnh các chiếc thuyền là của Trung Hoa, các chiếc thuyền buồm bằng gỗ với buồm cánh dơi và mũi tàu được trang trí bằng một biểu tượng bảo vệ của Trung Hoa, “cặp mắt may mắn: lucky eye”.  Trên một trong các chiếc thuyền buồm, che khuất mặt trời thiêu đốt bởi một mái che bện bằng tre, bạn có thể trương buồm ra các hòn đảo trong Vịnh nơi các con rùa được bắt giữ để lấy vỏ và nơi mà các mảnh vụn của các đồn trại và các kiến trúc cổ xưa của Ấn Độ vẫn còn tồn tại.

     Trong những chuỗi ngày xa xưa đó, lịch sử Việt Nam chỉ toàn các cuộc chiến tranh.  Giống như mọi phần đất khác thuộc bán đảo Đông Dương họ đã chiến đấu và bị tấn công ngay trước khi có sử ký được ghi chép.  Các kẻ xâm lăng đầu tiên tiến vào xứ sở từ phương bắc, đẩy các cư dân nguyên thủy theo rặng núi dài, chạy xuống miền nam đất nước, giống như một xương sống khổng lồ.  Dần dần, qua các cuộc chiến tranh, các cuộc chinh phục và vân dụng chính trị, giải duyên hải rộng của Đông Dương – từ Trung Hoa ở phía bắc đến Vịnh Xiêm La ở phía nam – bị chia cắt thành ba nước, Nam Kỳ (Cochin-China), trung Kỳ (An Nam), Bắc Kỳ (Tonkin) [sic].  Mỗi nước có các nhà cai trị, quân đội, văn minh và nét tự hào đặc biệt của riêng mình.  Mỗi nước đã nỗ lực với mức thành công khác nhau để duy trì sự độc lập của mình.  Nam Kỳ, với thủ đô là Sàigòn, trong nhiều trăm năm, là một chư hầu của Căm Bốt khi các vị vua Khmer cai trị với một sự huy hoàng không thể tưởng tượng được từ thế kỷ thứ chín đến thế kỷ thứ mười ba.  Khi đế quốc Khmer tan rã, người dân An Nam khởi sự xâm nhập miền nam đên vùng đất mà họ gọi là Đồng Nai (The Land of Deer).  Thoạt đầu họ chỉ mua bán với các bộ tộc miền núi, nhưng sau đó quân đội của họ đã đến để chiếm giữ Nam Kỳ.



photo: Hanoi 1954, photo: http://life.com/

     Trong khi đó chính An Nam đã gặp phải các khó khăn.  Nó đã được cai trị, trong hơn một ngàn năm trước đây, bởi các vị vua Chàm, là các kẻ cũng bị khuất phục bởi các vị vua Khmer và bị bắt buộc phải phòng vệ các biên cương để chống lại các láng giềng phương bắc ở Bắc Kỳ.  Và để khép kin chu trình đó, Bắc Kỳ bị sáp nhập vào Trung Hoa, và ngay trong những lúc tương đối hòa bình, vẫn lo sợ triều cống lên các vị hoàng đế xa xôi ở Bắc Kinh.

     Trên bờ biển Đông Hải, hai chứng tích của thời đại quang vinh trong quá khứ vẫn còn tồn tại – Nha Trang, với hải cảng và bãi biển xinh đẹp nơi mà thủy triều giống như “tiếng gầm của một mãnh hổ” và nơi các con thuyền có đấy bằng thủy tinh đưa bạn ra ngoài để ngắm nhìn đời sống dưới biển lạ kỳ của các lớp san hô; và Huế ở phía bắc, tọa lạc trên một con sông có màu ngọc bích được gọi là Hương Giang.  Nha Trang đã từng có lần là một hải cảng quan trọng của triều đại xứ Chàm và bạn vẫn có thể nhìn thấy các di tích từ thế kỷ thứ bảy của các nhà cai trị Ấn Độ ở đó, các đền thờ bị đổ nát và thánh địa suy tàn của họ.  Các mái nhà nâng cao tại các ngọn tháp chau chuốt được trang trí bởi các sự chạm trỗ đặc sắc.  Các vòm giả dựng đứng, lối ra vào chật hẹp và các trụ cột thụt vào trong đều là các nét tiêu biểu của nền văn  minh rực rỡ đã bị tan biến này.

