JOHN KEAY



Ngô Bắc dịch


John Keay là tác giả của một số sách bao gồm các quyển sử ký tiêu chuẩn về Ấn Độ, Công Ty Đông Ấn, sự thám hiểm phía Tây Hi Mã Lạp Sơn, và vùng Trung Đông cùng Đông Nam Á trong thế kỷ thứ 20.

Bài viết này là bản khai triển của bài nói chuyện mà ông trình bày tại Hội Nghiên Cứu Á Châu Sự Vụ của Hoàng Gia (The Royal Society for Asian Affairs) hôm 23 tháng Ba năm 2005 về Ủy Hội Thăm Dò Sông Cửu Long (The Mekong Exploration Commission) đề tài của một trong các quyển sách gần đây nhất của ông, Mad about the Mekong: Exploration and Empire in South East Asia.  Tác phẩm mới nhất của ông là quyển lịch sử về Con Đường Gia Vị (Spice Route).


Bản đồ chính trị của vùng lục địa Đông Nam Á xem ra rắc rối một cách không cần thiết với nhiều dặm đường biên giới quốc tế dài hơn so với bất kỳ miền nào khác có diện tích tương đương ngoại trừ Âu Châu (nơi mà giờ đây các biên giới còn lại ít hơn) và Tây Phi Châu.  Các hình thể bị cắt xé của Miến Điện, Thái Lan, Lào, Việt Nam và Căm Bốt cũng không dựa nhiều vào địa hình cụ thê.  Các biên giới của chúng là sản phẩm của lợi thế chính trị khi được nhận thức trong bối cảnh cuộc tranh giành giữa Anh và Pháp tại tiểu lục địa Đông Nam Á hồi cuối thế kỷ thứ 19.  Các điều chẳng hạn như các tính chất thiên nhiên, thực tế về chủng tộc và sự hợp lý kinh tế chỉ nhận được sự lưu tâm sơ sài vào thời điểm đó.  Mỗi quyền lực đế quốc chỉ đơn thuần nhắm vào việc từ khước đế quốc kia càng nhiều lãnh thổ càng tốt, với ước khoản quan trọng là, trong khi đối với Pháp một sự tiếp giáp chung cuộc của các khu vực ảnh hưởng của đế quốc xem ra hợp lý, đối với Anh, đó là điều không thể tưởng tượng nổi.
    
Cuộc vật lộn giành giựt Đông Nam Á này, một màn tạp lục của sự “xào nấu hổ lốn” ở Phi Châu và “trò chơi vĩ đại ở Trung Á, được châm ngòi bởi một cuộc thám hiểm cá biệt, ít ồn ào, nhưng nhiều tính cách giảng huấn – đề án của hải quân Pháp trong các năm 1866-68 được biết dưới danh xưng Ủy Hội Thăm Dò Sông Cửu Long (The Mekong Exploration Commission).  Bị khước từ [sự thành lập] một đế quốc phía đông tại Ấn Độ bởi người Anh và sau đó tại Trung Hoa, một lần nữa bởi sự cạnh tranh chính yếu của Anh Quốc, nước Pháp dưới chế độ phiêu lưu đế quốc của Louis Napoléon trong năm 1858 đã chiếm giữ hải cảng nhỏ ở Sàigòn khi đó thuộc phần đất được gọi là Nam Kỳ (Cochinchina).  Một số đất đai kề cận vươn tới đồng bằng sông Cửu Long kế đó được chiếm giữ, và trong năm 1862 một qui chế bảo hộ bấp bênh đã được mở rộng lên phía thượng lưu cho đến Căm Bốt, khi đó là một vương quốc đang lâm nguy và nhỏ bé hơn nước Căm Bốt ngày nay rất nhiều; sự việc này vốn đã sẵn trở thành một gánh nặng quân sự và tài chính; và vấn đề triệt thoái toàn bộ vì thế đã được thảo luận một cách tích cực tại Paris.  Nhưng tại Sàigòn, việc này bị kháng cự.  Các kẻ yêu nước hăng máu như Trung Úy Francis Garnier đã thúc đẩy một làn sóng các sự tiên đoán lạc quan và các đề nghị ngông cuồng, trong đó nổi bật nhất là ý đồ mở một đường hải hành với nội địa Trung Hoa theo thủy lộ của con sông vĩ đại có đồng bằng bao gồm chín cửa mở miệng đổ ra biển tại ngưỡng cửa của thuộc địa nhỏ bé.

Sông Cửu Long sẽ mang lại một nhân tố cho sự hịện diện của Pháp tại một vùng mà Garnier và các đồng sự của anh ta đã nhất mực gọi là Indo-Chine (Bán Đảo Ấn-Hoa), một tên mới đặt tân kỳ để tách biệt Đông Nam Á khỏi các đấu trường đế quốc khác của Ấn Độ và Trung Hoa trong khi vẫn mang lại cho nó một số uy danh nào đó của cả hai nước đó.  Giòng sông có thể mang lại cho Sàigòn những gì mà con sông Dương Tử đã làm cho Thượng Hải, hay những gì mà con sông Mississippi có thể đã làm đem đến cho vùng đất sở hữu trước đây bởi Pháp tại New Orleans.  Như một xa lộ thương mại với các thị trường trong nội địa Trung Hoa, và như một đường tải chuyển cho việc khai thác các quặng mỏ và lâm sản của các vùng đất kẹt sâu bên trong, nó sẽ cung cấp một lối xâm nhập vào vùng Á Châu lục địa, như thế đền bù được cho các vốn liếng đã chi cho thuộc địa đang sống vất vả tại Sàigòn và truyền thừa cho nước Pháp một tiềm năng thành lập một đế quốc phương đông của chính mình.  

Ít kẻ lạc quan như Garnier trong mọi khía cạnh của vấn đề này, nhưng nhờ ở sự binh vực của Bộ Hải Quân tại Paris, đề nghị về sông Cửu Long đã được chấp thuận, một cách miễn cưỡng và không khoa trương.  Trong hai chiếc thuyền nhỏ bé, chạy bằng hơi nước có vũ trang, với một số lượng quá mức về rượu, bột mì, súng ống và các hàng hóa trao đổi, cùng với tất cả các phụ tùng cho một cuộc thám hiểm khoa học quan trọng, Ủy Hội đã rời bờ sông Sàigòn và ngược lên thượng nguồn để đi đến một vùng xa lạ xanh um vĩ đại trong tháng Sáu năm 1866. (1)


Một Giang Lộ Đến Trung Hoa

Khi đó, và kể từ đó, các sự khám phá đáng kể của Ủy Hội có lúc đã tìm được một chỗ đứng trong lịch sử các cuộc thám hiểm. (2)  Sáu ông chủ người Pháp và 20 kẻ tùy tùng đã đi thám hiểm trong hai năm.  Họ liên tục phải gánh chịu bịnh sốt rét, từng chập mắc bịnh kiết lỵ và sưng độc vì đỉa cắn, và sau cùng bị rơi vào cảnh túng quẩn.  Người cầm đầu của họ bị chết; các kẻ khác không bao giờ hồi phục.  Song họ là những kẻ đầu tiên – những người còn sống sót – vẽ lại giòng chảy của con sông dài khoảng hơn 2,000 cây số, đã thám hiểm các phụ lưu và vùng nội địa của nó có lẽ vào khoảng 5,000 cây số khác, và đã xâm nhập vào tỉnh Vân Nam của Trung Hoa bằng đường sông.  Ở đó, cố gắng bọc quanh sườn một cuộc chiến tranh địa phương, họ đã tìm ra các vùng thượng nguồn chưa từng được thám hiểm của con sông Dương Tử tại phía tây tỉnh Tứ Xuyên và đi ngược trở xuống để ra tới bờ biển Trung Hoa.  Chủ Tịch Hội Nghiên Cứu Địa Lý Hoàng Gia tán dương Ủy Hội như “một trong các cuộc thám hiểm thành công và đáng kể nhất của thế kỷ thứ mười chin,” Trung Úy Garnier, kẻ đã trờ thành người cầm đầu sau cái chết của Chỉ Huy Trưởng E.-M. L. de G. Doudart de Lagrée, đã được trao tặng Huy Chương Của Chủ Nhân Bảo Trợ Của Hội (Society‘s Patron‘s Medal) trong năm 1870; và trong năm 1871, anh ta đã nhận được từ Hội Nghị Địa Lý Quốc Tế một giải thưởng đặc biệt mà chỉ có một người khác nhận từng được giải này, Tiến Sĩ Livingston.  Trong thực tế, Garnier được xếp loại cùng với Livingston như kẻ thám hiểm vĩ đại nhất của đương thời.

Hình 1: Đông Nam Á và sông Cửu Long

Hình 2: Chỉ Huy trưởng Doudart de Lagrée (bên trên) và Trung Úy Francis Garnier


          Tuy nhiên, đã có ít sự chú ý hơn về các mục tiêu chính trị của cuộc thám hiểm và các hậu quả sâu xa của nó. (3)  Garnier, một sĩ quan hải quân giống như phần lớn các đồng sự của anh ta, và kẻ biện hộ chính yếu cho công cuộc mậu dịch bằng đường thủy với Trung Hoa cũng như là người chịu trách nhiệm về sự khảo sát thủy văn (hay thủy đạo) của Ủy Hội, có vẻ đã trở nên bị ám ảnh bởi chính con sông.  Như anh ta đã viết:

Về phần mình, tôi đã gán tầm quan trọng đặc biệt cho việc liên tục truy tìm giòng chảy uốn khúc và kỳ quặc của nó.  Bởi vì chúng tôi tiến vào các vùng chưa bao giờ được đặt chân tới bởi một cuộc điều tra của Âu Châu, mỗi khúc uốn của giòng sông Cửu Long như khi được bổ túc vào bản đồ của tôi xem ra là một sự khám phá địa dư quan trọng.  Không gì có thể làm tôi xao lãng khỏi sự quan tâm canh cánh này… Nó đã xâm chiếm tôi như một chứng thiên chấp [monomania: chỉ mê mệt một thứ, chú của người dịch].  Tôi trở nên điên cuồng vì giòng sông Cửu Long. (4)

          Anh ta đã giải thích sự thiếu chính xác trong các chỉ thị của họ như việc điều tra giản lược nhưng không chỉ hạn chế vào tiềm năng thương mại của giòng sông mà còn truy tìm đến nơi phát nguyên được đồn đãi của nó tại Tây Tạng.  Trong bản báo cáo chính thức của anh ta cũng như trong bài tường thuật cá nhân của mình, anh ta không đã chịu nhìn nhận điều sớm rõ ràng trở nên hiển nhiên đối với các đồng sự của anh ta, có nghĩa, mặc dù bao la và cuồn cuộn, con sông Cửu Long trong thực tế thì vô vọng, thực ra    sẽ gây xúc động mạnh, để hải hành.

