Kĩ năng mềm cho nghiên cứu sinh


Gần đây, tôi nhận được khá nhiều thư hỏi về những bài tôi viết về kĩ năng mềm cho giới làm nghiên cứu y khoa. Những bài này được soạn theo kiểu “chỉ dẫn”, được công bố rải rác trên các tạp chí trong nước và một số website. Bây giờ tìm lại cũng khó, vì tôi không giữ các bài viết đó một cách có hệ thống. Nay tôi sẽ dần dần gom về đây bằng những đường dẫn (link) để các bạn có thể tự tải về mà không cần viết thư hỏi tôi.

Nguồn:


1. “Kỹ năng mềm” cho nhà khoa học
Hồi cuối năm 2008, trong một chuyến đi nói chuyện ở VN, tôi có dịp ra Hà Nội nói chuyện ở Viện lão khoa về đề tài viết bài báo khoa học. Phạm Hiệp là người phụ trách bản tin của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội có nhã ý phỏng vấn tôi những chuyện chung quanh chủ đề này. Hôm đó, chúng tôi (Hiệp, NĐP bên Tia Sáng, và tôi) gặp nhau trong một quán cà phê nhỏ, mà NĐP và PH nói quán này là "quán tủ" của tụi sinh viên, và chắc chính vì thế mà cách thiết trí của quán cũng có tính văn hóa. Quán chỉ cách khách sạn Melia (nơi tôi ở) có vài bước đi bộ. Chúng tôi ngồi đó gần cả buổi sáng chỉ nói chuyện ... thế sự khoa học. Một kỉ niệm khó quên. Thật ra, tôi thấy Hà Nội cũng có cái nét quyến rũ của nó, nhưng còn vụ ăn uống thì chắc tôi cần phải có thời gian mới thích nghi được. Mà thôi, tôi lan man mất rồi. Mời các bạn theo dõi cuộc nói chuyện giữa chúng tôi ...

===

Kỹ năng mềm là khái niệm còn rất mới mẻ đối với giới khoa học Việt Nam. Nhà khoa học sẽ “chuyên nghiệp” và “thành công” hơn khi họ được trang bị kỹ năng này. Để hiểu rõ hơn về khia niệm này, Bản tin ĐHQGHN đã có cuộc trao đổi với GS. Nguyễn Văn Tuấn - Nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan (Úc).

Trong tháng 12 vừa qua, ông có tham gia dạy một số khóa học liên quan đến các kĩ năng trình bày, viết báo cáo... cho các bác sỹ, dược sỹ tại Hà Nội. Ông có thể nói rõ hơn về khóa học này ?

Thật ra, đó chỉ là những buổi seminar về cách viết và công bố một bài báo khoa học trên các tập san y học quốc tế, và cách trình bày một nghiên cứu khoa học trong các diễn đàn khoa học quốc tế. Những chủ đề này nằm trong một loạt bài tôi đã viết từ trên chục năm qua, và nay có dịp trình bày trước các đồng nghiệp trong nước.

Trong bài nói chuyện về cách viết bài báo khoa học, tôi nói về qui trình vận hành của một tập san khoa học, đằng sau quyết định đăng hay không một công trình nghiên cứu, cách cấu trúc một bài báo khoa học và trình bày dữ liệu như biểu đồ và số liệu sao cho thuyết phục, logic, và sau cùng là cách viết cũng như dùng chữ cho chính xác và hay.

Trong bài nói chuyện về cách trình bày một nghiên cứu khoa học, tôi nói về những nguyên tắc cơ bản trong việc chuyển giao thông tin khoa học đến người nghe một cách hữu hiệu, những nguyên tắc về việc chọn màu sắc sao cho thích hợp với từng loại diễn đàn, cách chọn chữ và thiết kế biểu đồ cũng như bảng số liệu sao cho gọn nhẹ nhưng nói lên được thông điệp mình muốn chuyển giao đến người nghe.

Nói tóm lại tôi chỉ nói về những kĩ năng cơ bản của một nhà khoa học. Vì có cơ duyên phục vụ trong ban biên tập của nhiều tập san khoa học trên thế giới, nên tôi hiểu được cách vận hành và làm việc của các tập san này, vì thế tôi có thể trình bày những vấn đề mà người nước ngoài họ không thể chia sẻ với các đồng nghiệp trong nước.

Ðằng sau quyết định đăng một bài báo bao gồm những gì?

Khi bản thảo bài báo khoa học được nộp cho một tập san, tổng biên tập (editor-in-chief) đọc qua phần tóm lược (abstract), và dựa vào chuyên ngành của bài báo, sẽ giao cho một phó biên tập (associate editor) phụ trách, và người này chính là người có thẩm quyền quyết định “số phận” của bài báo. Thông thường, phó biên tập đọc qua bài báo, rồi quyết định xem có xứng đáng để gửi đi phản biện (peer review). Nếu bài báo có tiềm năng và xứng đáng, phó biên tập sẽ chọn 2 - 3 chuyên gia phản biện (phần lớn những chuyên gia này nằm trong ban biên tập của tập san). Sau 4 tuần (thời gian trung bình), các chuyên gia này gửi báo cáo phản biện cho phó biên tập. Nếu có một chuyên gia bình duyệt đề nghị từ chối bài báo thì thông thường phó biên tập sẽ gửi thư cho tác giả biết rằng tập san từ chối công bố bài báo.

Nếu tất cả chuyên gia phản biện không từ chối và yêu cầu sửa đổi, thì phó biên tập sẽ chuyển các phản biện này cho tác giả để chỉnh sửa (kể cả làm thêm thí nghiệm, thêm phân tích…). Sau khi chỉnh sửa, tác giả gửi lại bản thảo mới (và kèm theo những trả lời cho các câu hỏi mà chuyên gia phản biện nêu) cho phó biên tập. Nếu phó biên tập thấy tác giả trả lời đầy đủ, thì sẽ quyết định đăng hay không đăng. Nếu phó biên tập thấy tác giả chưa trả lời đầy đủ, thì tất cả hồ sơ sẽ chuyển cho các chuyên gia phản biện một lần nữa, và chu trình bình duyệt lại bắt đầu. Thông thường, một bài báo phải qua 2 - 3 lần phản biện, nhưng cũng có trường hợp mà tác giả phải kinh qua 6 lần phản biện. Một khi bài báo đã được chấp nhận hay không chấp nhận cho công bố, phó biên tập sẽ thông báo quyết định của mình cho tổng biên tập biết. Tính trung bình, thời gian từ lúc nộp bài đến khi quyết định cho công bố tốn khoảng 6 tháng. Nhưng cũng có khi thời gian kéo dài cả 1 hay 2 năm. Cố nhiên, trong các trường hợp bài báo được đánh giá là không xứng đáng ngay thì lúc ban đầu thì thời gian đi đến quyết định chỉ trong vòng 1 tuần.

Như vậy nhà khoa học ngoài khả năng chuyên môn cần phải có những kiến thức và kĩ năng nào khác?

Bạn đang nói đến kĩ năng mềm phải không? Theo tôi thì có 2 kĩ năng mềm mà các nhà khoa học Việt Nam cần phải cải tiến và học hỏi, đó là: Kĩ năng thông tin và ngoại giao. Kĩ năng thông tin ở đây là khả năng truyền đạt thông tin khoa học đến đồng nghiệp trong và ngoài nước qua viết và nói chuyện. Viết trên các tập san khoa học quốc tế đòi hỏi những kĩ năng về tiếng Anh (vì phần lớn tập san khoa học ngày nay sử dụng tiếng Anh) và cách biện luận, mà các đồng nghiệp trong nước đều rất yếu. Ðiều này thì có thể hiểu được vì tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ và theo kinh nghiệm của tôi, ngay cả những người đã từng đi du học ở các nước nói tiếng Anh cũng chưa thể viết hoàn chỉnh một bài báo khoa học vì làm được việc này đòi hỏi một thời gian “cọ sát” khá lâu mới trở thành chuyên nghiệp được. Ngay cả những nghiên cứu sinh mà tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ cũng khó có thể viết một bài báo khoa học một cách chỉn chu.

Nói chuyện trong các hội nghị khoa học đòi hỏi những kĩ năng chẳng những về ngôn ngữ mà còn nghệ thuật. Tôi đã thấy nhiều đồng nghiệp trong nước nói chuyện trong các hội nghị khoa học quốc tế, và họ phạm phải những lỗi lầm hết sức cơ bản như chọn màu sắc không thích hợp, chọn font chữ sai, sử dụng quá nhiều hoạt hình màu mè, diễn giải không thông và logic, cách nói quá đơn điệu, không biết cách trả lời người chất vấn, v.v.… Có người nhầm lẫn giữa trả lời chất vấn và lên lớp, nên biến bài nói chuyện thành một buổi trao đổi thiếu tính chuyên nghiệp (nếu không muốn nói là khôi hài)!

Cộng đồng khoa học, cũng như xã hội, là một tập thể với những quan hệ đa chiều. Nhà khoa học phải phụ thuộc lẫn nhau để tồn tại và phát triển. Trong mối quan hệ đa chiều như thế, kĩ năng ngoại giao rất quan trọng trong việc quảng bá công trình nghiên cứu của mình.

Có nhiều nhà khoa học trong nước nghĩ rằng họ công bố kết quả nghiên cứu và thế là xong. Nhưng khoa học ngày nay cạnh tranh ác liệt, cạnh tranh để được ghi nhận. Trong bất cứ lĩnh vực nghiên cứu nào cũng có nhiều người cùng làm, và việc tương tác với đồng nghiệp để quảng bá nghiên cứu của mình là một kĩ năng rất cần thiết để thành đạt trong khoa học ngày nay. Tôi thấy đây cũng là một điểm yếu nhất của nhiều đồng nghiệp trong nước vì họ hầu như chẳng có ý niệm gì về lobby trong khoa học.

Lobby trong khoa học là một khái niệm còn khá mới mẻ đối với giới khoa học Việt Nam. Ông có thể nói rõ hơn?

Nói ra ý này tôi cũng nghĩ làm nhiều đồng nghiệp ngạc nhiên, vì ít ai nghĩ rằng trong hoạt động khoa học mà cũng có lobby và vận động. Chúng ta có câu "hữu xạ tự nhiên hương", với hàm ý nói nếu công trình nghiên cứu của mình tốt thì đồng nghiệp sẽ trích dẫn và ghi nhận. Nhưng rất tiếc là ngày nay lí tưởng đó khó tồn tại trong thực tế khoa học, ít ra là trong ngành y học mà tôi đang làm. Trong khoa học, luôn có nhiều nhóm cùng làm nghiên cứu về một đề tài, nhưng tại sao có những nhà khoa học hay công trình khoa học được ghi nhận và nổi tiếng hơn các đồng nghiệp và công trình khác. Ngoài lí do về chất lượng và ý nghĩa của nghiên cứu, tôi nghiệm ra một phần của câu trả lời là kĩ năng ngoại giao của nhà khoa học. Do đó, khi nói lobby ở đây, tôi muốn nói đến những kĩ năng làm cho công trình nghiên cứu của mình được ghi nhận, được đề cập và trích dẫn, và qua đó gây ảnh hưởng trong chuyên ngành.

Muốn cho công trình của mình được nhiều người biết đến thì nhà khoa học phải biết cách “chào hàng” ý tưởng và công trình của mình trong các diễn đàn khoa học, phải biết tận dụng tất cả cơ hội (kể cả tranh thủ các tập san) để quảng bá nghiên cứu của mình đến cộng đồng khoa học. Những bài báo tổng quan (review), bình luận (commentary), chương sách… là những cơ hội lí tưởng để giới thiệu những công trình nghiên cứu của mình đến đồng nghiệp quốc tế.

Nhưng để được mời viết những tổng quan hay bình luận thì cá nhân nhà khoa học phải có một vị thế uy tín trong môi trường khoa học và để tạo ra một vị thế đó, ngoài thành tích khoa học ra, cần phải có kĩ năng ngoại giao. Nói cách khác, nhà khoa học phải biết và tranh thủ ủng hộ của các nhà khoa học đàn anh, các nhóm nghiên cứu có tiếng trên thế giới để được nằm trong quĩ đạo của những người “elite” (tinh tú, xuất sắc - Bản tin ÐHQGHN).

Ông đánh giá kĩ năng của các nhà khoa học Việt Nam như thế nào?

Theo tôi thì câu trả lời là: Chưa. Các đại học nước ta chưa chuẩn bị tốt cho nghiên cứu sinh về các kĩ năng thông tin. Tôi đã dự rất nhiều hội nghị, hội thảo, khoa học trong nước và có thể nói rằng hầu hết các nghiên cứu sinh, thậm chí cả các giáo sư, thiếu kinh nghiệm trình bày một nghiên cứu khoa học cho mạch lạc, chưa am hiểu những qui ước trong việc soạn thảo powerpoint và nhất là chưa nói tiếng Anh thông thạo. Như tôi nói, tiếng Anh thì có thể thông cảm được vì nó không phải là tiếng mẹ đẻ, nên nếu có vài sai sót thì chắc chẳng ai phàn nàn. Nhưng một nhà khoa học cấp giáo sư mà trình bày một nghiên cứu quá sơ sài, quá cẩu thả, và bất chấp qui ước khoa học thì khó mà chấp nhận được. Trong thực tế, tôi đã thấy (và báo chí cũng có lần phản ảnh) về các nhà khoa học hàng đầu nước ta khi nói chuyện trong hội nghị quốc tế làm cho chủ tọa cứ lắc đầu. Do đó, tôi nghĩ những kĩ năng cơ bản như kĩ năng thông tin cần phải được đưa vào chương trình học bắt buộc (compulsory subject) cho sinh viên đại học. Trong khi chưa có những chương trình giảng dạy như thế, tôi nghĩ chúng ta có thể tổ chức nhiều khóa học theo dạng workshop cho các đồng nghiệp trong nước để chúng ta nhanh chóng làm quen với “luật chơi” khoa học ở ngoài.

Thế còn ở Ðại học New South Wales nơi ông đang làm việc, người ta tổ chức bồi dưỡng những kĩ năng này cho các nhà khoa học như thế nào?

Ở Ðại học New South Wales và Viện Garvan, chúng tôi có những khóa học chỉ chuyên dạy về cách viết một bài báo khoa học hay đơn xin tài trợ, cách viết một đơn xin học bổng, cách trình bày một nghiên cứu khoa học cho nghiên cứu sinh. Tôi cũng từng tham gia giảng dạy và soạn tài liệu về cách viết một bài báo khoa học, nên qua đó cũng có thể chia sẻ với các đồng nghiệp trong nước. Như vậy, muốn tiếp cận trình độ quốc tế, các nhà khoa học và các nhà quản lý đại học cần phải quan tâm đặc biệt đến kĩ năng mềm.

Theo ông, các đại học Việt Nam cần phải làm thế nào để các nhà khoa học có thể học hoặc tự học để nâng cao những kĩ năng này?

Ông bà ta có câu “Không thầy đố mày làm nên”. Nói đến “kĩ năng” là nói đến thực hành, và thực hành thì khó mà tự học được. Những bài giảng, kể cả bài giảng về cách viết bài báo khoa học, tràn ngập trên internet, nhưng không phải có những bài giảng đó là có thể viết một bài báo khoa học được. Bất cứ kĩ năng nào cũng cần phải học và tiếp cận với những người có kinh nghiệm.

Qua làm việc thực tế với các bạn trong nước, tôi thấy cái khó khăn lớn nhất là các đại học Việt Nam chúng ta thiếu những người có kinh nghiệm về các kĩ năng mềm này, đơn giản vì nhiều giáo sư và nhà khoa học nước ta chưa từng công bố các nghiên cứu khoa học trên các tập san quốc tế. Tuy ngày nay các đại học nước ta cũng có một số nhà khoa học được đào tạo từ nước ngoài, nhưng khả năng độc lập mà họ có thể công bố một công trình nghiên cứu trên các tập san quốc tế vẫn còn rất hạn chế. Do đó, chỉ có một cách hữu hiệu nhất là mời các chuyên gia nước ngoài về trực tiếp giúp trang bị các kĩ năng mềm này cho các nhà khoa học trong nước.

Một kinh nghiệm mà tôi thấy cần học từ các nước láng giềng như Thái Lan và Nhật là ở một số đại học lớn tại các nước này, người ta có hẳn một hay hai người ngoại quốc nói tiếng Anh chuyên làm nghề biên tập khoa học (scientific editor) cho trường. Khi nhà khoa học soạn xong một bản thảo, họ trực tiếp làm việc với các chuyên gia này để hoàn chỉnh bản thảo trước khi gửi đi nộp cho một tập san khoa học. Tôi thấy đây cũng là một mô hình thực tế có thể giúp nâng cao sự có mặt của khoa học Việt Nam trên trường quốc tế. Cộng đồng khoa học, cũng như xã hội, là một tập thể với những quan hệ đa chiều. Nhà khoa học phải phụ thuộc lẫn nhau để tồn tại và phát triển. Trong mối quan hệ đa chiều như thế, kĩ năng ngoại giao rất quan trọng trong việc quảng bá công trình nghiên cứu của mình.

===


Một số nguyên tắc khi đặt tựa đề cho bài báo khoa học

1. Nên cố gắng đặt tựa đề với một thông điệp mới. Làm được như thế rất dễ gây sự chú ý của người đọc. Ví dụ: “A novel relationship between osteocalcin and diabetes mellitus”, ở đây chữ novel có tác dụng gợi ra một cái mới và làm cho người đọc thấy thích thú.

2. Không nên viết tựa đề theo kiểu phát biểu (statement). Khoa học không có gì là bất biến và “sự thật” hôm nay có thể sai trong tương lai. Do đó những tựa đề như “Smoking causes cancer” nó chẳng những cho thấy sự ấu trĩ hay ngây thơ trong khoa học của tác giả mà còn làm cho người đọc cảm thấy rất khó chịu.

3. Không bao giờ sử dụng viết tắt trong tựa đề bài báo. Mỗi công trình nghiên cứu thường tập trung vào một vấn đề chuyên sâu nào đó, và nếu chúng ta sử dụng viết tắt thì chỉ những người trong ngành mới hiểu, còn người ngoài ngành không hiểu và đó là một thiệt thòi cho nghiên cứu của mình.

4. Không nên viết tựa đề theo kiểu nghịch lí. Những tựa đề nghịch lí là “Yếu A ảnh hưởng xấu đến X, nhưng tác động tốt đến Y”. Những tựa đề kiểu này có thể làm cho người đọc khó chịu, và có khi làm lẫn lộn vấn đề của nghiên cứu.

5. Tựa đề không nên quá dài hay nhiều chữ. Tựa đề có nhiều chữ làm khó đọc và làm cho người đọc… dễ quên. Thông thường, tác giả nên cố gắng đặt tựa đề dưới 20 chữ. Có nhiều bài báo mà tựa đề có khi chỉ một chữ!

