Claude Jacques
École Pratique des Hautes Études, Sciences Historiques et Philologiques, Sorbonne, Paris


Ngô Bắc dịch

       Cho đến các năm gần đây, các học giả không bị thu hút nhiều mấy đến việc nghiên cứu cụ thể các hoạt động kinh tế cổ xưa tại Căm Bốt, hay ít nhất chỉ có ít bài nghiên cứu dành một cách đặc biệt đến đề tài này đã được ấn hành.  Các lý do cho sự kiện này được nêu ra: tài liệu gốc sẽ phải được ấn hành trước tiên, một khuôn khổ lịch sử được thiết lập, v.v…  Dĩ nhiên, đây không phải là các lý do không đúng, nhưng điều phải nói thêm rằng công việc nghiên cứu này rõ ràng sẽ rất khó khăn bởi các nguồn tài liệu, khi nhìn toàn bộ, đặc biệt xem ra khó để giải thích.
       Tuy nhiên, trong quá khứ nhiều tác giả khác nhau đã đưa ra các ý kiến của họ về nền kinh tế cổ thời, nhưng dề dàng để phơi bày rằng các ý kiến này thường không mấy thực tế, bởi chúng dựa nhiều, và không rõ là liệu tôi có đánh liều để nói, trên các ý tưởng đã được nhận thức tổng quát về nền văn minh này, chứ không phải trên các sự kiện.  Thí dụ, một ý tưởng hiện thời cho rằng xã hội Khmer, vốn đã có khả năng dựng lên Angkors và tất cả các điều kỳ diệu của nó, tự căn bản khác biệt với xã hội Căm Bốt hiện đại, và rõ ràng rằng xã hội Khmer cổ xưa được giải thích một cách thích hợp xuyên qua xã hội Ai Cập cổ thời hơn là xã hội Khmer tương đối nổi tiếng vào lúc cuối thế kỷ thứ XIX.  Niềm tin vững chắc của tác giả hiện nay rằng một định đề như thế phải bị cự tuyệt, và không hề phủ nhận một sự tiến hóa hoàn toàn bình thường, cơ cấu của xã hội Khmer vào lúc bắt đầu có sự bảo hộ của Pháp đã đi theo một cách tự nhiên xã hội thời Angkor.  Trong bất kỳ trường hợp nào, không có điều gì xem ra đã cản trở một cách nghiêm trọng ý kiến này và nó cung cấp một giả thuyết tốt hơn để khởi sự một sự phân tích.
       Nghiên cứu về các hoạt động kinh tế của xã hội này phải bao gồm nhiều thành tố mà tôi có thể không có khả năng thẩm định một cách thích hợp.  Như một chuyên viên về bia ký, tôi sẽ cố gắng dừng lại tại khu vực mà tôi quen thuộc nhất, mà không mặc thị rằng tôi xem nó là nguồn tài liệu quan trọng nhất.
       Các vùng đất Khmer và Chàm sẽ được thảo luận một cách riêng biệt.  Tôi đã muốn nói đến cả hai vùng trong nhan đề bởi tôi nghĩ xứ Chàm kém may mắn đã bị lãng quên trong nhiều năm.  Nhưng thực sự rằng tôi hiểu biết bia ký Khmer rõ hơn nhiều và rằng trong bất kỳ trường hợp nào, bia ký Chàm, khác biệt với của Khmer, cung cấp còn ít hơn nữa tin tức về các hoạt động kinh tế.  Hậu quả, tôi sẽ đề cập rất ngắn trên chủ đề kể sau này.
       Trước khi bắt đầu nghiên cứu các văn bia này, điều quan trọng là cần khảo sát về bản chất của bia ký Khmer và vì thế những gì có thể được ước định một cách hợp lý từ đó.  Vài năm trước đây, tôi đã có cơ hội trình bày chi tiết về loại đáng mong ước nhất của việc nghiên cứu có thể thực hiện được về lịch sử của vùng đất Khmer cổ thời. 2 Váo lúc đó, tôi đã khảo sát nội dung tổng quát của các văn bia và tôi xin phép để nhắc lại các kết luận giờ đây.
