SÀIGÒN MỘNG MỊ


Tela Zasloff

Ngô Bắc dịch

Tác giả Tela Zasloff đã đi cùng với người chồng, ông Joe, đến Sàigòn trong năm 1964, ở tuổi hai mươi lăm, để thực hiện một cuộc nghiên cứu chính trị về cộng sản Việt Nam.  Trong Tháng Hai 1965, hai tháng sau khi vợ chồng Zasloff quay trở lại Hoa Kỳ, Tổng Thống Johnson đã gửi toán viễn chinh đầu tiên trong các lực lượng chiến đấu Hoa Kỳ sang Việt Nam.

***
Nhà số 176 Đường Pasteur
       Ngôi nhà của chúng tôi đã từng có vẻ thanh nhã theo kiểu phố hàng tỉnh của Pháp, có các bao lơn và các hàng hiên và các dây leo với hoa màu hồng nở rộ và khu dành cho gia nhân ở phía sau.  Nhưng như tất cả mọi căn nhà trên cùng đường phố, ngôi nhà của chúng tôi giờ đây được bao quanh bởi một bức tường đúc cao với dây kẽm gai giăng trên cùng.
       Trong mùa hè 1964, khi chúng tôi đến Sàigòn, ngôi nhà của chúng tôi thuộc quân đội Mỹ, có các nhân viên Việt Nam vui vẻ giúp chúng tôi dọn vào.  Một người làm vườn nhỏ con, lưng khòm, xuất hiện gần như mọi ngày, khuôn mặt ông ta được che khuất bởi một chiếc nón lá.  Ông ta không bao giờ cất tiếng nói, nhưng gật đầu nhẹ theo sự chỉ dẫn của chúng tôi và đào sới không ngừng mảnh vườn phía trước nhỏ bé của chúng tôi, có vẻ như để nhổ cỏ dại và chăm sóc cho giải cỏ chật hẹp.  Chị Hai lau chùi bằng nước các sàn nhà gạch đỏ hai lần mỗi ngày, hay đúng hơn, Chị Ba là người lau sàn nhà, làm việc dưới sự giám thị nóng nảy và đôi khi hằn học của Chị Hai.  Nhà bếp thuộc về Anh Ba, người đứng nấu, đi mua đồ, và hướng dẫn làm bữa ăn, và giám sát công việc của Chị Hai – với sự bực dọc liên tục.
       Cầu thang lên từng thứ nhì có hai thanh vịn tay bằng gỗ anh đào dài, được đánh bóng, thật êm ái và dễ chịu khi sờ vào.  Buổi tối đầu tiên đó, chúng tôi đã thử ra ngồi trên các bao lơn phía trước, nhưng làn khói xanh từ các chiếc xe hơi và các chiếc xe gắn máy xả khói không đúng lúc đã xua đuổi chúng tôi vào trong nhà.  Phòng ngủ và phòng tắm của chúng tôi ở phía đàng sau ngôi nhà.  Chúng tôi mở các cánh cửa lá sách bằng gỗ đen của cửa sổ, nhìn khu ra nhà ở gia nhân bên ngoài giăng dây treo quần áo của chúng tôi, và vượt quá bức tường cao và đỉnh mái nhà của hàng xóm không quen biết của chúng tôi.

***
Động Vật
       Tôi không nhớ có nhìn thấy bất kỳ con chó nào rảo bước.  Các láng giềng của chúng tôi được bảo vệ bởi các con chó bị xích lại, dấu mình, và phán đoán từ tiếng sủa dài hơi, phải là giống chó Shepherds của Đức.  Một hàng xóm người Việt Nam mà tôi sang thăm có ba con chó cảnh màu trắng mắc phải bệnh ghẻ không nhẹ.  Chị Hai và Chị Ba nhận xét rằng sự mất dạng của nhiều con chó nhỏ tại một ngôi nhà phía dưới phố là bởi vì chúng đã bị làm thịt cho bữa ăn tối.
