Pascal Bourdeaux

Ngô Bắc dịch



***

Tóm Lược:

Bài viết này là kết quả của một cuộc nghiên cứu hiện đang tiến hành về sự thành lập một khu định cư tại một tỉnh duyên hải Việt Nam chính yếu, bên bờ Vịnh Xiêm La.  Chuyên khảo này, thảo luận về vấn đề “làng xã” tại châu thổ sông Cửu Long trong thời kỳ thuộc địa, đặt tiêu điểm trên sự thành lập xã Sóc Sơn, được đổi tên là Nam Thái Sơn sau các sự tái xác định tối hậu về các ranh giới hành chính (quận Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang),

Tôi sử dụng, trong số nhiều nguồn tài liệu, các buổi phỏng vấn được thực hiện trong các cuộc khảo sát về một số trong các cư dân đầu tiên định cư bên bờ con kinh Rạch Giá – Hà Tiên (được đào giữa các năm 1926 và 1930), một cách chính xác hơn, tại đoạn nối và dọc theo một trong các con kinh phụ thuộc của nó (Tri Tôn) giữa các năm 1927 và 1942.  Họ đóng góp vào việc giải thích tiến trình thành lập (các dự án dẫn nước tưới tiêu; các cuộc di dân có hoạch định và tự phát; các hoạt động khai quang rừng, hệ thống thủy lợi nông nghiệp) và sự hình thành văn hóa tinh thần và vật chất trong xã (các mạng lưới hỗ tương; văn hóa lúa gạo, sự khai thác các tài nguyên rừng, các hoạt động trên sông; các tín ngưỡng dân gian).

Sau một sự trình bày ngắn gọn về Thủy Lợi như một yếu tố then chốt của sự di dân và của các đặc tính trong tiến trình di dân này – “sự hội tụ đồng thời” của một sự di cư nông dân địa phương (châu thổ sông Cửu Long) với liên vùng (đồng bằng sông Hồng) --, bài nghiên cứu này nêu ra các tính chất của sự phát triển của xã cho đến năm 1945 (sự chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp; sự thích ứng môi trường, kinh tế địa phương).  Nó minh họa cho ý niệm “văn minh sông nước”, thật tiêu biểu cho xã hội châu thổ sông Cửu Long, đã xác định lịch sử của nó và sẽ xác định sự phát triển của nó.  Sau cùng, bài nghiên cứu này minh định khái niệm về văn minh phù sa tại khu đất mới và duyên hải này.

*****



Dẫn  nhập

Le livre Viet-lun [?] prétend que l’eau est l’origine du ciel et de la terre: c’est elle qui les a constitués tous deux; c’est elle aussi qui est à l’origine de tout element: d’elle ont été formés le soeil et la lune, ainsi que les étoiles.
(Aubaret G., Histoire et description de la Basse Cochinchine, Traduction de Gia Định Thành Thông Chí de Trịnh Hoài Đức, Paris, Ịmp Impérial, 1863, trang 116).


     Nước, vốn là một thành tố thiết yếu của thiên nhiên, đi trước sự xuất hiện của mọi loại đời sống sinh vật.  Đây là một chứng cớ cũng có thể áp dụng cho sự xuất hiện của các hoạt động chính của con người trong các lãnh vực xã hội, kinh tế và văn hóa.  Từ sự tương tác giữa thiên nhiên và văn hóa, các địa điểm đầu tiên của đời sống cộng đồng – du canh hay dân định cư – đã xuất hiện.  Các nơi chốn này đã thay đổi và một số trong chúng đã tạo ra các nền văn minh rạng rỡ bảo tồn được sợi dây lien kết đồng nhất với các nguồn nước của nó, đặc biệt là với các con sông, và xác định lý lịch của chúng.  Trong số các dòng sông ở Đông Nam Á, tôi đặt sự quan tâm của mình vào con sông lớn nhất của nó, sông Cửu Long (Mekong), để nghiên cứu về phương cách mà nó đã tạo lập ra tại phần châu thổ của nó, mang tính cách thật thiết yếu tại Việt Nam, 1 một xã hội nông nghiệp năng động và nguyên thủy, như một văn hóa đa diện nhờ ở các sự tiếp xúc và trao đổi thường lệ trong suốt các giai đoạn lich sử, trong thời chiến cũng như thời bình.

     Cách mà chúng ta nghĩ về đồng bằng sông Cứu Long [Mekong delta, tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch], từ một quan điểm cấp miền hay quốc gia, có thể làm thay đổi ý nghĩa văn hóa, lịch sử và địa lý của nó.

     Từ một quan điểm Cấp Miền, đồng bằng Hạ Lưu sông Cửu Long là một ngã tư đường nơi người Xiêm La, Mã Lai, Trung Hoa, Khmer, Chàmvà Việt Nam gặp nhau.  Một số các người này đi xuyên quá khu vực này bằng việc tấp vào bờ biển và lần theo các con sông tiến sâu vào đồng bằng.  Những người khác định cư tạm thời và chắc chắn tại các thôn ấp và các cảng biển nhỏ tọa lạc tại các địa điểm có lợi thế (ngã tư con sông và kinh đào, các nơi được bảo vệ chống lại nạn lụt, nơi có sự thay đổi thủy triều, đất với ít chất nhôm …) hay theo các quyết định chính trị của các hoàng đế Việt Nam, kể từ thế kỷ thứ 17, đã hướng tới sự kiểm soát khu vực (các khu khẩn hoang quân sự [đồn điền, chú của người dịch] hay nhà tù cải tạo, sự quản trị đất đai linh động hơn, đào các con kinh).

     Từ một quan điểm Quốc Gia, vùng này đã trở thành một “Mép Biên” của lãnh địa Căm Bốt và một biên giới đối với dân tộc Việt Nam.  Bất kể một quá khứ vinh quang nhưng huyền bí suốt thời vương quốc Phù Nam, và mặc dù vài tụ điểm người dân Căm Bốt có tọa lạc tại các phần khác nhau trong miền, vùng đồng bằng đã thực sự cất cánh nhờ ở các người Việt Nam Tiên Phong năng động, đã rời bằng cách này hay cách kia các tỉnh thuộc chính Trung Phần Việt Nam (Ngũ Quảng) [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch] từ thế kỷ thứ 17 để khai hoang đất rừng bị tàn phá bởi bệnh tật và ma quỷ, xả nước ra khỏi các đồng lầy, thiết lập thôn ấp, và sau hết kiến tạo một nền kinh tế đa dạng hóa và một xã hội pha tạp tách rời khỏi khuôn mẫu của “truyền thống” Việt Nam.  Như thế họ đã tạo lập ra một văn hóa tiên phong, “một văn minh sông nước’ bằng cách thích nghi với sinh thái và bằng cách quản trị nó, bằng việc tự giải phóng mình khỏi các sự kiềm chế xã hội – chính trị phát sinh từ Khổng học và sự tổ chức Làng Xã, và ngược lại, bằng việc tổng hợp nhiều yếu tố văn hóa ngoại lai khác nhau.  Từ hai quan điểm này, đồng bằng sông Cửu Long, được xem như một môi trường tự nhiên và như một không gian xã hội đã được định nghĩa khác nhau trên thực tế (de facto).

     Để góp phần vào sự tranh luận tổng quát này, tôi sẽ đặt bài trần thuyết của tôi trên một cuộc nghiên cứu chuyên đề nhằm viết lịch sử của một ngôi làng sáng lập (Nam Thái Sơn, tên cũ là Sóc Sơn) tại tỉnh duyên hải Rạch Giá (giờ đây là Kiên Giang) trong thời kỳ thuộc địa Pháp (1920-1945).  Trở lùi lại “các gốc rễ của làng Nam Thái Sơn” mang lại cho chúng ta cơ hội không chỉ để tìm hiểu các quan hệ nhân quả giữa việc thành lập ngôi làng và việc đào kinh Rạch Giá – Hà Tiên vào năm 1930, mà còn để thông hiểu phương thức mà sự phát triển của Nam Thái Sơn đã được nối kết một cách trực tiếp ngày nay với sự quản lý công trên các thủy lợi [phục vụ cho việc] canh tác. 3 Nói cách khác, sự quản trị này tùy thuộc trên hiệu năng của cuộc đấu tranh chống lại nạn lụt tại tứ giác Long Xuyên [Long Xuyên quadrangle, tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch].  Bằng việc nghiên cứu sự thành lập ngôi làng, chúng ta có thể phân tích sâu hơn về phương cách mà các thủy lộ, như trong trường hợp kinh đào Tri Tôn và đoạn nối của nó với kinh đào Rạch Giá – Hà Tiên, là một thành tố cấu trúc cho xã hội địa phương và cũng là một mạch truyền tải (vector) thiết yếu cho sự phát triển. 



Bản Đồ Khu Tứ Giác Long Xuyên

Nguồn: Map of Research Sites (Long Xuyên Quadrangle), The Local Politics of Land and Water, Case Studies from the Mekong Delta, trang 66, của Pierre-Yes Le Meur, with Damien Huaswirth, Timothée Leurent, and Pascal Lienhard, Études et Travaux, série en ligne no 4, Éditions du Gret, www.gret.org, 2005.


     Mối quan tâm thứ nhì của cuộc nghiên cứu này là ngôi làng đã được tạo lập bởi sự định cư các di dân Bắc Việt đến đó vào năm 1942.  Ngoài các sự tường thuật được đưa ra bởi các nông dân miền nam đến từ nhiều phần khác nhau của đồng bằng sông Cửu Long, tôi đã lập chứng các câu chuyện của các gia đình đến từ đồng bằng sông Hồng [tức Red River, tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch].  Nhờ ở các cuộc phỏng vấn này, chúng ta có thể phân tích các khía cạnh nguyên thủy của phong trào di dân, và trên hết, ghi lại chi tiết sự tạo lập hệ thống mương rãnh thủy lợi, sự thích nghi của các di dân này với một xã hội nông nghiệp mới và, ngược lại, sự đóng góp của các di dân này vào văn hóa vật chất và tinh thần của người dân Việt miền nam.

     Tôi sẽ chỉ đặt tiêu hướng vào ba điểm khác nhau: trước tiên, tôi sẽ xem thủy lợi canh tác như một mũi tên truyền tải của sự di dân, sau đó tôi sẽ trình bày kinh Tri Tôn như một điểm gặp gỡ và trao đổi giữa các người tiên phong đến từ các miền khác nhau.  Sau cùng, tôi sẽ trình bày các đường hướng khác nhau dể định nghĩa đồng bằng sông Cửu Long như một không gian thiên nhiên và một không gian xã hội.


Thủy Lợi Canh Tác, Một Lực Truyền Tải Di Dân 4

     Trước tiên, xin nhắc lại các bước tiến liên tiếp và các lý do đã đưa đến việc hoạch định thủy lợi của đồng bằng sông Cửu Long hầu hiểu được làm sao mà việc đào kinh là một lực thúc đẩy đàng sau sự phát triển quân phân đất ruộng, sự bành trướng dân số và sự xác quyết các tính chất xã hội – văn hóa địa phương.