          Vào lúc đó cuộc tranh luận bùng nổ về nguồn gốc con sông White Nile tại miền Đông Phi Châu; hai năm trước đó, Burton và Speke gần như đã sắp đi đến mức đối chiến về Hồ Lake Victoria, và từ đó các nhà thám hiểm Bakers đã loan báo sự khám phá của họ về Hồ Lake Albert.  Garnier hay biết về điều này và cảm kích giải thưởng địa dư gắn liền vào việc truy tầm một con sông lớn theo suốt chiều dài của nó.  Mặc dù tác người nhỏ bé, anh ta đã nung nấu một sự tự phụ quá đáng của một nhà thám hiểm chân chính.  Nhưng anh ta cũng nhận ra rằng thừa nhận tính bất khả hải hành của con sông Cửu Long có nghĩa lột bỏ khỏi cuộc viễn thám mục đích chính của nó.  Vị Chỉ Huy Doudart de Lagrée khi đó sẽ trở nên đúng khi muốn bóp chết toàn thể cuộc du khảo; và nếu ông ấy đã không làm như thế, nếu cuộc thám hiểm tuy thế đã vẫn được tiếp tục, tính khí hay cãi cọ và hám danh lợi sẽ bị phơi bày.  Huyền thoại về tính khả dĩ lưu thông của con sông Cửu Long vì thế sẽ phải được duy trì, bất kể là có đủ mọi bằng có đề nói ngược lại.

          Trong diễn biến, bằng cớ đã hiện ra trong vào tuần lễ khi lái thuyền trực tiếp đi từ Sàigòn.  Xuyên qua đồng bằng, đoàn thám hiểm đã xả ga chạy đến Nam Vang, và ở đó, như thể nhằm trì hoãn giây phút của sự thực, đã quẹo ngang để xuyên qua Biển Hồ, hay Tonle Sap của Căm Bốt, và thám hiểm các kỳ quan vĩ đại của khu vực đền đài Angkor.  Sự đổi hướng này, lần thứ nhất trong nhiều lần, đã được trình bày như một cơ hội cho các thành viên của đoàn thám hiểm tập làm quen và thử nghiệm các dụng cụ của họ.  Angkor Wat  [khu di tích đền đài Đế Thiên Đế Thích, chú của người dịch], mới chỉ được tái khám phá khoảng một thập niên trước đó bởi Henri Moulot, đã được đo lường và phác họa; và mặc dù nó tọa lạc tại tỉnh Siem Reap, khi đó giống như tỉnh kế cận Battambang, còn nằm dưới sự cai trị của Thái Lan, các lời kêu gọi đã được phóng ra đến cả giới học giả Pháp hãy lưu ý đến địa điểm này lẫn chính quyền Pháp hãy đòi hỏi sự tái nhập nó vào Căm Bốt.  Chính từ đó cột mốc đầu tiên của nhiều cột mốc ba màu [chỉ quốc kỳ nước Pháp, chú của người dịch] đã được cắm sâu xuống trên phần nội địa Đông Nam Á.  Ba mươi năm sau đó sự “qui hoàn” về dưới quyền cai trị của Căm Bốt, và như thế, dưới sự bảo hộ của Pháp, “các tỉnh ngoại nhập” Siem Reap và Battambang sẽ làm nổi bật đường nét trong sự chia cắt của thực dân.          

          Sau khi đã tiêu mất vài tuần trong cuộc du ngọan này, Ủy Hội đã quay trở lại Nam Vang và xuất hành lần thứ nhì.  Khoảng năm tấn lương thực và dung cụ được chất lên lại một chiếc tàu vũ trang duy nhất, và vào ngày 7 tháng Bẩy, mọi người đã đứng nghiêm hô lớn khẩu hiệu “Vạn Tuế Hoàng Đê’ và chào kính lần cuối. “Ít giây phút sau đó chúng tôi đã lái tầu đi một mình trên giòng sông bao la, “ như Garinier viết. (3)

          Ba mươi sáu giờ sau đó, họ đã trở lên trên bờ và chất đồ lên tàu một lần nữa.  Ngay bên trên Kratié, với mưa đổ xuống, giòng sông dâng cao và triều sóng chảy với tốc độ khoảng mười hải lý, họ đã gặp phải cuồng lưu đầu tiên.  Buồng máy nhỏ của chiếc tàu vũ trang không có nghĩa lý gì trước giòng nước chẩy xiết và họ bị bắt buộc phải chuyển qua các thuyền độc mộc.  Đây là các chiếc xuồng được biến chế để chở hành lý và được giữ thăng bằng bởi việc buộc các sàn làm bằng các bó tre dọc theo mép thuyền.  Các sàn này cũng cung cấp một lối đi lại trên đó các người lái thuyền có thể chèo chống con thuyền chống lại luồng nước lũ.  Họ đã làm như thế bằng việc đẩy thuyền bằng sào, các chiếc sào của họ được lắp thêm các móc sắt để chống vào các điểm tựa trên các khốí đá và cây cối nhô ra mọi nơi trong cơn lũ dữ dội.  Hiển nhiên đã thấy rằng con sông Cửu Long thì thích hợp cho việc phiêu lưu thác bạc hơn là cho việc giao thông chở hàng.


Hình 3: Những người sống sót của Ủy Hội Thăm Dò Sông Cửu Long (Garnier ở giữa, De Carné đàng trước bên trái, Delaporte đàng trước bên phải)

Hình 4: Chèo chống con xuồng độc mộc xuyên qua khu rừng bị lụt


          Thực ra toàn thể ý tưởng về một thủy lộ tới Trung Hoa đã bị tranh luận như một “tin đồn dỡn chơi” (a canard, “tin vịt”, tiếng Pháp trong nguyên bản, chú của người dịch] ngay từ lúc khởi đầu.  Vị Chỉ Huy Trưởng Doudart de Lagrée, nguyên thủy khi được mời bởi Đô Đốc de Lagrandière để chỉ huy cuộc thám hiểm, hiển nhiên đã phải bật cười; “và cũng thế”, ông đã viết, “vị Đô Đốc cũng đã phá lên cười.” (6)  Sự khinh thị bất ngờ như thế trên một công tác ủy nhiệm nghiêm trọng và nguy hiểm cho thấy cả hai người đều biết nhiều hơn điều mà họ thấy cần tiết lộ.  Doudart de Lagrée mới chỉ trải qua ba năm tại Căm Bốt trong chức vụ Trú Sứ Pháp.  Ông ta đã từng ngược giòng lên tới Kratíé ít nhất một lần, và ông biết rằng các nhà tìm mỏ người Pháp còn đi xa hơn nữa.  Ông chắc hẳn phải thắc mắc sâu xa về sự vắng bóng bất kỳ con thuyền buôn bán trên sông bởi bất kỳ cách nào chạy xuống từ các xứ Lào bên trên.  Một số trở ngại con đáng sợ hơn cả thác nước ở Kratié được ức đoán.

          Trở ngại đã hiện thực qua hình dáng của Thác Nước Lớn mang tên thác Khon tại biên giới Lào – Căm Bốt ngày nay.  Ở nơi đây, giòng sông gặp gỡ một bức tường đá bị che phủ một cách rậm trạp bởi khu rừng chạy xuyên ngay qua một đồng bằng hay bị lũ lụt dài đến 16 cây số.  Bên trên bức tường ngăn bằng đá, nước đã đọng lại tạo thành một vùng hồ nước được gọi là Siphandon (“Bốn Nghìn Đảo”).  Bên dưới nó, hàng trăm bậc thang nước tuôn đổ ầm ầm qua các răng cưa và khe hở của bức tường đá tạo thành một vòng cung ngoạn mục nhưng hơi xa nhau của các con thác.  Tiếng nước đổ đinh tai, ấn tượng thì thật sơ nguyên.  Xa tắp cuối tầm nhìn, các nguồn phun nước treo trên vòm rừng cho thấy còn có nhiều thác khác nữa.  Mặc dù hiếm khi nào cao hơn 50 mét, trong mùa mưa, Thác Khon phóng ra lượng nước và bùn nhiều hơn khối lượng của hai thác Niagara và Victoria cộng lại.  Ngay cả các chiếc xuồng cũng không thể kéo qua được vực nước xoáy này.  Ủy Hội đã đổ bộ lên phần cuối một hòn đảo và lê bước não nề lên đến đầu hòn đảo bên trên Thác, ở đó lại xuống các thuyền độc mộc khác.

          Sự thực sau cùng đã khởi sự áp đảo ngay kẻ lạc quan nhất trong chúng tôi [câu văn viết bởi Louis de Carné, sĩ quan chính trị của đoàn thám hiểm]. Các tàu chạy bằng hơi nước không bao giờ có thể lướt đi trên sông Cửu Long như là chúng đã lướt trên sông Amazon hay sông Mississippi; và Sàigòn không bao giờ có thể được nối liền với các tỉnh phía tây Trung Hoa bằng thủy lộ mênh mông này …  Cho dù lộng lẫy đến đâu, (con sông) xem ra chỉ là một kiệt tác chưa hoàn tất. (7)

          Song Garnier vẫn chưa bị khuất phục.  Bởi một sự trùng hợp lạ lùng, thủy thủ cứng đầu nhất của đoàn thám hiểm lại hoàn toàn không nhìn thấy quang cảnh ngoạn mục này.  Anh ta đã chìm vào một cơn hôn mê vì sốt rét một tuần lễ trước khi họ gặp con Thác, được khiêng trên một chiếc cáng, và đã không hồi tỉnh mãi cho đến nhiều ngày sau đó.  Ngay dù khá lâu sau này, anh ta quay trở lại để thanh sát con Thác, anh ta vẫn từ chối khhông chấp nhận thua cuộc.  Nơi nào đó trong vùng hỗn tạp của đá và rừng, anh ta khẳng quyết, phải có một kênh rạch có thể ít nhất làm thành một thủy lộ thông thương được.  Có thể cần phải khai quang hay phá bỏ, có thể sẽ cần đến một vài hệ thống trục quay (tời) (wiches) nào đó, hay có thể một kinh đào với các cửa khóa nước sẽ phải được xây dựng dọc bên hông [con sông].  Bất kể giải pháp nào – và phải có một giải pháp – cũng sẽ đòi hỏi đến tài trí của người Phap, và như thế một sự hiện diện của người Pháp.  Thác Khon, cũng giống như khu đền đài Angkor, theo đó đã được đánh dấu cho một sự thụ đắc ban sơ; và trong khi giòng sông tự nó có thể không bao giờ giúp gì được vào sự lưu thông xà lan lười biếng như trên sông Mississippi, việc làm chủ tuyến hải hành ở khu vực trung lưu của nó sẽ trở thành một vấn đề mang niềm tự hào dân tộc mãnh liệt.