       Tôi không nhớ gì về các con mèo, mặc dù kích thước các con chuột bị bắt định kỳ tại các ống thoát nước của chúng tôi bởi toán bảo trì quân đội khiến ta nghĩ rằng một số lượng mèo phục vụ tốt cho việc ăn uống của thành phố.  Các cây cối và hoa nở thường xuyên và tôi ưa thích để tưởng tượng rằng tôi đã nghe được tiếng chim lạ lùng bên ngoài các cửa sổ của chúng tôi, nhưng tôi không thể nhớ có lần nào nhìn thấy được dù chỉ một con. Các con ngựa và các con bò với các bộ xương sườn gầy trơ xương kéo củi và sản phẩm ra chợ, nơi các chú khỉ làm trò than khóc đôi khi có thể được nhìn thấy trên vai các chủ nhân của chúng, cố gắng để thu hút trẻ em.  Có lần một người bán hàng đang bán một con mèo rừng mình có vằn đẹp đẽ với vòng đeo cổ bằng đá giả kim cương; nó hiển nhiên bị bệnh và vật vờ.  Khi tôi nhận xét “Nó bị bệnh” [Il est malade, tiếng Pháp trong nguyên bản, chú của người dịch], người bán trừng mắt nhìn tôi và lắc sợi dây buộc để đánh thức con vật.
       Các côn trùng có mặt khắp nơi, và được lôi cuốn tới với người Hoa Kỳ là các kẻ đã cự tuyệt việc dùng màn lưới chống muỗi thời thực dân xa xưa và đòi hỏi mọi cửa sổ phải được đóng lưới che.  Theo một ngạn ngữ cổ xưa, trong năm đầu tiên của bạn ở Sàigòn, bạn đòi một ly nước khác khi một con ruồi được tìm thấy trong ly nước uống của mình.  Trong năm thứ nhì, bạn sẽ vớt con ruồi ra trước khi uống.  Đến năm thư ba, bạn uống nó, con ruồi và mọi thứ, và nhận thấy vị của nó cũng ngon miệng.  Phần lớn các phụ nữ bận rộn trong các bữa tiệc ngoài sân cỏ với việc đập muỗi nơi chân của họ.  Các bè bạn tốt nhất của người bị đốt là các con tắc kè: các con thằn lằn màu nâu rám nắng dài từ một, hai phân Anh (inch) cho tới hơn một bộ Anh (foot), chạy trên các bức tường và trần nhà và mau chóng giảm trừ số lượng côn trùng với các chiếc lưỡi phóng ra như phi tiêu.
       Tại Đà Lạt, một thị trần miền núi cách Sàigòn một đường bay ngắn, chủ nhân lữ quán người Pháp mà chúng tôi lưu trú lấy làm khó hiểu bởi các chiếc quần ngắn, tất dài, và đôi giầy đánh quần vợt của chúng tôi, và bởi lời yêu ca6ù của chúng tôi muốn có ngựa để cưỡi trên đường mòn.  Với sự nài nỉ của chúng tôi, ông ta đã gửi đến chúng tôi một người chăn nuôi là kẻ đã cườì chúng tôi nhưng vẫn nhận tiền và giúp chúng tôi leo lên hai con ngựa nhỏ màu xám, có các lưng võng xuống, đã chạy một cách miễn cưỡng lên xuống một vài ngọn đồi trơ trụi, đã chỉ cất bước bởi vì chủ nhân của chúng chạy đàng sau chúng với một chiếc gậy. Một đám nhỏ dân quê tụ tập đứng ngắm nhìn và cười khúc khích.  Họ tán thưởng tôi, chủ nhân tái xác nhận với chúng tôi, về sự giữ thăng bằng của tôi khi cuộc cưỡi ngựa bị kết thúc một cách đột ngột với một đường nét biếm họa khi con ngựa đang rên rỉ của chồng tôi khuỵu xuống như một con lạc đà và từ chối không chịu đi nữa.  (Cùng ngày đó, tại Sàigòn, Tướng Lâm Văn Phát và Tướng Dương Văn Đức cầm đầu một cuộc đảo chính chống lại Chính Phủ của Tướng [Nguyễn] Khánh.  Ngày sau đó, dưới áp lực của Hoa Kỳ và lời đe dọa bỏ bom của Thiếu Tướng Không Quân Nguyễn Cao Kỳ, các viên tướng này đã thoái lui).
***
Các Kẻ Ăn Mày
       Tôi đã không chuẩn bị để gặp mặt các kẻ ăn xin hay cho phản ứng của tôi đối với họ.  Phần lớn trong đó là các trẻ em, bị què chân, cụt tay hay bệnh hoạn.  Các kẻ khác cậy nhờ đến một giọng van nài có tập luyện.  Tất cả đều bặm trợn một cách đáng ghét.  Đối với một người Mỹ mới đến, thật không thể nào rảo bước dọc một số lối đi bộ nào đó.