Một số nguyên tắc khi trình bày Power Point báo cáo khoa học

1. Nên dùng font chữ không có chân và Sans Serif như Arial hay Tahoma để khán giả dễ đọc. Những font chữ có chân như Times New Roman hay Courier làm cho khán giả tốn nhiều thời gian hơn để theo dõi.

2. Nên dùng cỡ chữ từ 18 trở lên, vì chữ nhỏ hơn làm cho người có tuổi khó đọc, còn chữ quá lớn thì tốn nhiều không gian.

3. Tránh viết toàn bộ bằng chữ in hoa vì rất khó đọc, và gây ấn tượng là diễn giả đang la hét!

4. Nên chọn chữ tối trên nền sáng cho giảng dạy hay nói chuyện trong giảng đường nhỏ.
5. Nên chọn chữ sáng trên nền tối cho các báo cáo khoa học và trong các giảng đường rộng. Tránh chữ màu xanh lá cây trên nền màu đỏ vì dễ gây "ngộ độc màu" cho người theo dõi.

6. Không nên cho âm thanh chạy theo chữ. Không nên sử dụng hoạt hình quá nhiều, vì nó gây ấn tượng diễn giải là… trẻ con.

7. Không nên nhồi nhét quá nhiều thông tin và hình ảnh trong một slide, vì nó làm giảm sự chú ý và gây lẫn lộn cho diễn giả.

8. Không nên đọc slide! Ðọc slide gây ấn tượng “trả bài” và làm cho người nghe không có hứng thú theo dõi.

Một số yếu tố làm cho người nghe chán

Kết quả nghiên cứu trên 159 khán giả về những yếu tố làm cho người nghe cảm thấy chán và sao lãng vấn đề.

1. Diễn giả đọc slide (60%)
2. Chữ quá nhỏ (51%)
3. Câu dài và không có gạch đầu dòng (48%)
4. Chọn màu khó đọc (37%)
5. Chữ chạy lòng vòng, hoạt cảnh nhiều (25%)
6. Dùng âm thanh đệm vào chữ (22%)
7. Biểu đồ, hình minh hoạ quá phức tạp (22%)

Phạm Hiệp (thực hiện) [Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 216, 2009)


2. Thế nào là một “bài báo khoa học” ?

Bài này đã đăng trên Tia Sáng số tháng 12/2005, nhưng không đầy đủ nội dung. Đây là nguyên bản đầy đủ nhất của tác giả gởi cho YKHOANET.
Nguyễn Văn Tuấn
Sau khi đọc qua loạt bài chỉ dẫn cách viết một bài báo khoa học trên trang web www.ykhoa.net một số bạn đọc viết thư cho tôi hỏi thế nào là một bài báo khoa học? Có bạn hỏi cụ thể: “có phải những bài báo cáo trong các hội nghị khoa học là một bài báo khoa học không?” Thoạt đầu tôi rất ngạc nhiên về câu hỏi này, nhưng sau khi trao đổi với nhiều đồng nghiệp trong và ngoài nước tôi, thấy có thể đây là một vấn đề về nhận thức, bởi vì nhiều nhà nghiên cứu vẫn chưa phân biệt được những khác biệt và giá trị của những bài báo trên diễn đàn khoa học quốc tế.
Báo điện tử VietnamNet số ra ngày 11/3/2004 trong bài phỏng vấn giáo sư Đỗ Trần Cát về tiêu chuẩn mới trong việc phong chức danh giáo sư có một trao đổi đáng chú ý như sau:
“Phóng viên: “Thực ra, đến nay vẫn chưa có định nghĩa nào về ‘bài báo khoa học’. Vậy năm nay, với những sửa đổi như ông nói thì quy định về "bài báo khoa học" có gì khác?
Trả lời: Bài báo khoa học phải là công trình khoa học chứa đựng kết quả nghiên cứu mới, phù hợp với chuyên ngành đăng ký chức danh. Bài báo đó phải được công bố trên một trong những tạp chí khoa học chuyên ngành quy định. Cụ thể là: Các tạp chí uy tín do các Hội đồng chức danh giáo sư ngành, liên ngành lựa chọn, đề nghị thường trực Hội đồng nhà nước về chức danh giáo sư quyết định.” (http://vietnamnet.vn/giaoduc/vande/2004/03/54931/, truy nhập ngày 22/11/2005)
Ở đây, trong khuôn khổ bài viết này, tôi sẽ nới rộng định nghĩa trên và cụ thể hóa thế nào là một bài báo khoa học. Tôi sẽ xoay quanh ba khía cạnh chính: phân loại bài báo khoa học, tập san khoa học và cơ chế bình duyệt bài báo khoa học.
Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, bài báo khoa học đóng một vai trò hết sức quan trọng. Nó không chỉ là sản phẩm tri thức, mà còn là một loại tiền tệ của giới làm khoa học, bởi vì qua đó mà người ta có thể đánh giá khả năng chuyên môn và năng suất khoa học của nhà nghiên cứu. Giới làm nghiên cứu khoa học nói chung nhất trí rằng cái chỉ tiêu số 1 để đề bạt một nhà khoa học là dựa vào số lượng và chất bài báo khoa học đã công bố trên các tập san chuyên ngành [1]. Trên bình diện quốc gia, số lượng bài báo khoa học là một thước đo về trình độ khoa học kĩ thuật và hiệu suất khoa học của một nước. Chính vì thế mà tại các nước Tây phương, chính phủ có hẳn một cơ quan gồm những chuyên gia chuyên đo đếm và đánh giá những bài báo khoa học mà các nhà khoa học của họ đã công bố trong năm.
Nhưng cũng giống như sản phẩm công nghệ có nhiều hình thức và giá trị khác nhau, các bài báo khoa học cũng xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau và giá trị cũng không đồng nhất. Đối với người ngoài khoa học và công chúng nói chung, phân biệt được những bài báo này không phải là một chuyện dễ dàng chút nào. Thật ra theo kinh nghiệm của người viết bài này, ngay cả trong giới khoa bảng và giáo sư đại học, có khá nhiều người vẫn chưa biết thế nào là một bài báo khoa học nghiêm chỉnh và có lẽ vì hiểu sai cho nên một số giáo sư đã trình bày trong lí lịch khoa học của mình một cách thiếu chính xác, có khi khá khôi hài. Bài viết ngắn này sẽ bàn qua về tiêu chuẩn của một bài báo khoa học. Phần lớn những phát biểu trong bài viết này được rút ra từ kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực y sinh học, và có thể không hoàn toàn đúng cho các lĩnh vực nghiên cứu khác mà bạn đọc có thể bổ sung thêm.
Bài báo khoa học
Nói một cách ngắn gọn, bài báo khoa học (tiếng Anh: “scientific paper” hay có khi viết ngắn là paper) là một bài báo có nội dung khoa học được công bố trên một tập san khoa học (scientific journal) đã qua hệ thống bình duyệt (peer-review) của tập san. Ở đây có ba vế của định nghĩa mà bài này sẽ lần lược bàn đến: nội dung bài báo, tập san, và cơ chế bình duyệt. Trước hết xin bàn về nội dung khoa học của một bài báo.
Như nói trên, giá trị khoa học của một bài báo tùy thuộc một phần lớn vào nội dung của bài báo. Bởi vì báo cáo khoa hoc xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, giá trị của chúng cũng không nhất thiết đồng nhất. Sau đây là một số bài báo khoa học thông thường và tôi xếp loại theo thang giá trị (cao nhất đến thấp nhất).
Thứ nhất là những bài báo mang tính cống hiến nguyên thủy (original contributions). Đây là những bài báo khoa học nhằm báo cáo kết quả một công trình nghiên cứu, hay đề ra một phương pháp mới, một ý tưởng mới, hay một cách diễn dịch mới. Có khi một công trình nghiên cứu có thể có nhiều phát hiện mới, và cần phải có nhiều bài báo nguyên thủy để truyền đạt những phát hiện này. Một công trình nghiên cứu lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên (randomized clinical trials) hay một công trình dịch tễ học lớn có thể có đến hàng trăm bài báo nguyên thủy.
Cống hiến mới cho khoa học không chỉ giới hạn trong phát hiện mới, mà có thể bao gồm cả những phương pháp mới để tiếp cận một vấn đề cũ, hay một cách diễn dịch mới cho một phát hiện xa xưa. Do đó các bài báo khoa học ở dạng này cũng có thể xem là những cống hiến nguyên thủy. Tất cả những bài báo này đều phải qua hệ thống bình duyệt một cách nghiêm chỉnh.
Tất cả các bài báo thể hiện những cống hiến nguyên thủy, trên nguyên tắc, đều phải thông qua hệ thống bình duyệt trước khi được công bố. Một bài báo không hay chưa qua hệ thống bình duyệt chưa thể xem là một “bài báo khoa học”.
Thứ hai là những bài báo nghiên cứu ngắn, mà tiếng Anh thường gọi là “short communications”, hay “research letters”, hay “short papers”, v.v... Đây là những bài báo rất ngắn (chỉ khoảng 600 đến 1000 chữ, tùy theo qui định của tập san) mà nội dung chủ yếu tập trung giải quyết một vấn đề rất hẹp hay báo cáo một phát hiện nhỏ nhưng quan trọng. Những bài báo này vẫn phải qua hệ thống bình duyệt nghiêm chỉnh, nhưng mức độ rà soát không cao như các bài báo cống hiến nguyên thủy. Cần phải nói thêm ở đây là phần lớn những bài báo công bố trên tập san Nature (một tập san uy tín vào hàng số 1 trong khoa học) là “Letters”, nhưng thực chất đó là những bài báo nguyên thủy có giá trị khoa học rất cao, chứ không phải những lá thư thông thường.
Thứ ba là những báo cáo trường hợp (case reports). Trong y học có một loại bài báo khoa học xuất hiện dưới dạng báo cáo trường hợp, mà trong đó nội dung xoay quanh chỉ một (hay một số rất ít) bệnh nhân đặc biệt. Đây là những bệnh nhân có những bệnh rất hiếm (có thể 1 trên hàng triệu người) và những thông tin như thế cũng thể hiện một sự cống hiến tri thức cho y học. Những báo cáo trường hợp này cũng qua bình duyệt, nhưng nói chung không khó khăn như những bài báo nguyên thủy.
Thứ tư là những bài điểm báo (reviews). Có khi các tác giả có uy tín trong chuyên môn được mời viết điểm báo cho một tập san. Những bài điểm báo không phải là những cống hiến nguyên thủy. Như tên gọi (cũng có khi gọi là perspective papers) bài điểm báo thường tập trung vào một chủ đề hẹp nào đó mà tác giả phải đọc tất cả những bài báo liên quan, tóm lược lại, và bàn qua về những điểm chính cũng như đề ra một số đường hướng nghiên cứu cho chuyên ngành. Những bài điểm báo thường không qua hệ thống bình duyệt, hay có qua bình duyệt nhưng không nghiêm chỉnh như những bài báo khoa học nguyên bản.
Thứ năm là những bài xã luận (editorials). Có khi tập san công bố một bài báo nguyên thủy quan trọng với một phát hiện có ý nghĩa lớn, ban biên tập có thể mời một chuyên gia viết bình luận về phát hiện đó. Xã luận cũng không phải là một cống hiến nguyên thủy, do đó giá trị của nó không thể tương đương với những bài báo nguyên thủy. Thông thường, các bài xã luận không qua hệ thống bình duyệt, mà chỉ được ban biên tập đọc qua và góp vài ý nhỏ trước khi công bố.
Thứ sáu là những thư cho tòa soạn (letters to the editor). Nhiều tập san khoa học dành hẳn một mục cho bạn đọc phản hồi những bài báo đã đăng trên tập san. Đây là những bài viết rất ngắn (chỉ 300 đến 500 chữ, hay một trang -- tùy theo qui định của tập san) của bạn đọc về một điểm nhỏ nào đó của bài báo đã đăng. Những thư này thường phê bình hay chỉ ra một sai lầm nào đó trong bài báo khoa học đã đăng. Những thư bạn đọc không phải qua hệ thống bình duyệt, nhưng thường được gửi cho tác giả bài báo nguyên thủy để họ đáp lời hay bàn thêm. Tuy nói là thư bạn đọc, nhưng không phải thư nào cũng được đăng, nếu không nêu được vấn để một cách súc tích và có ý nghĩa.
Và sau cùng là những bài báo trong các kỉ yếu hội nghị. Trong các hội nghị chuyên ngành, các nhà nghiên cứu tham dự hội nghị và muốn trình bày kết quả nghiên cứu của mình thường gửi bài báo để đăng vào kỉ yếu của hội nghị. Có hai loại bài báo trong nhóm này: nhóm 1 gồm những bài báo ngắn (proceedings papers), và nhóm 2 gồm những bản tóm lược (abstracts).
Những bài báo xuất hiện dưới dạng “proceeding papers” thường ngắn (khoảng 5 đến 10 trang), mà nội dung chủ yếu là báo cáo sơ bộ những phát hiện hay phương pháp nghiên cứu mới. Tùy theo hội nghị, đại đa số những bài báo dạng này không phải qua hệ thống bình duyệt, hay có qua nhưng cũng không nghiêm chỉnh như hệ thống bình duyệt của những bài báo nguyên thủy. Cần nhấn mạnh rằng đây không phải là những bài báo khoa học bởi vì chúng chưa xuất hiện trên các tập san khoa học và qua bình duyệt nghiêm chỉnh.
Các bản tóm lược, như tên gọi, thực chất là những bản tin khoa học ngắn (chỉ dài từ 250 chữ đến 500 chữ) mà nội dung là tóm tắt một công trình nghiên cứu. Những bản tin này cũng không qua hệ thống bình duyệt. (Thực ra, không ai có thể thẩm định một công trình nghiên cứu với 250 hay 500 chữ!) Vả lại, một hội nghị chuyên môn có khi nhận đến 5000 bài tóm lược, cho nên ban tổ chức không thể có đủ người để làm công việc bình duyệt bài vở một cách kĩ lưỡng và có hệ thống. Phần lớn, nếu không muốn nói là 100%, các bài tóm lược đều được chấp nhận cho in trong các kĩ yếu của hội nghị. Một lí do để chấp nhận tất cả các bài tóm lược là ban tổ chức muốn có nhiều người dự hội nghị (nhiều người tham dự cũng có nghĩa là tăng thu nhập cho ban tổ chức) cho nên họ không muốn từ chối một bài báo nào.
Tập san khoa học và hệ số ảnh hưởng
Trong hoạt động khoa bảng, các tập san khoa học là những tờ báo xuất bản định kì, có thể là mỗi tuần một lần, mỗi tháng, hay mỗi 3 tháng, thậm chí hàng 6 tháng một lần. Mục tiêu chính của các tập san khoa học là chuyên chở thông tin đến giới nghiên cứu khoa học nhằm từng bước phát triển khoa học. Các tập san khoa học còn là những diễn đàn khoa học để giới khoa học có cùng chuyên môn trao đổi và học hỏi với nhau. Phần lớn các tập san khoa học rất chuyên sâu về một bộ môn khoa học như American Heart Journal (chuyên về tim), American Journal of Epidemiology (dịch tễ học), Bone (xương), Blood (máu), Neurology(thần kinh học) … nhưng một số tập san như Science, Nature,Proceedings of the National Academy of Science USA … công bố tất cả nghiên cứu từ bất cứ bộ môn khoa học nào.
Trên thế giới ngày nay, có khoảng 3000 tập san y sinh học được công nhận, và con số vẫn tăng mỗi năm. (Được công nhận ở đây có nghĩa là được nằm trong danh sách của tổ chức Index Medicus). Tiêu chuẩn mà các tập san này dựa vào để công bố hay không công bố một bài báo khoa học cũng rất khác nhau. Một số tập san như Science, Nature, Cell,hay Physical Reviews chỉ công bố những bài báo khoa học mà ban biên tập cho rằng thể hiện những cống hiến cơ bản, những phát hiện quan trọng, hay những phương pháp mới có tiềm năng ứng dụng rộng rãi trong cộng đồng khoa học. Do đó, các tập san này từ chối công bố hầu hết các bài báo khoa học gửi đến cho họ. Theo một báo cáo gần đây các tập san này chỉ công bố khoảng 1% những bài báo họ nhận được hàng năm. Nói cách khác, họ từ chối khoảng 99% bài báo. Trong y học, các tập san hàng đầu như New England Journal of Medicine, Lancet, vàJAMA từ chối khoảng 95% các bài báo gửi đến, và chỉ công bố những bài báo quan trọng trong y khoa.
Giá trị khoa học của một bài báo do đó không chỉ tùy thuộc vào nội dung, mà tập san công bố cũng đóng một vai trò quan trọng. Chẳng hạn như trong y học một bài báo trên các tập san lớn như New England Journal of Medicine (NEJM) hay Lancet có giá trị hơn hẳn một bài báo trên các tập san y học của Pháp hay Singapore Medical Journal. Điều này đúng bởi vì những công trình nghiên cứu quan trọng thường được công bố trên các tập san lớn và có nhiều người đọc, nhưng quan trọng hơn hết là những tập san này có một hệ thống bình duyệt nghiêm túc.