     Trong suốt các thế kỷ thứ 18 và 198, đồng bằng châu thổ phải gánh chịu rất nhiều khó khăn.  Các biến cố giải thích làm sao mà sự phát triển và thành phần đa chủng tộc của miền này đã được định hướng.  Sự cạnh tranh giữa các triều đình Xiêm La và Việt Nam dẫn đến các sự xâm nhập quân sự mới và các cuộc giao tranh trong miền cũng như đã khuấy động các sự bất mãn trong hoàng gia Căm Bốt.  Nhìn thấy sự suy giảm thẩm quyền của mình tại các vùng ven biên này, các chúa Nguyễn đã chấp nhận cùng một lúc sự định cư các nông dân tiên phong và một chính sách liên minh với các cộng đồng người Trung Hoa lưu vong ẩn náu tại Đàng Trong.  Chính vì thế, nhà Nguyễn đã cho phép một người trong họ (Mạc Cửu hay Mo Jiu) đến định cư ở vùng Sâu Mãi Phía Nam (Deep South), để lập thành một hầu quốc (principality) tự trị quanh Hà Tiên, nhằm để kiểm soát, xuyên qua tiền đồn, này công cuộc “tây tiến”. 5 Tình hình nội bộ lại trở nên suy đồi trong suốt cuộc nổi dậy của Tây Sơn cho đến khi Nguyễn Ánh lên ngôi, thiết lập triều đại nhà Nguyễn mới và bảo đảm cho sự ổn định của xứ sở.  Một điều nghịch lý là trong suốt cuộc nội chiến này phần lớn khu vực miền nam đã được kết hợp vào Đế Quốc, về mặt hành chính và biểu trưng. 6

     Từ đó trở đi, triều đình Huế đã theo đuổi một dự án nhiều tham vọng nhằm biến đổi các phần đầm lầy của Gia Định Thành [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch] bằng cách phát triển các thôn ấp thực dân mới và các thành  lũy, 7 bằng việc đào một mạng lưới thủy lợi có mục đích thương mại và trên hết, với các mục đích chiến lược.  Kinh Thoại Hà nối Long Xuyên với Rạch Giá (1818) và kinh Vĩnh Tế nối Châu Đốc với Hà Tiên (1824) cho phép kiểm soát khu tứ giác Long Xuyên, để đồn trú binh sĩ dọc theo biên giới thẳng đường này.  Nhưng nếu các con kinh này chạy cạnh cánh đồng lầy, chúng không thể tháo nước ra, chúng không thể dẫn nước vào, 8 và chúng không thể cho phép một nền nông nghiệp với hệ thống tưới tiêu nước ngoại trừ trên gò cao (giồng), và dọc theo các bờ sông, rạchvàm(arroyos) và các kinh đào mới 9 [các chữ giồng, rạch, vàm, là tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch].

     Xã Sóc Sơn tọa lạc bên trong khu tứ giác, cách xa vịnh Xiêm La 15 cây số.  Vào lúc khởi đầu thế kỷ thứ 19, vài nghìn cư dân đã định cư trong khu vực.  Bởi cây lúa gạo chỉ được trồng trên vùng đất cao, phần lớn các hoạt động đều tùy thuộc vào biển (đánh cá, vận tại cận duyên) và từ việc thu hái các sản phẩm thiên nhiên của rừng.  Trong năm 1821, trong cuộc du hành dài của mình tại đồng bằng sông Cửu Long, Trịnh Hoài Đức đã nhận thấy ngay khi vừa rời khỏi vùng duyên hải khuynh hướng sống lang thang của người dân địa phương. 10 Các cư dân là một hỗn hợp dân Trung Hoa thành lập 7 xã duyên hải. 11Người Căm Bốt sống trên sườn đồi và người Việt Nam định cư sau các cuộc xâm nhập của Xiêm La và khởi sự điều khiển cuộc tiến bước quân sự này.  Nhưng quận Hòn Đất 12 hãy còn là một khu đầm lầy được bao phủ bởi các cây tràm [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch] và các cây lác [cói làm chiếu, chú của người dịch] và ít ngọn đồi (bẩy ngọn núi hay Thất Sơn, các ngọn núi dọc bờ biển nằm giữa Hà Tiên và Hòn Đất).  Tính toan chua (acidity) của đất, các bịnh truyền nhiễm, các tín ngưỡng về ma quỷ, sự thiếu vắng các thủy lộ thiên nhiên, giải thích lý do tại sao vùng này cũng bị ghê sợ nhưĐồng Tháp Mười (Junk Plain) vào cùng lúc đó. 13

     Vào lúc có sự khởi đầu cuộc chinh phục của Pháp, sự khai hoang rừng ít có sự tiến bộ.  Tại Rạch Giá, dân số tăng gấp ba trong 30 năm (từ 35,000 lên 90,000) riêng trong thành phố hải cảng và các làng bao quanh. 14 Trong năm 1921, cuộc thống kê dân số chứng minh một sự gia tăng theo lũy thừa. 15 Sự tăng trưởng này nằm ở phần phía đông của tỉnh bởi có sự tăng cường việc quy hoạch thủy lợi tại các tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng.  Kích động bởi các lý do thương mại, việc đào các con kinh và khai quang đất hoang thúc đẩy sự xuất hiện của hệ thống độc canh bằng cách tuyển mộ các nông dân nghèo (tá điền) [cấy thuê] tại các khu vực trồng lúa rộng lớn. 16

     Tại tổng Kiên Hảo, sự cất cánh đã xảy ra với việc thăm dò cho công tác đào kinh Rạch Giá – Hà Tiên trong năm 1924.  Dự án đã được chấp thuận trong năm 1926 và con kinh (bao gồm 4 kinh thoát nước và 4 ống dẫn nước 17) được khánh thành vào ngày 15 tháng Chín năm 1930.  Lực đẩy cụ thể đã được mang lại và tổng thực sự bắt đầu thu hút các cuộc định cư mới. 18

     Sau đó, sự tổ chức có phương pháp “các máng thủy lợi” tại khu từ giác Long Xuyên khởi sự trong năm 1934.  Hai máng giới định tại tổng Kiên Hảo phơi bày hai đặc điểm: trước tiên, mỗi máng trong chúng cáng đáng khu vực của một làng (Thổ Sơn hay Sóc Sơn cũng hội đủ điều kiện được xem là các “làng khẩn hoang” (colinization villages) 19; thứ nhì, “máng [mương, rãnh ?] (rack) bao hàm một định nghĩa kỹ thuật và cùng lúc một khu đất để dành cho cuộc thử nghiệm di cư nông dân 20; máng “thủy lợi” được thay thế bằng danh xưng máng “Bắc Ký” (Tonkinese) tại Sóc Sơn 21 và máng “dự trữ” (reserve) tại Thổ Sơn.

     Nhưng các nhà chức trách thực dân Pháp phải cứu xét đến các khuynh hương di dân cá nhân và tự phát từ các nông dân Nam Kỳ là các kẻ quyết định rời các tỉnh miền đông để đi đào kinh, làm đường, và định cư “theo các đường nạo vét sông” tại các khu đất tự do mới ở Transbassac (các phu thợ khai hoang các đầm lầy cũ trong mùa khô, thợ nhặt củi và làm than khai thác rừng tràm, ngư phủ và nông dân định cư bên bờ kinh đào và sông). 22 Trong thập niên 1920, sự tăng trưởng dân số lớn nhất trong toàn cõi Nam Kỳ diễn ra tại tỉnh Rạch Giá, chỉ đứng sau Bạc Liêu. 23 Khuynh hướng này, được đặc biệt nhận thấy giữa các năm 1926 và 1929, đã được xác nhận sau này. 24

     Chính vì thế, chính quyền tỉnh cần có mặt để định cư dân số này, để quy định việc khai khẩn đất hoang hay, ngược lại, để ngăn cản sự chiếm ngụ bất hợp pháp dọc theo các kinh Tri Tôn và Ba Thê. 25 Để tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề nhức nhối này, 26 chính máng Sóc Sơn được giữ riêng nhằm phục vụ cho các gia đình gốc bắc bởi vì nó ít được khai quang và chiếm cứ hơn. Hậu quả, bờ bên phải của kinh Tri Tôn được trang bị [đầy đủ] (hoạch định việc đào kinh phụ thuộc, phân chia đất, thiết lập một trung tâm hành chính).  Vào cuối năm 1942, 750 gia đình (khoảng 3,000 người trong đó một nửa là trẻ em) đã rời hai tỉnh Nam Định và Thái Bình. 27 *  Họ đi đến Sàigòn bằng xe hỏa và sau đó tiếp tục cuộc hành trình bằng thuyền buồm dọc sông Cửu Long và các kinh đào khác đến Sóc Sơn.  Như nhà văn Nguyễn Hiến Lê là người cũng rời Miền Bắc (Tonkin) trong năm 1935 (Sơn Tây) để đi làm tại Long Xuyên như một cán sự kỹ thuật thủy lợi, các gia đình này chắc chắn cũng phải thấy xúc động bởi mạng lưới chằng chịt của các con sông, kinh đào, rạch [tiêng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch] và các cây cầu. 28  Một khi đã đến nơi, mỗi gia đình sống tại nơi ở tạm thời được dựng lên tại mỗi khu đất, và nhận được [perceived trong nguyên bản, nhiều phần phải là received, chú của người dịch] trước tiên các nhu yếu phẩm và dụng củ để hoàn tất việc đào các kinh phụ thuộc (kênh, mương) [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch].

     Khu vực định cư mới này, tổng Kiên Hảo, tăng trưởng dưới ảnh hưởng chung của sự quản lý thủy lợi và sự điều hòa một sự hội tụ di dân liên quan đến các nông dân Việt nam đến từ hai châu thổ của Việt Nam (Cửu Long, và sông Hồng).

     Sự phát triển của khu tứ giác Long Xuyên và sự định cư tại các thôn ấp khẩn hoang mới liên thuộc nhau đến nỗi thật dễ bị quyến rũ để đặt tên cho chính sách khẩn hoang này như một “cuộc di dân thủy lợi”.


Kinh Tri Tôn, một nơi chốn hội tụ và trao đổi

     Định cư dọc theo kinh Tri Tôn, chính xác hơn là dọc theo mười con kênh khởi sự được đào cùng lúc thẳng góc và cách nhau từng 500 mét, các gia đình mang các của cải đem theo vào môi trường mới này.  Đời sống riêng tư và các hoạt động kinh tế tập thể được tổ chức.  Sau vài tháng, đã có một số gia đình xây dựng được một ngôi nhà mới theo kỹ thuật và phong tục riêng của họ. 29 Sau đó, trong các tháng đầu tiên, mỗi trưởng gia đình đã hoàn tất việc đào kinh phụ trợ và nhận được một khoản tiền công cho làm việc hữu hiệu của mình.  Năm sau đó, họ làm một con đường ven bờ kinh, đào các lạch nước nhỏ giữa mỗi lô đất được phân chia trong khi các phụ nữ trồng các đồ gia vị và các loại rau.  Sau cùng họ đều trồng lúa gạo với các hạt giống, khí cụ và súc vật kéo cày được cung cấp bởi quản đốc của máng và các nhà hành chính của tỉnh.