       Có một đứa con trai chín tuổi cụt chân tự đẩy mình đi trên một tấm ván trượt với tốc độ mau lẹ giữa khách sạn Hotel Continental, nơi em nhỏ hoạt động giữa các chiếc bàn ở hàng hiên, và Khách Sạn Caravelle, nơi em ấy len lỏi giữa các ký giả đang thu xếp các vé máy bay tại văn phòng du lịch ở tầng trệt.  Tôi thông thường né tránh em này.  Một buổi trưa tôi đi đến ngôi chợ trung tâm với Chị Hai.  Tôi chưa bao giờ tìm thấy chợ búa là một kinh nghiệm thích thú; nó luôn luôn nóng bức và đông đảo, đầy cá và rau trái hư thối, và người ta phải mặc cả liên tục.  Một bé gái rách rưới độ mườì tuổi nắm lấy cánh tay tôi và xòe bàn tay đã có sẵn ít đồng trong đó được cho bởi các kẻ khác.  Tôi cầm lấy một đồng và cám ơn em bé và giả vờ đút tiền vào túi của mình.  Em bé ngơ ngẩn cả người.  Tôi cảm thấy tôi đã thắng một keo.  Trên cùng đường phố, một đứa bé trai trông khỏe mạnh đi theo tôi qua hai dẫy phố để xin tiền với lời rên rỉ thấp giọng.  Tôi xé lớp giấy kính bọc ngoài một gói kẹo cao su và đặt miếng giấy nhầu nát vào bàn tay xòe ra của cậu bé.  Trong vài giây đồng hồ, cậu bé trừng mắt nhìn nó, sau đó nhìn tôi với ánh mắt tinh anh và phá lên cười.  Cậu bé lật qua lật lại tờ giấy nhiều lần trong sự kinh ngạc giả vờ và ấn tờ giấy lên mặt mình với các lời cám ơn ranh mãnh.  Tôi đã cười lên với cậu bé.
       Tôi giải thích về hành vi của mình ra sao?  Tôi nhớ lại một nhu cầu trốn tránh việc làm hạ phẩm giá mà tôi đã bị mời tham gia.  Có lẽ đó là lý do tại sao tôi lại muốn cườì lên một cách mỉa mia với các đứa trẻ này.  Cậu bé con với mảnh giấy bóng kính xem ra đã chia sẻ cảm giác của tôi trong một thời khắc ngắn ngủi khi cậu bé biễu diễn hành động cám ơn giả dối.  Tôi đã nhận thấy cùng sự mỉa mai nhẹ nhõm hai mưoi bốn năm sau này khi ở tại Thành Phố New York.  Tôi cảm thấy chiếc xách tay nhẹ đi và quay lưng lại, bắt gặp một người đàn ông giơ cao chiếc ví của tôi nơi góc phố, và tôi đã mỉm cườì và đưa bàn tay mình ra.  Ông ta lịch sự trả lại chiếc ví và nói: ‘Ồ, tôi xin lôi’.  “Việc đó không sao cả”, tôi đã trả lời, và chúng tôi lặng lẽ chia tay, giống như các kẻ quen sơ trao đổi các nhận xét về thời tiết.
       Tại Sàigòn, tôi lấy làm tức giận về trò lường gạt thay cho sự khốn khổ thực sự và nổi khùng về cảm giác rằng tôi bị quy trách cá nhân.  Nhưng một giọng nói khác thì thầm với tôi mọi ngày khi tôi rảo bước trên các đường phố đó rằng tôi tham gia một phần trong việc tạo ra các con người đáng thương này.
***
Buổi Hòa Nhạc
       Không lâu sau khi dọn vào ngôi nhà của chúng tôi, tôi đã đi thuê một chiếc dương cầm.  Hẳn phải vì bàu khí quyển quá nóng bức trong cuộc sống của chúng tôi tại Sàigòn đã tạo ra cơn khát khao bất chợt cho việc chơi nhạc cổ điển.  Hàng ngày tôi chơi nhạc trong nhiều tiếng đồng hồ vào lúc trời mát – các phần mở đầu và các tẩu khúc (fugues) nồng nhiệt của Bach, các bài tập nhạc [études, tiếng Pháp trong nguyên bản, chú của người dịch] của Chopin, một bản hợp tấu (concerto) của Mozart luôn luôn trở thành khích động nhất ở các đoạn chuyển âm điệu (modulations) khúc mắc.
