Đặng Hoàng Sang


Giở đọc lại từng trang sách sử để tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Châu Văn Liêm, chúng ta không thể không xúc động, cảm phục một tinh thần cách mạng triệt để, vì một lí tưởng cao đẹp, vì mục đích cuối cùng của chàng thanh niên trẻ tuổi luôn cống hiến cho nền độc lập tự do của nước nhà. Nói đến Châu Văn Liêm là nói đến một người thầy mẫu mực, một chiến sĩ cách mạng kiên trung, một tấm gương sáng ngời của trí thức cách mạng Việt Nam. Mặc dù cuộc đời hoạt động cách mạng quá ngắn ngủi, nhưng những đóng góp của đồng chí cho quê hương và đất nước thật là vĩ đại, luôn trường tồn với núi sông và trong lòng của mỗi người dân vùng Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung. Trong những đóng góp đó, chúng ta phải kể đến nhiều hoạt động giáo dục lòng yêu nước cho quần chúng nhân dân ở Nam Bộ (chủ yếu là ở Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp và Long An) trong những năm tháng chiến đấu quyết liệt với kẻ thù, chính điều đó đã góp phần tạo dựng nên một hình ảnh Châu Văn Liêm gần gũi với nhân dân và là một nhà trí thức cách mạng tiên phong trong phong trào quần chúng.
Lịch sử dựng nước và giữ nước lâu đời với những chiến tích vẻ vang, rất đáng tự hào của dân tộc đã tạo nên cho nhân dân ta truyền thống yêu nước cao quý. Truyền thống đó là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn cổ vũ và động viên con người Việt Nam vươn lên trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước. Đúng như Bác Hồ kính yêu đã từng nhận định : “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”[1]. Hiểu sâu sắc điều đó, nhà cách mạng tiền bối Châu Văn Liêm đã vận dụng sức mạnh tinh thần này vào những hoạt động của mình nhằm khơi dậy một tình cảm thiêng liêng vốn có từ ngàn xưa trong nhân dân.
Những năm đầu thế kỷ XX, giới sĩ phu cấp tiến thời bấy giờ như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Lương Văn Can,… đều có những hoạt động giáo dục lòng yêu nước cho nhân dân ta thông qua các phong trào cách mạng. Nhưng cuối cùng tất cả đều thất bại. Dân tộc ta lại phải gồng mình chịu đựng đến thập niên 20 của thế kỷ này, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bằng hoạt động cách mạng chân chính mới chọn đúng con đường cần phải đi cho dân tộc Việt Nam. Vào thời điểm trên, ở trong nước có rất nhiều những hình thức giáo dục lòng yêu nước như qua thơ văn, hoạt động nêu gương chiến sĩ yêu nước, hoạt động tuyên truyền qua các tổ chức cách mạng… Tuy nhiên, hoạt động giáo dục lòng yêu nước lúc bấy giờ gặp không ít khó khăn do bộ máy thống trị của thực dân ngày càng chặt chẽ và sự câu kết của chúng với tay sai để ra sức kiểm soát gắt gao các hành động cứu nước. Song, dưới ách nô dịch thực dân đã làm cho nhân dân ta càng hiểu rõ giá trị của độc lập tự do, đó là điều kiện thuận lợi cho hoạt động này. Nắm bắt được điều đó, Châu Văn Liêm giáo dục lòng yêu nước cho đồng bào cũng từ những hình thức trên.