     Bao quanh “máng Bắc Kỳ”, bên kia bờ kinh Tri Tôn, mọi loại hoạt động đã phát sinh.  Ở giao điểm giữa kinh Rạch Giá – Hà Tiên và kinh Tri Tôn [(ngã ba Tri Tôn), tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch], một ấp và một chợ nổi xuất hiện; ngà ba Tri Tôn cũng trở thành một trạm tiếp chuyển hành chính và một nơi dừng chân cho các thuyền buồm và các thuyền khác chạy từ Hà Tiên đến Rạch Giá và qua đến Long Xuyên, Cần Thơ và Sàigòn.  Mậu dịch địa phương cũng xuất hiện dọc theo kinh Tri Tôn; chính vì thế nó đã trở thành con đường để xúc tiến các sự tiếp xúc kinh tế cũng như cho các sự trao đổi văn hóa và kỹ thuật giữa các nông dân Nam Kỳ và Bắc Kỳ sống cạnh nhau và, một cách ít sâu đậm hơn, với người dân Căm Bốt định cư tại sườn núi (Hòn Đất, núi Cô Tô) và với ít thương nhân Trung Hoa lưu động trong đó có một số mở tiệm tạp hóa tại giao lộ của con kinh.

     Vào thời điểm này, nhiều ý tưởng vốn sẵn được nhận thấy, loan truyền về khả năng thích ứng của di dân miền bắc với môi trường (khí hậu, thực vật, môi trường lưỡng cư vừa trên nước vừa đất liền) và do đó với xã hội quân phân đất rừng mới này; cũng như nhiều điều trước đó (a priori) tuyên truyền về lòng hiếu khách của các nông dân địa phương đối với các cư dân mới mày.  Tách rời ra khỏi việc giải thích một số tính chất nổi bật của tâm lý xã hội – vốn lại là một ý niệm còn nhiều tranh cãi hơn nữa – các thành kiến này biểu lộ trước tiên sự lo sợ rằng các dự án của nhà chức trách Thuộc Địa (dãn dân tại các tỉnh quá đông ở Bắc Kỳ và hợp lý hóa sự khai thác các cánh đồng trồng lúa gạo tại vùng Transbassac) sẽ lại bị thất bại.  Phần lớn các lập luận này nói chung nêu ra các lý do về vệ sinh, xã hội, tâm lý và tôn giáo.  Một số nhà hành chính nhận định rằng “người Bắc Ký từ chối không chịu thích nghi 30; một số người khác nghĩ rằng các sự khác biệt giữa người Bắc Kỳ và Nam Kỳ quá quan trọng để tiên đóan sự hợp nhất các người đàn ông và đàn bà “không nói đích xác cùng một ngôn ngữ, những kẻ vào lúc ban đầu không hiểu nhau tường tận bởi các thói quen, phong tục và mức sống khác nhau”. 31 Có vẻ là nếu người dân Bắc Kỳ, hơn bất kỳ người Việt Nam nào khác, đã từ khước không chịu rời bản quán (quê hương) của mình trước tiên bởi vì anh ta không muốn dứt bỏ các sự dây nối kết sự liên đới của làng mạc, để rút mình ra khỏi hệ thống tái phân chia đất công (công điền) và sau chót, để bảo tồn các sự dây liên kết về nghi lễ với tổ tiên của anh ta và sự thiêng liêng của vùng quê cha đất tổ. 32

     Nhiều hơn điều được gọi là ác ý, chính các sự lựa chọn về kinh tế và chính trị cũng có thể giải thích sự từ chối và các sai lầm trước đây.  Các chủ điền giàu có tạo thành phần lớn nhất trong công luận Nam Kỳ, thực sự thù nghịch với sự di dân các người đi khẩn hoang thường yếu đuối về thể chất, các nông dân trồng lúa gạo bướng bỉnh, và ngay cả “các kẻ gây rối và nổi loạn”. 33 Trong trường hợp này, các thành kiến này phát hiện các nhược điểm của một dự án di dân đã không hàm chứa sự định cư các nông dân tiên phong và từ đó sự vươn đạt tới quyền sở hữu.  Ngược lại, dự án này chỉ khuyến khích người dân đứng bên lề [xã hội] rời bỏ đất đai của họ 34 nhằm chống chế cho phương cách khai thác bằng lao động mới mà không phải lo âu về ảnh hưởng xã hội.

     Đối với các nông dân Nam Kỳ, họ đã hình thành các ý tưởng của chính mình về các năng lực thích ứng và sự đóng góp của các di dân này vào đời sống tinh thần và vật chất. 35

     Chính vì thế, kinh Tri Tôn trở thành điểm gặp gỡ cho các quan hệ liên văn hóa giữa các nông dân và các người đi khẩn hoang đến từ các phần đất khác của Việt Nam.  Được khuấy động bởi một “tâm hồn tiên phong”, họ đã cùng nhau tạo lập một xã hội mới trộn lẫn nhiều truyền thống nhà nông khác nhau.  Chúng ta hãy mô tả một cách ngắn gọn một vài thí dụ liên quan đến sự kiểm soát và sự sử dụng nước cho các hoạt động gia đình và kinh tế.

     Đối với mỗi người đi khẩn hoang đến miền tây Nam Kỳ, yếu tố đầu tiên mà dân Bắc Kỳ phải làm quen là nước, để điều hòa các cánh đồng lúa có hệ thống tưới tiêu trên các lô đất phân chia trước khi tát khô bằng tay.  Sự hoàn tất mạng lưới thủy lợi tiếp theo sau kế họach trang bị mười năm của Đông Dương được xác định trong năm 1931.  Tại “máng Bắc Kỳ: casier tonkinois”, một sự tổ chức đã mau chóng được thiết lập để đào các kinh phụ thuộc, 36 hầu nối dài mười con kinh thẳng góc với kinh Tri Tôn nơi các gia đình ( tuyển chọn theo tỉnh quê quán của họ 37) được định cư tạm thời tại cửa kinh.  Họ cũng phải đào một con kinh tiếp tế song song với kinh Tri Tôn vốn phải cách xa 3 cây số từ con kinh [Tri Tôn] này (“kinh thực phẩm: canal d’alimentation” này được đổi tên là kênh ba ngàn [tiếng Việt trong nguyên bản, có lẽ để nói phải cách xa ba nghìn thước, ND]); sau cùng họ phải hoàn thành mạng lưới bằng các mương, mương phèn (arteriole) giữa mỗi mảnh ruộng.  Trước khi họ đến nơi, một số thanh tra địa chính đã đánh dấu quy hoạch các kinh tương lai sao cho người dân chỉ phải làm theo các dấu mốc.  Với mục tiêu này trong đầu, các trưởng gia đình được triệu tập cùng nhau lập thành các toán công tác.  Theo sự hồi tưởng của các người cung cấp tin tức cho chúng tôi, các toán này không đồng nhất: thành phần của chúng thay đổi từ 6 đến 30 người (hay “gia đình”) và con số toán theo kinh thay đổi từ 2 đến 6. 38

     Tuy nhiên, họ đều đồng ý rằng đoàn giám sát nhân viên chịu trách nhiệm hoặc cho nhóm hay cho việc đào kinh như một cơ cấu chung.  39  Các giám thị này, cũng là các di dân, thường có học hơn và một số trong họ nói được tiếng Pháp.  Họ thực sự được lựa chọn bởi các gia đinh định cư dọc theo một con kinh đã đảm nhận công việc hàng ngày được áp đặt bởi viên tổng quản trị máng (Belot) [?, có lẽ là tên viên đốc công của toàn khu như được nêu ở một đoạn dưới,  ND].  Trong ba năm, các người này được tổ chức thành các toán (teams), chịu trách nhiệm về trật tự và an ninh cũng như kiểm soát tiến trình tốt
đẹp của việc đào kinh. 40 Họ cũng đảm đương việc phân phối trang thiết bị, lương bổng và đôi khi thực phẩm (muối, nước mắm …)

     Nếu tại châu thổ sông Hồng, các di dân này quen với việc ngăn chặn dòng nước, ngược lại tại châu thổ sông Cửu Long, họ khám phá ra một kỹ thuật thủy lợi mới nhằm xả nước mưa bị đọng lại và tạo sự thuận lợi cho việc lưu chuyển nước ngọt bằng cách sử dụng các thuỷ triều làm lụt và thủy triều rút nước xuông.

     Một khi sự điều hòa hệ thống dẫn nước đã được giải quyết, họ sẽ phả sắp xếp việc cung cấp và dự trữ nước uống cho mùa khô.  Tác giả Trịnh Hoài Đức đã từng đề cập rằng việc đào giếng không phải là một giải pháp thích hợp bởi biển gần nhất làm cho nước không thể dùng để nấu ăn và uống được.  Hậu quả, “mồi năm, từ tháng 10 âm lịch là lúc kết thúc mùa mưa, đến tháng 4 khi các cơn mưa chưa bắt đầu đổ, một công tác rất phức tạp là chất đầy các thuyền (được rửa rất sạch trước đó) với nước ngọt và sau đó chở nước đến các làng thiếu nước”. 41 Bởi vì nước của các con kinh là nước lợ và chứa chất sắt, các cư dân đã phải đào ao trên các mảnh đất cá nhân hay đã phải tìm kiếm các ao tự nhiên trong rừng và sau đó dự trữ nước uống này trong các chum (vại) bằng đất nung địa phương. 42

     Sau cùng, chúng ta hãy phác họa sự xuất hiện của các hoạt động kinh tế chung quanh kinh Tri Tôn.  Các nông dân Nam Kỳ tiếp tục trồng lúa với các dụng cụ và phương pháp thô sơ: họ gieo [?sew (sewing) trong nguyên bản, nhiều phần phải là sow(sowing) mới đúng, ND] các khoảnh bỏ hooang và đất trống vô định hình trong các rừng tràm.  Để bón phân cho đất, mỗi năm họ đã đốt cỏ, rạ, và các gốc cây; lớp tro phủ càng dầy, vụ thu hoạch càng nhiều thành quả hơn. 43 Các nông dân đi thu lượm củi hóa than để đem bán, san bằng mặt đất và chỉ việc giao lúa giống.  Chỉ các nông dân giàu có nhất mới có trâu hay bò mới dùng cho việc cày bừa ruộng.  Họ hay biết theo kinh nghiệm rằng một trận lụt lớn được lập lại từng ba năm một; năm nay, họ gieo một loại lúa nổi (nằng tây?) được bán tại Rạch Giá.  Các năm khác, họ gieo các loại lúa thường lệ khác.  Trong mùa gặt, lực lượng lao động đổ tới, đặc biệt từ Long Xuyên, Nhờ đó, họ thu được từ 25 đến 30 giạ (khoảng 40 lít) trên mỗi công [1000 mét vuông, ND] mà không dùng đến phân chuồng hay phân hóa học. 44

     Tại máng Bắc Kỳ, các cánh đồng canh tác thực sự bắt đầu xảy ra trong năm 1944.  Trước tiên, các gia đình nhận được các hạt giống và dụng cụ cày bừa theo từng gia định một, và các sức vật kéo cày chung, để cày mảnh đất hai mẫu riêng của mình.  Để giúp các di dân mới này canh tác theo các cách thức địa phương, viên tổng quản đốc Belot đã yêu cầu một số người dân Nam Kỳ đến máng và chỉ cách gieo hạt như thế nào, để giải thích các đặc điểm cụ thể của các hạt giống khác nhau (đặc biệt về loại lúa nổi chưa hay biết), và để trình bày chu kỳ canh tác.  Bất kể các sự khuyến cáo này, một số dân chúng, cần cù hơn và bám lấy các kỹ thuật ở miền bắc vẫn tiếp tục làm cỏ, ủ phân, và trên hết, trồng lúa tại nơi mà nó không tăng trưởng được. 45

     Ngoài ra, họ đã phải dùng cái cày của miền nam được kéo bởi một cặp trâu hay bò.  Một số di dân đã cải biến nó trong việc chỉ dùng một súc vật và theo đó đã thành công trong việc cải tiến nó.  Dề điều khiển hơn, cái cày thì thích hợp hơn cho loại đất xốp.  Nhờ thế, các số thu hoạch cao nhất nằm ở các thửa đất của dân Bắc Kỳ, như các láng giềng đều chỉ cho thấy.