       Theo ý kiến của tôi, đa số áp đảo của các bia ký thi ca bằng tiếng Sanskrit tại lãnh địa cổ thời Khmer là các lời cầu nguyện lên các vị thần linh có nguồn gốc Ấn Độ, điều giải thích cho sự sử dụng ngôn ngữ này.  Chúng đã được ghi khắc trên đá để nhắn nhở đến các vị thần của một nhà vua hay một thường dân là kẻ đã tạo lập ra các cơ sở hay tặng dữ tôn giáo, có lẽ sau khi có sự từ trần của người đó.  Về mặt thực tế các dữ liệu cụ thể được nêu ra trong các bài thơ đó tương đối ít ỏi.  Dĩ nhiên, chúng có nêu tên vị thần của ngôi đền và thông thường cả niên đại cúng hiến cho vị thần đó.  Ngoài danh tính của các vị vua, đôi khi với niên đại lên ngôi của họ và danh tính của tổ tiên của họ là nhừng người dành cho các nhà vua một số quyền hạn để lên ngôi, chúng ta có thể tìm thấy danh tính các ân nhân thường dân với các chức vị của họ, đôi khi sinh quán của họ cùng danh tính tổ tiên họ.  Hiếm thấy hơn, là danh sách tất cả các điều đạo hạnh mà ân nhân được gán đã làm.  Hơn nữa, dường như đàng sau thể thơ kavya [tiếng Sanskrit trong nguyên bản, để chỉ thể thơ tiếng Sanskrit được dùng bởi các thi sĩ trong triều đình Ấn Độ thịnh hành trong nưa thế kỷ đầu tiên của thế kỷ thứ bẩy sau Công Nguyên.  Thể thơ này được tiêu biểu bởi sự sử dụng tràn đầy các hình ảnh của ngôn từ, các phép ẩn dụ, so sánh, khoa trương để tạo ra các hiệu ứng về cảm xúc, chú của người dịch] của các bài thơ này, nhiều sự ám chỉ đến các biến cố đương thời được ẩn chứa.  Tuy thế, trong một vài trường hợp, các biến cố này có thể được giải trình.  Điều đó có nghĩa, trong tổng thể, các bài thơ này mang lại các dữ liệu quý giá, bởi chúng ta không thể có chúng từ nguồn nào khác, mặc dù hiếm hoi.  Đặc biệt về các hoạt động kinh tế, có ít cơ hội để tìm thấy các dữ liệu hữu ích, song trong trường hợp một ít bài văn bia bằng tiếng Sanskrit, đặc biệt các bia lớn về Yasovarman I và Jayavarman VII, người ta có thể thu thập được các tin tức về kinh tế.
       Khi được viết bằng tiếng Khmer, các bài văn bia được làm theo thể văn xuôi, và thường phong phú hơn, bởi chúng quan tâm chính yếu đến các tài sản hay các kẻ phục dịch của các ngôi đền.  Trước khi cố gắng rút ra các kết luận tổng quan về xứ sở của các văn bản này, tuy thế, cần tìm hiểu tại sao các văn bia đã được khắc và cần nghiên cứu chúng một cách cẩn thận hầu có thể tút ra từ chúng khối lượng dữ liệu lớn nhất .
       Sự kiện thiết yếu không bao giờ được quên là rằng không hề có ngoại lệ, tất cả các bia ký này đều được dựng tại các ngôi đền hay các khu vực linh thiêng, hàm ý rằng chúng có liên can trực tiếp hoặc với các vị thần (nếu chúng được viết bằng tiếng Sanskrit) hay với sự quản trị các tài sản của các vị thần (nếu viết bằng tiếng Khmer); và điều đó được xác nhận một cách chính xác qua việc đọc các bản văn này.  Vì thế, bất kỳ sự kiện nào liên quan đến sự quản trị hay tài sản thế tục phải được xem là phụ đới (incidental), và bất kỳ sự tổng quát hóa nào đặt trên các tình huống được ám chỉ trong các văn bia này chỉ được đưa ra một cách hết sức thận trọng.
       Từ phân vụ đóng giữ trong sinh hoạt đền chùa bởi một số nhân vật cao cấp nào đó – hậu quả được xem như các công chức dân sự cao nhất – một nỗ lực thường đã được thực hiện để đề cập đến chức vụ thực sự của họ trong sinh hoạt dân sự. 3 Thí dụ, danh xưng rajakulamahamantri được tìm thấy trong một số văn bia thuộc về thời trị vì của các vua Rajendravarmen và Jayavarman V; tác giả G. Coedès đã phiên dịch tước vị này là “vị đại thần cố vấn của hoàng gia” và vì thế đã giả định răng nhân vật này “đã đóng một vai trò của một phụ chính hay thủ tướng”. 4 Trong thực tế, tước vị này phải được cắt thành hai phần: rajakula “một thân sinh của một nhà vua” [túc thái thượng hoàng] và mahamantri, “đại cố vấn”.  Không có điều gì khác có thể được rút ra từ các văn bia, chỉ biết rằng ông ta có thể thuộc vào chính quyền trung ương, khi ông được trình bày là có hoạt động tại bất kỳ phần đất nào của đế quốc. 5
       Chúng ta chỉ có thể giả định răng chính quyền nhà nước trong thời cổ xưa không khác biệt một cách lớn lao với chính quyền nhà nước thời thế kỷ thứ XIX.  Trong thực tế, không thể nào ghép lại với nhau một hội đồng cố vấn của nhà vua từ tất cả các bia ký được hay biết.  Chúng ta biết rất ít về các chức vụ thực sự của các nhân vật cao cấp của vương quốc, và bị buộc rơi vào sự mù tịt về cách thức làm sao mà một tỉnh hay một thi trấn được cai trị.