Uy tín và giá trị của một tập san thường được đánh giá qua hệ số ảnh hưởng (Impact Factor hay IF). IF được tính toán dựa vào số lượng bài báo công bố và tổng số lần những bài báo đó được tham khảo hay trích dẫn (citations). Theo định nghĩa hiện hành, IF của một tập san trong năm là số lần tham khảo trung bình các bài báo được công bố trên tập san trong vòng 2 năm trước [2]. Chẳng hạn như trong 2 năm 1981 và 1982, Tập san Lancet công bố 470 bài báo khoa học nguyên thủy; trong năm 1983 có 10.011 bài báo khác trên các tất cả các tập san (kể cả Lancet) có tham khảo hay trích dẫn đến 470 bài báo đó; và hệ số IF là 10.011 / 470 = 21,3. Nói cách khác, tính trung bình mỗi bài báo nguyên thủy trên tờ Lancet có khoảng 21 lần được tham khảo đến hay trích dẫn.
Vì yếu tố thời gian của việc tính toán, cho nên hệ số IF cũng thay đổi theo thời gian và cách xếp hạng tập san cũng thay đổi theo. Chẳng hạn như vào thập niên 1990s British Medical Journal từng nằm trong nhóm các tập san hàng đầu trong y học, nhưng đến đầu thế kỉ 21 tập san này bị xuống cấp nghiêm trọng. Trong y sinh học, có một số tập san y học thuộc vào hàng “top 10” như sau (theo số liệu năm 2003): Annual review of immunology. (52,28), Annual review of biochemistry (37,65), Physiological reviews (36,83), Nature reviews Molecular cell biology (35,04), New England Journal of Medicine (34,83), Nature reviews Cancer (33,95), Nature (30,98), Nature medicine (30,55), Annual review of neuroscience (30,17), Science (29,16), Cell (26,63), Nature genetics (26,49), Lancet (18,32), Journal of clinical investigation (14,30), v.v…(Chi tiết có thể tham khảo trong bản thống kê phía dưới bài viết).
Do đó, tập san nào có hệ số IF cao cũng được hiểu ngầm là có uy tín cao và ảnh hưởng cao. Công bố một bài báo trên tập san có hệ số IF cao có thể đồng nghĩa với mức độ quan trọng và tầm ảnh hưởng của bài báo cũng cao. Xin nhấn mạnh là “có thể” mà thôi, bởi vì qua cách tính vừa trình bày trên, IF là chỉ số phản ánh ảnh hưởng của một tập san, chứ không đo lường hệ số ảnh hưởng phải một bài báo cụ thể nào. Một bài báo trên một tập san có hệ số IF thấp nhưng có thể được trích dẫn nhiều lần. Chẳng hạn như một bài báo viết về một phương pháp phân tích thống kế trong di truyền học công bố trên tập san Behavior Genetics(với IF thấp hơn 2), nhưng được trích dẫn và tham khảo hơn 10.000 lần trong 20 năm sau đó!
Khiếm khuyết của hệ số IF đã được nêu lên khá nhiều lần trong quá khứ [3,4]. Ngay cả người sáng lập ra hệ số IF cũng thú nhận những thiếu sót của hệ số này. Một số bộ môn khoa học có xu hướng (hay truyền thống) công bố ra nhiều bài báo ngắn, hay đơn thuần là họ có truyền thống trích dẫn lẫn nhau, thậm chí tự mình trích dẫn mình! Có nhiều nhà khoa học trích dẫn hay liệt kê những bài báo mà họ hoặc là không hay chưa đọc (nhưng chỉ trích dẫn theo sự trích dẫn của người khác, đây là một vi phạm khoa học). Ngoài ra, những bộ môn nghiên cứu lớn (như y khoa chẳng hạn) có nhiều nhà nghiên cứu và con số bài báo cũng như chỉ số trích dẫn cũng tăng theo. Nói một cách ngắn gọn, con số thống kê bài báo và chỉ số trích dẫn chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố ngoại vi hơn là chất lượng khoa học. Cũng không loại trừ khả năng những công trình nghiên cứu tồi, sai lầm vẫn được nhiều người nhắc đến và trích dẫn (để làm gương cho người khác). Phần lớn những bài báo được trích dẫn nhiều lần là những bài báo liên quan đến phương pháp, hay thuộc loại điểm báo. Nhiều nghiên cứu “tốt”, có chất lượng thường đi trước thời gian, và người ta chỉ hiểu rõ giá trị của chúng sau nhiều năm sau khi công bố.
Dù bíết rằng hệ số IF có nhiều khiếm khuyết như thế, nhưng hiện nay chúng ta chưa có một hệ thống nào công bằng và tốt hơn để thẩm định chất lượng một tập san. Cho nên, hệ số IF vẫn được sử dụng như là một thước đo chất lượng, với một sự dè dặt và cẩn thận cần thiết.
Cơ chế bình duyệt
Để hiểu cơ chế bình duyệt, tôi xin nói sơ qua về qui trình công bố một bài báo khoa học như sau. Sau khi tác giả gửi bản thảo của bài báo đến một tập san chuyên môn, tổng biên tập (Editor-in-Chief) hay phó tổng biên tập (Associate Editors) của tập san sẽ xem lướt qua bài báo và quyết định bài báo có xứng đáng được gửi ra ngoài để bình duyệt hay không. Nếu không xứng đáng, tổng biên tập sẽ báo ngay (trong vòng 1 tháng) cho tác giả biết là bài báo không được bình duyệt. Nếu thấy bài báo có giá trị và cần được bình duyệt, tổng biên tập sẽ gửi bản thảo cho 3 (hoặc có khi 4) người bình duyệt.
Những người bình duyệt là những chuyên gia, giáo sư có cùng chuyên môn với tác giả và am hiểu về vấn đề mà bài báo quan tâm. Tác giả sẽ không biết những người này là ai, nhưng những người bình duyệt thì biết tác giả là ai vì họ có toàn bộ bản thảo! Những người bình duyệt sẽ đọc và đánh giá bài báo dựa theo những tiêu chí thông thường như mục tiêu nghiên cứu có đem lại cái gì mới không, phương pháp nghiên cứu có thỏa đáng hay không, kết quả đã được phân tích bằng các phương pháp thích hợp hay không, trình bày dữ kiện có gọn gàng và dễ hiểu hay không, phần thảo luận có diễn dịch “quá đà” hay không, phần tham khảo có đầy đủ hay không, ngôn ngữ bài báo và văn chương có chuẩn hay không, v.v. và v.v. Nói tóm lại là họ xem xét toàn bộ bài báo, và viết báo cáo cho tổng biên tập. Họ có thể đề nghị tổng biên tập nên chấp nhận hay từ chối đăng bài báo. Tuy quyết định cuối cùng là của tổng biên tập, nhưng thông thường chỉ một người bình duyệt đề nghị từ chối bài báo thì số phận bài báo coi như “đã rồi”. Giai đoạn này tốn khoảng 1 đến 4 tháng.
Sau khi đã nhận được báo cáo của người bình duyệt, tổng biên tập sẽ chuyển ngay cho tác giả. Tùy theo đề nghị của những người bình duyệt, tổng biên tập có thể cho tác giả một cơ hội để phản hồi những phê bình của người bình duyệt, hay từ chối đăng bài. Nếu có cơ hội phản hồi, tác giả phải trả lời từng phê bình một của từng người bình duyệt. Bài phản hồi phải được viết như một báo cáo, và tất cả những thay đổi trong bài báo tác giả phải báo cho tập san biết. Giai đoạn này tốn từ 1 đến 3 tháng.
Sau khi nhận được phản hồi của tác giả, tổng biên tập và ban biên tập có thể quyết định chấp nhận hay từ chối bài báo. Nếu bài phản hồi không trả lời tất cả phê bình, hay trả lời không thỏa đáng, tổng biên tập có thể từ chối đăng bài ngay mà không cần gửi cho người bình duyệt xem lại. Nếu bài phản hồi cần xem xét lại tổng biên tập sẽ gửi cho những người bình duyệt xem lại một lần nữa và tác giả có khi phải phản hồi một lần sau cùng. Giai đoạn này cũng tốn từ 1 đến 3 tháng.
Nói chung một bài báo từ lúc nộp bài cho đến lúc xuất hiện trên mặt giấy – nếu mọi bình duyệt và phản hồi đều trôi chảy – tốn khoảng 9 tháng đến 12 tháng. Bởi vì thời gian quá lâu như thế, cho nên một số tác giả có khi quyết định tự công bố trước dưới dạng sơ bộ (còn gọi là “pre-print”) để chia sẻ với đồng nghiệp. Ngày nay, với sự tiến bộ phi thường của công nghệ thông tin và internet, nhiều tập san đã có thể công bố ngay bài báo trên hệ thống internet (trước khi in) nếu bài báo đã qua bình duyệt và được chấp nhận cho công bố. Một số tập san còn hoạt động hoàn toàn trên hệ thống internet mà không phải qua hình thức in ấn gì cả.
Cơ chế bình duyệt là một cơ chế có mục đích chính là thẩm định và kiểm tra các bài báo khoa học trước khi chấp nhận cho công bố trên một tập san khoa học. Cơ chế này còn được ứng dụng trong việc duyệt những đơn xin tài trợ cho nghiên cứu tại các nước Tây phương. Tuy một cơ chế bình duyệt như thế không phải hoàn toàn vô tư và hoàn hảo, nhưng nó là một cơ chế tốt nhất hiện nay mà giới khoa học đều công nhận.
Như trình bày trên, cơ chế bình duyệt có mục đích chính là đánh giá và kiểm tra các bài báo khoa học trước khi chấp nhận cho công bố trên một tập chí khoa học. Cơ chế này còn được ứng dụng trong việc duyệt những đơn xin tài trợ cho nghiên cứu. Qua cơ chế này mà tập san có thể ngăn chận những cặn bã, rác rưởi khoa học, và giúp cho tập san hay các cơ quan cung cấp tài trợ đi đến một quyết định công bằng. Trên nguyên tắc, đây là một cơ chế hay và công bằng, bởi vì những người duyệt bài hay công trình nghiên cứu là những người có cùng chuyên môn, họ chính là những người có thẩm quyền và khả năng đánh giá chất lượng của công trình nghiên cứu. Nhưng nhà khoa học cũng chỉ là những người có tình cảm và thiên kiến, cũng là những người chịu sự chi phối của các nhu cầu tất yếu, cũng cạnh tranh, cho nên kết quả duyệt bài khoa học không phải lúc nào cũng hoàn toàn khách quan. Rất nhiều người từng trải qua cái cơ chế này cho rằng đó là một hệ thống không hoàn chỉnh và có khi thiếu công bằng. Tuy nhằm mục đích ngăn chận rác rưởi khoa học, nhưngcơ chế kiểm duyệt bài vở không thể (hay ít khi nào) phát hiện những lỗi lầm mang tính cố ý lường gạt (như giả tạo số liệu chẳng hạn), bởi vì chức năng của cơ chế này không làm việc đó. Do đó, đối với một số nhà khoa học, cơ chế bình duyệt là một cách làm việc vô bổ và vô giá trị [5,6]. Nhưng vấn đề thực tế là ngoài cơ chế bình duyệt đó, chưa có cơ chế nào tốt hơn! Và vì thế, chúng ta vẫn phải dựa vào cơ chế này để đánh giá một bài báo khoa học.
Ý nghĩa xã hội của bài báo khoa học
Đọc đến đây, tôi hi vọng bạn đọc đã hiểu được thế nào là một bài báo khoa học. Xin nhắc lại để nhấn mạnh: một bài báo chỉ khi nào được xem là “bài báo khoa học” nếu nó đã qua cơ chế bình duyệt và được công bố trên một tập san chuyên môn. Những bài báo xuất hiện dưới dạng “abstracts” hay thậm chí “proceedings” không thể xem là những bài báo khoa học bởi vì nó không đáp ứng được hai yêu cầu trên. Thế nhưng trong thực tế đã có rất nhiều nhà khoa học, kể cả ở trong nước, có lẽ do hiểu lầm đã liệt kê những “abstracts” và “proceedings” như là những bài báo khoa học trong lí lịch khoa học của họ! Đối với nhiều người không am hiểu hoạt động khoa học thì những ngộ nhận này chẳng ảnh hưởng gì to lớn, nhưng đối với giới làm nghiên cứu khoa học nghiêm chỉnh, một lí lịch khoa học với toàn những “bài báo khoa học” như thế cho biết nhiều về tác giả hơn là khả năng nghiên cứu khoa học của tác giả.
Trên bình diện quốc gia, công bố báo cáo khoa học trên các diễn đàn khoa học quốc tế là một cách không chỉ nâng cao sự hiện diện, mà còn nâng cao năng suất khoa học, của nước nhà. Ở phương Tây người ta thường đếm số lượng bài báo khoa học mà các nhà khoa học công bố trên các tập chí khoa học để đo lường và so sánh hiệu suất khoa học giữa các quốc gia. Hiện nay, trong bất cứ lĩnh vực nào, phải nhìn nhận một thực tế là hiệu suất khoa của nước ta chưa cao. Phần lớn các công trình nghiên cứu tại nước ta chỉ được kết thúc bằng những buổi nghiệm thu hay luận án. Đối với hoạt động khoa học, cho dù công trình đã được nghiệm thu hay đưa vào luận án tiến sĩ hay thạc sĩ , nếu chưa được công bố trên các diễn đàn khoa học quốc tế thì công trình đó coi như chưa hoàn tất, bởi vì nó chưa qua “thử lửa” với môi trường rộng lớn hơn.
Theo tác giả Phạm Duy Hiển (Tạp chí Tia Sáng số Tháng 6 năm 2005) trong năm 2003, các nhà khoa học Việt Nam đã công bố trên 7000 bài báo trên các tạp chí hay tập san khoa học trong nước. Con số này rất ư là ấn tượng, song đó chỉ là những bài báo “ta viết cho ta đọc” chứ trên trường quốc tế thì sự hiện diện của các nhà khoa học Việt Nam còn rất khiêm tốn. Vẫn theo tác giả Phạm Duy Hiển, trong năm 2001 các nhà khoa học Việt Nam chỉ công bố được 354 bài báo khoa học trên các tập san quốc tế, mà 71% con số này là do cộng tác với các nhà khoa học ngoài Việt Nam. Trong ngành y khoa, trong suốt 40 năm qua (tính từ 1965) các nhà khoa học tại Việt Nam chỉ có khoảng 300 bài báo trên các tập san y sinh học quốc tế. Đó là những con số cực kì khiêm tốn, khi so sánh với Thái Lan (5000 bài) hay Singapore (20.000 bài).
Như đã có lần phát biểu, một công trình nghiên cứu thường được tài trợ từ tiền bạc của người dân. Khi tiến hành nghiên cứu, nhà nghiên cứu có khi phải nhờ đến sự tham gia của tình nguyện viên hay của bệnh nhân. Nếu một công trình nghiên cứu đã hoàn tất mà kết quả không được công bố, thì công trình nghiên cứu đó có thể xem là có vấn đề về y đức và đạo đức khoa học, và nhà nghiên cứu có thể xem như chưa hoàn thành nghĩa vụ của mình với sự đóng góp của người dân. Do đó, báo cáo khoa học trên các diễn đàn khoa học quốc tế là một nghĩa vụ của nhà nghiên cứu, là một cách gián tiếp cám ơn sự đóng góp của bệnh nhân và giúp đỡ của dân chúng qua sự quản lí của nhà nước.
Trong quá trình hội nhập thế giới, xã hội có quyền đòi hỏi nhà khoa học nước ta phải có tầm vóc và đứng vững trên trường khoa học quốc tế. Đã đến lúc chúng ta phải đặt ra những tiêu chuẩn nghiêm túc mà quốc tế đã và đang sử dụng để thẩm định thành tích nghiên cứu khoa học của các giáo sư và nhà nghiên cứu ở nước ta.
Chú thích và tài liệu tham khảo:
[1] Để xét đề bạt giáo sư trong các đại học Tây phương, ngoài các tiêu chuẩn về giảng dạy, tài trợ nghiên cứu và phục vụ xã hội, một tiêu chuẩn quan trọng số 1 là số lượng và chất lượng bài báo khoa học của ứng viên. Theo một qui định gần như “bất thành văn”, muốn được đề bạt lên “assistant professor” (giáo sư dự khuyết) ứng viên phải có từ 3-5 bài báo khoa học; một associate professor (phó giáo sư) phải có từ 30 bài báo khoa học trở lên; và một professor (giáo sư) phải có từ 50 bài báo trở lên. Đây chỉ là những tiêu chuẩn rất chung chung và có thể nói là tối thiểu. Cố nhiên, các tiêu chuẩn này còn tùy thuộc vào trường đại học và chuyên môn, cho nên không ai có thể đưa ra một qui định chính xác được.
[2] Garfield E. The impact factor [internet] Current Contents 1994 20;3-7 (cited 16 August 2002):http://sunweb.isinet.com/isi/hot/essays/journalcitationreports/7.html.
[3] Seglen PO. Why the impact factor of journals should not be used for evaluating research. BMJ 1997; 314:497-9.
[4] Phelan TJ. A compendium of issues for citation analysis. Scientometrics 1999; 45:117-36.

[3] Garfield E. Random thoughts on citationology: its theory and practice. Scientometrics 1998; 43:69-76.
[4] Campanario J. Peer review for journals as it stands today, Part 2. Science Communication 1998; 19:277-306

[5] Cole S, et al. Chance and consensus in peer review. Science 214:881-6, 1981.
Hệ số ảnh hưởng (impact factor) năm 2003
của 100 tập san khoa học hàng đầu
Tên tập san viết tắt
Tên đầy đủ của tập san
Impact Factor
ANNU REV IMMUNOL
Annual review of immunology.
52,280
ANNU REV BIOCHEM
Annual review of biochemistry.
37,647
PHYSIOL REV
Physiological reviews.
36,831
NAT REV MOL CELL BIO
Nature reviews. Molecular cell biology.
35,041
NEW ENGL J MED
The New England journal of medicine.
34,833
NAT REV CANCER
Nature reviews. Cancer.
33,954
CA-CANCER J CLIN
CA: a cancer journal for clinicians.
33,056
NATURE
Nature.
30,979
NAT MED
Nature medicine.
30,550
ANNU REV NEUROSCI
Annual review of neuroscience.
30,167
SCIENCE
Science.
29,162
NAT IMMUNOL
Nature immunology.
28,180
PHARMACOL REV
Pharmacological reviews.
27,067
NAT REV NEUROSCI
Nature reviews. Neuroscience.
27,007
NAT REV IMMUNOL
Nature reviews. Immunology.
26,957
CELL
Cell.
26,626
NAT GENET
Nature genetics.
26,494
NAT REV GENET
Nature reviews. Genetics.
25,664
ANNU REV CELL DEV BI
Annual review of cell and developmental biology.
22,638
ANNU REV PHARMACOL
Annual review of pharmacology and toxicology.
21,786
JAMA-J AM MED ASSOC
JAMA : the journal of the American Medical Association.
21,455
CHEM REV
Chemical reviews.
21,036
NAT CELL BIOL
Nature cell biology.
20,268
TRENDS CELL BIOL
Trends in cell biology.
19,612
CANCER CELL
Cancer cell.
18,913
ANNU REV PHYSIOL
Annual review of physiology.
18,591
LANCET
Lancet.
18,316
CURR OPIN CELL BIOL
Current opinion in cell biology.
18,176
TRENDS IMMUNOL
Trends in immunology.
18,153
NAT REV DRUG DISCOV
Nature reviews. Drug discovery.
17,732
NAT BIOTECHNOL
Nature biotechnology.
17,721
ENDOCR REV
Endocrine reviews.
17,324
GENE DEV
Genes & development.
17,013
MOL CELL
Molecular cell.
16,835
IMMUNITY
Immunity.
16,016
ANNU REV PLANT BIOL
Annual review of plant physiology and plant molecular biology.
15,615
J EXP MED
The Journal of experimental medicine.
15,302
NAT NEUROSCI
Nature neuroscience.
15,141
ACCOUNTS CHEM RES
Accounts of chemical research.
15,000
DEV CELL
Developmental cell.
14,807
MICROBIOL MOL BIOL R
Microbiology and molecular biology reviews : MMBR.
14,340
J CLIN INVEST
The Journal of clinical investigation.
14,307
TRENDS BIOCHEM SCI
Trends in biochemical sciences.
14,273
NEURON
Neuron.
14,109
TRENDS PHARMACOL SCI
Trends in pharmacological sciences.
13,965
J NATL CANCER I
Journal of the National Cancer Institute.
13,844
TRENDS PLANT SCI
Trends in plant science.
13,405
ANNU REV BIOPH BIOM
Annual review of biophysics and biomolecular structure.
13,351
CURR OPIN GENET DEV
Current opinion in genetics & development.
13,143
GASTROENTEROLOGY
Gastroenterology.
12,718
TRENDS NEUROSCI
Trends in neurosciences.
12,631
TRENDS ECOL EVOL
Trends in ecology & evolution (Personal edition)
12,449
ANN INTERN MED
Annals of internal medicine.
12,427
PROG NEUROBIOL
Progress in neurobiology.
12,327
ANNU REV GENOM HUM G
Annual review of genomics and human genetics.
12,200
CURR OPIN IMMUNOL
Current opinion in immunology.
12,118
ANNU REV MICROBIOL
Annual review of microbiology.
12,105
J CELL BIOL
The Journal of cell biology.
12,023
TRENDS GENET
Trends in genetics : TIG.
12,016
PHYS REP
Physics reports.
11,980
ANNU REV GENET
Annual review of genetics.
11,920
CURR BIOL
Current biology : CB.
11,910
AM J HUM GENET
American journal of human genetics.
11,602
NAT STRUCT BIOL
Nature structural biology.
11,579
CLIN MICROBIOL REV
Clinical microbiology reviews.
11,530
ANNU REV MED
Annual review of medicine.
11,381
CIRCULATION
Circulation.
11,164
J CLIN ONCOL
Journal of clinical oncology : official journal of the American Society of Clinical Oncology.
10,864
NAT MATER
Nature materials.
10,778
PLANT CELL
The Plant cell.
10,679
BEHAV BRAIN SCI
The Behavioral and brain sciences.
10,625
Q REV BIOPHYS
Quarterly reviews of biophysics.
10,529
ARCH GEN PSYCHIAT
Archives of general psychiatry.
10,519
ANNU REV PHYS CHEM
Annual review of physical chemistry.
10,500
EMBO J
The EMBO journal.
10,456
P NATL ACAD SCI USA
Proceedings of the National Academy of Sciences of the United States of America.
10,272
FEMS MICROBIOL REV
FEMS microbiology reviews.
10,160
BLOOD
Blood.
10,120
CIRC RES
Circulation research.
10,117
PROG LIPID RES
Progress in lipid research.
10,000
ANNU REV PSYCHOL
Annual review of psychology.
9,896
TRENDS MOL MED
Trends in molecular medicine.
9,848
CURR OPIN NEUROBIOL
Current opinion in neurobiology.
9,727
GENOME RES
Genome research.
9,635
CYTOKINE GROWTH F R
Cytokine & growth factor reviews.
9,600
CHEM SOC REV
Chemical Society reviews.
9,569
ANNU REV NUTR
Annual review of nutrition.
9,326
CURR TOP DEV BIOL
Current topics in developmental biology.
9,091
ADV MICROB PHYSIOL
Advances in microbial physiology.
8,947
CURR OPIN PLANT BIOL
Current opinion in plant biology.
8,945
ENDOCR-RELAT CANCER
Endocrine-related cancer.
8,894
AM J RESP CRIT CARE
American journal of respiratory and critical care medicine.
8,876
FRONT NEUROENDOCRIN
Frontiers in neuroendocrinology.
8,870
CURR OPIN STRUC BIOL
Current opinion in structural biology.
8,686
CANCER RES
Cancer research.
8,649
HUM MOL GENET
Human molecular genetics.
8,597
PSYCHOL BULL
Psychological bulletin.
8,405
PSYCHOL REV
Psychological review.
8,357
MOL CELL PROTEOMICS
Molecular & cellular proteomics : MCP.
8,316
J NEUROSCI
The Journal of neuroscience : the official journal of the Society for Neuroscience.
8,306
DIABETES
Diabetes.
8,298

Nguồn:


3. Cách viết báo cáo khoa học cho các tập san khoa học quốc tế

  
            Mới đây trên Tạp chí Hoạt động Khoa học, tác giả Phạm Duy Hiển nêu vấn đề về sự có mặt rất khiêm tốn của các nghiên cứu khoa học Việt Nam trên các tập san khoa học quốc tế.  Đây là một ưu tư rất chính đáng.  Trong ngành y sinh học, trong vòng 40 năm qua, số lượng bài báo từ các nhà khoa học ở Việt Nam chỉ trên dưới con số 300.  Con số này cực kì khiêm tốn nếu so với 5.000 từ Thái Lan hay trên 20.000 từ Singapore. Trong thực tế, ở nước ta có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị và hấp dẫn, nhưng ít khi nào có mặt trên trường quốc tế.  Vấn đề đặt ra là tại sao có tình trạng này, và làm sao chúng ta có thể cải thiện tình thế.
Qua kinh nghiệm cá nhân và tiếp xúc với đồng nghiệp trong nước, người viết bài này tin rằng một phần của vấn đề là các nhà khoa học nước ta thiếu kĩ năng phân tích dữ kiện và thiếu kĩ năng thông tin (communication skill).  Về phân tích số liệu, tôi sẽ bàn trong một dịp khác, ở đây tôi chỉ bàn đến vấn đề thông tin, mà cụ thể là soạn một bài báo khoa học.
Đại đa số các tập san khoa học quốc tế sử dụng tiếng Anh để truyền đạt thông tin.  Một phần không nhỏ các nhà khoa học nước ta chưa quen với tiếng Anh, và đó là một trở ngại lớn.  Nhưng ngay cả trong số các nhà khoa học thạo tiếng Anh, thì họ lại thiếu kĩ năng viết báo khoa học.  Bài viết này muốn góp một phần nhỏ trong nỗ lực cải thiện tình thế đó, bằng cách chia sẻ một số kinh nghiệm viết báo cáo khoa học với các đồng nghiệp và bạn trẻ trong nước.  Bài viết này chỉ là một tóm lược của một tài liệu bằng tiếng Anh dài hơn (khoảng 40 trang) mà người viết dùng để giảng dạy cho các nghiên cứu sinh ở Mĩ và Úc.  Bạn đọc muốn có tài liệu đó xin liên lạc riêng với tác giả tại địa chỉ t.nguyen@garvan.org.au.
***

Tại sao phải công bố báo cáo khoa học?
            Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, các bài báo khoa học đóng một vai trò rất quan trọng.  Nó không chỉ là một bản báo cáo về một công trình nghiên cứu, mà còn là một đóng góp cho kho tàng tri thức của thế giới.  Khoa học tiến bộ cũng nhờ một phần lớn vào thông tin từ những bài báo khoa học, bởi vì qua chúng mà các nhà khoa học có dịp trao đổi, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. 
Một công trình nghiên cứu thường được tài trợ từ các cơ quan nhà nước, và số tiền này là do dân chúng đóng góp.  Khi tiến hành nghiên cứu, nhà nghiên cứu có khi phải nhờ đến sự tham gia của tình nguyện viên hay của bệnh nhân.  Trong trường hợp đó, tình nguyện viên và bệnh nhân phải bỏ thì giờ, tạm bỏ qua công ăn việc làm để tự nguyện cung cấp thông tin và có khi hi sinh một phần da máu cho nhà nghiên cứu.  Nếu một công trình nghiên cứu đã hoàn tất mà kết quả không được công bố, thì công trình nghiên cứu đó có thể xem là có vấn đề về y đức và đạo đức khoa học, và nhà nghiên cứu có thể xem như chưa hoàn thành nghĩa vụ của mình với sự đóng góp của quần chúng.  Do đó, báo cáo khoa học trên các diễn đàn khoa học quốc tế là một nghĩa vụ của nhà nghiên cứu, là một cách gián tiếp cám ơn sự đóng góp của bệnh nhân và giúp đỡ của dân chúng qua sự quản lí của nhà nước.
Đối với cá nhân nhà khoa học, báo cáo khoa học trên các tập san khoa học quốc tế là một “currency” (đơn vị tiền tệ).  Đó là những viên gạch xây dựng sự nghiệp của giới khoa bảng.  Tại các đại học Tây phương, số lượng và chất lượng bài báo khoa học là tiêu chuẩn số một trong việc xét đề bạt lên chức giảng sư hay giáo sư.  Vì thế công bố báo cáo khoa học, đối với giới khoa bảng Tây phương, là một việc làm ưu tiên hàng đầu của họ.  Chính vì thế mà các đại học Tây phương có cái văn hóa gọi là “publish or perish” (xuất bản hay là tiêu tan).  Nếu trong vòng 1 hay 2 năm mà nhà khoa bảng không có một bài báo nào đăng trên các tập san khoa học quốc tế, ban giám hiệu sẽ mời vị đó trả lời câu hỏi “tại sao”.  Nếu có lí do chính đáng thì còn giữ chức vụ; nếu không có lí do chính đáng thì có nguy cơ mất chức như bỡn. 
Nói tóm lại, báo cáo khoa học trên các diễn đàn khoa học quốc tế (không chỉ ở trong nước) là một việc làm chính yếu, một nghĩa vụ, và một điều kiện để tồn tại của một nhà khoa học.  Nhưng từ lúc tiến hành nghiên cứu, thu thập dữ kiện đến lúc có báo cáo là một quá trình gian nan.  Một công việc còn gian nan hơn nữa là làm sao đảm bảo báo cáo được đăng trên một tập san khoa học có uy tín trên thế giới.  Vì thế, các nhà khoa học cần phải đặc biết chú ý đến việc soạn thảo một báo cáo khoa học sao cho đạt tiêu chuẩn quốc tế.  Bài viết này mách bảo một cách thân mật những “mẹo” và kĩ năng để đạt tiêu chuẩn đó. 

Báo cáo khoa học: khổ hạnh  
Mỗi bài báo khoa học là một công trình khổ hạnh.  “Khổ hạnh” ở đây phải được hiểu theo nghĩa vừa đau khổ, vừa hạnh phúc.  Đau khổ trong quá trình chuẩn bị và viết thành một bài báo, và hạnh phúc khi nhìn thấy bài báo được công bố trên một tập san có nhiều đồng nghiệp đọc và chia sẻ.  Để đạt kết quả sau cùng này, tác giả phải phấn đấu làm sao để giữ sự cân bằng giữa tính trong sáng và [nhưng] nội dung phải đầy đủ.  Bài báo phải làm sao hấp dẫn người đọc và để người đọc “nhập cuộc”.  Bài báo phải được viết bằng một văn phong cực kì súc tích, nhưng phải đầy đủ.  Đó là những yêu cầu rất khó mà không phải tác giả nào cũng đạt được.
Nếu không tiếp cận vấn đề một cách có việc hệ thống, tất cả những nỗ lực cho một bài báo khoa học có thể trở nên vô dụng, thậm chí đem lại ảnh hưởng xấu vì một công trình nghiên cứu sẽ không có cơ hội xuất hiện trên các tập san chuyên môn.  Mặc dù ở các nước phương Tây, người ta đã có nhiều bài viết chỉ dẫn – thậm chí cả sách dạy – cách viết một bài báo khoa học, nhưng ở nước ta, hình như vẫn chưa có một tài liệu chỉ dẫn như thế.  Bài viết này, vì thế, được soạn ra nhằm mục đích duy nhất là cung cấp cho bạn đọc những chỉ dẫn đơn giản và thực tế để sao cho bạn đọc có thể tự mình viết một bài báo khoa học đạt yêu cầu của các tập san khoa học quốc tế.

Vạn sự khởi đầu nan …
Viết một bài báo tốt là một việc làm không đơn giản chút nào, nếu không muốn nói là phức tạp.  Nó đòi hỏi người viết phải sáng tạo và suy tưởng … trong lặng lẽ.  Con đường dẫn đến một sản phẩm hoàn hảo không bao giờ là một con đường thẳng, mà là một con đường với nhiều ngõ ngách, nhiều đường cùng, và nhiều chông gai.  Nói một cách ngắn gọn, viết cần phải có thời gian.  Thành ra, cách tốt nhất là phải khởi công viết càng sớm càng tốt, đừng bao giờ để cho đến giai đoạn cuối của nghiên cứu mới viết. 
Tác giả có thể viết ngay những phần cần viết ra của bài báo trong khi công trình nghiên cứu vẫn còn tiến hành.  Phát họa ra phần dẫn nhập (introduction) ngay từ khi công trình nghiên cứu đang được thai nghén.  Viết phần phương pháp (methods) ngay trong khi công trình nghiên cứu còn dở dang.  Làm đến đâu, viết ngay đến đó.  Sau cùng là một phát họa những biểu đồ, bản thống kê cần phải có trong bài báo.
Viết ra những ý tưởng và phương pháp sớm giúp cho nhà nghiên cứu rất nhiều trong những lần sửa chữa sau này.  Chẳng hạn như làm sáng tỏ động cơ và lí do nghiên cứu trong phần dẫn nhập giúp cho nhà nghiên cứu nhận ra bối cảnh mà công trình nghiên cứu có thể đóng vai trò.  Viết ra những phương pháp nghiên cứu giúp cho nhà nghiên cứu khỏi phải tốn công xây dựng lại những bước đi, những thủ tục mà công trình nghiên cứu đã hoàn tất.  Việc phát thảo ra những biểu đồ và bản số liệu giúp cho nhà nghiên cứu tập trung vào nỗ lực phân tích dữ kiện.  Và quan trọng hơn hết, khi ngồi xuống viết, tự việc làm đó, tạo cơ hội cho [hay nói đúng hơn là bắt buộc] nhà nghiên cứu phải suy nghĩ nghiêm túc về việc làm của mình.
Một điều quan trọng khác là tác giả cần phải bỏ ra một thời gian tịnh tâm suy nghĩ về cái thông điệp của công trình nghiên cứu cho cộng đồng khoa học.  Trong phần này, tác giả nên chịu khó viết ra những điểm chính nhằm trả lời những câu hỏi sau đây: tại sao mình làm những gì mình đã làm; thực tế mình đã làm gì; mình phát hiện điều gì mới lạ; và những điều này có ý nghĩa gì?
  
Tập trung vào những thông tin chính
Mặc dù thành phần độc giả của các tập san khoa học có thể rất đa dạng, một đặc tính mà giới chuyên môn đều có chung là: bận rộn.  Giới khoa học gia, bác sĩ, kĩ sư, nhà quản lí, lãnh đạo … có lẽ chỉ nhìn qua bài báo khoa học một cách nhanh chóng, chứ ít khi nào có thì giờ nghiền ngẫm từng chi tiết trong bài báo.  Tuy rằng phần lớn tác giả nghiên cứu biết điều này, nhưng họ có thể không nghĩ đến khi đặt bút xuống soạn bài báo khoa học.  Do đó, tác giả nên tự đặt mình vào vai trò của người đọc và suy nghĩ như người đọc bằng cách chú ý đến những gì mà người đọc muốn tìm hiểu: tựa đề bài báo, bản tóm tắt (abstract), những bản số liệu, và biểu đồ.

Tựa đề và tóm tắt
Tựa đề và bản tóm tắt là hai phản chiếu đầu tiên đập vào mắt của người đọc.  Đây cũng là phần mà đại đa số người đọc đọc trước khi quyết định có nên đọc tiếp hay không.  Tất nhiên, tựa đề và bản tóm tắt là hai phần được đưa vào danh mục của thư viện điện tử.  Do đó, nhà nghiên cứu cần phải để tâm suy nghĩ cẩn thận khi soạn hai phần này sao cho thu hút sự chú ý của người đọc.  Hai phần này cần phải được viết trước hết, trước khi cả đặt bút viết các phần khác của bài báo.

Bảng số liệu và biểu đồ
Yếu tố thị giác rất quan trọng.  Nếu người đọc quyết định đọc bài báo (sau khi đã xem qua tựa đề và bản tóm tắt), họ sẽ tiếp tục xem đến các bảng thống kê và biểu đồ.  Các bảng thống kê số liệu thường được dùng để trình bày những số liệu mang tính trang trọng, tính chính xác cao, tính chính thức.  Các bảng thống kê có thể dùng để tổng hợp và so sánh số liệu của các công trình nghiên cứu trong quá khứ, để giải thích mối liên hệ giữa các nhân tố trong công trình nghiên cứu, hay trình bày những câu hỏi đã được sử dụng trong công trình nghiên cứu.
Người Trung Hoa từng nói “Một biểu đồ có giá trị bằng một vạn chữ viết.”  Mục đích của biểu đồ là cung cấp một ấn tượng về phát hiện chính của công trình nghiên cứu.  Biểu đồ có khi được dùng làm tài liệu giảng dạy.  Vì thế biểu đồ là một phương tiện hữu hiệu nhất để nhấn mạnh thông điệp của bài báo.  Biểu đồ thường được sử dụng để thể hiện xu hướng và kết quả cho từng nhóm, nhưng cũng có thể dùng để trình bày dữ kiện một cách gọn gàng.  Các biểu đồ dễ hiểu, nội dung phong phú là những phương tiện vô giá.  Do đó, nhà nghiên cứu cần phải suy nghĩ một cách sáng tạo cách thể hiện số liệu quan trọng bằng biểu đồ.

Phát thảo một cách làm có hệ thống
Tiếp cận và phác họa cấu trúc của một bài báo trước khi đặt bút viết tạo điều kiện dễ dàng cho tác giả sau này.  Bước đầu tiên đòi hỏi tác giả phải biết tập san mà mình muốn gửi bài báo, bởi vì mỗi tập san có những yêu cầu khác nhau về hình thức cũng như nội dung.  Một khi đã xác định được tập san đối tượng, tác giả cần phải xem qua phong cách và hình thức bài báo mà tập san đó qui định.  Đặc biệt là phải xem qua các bài báo đã được công bố trên tập san đó, như số lượng chữ là bao nhiêu, biểu đồ phải trình bảy như thế nào, bảng số liệu phải viết ra sao, trình bày phần tài liệu tham khảo theo cách gì, v.v...  Phần lớn các tập san y khoa và sinh học đều tuân thủ theo các qui định được công bố trong tài liệu Uniform Requirements for Manuscripts Submitted to Biomedical Journals.
Có nhiều “chiến lược” để thu hút người đọc theo dõi bài báo của mình.  Cách tốt nhất và hiệu quả nhất có lẽ là ngắn gọn.  Không nên nhầm lẫn giữa sự phức tạp với tính tinh vi.  Câu văn cần phải ngắn gọn, đơn giản, nhưng chính xác và trực tiếp đi thẳng vào vấn đề.  Cũng cần phải nhận thức rằng có được một bài báo khúc chiết như thế không phải là điều dễ dàng chút nào — nó đòi hỏi nhiều thời gian và suy nghĩ.
Một bài báo khoa học hay cũng cần phải được cấu trúc gọn gàng.  Mỗi đoạn văn cần phải có một mục đích hay phải nói lên được một ý tưởng.  Mỗi câu văn phải phục vụ cho mục đích đó.  Các đoạn văn phải liên kết với nhau thành một chuỗi ý tưởng phản ánh lí luận cho một thông điệp nào đó.  Cách tổ chức hiển nhiên cho một bài báo khoa học đạt là cấu trúc mà các tập san y khoa và sinh học thường sử dụng: dẫn nhập, phương pháp, kết quả, và thảo luận.  Cấu trúc này còn được gọi bằng tiếng Anh là IMRAD (Introduction Methods Results And Discussion).