       Trước khi thuê chiếc đàn dương cầm, tôi đã đi mượn một chiếc.  Một ngày sau khi Quốc Hội [Mỹ] thông qua nghị quyết Vịnh Bắc Việt và Hợp Chúng Quốc bắt đầu bỏ bom các căn cứ của Bắc Việt, tôi đã gặp một phụ nữ Việt Nam trẻ tuổi sống gần bên tại một tòa nhà to lớn chia thành nhiều gian do gia đình bà ta làm chủ.  Bà ta được huấn luyện tại một nhạc viện ở Paris và đồng ý để cho tôi chơi trên hai chiếc  đại dương cầm hợp tấu giống nhau của bà ta, Yamahas, đặt đâu lưng vào nhau trong một căn phòng khoảng khoát.  Có một bức ảnh của Mary Baker Eddy treo trên tường.  Sàn nhà lát gạch mở ra một bao lơn bên trên một sân vườn lúc nào cũng đầy đồ giặt cùng các chị người làm và trẻ con huyên náo, và các chiếc lồng có các con chim nhỏ bé hót vang.
       Vị nữ chủ nhân của tôi luôn luôn ăn mặc giống như một phiên bản trong phim về một sinh viên ở Sorbonne, với áo len dài tay cổ lọ (turtle-neck) màu xám và quần mầu đậm, mái tóc dài của bà, không để theo một kiểu đặc biệt nào, xỏa xuống ngang một khuôn mặt buồn bã.  Bà ta nói trong các lúc buột miệng ngắn bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp, và chúng tôi chưa bao giờ có thể thực hiện được một cuộc đàm thoại kéo dài.  Một hôm, bà ta có nói rằng bà ấy đà từng chơi một bản hợp tấu dương cầm của Tchaikovsky trong tám tiếng đồng hồ liên tiếp để làm nhạc nền cho một cuốn phim.  Một dịp khác, bà ta chỉ lên bức hình của Eddy treo trên tường và phát biểu một cách đơn giản, vu vơ, rằng bà ta là một nhà khoa học về Cơ Đốc Giáo (Christian Scientist).
       Lần thứ nhì khi đến căn phòng của bà ta, bà ấy mời tôi tham gia một buổi độc tấu (recital) từ thiện được bảo trợ bởi Các Bà Áo Xám (Grey Ladies), một nhóm của các bà vợ các sĩ quan cao cấp Việt Nam ở Sàigòn có mục đích làm các điều thiện giúp các nạn nhân chiến tranh.  Vị nữ chủ nhân của tôi cần sự phụ họa dương cầm cho phần trình diễn của bà trong bản Hòa Tấu Dương Cầm cung A Trưởng của Mozart và cũng là một người độc tấu để chia sẻ chương trình cùng bà ta: tôi được mời để trình bày hai hay ba phần.  Tôi đã chọn bài tập Chromantic Étude của Chopin, một đoạn mở đầu và tẩu khúc của Bach, và một tổ khúc (suite) hài hước của Roy Harris.  Người bạn hợp tấu của tôi sẽ bổ túc tấu khúc của Mozart bằng các tác phẩm của các nhạc sĩ  Debussy, Liszt và Fauré.
       Tôi đã tập dượt với sự nhiệt thành trong ba tháng kế tiếp – tại nhà người bạn hợp tấu của tôi và sau này, tại một nhạc viện nhỏ gần Nhà Thờ Sàigòn.  Tôi thả mình thư giãn, giả định rằng khối khán thính giả sẽ không phê bình chỉ trích.  Người bạn hợp tấu của tôi xuất hiện ít thường xuyên hơn và thường bỏ không đến dự các buổi tập dượt của chúng tôi, tôi không bao giờ được biết là vì có sự căng thẳng hay vì sự lãnh đạm.
       Các lời phê bình với mức độ nghiệm trong khác nhau thỉnh thoảng lọt đến tai chúng tôi.  Người chồng của người bạn hợp tấu của tôi, một kẻ thuộc binh chủng hải quân của nam Việt Nam, bình luận một cách mơ hồ trong cung cách quý phái của ông. Cha của bà ta, một người vừa mới từ chối lời mời trở thành một bộ trưởng trong chính phủ yểu tử của ông Phan Khắc Sửu, cúi đầu chào và mỉm cươi một cách lịch sự.  Một người Tiệp Khắc mù một nửa đến nghe chúng tôi và khuyến cáo một cách chua chát rằng chúng tôi cần tập dượt ít nhất hai muơi lần nữa.  Ông ta sẽ viết bài kiểm điểm về buổi hòa nhạc cho tờ nhật báo bằng tiếng Pháp ở địa phương.  Hai ngày trước buổi trình diễn, một người đàn ông nhỏ bé trong bộ y phục Pháp và đôi giầy bóng loáng, có nói rằng phần biểu diễn nhạc Mozart của chúng tôi thì “không tồi” [pas mal, tiếng Pháp trong nguyên bản, chú của người dịch] nhưng nó chỉ có thể được trình diễn bởi đàn ông.