       Liên quan đến sự tổ chức xã hội Khmer cổ thời, một lần nữa lại có sự ngu dốt thực sự.  Chúng ta biết rằng không có giới quý tộc thế tập; song thật dễ dàng để ghi nhận từ số lượng lớn lao các ngôi đền dành cho tổ tiên (nhưng không nhất thiết của các kẻ là các nhân vật cao cấp) rằng phả hệ tự nó có một tầm quan trọng.  Các danh sách dài mang tên cá nhân của cáckhnum (các nô lệ) trong một số bia ký, cùng với sự hiện diện của quá nhiều các ngôi đền, dẫn dụ người ta đến việc mô tả xã hội này theo chế độ “thần quyền: theocratic”, dựa trên một số lượng đáng kể thuộc giới nô lệ.  Dù thế, tôi đã vạch ra ở một nơi khác 6 rằng có lẽ các người đó là các kẻ nô lệ của các vị thần, chứ không phải của con người (cũng có một tình trạng nô lệ được chứng minh đầy đủ, nhưng trong trường hợp này, các tên họ cá nhân không bao giờ được gồm vào).  Lý thuyết này liên quan đến “các nô lệ thần thánh: god slaves” – điều có thể không được đồng ý – khi tôi nhận thức rằng mình không đủ khả năng để giải đáp mọi vấn đề được nêu ra bởi các dữ liệu của văn bia – có vẻ quan trọng bởi nó hàm chứa một quan điểm tổng quát về xã hội Khmer cổ thời hoàn toàn khác biệt với cái nhìn thông thường.  Nếu người ta phỏng định, như tôi đang làm, rằng “các kẻ nô lệ” được đề cập đến theo tên trên các bia đá chỉ là các người dân làng đạo hạnh được vinh danh bởi các sự trưng dẫn này được đặt trước vị thần linh, các ngôi đền cổ thời có thể dễ dàng được tưởng tượng tương tự như các ngôi chùa Phật Giáo Khmer hiện đại, nơi trước đây không lâu, các dân làng đã đến làm việc hết lòng nếu có nhu cầu phát sinh.
       Điều không được phép quên mất rằng mật độ của các ngôi đền cổ xưa, rất cao tại một số miền như Angkor, lại ít hơn nhiều ở những nơi khác.  Điều này không nhất thiết có nghĩa rằng các khu vực kể sau không có dân chúng cư ngụ.  Chúng có thể được cư trú bởi các người dân nghèo khó hơn, các kẻ đã không thể xây dựng các ngôi đền với vật liệu bền bỉ.  Các đền thờ sơ sài hơn của các người dân làng này có thể đã biến mất khỏi các miền này giống như chúng có thể biến mất khỏi các miền nơi mà các đền bằng đá hãy còn được nhìn thấy.  Điều này nhắc nhở chúng ta rằng cái nhìn của chúng ta về xã hội Khmer cổ thời hạn hẹp biết bao, đặc biệt bởi nhiều ngôi đền chẳng hề có bia ký nào cả.
       Trong một quyển sách gần đây, 7 Giáo Sư O. W. Wolters đã khai triển một lý thuyết rất đáng lưu ý về cơ cấu chính trị tại Đông Nam Á cổ thời.  Ông nhìn vùng này như “một tấm ảnh chắp vá bởi các mạn-đà-la (mandalas) thường hay phủ trùm lên nhau hay “các vòng tròn của các vị vua”.  “Trong thực tế”, ông nói thêm, “mạn-đà-la (một từ ngữ trong tiếng Sanskrit được dùng trong các cẩm nang điều hành chính quyền của Ấn Độ) tượng trưng cho một tình trạng chính trị đặc biệt và thường không ổn định tại một khu vực địa lý được xác định một cách mơ hồ không có các ranh giới cố định và và là nơi mà các trung tâm nhỏ hơn có khuynh hướng mong đợi mọi chỉ thị cho nền an ninh.” Điều hiển nhiên rằng lãnh địa Khmer thời tiền Angkor cho thấy chỉ là một cơ câu bị phân hóa biết bao, bao gồm một số các vương quốc nhỏ.  Từ Jayavarman II cho đến Rajendrasvarman, tất cả các vị vua Khmer đã cố gắng với ít nhiều sự thành công  để dần dần hợp nhất các mạn-đà-la đó dưới sự cai trị của họ -- có thể có nghĩa rằng họ chỉ khiến các tiểu vương quốc phải triều cống.  Rajendravarman, kẻ trước tiên chỉ làm vua của mạn-đà-la Bhavapura, có vẻ đã thực hiện các sự cải cách lớn lao trong hành chính, biến đổi các vương quốc cổ thời thành các visayas, [tức] “các tỉnh, địa phương” với một sự tập trung hóa các công việc tại Angkor.  Trong thực tế, không phải ông ta hay bất kỳ kẻ kế ngôi nào của ông đã có khả năng thực hiện sự tập trung hóa các công việc mà ông mơ ước.  Từ các bia ký, điều xuất hiện đủ rõ ràng rằng các cuộc nổi loạn địa phương hiếm khi vắng bóng trong thời kỳ Angkor, và Các Niên Sử Hoàng Gia: Royal Chronicles, chưa nói đến một số báo cáo thời nay, thuật lại về quá nhiều cuộc nổi loạn chống lại quyền lực trung ương.  Tôi tin chắc rằng mình đã đi quá xa khi nói rằng chúng đã là căn bệnh địa phương tại lãnh địa Khmer ngay từ lúc khởi đầu của lịch sử.