     Một số các nông dân không sở hữu bất kỳ mảnh đất nào sau cùng đã cung cấp dịch vụ của họ như các thợ ăn công hàng ngày để gặt và xay thóc tại máng Bắc Kỳ.  Di dân miền Bắc nhận thấy rằng các công nhân nông nghiệp này (các nông dân miền nam) đã không dùng liềm (sickle) và dùng một loại lưỡi hái (wishbone) hữu hiệu hơn nhiều đến nỗi họ cũng chấp nhận nó sau này.  Về việc xay thóc, họ cũng chấp nhận cái chày tay và cối giã bằng gỗ thì thích dụng hơn cái chày đạp chân và cái cối giã bằng đá hay đất sét của miền bắc.

     Ngoài một vài thí dụ này về sự thích nghi với văn hóa lúa gạo địa phương, các di dân cùng nhau đa dạng hóa các hoạt động bằng việc tuân theo các phong tục địa phương.  Trong một kỳ thanh tra tại vùng Transbassac vào tháng Hai năm 1944, Toàn Quyền Decoux đã ghi nhận:

À Rạch Giá, au casier tonkinois, j’ai constaté que l’experience enterprise se poursuit d’une manière entièrement satisfaisantee – stop- le défrichement des peuplements de “tràm” et le creusement du réseau d’irrigation sont pratiquement achieves – stop – En attendant que les terres alunées aient été lavées et ainsi préparées à porter des rizières, les familles tonkinoises ont entrepris les premières cultures vivrières. Et mis en train plusieurs activités artisanales  (Đến Rạch Giá, tại “máng Bắc Kỳ”, tôi nhận thấy rằng sự thí nghiệm đang tiến triển mang lại cho chúng ta sự thỏa mãn – chấm – việc khai quang các cây tràm và đào mạng lưới dẫn nước tưới tiêu trong thực tế đã hoàn tất – chấm – trong khi đó, đất đã được rửa [phèn] và đủ tốt để trồng lúa, các gia đình Bắc Kỳ đã trồng các ngũ cốc sinh nhai đầu tiên và khởi sự một số các hoạt động thủ công nghệ). 46

     Trong thực tế, Rạch Giá không chỉ nổi tiếng với sự khai thác các tài nguyên lâm nghiệp, thu trích mật ong và sáp 47 mà còn về việc săn bắn (rắn, chim có lông quý), và nhiều hoạt động đánh cá khác nhau.  Làm muối, chế tạo nước mắm, các đồn điền hạt tiêu một lần nữa xuất hiện tại quanh núi Hòn Đất (thực sự là một đồi đất), cũng như sản xuất đồ bằng gai và đồ gốm (đất nung) bằng tay. 48

     Trong mùa khô hay giữa lúc gieo hạt và thu gặt, các cư dân đã làm các hoạt động bổ túc này.  Họ đã tiến hành công việc thu gom gỗ xây dựng (hoạt động này được gọi là làm cây) và bó củi đốt (làm củi).  Các người miền bắc bắt đầu công việc này trên mảnh đất của họ và sau đó quanh máng.  Nhưng nếu người miền nam tìm cách để bán 49 gỗ này cho lớp trung gian đến từ Châu Đốc, Long Xuyên hay Cần Thơ với việc qua mặt các quy định nhà cầm quyền thuộc địa, các cư dân tại máng đã không có khả tính nào khác ngoài việc bán nó cho viên tổng quản đốc.  Dù sao họ cũng thu được các sự trợ cấp đầy đủ.

     Bởi kinh đào và ruộng lúa có đầy cá (cá bống, cá rô …), việc đánh cá với lưới giăng hay câu cá là hoạt động quan trọng khác.  Một kỹ thuật địa phương là đào các ao lớn trong rừng và bắt cá vào cuối mùa khô khi phần lớn nước đã bốc hơi.  Các di dân cũng học hỏi từ người miền nam các phương cách mới để bảo tồn và chế biến cá.  Họ bắt đầu làm dầu bằng cách nghiền các bộ lòng cá (cá bống, cá sặt) để châm vào đền dầu.  Hơn là chỉ phơi khô, họ trên hết khám phá ra mắm, một sản phẩm nấu nướng chưa được biết mà ban đầu họ gọi là cá ngâm (soaking fish).  Họ học cách làm sao để bảo tồn cá trộn với muối trong các hũ đất và học cách thưởng thức các hương vị mới. 50

     Nhờ các người nông dân miền nam, họ cũng học được cách thu hút mật ong, cách xây lò để nung đồ gốm và cách xác định các loại rau ăn được và các cây làm thuốc.  Mặt khác, họ đã phát triển và đa dạng hóa thị trường sản phẩm trồng trong vườn (nổi bật nhất là khoai lang, các loại đậu, bí ngô) mà nông dân Nam Kỳ đã bỏ lơ cho đến giờ.  Tất cả các hoạt động và phương pháp canh nông này cho phép sự mở rộng một nèn mậu dịch và kinh tế địa phương phát đạt dọc theo kinh Tri Tôn và giao lộ của nó.


Các Ý Kiến Ngắn Về Sự Khó Khăn
Trong Việc Xác Định Không Gian Xã Hội và
Môi Trường Của Châu Thổ Sông Cửu Long

     Sau cùng, chúng ta hãy cố gắng để xác định sự đóng góp của bài chuyên khảo này về kiến thức lịch sử và văn hóa của một miền phơi bày các nét đặc thù hiển hiện khó có thể xếp loại với các tiêu chuẩn khoa học.  Trước hết, thành ngữ châu thổ sông Mê Kông (Mekong delta) có ý nghĩa gì?  Danh xưng thông thường này trong thực tế thì phức tạp bởi nó có tính cách tổng quát và đa nghĩa (polysemous).  Thành ngữ này có thể được giải thích như một không gian địa dư xuyên quốc gia được xác định bởi môi trường vật thể, tự nhiên hay nông nghiệp (hệ thống sông ngòi, khi hậu, thủy văn, trắc diện (relief) …, các rừng tràm, đầm cây đước (mangrove) …; các vườn cây ăn trái, các văn hóa công nghiệp …) hay một cách cụ thể hơn, văn hóa lúa ngập nước bởi nhiều cách: văn hóa lúa gạo, vốn là hoạt động chính và phần nào độc đáo về mặt văn hóa, lệ thuộc trực tiếp vào các hệ thống và mạng lưới thủy văn. 51 Trong trường hợp này, châu thổ sông Mê Kong được định nghĩa bởi nông nghiệp.  Nó cũng có thể được cứu xét từ nhiều góc cạnh khác nhau về chủng tộc, các ranh giới hành chính gần đây và quá khứ, các đức tin tôn giáo và các sự hành đạo, các biến cố lịch sử, cách sống v.v… Nói về châu thổ sông Mê Kông là nói về tất cả các khía cạnh này cùng một lúc.  Khác xa với một đồng bằng buồn bã và đơn điệu, châu thổ sông Mê Kông ngược lại là một không gian thực sự biến hóa. 52

     Các cách gọi tên khác có từ thời kỳ thuộc địa Pháp không mang lại nhiều sự giải thích hơn về vấn đề ngữ nghĩa học này.  Các thành ngữ hành chính mới có vẻ đã định nghĩa lại lãnh thổ Nam Kỳ thời thuộc địa.  Khi nói về châu thổ sông Mê Kông, các nhà hành chính thường đề cập đến Miền Dưới Của Nam Kỳ (Low Cochinchina hay Basse Cochinchine”, “Miền Tây Nam Kỳ: Western Cochinchina hayCochinchine occidentale), Miền Quá Sông Bassac (Transbassac), Miền Chưa Tới Sông Bassac (Cisbassac), hay để nói về địa hạt một tỉnh, họ hay dùng tên gọi của các trung tâm hành chính (Cần Thơ, Bạc Liêu …)

     Đối với các thành ngữ bằng tiếng Việt, họ đề cập tới các ý niệm không gian khác.  Nếu nhóm từ đồng bằng sông Cửu Long được nhất loạt sử dụng để nói về châu thổ sông Mê Kông, nguồn gốc và sự phổ thông hóa của nó vẫn chỉ được biết rõ. 53 Từ ngữ khác được dùng bởi Người Nam (Southerners) là miền tây nam bộ (southwestern region) hay nói cho gọn, miền tây54 Về các cư dân của châu thổ sông Mê Kông, họ dùng rất nhiều thành ngữ địa phương khác nhau chứng minh một cách chính xác tính biến đổi của miền hay trong khái niệm về đất đai của họ.  Chính vì thế chúng ta có thể nghe trong các cuộc thảo luận các từ ngữ Lục Tỉnh (từ ngữ lịch sử của sáu tỉnh dưới thời vương triều), Hậu Giang (tên chỉ con Sông Đàng Sau (Posterior River) gọi sông Bassac trong quá khứ), miệt dưới (miền phía dưới), hay miệt trên (miền phía trên) để xác định miền ở bên này hay bên kia con Sông Đàng Trước (Anterior River) (tức Tiền Giang), miệt vườn để nới về miền có vườn cây ăn trái.  Các thí dụ dĩ nhiên càng tăng khi chúng ta cứu xét đến các định nghĩa phổ thông địa phương thường tham chiếu đến tên của các con kinh hay con sông.  Các cách nói và các thành ngữ địa phương này – đôi khi – cho phép xác định không gian châu thổ với các dấu hiệu ranh giới biểu trưng, phát sinh từ một văn hóa bình dân sống động.