       Buổi độc tâu đã bị bãi bỏ nhiều lần, bề ngoài là vì có các cuộc biểu tình trên đường phố, hay xác thực hơn, bởi sự lo ngại của bà chủ tịch rằng bà ta không thể bán cho đủ số vé.
       Bất kể sự bất trắc trong các giai đoạn hoạch định, buổi trình diễn đã diễn ra một cách êm thắm.  Khoảng 300 người đã tham dự -- Việt Nam, Hoa Kỳ, và người Pháp, kể cả nhiều trẻ em.  Họ đã hoan hô vang dội, và một số người có nói rằng họ lấy làm xúc động khi nhìn một sự hợp tác Việt-Mỹ như thế.  Bà Westmoreland, vợ của viên tư lệnh các lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam, ngồi ở hàng đầu.  Huấn luyện viên cưỡi ngựa cho tôi, một đại úy trong Lục Quân Hoa Kỳ, ngồi lặng lẽ phía sau, và Chị Hai đi bộ đến trễ cùng các con của chị, mặc áo lụa vẽ hoa và đội nón lá.
       Trong một tiếng rưỡi đồng hồ âm nhạc đã mang tất cả chúng tôi ra khỏi Sàigòn.  Đó là thời khoảng dài nhất trong suốt cuộc lưu ngụ mà tôi đã có thể quên đi các khác biệt giữa chính tôi và những người quanh tôi.
***
Các Cuộc Biểu Tình
       Một khía cạnh kỳ quặc của các lá thư từ quê nhà là cái nhìn của chúng cho rằng chúng tôi đang sống trong một sự nguy hiểm thường trực.  Chắc chắn trong năm 1964 đã có các cuộc biểu tình chống lại chính phủ [Nguyễn] Khánh, và người dân bị giết chết trong các sự rối loạn trên đường phố.  Các sinh viên đi với nhau thành các nhóm, mặt mày cau có, cầm gậy gộc và gạch đá; và cảnh sát, trong khi giải tán các nhà sư và ni cô Phật Giáo phản kháng, được biết đã bị thương và đôi khi bị giết chết.  Nhưng chúng tôi không nhìn thấy khủng bố và cảnh tượng bạo động gần nhất mà chúng tôi chứng kiến là sáng Chủ Nhật trước Ngày Lễ Tạ Ơn Thanksgiving, khi chúng tôi bị kẹt trong một chùm hơi cay làm chảy nước mắt tràn xuống khu phố chúng tôi, các hộp hơi cay vừa được ném bởi các binh sĩ trong quân phục tác chiến đầy đủ, ngăn chặn một đám người nhỏ cầm biểu ngữ đến trông chừng lễ tuyên thệ của tân chính phủ dân sự.  Làn hơi cay châm chích vào mắt, cổ họng, và buộc chúng tôi phải quay vào trong nhà.  Sau này, tại một bữa ăn tối, một nhân viên Cơ Quan Tình Báo Hoa Kỳ (CIA) xác nhận rằng Việt Cộng có đứng đàng sau các cuộc biểu tình.
       Cuộc biểu tình lớn nhất chúng tôi nhìn thấy là vào một buổi sáng trong Tháng Tám.  Chúng tôi nghe thấy tiêng hát và chạy ra ngoài cổng để nhìn thấy hàng nghìn sinh viên đang đi bộ trên đường Pasteur, dẫn đầu bởi các giáo sư và các sinh viên giũ trật tự với băng đeo tay màu cam và vàng.  Họ tưởng niệm cái chết của một thiếu nữ Việt Nam đã tự thiêu một năm trước đó.  Nhưng cuộc diễn hành đó không chỉ là một buổi tưởng niệm; các người biểu tình đang đòi hỏi dân chủ, cởi mở tôn giáo, một quốc hội đại diện dân chúng – sự loại bỏ chế độ độc tài quân phiệt.  Một nhóm khoảng 25,000 người đã đi đến Phủ Chủ Tịch.  Chủ Tịch [Nguyễn] Khánh đã phạm phải một lỗi lầm khi ra đối diện với các lãnh tụ sinh viên.  Ông ta trông nhỏ bé và thiếu uy nghi với chòm râu dê lưa thưa và đôi vai xuôi xuống của ông.  Ông ta trèo lên một chiếc xe màu xanh lá cây để nói.  Một sinh viên vung vẩy bản sao Hiến Chương Vũng Tầu mà ông Khánh vừa ban hành để thiết lập thẩm quyền của ông (các sinh viên sau này đã châm lửa đốt nó).  Ông Khánh nói năng không mạch lạc, hô to các khẩu hiệu về tự do và chiến đấu chống quân thù.  Các cân vệ, không mang vũ khí và bị hoang mang, và toán sinh viên giữ trật tự đeo băng ở cánh tay, xô đẩy đám đông, và sau mười phút, ông Khánh lùi về và biến mất vào trong Phủ.