     Huế trong thực tế nằm ở Trung Hoa.  Thủ đô của đế quốc An Nam trong thế kỷ thứ mười chín, đó là Cấm Thành của vị Con của Thiên Triều (Thiên Tử).  Hoàng Đế An Nam và khối tùy tùng khổng lồ của ông đã sống trong thành có tường bao quanh trên bờ con sông và ở đó bạn có thể tìm thấy một âm vang mờ nhạt của Cấm Thành tại Bắc Kinh – các cung điện và các ngôi đình hoàng triều với các chiếc cột sơn son, các cánh cửa được vẽ với hình rồng vàng, các chiếc đỉnh bằng đồng khổng lồ, chạy dọc theo các cầu thang thấp dẫn đến các khu vườn và hồ nước.  Ở nhiều quãng, các bức tường khổng lồ bao quanh hoàng thanh được chấm định bởi các cổng thành quan trọng, bên trên được dựng nhiều ngôi đình và khu sinh sống cho lính canh gác.  Các kiến trúc này cũng thế, với mái ngói uốn cong được trang trí bằng hình con rồng màu thiên thanh ngẩng lên cao, hoàn toàn mang tính chất Trung Hoa trong khái niệm và trong sự thiết kế.

     Một trăm năm trước đây, với sự xâm nhập của người Pháp [sic], ba vương quốc duyên hải cạnh tranh nhau của Đông Dương đã thống nhất lần đầu tiên thành một đơn vị chính trị khó khăn.  Cho đến Thế Chiến II, sự cai trị của thực dân Pháp duy trì được một nền hòa bình được canh chừng và Việt nam, với suốt dòng lịch sử của nó, đã lôi cuốn các nhà mậu dịch và các kẻ chinh phục từ mọi nơi thuộc Á Châu, lại thấy mình nằm dưới sự thống trị của Âu Châu.

     Giờ đây người Trung Hoa đã đến trong một cuộc xâm lăng mới – lần này, không như các kẻ chinh phục bằng quân sự.  Trong hầu hết bất kỳ thị trấn nào tại Việt Nam, bạn sẽ tìm thấy các cửa hiệu, rạp hát, nhà hàng ăn, đền chùa và nhà cửa của người Trung Hoa.  Tại Sàigòn, họ đến với số lượng đảo đảo đến mức họ đã thành lập thành phố của chính họ, Chợ Lớn, có nghĩa “khu chợ to rộng: big market”, cách biệt với Sàigòn chỉ bởi một đại lộ lớn.  Ngày nay Chợ Lớn thì rộng lớn hơn về diện tích và có mật độ đông hơn về dân cư so với Sàigòn; và phần lớn kỹ nghệ và thương mại (ngoại trừ sự giao thương ở hải cảng) đều nằm trong Chợ Lớn.

     Cho đến mùa xuân năm 1955, khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm củng cố quyền hành, Chợ Lớn đã có một vài nhà hàng ăn và hộp đêm tốt nhất (có thuê mướn các diễn viên người Pháp và du nhập cảc màn trình diễn từ Paris).  Chúng bị chế ngự bởi một sòng bạc tại họa, khổng lồ, lừng danh, khu Đại Thế Giới (Grand Monde).  Dân chúng thuộc mọi giai tầng xã hội – người Trung Hoa giàu có, một quan chức Việt Nam theo thời cơ, các ngoại kiều trong dạ phục, các phu đạp xe, các phụ nữ với con nhỏ -- đam mê suốt đêm trong mọi hình thức có được của cờ bạc, từ trò chơi quay bàn số (roulette) cho đến một môn cờ bạc Trung Hoa khó hiểu liên quan đến các hình ảnh được rọi sáng di chuyển ngang qua một màn hình nhỏ.  Đại Thế Giới được điều hành bởi viên thủ lĩnh tai tiếng của phe Bình Xuyên, và bị triệt hạ khi ông ta thách thức sự lãnh đạo của Tổng Thống Diệm hồi tháng Năm 1955.  Ông Diệm, một người theo đạo Thiên Chúa La Mã khắc khổ, còn độc thân, từ đó đã tuyên chiến với “tứ đổ tường: four scourges” – rượu chè, hút thuốc phiện, đĩ điếm, và cờ bạc – và Đại Thế Giới đã được dùng làm một trung tâm tỵ nạn và mở chợ.