Đi tìm một duyên cớ tại Lào

Tại Bassac, ngày nay được gọi là Champassak, thuộc miền hạ Lào, cuộc thám hiểm được đình chỉ trong đôi tháng.  Cần phải có sự phục hồi sức khỏe và Bassac, một ngôi làng quyến rũ vào lúc sau mùa mưa, đúng là đáng được đề nghị như một địa điểm lý tưởng cho một dưỡng đường thực dân, một vùng Vichy không bãi tắm [Vichy sans bains, tiếng Pháp trong nguyên bản, chú của người dịch] trong tương lai cho Đông Dương.  Nó cũng còn là nơi thuận lợi để khám phá hai trong số các phụ lưu quan trọng của sông Cửu Long và để lượng định về tiềm năng khoáng sản của cao nguyên Bolovens.  Cả mỏ vàng và mỏ bạc đều được xác nhận.  Tốt hơn nữa, một toán du khảo còn khám phá ra rằng sự mua bán nô lệ vẫn đang hoạt động.         

          Vào cuối thế kỷ thứ 19 tình trạng nô lệ là một sự lạm dụng nhân quyền mà bất kỳ dân tộc văn minh nào đều cảm thấy mình có quyền phế bỏ -- và bằng võ lực nếu cần.  Đây là duyên cớ hay nhất trong mọi duyên cớ cho ít nhất một sự can thiệp tạm thời.  Nỗi thống khổ của người nô lệ, các người thuộc các sắc tộc ít người sống rải rác vùng đồi núi biên giới Lào-Việt, gây bối rối cho nhân viên đoàn thám hiểm, đặc biệt cho de Carné vốn là kẻ có sự quan tâm thực sự đến các bộ lạc không phải gốc Lào.  Dù thế, ông cảm thấy bị bắt buộc phải lưu ý rằng, bị kéo với xích xiềng xuống phía hạ lưu, các kẻ bị bắt giữ bất hạnh sau đó sẽ bị rao bán công khai tại các chợ ở Căm Bốt, một xứ sở vui mừng thụ hưởng sự bảo hộ của Pháp.  Cho đến khi vết ô nhục này có thể được tẩy xóa đi, nước Pháp khó có thể tỏ vẻ bất bình về mặt đạo đức để biện minh cho một sự tiến quân chống lại các kẻ buôn bán nô lệ tại vùng đất Lào chưa được bảo hộ. (8)

Về mặt kỹ thuật các vương quốc Lào, khi đó trải dọc theo hai bên bờ sông xa mãi đến tận Miến Điện (nơi mà chúng được gọi đối với người Anh là các bang quốc Shan), trong thực tế chưa bị bảo hộ.  Từ Vọng Các, triều đình Thái, hay Xiêm La, đã mở rộng quyền chủ tể của nó trên phần lớn các lãnh đia thuộc bang quốc này hồi đầu thế kỷ thứ 19.  Chính đoàn thám hiểm giờ đây đang du hành với sự cho phép của Thái và bằng phí tổn của Thái.  Điều này không ngăn cản Garnier và các đồng sự của anh ta tuyên bố rằng sự cai trị của Vọng Các vừa bất hợp pháp vừa mất nhân tâm.  Các ông hoàng người Lào, từ vị tộc trưởng ở Bassac cho đến nhà vua tại Luang Prabang, xa hơn trên thượng nguồn, đều được cố vấn rằng, một khi họ có ý muốn kháng cự lại các tham vọng của Thái, họ có thể trông cậy nơi sự  cổ vũ và hỗ trợ của người Pháp.  Tại Lào, giống như tại Căm Bốt, người Thái được phác họa như các kẻ xâm lược.  Các sự xâm chiếm của họ vào lưu vực sông Cửu Long không có sự chấp thuận của quốc tế, theo Garnier, và sau rốt chỉ với sự can thiệp của Pháp mới có thể đạt được sự triệt thoái của họ.

          Tình hình thực sự phức tạp hơn nhiều lời khẳng định này.  Vạn Tượng, thủ đô của Lào, đã từng bị lục soát bởi người Thái trong năm 1827-28 nhưng có chịu trước đó một sự tuyên hứa trung thành bí mật với Hoàng Đế An Nam tại Huế giống như là đối với Vọng Các.  Luang Prabang, mặt khác, vương quốc lớn nhất trong các vương quốc Lào có thẩm quyền dàn trải hầu như khắp miền bắc Lào, đôi khi có triều cống Bắc Kinh và ngay cả Miến Điện cũng như Vọng Các.  Trong khi đó một vài mường (muangs) (các huyện lệ thuộc) cũng có một quan hệ triều cống với Huế.  Các mường kể sau này nhận được sự quan tâm đặc biệt của người Pháp.  Dự liệu ngày mà An Nam và vị hoàng đế của nó có thể được bổ túc vào các trách vụ của Pháp tại Việt Nam, Ủy Hội đã du thám xa về phía đông giòng sông Cửu Long nhằm tìm kiếm đúng bằng cớ hỗ trợ như thế của một vị thế ưu đẳng có thể truyền thừa được.  Trên căn bản các sự khảo cứu này, 20 năm sau thẩm quyền của Vọng Các sẽ bị tranh nghị dữ dội tại miền đông nước Lào và các lời tuyên xác mơ hồ của Huế, khi đó nằm dưới sự bảo hộ của Pháp, đã được đưa ra một cách mạnh mẽ.


Gây rối tại Miến Điện

          Luang Prabang, với cung điện mạ vàng và vô số đền chùa đã là nơi mang vẻ gần nhất của một thị trấn mà đoàn thám hiểm đã gặp tại Đông Nam Á.  Sau sáu tháng phiêu lưu rùng rợn giữa vô số các ghềnh thác và xoáy nước của con sông, họ đã kéo các chiếc xuồng lên một bãi gần cận và sau đó, tắm rửa, mặc đầy đủ nhung phẩm binh phục và đeo gươm kiếm kêu lách cách.  Tuy thế, nghi thức chính thức khi đến hội kiến của họ đã không tạo được ấn tượng nào nơi nhà vua Lào, người vẫn lạnh nhạt trước các sự khai mào của người Pháp.  Các cố vấn của nhà vua có khuyến cáo một ngã tắt sang Trung Hoa qua phụ lưu Ou của sông Cửu Long; đó là con đường được sử dụng bởi tất cả các nhà buôn bán trên đất liền và vị Chỉ Huy Trưởng thích thú đón nhận nó.  Nhưng Garnier không đếm xỉa đến.  Giòng sông chính, anh ta nhấn mạnh, vẫn còn là mục tiêu ưu tiên của họ, bất kể đến tính chất hải hành của nó, các khe núi và cuồng lưu đáng sợ được cho biết nằm phía trước mặt, hay sự  tấn kích sắp đến của mùa gió nồm thứ nhi của họ. (9)



Hình 5: Thị trấn Luang Prabang năm 1867


          Vị Chỉ Huy Trưởng lui bước.  Một nhân vật xa cách và thiếu tự tín, mang chứng viêm thanh quản kinh niên bắt ông phải nói như thì thầm mọi lúc, Doudart de Lagrée ngày càng đứng ra bên lề.  Hơn nữa, Garnier có hậu ý riêng của anh ta.  Nếu anh ta quả thực “điên cuồng vì giòng sông Cửu Long” một phần là vì các luồng nước bất ngờ của nó đã dẫn dắt họ không chỉ tiến lên hướng bắc mà còn rẽ sang tây, đến các lãnh địa thuộc bang quốc Shan (a) của Miến Điện.  Ban ơn một cách rộng rãi nhất, con sông mà Garnier đã sẵn tuyên xác như một bảo khoản độc quyền của Pháp y cứ vào dấu đóng mở đường của Ủy Hội trên nó, dẫn dắt họ không phải thẳng đến Trung Hoa mà còn đan dệt luồng chảy của nó khắp vùng, trải qua nhiều lãnh địa hơn bao giờ hết và giờ đây ra dấu chỉ cho họ ngưỡng cửa của vương quốc Ava (b) của Miến Điện.

          Về mặt kỹ thuật, đoàn thám hiểm không có quyền xâm nhập vào đất đai của các chư hầu của Miến Điện chẳng hạn như các lãnh địa thuộc bang Shan.  Lời thỉnh cầu lên Ava xin các văn thư thừa nhận đã gặp phải sự im lặng, và người Anh, đã thiết định từ lâu tại vùng Hạ Miến (Lower Burma), vốn nhìn Ava như thuộc về vùng ảnh hưởng độc quyền của mình.  Garnier đã tìm cách trắc nghiệm điều này.  Anh ta nghi ngờ các lời tuyên bố của Anh Quốc về lòng trung thành của Ava và anh ta không bị thuyết phục bởi các lời tuyên bố của Ava về quyền chủ tể trên các lãnh địa thuộc bang Shan, và nếu cuộc thám hiểm đã có thể xuôi giòng theo nó mà không bị ngừng lại, luận cứ của anh ta sẽ được chứng minh.