Sau khi dạy học ở Trường tiểu học Long Xuyên được một năm, đầu năm học 1926 – 1927, thầy giáo Châu Văn Liêm chuyển về trường Long Điền, quận Chợ Thủ (nay thuộc tỉnh An Giang). Tại đây, Châu Văn Liêm đã dùng những kiến thức hiểu biết về đường lối cách mạng lồng vào các bài giảng văn hóa. Thầy còn quan hệ rất gần gũi với học sinh và quần chúng nhân dân để tuyên truyền tội ác của thực dân Pháp và bọn tay sai, giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống anh hùng, bất khuất chống áp bức bóc lột, ngoại xâm của dân tộc. Đồng thời, chính thầy là người đã vận động hợp nhất hai đội banh Mỹ Luông và Long Điền tạo sự đoàn kết cho bà con hai xã, không để cho bọn thực dân chia rẽ, lợi dụng. Điều này được nhà văn Nguyễn Quang Sáng kể lại qua cuộc đối thoại giữa cha nhà văn và Châu Văn Liêm như sau : “Đội bóng làng Mỹ Luông của ông và đội bóng làng Long Điền kế đó đối đầu nhau lâu dần thành... đối địch. Ông Châu Văn Liêm hoạt động chi bộ đầu tiên ở An Giang, đến gặp ông già tôi, hỏi : Tại sao vì chuyện đá banh mà để cho hai làng thù ghét nhau như vậy? Chi bằng gộp chung lại thành một đội mang tên ghép hai làng Mỹ Long, đội bóng của những người đoàn kết, yêu nước”[2].
Thầy giáo Châu Văn Liêm với tư tưởng tiến bộ do đã được tiếp cận một số sách báo cấp tiến nên lúc nào cũng mong muốn và khuyến khích học trò của mình học thật giỏi để có trí thức, hiểu biết mới không còn chịu cảnh đời nô lệ như tư tưởng của cụ Phan Châu Trinh. Thầy còn đọc cho học trò nghe một số bài thơ kêu gọi lòng yêu nước, ý chí chiến đấu kiên cường của tuổi trẻ, hoặc tố cáo và lên án cảnh bắt lính viễn chinh làm bia đỡ đạn thay cho bọn thực dân Pháp trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 – 1918) như :
“Tàu Tây ống khói bằng đồng,
Trách ai cưỡng bức bắt chồng tôi đi.
Đau lòng những nổi xiết chi,
Ngày đi thì có, ngày về thì không.”
Không những thế, thầy còn làm thơ và cho học trò ghi nhớ trong tiết học lịch sử để tự hào rằng dân tộc mình có văn hiến lâu đời :
“Sông Nhị, núi Nùng,
Nước bốn nghìn năm văn hiến.
Con thần cháu thánh,
Dân hai mươi triệu đồng bào.”
Với tư cách là thầy giáo và cũng là một thanh niên đang nhiệt huyết lòng yêu nước, Châu Văn Liêm đặt niềm tin và trách nhiệm cho lớp trẻ nghĩ về mình để xứng đáng là “giống Tiên, Rồng” :
“Thanh niên là rường cột nước nhà,
Bắc – Nam – Trung, con một nhà.
Tổ tiên ta giống Tiên, Rồng,
Dân Việt Nam phải yêu nước Việt.”
  Hay mỉa mai cảnh mê tín dị đoan của bọn quan chức trong làng :
“Nực cười lũ dạy lạy heo quay,
Cũng gọi rằng mình cúng đất đai.
Đèn sáp, lư hương trưng dãy trước,
Khăn đen, áo rộng bủa hàng hai.
Lễ sanh, nhạc xướng quỳ ‘hâng’, ‘bái’,
Hương chức khoanh tay lạy mọp dài.
Có phải thần tiên về đấy nhỉ?
Hay là lạy ấy, lạy… heo quay?”
Rõ ràng, Châu Văn Liêm là một trong số những chiến sĩ cách mạng đã biết dùng thơ làm vũ khí để biểu đạt tư tưởng, truyền bá lý tưởng của mình, đồng thời là “để khêu gợi, giáo dục niềm tự hào dân tộc cho đồng bào, đồng chí mình, nhất là thế hệ trẻ”[3]. Chính điều đó đã thấm vào trái tim người nghe, người đọc và làm cho một bộ phận không nhỏ học trò và người dân được thức tỉnh đi theo con đường đúng đắn.