     Chợ Lớn đã cảm thấy các hiệu ứng của Việt Nam “mới’ hơn bât kỳ khu vực nào khác.  Cho đến khi độc lập, nó là một tụ điểm thu hút rực rỡ của các nhà hàng ăn, ổ điếm và các động hút thuốc phiện, với không khí sôi bỏng tối Thứ Bẩy, trên đó các thành phố bị bao quanh bởi chiến tranh đã lớn mạnh lên.  Đã có một bàu không khí phấn khích của sự nguy hiểm bất ngờ.  Các nhà hàng ăn lớn, đắt tiền nhưArc en Ciel, với thức ăn Pháp và Tàu chọn lọc và các màn trình diễn trên sân khấu Paris, có các hàng rào kẽm gai dầy đặc dọc vỉa hè.  Các hàng rào này đã được dựng lên trong tháng ngày rối loạn để bảo vệ khách hàng khỏi các quả lựu đạn ném tay lạc hướng.  (Ngày nay chúng được dùng để tách xa các kẻ ăn xin, một vấn đề dai dẳng).  Tại các hộp đêm ở Đại Thế Giới và Nhà Hàng Arc en Ciel, với các ban nhạc được tuyển vào từ Phi Luật Tân, các kẻ biểu diễn nhào lộn và các nhà ảo thuật từ Hồng Kông, các vũ công từ Tây Ban Nha và các diễn viên hài hước từ Pháp, các bàn ăn được chen chúc bởi các kẻ mua vui.  Một đội ngũ các thiếu nữ mảnh mai trong trang phục Trung Hoa hay Việt Nam phục vụ như các chiêu đãi viên, vũ nữ, hay bạn tình.  Bên cạnh Đại Thế Giới là một nhà hát Trung Hoa, và tiếng kêu lanh lảnh chói tai của nhạc kịch Trung Hoa hòa âm một cách kỳ lạ với giai điệu quen thuộc của nhạc Jazz của Hoa Kỳ.

     Các hộp đêm và các nhà hàng ăn vẫn hoạt động kinh doanh vững chắc, phần lớn được lui tới bởi từng đòan các viên chức Hoa Kỳ trú đóng tại Sàigòn.  Nhưng sự sôi động của Trung Hoa ở Chợ Lớn chắc chắn lắng đọng xuống như hậu quả của chiến dịch “Việt Nam hóa” người Trung Hoa của Tổng Thống Diệm.  Như tại phần lớn các nước Đông Nam Á, người Trung Hoa cần cù là một nhóm dân thiểu số tại Việt Nam, nhưng họ đã thành công trong việc nắm quyền kiểm soát hai phần ba nền kinh tế quốc gia.  Và mặc dù nhiều gia đình đã sống trong đất nước qua nhiều thế kỷ, hầu như không mấy người trở thành công dân Việt Nam.  Mùa đông vừa qua, Tổng Thống Diệm đã ra sắc lệnh tuyên bố rằng mọi người gốc Hoa sinh đẻ tại địa phương đều là công dân Việt Nam và đã hạn chế nghiêm ngặt sinh hoạt kinh doanh của họ.  Hậu quả, các ánh đèn neon lòe loẹt bằng chữ Hán đã được gỡ xuống và thay bằng các bảng sơn chữ Việt Nam trên các đường phố tại Chợ Lớn, và nhịp độ của sinh hoạt Trung Hoa đã chậm lại một cách rõ rệt.