          Tại Chieng Khong, nơi mà sau này được gọi là khu Tam Giác Vàng (Golden Triangle), mùa mưa (theo gió nồm) khởi phát và Ủy Hội sau hết đã rời khỏi đất Thái.  Không có bất kỳ loại tin tức nào có thể thu thập được về tình trạng con sông phía trước, cũng không dễ gì tìm được các người chèo thuyền sẵn lòng chuyên chở họ và thuyền của họ giờ đây có hành lý được giảm bớt nhiều.  Chỉ sau một ngày chèo xuồng họ bị đẩy vào bên bờ Miến Điện và được thông báo rằng giờ đây họ phải lội bộ.  Garnier, không tin, đi trước kiểm tra.  Giòng sông thực sự không thể dùng được cho tàu thuyền.  Nơi đây khởi đầu cuồng lưu Tang-ho [?] dài cả 100 cây số mà trên các tảng đá đen sắc cạnh của nó giòng nước lũ dâng cao xẻ nát các cây cối khổng lồ và thổi tan các sườn đồi dốc khỏi chốn mà chúng đã từng có lần mọc ra.  Bất kể đến viễn ảnh các cuộc lội bộ dài, ướt sũng, họ đành phải từ bỏ giòng sông.  Họ sẽ nhìn thấy lại giòng sông nhưng sẽ không bao giờ lái thuyền trên đó nữa.  Trong những tháng mưa mùa gió nồm, ngay cả các chiếc xuồng độc mộc cũng không thể nào tới được Trung hoa qua ngả sông Cửu Long.


Hình 6: Doudart de Lagrée trở về trên lưng voi từ một cuộc du ngoạn trên đất liền



Hình 7: Một xuồng chạy đua được hạ xuống sông gần thị trấn Luang Prabang



Hình 8: Trại của đoàn thám hiểm tại đảo Khong bên dưới Bassac


          Những tuần lễ kế đó trên các ngọn đồi lên xuống liên tiếp nhau của của các bang quốc Shan đã đưa đoàn thám hiểm đến vận đen cùng cực của nó.  Mưa không dứt, đường mòn bùn ngập đến đầu gối, và sự chuyển vận, bất kể bằng xe bò kéo, lừa hay nhân lực, tính giá cắt cổ.  Ruợu của họ đã khô cạn từ lâu; các hàng hóa trao đổi của họ cũng thế.  Tiền mặt dự trữ quá thấp đến nỗi chăn mùng để ngủ và quần áo được đem đổi lấy thức ăn; họ đã cố đi mà không có giầy ống (boots), hoặc bước đi chân không hay được khiêng bằng cáng.  Louis Delaporte, họa sĩ của đoàn thám hiểm, đã bị đuối sức bởi các vết đỉa cắn làm độc đến nỗi anh ta khó đứng lên được; Doudart de Lagrée vốn đã mắc bịnh gan sẽ giết chết mất ông ta trong vòng vài tháng; de Carné, bị tàn phá bởi chứng kiết lỵ cũng sẽ làm ông ta chết đi, trông không khác gì một con ma râu dài; và Garnier đã trải qua các đợt báo động của chứng mất trí vì sốt rét.  Tệ hại hơn nữa, các lãnh địa trong bang quốc Shan không cách chi là các thực thể tự trị.  Mỗi lãnh địa đều có vị Trú Sứ Miến Điện là kẻ đã kiên quyết tìm cách cầm giữ Ủy Hội làm con tin trong khi chờ đợi các mệnh lệnh về sự sắp xếp cho họ hoặc là từ Kengtung, thủ phủ bang quốc Shan, hay từ chính kinh đô Ava.  Canh bạc của Garnier đã bị thua trắng.  Quyền chủ tể của Miến Điện được thừa nhận mọi nơi.  Trong thực tế, các lãnh địa trong bang quốc Shan đã sẵn được biện hộ, và bất kỳ một Đông Dương thuộc Pháp nào trong tương lai sẽ bị ngừng lại tại đây trên sông Cửu Long – hay còn có thể trước điểm này, bởi hai lãnh địa của bang quốc Shan trải dài dọc theo cả hai bên bờ của con sông.

          Gần như tuyệt vọng, cuộc thám hiểm đã chỉ được cứu vãn nhờ giấy thông hành của Trung Hoa.  Các giấy phép này đã được cấp từ Triều Đình tại Bắc Kinh và được thu nhận bởi Garnier trong một chuyến trở về Nam Vang đầy nguy hiểm, sau khi tạm ngừng tại Bassac.  Các giới chức thẩm quyền của Vân Nam từ đó đã được thông báo hãy chờ đợi sự xuất hiện của “các quan chức ngoại quốc”; tại Trung Hoa, sự ủy nhiệm của họ được tôn trọng; các giáo sĩ truyền đạo người Pháp tại Vân Nam cũng đã sẵn sàng để trợ giúp họ.  Khi đoàn thám hiểm tìm đường đi tới biên giới Trung Hoa, giá trị của sự thừa nhận này đà gia tăng.  Chieng Hung (ngày nay gọi là Jinghong), lãnh địa cuối cùng trong bang quốc Shan, có cả một Trú Sứ Miến Điện với một Trú Sứ Trung Hoa.  Sự xuất trình giấy tờ thừa nhận của Bắc Kinh cho Ủy Hội đã tạo ra một sự nín lặng im lìm và lời hứa chuyển vận tức thời băng ngang qua biên giới.


Sông Hồng và hậu quả của Cuộc Thám Hiểm, 1868-82

          Tiến vào Trung Hoa không hề có nghĩa kết thúc công việc của Ủy Hội.  Sáu tháng đàng trước mặt của việc mò mẫm xuyên qua tỉnh Vân Nam lạnh lẽo và bị chiến tranh tàn phá chỉ làm trầm trọng thêm các chứng bịnh khác nhau của ho.  Viên Chỉ Huy Trưởng từ trần; và một mưu toan bốc đồng để quay trở lại sông Cửu Long đã khiến cho phần còn lại của đoàn bị bắt giữ trong thời gian ngắn.  Điều được nghĩ sẽ là sự khám phá có giá trị đền bù nhất của tòan thể cuộc thám hiểm đã được tìm thấy với sự may mắn.  Đi ngang qua vùng đất thượng du khô cằn trên đường đến Côn Minh, thủ phủ của Vân Nam, con đường đột nhiên phóng xuống một thung lũng sâu và tràn ngập ánh mặt trời xuyên qua nó là giòng chảy của con sông mà tiếng Trung Hoa gọi là Yuen-jiang.  Nhờ sự dọ hỏi kiên  nhẫn cùng với một  ít sự phỏng đoán, Ủy Hội đã suy luận được rằng con sông Yuen-jiang này không thể là con sông Dương Tử bởi nó đổ nước ra ở Vịnh Bắc Việt (Gulf of Tonkin).  Vì thế nó phải là đầu nguồn của con sông mà tiếng Việt gọi là Sông Hồng.  Hơn nữa, theo ý kiến chung, từ phía trên biên giới Trung Hoa xuống cho đến Hà Nội và Hải Phòng tức cửa biển của nó, tàu bè thông thương được.  Trong thực tế, Sông Hồng, chứ không phải sông Cửu Long, chính là thủy lộ tìm kiếm từ lầu để đến được Trung Hoa; Hà Nội, chứ không phải Sàigòn, nắm giữ chìa khóa của lục địa.

          Các hậu quả sâu xa sẽ tiếp diễn theo sau sự phát hiện này.  Trong thập niên 1870, sự quan tâm của Pháp sẽ đột nhiên chuyển từ Nam Kỳ ở phía nam Việt Nam lên Đông Kinh (Tonkin) ở phía bắc.  Dựa trên tin tức thu thập được từ Ủy Hội, (10) Jean Dupuis [tiếng Việt phiên âm từ tiếng Hán đọc là Đồ Phổ Nghĩa, chú của người dịch] một nhà buôn vũ khí táo tợn, mở đường buôn bán theo sông Hồng lên đến Trung Hoa vào năm 1872, và sau đó thu mình tại Hà Nội, đã bất chấp các mệnh lệnh của phía Việt Nam cấm không cho treo cờ Pháp (ông ta có nhận được một số sự khuyến khích chính thức từ Paris), thành lập một đội quân riêng, và trang bị cho một giang đoàn thứ nhì.

          Mượn cớ kiềm chế Dupuis nhưng nhằm một cách không chính thức khai thác cơ hội mở ngỏ này, trong năm 1873 một lực lượng viễn chinh nhỏ của Pháp đã được phái từ Sàigòn ra Hà Nội bằng đường biển.  Nó chỉ gồm 100 người, có lẽ bởi vì đây là quân số nhiều nhất mà một người mới ở cấp Trung Úy có thể được chỉ huy.  Giờ đây ở tuổi 32, nhưng vẫn còn cứng đầu một cách đáng sợ, Francis Garnier đã được trao cho điều mà anh ta giải thích là toàn quyền hành động [carte blanche, tiếng Pháp trong nguyên bản, chú của người dịch] để mở rộng bản đồ Đông Dương của anh ta bằng cách vẽ thêm phần của Bắc Việt.

          Thoạt tiên mọi việc diễn tiến tốt đẹp.  Thành Hà Nội bị đánh chiếm và, chỉ trong vòng ba tuần lễ sau khi anh ta đến nơi, “Quan Lớn nước Pháp” [Le Grand Mandarin de France, tiếng Pháp trong nguyên bản, chú của người dịch], như Garnier giờ đây tự xưng, lấy làm hân hoan để loan báo rằng “tỉnh Hà Nội đã hoàn toàn đuợc bình định … toàn thể chính quyền nằm trong tay chúng ta … các nhóm thổ phỉ đã bị đàn áp … dân chúng có cảm tình”.  Thủy lộ sông Hồng lên Trung Hoa được tuyên bố mở cửa cho sự lưu thông; 400 người (có nghĩa lực lượng của anh ta cùng với người của Dupuis) đã chiếm đóng một vùng đất gồm “hai triệu linh hồn”. (11)

          Bất kể các sự ngờ vực sâu đậm tại Paris và việc đe dọa phản đối của hoàng đế An Nam, chiến tích kỳ lạ này nhiều phần đã có thể đứng vững.  Nhưng sự việc đã không như thế, và trong thực tế, đã bị phủ nhận một cách mãnh liệt, hậu quả của việc Garnier đã đẩy sự may mắn của anh ta hơi quá xa.  Trong một cuộc truy kích vô lý một số kẻ tấn công vô hiệu quả, anh ta đã dẫn một đội quân phóng ra ngoài tầm hỏa lực của thành Hà Nội, đụng độ với nhóm tấn công khác, bị cắt rời khỏi đội quân của anh ta, mắc kẹt tại một đường hào, và bị cắt đầu ở đó.  Các tin tức châm ngòi cho một cuộc tổng nổi dậy; các lực lượng Pháp bị vây hãm tại một ít cứ điểm phòng thủ; và “hai triệu linh hồn”, còn nhanh hơn cả khi họ bị chiếm đọat, đã vuột khỏi ách thực dân.

