PGS.TS. Đoàn Minh Huấn
Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Khu vực I
 
Toàn cầu hóa là một trong những đặc trưng nổi bật của nhân loại diễn ra mạnh mẽ, gấp gáp trong vài thập niên gần đây. Về mặt kinh tế, nếu như ở thời kỳ trước đây các luồng dịch chuyển tư bản, lao động, hàng hóa, dịch vụ chủ yếu diễn ra trong phạm vi của từng đế chế hoặc từng khu vực phân chia phạm vi ảnh hưởng dựa trên ý thức hệ, thì toàn cầu hóa lại được quản trị bởi các định chế toàn cầu, không phân biệt quốc gia thành viên lớn hay nhỏ, không phân biệt phạm vi ảnh hưởng của đế chế này hay đế chế khác. Về mặt chính trị - an ninh, nếu như trong thời kỳ trước đây quan hệ giữa nước lớn và nước nhỏ thường là quan hệ tương đối "đóng" trong phạm vi ảnh hưởng của từng đế chế với quyền lực chi phối của nước lớn đối với nước nhỏ, nước chính quốc và nước thuộc địa/phụ thuộc thì trong toàn cầu hóa quan hệ giữa các nước được thúc đẩy theo hướng đa phương hóa. Do đó, toàn cầu hóa đang làm mờ dần vách ngăn giữa các quốc gia, giữa các đế chế, giữa các khu vực thuộc các ý thức hệ khác nhau. Toàn cầu hóa không chỉ là sự dịch chuyển hàng hóa mà cả dịch vụ; không chỉ vốn tài chính mà cả vốn phi tài chính; không chỉ các nguồn lực hữu hình - phi nhân tạo mà cả nguồn lực vô hình - nhân tạo... Điều này đặt ra rất nhiều vấn đề cần quan tâm trong nghiên cứu lịch sử dân tộc, lịch sử thế giới, lịch sử quan hệ quốc tế, dưới đây nêu lên một vài suy nghĩ bước đầu:
1. Tình trạng bất cân xứng quyền lực tri thức[1] giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển trong quá trình toàn cầu hóa tác động rất lớn đến nghiên cứu lịch sử và xã hội hóa kết quả nghiên cứu lịch sử. Tình trạng bất cân xứng quyền lực tri thức diễn ra ở các cấp độ: dữ liệu - lịch sử, thông tin - lịch sử, tri thức - lịch sử đến luận lý - lịch sử. Các nước phát triển thường chiếm dụng nhiều nguồn dữ liệu - lịch sử, không chỉ nhờ khả năng lưu trữ, khai thác thông tin cũng như chiếm hữu nhiều văn khố thời kỳ xâm chiếm thuộc địa trước đây, mà còn nhờ phương pháp tiếp cận có khả năng khai thác các dữ liệu bất thành văn ở các quốc gia đang phát triển, nhất là các quốc gia còn ở giai đoạn tiền cấu trúc[2]. Thông tin lịch sử và tri thức lịch sử càng bất đối xứng nghiêm trọng hơn khi các nước phát triển sở hữu trong tay các định chế truyền thông, tạp chí, nhà xuất bản mang "tiêu chuẩn quốc tế" (mà khoa học xã hội lại rất khó kiểm định thế nào là "tiêu chuẩn quốc tế") có quyền lực phát tán ở cường độ mạnh, phạm vi rộng. Trong khi người ta nói nhiều đến quyền tự do báo chí, truyền thông, nhưng có một thực tế ngược lại là các định chế truyền thông trên thế giới ngày càng tích tụ cao hơn. Thông tin do các định chế truyền thông như BBC, CNN, VOA, NHK,... tung ra gần như trở thành nguồn chính thống, được truyền thông các nước khác dẫn lại mà thôi. Hoặc xuất bản phẩm muốn đạt được tiêu chuẩn "hội nhập" thì cũng phải đăng tải trên các tạp chí hoặc nhà xuất bản với các bộ "tiêu chuẩn quốc tế" do các nước phát triển đặt ra. Mà muốn hội nhập thì các nhà nghiên cứu thuộc thế giới thứ ba phải oằn mình, uốn mình theo các tiêu chí "phát triển" đó. Điều đó dễ gạt ra ngoài lề nền khoa học thế giới những sản phẩm của các nhà khoa học thuộc thế giới thứ ba vốn sử dụng các phương pháp nghiên cứu cổ điển, do bị đánh giá là không phù hợp "tiêu chuẩn hội nhập". Nó cũng đẩy các nhà khoa học này rơi vào trạng thái tự ti, cản trở hội nhập. Mặt