       Các phóng viên trèo lên các cây cối để nhìn rõ hơn.  Chúng tôi đứng cạnh một ni cô Phật Giáo choàng khăn che đầu màu xám và một thiếu nhi tu đạo.  Một thiếu nữ với hàm răng xấu được cảm thấy đang sờ soạng một cách vụng về bên hông chiếc váy của tôi hầu tìm chiếc túi để móc.  Tôi chụp lấy tay cô ta và lắc đầu, một phần vì chiếc váy không có túi.  Và rồi một lượng nước mưa đổ xuống đột nhiên làm tan vỡ đám đông.  Cơn mưa to làm tất cả chúng tôi ướt sũng và thật là vô ích để tìm chỗ trú mưa.  Buổi chiều hôm đó tin tức cho hay ông Khánh đã từ chức và rằng hội đồng quân sự sẽ tuyển chọn một quốc trưởng và sắp xếp các cuộc bàu cử cho một quốc hội.  Ông Khánh trong thực tế đã kiểm soát chính phủ Sàigòn trong hơn sáu tháng nữa.   Ông sau đó bị buộc phải chạy ra ngoài nước sau cuộc đảo chính được âm mưu bởi Đại Tá [Phạm Ngọc] Thảo. (Trong một sự tường thuật năm 1983, ông Khánh đang trông coi một nhà hàng nhỏ tại West Palm Beach, sông với các bức hình và đồ kỷ niệm xa xưa).
       Chúng tôi đi bộ về nhà tối hôm đó qua các đường phố hoang vắng, mệt mỏi vì sự căng thẳng.  Một ngày trước đó một trái bom tại rạp Chiếu Bóng Eden đã làm chết một người đàn ông đi ngang qua trên một chiếc xe gắn máy.  Ngày sau đó, một “trái mìn plastic” được gài trên tầng thứ năm của Khách Sạn Caravelle làm bị thương năm người khách.  Ba ngày sau đó, trong các cuộc đánh nhau trên đường phố giữa các sinh viên với đám du côn bằng gậy gộc và dao, một cậu bé mười bốn tuổi trượt té khi chạy và bị chém nát người.
***
Tính Bài Ngoại
       Huế là đế kinh cổ xưa của Việt Nam, nơi mà triều đại của vua Gia Long khởi đầu từ năm 1802 và chấm dứt vào năm 1954.  Để cự tuyệt các người Âu Châu tại Á Châu, Hoàng Đề Gia Long và người kế ngôi, vua Minh Mạng, đã theo đuổi một chính sách cô lập.  Huế được xây cất như một thành phố có tường thành bao quanh, như Bắc Kinh, và chế độ của nó mang tính chất Khổng học, được kiến trúc một cách chặt chẽ và cứng ngắc, không dung chấp sự canh cải hay Tây Phương.
       Huế thuộc miền trung Việt Nam, gần vĩ tuyến Thứ Mười Bẩy.  Ông Hồ Chí Minh sinh ra ngay gần đó, nơi cha của ông ta là một quan chức trong triều đình và nơi ông Hồ đã theo học một trường của Pháp vào một thời khoảng có sự chống đối và xáo trộn chính trị.
       Huế là địa điểm của hai trong các thảm họa chua chát nhất của Cuộc Chiến Tranh Việt Nam.  Trong đợt công kích Tết Mậu Thân hồi Tháng Một 1968, khi quân cộng sản bao vây tất cả các căn cứ của Hoa Kỳ và Nam Việt Nam cùng một lúc, trận giao tranh ở Huế trở thành cuộc tắm máu tàn khốc nhất của cuộc chiến, với các sự ác độc chưa từng thấy được thực hiện trong hai mươi lăm ngày quân cộng sản chiếm giữ thành phố.