          Câu chuyện tai họa như thế đã chẳng làm được gì để gây thiện cảm đối với các cuộc phiêu lưu hoang đàng ở hải ngoại trong công chúng Pháp cũng như chẳng làm tăng tư thế của phe thực dân tại Paris.  Tiếng tăm của Garnier bị tổn hại một cách tuyệt vọng và cùng số phận với sự việc đó, trong một thời khoảng, là các sự khám phá của Ủy Hội Thăm Dò Sông Cửu Long.  Trong năm 1868, cuộc trở về chiến thắng của Ủy Hội, trước tiên tại Sàigòn và sau đó tại Paris, đã không diễn ra theo kế họach.  Một cuộc cãi vã ầm ỹ đã xảy ra khi các đồng sự của anh ta đã cáo giác Garnier về việc tuyên nhận công lao đúng ra phải thuộc về Doudart de Lagrée; de Carné, trên giường hấp hối, khi đó đã viết lại câu chuyện về cuộc thám hiểm không hoàn toàn phù hợp với những gì được soạn thảo bởi Garnier; và tất cả các sự việc này xẩy ra với một bối cảnh của tình trạng khẩn cấp của quốc gia khiến cho các thành quả của Ủy Hội, và các điểm khác biệt của nó, ngày càng trở nên không quan trọng.  Khi chiến tranh với nước Phổ (Prussia) sau cùng đã nổ ra vào năm 1870, chính thành phố Paris đã bị vây hãm.  Các người thám hiểm như Garnier đã tập hợp đúng theo bổn phận để phòng thủ đất mẹ, sau đó đã tham dự vào các sự kháng biện thời hậu chiến.


Sự tranh giành giữa Anh & Pháp và sự trở lại sông Cửu Long, 1883-93

Diền ra quá gần với sự thất trận này tại Âu Châu, cuộc đại bại ở Hà Nội thực sự đã khiến cho các tham vọng của Pháp tại Á Châu bị chậm lại một thập niên.  Một số sự thám thính xa hơn các huyện của Lào bên phía đông sông Cửu Long dọc theo biên giới An Nam (và có thể là vùng đã chịu triều cống An Nam) đã được thực hiện hồi cuối thập kỷ 1870, nhưng phải đợi cho đến năm 1882-83, các hoạt động dò thám mới được tái lập một cách chu đáo.  Một cuộc tiến bước thứ nhì và nhiều quyết tâm hơn khi đó đã được thực hiện tại Bắc Việt; An Nam và vị hoàng đế của nó bị đặt dưới sự bảo hộ của nước Pháp; và các khuyến cáo của Ủy Hội Thăm Dò Sông Cửu Long liên quan đến các bang quốc của Lào lại được rũ bụi, tái duyệt và sau cùng chấp thuận.

          Nhiều sự cân nhắc đã thúc đẩy sự phục hồi này đối với một chính sách xâm tiến vô liêm sỉ.  Trong thập nên 1870, phần lớn Bắc Việt bị chiếm đóng bởi các nhóm vũ trang thuộc đội quân không chính quy Trung Hoa chạy trốn các sự trả thù của triều đình nơi quê hương của chúng – các đội quân được gọi là Ho [?], Haw [tên bộ lạc đọc theo âm Thái ngữ, mà đa số quân của các nhóm này xuất thân, xem thêm phụ chú (c) của người dịch bên dưới] hay “Cờ (Kỳ Quân)” (bởi chúng chiến đấu dưới cờ màu đỏ, trắng hay đen).  Trong thực tế, Garnier đã gặp phải hồi kết cục ô nhục với một trong các nhóm như thế.  Mặc dù chiếu theo các điều khoản của sự rút quân của Pháp sau đó khỏi Bắc Việt, Sông Hồng được giả định sẽ được mở ngỏ cho sự mậu dịch, sự hiện diện của các băng đảng này đã khiến cho con sông bị khép lại.  Một số công tác bình định tại Bắc Việt vì thế trở nên cần thiết nếu muốn phát triển cuộc buôn bán tìm kiếm từ lâu với Vân Nam; song chẳng những không đánh dẹp các đội Kỳ (cờ) quân này, hoàng đế An Nam tại Huế còn khuyến khích các sự cướp phá của chúng và đã viện dẫn lời hứa trung thành cổ truyền với Bắc Kinh như là một lý cớ để tránh né các cam kết đã được trao cho Pháp.  Vào khoảng đầu thập niên 1880 nhóm kỳ quân Haw [Ho?] còn lấn cả về hướng tây lưu vực sông Cửu Long.  Các bang quốc ở Lào cầu cứu thượng quốc của chúng tại Vọng Các nhưng chỉ nhận được sự bảo vệ thất thường chẳng khác gì một nửa ngặn chặn, một nửa kia lại khiêu khích đội kỳ quân Haw [Ho?].  Rõ ràng là tình hình ở Lào cũng đã chin mùi cho sự can thiệp của Pháp.  Như được dự liệu bởi Ủy Hội Thăm Dò Sông Cửu Long, các ông hoàng xứ Lào đã cần đến một kẻ bênh vực hùng mạnh hơn.

          Đối với nhóm thực dân giờ mới hồi sinh tại Pháp (một liên minh các quyền lợi sản xuất, tầng lớp giáo sĩ muốn truyền đạo, và các chính khách có óc đế quốc), cũng như đối với những kẻ ở Sàigòn hãy còn sùng kính nhớ đến Garnier, tất cả điều này đủ cấu thành sự khiêu khích.  Nhưng chất thuốc xúc tác làm ngứa ngáy thêm lại được cung cấp bởi người Anh.  Từ Miến Điện, họ cũng đang thăm dò khả tính của việc mở một hành lang mậu dịch vào miền tây Trung Hoa, trong trường hợp này, bằng ngả sông Irrawaddy và một đoạn đường trên đất liền, hay có thể là bằng một đường hỏa xa, đi đến Vân Nam.  Sự xuất hiện của Ủy Hội Thăm Dò Sông Cửu Long tại các lãnh địa thuộc bang quốc Shan đã tạo ra sự khẩn cấp cho các kế hoạch này, và họ đã nhận được một số công luận bất lợi từ sự hạ sát trong năm 1875 ông Augustus khi đang do thám đường đi nước bước.  Nếu nước Pháp không tiến hành mau chóng, sẽ có mối nguy hiểm thực sự về việc nước này sẽ bị đánh phủ đầu cả ở các thị trường miền tây Trung Hoa lẫn bị đánh ngay hông tại khoảng giữa lưu vực sông Cửu Long.  Kịch bản kinh hoàng, được gợi ra trước tiên bởi Garnier trong chuyến du hành ngược giòng của Ủy Hội hồi năm 1866-67, khi nhìn thấy lá cờ của Anh Quốc (Union Jack) phất phới trên thành phố Luang Prabang đã trở lại ám ảnh các người  kế nhiệm anh ta.                           

          Miền Thượng Miến (Upper Burma), hay vương quốc Ava, hãy còn ở dưới sự cai trị của Miến Điện vào đầu thập niên 1880; nhưng thẩm quyền của Ava không ngừng bị phá hoại bởi người Anh tại Rangoon (Ngưỡng Quang) rất gần như cung cách mà thẩm quyền của Huế bị triệt hạ bởi người Pháp tại Sàigòn.  Vào năm 1883, khi với quân đội Pháp tái xuất hiện tại Hà Nội, hoàng đế An Nam sau rốt bị ép buộc phải chấp nhận chế độ bảo hộ của Pháp, chuỗi ngày chuyên chế của Quốc Vương Thibaw tại Ava cũng đã gần kề.  Ava bị chiếm đóng bởi người Anh năm 1885 và vương quốc của vua Thibaw bị sáp nhập.  Việc ăn miếng trả miếng của Anh và Phap vần tiếp tục – và gọng kìm các đế quốc khép lại gần nhau hơn – khi trong năm kế tiếp, người Anh đã đặt một đại diện tại Chieng Mai, miền bắc Thái Lan, và người Pháp đã bổ nhiệm một viên phó lãnh sự đến Luang Prabang.

          Người được chọn cho nhiệm sở Luang Prabang là Auguste Pavie.  Trước đây cư trú tại Căm Bốt, từ đó ông ta nối dài đường dây điện tín cho đến Vọng Các, Pavie sống đơn giản, du hành một cách dung dị và, mặc dù không nhiều học thức, đã trở thành một nhân vật thẩm quyền trong vùng.  Garnier đã từng là một mẫu anh hùng của ông ta khi ông đến Sàigòn trước tiên.  Giống như Ủy Hội Thăm Dò Sông Cửu Long, ông ta cũng ấp ủ giấc mơ Đông Dương thuộc Pháp (Indo-Chine Francaise) và trong tám năm kế tiếp, tại Lào và sau đó tại Vọng Các, sẽ làm được nhiều điều hơn bất kỳ ai khác hầu thực hiện giấc mơ đó. (12)

          May mắn cũng đóng góp một phần trong việc đó.  Không lâu sau khi Pavie đến Luang Prabang, nhóm quân Cờ Ho [Haw] có tràn xuống và lục soát thị trấn khiến cho nhà vua của Luang Prabang cùng nhiều thần dân của ông ta phải bỏ chạy xuôi về phía hạ lưu.  Pavie chạy cùng với họ và đã có thể cung cấp một số sự trợ giúp khi các chiếc xuồng và bè chất nặng của họ bị hút vào vực xoáy và bị đánh tan thành mảnh nhỏ trên giòng nước lũ.  Ông ta cùng chia xẻ quãng đời lưu vong ngắn ngủi với nhà vua và khi quân Cờ Ho [Haw?] rút lui, đã trở lại như một vị cố vấn đáng tin cậy.  Luang Prabang vẫn nằm dưới quyền chủ tể của Thái Lan nhưng từ đó trở đi ngày càng hướng đến Pavie và nước Pháp để bảo vệ cho nó.  Với sự che chở của nhà vua, Pavie và các thuộc cấp của ông ta đã thực hiện một cuộc khảo sát tường tận các bang quốc của Lào, thiết lập sự liên lạc trực tiếp với các lực lượng Pháp tại Bắc Việt, thăm dò mọi lối đi có thể nghĩ được giữa sông Cửu Long với Việt Nam, và vươn tới Trung Hoa về phía bắc và biên giới Căm Bốt về phía nam.