       Điều quan trọng để điều tra các nguồn tài liệu về kinh tế là phải ghi nhớ trong đầu khung cảnh chính trị và xã hội, và mục tiêu của các bia ký.  Khởi sự, có thể xem là khá ngạc nhiên rằng không có sự ám chỉ nào đã được thực hiện về tầm hệ trọng kinh tế, điều dường như là cốt yếu đối với quá nhiều sử gia, của các hồ nước nhân tạo khổng lồ hay các barays tại Angkor hay các nơi khác.  Hơn nữa, không có sự ám chỉ nào cả đến hồ lớn nhất trong chúng, được đào ở phía tây kinh đô.  Chắc chắc điều này không thôi không thể mang ý nghĩa rằng các hồ đó đã không đóng vai trò nào trong việc trữ hay dẫn nước.  Tuy nhiên, điều đáng lưu ý để ghi nhận rằng sau quá nhiều trang sách được dành cho việc đề cao phần thực dụng được đóng giữ bởi các hồ nước nhân tạo và các kinh đào, một nhà nông học, ông J. Van Liere, sau cùng đã đi đến việc giải thích rằng, theo ý kiến của ông, đã có ở Angkor hai hệ thống thủy lợi vĩ đại, mà không có sự nối kết giữa chúng: “một ở mức độ người nông dân phàm tục, sản xuất và một ở mức độ của thượng tầng cơ cấu của chế độ thần quyền”. 8 Hiển nhiên ý kiến đầy thẩm quyền này – ít nhất về ngành nông học và tầm quan trọng của nước,  bởi vì về tôn giáo, ông chỉ nhắc lại những gì đã được viết ra bởi các người khác – dẫn chúng ta đến việc tái duyệt xét sự thẩm định trước đây của chúng ta về vấn đề này.  Nó cũng có thể thúc đẩy chúng ta cần thận trọng về các đề tài về dữ liệu vốn không được kiểm soát một cách thích hợp bởi vài lý do này hay kia.
       Mọi người đều đồng ý rằng nền kinh tế Angkor chỉ dựa trên nông nghiệp, nhưng như thế đất đai thuộc về ai?  Dĩ nhiên, chúng ta hay biết rằng nhà vua có thể là “sở hữu chủ tối thượng” của họ vào lúc đó giống như nhà vua gần đây tại Căm Bốt và tại Thái lan.  Các bia ký thường tường thuật rằng một sự thụ đắc đất đai được cho phép bởi một chỉ dụ của hoàng triều.  Nhưng một câu hỏi phát sinh: mọi sự thụ đắc đất đai đều phải được cho phép bởi nhà vua hay sao, hay một chỉ dụ của hoàng triều chỉ cần thiết cho một số dịp long trọng, đặc biệt khi các đền thờ có đất đai thụ đắc ở vài tầm mức quan trọng? Trong các dịp hiếm hoi, các bia ký còn thuật lại cả một buổi lễ trong đó các cánh đồng đã được phân định với chi tiết. 9 Tuy nhiên, theo ý kiến của tôi, lý do cho loại nghi lễ này là vì trên lý thuyết đất đai được thụ đắc bởi vị thần linh một cách vĩnh cửu; và các sự trao đổi đất đai thông thường giữa con người không nhất thiết phải dính líu đến sự nghiêm trang đến thế.  Tương tự, các lời nguyền nghiêm trọng trên bất kỳ kẻ nào có thể phá hủy hay ăn trộm bất kỳ vật gì trong đền thường được tìm thấy ở cuối các bia ký chính bởi vì chúng là tài sản của các thần linh.