       Sớm hơn, trong Tháng Năm 1963, lời kêu gọi thống nhất dân tộc của Phật Giáo được đưa ra tại Huế, nơi nhiều nghìn người tụ tập để kỷ niệm ngày Phật đản sinh.  Viên thị trưởng theo Công Giáo đã ra lệnh cho năm chiếc xe bọc sắt đến giải tán đám đông, và một phụ nữ cùng tám trẻ em bị giết chêt.  Các cuộc phản kháng trong ít tuần lễ kế đó được tiếp nối bởi sự đàn áp thô bạo hơn của chế độ Ngô Đình Diệm.  Trong Tháng Sáu 1963, nhà sự Phật Giáo đầu tiên đã tự thiêu trên một đường phố ở Sàigòn để phản đối lại chính quyền của ông Diệm.
       Một năm sau đó, chúng tôi đã đến Huế trong hai ngày, do lời lời của một vị bác sĩ người Đức thích làm thơ giảng dạy tại trường y khoa, là kẻ muốn chỉ cho chúng tôi vẻ đẹp của các đền chùa và cung điện ở Huế.  Sau đó chúng tôi được đưa đến hàng hiên của một câu lạc bộ thể thao bỏ trống để dùng bữa trưa và kế đó về ngôi nhà nhỏ của chủ nhân để nằm ngủ trong chiếc màn che muỗi trong cơn nóng dữ dội của đầu buổi trưa.  Vào khoảng ba giờ chúng tôi đi ra ngoài để tản bộ.
       Chúng tôi thả bước dọc một con đường đất bên cạnh một con sông hẹp, đầy bùn.  Một ít người và xe cộ di chuyển chậm chạp.  Sau khoảng mười lăm phút, chúng tôi đã thu hút một đám nhỏ các trẻ em.
       Thoạt tiên chúng giữ im lặng.  Một số mặc quần áo bằng vải cũ kỹ, và các đứa khác, kẹp mình ngang hông các người chị của chúng, không mặc gì cả.  Chúng theo bước chúng tôi, lúc đầu ở phía sau, và sau đó bên cạnh chúng tôi, và ngắm nhìn chúng tôi với đôi mắt của người già cả, đáng gờm ngay dù một số trong chúng đang nhe răng cười toe toét.  Đám đông gia tăng và bắt đầu hò hét “Mee [Mỹ]-Hello-OK”.  Tôi trở thành đối tượng cho sự chú ý của chúng.  Một vài đứa đá các viên đá vào các bàn chân của tôi.  Một ít đưa trở nên táo tợn hơn và chạm vào tôi, sờ vào đôi cánh tay trần của tôi.  Các đứa khác bắt đầu ném các hòn sỏi vào lưng và cẳng của tôi.  Bao quanh sát viền đám đông, cha mẹ chúng đã nhập đoàn, với các khuôn mặt buồn bã và tay khoanh lại, ngắm nhìn một cách chủ ý mà không kêu gọi con họ ngừng lại.
       Một cơn tức giận trào lên trong cổ họng của tôi.  La lớn đứa bé gái khoảng năm tuổi, gần nhất và đẩy nó ngã xuống đất, đứa nhỏ đã chụp lấy đằng sau váy của tôi.  Việc này gây ra sự hò hét nhiều hơn.  Một dự kiến hiện lên trong đầu tôi về việc đẩy toàn thể đám đông xuống con sông đầy bùn bằng vòi nước cứu hỏa.  Các người bạn đồng hành khuyến cáo rằng tôi nên tỏ ra không quan tâm đến, và vị chủ nhân của chúng tôi đã cố gắng ra lệnh cho chúng đi khỏi bằng tiếng Việt.  Sau cùng chúng tôi đã vẫy tay gọi một chiếc xe xich lô đạp [cyclo-pousse, tiếng Pháp trong nguyên bản, chú của người dịch] và quay về nhà.
       Tôi không nhớ điều gì khác nữa về cuộc thăm viếng.  Nhiều năm sau này, có một báo cáo cho hay rằng sau cuộc tấn công Tết Mậu Thân, thi thể của một bác sĩ người Đức, vợ của ông, cùng hai đồng nghiệp người Đức cùng giảng dạy tại trường y khoa Huế được tìm thấy tại một hố không sâu.