          Ở phương nam, sự lưu ý đặc biệt được dành cho Thác Khon vĩ đại.  Pavie tán đồng lý thuyết của Garnier cho rằng chúng phải có thể lưu thông được.  Các xuồng độc mộc trống không được nói đã trôi qua các con thác khi giòng sông gặp lũ lụt, và trong năm 1890 chính bản thân Pavie đã thực sự chèo qua thác trong một chiếc xuồng có móc treo vào các sợi dây kéo (cables).  Tin tức gây ra sự sôi nổi tại Sàigòn.  Điều được nhìn như thể nếu con sông có thể chưa dùng được như một con đường mua bán với Trung Hoa, ít nhất vẫn là một động mạch chính của Đông Dương.  Các cuộc thử nghiệm hơn nữa được thúc dục và các hợp đồng được đặt để xây dựng một đoàn tàu chạy bằng hơi nước trên sông Cửu Long.

          Xuyên qua luồng nước chảy xiết bên dưới Thác Khon, một rãnh dưới đáy sông được đánh dấu và được khai quang một phần vào cuối thập niên 1880.  Sau đó, trong các năm 1891-92, với tiếng máy nổ vang trời và nồi đun nước gần như bị bể, một loạt tàu hơi nước cỡ nhỏ xông vào chỗ ít dữ dằn nhất của con Thác.  Tất cả đều đã thất bại.  Các tàu hơi nước đặc chế hiển nhiên là đáp số, nhưng chúng phải rất là đặc biệt, đúng ra, phải có tính chất xách tay hay nhấc và mang đi được (portable).  Cuối năm 1893, hai chiếc tàu như thế, loại thuyền một buồm nhỏ có vũ trang, đã tiến tới đáy hòn đảo mà tại đó Ủy Hội Thăm Dò Sông Cửu Long đã từng có lần đổ bộ lên.  Các chiếc thuyền buồm đã được tháo rời ra ở đó, chất lên các gòong quay (bogies) có một đọan đường xe lửa ngằn được lập ra cho chúng, và được kéo bằng tay lên hòn đảo để ráp trở lại nơi giòng sông phía trên.  Đó là một loại thành công, và hai chiếc thuyền đã chạy tốt trên đoạn giữa của giòng sông Cứu Long, làm kinh hoảng người Anh khi một chiếc trong chúng vươn tới các lãnh đia của bang quốc Shan, và được theo sau bởi một số tàu khác cho đến Thác Khon.  Đoạn đường hỏa xa trên đảo, dài tổng cộng bảy cây số, sau hết có được cấp cho một đầu máy xe lửa (được kéo ngược giòng sông từ Sàigòn lên) và được mở rộng với một chiếc cầu bằng đá nhỏ và có cần trục bốc dỡ ở cả hai đầu cầu.  Là đoạn đường xe lửa duy nhất từng được xây dựng tại Lào, nó đã tồn tại cho đến Thế Chiến Thứ Nhì trước khi bị triệt hủy bởi núi rừng cũng như bởi quân Nhật Bản. (13)


Hình 9: Một lối đi bị ngập lụt tại các lãnh địa thuộc bang quốc Shan


Hình chụp 1: Bãi đáp tàu từ hồ 
Tonle Sap tại Siem Reap gần khu đền Angkor


Hình chụp 2: Papeng, một trong nhửng con thác không thể hải hành được trong cụm Thác Khon


Hình chụp 3: Cầu trục từ đường hỏa xa đến thuyền bên trên Thác Khon


Hình chụp 4: Mùa khô: sông Cửu Long tại Xieng Kok, vùng Núi Đồi bang quốc Shan


Hình chụp 5: “Chúng tôi tiến vào rừng của Căm Bốt và sẽ không ra khỏi nó cho đến khi … tới Trung Hoa” (de Carné).  Phụ lưu Nam Ngum, gần Vạn Tượng


Hồi kết cuộc 1893-1907

          Tất cả hoạt động này quanh Thác Khon, và sự hiện diện đồng loạt của các ủy viên và nhân viên tuần cảnh của Pavie ở các nơi khác trên đất Lào, đã mang lại các sự phản đối mạnh mẽ từ Vọng Các.  Pháp đáp ứng bằng cách trả miếng, quy trách Thái về các cuộc đánh phá của quân Cờ Ho [Haw?] và tranh nghị về tất cả các thẩm quyền của Thái ngay trên vùng phía đông sông Cửu Long, đặc biệt tại những vùng đã từng có lần được giả định là có chịu hứa trung thành với Huế.  Nhưng vào năm 1893 khi Pavie được chuyển tới Vọng Các làm sứ thần trú sứ Pháp, ông ta có thừa nhận một cách kín đáo rằng Pháp chỉ có ít sự tuyên xác trên Lào còn kháng biện được sự kiểm sát và không có điều gì mà Thái Lan không thể đối đáp được.  Một chiều hướng mạnh bạo hơn thì cần đến, và để làm điều này trong tháng Tư năm 1893 Pavie một lần nữa bày tỏ các sự bất bình của Pháp và bổ túc lần đầu tiên một sự tuyên bố chủ quyền của Pháp trên toàn thể vùng phía đông sông Cửu Long.  Theo đó, ông ta yêu cầu rằng mọi sự hiện diện của Thái ở trong vùng đó phải bị triệt thoái.

          Các sự phản đối từ Vọng Các đã được dự đoán, nhưng từ Luân Đôn, đã có các sự lo sợ.  Nước Anh có quyền lợi thương mại lớn nhất tại Thái Lan cũng như có sự hiện diện ngoại giao mạnh nhất tại đó.  Từ cựu vú em hoàng gia (bà Leonowens trong câu chuyện nổi tiếng “The King and I) cho đến các nhân viên địa chính như James McCarthy (người mà công trình trắc địa xem ra làm lu mờ các sự thám hiểm của Pavie, chứ không chỉ gần bằng), nhiều người Anh trong một vài năm đã tìm được công việc có nhiều ảnh hưỏng tại Thái Lan.  Nước Pháp biết rằng Luân Đôn đã có một quyền lợi vững mạnh tại xứ sở Thái; và một khi Lord Rosebery, bộ trưởng ngoại giao trong chính phủ mới của Thủ Tướng Gladstone, nhận thức được đâu là quyền lợi bị va chạm, chắc chắn ông ta sẽ phản kháng bằng các lời lẽ mạnh mẽ nhất.  Trong thực tế, không hiểu rõ các ngụ ý lấy sông Cửu Long làm biên giới, đặc biệt đối với các lãnh đia thuộc bang quốc Shan ở phía bắc, và giả định rằng một sự phân giới rõ ràng phải đáng mong đợi hơn một biên cương bị tranh chấp, ông đã không làm gì cả.  Pavie đã giải thích thái độ này như một đèn xanh [phát tín hiệu đồng ý].  Trong thháng Tư năm 1893 các toán nhỏ lính Pháp biệt phái di chuyển vào Lào để chiếm đóng vùng Thác Khon và đuổi các viên chức Thái Lan ở các nơi khác.  Sự đổ máu phần lớn được tránh khỏi, nhưng tại vùng Thác Khon, một cuộc phản công của Thái đã làm cho vài người tử trận và đưa đến sự bắt giữ một sĩ quan Pháp.  Xa hơn về phía bắc một nhân viên dân sự Pháp bị hạ sát bởi một đội quân đồn trú Thái mà ông ta hộ tống đến giòng sông.

          Những biến cố này đã trực tiếp dẫn đến cuộc khủng hoảng trong tháng Bảy năm 1893 vốn được gọi là “vụ Paknam: Paknam affairs”.  Pháp đòi hỏi sự kiểu chính và, nhặt thêm một trang khác từ bản báo cáo của Ủy Hội Thăm Dò Sông Cửu Long, đã bổ túc vào danh sách các sự khiếu nại của họ về sự chiếm đóng của Thái tại các tỉnh cũ của Căm Bốt ở Battambang và Siem Reap (gồm cả khu đền đài Angkor).  Trong khi đó, Pavie, đương ở Vọng Các, có báo cáo rằng quân đội Thái được động viên; người Thái khẩn thiết kêu gọi nước Anh hãy can thiệp nhân danh nước Thái; và người Anh, trong khi thúc dục sự kiềm chế, đã phái một vài chiếc thuyền vũ trang đến Vọng Các để tái bảo đảm cho người Thái và để bảo vệ các kiều dân Anh.  Viện dẫn quyền hỗ ứng trên giòng sông Chao Phraya tại Vọng Các, Pháp khi đó ra lệnh cho hai chiếc thuyền vũ trang của mình đến Vọng Các.  Có thể do một sự hiểu lầm, chúng bị bắn bởi các pháo đội Thái Lan tại Paknam (“cửa sông”) và đà phản pháo.  Sự giao chiến chỉ xảy ra trong vòng nửa tiếng đồng hồ nhưng có 18 người bị giết chết, phần lớn là người Thái, và một thương thuyền Pháp bị hư hỏng. (14)

          Các thuyền vũ trang Pháp tiếp tục ngược giòng lên đến Vọng Các.  Pavie khi đó đã ấn định các yêu cầu của ông ta như một tối hậu thư, và khi các đòi hỏi này không được đáp ứng, ông ta đã tuyên bố một cuộc phong tỏa con sông.  Bởi vì hải vận Anh quốc chiếm tới 90% ngoại thương của xứ sở này, cuộc phong tỏa xem ra được nhắm tới Luân Đôn nhiều hơn là Vọng Các.  Rosebery đã giải thích sự việc như thế; những bè nhóm thực dân tại Sàigòn sẽ chỉ gỡ bỏ sự phong tỏa, ông ức đoán, để đổi lấy “một biên giới tiếp giáp với Ấn Độ (có nghĩa, với Miến Điện).”  Và Pavie có thể đã có chủ định như thế, bởi sự thụ đắc Thái Lan, phần thưởng quý giá nhất tại Đông Nam Á sẽ, như ông ta đã gọi, “làm tròn đầy “ Đông Dương thuộc Pháp và nâng cấp nó lên thành một vùng có thể so sánh với Ấn Độ thuộc Anh.