Dẫn nhập
“Nhiệm vụ” thiết yếu nhất trong phần dẫn nhập là phải làm sao làm cho người đọc tiếp nhận bài báo và quan tâm đến kết quả của công trình nghiên cứu.  Hơn nữa, phần dẫn nhập còn giúp cho người bình duyệt bài báo hay tổng biên tập tập san thẩm định tầm quan trọng của bài báo.  Trong phần dẫn nhập, tác giả phải nói rõ tại sao công trình nghiên cứu ra đời và tại sao người đọc phải quan tâm đến công trình đó.  Sơ đồ 1 sau đây phác họa cái khung cho phần dẫn nhập được viết với 3 đoạn văn.
Đọan văn thứ nhất mô tả một vấn đề chung hay yếu tố chung làm động cơ cho công trình nghiên cứu.  Đặc biệt là câu văn đầu tiên phải “mạnh mẽ” và làm sao thu hút chú ý của người đọc.  Đoạn văn thứ hai tập trung vào vấn đề cụ thể mà công trình nghiên cứu phải giải quyết.  Trong đoạn văn này, tác giả có thể nêu ra những vấn đề mà người đọc có thể chưa từng biết qua.  Đoạn văn thứ hai cũng cần nêu lên cái khoảng trống tri thức mà cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời.  Đoạn văn thứ ba mô tả các mục tiêu của công trình nghiên cứu.  Phần dẫn nhập phải được làm sao mà đọc đến đoạn thứ ba, người đọc cảm thấy háo hức và thiết tha đọc các phần kế tiếp của bài báo.

Sơ đồ 1.  Khung bài cho phần dẫn nhập (3 đoạn văn)
Đoạn văn
Câu hỏi
Ví dụ
Ví dụ 1
Ví dụ 2
Ví dụ 3
1
Vấn đề chung là gì, tình hình hiện nay ra sao?
Loãng xương là một bệnh nghiêm trọng trong người có tuổi vì nó là nguyên nhân dẫn đến gãy xương.
Có nhiều bằng chứng cho thấy carotid endarterectomy có thể làm giảm nguy cơ bệnh tim.
Tiểu đường thận (diabetic nephropathy) là nguyên nhân số một của bệnh thận vào giai đoạn cuối.
2
Vấn đề cụ thể là gì, và trong kho tàng tri thức còn khoảng trống nào?
Mật độ xương (BMD) là một yếu tố quan trọng trong việc chẩn đoán loãng xương trong người Âu Mĩ.  Tuy nhiên trong người Việt sự chính xác của BMD trong việc tiên đoán gãy xương vẫn chưa được nghiên cứu.
Thông tin về carotid endarterectomy vẫn còn rất hạn chế.  Do đó, cho đến nay quyết định liên quan đến phẫu thuật này vẫn còn chưa được rõ ràng.
Mặc dù microalbumin được đề nghị dùng để truy tìm bệnh tiểu đường thận, nhưng phần lớn bác sĩ vẫn không tuân theo qui định chung này.
3
Thế thì công trình nghiên cứu này sẽ đóng góp gì ?
Nghiên cứu khả năng ứng dụng BMD trong người Việt hay một dân số khác sẽ giúp cho việc phát triển một tiêu chuẩn chẩn đoán mới.
Để giúp cho bác sĩ thẩm định lợi ích của carotid endarterectomy, chúng tôi tính toán số ca phẫu thuật cần thiết để ngăn ngừa một ca bệnh tim trong những điều kiện khác nhau.
Nhằm mục đích phát triển một phương pháp mới và đơn giản hơn cho việc chẩn đoán tiểu đường thận, chúng tôi ứng dụng một mô hình quyết định (decision making model) và phân tích hệ quả của thuật chữa trị ACE

Phương pháp
Phần phương pháp phải cung cấp một cách chi tiết những gì tác giả đã làm và làm như thế nào trong công trình nghiên cứu.  Ở đây, tác giả phải cẩn thận quân bình giữa hai nhu cầu: súc tích (vì không thể mô tả tất cả các kĩ thuật với những chi tiết chi li) và đầy đủ (tác giả phải trình bày đầy đủ thông tin sao cho người đọc biết được những gì đã làm).  Đạt được sự cân đối giữa súc tích và đầy đủ là một thách thức của người viết, và có thể của cả biên tập và nhà xuất bản.  Phần phương pháp cần phải cho người đọc những thông tin liên quan đến tính khái quát hóa (chẳng hạn như đối tượng nghiên cứu là ai, có tiêu chuẩn nào tuyển chọn đối tượng hay không, hay cách thức chọn mẫu như thế nào …)
Có thể bài báo đề ra một phương pháp mới, và trong trường hợp đó, tác giả cần phải chú ý những tên gọi (và ý tưởng) xuất hiện nhiều lần trong bài báo.  Tác giả nên suy nghĩ kĩ về những tên gọi này: phải dùng chữ ngắn gọn mà dễ hiểu.  Nên gọi phương pháp điều trị là gì?  Phải sử dụng từ gì để mô tả chỉ tiêu của nghiên cứu?  Kinh nghiệm người viết bài này cho thấy trước khi viết cần phải liệt kê ra danh sách những từ hay sử dụng trong bài báo.  Không có gì lẫn lộn và khó chịu người đọc hơn là dùng nhiều từ khác nhau để gọi một hiện tượng!
Một cấu trúc cứng nhắc sẽ làm cho phần phương pháp trở thành máy móc.  Nhưng đó lại là cấu trúc mà các tập san y khoa đòi hỏi cho các nghiên cứu lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên (randomized clinical trial).  Trong cấu trúc này, tác giả phải viết dưới các tiêu đề như khái quát, nơi làm nghiên cứu, tiêu chuẩn tuyển chọn đối tượng, chỉ tiêu chính của nghiên cứu, chỉ tiêu phụ, cách đo lường, phương pháp phân tích dữ kiện ... 
Trong các nghiên cứu khác, tác giả có thể tự mình sáng tạo ra những tiêu đề thích hợp với công trình nghiên cứu.  Ngay cả nếu tác giả sau này phải xóa bỏ các tiêu đề này thì sự bố cục của chúng giúp ích cho tác giả rất nhiều.  Có thể dùngmột biểu đồ như là một cách mô tả qui trình nghiên cứu (chẳng hạn như thiết kế, tuyển chọn bệnh nhân, và phân tích dữ kiện).  Nếu cần, tác giả có thể thêm phần phụ lục để cung cấp chi tiết về phương pháp phân tích, mã (codes) dùng trong máy tính, hay phương pháp thu thập dữ kiện cùng phương pháp đo lường (đây là những phương pháp có thể giúp cho người duyệt bài hay người đọc có thể lặp lại thử nghiệm).

Kết quả
Phần kết quả phải được viết một cách ngắn gọn và đi thẳng vào vấn đề nêu ra trong phần dẫn nhập.  Tác giả phải trả lời cho được câu hỏi “Đã phát hiện gì?” Cần phải phân biệt rõ đâu là kết quả chính và đâu là kết quả phụ.  Phần kết quả phải có biểu đồ và bảng số liệu, và những dữ kiện này phải được diễn giải một cách ngắn gọn trong văn bản.  Những số liệu này phải trình bày sao cho lần lượt trả lời các mục đích mà tác giả đã nêu ra trong phần dẫn nhập.
Tất cả các bảng thống kê, biểu đồ, và hình ảnh phải được chú thích rõ ràng; tất cả những kí hiệu phải được đánh vần hay chú giải một cách cụ thể để người đọc có thể hiểu được ý nghĩa của những dữ kiện này.  Trong phần kết quả, tác giả chỉ trình bày sự thật và chỉ sự thật (facts), kể cả những sự thật mà nhà nghiên cứu không tiên đoán trước được hay những kết quả “tiêu cực” (ngược lại với điều mình mong đợi). Trong phần kết quả, tác giả không nên bình luận hay diễn dịch những kết quả này cao hay thấp, xấu hay tốt, v.v.. vì những nhận xét này sẽ  được đề cập đến trong phần thảo luận (Discussion).

Thảo luận

Đối với phần lớn nhà nghiên cứu, đây là phần khó viết nhất vì nó không có một cấu trúc cố định nào cả.  Nói một cách ngắn gọn, trong phần này, tác giả phải trả lời câu hỏi “Những phát hiện này có nghĩa gì?”.  Tuy không phải theo cấu trúc cố định nào, tác giả có kinh nghiệm thường viết thảo luận theo một cấu trúc như sau: (a) giải thích những dữ kiện trong phần kết quả; (b) so sánh những kết quả này với các nghiên cứu trước; (c) bàn về ý nghĩa của những kết quả; (d) chỉ ra những ưu điểm và khuyết điểm của cuộc nghiên cứu; (e) và sau cùng là một kết luận sao cho người đọc có thể lĩnh hội được một cách dễ dàng. 
Trong phần thảo luận, tác giả phải giải thích, hay đề nghị một mô hình giải thích, tại sao những dữ kiện thu thập được có xu hướng đã quan sát trong cuộc nghiên cứu.  Nếu không giải thích được thì nhà nghiên cứu phải thành thật nói y như thế: không biết.  Tác giả còn phải so sánh với kết quả của những nghiên cứu trước và giải thích tại sao chúng (những kết quả) khác nhau, hay tại sao chúng lại giống nhau, và ý nghĩa của chúng là gì.  Ngoài ra, nhà nghiên cứu còn phải có trách nhiệm tự mình vạch ra những thiếu sót, những trắc trở, khó khăn trong cuộc nghiên cứu, cùng những ưu điểm của cuộc nghiên cứu, cũng như đưa ra các giải pháp khắc phục hay những đề xuất hướng nghiên cứu trong tương lai.  Sơ đồ 2 sau đây có thể dùng để làm dàn bài để viết phần thảo luận.

Sơ đồ 2.  Khung bài cho phần thảo luận
Câu hỏi cần phải trả lời
Nội dung
Phát hiện chính là gì?
Phát biểu những phát hiện chính; đặt những phát hiện này vào bối cảnh của các nghiên cứu trước đây.
Phát hiện đó có khả năng sai lầm không ?
Xem xét những yếu tố sau đây: thiếu khách quan trong đo lường và thu thập số liệu? Số lượng đối tượng ít? Cách chọn mẫu có vấn đề? Các yếu tố khác chưa xem xét đến? Phân tích chưa đầy đủ?  Chưa điều chỉnh cho các yếu tố phụ? V.v…
Ý nghĩa của phát hiện là gì?
Đặt kết quả của nghiên cứu vào bối cảnh lớn hơn, và so sánh với các nghiên cứu trước đây.  Suy luận về cơ chế (nhưng không nên quá lời hay quá xa xỉ trong khi suy luận, mà phải nằm trong khuôn khổ của dữ kiện thật). 
Kết luận có phù hợp với dữ kiện hay không?
Kết luận phải rõ ràng, nhưng không nên đi ra ngoài khuôn khổ của dữ kiện.  Chẳng hạn như nếu kết quả cho thấy hút thuốc lá làm tăng ung thư phổi, tác giả không nên kết luận rằng ngưng hút thuốc lá sẽ giảm ung thư phổi.

Hỗ trợ từ đồng nghiệp
Những bài báo khoa học có giá trị thường là những bài báo đã được xem xét và duyệt đi duyệt lại nhiều lần, kể cả những lần phản hồi (response) hay phản biện lại những phê bình của những người bình duyệt.  Điều này đòi hỏi bài báo, trước khi gửi đi cho một tập san, phải được các đồng nghiệp nội bộ đọc và phê bình.  Tác giả không nên ngần ngại tiếp nhận những phê bình gay gắt từ đồng nghiệp.  Để làm việc này, tác giả cần phải có một danh sách những đồng nghiệp có thể duyệt bài.  Những đồng nghiệp này không hẳn phải là những tên tuổi lớn như giáo sư, mà có thể là nghiên cứu sinh.  Thật ra, các giáo sư ít khi nào có thì giờ đọc kĩ; chính các nghiên cứu sinh hay đồng nghiệp cấp thấp thường là những người có khả năng và có thì giờ chăm chú, có động cơ để cho ý kiến một cách nghiêm chỉnh.  Có hai nhóm đồng nghiệp có thể làm người duyệt bài nội bộ:
* Những người bình duyệt chung, nhiệm vụ chính của họ là xem xét cách viết của tác giả có dễ hiểu hay không.  Bất cứ ai, kể cả những người không cùng chuyên môn, cũng có thể là người duyệt bài trong nhóm này, nhưng người duyệt bài lí tưởng nhất là người có nỗ lực suy nghĩ cẩn thận.
* Những người bình duyệt có cùng chuyên môn, nhiệm vụ của họ là giúp tác giả chuẩn bị để đối phó với những người bình duyệt của tập san và ban biên tập.  Trong nhóm này, tác giả cần một hay hai thành viên trong cùng chuyên môn và có khả năng “soi mói” chi tiết hay nêu ra những sai sót của bài báo hay công trình nghiên cứu (chẳng hạn như nghiên cứu có đúng phương pháp không, diễn dịch có logic không, kết luận có đi ra ngoài dữ kiện không …).  Trong nhóm này, người duyệt lí tưởng là một người "khó tính " sẵn sàng nói thẳng với tác giả những gì họ nghĩ, thậm chí không mấy có cảm tình với ý tưởng của tác giả.

Cải tiến
Muốn trở thành một tác giả khoa học tốt cần phải có thời gian.  Một bài báo khoa học thường nhắm vào một vấn đề hẹp.  Nhưng tác giả phải có một cái nhìn rộng và lớn hơn khi đọc bài báo của mình.  Cần phải đặt bài báo và kết quả nghiên cứu vào một bối cảnh lớn hơn để thấy thành quả ra sao hay những gì cần phải làm tiếp trong tương lai.
Sơ đồ 3 sau đây phác thảo vài cách tiếp cận để tác giả có thể tự mình cải tiến.  Nhiều tác giả thiếu kiên nhẫn vì họ chỉ muốn gửi bài báo đi càng sớm càng tốt, nhưng đó không phải là một hành động có hiệu quả cao.  Do đó, điều thứ nhất là không nên hấp tấp trong khi viết.  Sau khi viết xong bản thảo, có thể để đó vài ngày hay vài tuần.  Sau đó, đọc lại và xem xét những chi tiết nào cần thêm hay cần bỏ đi.  Đọc đi đọc lại với một cái nhìn mới để xem có gì cần phải phân tích thêm hay không, hay cách diễn dịch số liệu có hợp lí hay không.  Kiểm tra lại cách viết và các đoạn văn có ăn khớp với nhau hay không, ý tưởng có trôi chảy hay không ... 
Sau đó là xem xét đến những chi tiết.  Hai điểm quan trọng cần phải để ý ở đây.  Thứ nhất, kiểm tra tính nhất quán: cả số liệu hay dữ kiện và các chú thích phải nhất quán với văn bản, bảng thống kê, và biểu đồ.  Thứ hai là loại bỏ những “nhiễu”  — tức là những điểm lặp đi lặp lại hay những điểm làm cho người đọc sao lãng cái thông điệp chính trong bài báo.  Có khi cần phải kiểm tra từng chữ một xem nó có thích hợp với mục đích của bài báo hay không.  Tránh dùng những từ ngữ tối nghĩa, những biệt ngữ khó hiểu, hay những viết tắt mà người ngoài chuyên môn chưa quen biết.
Một bài báo thường phải qua bình duyệt từ ban biên tập của tập san.  Nếu tập san cho tác giả cơ hội trả lời những phê bình này, đó là một bước tiến tích cực.  Tuy nhiên, việc trả lời những phê bình của ban biên tập không phải lúc nào cũng là việc làm thoải mái, dù sau khi phản biện thì bài báo sẽ tốt hơn.  Trong khi trả lời phê bình, điều tối quan trọng là không nên có thái độ quá chống chế, hay quá công kích người phê bình.  Tác giả có nhiệm vụ phải trả lời từng câu hỏi một, từng điểm phê bình một, và trả lời một cách lịch sự.  Nếu tác giả không đồng ý với người bình duyệt, tác giả có quyền nói thẳng.  Thông thường, sau khi trả lời bình duyệt, bài báo phải có sửa đổi, và tác giả phải thông báo cho ban biên tập biết những chỗ nào đã thay đổi và tại sao thay đổi.
Khoa học là một trường hoạt động khá bình đẳng.  Công trình của tác giả có người khác bình duyệt, và tác giả cũng có cơ hội bình duyệt công trình của người khác.  Thành ra, để giúp đỡ đồng nghiệp và để tự mình cải tiến, tác giả nên nhận lời bình duyệt công trình nghiên cứu của các đồng nghiệp.  Nếu tác giả cảm thấy học hỏi được một vài điều từ việc trả lời phê bình của người khác, tác giả cũng có thể học hỏi nhiều điều từ việc đọc và phê bình công trình của đồng nghiệp.  Qua đọc và xem xét cẩn thận, tác giả sẽ cảm thấy mình trưởng thành và thoải mái với các nguyên lí và sự sắp xếp của các lí giải trong một bài báo khoa học.  Làm người bình duyệt là một hình thức tự mình trao dồi kĩ năng nghiên cứu: nhận dạng nhầm lẫn của người khác cũng có nghĩa là nâng cao kĩ năng nhận dạng nhầm lẫn của chính mình.  
Ai trong chúng ta cũng muốn là tác giả của những bài báo khoa học tốt, những bài báo mà chúng ta có thể tự hào, và hi vọng sẽ được lưu truyền rất lâu trong tương lai.  Tuy nhiên, dù chúng ta có cẩn thận cách mấy, và bất kể bao nhiêu lần chúng ta đọc đi đọc lại, rà soát, xác suất bài báo có ít nhất là một sai lầm hay lỗi nhỏ đều rất cao.  Một cá nhân rất khó mà phát hiện tất cả các lỗi lầm của chính mình.  Điều đó có nghĩa là tác giả cần đồng nghiệp, những người đọc và phê bình một cách nghiêm túc và thành thật.  Tác giả cần phải bỏ tính tự ái, và không nên sợ hãi trước những phê phán.  Theo kinh nghiệm của người viết bài này, những phê phán của đồng nghiệp, dù lớn hay nhỏ, dù gay gắt hay thân thiện, lúc nào cũng giúp cho bài báo trở nên hoàn hảo hơn.
Ở phần đầu tôi đã nêu ra vài lí do tại sao cần phải công bố báo cáo khoa học trên các diễn đàn khoa học quốc tế, ở đây tôi muốn nói thêm một lí do quan trọng hơn nữa.  Đối với quốc gia, công bố báo cáo khoa học trên các diễn đàn khoa học quốc tế là một cách không chỉ nâng cao sự hiện diện, mà còn nâng cao năng suất khoa học, của nước ta.  Ở phương Tây người ta thường đếm số lượng bài báo khoa học mà các nhà khoa học công bố trên các tập chí khoa học để đo lường và so sánh hiệu suất khoa học giữa các quốc gia.  Hiện nay, trong bất cứ lĩnh vực nào, phải nhìn nhận một thực tế là hiệu suất khoa của nước ta chưa cao.  Phần lớn các công trình nghiên cứu tại nước ta chỉ được kết thúc bằng những buổi nghiệm thu hay luận án. Đối với hoạt động khoa học, cho dù công trình đã được nghiệm thu hay đưa vào luận án, nếu chưa được công bố trên các diễn đàn khoa học quốc tế thì công trình đó coi như chưa hoàn tất, bởi vì nó chưa qua “thử lửa” với môi trường rộng lớn hơn. 
Để kết thúc bài viết này, tôi xin mượn một câu nói của một người thông thái, Khổng Tử: “Nếu dùng ngôn ngữ không đúng, thì những gì được phát biểu sẽ bị hiểu sai; nếu những gì phát biểu bị hiểu sai, thì những gì cần phải làm sẽ không thực hiện được; và những gì không thực hiện được, đạo đức và nghệ thuật sẽ trở nên tồi tệ hơn.”  Và tôi cũng có thể thêm rằng, nước nhà sẽ thiệt thòi hơn.