     Phía bắc của vĩ tuyến mười bẩy thuộc địa phận Bắc Kỳ, lãnh địa của Việt Minh  không chỉ bị ảnh hưởng nặng nề bởi Trung Hoa, mà còn thâu hóa quá nhiều văn minh Trung Hoa đên nỗi, kế đó, nó đã ảnh hưởng lại văn hóa của nước lớn hơn [sic].  Điều đáng buồn là khách du lịch Hoa Kỳ giờ đây, và có lẽ còn kéo dài trong tương lai, không thể đến thăm viếng miền Bắc, bởi Hà Nội, thủ đô, được mệnh danh là thành phố duyên hải sum sê nhất của Đông Dương.  Cho đến thế kỷ thứ mười, nó là thủ đô của đế quốc An Nam, nhưng khi nó dần dà hướng về Trung Hoa, nó đã phát triển một tài năng thực sự mang nét Trung Hoa về phong thủy và đã thiết trí nhiều khu vườn đáng để ý chung quanh một cái hồ tại trung tâm thành phố.  Một trong các trường phái vẽ phong cảnh Trung Hoa phát nguyên từ đây, và các sự thích nghi của Hà Nội trên các hình thức Trung Hoa được nhìn thấy tại các đền chùa từ thế kỷ thứ tám đến thế kỷ thứ mười  xen lẫn trong các ngôi nhà hiện đại của thành phố.

     Sự hấp dẫn của Hà Nội nằm ở cảm thức lớn lao về tính đồng nhất, sự sạch sẽ, cá tính riêng biệt của nó.  Nó đã sản xuất ra nhiều nhà trí thức xuất sắc của Đông Dương, và tự hào về một trong nhưng bảo tàng viện khảo cổ phong phú nhất Á Châu.  Thắng tích đặc biệt của nó, ngôi chùa được xây dựng với vẻ đẹp độc đáo trên một trụ duy nhất lấy từ một thân cây khổng lồ, đã bị triệt hủy trong sự hỗn loạn sau chiến tranh.  Giờ đây thành phố được lắng đọng trở lại, có kỷ luật hơn miền Nam, song với điều gì đó của nền văn minh sáng tạo mà bạn sẽ nối kết với mạch chính của Trung Hoa.

     Gần Hà Nội là vịnh được kiểm soát bởi thành phố Hải Phòng.  Vịnh này đẹp đến nỗi, sau khu Angkor, nó được xem là quang cảnh tuyệt vời nhất của Đông Dương.  Hàng nghìn hòn đảo rải rác trên một giải nước biển có diện tích gần một nghìn dậm vuông.  Lái một thuyên tam bản giữa các ngọn tháp và cột đá lạ thường mọc lên từ vịnh, và bạn di chuyển một cách kỳ quái xuyên qua các hầm đá bị nhấn chìm dưới các thủy triều lớn, bò trên thảm rong rêu nhiều tầng để tới các hang động mờ ảo và mỹ lệ, và đột nhiên thấy mình đang trên bờ của các hồ ấn kín, với làn nước xanh rực sáng.  Bạn lách mình giữa các nhũ đá huyền hoặc trong khi người lái thuyền của bạn tìm kiếm các tổ yến biển, một cao lương Trung Hoa cổ truyền.  Họ kể cho bạn nghe các câu chuyện về các con rắn biển khổng lồ, được nghĩ lai vãng các dòng nước này, và chỉ cho thấy các con cừu hoang, con heo rừng hay các con khỉ trên các hòn đảo nhỏ bằng đá, có hinh dạng khác lạ, được tô điểm với đá thạch anh.  Nhưng, bất hạnh thay, ít nhất trong hiện tại, du khách Hoa Kỳ phải đưa ra các sự nhận định của mình về đất nước chỉ từ miền nam mà thôi.

     Điều khó khăn nhất trong việc thử tìm hiểu đặc tính Việt Nam mới là chính người dân.  Không giống như các láng giềng người Căm Bốt hay người Lào, họ có vẻ xa cách, lịch sự, nhưng co rút, và, đối với du khách tình cờ, thực sự không thể tiếp cận với họ được.  Địa điểm tốt nhất để tìm hiểu họ là Sàigòn, nơi ít nhất một hay hai khía cạnh trong đời sống của họ có thể được chia sẻ và nơi mà một viên chức Việt Nam đôi khi xuất hiện tại một cuộc tiếp tân “hỗn hợp”.