          Nhưng tại Paris các sự cố vấn đứng đắn hơn đã thắng thế.  Trước sự cương quyết của Anh, các sự bảo đảm cho chủ quyền Thái Lan đã sẵn được giao kết; một sự chạm trán với Anh Quốc về một vùng đất quá xa xôi và thù nghịch là điều không thể tưởng tượng được; và tốn phí cho cuộc đối đầu cũng như thế.  Pavie đã đi quá xa.  Tuy nhiên, sự co rút lại có thể mang về các lợi lộc.  Theo hiệp ước Thái-Pháp tháng Tám năm 1893, cuộc phong tỏa được gỡ bỏ để đánh đổi, tất cả mọi thẩm quyền của Thái Lan bên bờ phía đông sông Cửu Long sẽ được từ bỏ, một khu vực rộng 25 cây số bên bờ phía tây của nó trở thành khu phi quân sự hóa, hơn nữa, các tỉnh Battambang và Siem Reap, và một hải cảng của Thái, Chantaburi, cũng được trao cho Pháp làm khoản bảo đảm.  Trong thực tế, Pháp đã chiếm được toàn thể phần ngày nay là lãnh thổ nước Lào, cùng với tiềm năng thu nhập các khu bổ túc khác nữa tại Căm Bốt và trên bờ phía tây sông Cửu Long.  Trong khi đó, một cuộc khủng hoảng khuất lấp ở vùng xa phía bắc, nơi mà ở một số lãnh địa thuộc bang quốc Shan, các đế quốc Pháp và Anh đã lặng lẽ thông đồng với nhau, hứa hẹn làm im tiếng bất kỳ sự phản đối nào của Anh Quốc. (15)

          Tại Đông Nam Á, cũng như tại Trung Á, ưu tiên của Anh quốc là né tránh việc chia sẻ biên giới trên đất liền với một cường lực Âu Châu khác.  Tây Tạng và A Phú Hãn, có các biên giới phía bắc vừa được tái sắp xếp và phân định, được dùng như vùng trái độn cần thiết giữa Ấn Độ và nước Nga của Sa Hoàng; Thái Lan được giả định cung cấp một vùng chế xung tương tự giữa Ấn Độ - Miến Điện và Đông Dương thuộc Pháp.  Tuy thế, một cách trễ tràng, nước Anh đã nhận ra rằng lãnh thổ Thái Lan đã không vươn xa lên phia bắc như đuợc nghĩ.  Giữa nó và Trung Hoa, nơi mà Ủy Hội Thăm Dò Sông Cửu Long đã gần gặp phải cảnh khốn cùng và nơi mà một số lãnh địa của bang quốc Shan thực sự nằm cặp hai bên giòng sông, các vùng đất lệ thuộc Anh Quốc thừa hưởng từ Ava và các vùng đất lệ thuộc Pháp giờ đây được xác nhận dọc theo bờ phía đông sông Cửu Long thực sự đã phủ chùm lên nhau.

          Với quan điểm để sửa chữa tình trạng này, một vùng trái độn nhân tạo đã được tính toán.  Trong năm 1893 Chieng Hung (còn viết là Jinghong), lãnh địa ở mỏm cực đông bắc của bang quốc Shan (nơi mà các giấy phép thông hành sang Trung Hoa của Ủy Hội Thăm Dò Sông Cửu Long đã từng có lần khêu dậy sự kính sợ biết bao) đã được nhường cho Trung Hoa; và giáp ngay phía nam của nó, một lãnh địa thuộc bang quốc Shan khác được cắt cho Thái Lan.  Cùng nhau chúng đã tạo thành điều mà người Pháp chế diễu như miếng băng vệ sinh [le tampon, tiếng Pháp trong nguyên bản, chú của người dịch].  Nhưng cả hai lãnh địa này đều nằm cặp hai bên bờ sông Cửu Long và trước khi lãnh địa kể sau có thể được phân giới, một sự đối đầu khó chịu đã diễn ra.  Một đoàn Anh quốc, thượng cờ lên tại Mong Sing bên bờ phía đông của con sông, đã bị chống đối bởi một lực lượng Pháp được phái đến để chiếm đóng cùng địa điểm.  Hơn thế, bên Pháp đã có thể xuất trình bằng cớ rằng gần đây nhất, trong năm 1892 Mong Sing có chính thức thừa nhận quyền chủ tể của Thái Lan.  Nếu được thực hiện sớm hơn, vùng đất này sẽ thuộc về Anh một cách êm thắm, nhưng kể từ khi tất cả lãnh thổ Thái phía đông sông Cửu Long mới được chấp nhận như thuộc nước Pháp, Anh Quốc giờ đây là kẻ đang xâm nhập trái phép.

          Vụ Mong Sing trong năm 1894 khuấy động dư luận quốc tế trong thời khoảng ngắn ngủi, mặc dù sự chạm trán tại vùng thượng lưu sông Cửu Long này khó có thể sánh với cuộc khủng hoảng Fashoda sau này trên vùng thượng lưu sông Nile.  Sự việc sau rốt được giải quyết bởi một hiệp ước Anh-Pháp năm 1896 theo đó Anh quốc rút khỏi Mong Sing bên phía bờ đông con sông để đổi lấy các sự bảo đảm đanh thép về chủ quyền và sự độc lập của một nước Thái Lan bao gồm toàn thể lưu vực Menam-Chao Phraya phì nhiêu.  Điều này đáp ứng các yêu cầu của Anh Quốc về một quốc gia được xác định trên trường quốc tế có thể hoàn thành vai trò của nó vừa như một vùng trái độn và vừa như một thị trường, trong khi để cho Pháp được tự do chiếm đoạt nhiều quận huyện ngoại biên hơn.

          Họ đã làm y như thế.  Rosebry đã ví tiến trình này với việc bóc từ chiếc hoa bách hợp (artichoke) lớp cánh bên ngoài trong khi tâm nhụy của hoa vẫn còn nằm ngoài giới hạn.  Tại quy ước năm 1904 dải đất tách biệt rộng 25 cây số bên bờ phía tây của sông Cửu Long được đổi lấy việc chuyển giao cho nước Lào thuộc Pháp hai huyện bên bờ phía tây, một huyện là một dải đất dài đối diện với thị trấn Luang Prabang và huyện kia ở Bassac, vùng nước khoáng giải trí được dự phóng bởi Garnier, cùng với nhiều đất đai hơn quanh vùng Thác Khon.  Việc này được tiếp nối trong năm 1907 bởi một hiệp định Pháp-Thái theo đó Pháp sau cùng đã hoàn trả lại cho Vọng Các một địa điểm tại vùng đông nam Thái Lan được gọi là Kratt, hay Trat (trước đó đã được đổi cho Chantaburi).  Ngược lại, Thái Lan sau hết từ bỏ sự nắm giữ giờ đây chỉ còn yếu ớt trên những tỉnh Căm Bốt “bị cắt chia” là Siem Reap và Battambang.  Bốn mươi mốt năm sau khi Ủy Hội Thăm Dò Sông Cửu Long đã xác định khu đền đài Angkor như là một địa điểm xứng đáng cho sự bảo hộ của Pháp, nó đã nhận được đúng điều đó khi chúng được giao về cho sự cai trị của Căm Bốt.  Một cách tương hợp, nhà học giả, người bảo quản, và nhà sưu tầm vĩ đại nhất về Angkor đương thời là Louis Delaporte, kẻ đã từng là họa sĩ của Ủy Hội và có các hình vẽ về chuyến du hành của Ủy Hội được in và sao chụp trái phép trong vô số các tác phẩm, vẫn còn là một di sản gợi nhớ nhiều nhất – cùng với tất cả các biên giới lạc loài kia trong vùng Đông Nam Á./- 


___


CHÚ THÍCH:

1.  Báo cáo của Garnier (1873) là báo cáo chính thức về cuộc thám hiểm và bao gồm một quyển dành riêng cho các bản đồ cùng với một số hình ảnh được vẽ bởi Louis Delaporte.  Tập sách của Garnier (1885) là bản kể chuyện được ấn hành sau khi chết (bao gồm các tài liệu bổ túc của Delaporte); phần lớn tập này đã được đăng tải thành nhiều kỳ liên tiếp trong tạp chí Le Tour du Monde.  Quyển của De Carné (1872) là bản tường thuật duy nhất khác có được.
2.  Thí dụ, Severin, Timothy, The Oriental AdventureLondon, 1976.
3.  Một ngoại lệ đáng kể là tác phẩm của Osborne (2000).
4.  Garnier (1885); bản dịch, Bangkok 1996, quyển 2, trang 20.
5.  Cùng sách dẫn trên, quyển 1, trang 51.
6.  Được trích dẫn trong Gomane (1994).
7.  De Carné (1873); bản dịch, Bangkok 1995, trang 99.
8.  Cùng sách dẫn trên, trang 83.
9.  Garnier (1885); bản dịch, Bangkok 1996, quyển 1, các trang 305, 313.
10.   Dupuis đã gặp Ủy Hội đang trên đường trở về tại Hán Khẩu (Hankow) trên sông Dương Tử và đã nhận được các tin tức về Sông Hồng từ Tiến Sĩ Joubert, chuyên viên địa chất của Ủy Hội.
11.   Về cuộc tiến quân đầu tiên vào Bắc Việt, xin xem đặc biệt tác phẩm của Taboulet (1956).
12.   Về Pavie, xem các tác phẩm nhiều bộ của chính ông ta, đặc biệt quyển Mission Pavie (1901) và À La Conquête des Coeurs (1947).
13.   Một sự mô tả thú vị về việc di chuyển trên đoạn đường xe lửa ngắn này được tìm thấy trong tác phẩm của Bassenne (1912, 1995).
14.   Cuộc đụng độ ở Paknam được quan sát cặn kẽ và được mô tả bởi Warington Smyth (1898).
15.   Tác phẩm của Tuck (1995) chứa đựng một sự trình bày tuyệt hảo về các cuộc thương thảo giữa Anh-Pháp-Thái Lan và vụ Mong Sing.  Phần còn lại của bài viết này dựa khá nhiều vào tác phẩm đó.