Sơ đồ 3.  Cải tiến
Cách tiếp cận căn bản
Chú thích
Cải tiến bài báo: Không hấp tấp; đọc và sửa lại liên tục.


·   Cần phải để dành thời gian, suy nghĩ lại, lĩnh hội vấn đề, đọc lại một lần nữa với một cách nhìn hoàn toàn mới
·   Xem xét lại cấu trúc bài báo; xem có phần nào thiếu nhất quán hay không; có mâu thuẫn trong lí giải hay không; xóa bỏ những phần lặp đi lặp lại.
Trả lời những phê bình của người duyệt bài
·   Trả lời từng điểm một, tuyệt đối không chối bỏ bất cứ điểm nào;
·   Phải lịch sự trong khi trả lời, không dùng những từ mang tính thách thức và tấn công cá nhân; nếu cần bất đồng ý kiến với người duyệt bài, cứ nói thẳng như thế;
·   Thông báo cho biên tạp biết những gì đã thay đổi trong bài báo và giải thích tại sao phải thay đổi.

Cải tiến kĩ năng phê bình công trình của người khác
·   Sẵn sàng phục vụ làm người bình duyệt bài cho các tập san khoa học;
·   Công bằng và vô tư trong việc phê bình;
·   Không duyệt bài nếu cảm thấy mình có mâu thuẫn quyền lợi cá nhân.



Những điểm chính
Nên bắt đầu viết sớm trước khi hoàn tất công trình nghiên cứu.
Tập trung vào những gì mà người đọc cần đọc: tựa đề, tóm tắt, biểu đồ, bảng số liệu.
Phát thảo một cách tiếp cận có hệ thống: dẫn nhập, phương pháp, kết quả, và thảo luận.
Cải tiến bài báo bằng cách yêu cầu giúp đỡ từ đồng nghiệp.


Nguồn:




4. Scientific Writing: A Friendly Guide 
Tuan V. Nguyen 
The primary purpose of scientific writing is to inform an audience of other clinicians 
or scientists about an important issue, and to document the particular approach that was used 
to investigate that issue. Bio-medical journals are a primary means by which clinicians and 
scientists convey their information. The information is usually presented in the form of a 
research article, which is written in a very specific structure. Scientific writing is, therefore, 
an essential skill for the successful clinician and scientist. This guide is aimed at giving some 
simple and practical advice on the preparation of a research manuscript. It includes a 
suggested structure and a guide to what should go in each section. It also explains the 
practicalities of English grammar. The guide was originally written for research students in 
medicine and biological science, and most of the specific examples given are taken from those 
disciplines. 
Part One. Contents of a Scientific Paper 
A scientific paper normally consists of the following sections: Introduction, Methods, 
Results, and Discussion. This is commonly referred to as the IMRAD structure. However, 
each original scientific papers always include an Abstract section to summarize all aspects of 
the research project. 
I. The Abstract
There are two kinds of abstracts: unstructured and structured abstracts. The former is 
a one-paragraph summary of the study. The latter is a summary of major aspects of the entire 
paper in a prescribed sequence such as Background, Aims, Methods, Outcome Measurements, 
Results, and Conclusions. However, whether it is structured or unstructured, an abstract must 
convey the following information: 
• The question(s) you investigated (or purpose). State the purpose very clearly in the 
first or second sentence. It is also a good idea to include a single lead sentence to state 
the critical background to provide context for the work. 
• The experimental design or methods used. Clearly state the basic design of the study 
(treatments, controls, replication, sampling scheme, etc). Clearly explain the basic 
methodology used without going into excessive detail - be sure to indicate the key 
techniques used. 
• The major findings including key numerical results. Report those results which 
answer the questions you were asking; identify trends, relative change or differences, 
etc. 
• A brief summary of your interpretations and conclusions. Clearly state the 
implications of the answers your results gave you. 2
Whereas the Title can only make the simplest statement about the content of your 
article, the Abstract allows you to elaborate more on each major aspect of the paper. The 
length of your Abstract should be kept to about 200-300 words maximum (a typical standard 
length for journals). Limit your statements concerning each segment of the paper (i.e. 
motives, methods, results, etc.) to two or three sentences, if possible. The Abstract helps 
readers decide whether they want to read the rest of the paper, or it may be the only part they 
can obtain, e.g., via electronic literature searches or in published abstracts. Therefore, enough 
key information (e.g., summary results, observations, trends, etc.) must be included to 
adequately summarise the work. 
II. The Introduction
Here you should answer the question "why did you start?" The Introduction must be 
able to convey the following: (a) what have been done; (b) summary of conflicting findings in 
the literature; and (c) what you want to do. Therefore, you should begin the Introduction by 
reviewing background information that will enable reader to understand your study’s 
objective and its significance, relating the significance to the larger issues in the field. Include 
only information that directly prepares the reader to understand the question investigated. 
Most ideas in the Introduction will come from the literature, such as scientific journals 
or books dealing with the topic you are investigating. All sources of information must be 
referenced and included in the References section of the paper, but the Introduction must be in 
your own words. Refer to the references when appropriate. Unless otherwise instructed, 
place the author of the reference cited and the year of publication in parentheses at the end of 
the sentence or paragraph relating the idea for example, "(Finnerty, 1992)." 
The Introduction usually consists of unstructured, free-flowing text. However, it is 
always helpful if you keep in mind the following guidelines when write the introduction: 
• The Introduction should not be long. Try to limit it within two double-spaced pages. 
• The Introduction should not contain an exhaustive historical review. Assume that the 
reader has knowledge in the field for which you are writing, and it does not require a 
complete digest. Do not forget that citing appropriate and specific credit to relevant 
earlier works is part of your scholarly responsibility. 
• The Introduction should outline the objectives of your study. You should try to make 
sure that when a reader finishes reading your introduction, he/she will know the 
significance of the question. Try to maintain the flow from broad to specific. Do not 
use the introduction as an information dump to show the reader how much you found 
on a topic. Show the reader you understand the relevant issues in a field and know 
how your study complements this information. 
• Write the Introduction in past tense when referring to your experiment, but when 
relating the background information, you can use both past and present tenses when 
referring to another investigator's published work. 3
Consider the following hypothetical example: "Measurement of bone 
mineral density predicts subsequent risk of fractures among 
the elderly [1-3]. However, bone mineral density in later 
decades of life is a dynamic function of peak bone mass 
achieved during growth and its subsequent age-related rate of 
loss. It has been estimated that over a lifetime, a typical 
woman loses about half of her trabecular bone and one third of 
her cortical bone [4], although some women experience greater 
loss than others. It is not clear whether the rate of bone 
loss is an independent risk factor for osteoporotic fractures. 
The present study was designed to assess the contribution of 
bone loss to the risk of osteoporotic fractures in elderly 
women." This Introductions introduce the reader to the state of knowledge before the 
research was started, defines the gap of knowledge which the research will fill, and states 
what the authors set out to do. It does not review the history of the subject from the time of 
Pythagoras to the present day (which is more appropriate for a thesis, not a paper). 
Consider the following example: "It is well recognised that 
nonsocomial infection is associated with an increase in 
morbidity and mortality together with a significant economic 
cost [1]. Patients in Intensive Care units develops 
nonsocomial infections more frequently than other hospitalised 
patients [2]. This is a result of severity of illness, 
multiple exposure to invasive procedures and multiple 
therapies [3]. Patients in surgical and orthopaedic wards are 
also at a high risk of developing nonsocomial infections. 
These patients are exposed to various invasive procedures 
(including surgical wounds) which may be similar to those in 
ICU. Because of the expected differences in the nature of risk 
factors, patients' illnesses in the therapeutic and infection 
control measures in the above wards, it was necessary to 
conduct a study to assess the nonsocomial infection rates."
After reading this introduction, one does not have any idea how significant the project is. In 
fact, the ideas and arguments are not that coherent, nor convincing enough to carry out the 
study. The aims of the study are also not clear. This style of writing should be avoided. 
III. The Methods 
This section is sometimes referred to as Materials and Methods, or Study design and 
Methods. In this section, you should answer the question "What did you do?" The answer 
must include what patients, animals, or specimen the results were obtained from; what 
techniques were used to obtain them; and what statistical techniques were used to analyse the 
results. Many readers read the Methods section first to see if they can understand what the 
authors did, and whether there is enough information for them to repeat the work themselves. 
If there is not, readers can not judge whether the results are of any value and there is no point 
in reading it further. 4
The Methods section should be divided into labelled sub-sections. These usually 
include descriptions of the participants (or patients), the apparatus (or materials), and the 
procedure. 
(a) Participants. Appropriate identification of research participants is critical, particularly 
for assessing the results (making comparisons across groups), generalising the 
findings, and making comparisons in replications, literature reviews, or secondary data 
analysis. The sample should be adequately described and it should be representative. 
Conclusions and interpretations should not go beyond what the sample warrants. 
When particular demographic characteristics are experimental variables or are 
important for the interpretation of the results, describe the group specifically, for 
example, in terms of racial and ethnic designation, national origin, level of education, 
health status, or language use. 
In medical research, one must check the number of patients, how they are grouped, the 
inclusion and exclusion criteria, whether informed consent was obtained, and indeed 
whether the experiment or trial had been approved by an ethics committee and 
conforms to the ethical standards of the Declaration of Helsinki. Similar checks will 
be made if animals were used. Failure to fullfill the ethical requirements will almost 
certainly mean that the Journal will reject the paper, without asking any question. 
Example: All women requesting an IUCD (intrauterine 
contraceptive device) at the Family Welfare Clinic, 
Kenyatta National Hospital, who were menstruating 
regularly and who were between 20 and 44 years of age, 
were candidates for inclusion in the study. They were 
not admitted to the study if any of the following 
criteria were present: (1) a history of ectopic 
pregnancy, (2) pregnancy within the past 42 days, (3) 
leiomyomata of the uterus, (4) active PID (pelvic 
inflammatory disease), (5) a cervical or endometrial 
malignancy, (6) a known hypersensitivity to 
tetracyclines, (7) use of any antibiotics within the past 
14 days or long-acting injectable penicillin, (8) an 
impaired response to infection, or (9) residence outside 
the city of Nairobi, insufficient address for follow-up, 
or unwillingness to return for follow-up. 
(b) Setting. It is necessary to tell the reader the location where your study was conducted, 
or where the data were collected. Location can affect the external validity of your 
study, since subjects vary considerably between residential areas, due to climate, 
physical environment, economics, and socio-cultural milieu. 
Example: Volunteers were recruited in London from our 
general practices and the ear, nose, and throat 
outpatient department of Northwick Park Hospital. The 
prescribers were familiar with homoeopathic immunotherapy. 


Nguồn: 



5. Vấn đề tác giả bài báo khoa học



Trường hợp 1.  “Tôi tên là Stephen Brown, nghiên cứu sinh tiến sĩ sinh hóa tại Đại học Yale.  Khoảng một năm tháng trước đây, tôi được kéo sang một phòng thí nghiệm khác để giúp đỡ phát triển một phương pháp phân tích sinh hóa cho giáo sư Smith.  Sau hơn 6 tháng làm việc, tôi đã thành công với phương pháp, và công trình nghiên cứu của giáo sư Smith tiến triển tốt đẹp.  Mới đây tôi thấy một bản thảo của công trình nghiên cứu đã được soạn ra, nhưng trong số tên tác giả không có tên tôi.  Giáo sư Smith chỉ đề tên tôi trong phần cảm tạ với lời cám ơn là tôi đã cung cấp những “chỉ dẫn quí báu”.  Tôi nghĩ đây là một sự cướp công, vì tôi xứng đáng đứng tên tác giả, bởi vì không có tôi thì làm sao công trình nghiên cứu có thể hoàn tất được.  Vậy tôi phải làm sao bây giờ ?”

Trường hợp 2.  Laura (không phải tên thật) là một nghiên cứu sinh, và đề tài nghiên cứu là ảnh hưởng của gen trong loãng xương.  Laura làm việc dưới sự hướng dẫn của người viết bài này.  Theo qui định của trường, ngoài tôi ra, Laura còn có một giám thị phụ (co-supervisor), phòng khi tôi đi xa Laura có thể tham vấn vị giám thị phụ này.  Nhưng trong suốt thời gian nghiên cứu tôi chưa bao giờ vắng trường quá 2 tuần, cho nên tất cả nghiên cứu của Laura đều do tôi điều hành.  Sau gần một năm làm việc cật lực Laura có kết quả và viết một bài báo khoa học do tôi trực tiếp hướng dẫn.  Bài báo có 3 tác giả: Laura đứng đầu trong danh sách tác giả; một tác giả thứ 2 có đóng góp về phân tích dữ kiện và diễn giải kết quả; và tác giả chót là tôi.  Vị giám thị phụ khi xem thấy bản thảo không có tên mình, bèn làm áp lực cho Laura phải để tên của cô vào danh sách tác giả.  Cô giám thị phụ này lí giải rằng vì đóng vai trò “co-supervisor” nên phải có tên trong bài báo!  Laura rất lo lắng trước sức ép vì sợ sẽ bị phê vào hồ sơ không tốt, và hỏi tôi phải quyết định ra sao?

            Trên đây chỉ là hai trường hợp là khá tiêu biểu cho những tranh chấp chung quanh vấn đề đứng tên tác giả một bài báo khoa học.  Có thể nói hầu như ở bất cứ trung tâm nghiên cứu nào, bất cứ trường đại học nào trên thế giới đều có vấn đề này: ai là người xứng đáng được đứng tên tác giả trong một bài báo khoa học.  Cái trớ trêu trong hoạt động khoa học là khoa học giải quyết được rất nhiều vấn đề của nhân loại, nhưng đứng trước vấn đề tác giả thì khoa học có vẻ trở nên bất lực!  Đối với người ngoài khoa học, người ta tưởng khoa học là một trường dân chủ và khách quan, nhưng trong thực tế thì có khi rất phản dân chủ và hoàn toàn chủ quan, nhất là trong vấn đề tác giả bài báo. 

Nhà khoa học xây dựng uy danh của mình trên trường hoạt động khoa học quốc tế cũng giống như một công ti xây dựng thương hiệu trong trường thương mại.  Trách nhiệm và uy tín là hai khía cạnh quan trọng số 1 trong việc xây dựng uy danh trong hoạt động khoa học.  Đứng tên tác giả của một bài báo khoa học là một hình thức hiển nhiên nhất trong việc tạo uy tín và chịu trách nhiệm khoa học.  Nhưng trong thực tế, ai có quyền hay xứng đáng đứng tên tác giả của một bài báo khoa học là một vấn đề tế nhị, thường gây ra tranh cãi, bất hòa trong đồng nghiệp, thậm chí dẫn đến kiện cáo.  Ở nước ta, vấn đề này có vẻ trầm trọng hơn, nhưng ít khi nào được bàn đến.  Rất nhiều nghiên cứu sinh phàn nàn rằng trong khi họ phải cật lực làm nghiên cứu, các thầy cô lại dành quyền đứng tên tác giả bài báo khoa học! 

Thế thì một câu hỏi then chốt đặt ra: Ai là người xứng đáng đứng tên tác giả trong một bài báo khoa học?  Trả lời câu hỏi này không đơn giản chút nào, bởi vì câu trả lời còn tùy thuộc vào “văn hóa” làm việc của từng trung tâm nghiên cứu hay trường đại học, tùy thuộc vào cảm nhận cá nhân (và chủ quan) của các thành viên trong công trình nghiên cứu.  Một công trình nghiên cứu thực nghiệm từ khi phát sinh ý tưởng cho đến khi hoàn tất là cả một dây chuyền liên tục, với sự đóng góp của nhiều thành viên với nhiều chuyên môn khác nhau.  Vì thế, có thể nói bất cứ thành viên nào cũng cảm thấy đóng góp của mình là quan trọng (với suy nghĩ kiểu “không có tôi thì công trình nghiên cứu sẽ không thành công”), nhưng mức độ đóng góp phải khác nhau.  Do đó, việc xác định ai có tư cách đứng tên tác giả đòi hỏi những tiêu chuẩn khách quan.


Tiêu chuẩn

Năm 1985, Ủy ban tổng biên tập các tập san y học (International Committee of Medical Journal Editors – ICMJE, còn gọi là Vancouver Group) đề ra 3 tiêu chuẩn cho một tác giả bài báo khoa học.  Năm 2000, 3 tiêu chuẩn này được hiệu đính lại, và được giới khoa học quốc tế công nhận là những tiêu chuẩn vàng để qui quyền tác giả.  Theo định nghĩa của ICMJE [4], một thành viên nghiên cứu có tư cách đứng tên tác giả phải hội đủ tất cả 3 tiêu chuẩn sau đây:

·         Một là đã có đóng góp quan trọng trong việc hình thành ý tưởng và phương pháp nghiên cứu, hay thu thập dữ kiện, hay phân tích và diễn dịch dữ kiện; 

·         Hai là đã soạn thảo bài báo hay kiểm tra nội dung tri thức của bài báo một cách nghiêm túc;

·         Và ba là phê chuẩn bản thảo sau cùng để gửi cho tập san.