     Một người của châu thổ sông Mê Kông đã tận tụy cho nền văn hóa bình dân này và cho tất cả các loại truyền thống truyền khẩu đến nỗi ông đã quyết định muốn bảo tồn chúng bằng cách viếi lại về chúng, sự việc trở thành trọng tâm trong sự nghiệp sáng tác văn chương của ông.  Nhà văn Sơn Nam, dân gốc Kiên Giang, sinh ra từ một địa phương được gọi là miệt thứ (“Miền kinh số 4, gần rừng U Minh) đã cố gắng và đã thành công trong việc trình bày và hiểu được “hồn phổ biến [?]: popular soul” (từ ngữ của chính ông) của miền và của cư dân của nó”. 55 Chính vì thế, hàng tá tác phẩm của ông mang lại cho người đọc một cái nhìn sâu xa và chính xác về lịch sử và xã hội địa phương và, cùng một lúc, một  cái nhìn tổng hợp về sinh quán của ông, Hậu Giang 56, một cách tổng quát hơn, về châu thổ sông Mê Kông (đồng bằng sông Cửu Long) và về Miền Nam Việt Nam.  Thí dụ, chính một trong những quyển sách của ông đã phổ cập hóa thành ngữ miệt vườn và đã tạo ra từ ngữ mới (neologism) “văn minh miệt vườn: Orchard civilization” 57 để nói về các đặc điểm phân bổ nông nghiệp của Vĩnh Long và Bến Tre.
    
Ôngcũng đề nghị gọi châu thổ sông Mê Kong là “văn minh sông nước: riverine cvivilisation” để mô tả chức năng trung tâm của các thủy lộ (sông, kinh đào, biển duyên hải) trong đời sống hàng ngày, trong kinh tế và trong các tín ngưỡng bình dân, những cũng có quan hệ và trao đổi với các miền khác của Việt Nam và với các nước Đông Nam Á (Căm Bốt, Thái Lan, Mã Lai, Singapore).  Thành ngữ này cho phép tác giả của nó biện biệt trong một cung cách đầy màu sắc các miền văn hóa to lớn của Việt Nam: theo khái niệm của ông, miền bắc Việt Nam, cho đến Thanh Hóa, là một nền văn minh đại lục; sau đó từ Hội An (Miền Trung), Việt Nam hướng ra biển, kế đó, từ Sàigòn Việt Nam thuộc vào miền biển Địa Trung Hải Á Châu”. 58

     Nhưng năm gần đây, giao sư Lê Quốc Sử có ấn hành một cuộc nghiên cứu tập trung vào các khía cạnh kinh tế của miền mà ông ưa gọi là “văn minh kênh rạch: canal civilization””. 59  Ngoài cảm nghĩ cá nhân của ông, tác giả có đề câp đến các thí dụ khác để định nghĩa miền và đề nghị một sự thử xếp loại đầu tiên. 60 Nhưng một vài khía cạnh cần phải được làm chính xác hơn hầu có thể xác định được không gian châu thổ với các tiêu chuẩn lý thuyết và ngữ học xã hội.

     Tiếp nối quan điểm kinh tế (văn minh kênh rạch) hay tổng quát hơn, quan điểm văn hóa (văn minh sông nước), cuộc khảo sát làng Sóc Sơn, và phần mở rộng, đến kinh Tri Tôn, có khuynh hướng chứng minh cho giá trị của hai định nghĩa này.  Trong thực tế, kinh Tri Tôn là một gốc rễ của các thôn ấp và tiến trình thành lập xã; nó cũng là một địa điểm có nền kinh tế phát đạt.  Sau cùng, nó đã trở thành một khu vực trao đổi văn hóa giữa các nông dân Nam Kỳ và Bắc Kỳ.


Kết Luận

     Chính vì thế, xem ra cuộc sống đan kết nhau trên con kinh và tinh thần tiên phong cùng chia sẻ của dân số khác biệt này đã tìm thấy một nơi hỗn hợp của xã hội sông nước đồng bằng Cửu Long Giang và, một cách tổng quát hơn, của một nền văn hóa phổ thông.  Các cuộc nghiên cứu về sự thành lập gần đây làng Nam Thái Sơn (tên cũ là Sóc Sơn) cũng phát lộ các tương tác giữa sự quản trị thủy lực của một vùng kém phát triển trong một thời gian lâu dài với các sự định cư của con người dọc theo các kinh đào mới, như trong trường hợp này được tượng trưng bởi phong trào di dân có hoạch định trùng hợp với di dân tự phát.  Ở tận các căn nguyên của sự cất cánh kinh tế địa phương, kinh đào cũng là phương tiện cho phép sự luân lưu và nối kết nhau giữa các truyền thống văn hóa khác nhau.  Nếu vào lúc khởi đầu các di dân Bắc Kỳ chỉ là “một mảnh ráp mới của bức tranh ghép đã sẵn được tạo hình” (une nouvelle pièce de la mosaique déjà dessinée” ) 61, hàng trăm gia đình này đã thích nghi với môi trường và dân chúng của “mặt trận tiên phong biến đổi mỗi di dân mới thành một đoàn viên toàn diện của cộng đồng”. 62 Không có gì nghi ngờ rằng loại tiếp nhận - hòa nhập này đã có hiệu quả và nó có thể được giải thích một cách đặc biệt bởi kinh nghiệm chung về sự khai khẩn rừng hoang và quản trị mạng lưới thủy lợi.  Trong năm 1924, một văn gia người Pháp, Albert Viviès có viết trong một giọng điệu rất khêu gợi rằng “Bán Đảo Đông Dương có hình dạng của một bầu vú đẹp đẽ và rằng Miệt Dưới Nam Kỳ sẽ là núm vú phong phú của nó.  Các mạch sữa của nó chứa đầy một cuộc sống sung túc”. 63 Ẩn dụ cá nhân này là sự bày tỏ hay nhất cho lòng cảm ơn của một dân chúng cần cù đối với mảnh đất nuôi dưỡng mình cũng như cho sức sống của toàn miền thường xuyên được tái tạo bởi dòng nước./-  

***     

Sơ lược về tác giả: Pascal Brocheux, tốt nghiệp bằng Tiến Sĩ về Lịch Sử, tại École Pratique des Hautes Études, Paris, Sorbonne, đã thực hiện các cuộc nghiên cứu tại Việt Nam và Căm Bốt và là tác giả nhiều thiên khảo luận về Việt Nam.
_____


CÁC CHỮ VIẾT TẮT CHỈ NGUỒN TÀI LIỆU:

ANVN-I   Archives Nationales du Vietnam, centre no 1 (Hanoi)
ANVN-II  Archives Nationales du Vietnam, centre no 2 (Sàigòn)
art.cit.                   Articulum citatum
CAOM                  Centre des Archives d’Outre-Mer (Aix-en-Provence, France)
Dom                     Domains (fonds d’archives, ANVN-II)
EFEO                    École Francaise d’Extrême-Orient
GCD                     Gouvernement de Cochinchine Divers (fonds d’archives ANVN-II)
GGI                      Gouvernement Général de l’Indochine (fonds d’archives)
GGI-SE     Gouvernement Général de l’Indochine, services économiques
HCI-CS     Haut Commissariat en Indochine, conseiller social (fonds d’archives)
IDEO                    Imprimerie d’Extrême-Orient
Imp                       Imprimerie
INF                       Indochine Nouveau Fonds (fonds d’archives CAOM)
JSEAS                   Journal of Southeast Asian Studies
MEP                     Missions Étrangères de Paris (services des archives)
NCLS                    Nghiên Cứu Lịch Sử (Historical Studies, Review)
Nxb                      Nhà xuất bản (Publishing House)
Nxbkhxh  Nhà xuất bản Khoa học xã hội (Social Sciences Publishing House)
OIR                      Office Indochinois du Riz
ONS                     Ouvriers Non Spécialisés
ọp. cit.                  Opus citatum
RND                     Résidence de Nam Định (fonds d’archives)
RST                      Résidence Supérieure du Tonkin (fonds d’archives)
RSTNF                 Résidence Supérieure du Tonkin, nouveau fonds (archives CAOM)
SHM                     Service Historique de la Marine (fonds d’archives, Vincennes, France)         
SL             Services Locaux (fonds d’archives ANVN-II)
TpHCM    Thành Phố Hồ Chí Minh (Sàigòn)
TĐBCPNV           Tòa Đại Biểu Chính Phủ Nam Việt (fonds des représentants du gouvernement au
                 Sud Vietnam, fonds d’archives ANVN-II)


***

CHÚ THÍCH:

1. Theo các nhà địa lý học, “đồng bằng miền nam to lớn” được cấu thành bởi một cánh đồng ngập nước trải rộng trên Căm Bốt và Việt Nam, từ Kompong Cham cho đến Biên Hòa nếu chúng ta bao gồm đồng bằng Đồng Nai vào đông bằng sông Cửu Long theo đúng nghĩa nghiêm ngặt (strict sensu) (Koninck de, R., L’Asie du Sud-Est, Paris, Masson, các trang 283-283.

2. Trong các cuộc nghiên cứu kéo dài ba tuần (Tháng Năm 2004 – Tháng Hai 2005) tại Nam Thái Sơn và các xã bao quanh, tôi đã thu thập khoảng 30 cuộc phỏng vấn cùng với Lê Văn Nam, nhà nghiên cứu của Viện Khoa Học Xã Hội tại thành phố Sàigòn.

3. Quyết định của Chính Phủ số 99/TTg năm 1998 (Lê Quốc Sử, Những Khía Cạnh Kinh Tế của Văn Minh Kênh Rạch Nam Bộ, Nxb KHXH, Hà Nội, 1999, các trang 296-321).

4. Muốn có thêm chi tiết, xem: “Study of a migratory confluence in the Mekong delta during the colonial period (1920-1945): First steps towards the History of Thổ Sơn and Sóc Sơn villages (Hòn Đất district, Kiên Giang Province” (bài tham luận trình bày tại Kỳ Hội Thảo Quốc Tế Thứ Nhì về Việt Nam Học, thành phố Sàigòn, July 14-16, 2004, sẽ được xuất bản).

5. Boudet, P., “La conquête de la Cochinchine par les Nguyễn et le role des émigrés chinois”, BEFEO XLII, 1942, các trang 115-132; Li Tana: Nguyễn Cochinchina, Southeren Vietnam in the seventeenth and eighteenth’s century, SEAP, Cornell University, 1998; Sellers, N., The Prince of Hà Tiên (1682-1867), Études Orientales no 11, Thanh Long, Bruxelles, 1983.

6. “Le Sud fut pour les Nguyễn une base de reconquête du pouvoir face aux Tây Sơn dans le dernier quart du XVIIIe siècle (1771-1802).  La victoire finale de Nguyễn Ánh et son accession au trône en 1802 avait sacralisé l’espace”. (Miền Nam đối với chúa Nguyễn là một căn cứ cho thế lực tái chinh phục chống lại nhà Tây Sơn trong phần tư cuối cùng của thế kỷ thứ 18 (1771-1802).  Cuộc chiến thắng tối hậu của Nguyễn Ánh và việc lên ngôi vua của ông năm 1802 đã biến vùng này trở thành thiêng liêng). (Thanh Tâm Langlet, “Situations de guerre et de paix dans le Sud du Vietnam actuel au XIXème siècle”, trong: Nguyễn Thế Anh và Alain Forest (đồng biên tập), Guerre et Paix en Asie du Sud-Est, l’Harmattan, Paris, 1998, trang 262.