       Các bia ký chứng thực sự hiện hữu của các điền chủ, như chúng cho thấy họ mua bán các đồng lúa hay vườn cây ăn trái.  Nhưng điều cần thiết để nhìn lãnh thổ Khmer như bị phân chia giữa các sở hữu chủ các điền sản khổng lồ, trong đó chắc chắn có các đền thờ, và vì thế kết luận rằng khó có bất kỳ các tiểu điền chủ nào hay chăng? Đây là ý kiến được tin theo một cách rộng rãi.  Một lý do cho sự phổ biến của nó là rằng các nhà nghiên cứu đầu tiên bị ấn tượng bởi các danh sách dài của “các kẻ nô lệ” được khắc trên tường của một số đền; mọi việc hiển nhiên sẽ khác biệt, nếu các danh sách này được giải thích theo cách mà tôi đề nghị.  Quan điểm nghiêng về các đại điền chủ cũng tìm được sự khích lệ trong các bia ký chẳng hạn như bia ký của ngôi đền Prah Khan của Angkor.  Điều được nói trong đó rằng cộng chung các ngôi đền hoàng triều đã hỗ trợ cho 306,372 người, được phân chia thành 13,500gramas (“các thôn, ấp: hamlets”), 10 (tức có nghĩa trung bình 23 người mỗi grama (ấp), một con số ám chỉ một sự cư trú rải rác y như hiện diện trong các thời cận đại); các thôn ấp đó được “lập bởi nhà vua hay “các sở hữu chủ thôn ấp”, 11 mà không có bất kỳ sự xác định nào khác khiến chúng ta không biết được bao nhiêu “thôn ấp” đã được lập ra hoặc bởi nhà vua hay điền chủ, hay đã có bao nhiều “các sở hữu chủ thôn ấp”.  Nhà vua có thể đã lập ra số thôn ấp tương đối ít, và “các sở hữu chủ thôn ấp” không nhất thiết phải là các địa chủ vô cùng quan trọng.  Chúng ta cũng có thể ghi nhận rằng một sự liên kết như thế giữa nhà vua và các thường dân vào một cơ sở tôn giáo có vẻ như không được chứng thực trước thời Jayavarman VII và có thể là một sự canh cải của nhà vua đó.  Vì thế khả tính về một tầng lớp khá lớn các tiểu điền chủ tại các vùng đất Khmer cổ thời chắc chắn không nên bị bác bỏ mà không có sự điều tra hơn nữa.
       Khi các đồng lúa được nói là mua hay bán, thường có một sự chỉ dẫn về diện tích và giá cả.  Nhưng các giá cả này rất khó để thẩm định, bởi không có tiền tệ tại vùng đất Khmer cổ thời; các giá cả được tính bằng thỏi vàng hay bạc, đồ đồng thau hay đồng đỏ (thường là các ống nhổ), quần áo, trâu bò, đôi khi là các nô lệ (tôi muốn nói đúng theo nghĩa nô lệ); ngay cả các sự so sánh cũng không dễ để thực hiện.  Các diện tích đôi khi được ghi lại với các ranh giới hay với các con số nhưng khi đó đơn vị đo lường có thể bị thiếu sót, làm cho các con số trở nên vô dụng.  Đôi khi số lượng thóc giống có thể được gieo trồng tại một diên tích được nêu ra.  Như tôi được biết, không có ai nỗ lực để ước lượng diện tích các đồng lúa được hiến tặng cho các ngôi đền, song điều này có thể mang lại một chỉ dấu tốt về tầm mức các tài sản của đền chùa.  Tôi nghĩ chúng ta có thể phải nhìn nhận rằng kích thước trung bình của các điền sản không lớn rộng như thường được nghĩ.
       Các ngôi đền của dòng tộc có lẽ cấu thành một nhóm khá lớn của các nơi thờ phụng.  Chúng chỉ nổi bật vào lúc bắt đầu thế kỷ thứ XI, bởi vì vào lúc đó có xuất hiện một tập tục quy định rằng các bia ký ghi nhớ đến các nhân vật vĩ đại của dòng tộc phải được khắc ở đó; nhưng các ngôi đền này cũng đã hiện hữu từ lâu trước đó, vì thế các bia ký này cho hay rằng một nền móng của ngôi đền có thể trở lùi vào thời của vua Jayavarman II, hay còn xa hơn nữa.  Một lần nữa trong trường hợp đó, chúng ta không được quên rằng xuyên qua các bia ký chúng ta chỉ hay biết các ngôi đền của các dòng tộc giàu có, có khả năng để xây dựng nơi thờ phụng với các vật liệu bền bỉ; nhưng các đền thờ nhỏ hơn được xây dựng với vật liệu nhẹ chắc chắn cũng có hiện diện, và không may các ngôi đền này đã biến mất không còn dấu vết gì.  Lấy thí dụ ngôi đền nổi tiếng nhất, rất nhiều phần rằng ngôi đền Sdok Kak Thom, có trước ngôi đền được dựng lên vào năm 1053 sau Công Nguyên, nơi mà bia ký nổi tiểng và vị thần trung tâm, Jayendravarmesvara được tìm thấy, đã không mấy chắc chắn hơn nhiều, và đó có thể là lý do tại sao nó đã bị hủy hoại trong cuộc chiến tranh vào lúc bắt đầu thời trị vì của vua Suryavarman I.