Định nghĩa của ICMJE nói cụ thể là những người chỉ có công tìm tài trợ, chỉ có công thu thập dữ kiện, hay chỉ có công lãnh đạo một nhóm nghiên cứu không có quyền đứng tên tác giả nếu như không hội đủ ba tiêu chuẩn trên đây [4].

            Thật ra, những tiêu chuẩn trên đây cũng vẫn còn khá chung chung, và có thể được diễn dịch khác nhau tùy theo quan điểm của tác giả.  Do đó, Tập san Lancet triển khai 3 tiêu chuẩn trên thành 10 đóng góp cụ thể như sau:

Soạn thảo bài báo: đây là những người viết bản thảo đầu tiên của bài báo, và những người tham gia kiểm tra, biên tập, và viết bản thảo cuối cùng;

Thiết kế nghiên cứu: là những người đã từng tham gia vào việc thảo luận phương cách tiến hành nghiên cứu ngay từ lúc công trình nghiên cứu mới bắt đầu.  Có khi một công trình nghiên cứu có nhiều chủ đề khác nhau cần giải quyết, và mỗi bài báo tập trung vào một vấn đề cá biệt.  Trong trường hợp này, người “thiết kế nghiên cứu” có thể kể cả những người đã có công thảo luận về cách chọn dữ kiện, hay chọn đối tượng trong công trình nghiên cứu cho vấn đề cần giải quyết.

Phân tích hay diễn giải dữ kiện: là những người tham gia vào việc phân tích dữ kiện, và diễn giải những kết quả phân tích.  Hai chữ “phân tích” ở đây phải được hiểu rộng hơn, bao gồm các đóng góp chung về những chỉ tiêu lâm sàng để nghiên cứu và chiến lược phân tích, chứ không theo nghĩa hẹp là phân tích số liệu.

Thu thập dữ kiện: là những người đã tham gia vào việc thiết kế các phương tiện và trực tiếp thu thập dữ kiện, như bác sĩ phỏng vấn bệnh nhân, đo lường áp suất máu, v.v…

Điều hợp công trình nghiên cứu: là những người trực tiếp quản lí công trình nghiên cứu.

Phân tích lâm sàng: là những người trực tiếp tham gia vào việc chẩn đoán bệnh tật, hay diễn giải các các chỉ tiêu lâm sàng trong công trình nghiên cứu.

Phân tích cơ bản: là những người trực tiếp tham gia vào việc đo lường các chỉ tiêu lâm sàng trong phòng thí nghiệm, như phân tích cholesterol, ước tính CD4, mật độ chất khoáng trong xương, v.v…

Phân tích thống kê: là những người trực tiếp tham gia vào việc phân tích các số liệu bằng các phương pháp thống kê.  Thường thường đây là những nhà thống kê học.

Cố vấn về thiết kế nghiên cứu: là những người đã từng cố vấn trong việc tiến hành nghiên cứu ngay từ lúc công trình nghiên cứu mới bắt đầu.  Thường thường đây là những chuyên gia về thống kê học.

Quản lí dữ kiện: trong các công trình nghiên cứu lớn, số lượng dữ kiện thu thập rất đồ sộ, và nhu cầu cho việc quản lí dữ kiện cũng rất lớn.  Do đó, những người có công quản lí database cũng được ghi nhận.  Thông thường đây là những chuyên gia vi tính.

Vì thế, một số tập san y học (như Lancet, JAMA, New England Journal of Medicine, British Medical Journal …) ngày nay yêu cầu tác giả phải tự khai báo cụ thể là họ đã đóng vai trò gì trong bài báo hay trong công trình nghiên cứu, dựa vào 10 đóng góp trên đây. 

Trên nguyên tắc là như thế, nhưng còn trong thực tế thì sao?  Trong thực tế, có người chỉ có một đóng góp trong 10 tiêu chuẩn trên cũng đứng tên tác giả bài báo!  Và thực tế này làm cho nhiều người quan tâm.  Thật vậy, vấn đề tác giả bài báo khoa học đã và đang (và có thể sẽ) là một vấn đề được nhiều người trong giới khoa học, kể cả biên tập của các tập san khoa học, quan tâm.  Theo một phân tích công bố trên tập san JAMA vào năm 1998, các nhà nghiên cứu điểm qua tất cả các bài báo trên 6 tập san y học lớn nhất và phát hiện một số sự thật không mấy tích cực: 19% các bài báo có những “tác giả danh dự” (honorary authors, tức là các tác giả có tên trong bài báo mà không đáp ứng các tiêu chuẩn để đứng tên tác giả); 11% có hiện tượng “tác giả ma” (ghost authors, tức là những người có cống hiến quan trọng đáng lẽ xứng đáng đứng tên tác giả, nhưng lại không có tên trong danh sách tác giả) [1]. 

Trong một phân tích công phu 1068 bài báo công bố trên tập san Radiology từ năm 1998 đến 2000, các nhà nghiên cứu Hàn Quốc cho thấy gần 1 phần 3 các tác giả có tên trong các bài báo này không đủ tiêu chuẩn để đứng tên tác giả [2]. 

Trong một phân tích khác, tác giả tập trung vào các bài báo trên tập san quang tuyến học Roentgenology, và muốn biết có bao nhiêu tác giả có tên trong các bài báo khoa học nhưng không xứng đáng [2].  Tác giả phát hiện trong những bài báo có 3 tác giả, có khoảng 9% tác giả không xứng đáng có tên; và trong những bài báo có 6 tác giả trở lên, có khoảng 30% tác giả không xứng đáng có tên trong bài báo!  Ai là những tác giả không xứng đáng này?  Theo nhà nghiên cứu, họ là những bác sĩ cung cấp bệnh nhân cho nghiên cứu (29%), những người có quyền thế có thể gây khó khăn cho các tác giả khác (40%).  Ngoài ra, chỉ có 80% bài báo mà bản thảo được tất cả các tác giả đọc; nói cách khác, có đến 20% bài báo mà có khi tác giả có tên nhưng chẳng bao giờ đọc qua [3].


Vị trí của tác giả

            Như nói trên, nghiên cứu khoa học ngày nay là một công trình của một tập thể.  Do đó, không ai ngạc nhiên khi thấy khoảng 50% các bài báo khoa học trên các tập san y học có 5 tác giả trở lên.  Vấn đề đặt ra là cách sắp xếp thứ tự trong danh sách tác giả của bài báo phải như thế nào để phản ánh công trạng của thành viên tham gia trong công trình nghiên cứu.  Trên nguyên tắc, thứ tự tác giả phải dựa vào mức độ đóng góp của tác giả.  Người có đóng góp nhiều nhất hay quan trọng nhất phải là tác giả số 1; người có công quan trọng kế tiếp phải là tác giả số 2, vân vân.

Thế nhưng trong thực tế thì sự việc không xảy ra như trên lí thuyết.  Cái khó khăn chính là không có cách nào để đo lường đóng góp của tác giả một cách đáng tin cậy và khách quan.  Chẳng hạn như rất khó mà phân biệt một “đóng góp quan trọng” (major contribution) và “đóng góp một phần” (partial contribution).  Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp cụ thể, việc phân biệt cũng không mấy khó khăn.  Ví dụ như đề xuất mô hình và tiến hành phân tích dữ kiện và diễn giải kết quả phân tích là một “đóng góp lớn” (bởi vì điều này đòi hỏi một khả năng chuyên môn cao), nhưng phân loại nguyên nhân tử vong thì đó là một đóng góp nhỏ (vì nó tương đương với một việc làm hành chính) dù rất tốn thì giờ. 

Theo kinh nghiệm của người viết bài này, trong lĩnh vực nghiên cứu y học, các tác giả đầu (số 1) thường là những nghiên cứu sinh hay những người có đóng góp nhiều nhất cho bài báo và công trình nghiên cứu, và trong trường hợp tác giả số 1 là nghiên cứu sinh, tác giả số 2 thường là thầy cô hay người hướng dẫn của nghiên cứu sinh, và tác giả sau cùng có thể là người đứng đầu của nhóm nghiên cứu hay người có đóng góp ít nhất.  Còn những người còn lại thì có thể là những người có ít nhiều đóng góp trong 10 tiêu chuẩn trên.  Nhưng như đề cập trên, trong thực tế cũng có nhiều tác giả có tên trong danh sách chỉ là tác giả danh dự, chứ chẳng có đóng góp gì vào công trình nghiên cứu, hay có đóng góp nhưng mức độ công trạng không xứng đáng là một tác giả.

            Trong một nghiên cứu công bố trên Tập san Annals of Internal Medicine [5], V. Yank và D. Rennie thẩm định 115 bài báo công bố trên Tập san Lancet từ tháng 7/1997 đến 12/1997, với 785 tác giả (tính trung bình khoảng 7 tác giả trên một bài báo).  Trong số 115 bài báo này, khi đối chiếu lại với 3 tiêu chuẩn “vàng” của ICMJE, chỉ có 56% các tác giả hội đủ 3 tiêu chuẩn mà thôi!  Nói cách khác, có đến 44% các tác giả có tên trong bài báo nhưng không hội đủ 3 tiêu chuẩn của ICMJE.  Khi phân tích theo thứ tự tác giả, số lượng tác giả hội đủ cả 3 tiêu chuẩn như sau: tác giả số 1 (71%), tác giả 2 (60%), tác giả 3 (47%), tác giả chót (69%).  Như vậy có khoảng 40% đến 53% các tác giả thứ 2 và thứ 3 không hội đủ3 tiêu chuẩn để đứng tên tác giả.  Ngay cả trong cách tác giả số 1, có đến gần 30% không hội đủ 3 tiêu chuẩn để đứng tên tác giả! 

            Như đã trình bày trên, bản chỉ dẫn của ICMJE đặc biệt nhấn mạnh rằng những người có công trong việc thu thập dữ kiện, giám thị hay người hướng dẫn, và tìm nguồn tài trợ cho công trình nghiên cứu không đủ điều kiện để đứng tên tác giả nếu không hội đủ 3 điều kiện chính.  Thế nhưng trong thực tế, rất ít ai tuân thủ theo chỉ dẫn này!  Phân tích của V. Yank và D. Rennie cho biết có đến35% tác giả là những người tham gia thu thập dữ kiện nhưng không hội đủ cả 3 điều kiện; 36% tác giả là những người giám thị nhưng không hội đủ cả 3 điều kiện; và 8% tác giả là những người có công tìm nguồn tài trợ nhưng không hội đủ cả 3 điều kiện. 

Khi phân tích theo 10 tiêu chuẩn phụ, V. Yank và D. Rennie cho thấy tác giả số 1 và tác giả chót thường là những người trực tiếp tham gia vào việc soạn thảo bài báo; ngược lại, tác giả số 2 và số 3 thường là những người đã làm công tác phân tích thống kê và quản lí số liệu (xem bảng thống kê số 1).  Các phân tích này cho thấy dù một bài báo có nhiều tác giả, nhưng trong thực tế chỉ có 3 hay bốn tác giả (số 1, 2, 3 và tác giả chót) là có đóng góp đáng kể mà thôi, phần còn lại có thể nói chỉ là những “tác giả danh dự” hay tác giả không hội đủ điều kiện để đứng tên tác giả.


Vài nhận xét

            Cụm từ “tác giả” là dịch từ chữ “Author” trong tiếng Anh, và từ Author có nguồn gốc Latin là “Auctor” có nghĩa nguyên thủy là người có uy tín hay người có thẩm quyền.  Đứng tên tác giả một bài báo khoa học, hiểu theo nghĩa này, cũng có đồng nghĩa với tạo cho mình một uy tín và thẩm quyền, và quan trọng hơn hết là phải chịu trách nhiệm trước công chúng về các phát biểu trong bài báo.  Về mặt cá nhân nhà nghiên cứu, đứng tên tác giả trong bài báo khoa học không chỉ là một phần thưởng, mà còn là viên gạch quí báu để xây dựng sự nghiệp.  Do đó, không ngạc nhiên khi thấy nhiều người tranh đua nhau, thậm chí gây hấn nhau, để đứng tên tác giả một bài báo.

            Như vừa trình bày, trong thực tế, có rất nhiều tác giả không xứng đáng và không hội đủ điều kiện để đứng tên tác giả nhưng lại có tên trong bài báo.  Ngược lại, cũng có nhiều người mà mức độ cống hiến đáng lẽ hội đủ điều kiện để đứng tên tác giả, nhưng lại không có tên trong bài báo và trở thành những “tác giả ma” – ghost authors!  Điều này dẫn đến một hệ quả là có nhiều tác giả có tên trong bài báo mà không hề biết gì về nội dung của bài báo!  Tôi từng xem lí lịch khoa học của một số nhà khoa học “lớn” với 500 đến 700 bài báo khoa học, nhưng khi tôi hỏi một vài bài một cách ngẫu nhiên, tác giả chỉ cười cho biết đó là công trình hợp tác với người khác, không nhớ thậm chí không biết viết gì trong đó!  Nói cách khác, họ có tên trong bài báo nhưng chẳng quan tâm đến nội dung bài báo, và tỏ ra vô trách nhiệm trước công chúng.  Rất tiếc, đây là một tình trạng rất phổ biến ngày nay. 

            Ngay cả vị trí của tác giả trong bài báo cũng không phản ánh chính xác mức độ cống hiến của tác giả.  Nhưng nói chung, chỉ có tác giả số 1, 2, 3 và tác giả chót là những người thực sự có đóng góp quan trọng cho bài báo.  Một trong những nguyên nhân cho tình trạng này là vì các trung tâm nghiên cứu và đại học không có một chính sách cụ thể để các nhà nghiên cứu dựa vào đó mà phân nhiệm.  Trong vài trường hợp, nếu có chính sách, thì các nhà nghiên cứu lại không đồng ý về việc thi hành.  Có người cho rằng các bác sĩ thu thập dữ kiện hay các “sếp” của nhóm nghiên cứu nhất định phải có tên trong bài báo dù họ chẳng biết bài báo nói về vấn đề gì!  Họ lí giải rằng nếu không có họ thì công trình nghiên cứu sẽ không bao giờ thành công được.  Thế nhưng cách biện minh này nhầm lẫn giữa tri thức khoa học và công tác hành chính.  Một bài báo khoa học chỉ quan tâm đến khoa học, chứ không phải hành chính.  Theo qui định hiện hành, họ phải được ghi nhận trong phần cảm tạ của bài báo, chứ không thể là tác giả được.  Thế nhưng nếu tác giả đứng bài báo đầu là một nghiên cứu sinh thì tác giả chắc chắn sẽ không dám cãi lại “lệnh” của sếp và việc sếp cho tên trong bài báo trở thành một thông lệ, một thông lệ mà ai cũng biết là thối nát.

            Năm 1943, Albert Schatz là một nghiên cứu sinh trẻ tuổi với một sứ mệnh tìm cho được thuốc để điều trị bệnh lao.  Sau vài năm làm việc cật lực, Schatz khám phá thuốc kháng sinh streptomycin và là tác giả của một bài báo khoa học về khám phá này.  Sếp và cũng là người hướng dẫn luận án của Schatz là Selman Waksman, bắt đầu dành công trạng về phía mình, bằng cách làm một cuộc vận động trong giới khoa học rằng ông là người khám phá ra streptomycin và không đề cập gì đến người nghiên cứu sinh của mình!  Trong khi Waksman ngấm ngầm dành công trạng, cậu học trò Schatz hoàn toàn không hay biết gì cả, vì trong thực tế, cả Schatz và Waksman cùng kí tên trong bằng sáng chế (patent) streptomycin.  Nhưng sau vài năm, Schatz mới biết được rằng Waksman đã bí mật kí một hợp đồng và bán bản quyền sáng chế (với một số tiền lớn) cho một công ti dược lớn, và trong hợp đồng này không có tên của Schatz!  Schatz kiện Waksman ra tòa, và phán quyết công ti dược phải trả tiền sáng chế cho Schatz.  Tuy nhiên, với vị thế của mình, vận động của Waksman đã thành công mĩ mãn: ông ta được trao giải thưởng Nobel vào năm 1952 vì “có công khám phá streptomycin.”  Ủy ban Nobel chẳng biết đến Schatz bao giờ và do đó công trạng của anh ta không hề được ghi nhận.  Công trạng của Schatz chỉ mới được tái phát hiện khi giới sử học xem lại quá trình khám phá thuốc kháng sinh quan trọng này [6]. 

            Trong nhiều trung tâm nghiên cứu, thông thường các vị giám thị hay sếp trung tâm tự nhiên ghi tên mình trong các bài báo khoa học do nghiên cứu sinh và nhà nghiên cứu dưới quyền trực tiếp làm.  Nếu các vị này thực sự có cống hiến quan trọng về ý tưởng, thu thập dữ kiện, phân tích, diễn giải và soạn thảo bài báo, thì cũng không có gì sai trong “thông lệ” này.  Nhưng có nhiều trường hợp, các sếp chẳng có cống hiến gì đáng kể cho công trình nghiên cứu, ngoài việc thảo luận đôi ba lần về nghiên cứu và đọc qua bản thảo bài báo, lại có tên trong bài báo, và đó mới là vấn đề cần quan tâm.  Có một số trường hợp tệ hại hơn nữa là nghiên cứu sinh chỉ đứng tên trong phần “Cảm tạ”!

            Mặc dù “tập quán” các sếp đứng tên tác giả trong bài báo của các nhà nghiên cứu dưới quyền rất phổ biến, rất nhiều nạn nhân (phần lớn là nghiên cứu sinh) không dám thốt lời phàn nàn, mà chỉ than thở với các nạn nhân khác, vì sợ bị trả thù và trù dập.  Một số thì giữ “thái độ Hàn Tín”, “nín thở qua sông”, chờ lấy cho được học vị tiến sĩ rồi kiếm chỗ khác làm việc.  Khi phàn nàn trên các phương tiện truyền thông công cộng, các nạn nhân cũng không dám kí tên thật.  Chẳng hạn như một lá thư từ một nghiên cứu sinh trên tờ nhật báo The Australian viết: "Nhiều nhà khoa học cấp cao hoặc ăn cắp ý tưởng của nghiên cứu sinh, hoặc không cho phép nghiên cứu có tên trong các bài báo quan trọng.  Tôi cảm thấy đây là một hình thức đạo văn một cách xảo quyệt, nhưng tiếc thay hình thức này không phải là mới.  Đề bạt trong nghiên cứu dựa vào công trạng trong nghiên cứu, tức là bài báo khoa học đã công bố; tuy nhiên nếu có một nhà nghiên cứu trẻ nào đó dám lên tiếng về tình trạng này, thì tương lai của nhà nghiên cứu đó sẽ là một ngõ cụt." [7].