7. Kresser P., La commune annamite en Cochinchine, Domat Montchrestien, 1935.

8. Xin lưu ý đén cách thức mà các nhà truyền đạo Công Giáo đã cố gắng tiền vào Nam Kỳ từ Kampot và đi ngang qua miền này: “J’espère cependant lui faire passer la douane dans une barque charge de cotton et si je ne puis le suivre de près, j’attendrai la saison du débrodement du fleuve en voyageant à travers la forêt” (Hy vọng rằng tôi sẽ có thể giúp ông ta băng ngang biên giới trong một chiếc thuyền chất đầy bông vải; nếu tôi không có thể kèm sát theo ông, tôi sẽ chờ mùa nước sông dâng cao bằng cách du hành xuyên qua khu rừng) [Thư của Miche gửi Albrand ngày 24 tháng Ba năm 1849, no 45 (MEP, vol. 755)].

9. Nguyễn Văn Hầu, Thoại Ngọc Hầu, và Những Cuộc Khai Phá Miền Hậu Giang, TpHCM, Nxb Trẻ, 1999; Sơn Nam, Lịch Sử An Giang, Long Xuyên, Nxb An Giang, 1986; muốn biết sự giải thích của Căm Bốt về việc đào kinh Vĩnh Tế, xem: Khinh Sok, L’annexion du Cambodge par les Vietnamiens au XIXème siècle d’après les deux poems du venerable Bâtum Baramey Pich, You Feng, Paris, 2002.

10. Aubaret G., Histoire et description de la Basse Cochinchine, Traduction de Gia Định Thành Thông Chí de Trịnh Hoài Đức, Paris, Imp. Impériale, 1863.

11. Sơn Nam, Tìm Hiểu Đất Hậu Giang, Phù Sa, Sàigòn, 1959, trang 36.

12. Khi Gia Định Thành được chia làm Sáu Tỉnh (Lục Tỉnh), Sóc Sơn thuộc vào huyện Kiên Giang, tỉnh Hà Tiên.  Dưới nền hành chính thực dân Pháp (phân chia thành 21 tỉnh), xã này thuộc vào quận Châu Thành, tổng Kiên Hảo (canton), tỉnh Rạch Giá.  Ngày nay, Sóc Sơn, được cải danh là Nam Thái Sơn thuộc huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang.  Muốn biết them chi tiết về diễn tiến các ranh giới hành chính, xem: Langlet Ph., Quách Thanh Tâm, Atlas historique des Six provinces du Sud du Vietnam: du milieu du XIXe siècle au début du XXe siècle, Paris, Les Indes Savantes, 2001; Nguyễn Quang Ân, Việt Nam, những thay đổi địa danh và địa giới các đơn vị hành chính 1945-1997, Hà Nội, Nxb Văn hóa thông tin, 1997.

13. Brébion A., Croyances et superstitions cochinchinoises, Revue Indochinoise, Hanoi, 1916; Lê Bá Thảo, Địa Lý đồng bằng sông Cửu Long, Nxb tổng hợp Đồng Tháp, 1986; Biggs D., “Problematic Progress: Reading Environment and Social Change in the Mekong Delta”, JSEAS, 34(1), các trang 77-96, February 2003.

14. Theo Baurac, có một số đồng lúa trong xã Thổ Sơn nằm dưới chân núi Hòn Đất; nó cho thấy có ít sự tiến hóa kể từ lúc có cuộc điều nghiên của Trịnh Hoài Đức.  La Cochinchine et ses habitants (provinces de l’ouest), Saigon, Imprimerie commercial Rey, Curiol et cie, 1894.

15. Chuyên khảo về tỉnh Rạch Giá, Le moniteur d’Indochine, no 272-273, 1924.

Recensement de la population de la province de rạch Giá en 1926 (ANVN-II, SL-313)

Bảng tổng kết sự gia tăng dân số tại tỉnh Rạch Giá:

Năm                     Dân Số             Người An Nam không phải Nam Kỳ (Annames non-Cochinchinese)

1878                       35,000                                                           -
1893                       90,000                                                           -
1901                     102,389                                                           -
1921                     233,987                                                           611
1926                     244,399                       273 (195 đàn ông và 31 đàn bà, 47 trẻ em)                      

16. Brocheux, P., The Delta Mekong, Ecology, Economy and Revolution 1860-1960, University of Wisconsin – Madison, 1995; muốn có một sự trình bày về tình hình Căm Bốt, xem: Penny Edwards,Cambodge: The Cultivation of a Nation 1860-1945, PhD, Monash University, Melbourne 1999, 431 trang, Chương 1: Mapping Cambodge, Charting a Khmer Nation through Communication routes, Geography and Cartography (các trang 24-60).

17. Gouvernement Général de l’Indochine, Inspection générale des Travaux Publics, Dragages de Cochinchine, le canal de Rachgia à Hatiên, 1930.

Các dữ liệu kỹ thuật của kinh Rạch Giá – Hà Tiên:

Kinh                                 Năm    Chiều dài theo km      Chiều sâu        Chiều rộng      Khối lượng
                                                                             Theo mét         cửa khẩu         đất đã đào
                                                                                                     Theo mét         (triệu m3)

Rach Giá-Hà Tiên 1926-   49,725 (ở tỉnh)             3,5 – 3,8          26                    7,2
                             1930    81 (dài tối đa)

Tri Tôn                             Bắt       22,050 (ở tỉnh)             2,5 – 3,1          26                    2,3
Nối Thất Sơn với  đầu      31 (dài tối đa)             
Kinh Rạch Giá -   1928
Hà Tiên

Ba Thê                              Bắt       13,650 (ở tỉnh)             2,5 – 3,1          26                    2,9
                             đầu      40 (dài tôi đa) 
                             1930

Giồng Riềng -                   1930-   10,176                         2,5 – 3,1          26                    7,2 (cả hai
Bến Nhứt              1931                                                                                        kinh)

Kinh số 1              1930-   8,000                           2,5 – 3,1          26                    [gồm trên]
Nối các kinh Rạch
Giá-Hà Tiên và
Kinh Vĩnh Tế

Kinh ngang
Vàm Răng                        1927    3,650                           3,8                   28                    2,7 (4 kinh)
Cây Me                             1928    8,950                           3,8                   28                   
Vàm Rầy              1930    6,400                           3,8                   28
Đoạn nối dài
Quản lộ Canh Điền           1929    5,365                           3,8

(Nguyễn Thùy Dương, Kinh tế Hà Tiên Rạch Giá thời Pháp thuộc (1867-1939), Luận án phó tiến sĩ khoa học lịch sử, Viện Khoa Học Xã Hội tại Thành phố Hồ Chí Minh, 1997).

18. Các quan hệ nhân quả giữa thủy lợi canh tác và di dân cũng có thể đảo ngược lại: “En Cochinchine, les questions d’hydraulique agricole, sans avoir été complètement negligées, sont loin d’avoir attaint la même importance qu‘au Tonkin … C’est seulement depuis quelques années qu‘en présence de la lente augmentation de la population, on a songé à la possibilité de cultiver les étendues plates de la plaine des joncs et des autres terres de l’ouest cochinchinois” (Tại Nam Kỳ, các vấn đề thủy lợi canh tác không hoàn toàn bị lãng quên nhưng chúng chưa đạt tới tầm mức quan trọng như là ở Bắc Kỳ… Chỉ mới bắt đầu vài năm nay, với đà tiến bộ chậm chạp trong dân số, chúng ta mới bắt đầu nghĩ đến khả năng trồng trọt tại các vùng đất rộng lớn ở Đồng [Rơm] Tháp MườI và các vùng khác tại Miền tây Nam Kỳ); Delahaye V., La plaine des Joncs et sa mise en valeur, Rennes, Imp. Ouest Éclair, 1928.

19. Huỳnh Lứa, Lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ, NxbTpHCM, 1987, trang 179.

20. Để ngăn ngừa các sự thất bại mới, từ năm 1930, sự di cư dân Bắc Kỳ tại Nam Kỳ đã được xác định bởi hai nguyên tắc: sự khẩn hoang cá nhân nông dân nhắm dành cho mỗi di dân để trở thành sở hữu chủ khu đất của mình; sự khẩn hoang tập thể bảo đảm được sự thích nghi của các gia đình này vào một môi trường xã hội và thiên nhiên mới.  Vì thế, các di dân phải là các kẻ khai khẩn, các nông dân và trên hết là các kẻ lập ra thôn ấp [di dân lập ấp, tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch]         .

21. RST, Inspection du travail, process verbal du 14 octobre 1935 de la Commission d’étude du problem de l’immigration tonkinoise en Cochinchine (ANVN-I, RST 76109).    

22.Khi khánh thành kinh Rạch Giá – Hà Tiên (15 tháng Chín năm 1930), Thống Đốc Nam Kỳ tuyên bố: “Le canal Rachgia – Hatien a offert le spectacle impressionnant de cette ruée vers la terre.  J’ai moi-même, l’an dernier, contemplé, sur la limite de la zone de travail, les nombreuses barques indigenes charges de familles annamites, de leurs animaux domestiques et de leur modeste baggage, attendant patiemment l’avancement de la drague pour s’installer immédiatement sur les lieux, sous un abri précaire, afin d’utiliser les resources naturelles de la region auxquelles s’ajoute le rendement de hâtives cultures vivrìères enterprises sur les déblais mêmes du nouveau canal.” (Kinh Rạch Giá – Hà Tiên đã mang lại một cảnh quan đầy ấn tượng của một sự khẩn bách trên trái đất.  Năm ngoái chính tôi đã nhìn thấy trên công trường, nhiều thuyền buồm bản xứ chất đầy các gia đình người An Nam, súc vật, hành lý khiêm nhường, kiên nhẫn chờ đợi tiến trình nạo vét để định cư tức thời dưới nơi ẩn náu tạm bợ hầu khai thác các tài nguyên thiên nhiên trong khu vực.  Ngoài điều đó, họ đã canh tác trên mặt bằng mới của chính con kinh các loại mễ cốc sinh nhai ngắn ngày). Gouvernement Général de l’Indochine, Inspection générale des Travaux Publics, Dragages de Cochinchine, le canal de Rachgia à Hatiên, 1930; Extrait de livre vert de la Cochinchine 1933, 8p. (CAOM GGI-se 1612); Rapport de Carbon Ferrière communiqué aux administrateurs chefs des provinces de Rachgia et de Baclieu, 2 mai 1939: contestations foncìeres dans le Transbassac (CAOM INF 2502).

23. Theo một “sự so sánh Nam Kỳ trước khi có sự chinh phục và trong năm 1930” (ANVN-II GCD 3606, được trích dẫn bởi Nguyễn Thùy Dương, đã dẫn trên, trang 94), dân số của Rạch Giá đã gia tăng khoảng 130,000 trong thời khoảng giữa 1920 và 1930.

24. Vùng biên giới này kiểm kê được 13,000 người trong năm 1928; trong năm 1936, dân số tại Kiên Hảo kiểm kê được 50,864 người; Huỳnh Lứa, đã dẫn trên, trang 179; “Pupolation des cantons, densité de la population par province, superficie et nombre de subdivisions administrative des provinces de Cochinchine en 1936” (ANVN-II, TĐBCPNV E02-30).