       Trong khi các ngồi đền dòng tộc này đã không được nghiên cứu như thế, chúng có thể đã đóng giữ một vai trò quan trọng trong nền kinh tế, trước tiên chỉ bởi chúng chống đỡ một vài sản nghiệp ít nhiều quan trọng xuyên qua các thời đại.  Chúng bao gồm một hay nhiều tháp chứa đựng các vị thần Ấn Độ giáo, như được chỉ bởi các bia ký, và rất nhiều phần cũng bao gồm một vài điều gì chẳng hạn như một nơi thờ phụng tổ tiên.  Các phần này không được nói đến trong các bia ký, nhưng sự hiện hữu của chúng có thể được suy luận với nhiều xác xuất từ các văn bản tương tự hiện đại.  Tài sản gắn liền với các ngôi đền đó rõ ràng đã được quản trị bởi một thành viên của dòng tộc, kẻ giữ danh hiệu mula; anh ta phải là người đứng đầu dòng tộc, nhưng không nhất thiết phải là thành viên nổi tiếng nhất của dòng họ. 12 Tài sản của ngôi đền xem ra có tính chất bất khả nhượng, dĩ nhiên ngoại trừ trường hợp dòng tộc bị tuyệt nòi (và khi đó tài sản của nó được nói là sunya, có nghĩa “bỏ hoang, trống không”); tuy nhiên, hai dòng tộc có thể được liên kết, và chắc chắn còn được đồng quản trị bởi hai người được gọi là kanlah mula13 Thông thường, dòng tộc quyết định liên kết nơi thờ phụng của nó với một ngôi đền “nhà nước” to lớn hơn; trong cách này nhiều ngôi đền dòng tộc được được nối kết với ngôi đền Bhadresvara tại Vat Phu, và “sự liên kết” này nổi bật lên bởi một khoản lợi lộc, thường là gạo, cúng hiến bởi ngôi đền nhỏ hơn cho ngôi đền lớn hơn chắc chắn sẽ phải đền đáp bằng các lợi lộc về tinh thần.
       Nhìn lại một lần nữa bài viết này, tôi sợ rằng người đọc sẽ thất vọng, khi tôi giới hạn các nhận xét của mình vào những gì thực sự đọc được trong các bia ký, và ít có tin tức về các hoạt động kinh tế tổng quát được nêu ra ở đó.  Tôi có thể mô tả một cách chắc chắn các lễ vật bằng thực phẩm được dâng lên các vị thần tại các ngôi đền bởi một vài bia ký ghi lại chi tiết về khoản này; 14 người ta có thể ăn các thực phẩm này sau khi các vị thần đã được nuôi dưỡng về mặt tinh thần bởi thực phẩm đó.  Nhưng ở đây một lần nữa chúng ta đụng chạm đến sự không hoàn hảo của các nguồn tài liệu của chúng ta: thí dụ, chúng ta biết rằng cá và gạo là các thực phẩm Khmer hiện đại.  Không may, các vị thần Ấn Độ đã không ăn cá, và không có điều gì nói về cá được tìm thấy trong các bia ký.  Song, điều có thể giả định rằng trong nhiều năm người Khmer đã ăn cá tươi của địa phương, có lẽ ít quan trọng hơn về mặt kinh tế, nhưng cũng đã tiêu dùng mắm cá ngâm nước muối, ngày nay gọi là prahok [mắm bò hóc?], sản phẩm bên bờ sông của con sông Tonle Sap và nguồn tiếp tế khắp nước vào dịp có các sự di chuyển hàng năm lớn lao của dân chúng không lâu trước đây.
       Các bia ký chắc chắn không phải là các nguồn tài liệu duy nhất về các hoạt động kinh tế tại vùng đất Khmer cổ thời.  Điều đã được nhìn thấy bên trên rằng các cuộc nghiên cứu rất am tường về các vấn đề thủy lợi được thực hiện bởi các học giả thẩm quyền có thể hữu dụng, hay ít nhất giúp vào việc làm sáng tỏ vấn đề.  Các đề tài khác có thể được soi tìm tin tức; thí dụ, tôi không chắc là liệu bất kỳ cuộc nghiên cứu đặc biệt nào về các đường lộ tại Căm Bốt cổ thời đã được thực hiện hay chưa, mặc dù các đường lộ đã được ghi nhận ngay từ bước khởi đầu của sự nghiên cứu về Khmer.  Hơn nữa, có các lý do vững chắc để nghĩ rằng các miền nói chung đều hướng đến sự tự túc, với sự tổ chức theo các mô hình mạn-đà-la; và mặc dù chúng ta hay biết rằng người Khmers đã du hành ít nhất xuyên qua xứ sở của chính họ, không có gì chắc chắn rằng hoạt động mậu dịch liên vùng đã được phát triển cao độ.  Điều này có thể giúp giải thích sự kiện các người Khmer cổ thời đã không cảm thấy có nhu cầu về tiền tệ.
       Bình luận với sự chắn chắn về các hoạt động kinh tế tại các vùng đất Khmer cổ thời là một công việc khá khó khăn.  Tuy nhiên, một vài điểm cá biệt chắc chắn xứng đáng một sự điều tra thấu triệt trong văn bia và các nguồn tài liệu khác.  Ưu tiên phải được dành cho loại công việc nghiên cứu này; luận thuyết hữu dụng có thể diễn ra sau đó.