SÁCH THAM KHẢO

Bassenne, Marthe (1912) Au Laos et au Siam (Paris); bản dịch, In Laos and Siam (Bangkok, 1995)
Clifford, Hugh (1904) Further India: The Story of Exploration from the Earliest Times in BurmaMalayaSiam and Indo-China (London).
De Carné, Louis (1872) Voyage en Indo-Chine et dans l’Empire Chinois (Paris); bản dịch, Travels in Indo-China and the Chinese Empire (Bangkok, 1995).
Garnier, Francis et al (1873) Voyage d’Exploration en Indo-Chine effectué pendant les années 1866, 1867 et 1868, 4 vols. (Paris).
Garnier, Francis (1885) Voyage d’Exploration en Indo-Chine (Paris); bản dịch, trong 2 quyển (Bangkok, 1996).
Gomane, Jean-Pierre (1994) L’Exploration de Mékong: La Mission Ernest Doudart de Lagrée – Francis Garnier (Paris).
Hall, D.G.E. (1981) A History of South East Asia (London).
Keay, John (2005) Mad About the Mekong: Exploration and Empire in South East Asia (London).
Osborne, Milton (1975) River Road to China: The Search for the Source of the Mekong, 1866-73 (London).
Osborne, Milton (2000) The Mekong: Turbulent Past, Uncertain Future (New York).
Pavie, Auguste (1901) Mission Pavie en Indo-Chine, 6 vols. (Paris).
Pavie, Auguste (1947) À La Conquête des Coeurs (Paris).
Taboulet, Georges (1956) La Geste Francaise en Indo-Chine (Paris).
Tuck, Patrick (1995) The French Wolf and the Siamese Lamb: The French Threat to Siamese Independence (Bangkok).
Warington Smyth (1898) Five Years in Siam (London).

-----


NguồnJohn Keay, The Mekong Exploration Commission, 1866-68: Anglo-French Rivalry in South East AsiaAsian Affairs, vol. XXXVI, no. III, November 2005, các trang 289-312. 



PHỤ CHÚ CỦA NGÔ BẮC:

(a) Bang quốc Shan (Shan State):

Thủ đô:           Taunggyi
Vùng:              Đông trung bộl
Diện tích:   155,800 km²
Dân số:           4,702,000 (1999)

Các sắc dân:Shan, Bamar, Chinese, Anglo-Burmese, Kachin, Danu, Intha, Palaung, Pa-O, Indians

Tôn giáo:     Buddhism, Christianity, Islam, Hinduism
Bản Đồ Bang Shan thuộc nước Miến Điện
Bang quốc Shan giáp với Trung Hoa ở phía bắc, với Lào ở phía đông và với Thái ở phía nam.  Nó cũng giáp ranh với 5 phân khu hành chánh của Miến Điện.  Phần lớn địa thế bang quốc Shan là một cao nguyên với đồi thấp, và các ngọn núi cao hơn ở phía bắc và phía nam.
Bang quốc Shan, hiện nay là một trong bảy bang nằm trong nước Miến Điện, được gọi theo tên của sắc dân Shan là nhóm chủng tộc đa số tại bang quốc này.  Dân Shan (còn gọi là Tai trong Anh ngữ) có ngôn ngữ và phong tục giống như các sắc dân Thái và Lào, phần lớn theo đạo Phật tập trung tại các vùng đồng bằngvà sống bằng nông nghiệp.  Tại bang Shan cũng có các sắc dân khác như nguời Bamar. Karens, Trung Hoa v.v…  Các vùng đồi núi được cư ngụ bởi nhiều sắc dân khác nữa, đặc biệt là sắc dân Wa tại vùng phía bắc và dọc biên giới với Trung Hoa.
Người Shan cai trị phần lớn lãnh thổ Miến Điện từ thế kỷ thứ 13 đến đến kỷ thứ 16, như là các triều đại cầm quyền tại các vương quốc Ava, Sagaing và Pinya.  Đến thế kỷ thứ 19, sau nhiều thế kỷ suy tàn, bang quốc Shan bị chia cắt thành 30 lãnh địa nhỏ bé, phần lớn phải triều cống nhà vua Bamar.  Dưới chế độ thực dân Anh, được thiết lập đầu tiên vào năm 1887, các lãnh địa thuộc bang quốc Shan được cai trị bởi các bang trưởng thế tập, truyền từ đời này sang đời khác (Saophas hay Chaofa) được phong kiến bởi Hoàng Gia Anh.
Bang quốc Shan gồm những lãnh địa bị xem là một phần của Khu Tam Giác Vàng, nổi tiếng trên thế giới về việc sản xuất nha phiến bất hợp pháp.  Việc mua bán thuốc phiện được kiểm soát bởi các sứ quân địa phương, nuôi dưỡng các đội quân riêng lên tới hàng ngàn lính.

Cảnh thôn quê Bắc Thái (Nguồn:wikimedia.org)


Một làng miền Bắc bang San (Nguồn:wikimedia.org)

(b) Ava là thủ đô của Miến Điện từ năm 1364 đến 1841, ngày nay thuộc phân khu hành chánh Mandalay, Miến Điện.

(c) Quân Cờ Đỏ và Cờ Sọc tại Thái và Lào hay các cuộc chiến tranh với Kỳ Quân sắc dân Haw:

Các cuộc chiến tranh với sắc dân Haw, như được phiên âm trong tiếng Thái, để chỉ các cuộc đánh nhau với các lực lượng bán quân sự Trung Hoa xâm lấn vào Bắc Việt và Thái Lan trong thời khoảng từ 1865 đến 1890.

Trong hậu bán thế kỷ thứ 19, các nhóm quân Trung Hoa được biết là các đội Kỳ (cờ) quân, thuộc các bộ lạc mà người Thái gọi là dân Haw, vùng nam tỉnh Vân Nam, đã tàn phá các khu vực rộng lớn miền bắc Lào.   

Các đội quân Cờ Đen và Cờ Vàng xâm nhập Bắc Kỳ trước tiên từ năm 1865 và thiết lập nhiều căn cứ ở vùng đồng bằng sông Hồng.  Các nhóm Kỳ quân này là dư đảng của phong trào Thái Bình Thiên Quốc ở Trung Hoa.

Trong hơn hai mươi năm kế đó, quân Cờ Đen và thủ lĩnh của nó, Lưu Vĩnh Phúc đã được hợp thức hóa và nổi tiếng trong việc phục vụ cả triều đình Việt Nam lẫn nhà Thanh, Trung Hoa, trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Pháp tại Bắc Việt.  Trái lại quân Cờ Vàng dưới sự chỉ huy của Hoàng Sùng Anh lại không nhận được bất kỳ sự hợp thức hóa nào, và bị truy lùng bởi liên quân Việt-Hoa và quân Cờ Đen.  Trong năm 1875-76, sau khi Hoàng Sùng Anh bị bắt giữ và hành quyết bởi liên quân Việt Hoa, dư đảng quân Cờ Vàng chạy sang phía tây, vùng thượng lưu của đồng bằng sông Đà, từ đó quấy phá các thị trấn của liên bang nói tiếng Tầy (ngày nay là một phần của khu tây bắc Việt Nam) và vùng đông bắc lào.

Xa hơn về phía tây, khởi đầu vào khoảng năm 1872, các nhóm nổi dậy bị nhà Thanh đánh bại tại Vân nam cũng bắt đầu trôi giạt qua biên giới vào đất lào, khi đó là một nước lệ thuộc Thái Lan.  Nổi bật trong các nhóm này là quân Cờ Đỏ và quân Cờ Sọc (Striped Flags), di chuyển xuống phía nam để chiếm đóng gần như toàn thể miền bắc nước Lào.  Quân Cờ Đỏ lục soát Điện Biên Phủ trong năm 1873, và quân Cờ Sọc kiểm soát khu Phuan và cánh Đồng Chum trong cùng năm đó.

Để đối phó với sự thách thức nghiêm trọng này, trong năm 1874, Chao Unkham, ông hoàng trị vì tại Luang Prabang và vua Tự Đức của Việt Nam đã phái liên quân đi đánh dẹp các đội kỳ quân xâm nhập.  Thế nhưng liên quân bị đánh duổi, và Chao Ung, ông hoàng xứ Phuan bị giết chết.  Quân chiến thắng bộ tộc Haw tiến xuống phía nam, lục soát Vạn Tượng, trong khi ông hoàng Chao Unkham của Luang Prabang lại yêu cầu khẩn cấp sự trợ giúp từ quốc vương Thái Lan, vua Chulalongkorn (Rama V).

Trong mùa xuân 1875, lực lượng Xiêm La vượt qua sông Cửu Long tai Nong Khai.  Đoàn viễn chinh thứ nhất này của Thái đã chiếm được căn cứ chính của quân Haw tại ChiangKham.  Cuộc viễn chinh đã không đạt được mục tiêu chính yếu của nó, bởi quân Haw né tránh không giao tranh và rút về vùng núi đồi thuộc Phuan và Huaphan.  Khi quân Xiêm rút về vào cuối năm đó, quân Haw lại xuất hiện và ít nhiều tự do cướp phá.

Tám năm sau đó, năm 1883, đối diện với sự đe dọa mới của quân Haw vào Luang Prabang, ông hoàng Chao Unkham lần nừa cấu cứu Vọng Các.  Cuộc viễn chinh lần thứ nhì của quân Thái trong các năm 1884-85 cuối cùng vẫn không thành công.

Quân Haw tiếp tục cướp phá cho mãi đến giữa thập niên 1890, một sự liên kết áp lực của Thái Lan và Pháp mới buộc chúng phải triệt thoái về Trung Hoa./-

-----

Ngô Bắc dịch và chú giải
                                                                                                                                                               

                                                                                                                                              
© 2007 gio-o

                       























0 Comments:

Post a Comment



Bài đăng Mới hơn Bài đăng Cũ hơn Trang chủ


Khảo Sử trên Facebook