25. Trong năm 1935, khoảng 2,000 gia đình đã định cư dọc theo bờ các con kinh Tri Tôn và Ba Thê [RST, Inspection du travail, process verbal de la Commission d’étude du problem de l’immigration tonkinoise en Cochinchine, du 14 octobre 1935 (ANVN-I, RST 76109)].

26. Ngô Thanh Tương (chủ biên), Nông dân Kiên Giang truyền thống đấu tranh cách mạng, Hội nông dân Việt Nam tỉnh Kiên Giang, Rạch Giá, 1992.

27. Báo cáo thanh tra tỉnh Rạch Giá, 1-3 tháng Sáu năm 1943 (CAOM GGI 65262); Theo “báo cáo kinh tế của tỉnh ngày 29 tháng bảy 1943” (ANVN-II, TĐBCPNV L4-5), có 1573 người lớn và 1515 trẻ em; bài viết được ấn hành trên tờ báo Indochine Hebdomadaire Illustré (no 147) nói vào khoảng 3,450 người.  Ít tuần lễ sau đó, 14 gia đình khác (10 từ tỉnh Thái Bình, 2 từ Nam Định và 2 từ Ninh Bình) đến định cư một cách tự nguyện.

28. Tác giả cũng dẫn chứng rằng “từ phong cảnh đến con người, mọi thứ xem ra rạng rỡ, hạnh phúc, dễ chịu.” (Nguyễn Hiến Lê, Hồi Ký, Nxb Văn Nghệ, TpHCM, 2001, trang 160).

29. Mai, từ Nam Thái Sơn nơi anh ta sinh ra (cha mẹ anh ta nguyên quán ở Trà Vinh và Châu Đốc) giải thích rằng người miền Nam nén đầm lầy xuống để dựng nhà, sau đó dùng cây tràm làm cột.  Người Bắc trước tiên đắp nền đất cao sau đó làm tường bằng hỗn hợp đất, rơm và rạ (phỏng vấn, ngày 18 tháng Năm 2004, tại Nam Thái Sơn).  Lý, người Việt gốc Hoa, sinh tại Tri Tôn năm 1933. Ông kết thúc bằng việc giải thích rằng người miền nam dùng dừa (dung ?) để dựng tường và mái nhà của họ.  Trong khi họ không nâng chiều cao căn nhà lên, họ đã làm sàn nhà bằng gỗ tràm (phỏng vấn, ngày 20 tháng Năm, 2004, tại Thị Trấn Hòn Đất).  Sơn, một di dân từ huyện Giao Thủy (Nam Định) xác nhận rằng cha của ông đã xây một căn nhà ba gian, dựng trên một nền đất đắp cao, với mái dừa và tường đất (phỏng vấn, ngày 20 tháng Năm, 2004, tại Thị Trấn Hòn Đất).  Ngày nay, chúng ta còn có thể nhìn thấy dọc các bờ kinh một số nhà hẹp được làm bằng gỗ hay đất chắc chắn được xây lên, ở các thời kỳ khác nhau, bởi người dân miền bắc Việt Nam.

30. “Hors de son pays, de son village, des disciplines qui lui sont familières, le Tonkinois perd ses qualités natives et, vite attaint de nostalgie, revient vers son foyer natal.  D’ailleurs, les meilleurs restent chez eux”. (Cách xa quê hương, làng xã, các khuôn khổ quen thuộc, người dân Bắc Kỳ đánh mất tất cả các tính chất bản gốc của mình và bị kích động bởi tình hoài hương, anh ta mau chóng quay trở về bản quán.  Ngoài ra, những người hay giỏi nhất ở lại quê quán của mình”, [RST, Inspection du travail no. 12607, letter du Résident supérieur du Tonkin au Gouverneur general de l’Indochine, 14 aout 1935 (CAOM GGI-se 1614).

31. Note du Gouverneur de Cochinchine no. 308 sur la colonization des terres incultes de la cochinchine par la main d’oeuvre tonkinoise, 15 octobre 1907 (ANVN, RND 3175); Note de l’inspecteur general des Travaux Publics, 4 juillet 1935 sur le problem de l’Immigration tonkinoise en Cochinchine (CAOM GGI-se 1614).

32. “Le sentiment religieux est à ce point vivace au pays annamite, qu‘il a toujours été le plus sérieux obstacle à ce déplacement des populations.  Le sentiment religieux fait préférer à cette humanité grouillante, la vie misérable sur une terre exigue, à l’abandon pour une existence plus large, de la terre des ancêtres”. (Cảm thức về tôn giáo thật cốt yếu tại An Nam đến nỗi nó luôn luôn là trở ngại nghiêm trọng nhất cho sự di cư dân chúng.  Cảm thức tôn giáo này khiến cho đám người nhung nhúc này ưa thích một cuộc sống khốn khổ trên mảnh đất chật chội hơn là từ bỏ đất tổ để đổi lấy một cuộc sống thoải mái hơn.) Grivaz, R., Aspects sociaux et économiques du sentiment religieux en pays annamite, Paris, Montchrétien, 1942, các trang 118-124; Khérian, G., “Esquisse d’une politique démographique en Indochine”, Revue Indochinoises juridique et économique, 1937 no. 2, các trang 5-44.

     Nói về một nỗ lực di dân khác tại Hà Tiên, Thanh Tra Eutrope đã viết: “Les difficulties qui ont été éprouvées et les raisons qui ont empêché les Tonkinois de se fixer en Cochinchine relevant entièrement de leur mentalité et de leur inaptitude au travail soutenu qui est indispensable chez un colon … Cet échec ne fait que confirmer l’insuccés de tentative de même nature effectués en Cochinchine et qui se sont heurtées aux difficulties d’adaptation morale et physique des indigènes du delta tonkinois au climat et aux conditions specials de la mise en valeur des terres en Cochinchine.” (Các sự khó khăn mà chúng ta gặp phải và các lý do đã ngăn cản dân Bắc Kỳ định cư tại Nam Kỳ lại vì tâm tư của họ và sự không thích hợp của họ trước sự khổ cực phải chịu đựng … Sự thất bại này xác nhận một nỗ lực tương tự khác tại Nam Kỳ đã thất bại vì sự không thích hợp về tinh thần và vật chất từ người bản gốc ở đồng bằng Bắc Kỳ với khí hậu Nam Kỳ và các tình trạng nông nghiệp cụ thể) [Lettre no 1495/it du Gouverneur de Cochinchine au Gouverneur Général de l’Indochine, Saigon le 9 novembre 1932 (ANVN-I GGI 254)].

33. Lettre de Maillard administrateur de Hatiên no. 103 au Gouverneur de Cochinchine, 16 novembre 1931 (ANVN-II dom 7924); Lotzer, L. E. et Wormser, G., La surpopulation du Tonkin et du Nord Annam: ses rapports avec la colonization de la peninsula indochinoise, Hanoi, IDEO, 1941.

34. Nhiêu, dân gốc Phạm Xá (Nam Định) giải thích rằng trong thập niên 1930, một số dân làng đi làm việc tại miền Nam.  Khi họ trở về, họ nói rằng rất dễ kiếm việc ở đó.  Để trồng trọt, người ta chỉ cần sới đất lên và gieo hạt giống.  Vào lúc này, đời sống tại Nam Định ngược lại thực sự khó khăn (phỏng vấn, ngày 20 tháng Năm 2004, tại Thị Trấn Hòn Đất).

35. Việc nghiên cứu các đình chùa nói chung (đình, miếu, đền, chùa) [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch] dọc theo kinh Tri Tôn chiếu rọi ánh sang vào mối quan hệ này.  Trong thực tế, chúng tôi nhận thấy các tín ngưỡng địa phương (thí dụ Bà Chúa Xứ, Nguyễn Trung Trực, các ngôi chùa nhỏ được dựng lên bởi một số các ông Đạo tu học ở núi Thất Sơn, sự hiện diện của neak ta [? tiếng Căm Bốt, không thấy giải nghĩa, chú của người dịch], các tín ngưỡng du nhập (Đình của dân di cư từ Nam Định để thờ Trần Hưng Đạo, Đình của dân di cư từ Thái Bình để thờ Đức Thánh Phụ, di tích nhà thờ và các ngôi mộ công giáo), và các đền miết khác tạo ra một tình trạng cộng sinh kỳ lạ của mọi tín ngưỡng này.

36. Télégramme d’État, cabinet du Gouverneur Général, Saigon, 29 décembre 1942, Gouverneur Général à Colonies, no. 1556 à 1562 (SHM fonds Decoux).

37. Các gia đình từ Nam Định định cư dọc theo các kinh số 1 đến 5, các gia đình từ Thái Bình từ kinh kế tiếp cho đến kinh thứ 10.  Trung tâm hành chính được đặt tại giữa kinh thứ 5 và thứ 6.

38. Thực cho hay rằng toán của ông trên kinh số 2 bao gồm 12 gia đình, toán của Tảng trên kinh số 4 bao gồm 22 người, toán của Trường trên kinh số 8 có 6 [gia đình?] và toán của Huân, trên cùng con kinh, gồm 15 gia đình.

39. Các nông dân Bắc Kỳ gọi hai loại quản đốc khác nhau này là “xếp phin” (hay “xếp kíp”) và “xếp cúp” [?] (hay “xếp rụp”[?]).  Mặc dù một số các kẻ cho tin bị nhầm lẫn, có vẻ là quản đốc thứ nhất phụ trách một toán, và loại quản đốc thứ nhì kiểm soát việc đào một con kinh.  Các tên gọi này chắc chắn là sự phiên âm hai thành ngữ của Pháp, “chef d’équipe” và “chef de groupe”.

40. Ông Huân bổ túc là con kinh có đáy rộng 2 mét, 4 mét ở giữa hai bờ kinh, sâu 1,5 mét.

41. Aubaret, đã dẫn trên, trang 94 (trong bản dịch của tác giả).

42. Hai, một cư dân tại làng Bình Sơn (trước khi xã Thổ Sơn được mở rộng bên bờ đối diện của kinh Tri Tôn) có bổ túc rằng vào mùa khô, dân chúng vào trong rừng, đến một địa điểm gọi là Cờ Trắng, để tìm nước uống.  Một giếng (well) khác tọa lạc giữa cầu Vàm Rầy và biển (phỏng vấn, ngày 19 tháng Năm, 2004, tại xã Bình Sơn).

43. Đốt cỏ và gieo hạt dưới hai lớp phủ bằng tro và đất được gọi là sạ tro bay [tiếng Việt trong nguyên bản, ND] (phỏng vấn với ông Tâm, tại xã Bình Sơn, ngày 19 tháng Năm, 2004).

44. Phỏng vấn với Lý và Lên, tại Thị Trấn Hòn Đất, tháng Năm, 2004; với ông Quang, tại Nam Thái Sơn, ngày 18 tháng 1 năm 2005).

45. Hiệu nhớ rằng giáo viên địa phương của họ có tên gọi là Tam [?] Thu.

46. Télégramme d’État, cabinet du Gouverneur Général à Colonies, Saigon, 2 mars 1944, no 10218-10224 (SHM fonds Decoux).

47. Tên bằng tiếng Căm Bốt gọi Rạch Giá là krâmu an sa có nghĩa chính xác là “sáp trắng: white wax”; tên Việt ngữ chỉ một rạch (arroyo) quanh đó mọc lên vô số một loại cây (giá).