Bên cạnh việc dùng những vần thơ để giáo dục lòng yêu nước cho nhân dân, Châu Văn Liêm còn tích cực hoạt động nêu gương yêu nước qua các nhà cách mạng lớn lúc bấy giờ nhằm gây dựng một phong trào quần chúng mạnh mẽ trong nhân dân.
Trong năm 1926, diễn ra một sự kiện có tiếng vang rất lớn đó là đám tang cụ Tây Hồ Phan Châu Trinh. Sự ngưỡng mộ của nhân dân đối với tấm lòng yêu nước của cụ Phan đã dẫn đến phong trào quần chúng trên toàn quốc diễn ra sôi nổi. Ngày 04/04/1926, ở Sài Gòn, đám tang được tổ chức với 14 vạn người tham dự do các nhóm chính trị như Đảng Thanh niên, Đảng Lập hiến chủ trương. Các cuộc lễ truy điệu Phan Châu Trinh được tổ chức trọng thể trên nhiều địa phương trong toàn quốc. Từ trong sự kiện này, tinh thần yêu nước của quần chúng được thức tỉnh, đặc biệt là các tầng lớp thanh niên, trí thức hướng tới những tổ chức cách mạng tiên tiến đang hình thành[4]. Hưởng ứng sự kiện lớn trên, Châu Văn Liêm đã có mặt trong lễ truy điệu Phan Châu Trinh tại Sài Gòn, nhằm góp phần cùng quần chúng nhân dân thể hiện tinh thần yêu nước, biểu dương lực lượng và đòi các quyền dân sinh dân chủ.
Sau khi trở về, Châu Văn Liêm đã tổ chức lễ truy điệu Phan Châu Trinh ở sân bóng Mỹ Luông. Với niềm thương tiếc và kính trọng nhà cách mạng dân chủ nên có rất đông người dân, trong đó có nhiều thanh niên, học sinh, giáo chức nghe tin đến dự. Trong lễ truy điệu, với giọng nói hùng hồn, thầy giáo Châu Văn Liêm ca ngợi tinh thần yêu nước và kêu gọi nhân dân noi theo tấm gương sáng để góp sức nhau đuổi bọn xâm lược ra khỏi bờ cõi đúng như mong ước cả đời hoạt động của cụ Phan. Giống như các nơi khác, “buổi lễ truy điệu đã biến thành cuộc tập hợp lực lượng biểu dương ý chí của nhân dân địa phương. Thực dân Pháp rất cay cú, nhưng không có lý do gì để đàn áp. Chúng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Lặng lẽ ghi tên Châu Văn Liêm vào “sổ đen” để theo dõi”[5]. Quả đúng như lời kêu gọi đồng bào toàn quốc vào tối ngày 24/03/1926, ngay sau khi cụ Phan qua đời : “Một dân tộc nào mà không biết tôn kính người ái quốc là dân tộc ấy không có lòng ái quốc”[6], Châu Văn Liêm đã cho bọn thực dân và tay sai Pháp biết thế nào là “lòng ái quốc” của người dân vùng Chợ Mới. Từ đây, Châu Văn Liêm từng bước trưởng thành trong phong trào quần chúng, nhờ đó dễ dàng đưa quần chúng vào đấu tranh và có thể thức tỉnh lòng yêu nước và nguyện vọng sâu xa là giải phóng dân tộc của nhân dân.
Để có thể tập hợp quần chúng, nhất là tầng lớp trí thức, Châu Văn Liêm đã kêu gọi và thành lập nên “Hội giáo viên, học sinh yêu nước” ở Long Xuyên giữa năm 1926, tham gia vào Hội có Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Cưng, Trần Văn Thạnh,… cùng hoạt động thành một nhóm thanh niên yêu nước. Đến tháng 09/1926, Châu Văn Liêm cùng các đồng chí của mình về Ô Môn (Cần Thơ) họp bàn và thành lập“Việt Nam phục quốc Đảng” nhằm tập hợp những người yêu nước có cùng chí hướng. Hội đề ra nhiệm vụ xây dựng quỹ để nuôi một số người cốt cán đi hoạt động chuyên nghiệp, lựa chọn ra số hội viên tốt sửa soạn cho xuất dương học chính trị, quân sự và tìm cách kiên lạc với các đoàn thể cách mạng Việt Nam ở nước ngoài.