       Có những lúc ở Sàigòn mà chúng tôi cũng phải bật lên tiếng cười và tự quy trách.  Có một buổi chiều chúng tôi đã thử chở hai người trên một chiếc xe đạp Sàigòn mong manh và chiếc xe xấu số bị gập thành đôi.   Chiếc xe này đã phát ra các tiếng kẽo két vang dội, và trong thực tế là việc đáng buồn cười.  Các người Mỹ cũng bị cười ngạo nếu mắc phải cơn mưa lớn.  Một lần tôi gọi taxi đến khu phố Tàu để điều tra về một hãng sản xuất đàn dương cầm và vội vã rời đi khi thấy nó quá thơ sơ đối với các nhu cầu của tôi.  Một nhóm trẻ em trên vỉa hè gõ vào các cửa sổ của xe taxi và mở cánh cửa khi xe chạy đi.  Chúng la lên một sự nguyền rủa với giọng điệu đều đều trước khi người đàn ông già cả chế tạo các chiếc dương cầm ra lệnh cho chúng quay trở lại cửa hiệu.
       Mặc dù thế, Sàigòn vẫn có một nét tao nhã gây ngạc nhiên, điều gì đó giống như sự thanh lịch của các bà già của [kịch tác gia] Tennessee Williams, các người, sáng tạo ra sự cứu rỗi của chính họ, những kẻ không nhận được sự tán tỉnh, đã cố gắng duy trì một vẻ lãng mạnh về quá khứ của họ.  Tại Sàigòn, sự ve vãn tán tỉnh được sinh ra từ nhu cầu hỗ tương; sự thù nghịch tự nhiên của người Việt Nam đối với một sự hiện diện ngoại quốc bị tắt tiếng, tuy hiện diện khắp nơi nhưng được ngụy trang, được làm ra mơ hồ bởi lịch sử của thành phố phát sinh từ các hè phố của đường Catinat [tức Tự Do khi đó, và Đồng Khởi hiện nay, chú của người dịch] và các tòa nhà và trường học thanh nhã do người Pháp xây dựng cũng như quân đội và đường xá mới sáng chói được đóng góp bởi người Mỹ.  Trong một thời gian rất lâu Sàigòn đã nói tiếng Việt với một âm sắc ngoại lai.
       Việt Nam cổ xưa phát khởi tại Huế và đã quất vào mặt chúng tôi.
       Trong ngày cuối cùng của chúng tôi tại Sàigòn, các nhân viên và bè bạn chúng tôi tháp tùng chúng tôi ra phi trường.  Các bức ảnh chụp của chúng tôi cho thấy rằng mọi người đều cười.  Nhưng tôi nhớ là đôi mắt họ trông buồn bã và lo lắng: tương lai xem ra xám xịt và bất ổn.  Tôi nhớ bắt tay Chị Hai và Chị Ba, nghĩ về các bộ âu phục vải len may tại Sàigòn và quần áo bằng lụa Thái Lan trong các va li của chúng tôi, các bức tranh và vải vóc cùng các bức tranh rập in [cà trên mặt khắc] của Căm Bốt được chở về nhà.  Nửa giờ sau khi đám đông rời đi, chúng tôi chờ đợi một chiếc máy bay trễ giờ.  Tôi lướt nhìn một cách lặng lờ các kẻ xa lạ quanh chúng tôi: các nông dân với các chiếc rổ bằng rơm bó lại, và các hộp thức ăn và các đứa bé đang nằm ngủ; các người lính hút thuốc và dạo bước; các gia đình ăn mặc theo thời trang đang thương thảo với các nhân viên du lịch với vẻ nóng nảy được kiềm chế.  Khi tôi nhìn chung quanh, tôi đột nhiên bị quất bởi một biến cảm mạnh mẽ đối với mọi người có mặt tại chỗ, một thành kiến mù quáng chống lại toàn thể người dân, toàn thể xứ sở.
       Những kẻ chung quanh đó không hay biết và không quan tâm.  Viên chức trong quân phục, kẻ đã trả lại các giấy tờ của chúng tôi bằng cái gật đầu cụt ngủn, mở hàng rào cao bằng dây kẽm đan vào nhau  là cổng khởi hành, vội vã đẩy chúng tôi bước qua và khép nó lại đàng sau chúng tôi với một tiếng khóa cổng kêu leng keng./-
_____
NguồnTela Zasloff, Saigon Dreaming, Granta 26, Travel, Spring 1989, các trang 181-193.       
  
 Ngô Bắc dịch và phụ chú
01.08.2011    


© gio-o.com 2011

0 Comments:

Post a Comment



Bài đăng Mới hơn Bài đăng Cũ hơn Trang chủ


Khảo Sử trên Facebook