48. Baurac, đã dẫn trên; Nguyễn Thùy Dương, đã dẫn trên, trang 33; về đồ gốm đặc biệt của Hòn Đất (cà ràng), xem: Trương Thanh Hùng, “Nghề nắn nồi đất ở Hòn Đất, Kiên Giang”, trong Phan Thị Yến Tuyết (chủ biên), Xóm nghề thủ công truyền [thống?] Nam Bộ, TpHCM, Nxb Trẻ, 2002, các trang 110-118.

49. Lến có nói rằng gỗ cũng được trao đổi lấy trái cây và rau được trồng bởi người Khmer bên sườn đồi.

50. Trường, dân gốc Thái Bình, nhìn nhận rằng mắm [tiếng Việt trong nguyên bản, ND] sản xuất tại máng [miệt?] ít có mùi nặng hơn mắm được sản xuất ở chung quanh (phỏng vấn với Hiệu, tại Thị Trấn Hòn Đất, ngày 18 tháng năm năm 2004, Trường, tại Nam Thái Sơn, ngày 4 tháng Mười năm 2004).

51. Khi xứ sở vẫn còn bị chia đôi thành hai nước, một cuộc nghiên cứu về kỹ thuật đã chia lãnh thổ  Việt Nam Công Hòa thành 5 khu thủy lợi:

Khu A: khu trồng lúa một vụ, bao gồm phần lớn các tỉnh “cũ” (Gia Định, Long An, Định Tường, Kiến Hòa, Vĩnh Biên [?Bình], Ba Xuyên, An Xuyên), bị ảnh hưởng bởi nước mặn.

Khu B: khu trồng lúa hai vụ, bao gồm các tỉnh Vĩnh Long, Sa Đéc, Cần Thơ, được tiếp xúc bởi tác động hỗn hợp của thủy triều ở biển và các cơn lụt từ sông Cửu Long.

Khu C: khu gieo hạt trực tiếp và lúa nổi (An Giang, Kiên Giang) bị lụt hàng năm bởi sông Cửu Long.

Khu D: các tỉnh miền Đông và Trung Phần Việt Nam, với các khó khăn về việc dẫn nước tưới tiêu và nạn lụt.

Khu E: khu cao nguyên với các khó khăn về việc dẫn nước tưới tiêu và bảo dưỡng thổ nhưỡng.

(Secrétariat d’État à l’agriculture, Républic du Viet Nam, Les travaux d’hydraulique agricole au Viet Nam, Saigon Ấn Quán, 1960, trang 9).

52. “Tôi nhận thấy rằng miền Nam thì không đồng nhất, đơn điệu, buồn bã như chúng ta có thể tưởng tượng khi nhìn thấy một trang bài trong một quyển sách địa dư … Chỉ ở miền tây [đồng bằng sông Cửu Long] là nơi có quá nhiều sự khác biệt từ khu này sang khu kia.” (Nguyễn Hiến Lê, Hồi Ký, Nxb Văn Nghệ TpHCM, TpHCM, 2001, trang 171).

53. Sử dụng chữ hán nôm [tiêng Việt trong nguyên bản, ND] để gọi con sông (Cửu Long, Nine Dragons) và châu thổ của nó (đồng bằng sông Cửu Long, sát nghĩa là đồng bằng của con sông chin con rồng thay vì châu thổ sông Cửu Long vốn chính xác hơn về mặt kỹ thuật) cần các sự giải thích làm sáng tỏ hơn.  Giả thuyết của tôi rằng sự sử dụng chữ hán nôm tượng trưng cho sự tại xác định và thiêng liêng hóa khu vực với các sự hàm ý của Khổng học và Đạo giáo. Địa danh học và địa lý lịch sử hãy còn cần nhiêu sự nghiên cứu tu chỉnh hơn.

54. Kể từ Cách Mạng Tháng Tám (1945), Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ được dùng thay cho Bắc KỳTrung Kỳ và Nam Kỳ để nói về Miền Bắc, Miền Trung và Miền Nam Việt Nam.  Miền đông Nam bộbao gồm vùng tọa lạc tại phía bắc thành phố Sàigòn đến Phan Thiết, miền tây Nam bộ bao gồm tất cả khu vực tọa lạc tại phía Nam của thành phố Sàigòn, vùng châu thổ sông Cửu Long to lớn.

55. Sơn Nam là một tác giải dài hơi nổi tiếng và được tán thưởng nửa thế kỷ nay bởi phần đông người Việt Nam.  Các tác phẩm của ông được tái bản nhiều lần và gần đây bởi Nhà xuất bản Trẻ (thành phố Sàigòn) trong toàn bộ của chúng.  Các sử gia cũng lượng định các tác phẩm của ông: ông Nguyễn Thế Anh đã mô tả ông ta như “nhà họa sĩ quen thuộc của đời sống hàng ngày […] tại châu thổ sông Cửu Long” (“le peintre habituel de la vie quotidienne […] dans le delta du Mekong”, điểm sách Miền Nam đầu thế kỷ XX.  Thiên Địa Hội và cuộc Minh Tân, BSEI, 1973-1, trang 761); Pierre Brocheux lượng định kiến thức thực nghiệm rộng lớn của ông được chống đỡ bởi một sự uyên bác phong phú.(“grande connaissance empirique, soutenue par une riche érudition” (thư tín cá nhân, 2004), ông Nguyễn Đình Đầu nhìn nhận phẩm chất các tác phẩm của ông ta dựa không chỉ trên các tài liệu lịch sử mà còn trên “trực giác và cảm giác ảnh hưởng đến nhiều người hơn” (“intuitions et des sentiments qui influencent advantage les gens de la société”, phỏng vấn, tại thành phố Sàigòn, ngày 1 tháng mười hai, năm 2004); Huỳnh Ngọc Trảng, đặc biệt là chuyên viên về văn chương bình dân giải thích rằng Sơn Nam đặt tác phẩm của ông chính yếu “trên ký ức của ông được hậu thuẫn bởi tài liệu.  Sự thẩm định của ông chứng minh một sự thông minh sáng chói, một kiến thức cụ thể về các điểm đặc thù của người dân miền nam.  Ông đề nghị với người đọc một cách nhìn các sự việc.  Hơn nữa, ông viết với một văn thể rất nam bộ (a very southern style), trong một cách rất hiện thực; ông đã tạo ra một lối viết văn rất cá biệt” (phỏng vấn, tại thành phố Sàigòn, tháng Một, năm 2005).

56. Tìm Hiểu đất Hậu Giang, Phù sa, Sàigòn, 1959.  Sơn Nam là sáng lập viên nhà xuất bản này (phù sa có nghìa alluvia, đất bồi) đã ấn hành các tác phẩm đầu tiên với tên tác giả là ông.

57. Đồng bằng sông Cửu Long hay là văn minh miệt vườn, An Tiêm, Saigon, 1970.

58. Có vẻ là Sơn Nam đã tìm được sự hứng khởi khi ông đọc vào giữa thập niên 1950 một bài viết được ấn hành trong tạp chí Pháp ngữ Géographia nói về “văn minh sông nước: riverine civilization” tại Amazonia.  Sơn Nam sau đó đã phiên dịch và thích dụng thành ngữ này vào sông Cửu Long.  Chúng tôi đang cố tìm kiếm bài viết này (phỏng vấn với Sơn Nam, tại Gò Vấp, tháng Mười Một, năm 2004 – tháng Hai, năm 2005).

59. Lê Quốc Sử, Những khía cạnh kinh tế của Văn Minh Kênh Rạch Nam Bộ, Nxb KHXH, Hà Nội, 1999.

60. Tác giả liệt kê: Văn minh sông nước, Văn minh kênh rạch, Văn minh miệt vườn, Văn minh lúa nước, Văn minh sông biển, Văn minh sông ngòi, Văn minh sông rạch, Văn minh kênh rãnh, Văn minh kênh đào.

61. Gouvernement de la Cochinchine no 308, Saigon, 15 octobre 1917: note sur la colonization des terres incultes de la Cochinchine par la main d’oeuvre tonkinoise (ANVN-I GGI 7706).

62. Thanh Tâm Langlet, art. cit.: bài viết đã dẫn, trang 265.

63. “La péninsule indochinoise a la forme d’un superbe sein don’t la Basse-Cochinchine serait le généreux bouton.  Ses vaisseaux sont chargés de  vie magnifiquement riche”, Viviès Albert, L’âme de la Cochinchine, Saigon, Portail, 1924, p. 16.

___

NguồnPascal BourdeauxReflections on the notion of the “riverine civilization” and on the History of the Mekong delta seen through some aspects of the settlement of the Village of Sóc Sơn (1920-1945), bài tham luận dọc tại kỳ hội thảo với chủ đề “Water in Mainland Southeast Asia” được tổ chức bởi Center for Khmer Studies (Phnom Penh) and the International Institute for Asian Studies tại Siem Reap, từ 30 tháng Mười Một đến 2 tháng Mười Hai, 2005.

***


PHỤ CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH:
                                                                                 
     Địa danh Nam Thái Sơn theo tác giả Tuệ Chương Hoàng Long Hải, bao gồm các di dân đến từ ba tỉnh Nam Định, Thái Bình và Sơn Tây chứ không phải chỉ từ hai tỉnh Nam Định và Thái Bình như tác giả Bourdeaux đã viết.  Xin giới thiệu đến người đọc loạt bài viết phong phú và sống động về vùng đất mới cực nam lành thổ Việt Nam này của tác giả Tuệ Chương, trong loạt bài nhan đề “Kể Chuyện Đánh Giặc Ở Quê Hương Ông Nguyễn Tấn Dũng”  (http://vantuyen.net/index.php?view=story&subjectid=19759).


“Trong năm 1924, một văn gia người Pháp, Albert Viviès có viết trong một giọng điệu rất khêu gợi rằng “Bán Đảo Đông Dương có hình dạng của một bầu vú đẹp đẽ và rằng Miệt Dưới Nam Kỳ sẽ là núm vú phong phú của nó.  Các mạch sữa của nó chứa đầy một cuộc sống sung túc”.  Ẩn dụ cá nhân này là sự bày tỏ hay nhất cho lòng cảm ơn của một dân chúng cần cù đối với mảnh đất nuôi dưỡng mình cũng như cho sức sống của toàn miền thường xuyên được tái tạo bởi dòng nước.”

Trên đây là phần kết luận của bài nghiên cứu về vùng đất cực nam của đất nước Việt Nam, sau khi tác giả đã ca ngợi nhà văn Sơn Nam như một kẻ tiên phong khai phá công cuộc nghiên cứu của điều mà ông gọi là Văn Minh Sông Nước Miền Nam

* Người dịch đã mượn thành ngữ lột tả tinh thần của vùng đất mới này làm nhan đề cho bài dịch, ngoài nhan đề của tác giả./-  



Ngô Bắc dịch
12/2/2009  

                                                                                                                                              
© 2009 gio-o.com






0 Comments:

Post a Comment



Bài đăng Mới hơn Bài đăng Cũ hơn Trang chủ


Khảo Sử trên Facebook