Cái lực đằng sau của hiện tượng “cướp công” trên là tình trạng bất bình đẳng trong quyền lực khoa học.  Những câu chuyện về bóc lột tri thức phát sinh ở bất cứ nơi nào mà các sếp và giáo sư giữ một vai trò mang tính quyết định tương lai của nghiên cứu sinh hay nhà khoa học dưới cấp.  Trong cơ cấu bất bình đẳng như thế, vấn đề tác giả và tác quyền là một đề tài cấm kị.

            Phải làm gì để tránh tình trạng nhập nhằng trong vấn đề quyết định ai là tác giả và vị trí của tác giả trong bài báo ?  Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi nghĩ có thể làm vài việc căn bản sau đây:

Trường đại học và trung tâm nghiên cứu cần phải phát triển một chính sách cụ thể về đóng góp trong nghiên cứu, và chỉ rõ các điều kiện cần thiết để các nhà nghiên cứu có thể xác định vị trí của tác giả trong bài báo;

Nên hoạch định tác giả và vị trí tác giả trước khi tiến hành nghiên cứu, nhất là trong giai đoạn thảo luận và thiết kế nghiên cứu;

Việc hoạch định này phải dựa theo các tiêu chuẩn của ICMJE đề ra, và tất cả các tác giả phải nhất trí trước khi tiến hành nghiên cứu.

Quay trở lại hai trường hợp mà tôi nêu lên trong phần đầu của bài viết, nếu dựa theo các tiêu chuẩn của ICMJE thì có lẽ Stephen Brown hội đủ điều kiện để đứng tên tác giả nếu anh ta tham gia vào việc phân tích và diễn giải kết quả bài báo.  Nhưng trong trường hợp 2, vị giám thị phụ không thể là một tác giả được vì Laura chưa bao giờ được cô ta hướng dẫn điều gì, và cô ta không hề dính dáng vào công trình nghiên cứu.  Tiêu chuẩn ICMJE nói rất rõ là giám thị vẫn thể đứng tên tác giả trong một bài báo của nghiên cứu sinh mình hướng dẫn nếu không hội đủ 3 điều kiện chính là ý tưởng, thiết kế và phân tích; soạn thảo bài báo; và phê chuẩn bài báo.


Tài liệu tham khảo:

[1] Flanagin A, et al. Prevalence of articles with honorary authors and ghost authors in peer-reviewed medical journals.  JAMA 1998; 280:222-224.

[2]  Hwang SS, et al.  Researcher contributions and fulfillment of ICMJE authorship criteria.  Radiology 2003; 226:16-23.

[3]  Stone RM.  American Journal of Roentgenology 1996; 167:571-9.  Hơn phân nửa các bài báo khoa học công bố trên tập san American Journal of Roentgenology có hơn 5 tác giả. 

[4]  International Committee of Medical Journal Editors.  Uniform requirements for manuscripts submitted to biomedical journals.  JAMA 1997; 3/4277:927-34. http://www.icmje.org

[5]  Yank V, Rennie D. Disclosure of researcher contributions: a study of original research articles in the Lancet.  Ann Int Med 1999; 130:661-70.

[6]  Frank Ryan, Tuberculosis: The Greatest Story Never Told (Worcestershire: Swift, 1992); Albert Schatz, "The true story of the discovery of streptomycin," Actinomycetes, Vol. 4, Part 2, 1993, pp. 27-39.

[7]  Kerryn Robinson, "Few rewards for science graduates" (letter), Australian, 21 January 1997, p. 12.


Bảng 1.  Đóng góp trong một các báo khoa học trên tập san Lancet: phần trăm đóng góp

Đóng góp
Tác giả số 1
Tác giả số 2
Tác giả số 3
Tác giả chót
1. Soạn thảo bài báo
83.5
67.3
54.3
80.0
2. Thiết kế nghiên cứu
58.3
44.5
38.1
52.2
3. Phân tích hay diễn giải dữ kiện
51.3
38.2
25.7
32.2
4. Thu thập dữ kiện
27.0
27.3
25.7
13.9
5. Điều hợp công trình nghiên cứu
42.6
14.5
15.2
17.4
6. Phân tích lâm sàng
11.3
14.5
19.0
11.3
7. Phân tích cơ bản
7.0
12.7
12.4
9.6
8. Phân tích thống kê
8.7
11.8
12.4
7.0
9. Cố vấn về thiết kế nghiên cứu
7.0
10.9
8.6
15.7
10. Quản lí dữ kiện
5.2
10.9
11.4
1.7

Nguồn: Yank and Rennie, Annals of Internal Medicine 1999; 130:661-70.  Chẳng hạn như con số 83.5% trong cột “Tác giả 1” có nghĩa là 83.5% bài báo là do tác giả 1 soạn thảo.


Nguồn:


       6. Hợp tác khoa học kiểu nhảy dù
(hay khoa học thực dân)
Nguyễn Văn Tuấn
(Bài đã đăng trên tạp chí Tia Sáng tháng 6/07)
Theo tác giả Phạm Duy Hiển trong năm 2001 các nhà khoa học công bố 375 bài báo khoa học trên các tập san quốc tế; trong số này, 81% là do hợp tác với các nhà khoa học nước ngoài (Tia Sáng 1/6/2007).  Vấn đề đặt ra là hợp tác như thế nào, và sở hữu tri thức thuộc về các nhà khoa học Việt Nam hay các đồng nghiệp ngoại quốc.  Tôi đã xem qua một phần lớn các bài báo và công trình hợp tác trong lĩnh vực y khoa, và có thể nói rằng hơn 95% các công trình này là những dạng hợp tác theo kiểu “nhảy dù khoa học”, và do đó sở hữu tri thức thuộc về các nhà khoa học nước ngoài.  Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần phải xem lại các nguyên tắc và có thái độ dứt khoát hơn trong việc hợp tác với các nhà khoa học nước ngoài.
            Tình hình nghiên cứu khoa học ở nước ta trong những năm gần đây có phát triển khá nhanh, với số lượng bài báo công bố trên các tập san khoa học quốc tế tăng trung bình khoảng 10%.  Đó là một tin vui.  Nhưng con số tăng trưởng đó chưa phản ảnh một khía cạnh đáng lo ngại hơn: đó là các công trình do “nội lực” (tức hoàn toàn thực hiện bởi các nhà khoa học trong nước) giảm từ 23% vào năm 1997 xuống còn 19% trong năm 2001.  Nói cách khác, hiện nay, hơn 80% các công trình nghiên cứu khoa học xuất phát từ Việt Nam được công bố trên các tập san quốc tế là do hợp tác với các nhà khoa học nước ngoài.  Thật vậy, chính nhờ vào nguồn hợp tác này (chứ không phải nội lực) mà số lượng bài báo khoa học tăng trưởng trong thời gian qua.
            Hợp tác trong nghiên cứu khoa học là một xu hướng tất yếu ngày nay.  Trong điều kiện nước ta còn thiếu thốn về phương tiện nghiên cứu, thiếu thốn nhân sự có kinh nghiệm cao, hạn chế về ngân sách khoa học, thì việc các đồng nghiệp trong nước phải hợp tác với các nhà khoa học nước ngoài là điều hoàn toàn có thể hiểu được.  Tuy nhiên, cần phải rất cẩn thận trong việc hợp tác sao cho các nhà khoa học trong nước không phải chịu thiệt thòi.  Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi thấy rất nhiều (nếu không muốn nói là tất cả) các nhà khoa học trong nước mà tôi đã tiếp xúc chưa ý thức được vấn đề này, và do đó họ còn quá dễ dãi trong việc hợp tác, và dẫn đến thất thoát cho nước nhà.  Có người vì quá hồ hởi được đứng tên trong một bài báo trên một tập san quốc tế mà không cần biết nội dung gì trong đó.  Lại có trường hợp khá bi hài là đồng nghiệp nước ngoài công bố bài báo và tự tiện đưa tên đồng nghiệp trong nước vào danh sách tác giả bài báo nhưng đánh vần sai tên mà chính tác cũng không hay biết!  Chưa ý thức được vấn đề, tôi nghiệm ra, là vì họ chưa rành luật chơi, nhất là các nguyên tắc vả qui ước trong việc định công trạng, trong hợp tác nghiên cứu khoa học.
            Ai cũng biết trong thế kỉ trước, các cường quốc Tây phương như Anh và Pháp có nhiều thuộc địa ở Phi châu và Á châu.  Trong một thời gian dài, các nhà khoa học từ các cường quốc này đến các nước thuộc địa tiến hành nhiều nghiên cứu khoa học, kể cả nhân chủng học và văn hóa học, và công bố trên các tập san ở nước họ.  Do đó, quyền sở hữu tri thức thuộc về họ, cho các tri thức này dựa vào các mẫu vật và sự cộng tác của nhân sự  từ địa phương.  Trong giới khoa học, người ta gọi cách làm khoa học này là “scientific colonism” (khoa học thuộc địa).  Ở nước ta, do nhiều thế hệ học sinh, sinh viên không có cơ hội nghiên cứu khoa học, và do đó, một phần không nhỏ kiến thức về Việt Nam, dân tộc Việt Nam và tài nguyên Việt Nam lại nằm trong tay các nhà khoa học ngoại quốc, thay vì trong tay các nhà khoa học Việt Nam. 
            Đến thế kỉ 20, Mĩ trở thành cường quốc khoa học và kinh tế số một.  Cùng với Mĩ, các nước Âu châu, chủ yếu là Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, và các nước Bắc Âu kiểm soát gần như toàn bộ hệ thống thông tin khoa học.  Tất cả các nhà xuất bản lớn nhất thế giới, tất cả các tập san khoa học lớn và có ảnh hưởng trên thế giới đều xuất phát từ các nước này.  Hệ quả là thế giới không chỉ bị ngăn cách bởi thu nhập cá nhân, mà còn bị chia cách bởi “bức tường thông tin” (Information Divide).  Trong khi các nước Tây phương thừa thông tin khoa học, thì các nước đang phát triển như nước ta lại thiếu thông tin trầm trọng.  Một thư viện của một đại học trung bình ở Anh hay Mĩ có 3000 tập san khoa học, trong khi đó một đại học lớn ở nước ta con số này chưa đến 50!
            Khoảng 25% các nhà khoa học trên thế giới sống và làm việc ở các nước đang phát triển, nhưng họ sản xuất dưới 3% tổng số ấn phẩm khoa học trên thế giới (BMJ 1997;314:980).  Vì thiếu thông tin, cho nên chất lượng nghiên cứu từ các nước đang phát triển không cao, và thường bị từ chối cho công bố trên các tập san quốc tế (hay nói đúng hơn là các tập san khoa học Tây phương).  Trong thời gian 10 năm (tính từ 1989 đến 1998), tập san y khoa của Anh, British Medical Journal, nhận được 44.690 bài báo khoa học trên thế giới; trong số này chỉ có 6% (hay 2550 bài) từ các nước đang phát triển.  Tỉ lệ các bài báo từ các nước đang phát triển được chấp nhận cho công bố là 8% (tức 92% trong số 2550 bài bị từ chối).  Tỉ lệ các bài báo từ các nước đã phát triển được chấp nhận cho công bố là 17%.  Do đó, trong tổng số các bài báo được công bố trên tập san British Medical Journal, chỉ có ~3% là từ các nước đang phát triển.  Ở các tập san lớn hơn như Science, Nature, Cell, New England Journal of Medicine, Lancet, v.v… tình trạng còn “bi thảm” hơn: tỉ lệ các bài báo từ các nước đang phát triển chỉ dưới 1%. 
            Trong nỗ lực khắc phục tình trạng trên và nhằm gia tăng sự có mặt của các công trình nghiên cứu từ các nước đang phát triển, các nhà khoa học từ các nước Tây phương tìm cách hợp tác với đồng nghiệp ở các nước đang phát triển.  Thường thường, họ được hỗ trợ và khuyến khích từ chính phủ để tiến hành các nghiên cứu “viễn chinh”.  Nhưng ý đồ tích cực này đang dần dần trở thành một hình thức thuộc địa chủ nghĩa kiểu mới trong khoa học, mà giới khoa học đặt tên là “Scientific Colonism” hay “Parachute Science” (Làm khoa học kiểu nhảy dù).  Mới đây, có người còn đặt tên cho loại hợp tác này là “Safari Science”.  Nói một cách ngắn gọn, cũng giống như giới khoa học thuộc địa thời xưa đến các nước Á châu và Phi châu thu thập các cổ vật văn hóa về sung vào viện bảo tàng ở nước họ, giới làm khoa học kiểu nhảy dù ngày nay là các nhà khoa học Tây phương đến các nước đang phát triển thu thập mẫu máu, DNA, hay mẫu vật, hay số liệu, và đem về phòng thí nghiệm nước họ để phân tích và công bố kết quả.  Trong bài báo, họ đứng tên tác giả số một hay tác giả chịu trách nhiệm (responsible author) và cho tên của vài nhà khoa học địa phương trong danh sách tác giả như là “foot soldier” (lính đánh bộ)!  
            Tình trạng khoa học nhảy dù hay khoa học thuộc địa này phổ biến cỡ nào?  Tính từ 1993 đến 1998, tập san British Medical Journalcông bố 59 bài báo với sự hợp tác giữa các nhà khoa học các nước Tây phương và các nước đang phát triển; trong số này, 58% bài báo mà tác giả đứng đầu là các nhà khoa học Tây phương.  Tỉ lệ khoa học nhảy dù ở tập san Lancet là 57% (trong số 82 bài báo).  Trong thời gian trên, tập san Science công bố 6 bài báo hợp tác, và tất cả đều do các nhà khoa học Tây phương đứng tên tác giả đầu.  Tập san có ảnh hưởng càng cao, tỉ lệ khoa học nhảy dù hay khoa học thuộc địa càng cao.  Nói cách khác, các nhà khoa học Tây phương chỉ “tử tế” với các nhà khoa học địa phương chỉ khi nào các bài báo đăng trên các tập san có ảnh hưởng thấp, nhưng với các bài báo trên các tập san ảnh hưởng lớn thì họ dành quyền đứng tên tác giả đầu. 
Xu hướng hợp tác khoa học theo kiểu nhảy dù này đã và đang xảy ra ở nước ta, nhất là trong lĩnh vực y học.  Người viết bài này đã điểm qua các bài báo nghiên cứu được thực hiện ở Việt Nam có tác giả nước ngoài và tác giả người Việt Nam trong vòng 10 năm qua, và hơn 95% các bài báo này đều do các tác giả nước ngoài đứng tác giả đầu hay tác giả chịu trách nhiệm.  Như vậy, có thể nói tình trạng khoa học nhảy dù trong y học ở nước ta rất phổ biến.  Một vài ví dụ cụ thể như: “A Schecter, HT Quynh, M Pavuk, O Papke, R Malish, JD Constable.  Food as a source of dioxin exposure in the residents of Bien Hoa City, Vietnam.  J Occup Environ Med 2003”, “A Schecter, LC Dai, LTB Thuy, HT Quynh, DQ Minh, HD Cau, PH Phiet, NTN Phuong, JD Constable, R Baughman, O Papke, JJ Ryan, P Furst, S Raisanen.  Agent Orange and the Vietnamese: the persistence of elevated dioxin levels in human tissues.  American Journal of Public Health 1995”, v.v… Thật ra, tất cả các nghiên cứu về chất độc da cam ở Việt Nam trong thời gian qua có thể nói là các hợp tác kiểu khoa học nhảy dù.  Rõ ràng, các nghiên cứu này lấy mẫu vật và số liệu từ người Việt tại Việt Nam, nhưng các nhà khoa học Việt Nam chỉ đóng vai trò “lính đánh bộ”, và công trạng và sở hữu tri thức vẫn thuộc về các nhà khoa học nước ngoài.
            Đây là một vấn đề tế nhị và gai góc.  Có lẽ phần lớn các nhà khoa học Tây phương không nghĩ họ bóc lột hay lợi dụng đồng nghiệp từ các nước đang phát triển, bởi vì trong thực tế, họ là những người đề xuất ý tưởng, thiết kế nghiên cứu, phân tích dữ liệu, soạn thảo bài báo, và trực tiếp thực hiện việc công bố bài báo.  Đứng trên mặt qui tắc thì họ hoàn toàn có tư cách đứng tên đầu.  Tuy nhiên, vấn đề ở đây là họ sử dụng dữ liệu từ Việt Nam, mẫu máu, DNA, hay nói chung là chất liệu nghiên cứu từ Việt Nam và của người Việt Nam, và trong nhiều trường hợp, họ sử dụng các nhà khoa học Việt Nam để thu thập các dữ liệu này.  Nếu không có các chất liệu này hay không có sự hợp tác của đồng nghiệp Việt Nam, thì dù ý tưởng có hay cỡ nào cũng không thể thành hiện thực.  Vậy thì vấn đề đặt ra là việc họ đứng tên đầu có hợp lí không?  Theo tôi câu trả lời là “không”.  Kinh nghiệm của tôi cho thấy trước khi hợp tác với bất cứ ai ở nước ngoài, một hợp đồng phải được soạn thảo trước với những qui định rõ ràng về vị trí tác giả của bất cứ bài báo nào sẽ xuất bản, và tất cả các nhà khoa học liên quan phải kí tên vào trước khi thực hiện. 
            Hợp tác trong nghiên cứu khoa học cũng giống như thương lượng trong kinh doanh, tức là đôi bên cùng có lợi, chứ không thể để một bên chịu thiệt thòi và một bên dành phần thắng.  Nhưng để đạt được một hợp tác đôi bên cùng có lợi, hay một hợp tác bình đẳng, các nhà khoa học Việt Nam cần phải tìm hiểu kĩ hơn nữa về luật chơi trong hoạt động khoa học quốc tế để không phải chịu thiệt thòi trong hợp tác.  Những luật chơi này không phải là những qui tắc được viết thành văn bản trên giấy trắng mực đen, và chỉ có thể biết được qua trao đổi với những nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài có kinh nghiệm lâu năm trong việc giải quyết vấn đề này.
            Ngoài việc hiểu và biết luật chơi quốc tế, kiến thức và năng lực của nhà khoa học còn là hai yếu tố rất quan trọng trong việc thương lượng.  Một nhà khoa học với kiến thức rộng, kĩ năng cao, và kinh nghiệm làm khoa học lâu năm (hay nói chung là có “nội lực”) thường ở thế thượng phong trong thương lượng và hợp tác khoa học, và qua đó có thể đảm bảo bình đẳng cho đồng nghiệp của mình.  Nhưng quan trọng hơn hết, trong thời đại hội nhập quốc tế, các nhà khoa học nước ta rất cần ý thức rõ quyền lợi quốc gia và không nên để những tri thức về Việt Nam, dân tộc Việt Nam và tài nguyên Việt Nam lại một lần nữa nằm trong tay các nhà khoa học ngoại quốc trong các hợp tác khoa học theo kiểu nhảy dù.

Nguồn:





0 Comments:

Post a Comment



Bài đăng Mới hơn Bài đăng Cũ hơn Trang chủ


Khảo Sử trên Facebook