       Về xứ Chàm, tôi sẽ ghi lại các ý kiến của mình một cách ngắn gọn.  Tình trạng tài liệu văn bia ở đây rất nghèo nàn: nhiều văn bia hay biết, (một cách chính xác, 125 trên 206) vẫn chưa được công bố, và những văn bản đã công bố cũng phải được nghiên cứu lại.  Trong thực tế, bởi thiếu sự nghiên cứu trong lãnh vực này, không có văn bia Chàm nào được công bố từ năm 1928.  Tác giả hiện nay đã bắt đầu nghiên cứu một vài văn bia đã công bố một cách thấu triệt; nhưng công việc chỉ tiến hành một cách chậm chạp và chưa có gì sẵn sàng để ấn hành.  Hơn nữa, ngoài các văn bia được cung cấp ở Paris như các bản in rập, chà (xoa) trên mặt bia, tôi không chắc rằng chính phủ Việt Nam hiện nay nhiều phần tán thành sự nghiên cứu tại chỗ về văn minh Chàm cổ thời. (Giáo Sư Trần Quốc Vượng đã phản đối giả thiết này, và báo cáo rằng các nhà khảo cổ Việt Nam và Ba Lan đang làm việc về sự  phục hồi các di tích ở Mĩ Sơn.  Dĩ nhiên, tôi rất hài lòng khi nghe tin tức này).
       Trước tiên, trong khi chúng có một bản chất tôn giáo giống nhau, đã có một sự khác biệt hoàn toàn giữa văn bia Khmer và Chàm, về mặt nội dung cũng như hình thức.  Phần lớn tiếng Sanskrit được viết theo thể văn xuôi, và cả văn xuôi lẫn thơ thường rất có phẩm chất thấp kém.  Về văn xuôi bằng tiếng Chàm, nó xuất hiện tương đối trễ, vào khoảng thế kỷ thứ IX.  Sau đó, nó ngày càng trở nên phổ thông, và sau cùng thay thế cho tiếng Sanskrit hoàn toàn.  Văn xuôi bằng tiếng Sanskrit đôi khi xuất hiện giữa hai đoạn thơ như thể để bình luận về chúng.  Trong các văn bia bằng tiếng Sanskrit, cùng nội dung được tìm thấy y như tại Căm Bốt; hơn nữa các tác giả người Chàm không lo sợ việc thú nhận các sự thất bại của chính xứ sở của họ, để nói lên sự thực trước khi thuật lại sự trả thù của họ: như thế chúng ta nghe thấy các cuộc tấn công của Khmer, mục tiêu tổng quát của chúng có vẻ như để cướp phá hơn là chinh phục.  Khi bằng tiếng Chàm, các văn bia thường có một nội dung tương tự như các văn bia bằng tiếng Sanskrit; song các bảng kê ngắn các đồ vật hay các danh sách đồng lúa cúng hiến cho ngôi đền đôi khi có thể được tìm thấy.  Tuy nhiên, các chi tiết về các sự giao dịch đất đai không bao giờ được nêu ra.  Vì thế, nói chung phải ghi nhận rằng các dữ liệu về kinh tế thì ít ỏi và khó có thể sử dụng được.
       Về mặt chính trị, điều hiện ra từ các văn bia rằng các vùng đất Chàm có lẽ thường bị chia cắt nhiều hơn là không phân ly; một cách đặc biệt, sự phân biệt giữa Chàm (Campa) và Panduranga [vùng Phan Rang ngày nay, chú của người dịch] luôn luôn được đưa ra một cách cẩn thận trong các văn bia; và chúng ta biết rằng xứ Chàm bao gồm nhiều vương quốc,Vijaya là vương quốc quan trọng nhất trong chúng.  Ở đây một lần nữa, và nhiều hơn khi so sánh với các vùng đất Khmer, các mạn-đà-la được trình bày một cách riêng biệt, và thường giao chiến với nhau.  Trong thực tế, giấc mơ của bất kỳ nhà vua nào nhằm khuất phục các bang quốc Chàm khác dưới sự cai trị của mình chỉ được hoàn thành trong các dịp khá đứt quãng.  “Dân tộc Chàm” thường được nói đến như kẻ thù vĩ đại của người Khmer.  Phát biểu trong cung cách này, chắc chắn điều đó không xác thực.  Tốt hơn phải nói rằng một số người Chàm đôi khi đánh nhau với một số người Khmer, và từ quan điểm đó, lịch sử các quan hệ giữa hai xứ sở đó trong các thế kỷ thứ XII-XIII phải được tái duyệt, mặc dù không dễ gì truy tìm.
       Liên quan đến kinh tế, tình trạng chính trị có thể không thuận lợi cho sự tự túc, bởi, không giống như đế quốc Angkor, các bang quốc Chàm xoay mặt ra biển.  Sự kiện này làm liên tưởng đến sự hiện diện của hoạt động mậu dịch quốc tế, mặc dù không dấu vết nào về nó được tìm thấy trong các văn bia.  Về đề tài này, các nguồn tài liệu khác vượt quá phạm vi của bài viết này, chẳng hạn như các niên sử của Trung Hoa và Việt Nam, có thể được tham khảo.