khác, bất cân xứng về thông tin lịch sử, về tri thức lịch sử, về luận lý lịch sử đã không thúc đẩy quá trìnhđa tuyến hóa kết quả nghiên cứu, mà thay vào đó là đơn tuyến hóa. Các nước đang phát triển luôn bị áp chế bởi thông tin, tri thức, luận lý do một số trung tâm truyền tin hoặc phát ngôn "chân lý", các nước đang phát triển chỉ có thểtiếp nhận một cách thụ động, mà phủ trùm lên trên là luận lý "phát triển" kiểu phương Tây. Các tập đoàn truyền thông đa phương tiện với vai trò độc quyền của nó hỗ trợ rất đắc lực cho sự định hình nên các siêu - đế chế tri thức. Bất cân xứng về quyền lực tri thức buộc giới nghiên cứu các nước đang phát triển muốn vượt lên cái truyền thống phải sử dụng đến các thông tin, tri thức, luận lý được phát kiến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, think tank của các nước phát triển mà ở đó luôn đan gài tinh vi lợi ích của họ. Còn các nước đang phát triển thường thụ động tiếp nhận các lý thuyết này, có vai trò nhất định trong hiện đại hóa nền khoa học, nhưng đó là hiện đại hóa theo khuôn mẫu của các nước "phát triển". Do đó, không có gì làm lạ khi các nước phát triển muốn tạo quyền lực ảnh hưởng của mình đối với các nước đang phát triển thì con đường ngắn nhất và sâu sắc nhất là tài trợ cho giáo dục đại học và sau đại học, vì qua đó hình thành giới tinh hoa gắn với lý thuyết "phát triển" do các nước tài trợ phát kiến, khởi xướng.
2. Chủ quyền quốc gia gắn với thẩm quyền trong đường biên giới (biên giới lịch sử hoặc biên giới pháp lý) vốn là một căn cứ cho nghiên cứu lịch sử dân tộc đang dần được bổ sung thêm những cứ liệu mới do toàn cầu hóa mang lại. Hay nhiều người thường phân biệt giữa chủ quyền quốc gia truyền thống và chủ quyền quốc gia phi truyền thống. (i) Xét về mặt quản trị quốc gia, nếu như trước đây đóng vai trò độc tôn là các nhà nước dân tộc thì ngày nay còn có sự tham gia của các định chế đa phương với hoạt động "quản trị toàn cầu" (global governnance), từ chính trị - an ninh, văn hóa, xã hội đến tài chính[3], với sự can dự vào chủ quyền quốc gia truyền thống. Một quốc gia nào đó trước đây có thể tự mình ban bố các chính sách riêng vì quyền lợi dân tộc, thì ngày nay cần tham vấn, xem xét các luật lệ quốc tế do các định chế đa phương sắp đặt, nhất là các tiêu chuẩn về "phát triển", "tự do hóa" và "nhân quyền". Chính phủ một quốc gia này định giá bản tệ có lợi cho mình trong cán cân thanh toán quốc tế, xuất khẩu hàng hóa - dịch vụ, đe dọa lợi ích quốc gia khác, có thể phải đối mặt với sự trừng phạt. Một chính phủ nào đó sử dụng các biện pháp vũ lực đối với người dân đấu tranh bất bạo động có thể sẽ bị các định chế đa phương can thiệp, thậm chí đưa cả nhà cầm quyền ra tòa án quốc tế, như trường hợp các lãnh đạo Nam Tư trước đây hoặc Libi hiện nay. Đó là chưa kể vai trò của các tổ chức phi chính phủ xuyên quốc gia đóng vai trò ngày càng lớn trong quản trị phát triển toàn cầu. Đường hướng và chính sách quốc gia ngày nay cần thiết phải tham vấn quốc tế, hạn chế tối đa mâu thuẫn và không được đối lập với các cam kết quốc tế, phải chấp nhận các tiêu chuẩn và giá trị phổ dụng trong quá trình hội nhập. (ii) Xét về mặt kinh tế, với các hiệp định tự do thương mại đa phương và song phương, biên giới giữa các quốc gia về phương diện kinh tế gần như rất mờ nhạt, mà nhiều nước vốn dựa vào lợi thế xuất khẩu tư bản thì đóng góp tỷ trọng lớn trong GNP (Gross National Product) lại là giá trị tạo ra ngoài lãnh thổ quốc gia. (iii) Về mặt an ninh sinh tồn, những nước có khả năng cao nhất trong bảo vệ chủ quyền, độc lập chính lại là những nước đan gài được nhiều lợi ích của các quốc gia khác và lợi ích toàn cầu trên đất nước mình. Ngược lại, càng biệt lập càng đối diện với nguy cơ mất độc lập, chủ quyền, chịu sự can dự của nước này hay nước khác dưới những hình thức khác nhau. (iv) Về mặt văn hóa, toàn cầu hóa văn hóa đang làm cho sản phẩm văn hóa của quốc gia này được quốc gia khác sử dụng phổ biến hơn, ít bị ngăn cản bởi các rào cản địa lý, đạo đức, phong tục tập quán, đặc biệt được sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông hiện đại càng đẩy nền văn hóa các dân tộc trước những thách thức mới.
Điều này đặt ra nhận thức mới khi nghiên cứu lịch sử, nhất là giải quyết mối quan hệ giữa lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới, lịch sử chủ quyền quốc gia truyền thống và lịch sử chủ quyền đa phương (phi truyền thống)
3. Di dân xuyên quốc gia với số lượng ngày càng lớn, tính chất phức tạp hơn, đặt ra nhiều vấn đề đáng lưu ý về phương diện nghiên cứu lịch sử. Người nhập cư vào châu Âu ngày càng lớn, tỷ lệ người bản địa ngày càng giảm sút trong tổng dân số, do lão hóa và giảm sinh. Trong khi đó người nhập cư từ châu Á, châu Phi lại có tỷ suất sinh cao hơn, cho nên, nhiều nhà nghiên cứu còn cảnh báo cán cân tộc người sẽ thay đổi trong mấy thập niên tới ở nhiều quốc gia châu Âu. Điều này sẽ dẫn tới những thay đổi bức tranh tộc người các dân tộc châu Âu, nếu không cải thiện tỷ suất sinh của cư dân bản địa và dựng lên rào cản với dòng người nhập cư. Vì thế, khái niệm tộc người thiểu số(ethnicminorities) ở châu Âu thường được sử dụng rất phổ biến cho các nhóm người nhập cư từ châu Á, châu Phi, nhưng trong tương lai có thể họ sẽ trở thành tộc người đa số. Di dân xuyên quốc gia còn giúp các nước đang phát triển nhận được một lượng kiều hối - mà giá trị của chúng được tạo ra từ ngoài lãnh thổ - nhiều khi còn lớn hơn cả giá trị gia tăng sản xuất quốc nội. Di dân xuyên quốc gia cũng là một kênh qua đó phát tán văn hóa dân tộc đến các quốc gia khác trên thế giới. Điều này đòi hỏi những người nghiên cứu lịch sử dân tộc không thể không cân nhắc đếnnhóm cư dân bản địa xuyên quốc gia đang đóng góp cho quốc nội và nhờ đó mở rộng "biên giới mềm" của dân tộc trên trên thế giới. Nhiều quốc gia đã cân nhắc đến hình thức hai quốc tịch cho nhóm cư dân này, kể cả tham gia vào nghị viện, càng làm cho lịch sử các tiến tình chính trị thêm sinh động. Lịch sử nhân loại đã từng chứng kiến các cuộc dịch chuyển dân cư thay đổi lịch sử quốc gia - dân tộc, như quá trình hình thành các thuộc địa di dân, quá trình hồi cư phục quốc của người Do Thái. Đối với lịch sử Việt Nam, vai trò, vị trí của người Việt Nam ở hải ngoại (di cư tạm thời hoặc di cư vĩnh viễn) đối với sự phát triển quốc gia - dân tộc ngày càng phải được nhận diện thấu đáo hơn. Đóng góp của cộng đồng này không chỉ ở dòng kiều hối, ở phát tán văn hóa, ở quá trình tộc người, mà cả những thành quả lao động khác của họ đối với tiến tình lịch sử Việt Nam (khoa học, văn hóa, truyền giáo ngược, đối ngoại nhân dân, cầu nối giữa Việt Nam với thế giới thời kỳ hội nhập...). Trong đó riêng đóng góp về khoa học xã hội và nhân văn, văn hóa - nghệ thuật, rất cần có những đánh giá công bằng, nhất là khi mà các nghiên cứu trong nước còn bị giới hạn do cách tiếp cận, nguồn tư liệu cũng như nhiều rào cản khác.