Để mở rộng địa bàn hoạt động, Châu Văn Liêm đã cùng bạn bè bỏ tiền để mở tiệm thuốc kết hợp với bán tạp hóa ở Thới Lai lấy tên là Việt Hưng Đường. Với hình thức này, một mặt có thể tự túc về mặt tài chính, mặt khác dễ dàng truyền bá sách báo tiến bộ theo khuynh hướng cách mạng nhằm động viên lòng yêu nước trong đồng bào quê nhà. Nhờ vào sự giúp đỡ của nhân dân địa phương, chỉ trong thời gian ngắn “Việt Nam phục quốc đảng” đã có cơ sở hoạt động và ảnh hưởng rộng ra các địa bàn xung quanh như Long Xuyên, Sa Đéc,… góp phần bênh vực quyền lợi cho giáo chức, học sinh bản xứ, chống lại sự áp bức của bọn thực dân và tay sai.
Tháng 02/1928, Tỉnh bộ Thanh niên cách mạng đồng chí hội tỉnh Long Xuyên (An Giang) được thành lập do đồng chí Châu Văn Liêm làm Bí thư. Tỉnh bộ đặt tại tiệm may Mỹ Quang (nay là căn nhà số 16, đường Phạm Hồng Thái, phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên). Vừa đảm nhận cương vị mới, Châu Văn Liêm đã kêu gọi và hình thành các tổ chức lợi dụng hình thức công khai nhằm tập hợp đông đảo quần chùng yêu nước như : Hội thể thao Mỹ Luông – Long Xuyên, Hội nông dân, Hội cạo gió, Hội thợ dệt, Hội thợ mộc, Nghiệp đoàn thợ bạc,… Ngoài ra, đồng chí còn đặc trách lớp huấn luyện chính trị tại tỉnh lị Long Xuyên và Lấp Vò. Tài liệu chủ yếu là cuốn “Đường kách mệnh” của đồng chí Nguyễn Ái Quốc và điều lệ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Vốn có kinh nghiệm sư phạm, đồng chí Bí thư giảng chính trị hấp dẫn, giúp học viên nắm chắc được nội dung. Bằng lời lẽ ngắn gọn, đủ ý Châu Văn Liêm đã truyền đến mọi người niềm tin vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc nhất định thắng lợi[7].
Cuối năm đó, đồng chí cáo bệnh không dạy học ở Long Xuyên nữa sang Sa Đéc (Đồng Tháp) cùng với một số người bạn[8] mở trường tư thục “Sa Đéc học đường”. Trường gồm 9 căn với khoảng 300 học sinh làm nơi liên lạc với các đồng chí trong tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội như Hà Huy Giáp, Nguyễn Kim Cương,… và làm cơ sở công khai để hoạt động cách mạng. Qua hai khóa học, “Sa Đéc học đường” đã đào tạo, bồi dưỡng được nhiều học sinh có lòng yêu nước, là một nơi đào tạo nhân tài ở miền Nam, một “Đông kinh nghĩa thục kiểu mới” qua những tiết giảng đậm xu hướng tiến bộ mang tinh thần dân tộc sâu sắc. Châu Văn Liêm không trực tiếp dạy học ở trường mà dành thời gian đi tổ chức các cơ sở cách mạng, lãnh đạo nông dân tập dượt trong các cuộc đấu tranh biểu tình ở kéo lên quận lỵ Chợ Mới đòi giảm thuế, phản đối làm xâu. Đồng thời, đồng chí về quê nhà ở Ô Môn bí mật mở các lớp huấn luyện cho thanh niên yêu nước lý tưởng cách mạng ở các làng : Thới An, Thới Thạnh, Thới Lai, Thới Thuận,…
Từ năm 1929 – 1930, Châu Văn Liêm tiếp tục hoạt động cách mạng từng đảm đương Bí thư An Nam cộng sản Đảng, một trong 7 đồng chí sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, là người lãnh đạo trực tiếp cuộc biểu tình ở Đức Hòa (Long An) ngày 04/06/1930 và anh dũng hy sinh tại đây với câu nói bất hủ : “Đừng sợ chết! Chục này còn chục khác! Trăm này còn trăm khác” vẫn còn vang vọng mãi đến ngày hôm nay.