photo: Hanoi 1954, photo: http://life.com/

     Bạn có thể dùng món ăn Việt Nam tại tại vài hiệu ăn địa phương và học hỏi được rằng Việt Nam là một trong vài nước Á Châu xem rau là một phần thiết yếu của một bữa ăn.  Các đĩa rau sống tuyệt vời – hành, củ cải đường, rau mùi và rau bó xôi (spinach) – được đặt trên một chiếc bàn dài với thịt cắt nhỏ và trứng cùng một xấp các bánh tráng bằng gạo rất mỏng.  Dùng đũa, bạn đặt hỗn hợp thịt và các thứ rau ở giữa miếng bánh tráng, cuộn bánh tráng lại và nhúng vào một loại nước chấm gồm nước mắm cá và dấm.

     Sau bữa ăn tối, bạn có thể đi đến một rạp diễn tuồng Việt Nam, nơi bạn sè dự một vở tuồng dài gồm hàng tá cảnh trí rất ngắn.  Các diễn viên đều mặc y phục bằng vải trơn bóng (satin) lòe loẹt, càng rực rỡ hơn các cúc tròn bằng đồng và kim tuyến.  Trong các vở tuồng thời trước, các câu chuyện và sự trình diễn có tính cách truyền thống và đúng quy mẫu, nói về các vị tướng quân và các hoàng đế cùng các khó khăn, các trận chiến và tình yêu của họ.  Âm nhạc và tiếng chũm chọe inh ỏi đi kèm theo các cuộc giao tranh và song đấu, được sắp đặt một cách quá quy củ đến nỗi chúng trở thành một hình thái nhẩy múa.  Các vở tuồng hiện đại cho thấy người Việt Nam đa số quan tâm đến các khó khăn của một xã hội chính thống trong sự tiếp xúc với “sự Tây phương hóa” và một thế giới đang thay đổi – một thiếu nữ muốn kết hôn trái với ý muốn của cha mẹ; một thanh niên từ bỏ nhà và gia đình anh ta để chạy theo các sự lôi cuốn của đời sống thành thị.
           
     Ngay những người ngoại quốc với nhiều năm kinh nghiệm cũng ý thức được sự khó khăn trong việc làm bạn với người Việt Nam.  Chắc chắn một phần của sự giải thích nằm nơi sự co rút cảm tính khó chịu của một dân tộc bị buộc cảm thấy tự ti bởi một chuỗi các kẻ ngoại lai đến thống trị: trước tiên, và trong hơn một nghìn năm lịch sử của họ, bởi các láng giềng Á Châu là người Trung Hoa và Căm Bốt [?]; sau đó, ngắn hơn, nhưng với cường độ đáng kể, bởi người Pháp.  Về mặt văn hóa, có rất ít điều mà một người Việt có thể gọi là của chính mình – có thể, một vài nghệ thuật dân gian nhỏ nhặt, một sự cải tiến chút ít về thức ăn, hay y phục hay nghệ thuật, và tất cả chỉ có thế.  Vào thời điểm đặc biệt này của lịch sử, khi ý tưởng mới về sự “Việt Nam hóa” được tán trợ trong nước, khi người dân đang cố gắng để thiết lập một vài loại cá tính dân tộc riêng biệt, và khi các ký ức về sự ngạo mạn của ngoại quốc vẫn chưa mờ nhạt, điều thực sự không đáng ngạc nhiên rằng người Việt Nam ưa thích xúc tiến các sự tiếp xúc với các người ngoại quốc trong sự cẩn trọng và kín đáo.

     Trong khi đó, phần lớn người trong họ rất bận rộn cố gắng tái xây dựng cuộc sống của chính họ và xứ sở họ sau mười lăm năm chiến tranh liên tục./-  
                               
___

NguồnSantha Rama RauView to the Southeast, New York: Harper & Brothers, 1957, Vietnam, Complex and Rewarding, các trang 47-66.


Ngô Bắc dịch
15/1/2009



©gio-o.com 2009

0 Comments:

Post a Comment



Bài đăng Mới hơn Bài đăng Cũ hơn Trang chủ


Khảo Sử trên Facebook