4. Tự do hóa thị trường được mở rộng quy mô và định chế hóa thông qua các hiệp định mậu dịch tự do đa phương, song phương, từng bước phá vỡ biên giới kinh tế giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ. Với những quốc gia có khối lượng xuất khẩu tư bản lớn, nhiều khi tài sản thặng dư tạo ra ngoài lãnh thổ quyết định chiều hướng tăng trưởng kinh tế quốc nội, vì thế càng ra sức tìm cách thúc đẩy tự do hóa thị trường toàn cầu. Xã hội hóa tư bản thông qua nhiều định chế tài chính phi ngân hàng là dấu hiệu mới với việc mua bán chứng khoán, trái phiếu chính phủ,... làm cho nhiều nhà nước dân tộc giảm quyền định đoạt chủ quyền kinh tế. Thậm chí khủng hoảng 2008 - 2010 đã cho thấy không còn là khủng hoảng chu kỳ như trước đây mà đã chuyển thành khủng hoảng cấu trúc khi bị sự lũng đoạn của hệ thống tài chính phi ngân hàng xuyên quốc gia với cổ phiếu được bán đi bán lại vòng vèo từ quốc gia này sang quốc gia khác, từ tay người này sang người khác vượt giá trị thật của nó hàng trăm lần; khi nguồn tài sản quốc gia dưới dạng các cổ phiếu ngày ngày càng được xã hội hóa, toàn cầu hóa vượt ra ngoài tầm kiểm soát bằng các hình thức và thể chế truyền thống của các chính phủ. Các cơ cấu đó ký sinh và cộng sinh vào nhiều nền kinh tế dân tộc, vừa có ý nghĩa thúc đẩy tăng trưởng trước mắt, vừa phá vỡ các yếu tố nền tảng kinh tế khẳng định chủ quyền quốc gia. Vì thế, một quốc gia này bị khủng hoảng đã kéo theo khủng hoảng của khu vực hoặc toàn cầu. Một hiện tượng khác cũng đáng chú ý là việc Trung Quốc mua cổ phiếu của Chính phủ Mỹ với một tài sản khổng lồ (khoảng 800 tỷ USD), làm cho an ninh kinh tế Mỹ bị đe dọa nếu số tài sản đó bị bán tháo ra thị trường thế giới. Ngược lại, Trung Quốc cũng phải cuốn theo lối chơi của Mỹ khi khối tài sản khổng lồ của chủ nợ bị gắn liền với vận mệnh của con nợ. Đó là chưa kể nền kinh tế tri thức đã làm xuất hiện một khối lượng tài sản vô hình rất khó kiểm định bằng giá cả trên thị trường. Khối tài sản vô hình đó được bảo hộ bằng luật sở hữu trí tuệ, rồi được mua bán vòng vèo từ quốc gia này sang quốc gia khác rất khó kiểm soát, nhận dạng.
Tóm lại, toàn cầu hóa đang thúc đẩy những người nghiên cứu lịch sử dân tộc, lịch sử thế giới, lịch sử quan hệ quốc tế cần có cách tiếp cận mới. Miền giao thoa giữa lịch sử dân tộc với lịch sử thế giới ngày càng doãng rộng hơn. Thách thức của toàn cầu hóa đối với nhà nước dân tộc, với chủ quyền quốc gia cũng chính là những thách đố mới đặt ra đối với những người nghiên cứu lịch sử đương đại.



[1] Khái niệm "tri thức" ở đây được sử dụng theo nghĩa rộng, phân biệt với tri thức sử dụng theo nghĩa hẹp như tri thức lịch sử, tri thức địa lý...
[2] Tiền cấu trúc là khái niệm chỉ giai đoạn chưa xuất hiện giai cấp, nhà nước, đô thị, chữ viết.
[3] Liên Hợp quốc (UN) như một định chế chung, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với một định chế đảm bảo quyền bình đẳng giữa các quốc gia trong trao đổi hàng hóa - dịch vụ, các định chế tài chính quốc tế (WB, IMF, ADB) với những can dự phát triển đối với các nước gắn với tài trợ vốn, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) với các can dự vào quản trị di cư xuyên quốc gia, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) với các chế định về quyền của người lao động theo tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế,...

Nguồn

0 Comments:

Post a Comment



Bài đăng Mới hơn Bài đăng Cũ hơn Trang chủ


Khảo Sử trên Facebook