       Khá lạ lùng, sự yếu kém về mặt tài liệu đã không làm nản lòng mọi nhà nghiên cứu: khoảng mười hai năm trước đây, một luận án về kinh tế của xứ Chàm cổ thời đã được đệ trình. 15Cuộc điều tra này được thực hiện một cách rất cẩn trọng từ các nguồn tài liệu văn bia, dân tộc học và địa dư; song nó chưa được ấn hành cho đến nay.  Tôi nhìn thấy ở đây một dấu hiệu khác của sự thiếu vắng mối quan tâm nói chung đến việc nghiên cứu về Chàm./-                 
-----
CHÚ THÍCH
1. Tham khảo, Leonid Sedov, “La socíeté angkorienne et le mode de production asiatique”, trong quyển Sur le mode de production asiatique, Paris, 1974, các trang 327-43.
2. Tham khảo bài viết của tôi tại hội nghị lần thứ VIII của Hội Sử Gia Quốc Tế về Á Châu (International Association of Historians of Asia), Kuala Lumpur, 1980, “About the method in Khmer history” và bài khác của tôi, “Nouvelles orientations pour l’étude de l’histoire du pays Khmer” trong Asie du Sud-Est et Monde Insulindien (ASEMI), XIII, 1982, các trang 39-57.
3. Nhiều thí dụ có thể tìm thấy từ công trình của S. Sahai, Les institutions politique et l’organisation administrative du Cambodge ancient, Paris, EFEO, 1970; song tác giả này thường tổng gộp các quan điểm cách xa nhau.
4. Tham khảo, G. Coedès, Les états hindouisés d’Indochine et d’Indonésie, ấn bản thứ 3, Paris, 1964, trang 217, hay Indianized States … Honolulu, 1967, trang 116.
5. Tham khảo, Bulletin de l’École Franҫaise d’Extrême-Orient (BEFEO), LVII, các trang 58-60.
6. Tham khảo, Actes du Congrès international des Orientalistes, Asie du Sud-Est continentale, Paris, 1976, các trang 71-6, và Early South East Asia, Oxford, 1979, các trang 423 và 426.
7. History, Culture and Region in Southeast Asian Perspectives, Singapore, 1982, đặc biệt Chương II (tôi trích dẫn các trang 16-7).
8. “Traditional water management in the lower Mekong Basin”, trong World Archaeology, Vol. II, số 3, Feb. 1980, các trang 265-80; tôi trích dẫn trang 280.
9. Tham khảo, the Prasat Kok Po inscriptions K 814: BEFEO XXXVII, các trang 399 và 412.
10. Prah Khan stele K 908, st. CLXXVII, totalizing st. LXXIII và CXLI và st. LXXIV and CXLII (tham khảo BEFEO XLI, các trang 255-301).  Có thể lưu ý rằng các người ở đây không bao giờ bị gọi là “các kẻ nô lệ” (slaves) mà là “các kẻ phục vụ các vị thần linh”.
11. Cùng nơi dẫn trên, st. LXXIII và CXLI.
12. Thí dụ, trong văn bia Prasat Ben K969 b(mặt B, 1.38-39), một mula từ vùng Battambang được nói đã rời trách nhiệm riêng này, bởi nhà vua đã chỉ định ông vào một chức vụ quan trọng tại Angkor.  Tham khảo, Inscriptions du Cambodge (IC) VII, các trang 177 và 185.
13. Có nghĩa “half mula: một nửa mula”.  Tham khảo, văn bia Prasat Car K 257 N. 1.26; thành ngữ đây gây bực mình cho G. Coedès: tham khảo, IC IV, các trang 145 và 150.
14. Thí dụ, trong văn bia Prah Khan K 908 (st. XLIV-XLIX và LII-LXVIII), hay văn bia Prasat Ben K 969 (mặt B, 1.39-49; mặt C, 1.1-9).  Xem các chú thích số 10 và 12 trên đây.
15. David D. Sox, Resource-use systems of ancient Champa, luận án đệ trình ban cao học Đại Học University of Hawaii để thỏa mãn một phần của các điều kiện cho cấp bằng Cao Học về địa dư, Tháng Chín, 1972./-
---
NguồnClaude Jacques, Sources on Economic Activities in Khmer and Cham Lands, trong sách biên tập bởi David G. Marr và A. C. Milner, Southeast Asia in the 9th to 14th Centuries,Research School of Pacific Studies, Australian National University và Institute of Southeast Asian Studies, Singapore, 1986, các trang 327-334.


 Ngô Bắc dịch và phụ chú
11/10/2010  
    
© gio-o.com 2010



0 Comments:

Post a Comment



Bài đăng Mới hơn Bài đăng Cũ hơn Trang chủ


Khảo Sử trên Facebook