Có người nói : “Lịch sử là cô giáo của cuộc sống”, vì vậy nghiên cứu lịch sử để rút cho mình những bài học kinh nghiệm trong đối nhân xử thế, trong học tập, lao động, xây dựng đất nước là điều hết sức cần thiết. Bài học từ lịch sử về giáo dục lòng yêu nước trong quần chúng nhân dân mà đồng chí Châu Văn Liêm từ trong hoạt động thực tiễn cách mạng đã để lại cho chúng ta hôm nay thật sâu sắc. Chính nó đã biến thành sức mạnh “dời non lấp biển” để nhân dân và dân tộc Việt Nam luôn vững vàng, hiên ngang trước mọi uy lực tàn bạo của các thế lực cường quyền và đập tan mọi mưu toan xâm lược. Máu đào của bao thế hệ người Việt Nam đã đổ xuống thấm vào đất cho cây Độc Lập trụ vững và nước mắt đã thấm vào cây cho hoa Tự Do khoe sắc. Thấm nhuần ý nghĩa và giá trị cao cả ấy thế hệ con cháu hôm nay luôn nhớ về người thầy mẫu mực, nhà cách mạng kiên trung Châu Văn Liêm để không bao giờ hững hờ với quá khứ, dửng dưng với lịch sử và có cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn những thành quả cách mạng vĩ đại mà ông cha ta giành được trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.




[1] Hồ Chí Minh : Toàn tập, tập 6, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1986, tr.,36.
[2] Nguyễn Thị Ngọc Hải : Nhà văn Nguyễn Quang Sáng : Nghề viết văn, không tập trung là thua, Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần. Dẫn theo vietnamnet.vn, cập nhật ngày 04/08/2012.
[3] Vũ Lân – Phương Hạnh : Châu Văn Liêm, cuộc đời và sự nghiệp, Nxb Chính trị quốc gia, Tỉnh ủy Cần Thơ, 1995, tr.,59.
[4] Dương Trung Quốc : Việt Nam những sự kiện lịch sử (1919 – 1945), Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2005, tr.,107.
[5] Vũ Lân – Phương Hạnh : Châu Văn Liêm, cuộc đời và sự nghiệp, sđd, tr.,20.
[6] Dẫn theo Trần Nam Tiến : 100 sự kiện lịch sử Việt Nam trong thế kỉ XX, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2008, tr.,69.
[7] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang : Bí thư tỉnh ủy An Giang qua các thời kỳ (1927 – 1930), Ban Tuyên giáo tỉnh ủy An Giang xuất bản, 2012, tr.,14.
[8] Theo Hồi ký của Hà Huy Giáp : “Trường do sáng kiến của đồng chí Châu Văn Liêm hùn vốn với các đồng chí Lương Nguyễn Kiều, Trần Kim Giáp và Trần Nhật Tân nhằm làm tài chính cho đoàn thể và nơi liên lạc của đoàn thể”. Xem Hà Huy Giáp : Đời tôi những điều nghe, thấy và sống, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.,55. 

0 Comments:

Post a Comment



Bài đăng Mới hơn Bài đăng Cũ hơn Trang chủ


Khảo Sử trên Facebook